TIN TỨC

Thọt | Hàn Dinh

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-08-01 05:59:37
mail facebook google pos stwis
429 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

HÀN DINH

- Ê cậu tên gì?

- Tớ không biết tên mình là gì nữa! Nhưng mọi người hay gọi tớ là “Thọt”.

- Sao nghe tên cậu xấu xí thế?

- Uhm tớ cũng chẳng rõ nữa, nhưng từ lúc “bị nạn” tới giờ, mọi người gọi tớ như thế. Mà tớ cũng chẳng hiểu tại sao họ lại gọi tên tớ là Thọt, mà tên thọt là sao vậy cậu?

- Ah! Thọt là do cậu bị què một chân nên đi “cà thọt” đó.

Ra là thế! Thì ra cái tên của nó xuất phát như vậy. Thì ra nó giống ông.

*

Nó không biết mẹ mình là ai. Có lẽ từ lúc được sinh ra trên cõi đời này, nó đã không có được may mắn đó. Nó còn nhớ lúc nó mới nhìn thấy những thứ xung quanh, nó đã bị bọn trẻ trong Xóm Chài hành hạ. Bọn trẻ ấy bắt gặp nó ngoài triền đê, cùng với những anh chị em của nó, nhưng vì màu lông của nó đen ngòm, khác hẳn các anh chị em nó, có lẽ vì vậy mà nó trở thành trò tiêu khiển cho bọn trẻ. Cũng khởi đi từ những giây phút đáng sợ ấy, cuộc sống của nó bắt đầu.

Nó không thích bị đem ra làm trò tiêu khiển, nên nó cứ lầm lũi trốn trong các hốc đá của triền đê, thế nhưng cuộc đời chẳng như nó mong đợi. Bao giờ nó cũng bị bọn trẻ tóm được, và thế là những giây phút kinh hoàng đó lại bắt đầu. Nó trở thành quả bóng cho bọn trẻ chuyên tay nhau. Bọn trẻ Xóm Chài thích kéo đuôi nó. Nhiều lúc đau đến phát cáu, nó nhe nanh gầm gừ, nhưng chẳng ăn thua. Lúc đó nó nhớ bọn trẻ gọi tên nó là Mực. Nhiều lúc đau, nó gầm gừ nhưng lại bị ăn ngay một đá của đứa mập nhất trong bọn, thế là bị văng đi mấy vòng. Nó đau. Nó sợ. Nó thấy bọn trẻ đi bằng hai chân, không giống như nó, phải đi bằng bốn chân. Nó nghe mấy bác chó hoang cũng trú ngụ ngoài triền đê gọi bọn trẻ ấy là con người.

Nó ghét cay ghét đắng bọn trẻ, nhưng nó không ghét con người. Bọn trẻ Xóm Chài thì nghịch và “tàn nhẫn” với nó. Nhưng có một người đàn ông ngày nào cũng mang đồ ăn cho anh em chúng nó. Nó thấy người đàn ông tốt bụng ấy hằng ngày đi đâu từ sáng sớm tới trưa mới về, mang cho anh em chúng nó ít đồ ăn, rồi lại đi, đến tối lại về, lại mang đồ ăn cho chúng nó. Cứ thế nó lớn dần. Nó thấy người đàn ông đó cũng như nó, cũng thích ngủ nơi triền đê, không vào trong xóm như những người khác. Nó tò mò không biết hằng ngày người đàn ông ấy đi đâu, có lẽ ông vào chỗ mà người ta hay gọi là “Xóm”.

Một hôm, nó tò mò nên đánh liều đi theo. Nó thấy ông vào một khu đông đúc người qua lại, ồn ào, nhộn nhịp, đôi lúc còn có tiếng hò hét giống như lúc đám trẻ vuốt đuôi nó rồi phấn khích cười ầm lên khi thấy nó cáu giận. Sau này nó mới biết đó là nơi hội họp trao đổi buôn bán hàng hóa mà con người gọi là chợ. Nó thấy người đàn ông tốt bụng ấy khó nhọc đi tới ngồi xuống bên một góc chợ. Ô! Nó bất ngờ. Lại là bọn trẻ ấy. Chúng nó thấy ông ngồi xuống liền vây quanh ông. Một hình ảnh mà nó đã quá sợ hãi. Bọn ấy lại hùa nhau chọc ông. Nó thấy thằng béo nhất bọn lấy đi mất cái gậy của ông, rồi bọn đấy hùa nhau cười ầm:

Nghe vẻ nghe ve

Nghe vè ông kẹ

Người đâu toàn ghẻ

Một chân bị què

Suốt ngày nhăm nhe

Vài ba con cá

Đem về cho má

Bỏ nấu canh chua

Cái đầu húi cua

Trông mặt bặm trợn

Sẹo to sẹo lớn

Trông mà phát ghê

Ghê ghế ghề ghê…

Đọc xong bọn ấy cười phá lên rồi bỏ chạy đi mất. Chỉ để lại cây gậy nằm chòng queo trên mặt đất. Có chị hàng cá thấy vậy đến nhặt lên giúp ông. Ông cảm ơn rồi lại co ro ngồi xuống. Thì ra bấy lâu nay, những con cá nướng ngon lành mà ông mang về cho anh em chúng nó là ông đi xin được. Nó nấp sau một góc khuất nhìn ông. Đúng là khuôn mặt ông không giống người bình thường, nhiều vết lồi lên. Chân ông cũng không như người khác, chỉ có một chiếc. Ông di chuyển nhờ chiếc gậy đi theo. Ông không làm lụng gì được, chỉ sống tạm bợ qua ngày nhờ tình thương của những người xung quanh. Và anh em chúng nó cũng may mắn sống sót nhờ tình thương của ông - người có khuôn mặt đầy sẹo.

Hàng ngày nó vẫn cứ lẽo đẽo theo ông. Ông biết sự có mặt của nó, nó thấy ông thích “nựng” nó hơn. Có lẽ vì nó là đứa hiểu chuyện nhất trong mấy anh chị em. Nó nằm bên ông, lâu lâu ông lại xoa đầu nó. Nó sung sướng vẫy vẫy chiếc đuôi ngắn ngủn của mình. Ông bảo vệ nó khỏi sự trêu chọc của bọn trẻ. Nó thấy ông có thể im lặng khi bọn ấy chọc ông, nhưng khi bọn trẻ chọc nó, mặt ông lập tức đanh lại, những vết sẹo lồi chảy dài trên khuôn mặt ông hằn lên trông dữ tợn. Thế là bọn trẻ bỏ chạy hết. Mặt ông lại hiền từ nhìn nó.

Nhưng thời gian hạnh phúc bên ông chẳng được bao lâu. Nó nhớ đó là một buổi sáng rất lạnh. Nó cuộn mình trong hốc đá bên đống quần áo cũ mà người ta bỏ đi. Thường thì lúc nó dậy là ông đã dậy rồi. Nhưng hôm nay nó lại thấy ông còn nằm. Chờ mãi chẳng thấy ông dậy, nó sủa lên mấy tiếng kêu ông, nhưng không có động tĩnh gì. Nó chạy tới liếm liếm vào mặt ông. Nhưng ông cũng không động đậy. Nó hoảng. Nó sủa ầm ĩ. Tiếng nó sủa khan khiến mấy người đi lưới đêm về chú ý. Họ chạy tới sờ sờ vào mặt ông, rồi họ nói với nhau điều gì đó, vẻ căng thẳng lắm, sau đó họ bỏ ông trên một cái cáng. Họ khiêng ông đi. Nó cố chạy theo ông, sủa ầm lên, nó không muốn cho họ mang ông đi. Nhưng nó chỉ sủa trong sự bất lực. Họ vẫn cứ mang ông đi. Từ đó nó không còn thấy ông nữa. Hai ba hôm sau anh em chúng nó không còn được ăn cá do ông mang về nữa. Có lẽ ông đã bỏ nó rồi. Nó nhớ ông. Mấy ngày liền nó chẳng thiết ăn uống gì, cứ nằm khoanh trong hốc đá. Hễ nghe có tiếng bước chân lại gần là mắt nó lại sáng lên. Nhưng rồi lại hụt hẫng.

Thời gian cứ vô tình trôi. Nỗi nhớ của nó giờ phải nhường chỗ cho công việc kiếm ăn thường nhật. Hằng ngày nó vào khu chợ, tìm cơm thừa, những miếng xương… những gì thừa thãi mà con người không dùng đến, cứ ăn được là nó ăn. Cuộc sống của nó cứ thế bình dị trôi qua. Một hôm, nó nghe một mùi thơm sực nức tới trong một căn phòng gần chỗ nó nằm. Cơn thèm ăn nổi lên, nó không cưỡng lại được, bèn lân la lẻn vào trong căn phòng đó. Nó thấy trên bàn là một con heo đỏ au, khói bốc nghi ngút đang nằm im. Thế là theo bản năng, nó phóng lên bàn. Nhưng vì mải chăm chú vào con heo nên nó không thấy hai người thanh niên đang đi vào. Thế là vừa mới phóng lên bàn nó đã nghe tiếng hét lên, một thanh niên cầm lấy cái gì đó nặng trịch ném về phía nó. Nó chưa kịp hoàn hồn né tránh đã ăn ngay cái vật ấy vào mình. Nó té nhào xuống, đau điếng. Nó la lên. Nhưng chưa kịp định hình để bỏ chạy thì lại tiếp tục bị ăn ngay một gậy vào chân trước. Nó điếng người. Tưởng chừng như bất tỉnh vì đau. Nhưng nó cố gượng, còn bao nhiêu sức lực, nó dồn cả vào 3 chiếc chân còn lại, cố lê lết thật nhanh để thoát khỏi sự vây đánh của hai thanh niên đó. Cũng may, hai người ấy không đuổi theo nó. Nó chỉ nghe văng văng câu chửi quen thuộc mà nó nghe đến phát nhàm: “Đồ chó hoang”. Thế là nó thoát được một mạng. Nó tởn. Nhưng mà cái chân đau quá, không chống xuống đất được nữa. Thế là từ đó, nó chỉ còn đi được bằng 3 chân. Từ đó, mọi người gọi nó là Thọt.

*

- Rồi sao cậu lại bị bắt vào đây?

- Tớ chẳng nhớ rõ. Tớ chỉ nhớ hôm đấy là vào một buổi tối, khi tớ vừa mới “lết” về cái hốc đá ngoài triền đê sau một ngày vất vả, tớ nghe có một mùi thơm sực nức của thức ăn, tớ vội tìm thì thấy nguyên một tảng thịt to đùng nằm hớ hênh trên phiến đá bằng phẳng. Nhưng vì có “kinh nghiệm” trước đó rồi, nên tớ cương quyết không ăn. Thế nhưng, cản không nổi cậu ạ. Tớ liếc ngang liếc dọc, yên tâm là không có người. Thế là tớ tốc chiến tốc thắng, lao ngay tới ngoạm miếng thịt tha ngay về “nhà”. Yên tâm vì đã được an toàn. Tớ lập tức thưởng thức miếng mồi ngon. Quả đúng là ngon thật! Tớ ăn trong sự sảng khoái tột độ. Thế nhưng, ăn chưa hết miếng thịt thì tớ đã thấy cơn buồn ngủ ập đến, tớ lăn ra ngủ ngay… Lúc thức dậy thì đã thấy chung chỗ với cậu.

- Vậy là tớ với cậu cùng chung số phận rồi. Tớ ở đây cũng khá lâu rồi. Mới đầu bỡ ngỡ, còn sủa ầm ĩ, nhưng giờ dường như thần kinh tớ tê liệt rồi. Mỗi ngày nhìn thấy anh em đồng loại bị người chủ quán giết thịt rồi chế biến thành món ăn cho con người, tớ sợ, sợ khủng khiếp. Nhưng dần dà, dường như không còn sợ nữa. Chắc trước sau gì cũng tới lượt tớ với cậu gặp nhau trên lò mổ.

Nghe tới đó, nó rơi vào trầm tư. Nó khoanh lại nằm một góc. Nó buồn. Buồn không phải vì sợ cái chết sắp xảy đến với nó, nhưng nó buồn cho những con chó như nó, bị con người biến thành món đặc sản. Tuy là chó hoang nhưng nó cũng biết loài chó nhà nó rất trung thành với con người, đặc biệt là những người nuôi, yêu thương và chăm sóc chúng nó. Cho tới bây giờ, khi đã lớn, bôn ba nhiều trên con đường mưu sinh, thời gian và cuộc đời đã lấy đi của nó nhiều thứ, nhưng kí ức về “ông mặt sẹo” vẫn còn in nguyên trong tâm trí nó. Có lẽ con người sẽ không thể nào hiểu được loài chó chúng nó. Từng ánh mắt, từng cái vẫy đuôi, từng cử chỉ âu yếm mà nó dành cho “ông mặt sẹo” người khác không thể hiểu được. Chỉ có nó và ông hiểu. Dường như có một mối dây vô hình nào đó đã liên kết nó và ông, mối dây đó hình thành nên một tương quan mật thiết, một tương quan thấu hiểu khiến ông nhìn vào ánh mắt nó ông biết nó buồn hay vui, và nó nhìn từng cử chỉ của ông nó cũng biết ông vui hay buồn.

Nó thấy có nhiều người cũng rất yêu thương loài chó chúng nó. Là chó hoang, nó cũng ao ước được một người nào đó nhận nuôi. Là chó hoang, nó cũng rơm rớm nước mắt khi thấy một con chó “nhà” được một cô bé nào đó bồng ẵm nâng niu. Những lúc như thế, nó lại nghĩ tới những tháng ngày bên ông. Chắc hẳn lúc này mà có ông, ông sẽ không để nó phải chịu cảnh trở thành mồi nhắm.

Đang miên man suy nghĩ, bỗng nó nghe tiếng động trước cửa chuồng. Ngẩng đầu lên, nó nhìn thấy một cậu bé đang đứng với một người đàn ông béo ụ mặt mày râu ria rậm rạp. Nó nghe cậu bé ấy và người đàn ông nói với nhau gì đó. Sau đó nó thấy cậu bé đưa đồ cho người đàn ông. Sau đó cậu mở cửa chuồng, bế nó ra, cậu xoa đầu nó, vuốt ve nó… Cậu ẵm nó đi. Nhưng sao nó thấy nhấp nhô, nó nhìn xuống dưới… Oh, hóa ra cậu bị cũng bị “thọt” như nó. Nó vỡ òa trong hạnh phúc. Thế là nó được cứu. Thế là nó sẽ không phải biến thành đồ ăn. Thế là từ nay nó sẽ có được một người chủ yêu thương nó. Thế là từ nay cuộc đời nó sẽ không bị gọi là “chó hoang” nữa, nó sẽ có nhà, sẽ có người “nựng” nó mỗi ngày.

Cuộc đời nó gắn liền với chữ “thọt” sao! Ông thọt! Nó thọt! Giờ đến cậu bé cũng thọt! Thọt là tình trạng không ai mong muốn. Nhưng có lẽ đối với nó, nó hạnh phúc với “thọt”. Có lẽ cũng nhờ nó thọt nên mới được cứu chăng? Nó không biết nữa, nhưng nó hạnh phúc lắm rồi.

Ôi không! Không được! Nó sao lại có thể quên đi người bạn nằm chung chuồng với nó được! Sao nó có thể bỏ người bạn đó mà thoát một mình? Đang nằm trên tay “cậu chủ thọt” nó lại sủa ầm lên, vừa sủa nó vừa nhìn về phía cái chuồng nơi người bạn của nó cũng đang đưa mắt nhìn nó…đượm buồn…ứa lệ… Nó thấy ông chủ hàng thịt bên kia đang mài dao, mà trong chuống chỉ còn có một mình bạn nó… Sẽ ra sao đây, nó không thể bỏ bạn được. Nó vội vàng quào quào tay cậu chủ, nó cố sủa thật to lên…Nó vội lao xuống phóng nhanh về phía chiếc chuồng có người bạn nó đang bị nhốt… Nó sủa… Nó sủa… Nó cố gắng sủa thật to…

 Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bụi cộm mắt người || Truyện ngắn Ngọc Miên
Truyện đăng Tc Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 76, ngày 01/6/2023.
Xem thêm
Hoàng hôn du dương || Truyện ngắn Lệ Hồng
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TPHCM, số 70, ngày 20/4/ 2023.
Xem thêm
Buôn Rung xa xăm || Truyện ngắn Lại Văn Long
Truyện ngắn dự thi báo Văn nghệ
Xem thêm
Hương của hoa || Truyện ngắn Trần Hương Giang
Ngày ba tôi ra nước ngoài bỏ lại mẹ và ba chị em tôi trong căn nhà nhỏ, mẹ tôi đã khóc lóc suốt mấy hôm đến lả người. Ngày trước ba tôi đi làm nuôi cả nhà.
Xem thêm
Xe đêm || Truyện ngắn của Đặng Chương Ngạn
Nguồn: Truyện dự thi đăng Báo Văn nghệ số 39 (24/9/2022)
Xem thêm
Nghe đọc truyện đêm khuya: Không hết chuyện kể
Tác phẩm đăng báo Nghệ An Cuối Tuần
Xem thêm
Ba một một ba | Truyện ngắn dự thi của Bùi Khánh Nguyên
Chị đã khác. Vì chị đã chọn làm công dân hạng ba của một nước thứ nhất, như lời chị nói.
Xem thêm
Hoàng hôn qua, bình minh tới | Truyện ngắn dự thi của Du An
Tôi không đáp, vì tôi biết, bác hiểu. “Rằng từ hôm nay, con đã học được cách kiên trì với giấc mơ mình”.Hoàng hôn qua, bình minh tới.
Xem thêm
Giá có một con ma! – Truyện ngắn dự thi của Đặng Chương Ngạn
Người bà trong ảnh nhìn tôi đôi mắt hấp háy cười… chính là bà cụ nhặt hoa sứ trên núi ngày nào: khuôn mặt ấy, từng nếp nhăn, tôi luôn nhớ rõ, đôi mắt ấy, vầng trán ấy, hai cái tai to với dái tai tròn, chỉ khác: cái miệng hai hàm răng trắng đều chưa có răng cửa nào bị rụng…
Xem thêm
Ngôi nhà rường bản Trăng | Truyện ngắn dự thi của Cao Chiến
Một thời, tôi và vợ chồng Sâm - Cầm học với nhau ở Nga. Sâm học đạo diễn còn Cầm học sư phạm. Sâm cao lớn, mặt mũi sáng trưng, tóc bồng bềnh lãng tử lắm
Xem thêm
Lời khấn | Truyện ngắn dự thi của Lâm Hiền
Ông Bảy vẫn đứng đó, dáng cô độc mà uy nghi. Ánh nắng đậu trên mái tóc bạc, chảy trên người, bao bọc quanh ông như thể ông được nắng dát vàng.
Xem thêm
Đáy sông lấp lánh - Truyện ngắn của Hoàng Anh Linh 
Tôi cục cựa, mở hé mắt len lén nhìn ông già đang xì xụp húp miếng cháo đựng trong cái gáo dừa màu đen xỉn. Yên ắng. Chỉ có tiếng rì rầm của nước sông đang chảy, tiếng vạc sành xào xạc ăn đêm. Bình tĩnh lại, tôi thấy mình đang nằm trên chiếc ghe mục nát của ông già. Đầu xây xẩm, cả người như tê liệt, tôi không nhớ vì sao mình lại nằm ở đây. Đêm, trăng tròn sáng, khi tôi đang chơi trốn tìm thì có gì đó đập vào gáy mình. Rồi tối om, không nhớ gì nữa. Tôi khẽ cựa mình, đau nhức âm ỉ kéo dài từ gáy tới toàn thân. Ông già đã húp xong gáo cháo, đang cúi đầu xuống nước vục uống. Một chiếc thuyền chở khóm bành bành chạy qua, chiếc ghe khẽ tròng trành.
Xem thêm
Một lần trốn chạy | Truyện ngắn dự thi của Tịnh Vũ
“Lần này mày phải giữ cho được cái thai, phải sinh ra và nuôi con cho thật tốt, đừng có như tao nghe chưa Hoa?”
Xem thêm
Che mưa | Truyện ngắn dự thi của Cao Dung
Thì ra, che mưa còn là một sự hi sinh của người làm cha cho một đứa trẻ dù có lớn cũng chỉ là đứa con bé nhỏ của đấng sinh thành.
Xem thêm
Gió những mùa sau | Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Vĩnh Long
Cô bé ơi, xin hãy đi trọn kiếp người với một tấm lòng trong sáng cưu mang, như những cơn gió mùa thơm ngát của hôm qua…
Xem thêm
Ngày ý nghĩ phôi phai | Truyện ngắn dự thi của Hiền Nguyễn
- Em muốn li dị!Đó là câu nói đập vào tai nhà văn Gắng sau 3 ngày vợ đi công tác trở về không báo trước và bất ngờ lao vào phòng chồng. Một cái thắt nút quá đường đột mà có lẽ nhà văn chưa bao giờ nghĩ đến cả trong sự hư cấu lẫn trí tưởng tượng của cuộc đời mình.
Xem thêm
“Bách niên thịnh thế” | Truyện ngắn cự thi của Lý Chiêu Văn
Cũng chính trong hành trình hoằng dương Phật pháp ấy, ngài đã có dịp tìm hiểu, trăn trở, rồi cùng với các trí thức, nghệ nhân sưu tầm và phục hưng lại nghề đúc đồng - một tinh hoa của người Việt cổ.
Xem thêm
Giang sầu | Truyện ngắn dự thi của Trịnh Thị Hiên
Ở thế giới bên kia, Hiếu vẫn luôn mỉm cười. Phương sẽ không cô đơn khi bước tiếp những ngày không còn có Hiếu.
Xem thêm