- Bút ký - Tạp văn
- Chuyện những thương binh “tàn mà không phế”
Chuyện những thương binh “tàn mà không phế”
TRẦN TRỌNG TRUNG
Đất nước thống nhất, non sông Việt Nam liền một dải, chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ... nhưng, vết thương của cuộc chiến vẫn còn hằn sâu trên da thịt của các thương binh, bệnh binh, những cựu chiến binh Việt Nam. Hằng năm có ngày 27/7 là ngày tri ân các anh hùng thương binh, liệt sĩ, những chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ đã hy sinh tính mạng, xương trắng, máu đào... để giành lấy độc lập, tư do cho dân tộc, hòa bình, thống nhất Tổ quốc...
Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, sau khi rời quân ngũ, gác tay súng trở về cuộc sống đời thường, những thương binh vẫn lao vào trận chiến tăng gia sản xuất, khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình làm giàu chính đáng, bằng chính đôi tay, khối óc và tinh thần cần cù lao động, vượt lên chính mình. Nhiều người gọi những thương binh này bằng câu “Tàn mà không phế”!
Đến thăm gia đình anh Huỳnh Văn Quận (sinh năm 1960) ở ấp K8, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, vào một ngày không nắng. Được anh Quận dẫn ra phía sau nhà là một khu đất rộng cạnh bên vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim đã được anh trồng nhiều trụ thanh long ruột đỏ. Các trụ thanh long ruột đỏ được anh cần mẫn chăm sóc cẩn thận nên đã cho thu hoạch nhiều đợt và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Ngồi bên cạnh trụ thanh long đang trổ bông, anh Quận kể lại thời trai trẻ đã xung phong lên đường bảo vệ Tổ quốc: “Tôi thi hành nghĩa vụ quân sự năm 1982, trong một lần cùng đồng đội tham chiến ác liệt để bảo vệ biên giới Tây Nam - Campuchia, tôi đã bị thương và để lại một phần thân thể tại chiến trường…”.
Đến năm 1984, sau khi xuất ngũ, trở về cuộc sống đời thường, anh bị cụt mất một chân phải, với tỷ lệ thương tật 61%. Lúc bấy giờ, cuộc sống của thương binh hạng 2/4 Huỳnh Văn Quận hết sức khó khăn. Nhưng, với bản lĩnh của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, quyết tâm không cam chịu là gánh nặng của gia đình và xã hội, bằng nguồn trợ cấp thương binh hằng tháng, cộng với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng, anh cùng với vợ lao vào làm ăn, tăng gia sản xuất và chi tiêu tiết kiệm để phát triển kinh tế gia đình, thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu. Qua nhiều năm cần cù làm ruộng, trồng sen, mua bán và trồng thanh long ruột đỏ… đến nay, cuộc sống kinh tế gia đình thương binh Huỳnh Văn Quận đã cơ bản ổn định, sung túc. Anh hiện sở hữu 10 công đất ruộng canh tác mỗi năm 3 vụ lúa và 6 công đất vườn trồng thanh long ruột đỏ phía sau căn nhà tường cấp 4 vừa mới xây dựng xong, trị giá gần 400 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, gia đình thương binh Huỳnh Văn Quận có nguồn thu nhập từ ruộng lúa và vườn thanh long ruột đỏ trên 300 triệu đồng. Ba đứa con trai của anh đều được học hành tới nơi tới chốn. Thương binh Huỳnh Văn Quận vui vẻ chia sẻ: “Được cuộc sống như ngày hôm nay, hiệu quả kinh tế cũng tốt. Với thu nhập ổn định mỗi năm hàng trăm triệu đồng thì cuộc sống của gia đình tôi ổn định, sung túc lắm. Bà xã đỡ vất vả hơn ngày xưa; con cái đã an cư và có việc làm ổn định rồi”.
Rời nhà thương binh Quận, tôi ghé nhà ông Võ Văn Hoàng ấp Cà Dăm, xã Tân Công Sính. Được gia chủ mời uống trà và trò chuyện rất thân tình. Ông Võ Văn Hoàng bày tỏ: “Tôi sinh năm 1930, quê ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tham gia bộ đội ở Tiểu đoàn 502. Vào năm 1968, trong kháng chiến tôi còn có tên là Bảy cùng với đồng đội chiến đấu ác liệt với kẻ thù trong trận đánh ở Cả Bèo để chiếm khám đường Cao Lãnh. Không may, trong trận chiến này, tôi đã bị thương, cụt mất một chân trái…”.
Là thương binh, ông Hoàng rất tự hào vì đã cống hiến một phần thân thể cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày 30/4/1975, ông Hoàng cùng vợ rời quê nhà lên xã Tân Công Sính (còn gọi là Khu Tư) để khai phá đất hoang, lập thân, khởi nghiệp. Thương binh Võ Văn Hoàng cho biết: Lúc bấy giờ, vùng đất Khu Tư này rất khó sống nếu ai không có bản lĩnh và nghị lực. Bởi, đất đai ở đây bị nhiễm phèn nặng, cỏ - năn mọc dày đặc, những ngày mưa bão - lũ lụt thì vô cùng khủng khiếp… nên dân gian có câu “Đến đây xứ sở lạ lùng - Nghe tiếng con chim hót, tiếng con cá vùng, cũng kinh”… Thương binh Hoàng nhớ lại: “Hồi đó, tôi được ông bà già vợ cho 10 công đất để làm lưng vốn lên xã Tân Công Sính làm ăn, lập nghiệp. Sau khi khai phá được 6 ha đất hoang, vợ chồng tôi bắt tay vào canh tác lúa. Tưởng dể, nào ngờ lúa sạ được gần nửa tháng đang lên xanh tốt, bỗng vài ngày sau lá bị đỏ đầu, đem phân rải xuống thì cây lúa từ từ lụi tàn rồi chết sạch... Năm nào đất cũng dậy phèn đỏ lồm, không loại cây nào sống nổi, chỉ có cỏ - năn mà thôi, tiền của bao nhiêu chịu cho nổi với vùng đất hoang vu này... Đó là chưa kể chuyện sâu rầy, chuột bọ sinh sôi phá hại tràn lan rồi muỗi mồng, đĩa vắt vô số... Vì thế, nhiều người đến đây chưa có kinh nghiệm sản xuất, thiếu ý chí - nghị lực, thiếu lòng kiên nhẫn đối với vùng đất mới này nên chỉ sau một, hai năm làm ăn thất bại đã khăn gói ra đi...”.
Để trụ lại được ở xứ sở đã từng được mệnh danh “Muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội tợ bánh canh, cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy” này, vợ chồng thương binh Võ Văn Hoàng chỉ biết nương tựa nhau lao vào công việc để tìm kế mưu sinh và được cha mẹ vợ động viên tinh thần, hỗ trợ vốn để làm ăn, tăng gia sản xuất... Hằng ngày, vợ chồng ông vừa làm ruộng vừa tảo tần làm mướn, rồi tới mùa nước nổi thì thả lưới, giăng câu, hái rau, bắt ốc... kiếm tiền lo nuôi sống gia đình và tiếp tục khai hoang mở đất. Ròng rã hơn 7 năm trời, làm lúa có năm huề vốn, có năm bị thua lổ… nhưng vợ chồng ông vẫn không nản lòng mà quyết chí làm ăn, tăng gia sản xuất, mỗi năm chuyển vụ được vài công ruộng để canh tác kiếm nguồn thu nhập ổn định… Ông Hoàng kể tiếp: “Mãi đến thập niên 90 của thế kỷ XX, đất đai của tôi đã được thành khoảnh, sản xuất có lãi... Từ đó, vợ chồng tôi chi xài tiết kiệm và tích lũy vốn liếng để mua sắm phương tiện chuyên chở, máy móc hiện đại… phục vụ sản xuất và đời sống…”.
Thật đáng khâm phục, dù là thương binh hạng 3/4, nhưng ông Hoàng luôn quyết tâm vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng bằng mô hình làm lúa. Sau nhiều năm cần cù nỗ lực, ông đã xây dựng được căn nhà tường khang trang, rộng rãi; trong nhà mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt… Ông còn đầu tư mua 3 chiếc máy cày vừa làm 6 ha đất ruộng nhà vừa làm dịch vụ cho nông dân… Với cách thức làm ăn khoa học nên mỗi năm, ông Hoàng có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Thương binh Hoàng vui vẻ chia sẻ: “Nỗ lực làm để chính quyền địa phương nhẹ lòng lo. Tôi hết sức nỗ lực làm đêm, làm ngày nên mới vượt qua khó khăn. Ngày nay coi như gia đình tôi cũng có tương đối có ăn. Cũng nhờ Nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ cho tôi trong phần đời sống được thoải mái, sống khỏe được đi an dưỡng chỗ này chỗ kia vợ chồng tôi quanh năm nên hết sức là mừng. Cuộc sống tôi bây giờ thoải mái rồi, cứ trưa cũng có ngủ một giấc; nhà cũng có máy lạnh đàng hoàng, mừng lắm chớ”.
Thương binh Dương Hùng Oai trao đổi với PV.
Còn ông Dương Hùng Oai (sinh năm 1956) ở xã Phú Thọ thi hành nghĩa vụ quân sự năm 1976, đóng quân ở Trạm Biên phòng Cầu Muống, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Hai năm sau, ông Oai được phong cấp hàm Trung sĩ, giữ chức Phó Trưởng Trạm Biên phòng Cầu Muống. Trong một lần cùng đồng đội tham chiến ác liệt để bảo vệ biên giới Tây Nam - Campuchia, ông Oai chẳng may bị thương và để lại một phần thân thể tại chiến trường. Năm 1979, sau khi xuất ngũ, trở về cuộc sống đời thường, ông bị cụt mất một cánh tay phải, với tỷ lệ thương tật 45%. Lúc bấy giờ, cuộc sống của thương binh hạng 3/4 Dương Hùng Oai hết sức khó khăn. Nhưng, với bản lĩnh của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, quyết tâm không cam chịu là gánh nặng của gia đình và xã hội, bằng nguồn trợ cấp thương binh hằng tháng, cộng với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng, ông Oai lao vào làm ăn, tăng gia sản xuất và chi tiêu tiết kiệm để phát triển kinh tế gia đình, thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu. Qua nhiều năm miệt mài sản xuất, chăn nuôi… đến nay, kinh tế gia đình ông cơ bản ổn định. Tận dụng gần 2 công đất trống quanh nhà, ông trồng dừa, xoài, mít, mía, khoai mì… trung bình mỗi năm, gia đình ông thu nhập 70 triệu đồng. Ông Oai đã xây dựng căn nhà khang trang gần nửa tỷ đồng... Thương binh Dương Hùng Oai tâm sự: “Tôi bản thân thương binh, nên vợ chồng vươn lên làm ăn thoát nghèo, nay gia đình cũng khấm khá, xây nhà khang trang rồi cho bớt gánh nặng của địa phương và xã hội. Gia đình tự vươn lên, nay cũng hết khó khăn rồi”.
Tới nhà ông Phan Văn Tịnh (sinh năm 1954) ở xã Phú Ninh. Sau một tuần trà, ông Tịnh cho biết: ông nhập ngũ năm 1971 và được biên chế vào đơn vị hậu cần Quân khu 9. Khoảng tháng 3/1972, trong một trận chiến đấu với kẻ thù ông Tịnh bị thương và được xếp loại thương binh hạng 3/4. Sau ngày 30/4/1975, ông xuất ngũ trở về địa phương. Lúc đó, gia đình không có đất sản xuất, không nghề nghiệp nên vợ chồng ông phải làm thuê mướn vất vả để kiếm sống. Gần 10 năm lao động miệt mài, vợ chồng tôi tích cóp được chút lưng vốn, mua được 10 công đất ruộng để sản xuất lúa, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Đến năm 2005, Hội Cựu chiến binh huyện vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông Tịnh mạnh dạn vay 12 triệu đồng vốn Ngân hàng đầu tư xây chuồng và mua 2 con bò cái thả vào chuồng nuôi. Ông Tịnh quyết tâm vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng bằng mô hình nuôi bò lai Sind. Từ 2 con bò cái nuôi ban đầu, đến nay ông đã tăng đàn bò lên tới 32 con các loại. Trung bình mỗi năm, ông thu nhập từ 250 đến trên 300 triệu đồng. Thương binh Phan Văn Tịnh bày tỏ: “Về sức khỏe cũng giảm, nhưng cũng phải phấn đấu để làm quyết liệt lo cho vợ con sau này, trong tương lai. Làm phát triển cũng mua được 10 công đất cặp Quốc lộ 30 này, nhà cửa cũng hoàn chỉnh; không để gánh nặng cho Nhà nước, xã hội tiếp mình. Ráng phấn đấu để vượt qua, tự lực làm giàu là chính”.
Toàn huyện Tam Nông hiện có 604 liệt sĩ, 63 mẹ Việt Nam anh hùng, 277 thương binh và 59 cán bộ chiến sĩ bị địch bắt tù đày... Trong đó, có nhiều thương binh, bệnh binh là hội viên Hội Cựu chiến binh các xã, thị trấn. Đa số các hộ thương binh đều có ý chí phấn đấu vươn lên làm kinh tế giỏi, với nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả thiết thực nên đời sống đều được ấm no, sung túc. Trong số 123 thương binh là hội viên Hội Cựu chiến binh đã có 41 hộ giàu, 47 hộ khá và 35 hộ có mức sống trung bình, không còn hộ thương binh nghèo. Ông Trịnh Văn Lớn cho biết: “Với vai trò Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tam Nông, tôi rất hoan nghênh, đồng tình với sự quyết tâm của anh em thương binh, cựu chiến binh khắc phục vượt lên hoàn cảnh khó khăn, thực hiện các mô hình sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh giỏi để góp phần ổn định cuộc sống... Hướng tới, Hội Cựu chiến binh huyện sẽ tiếp tục phát động những thương binh, cựu chiến binh học tập tấm gương các đồng chí Quận ở xã Phú Đức; đồng chí Hoàng ở xã Tân Công Sính; đồng chí Oai ở xã Phú Thọ và đồng chí Tịnh ở xã Phú Ninh. Đây là những tấm gương sáng để cho các hội viên cựu chiến binh toàn huyện học tập, noi theo để vượt khó, làm ăn phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Cựu chiến binh huyện nhiệm kỳ 2022 - 2027, gắn với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh ở địa phương; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Rõ ràng, các thương binh sau khi rời quân ngũ, trở về cuộc sống đời thường, bằng ý chí quyết tâm, bản lĩnh của “Bộ đội Cụ Hồ” đã vượt qua mọi khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng bằng chính đôi bàn tay, khối óc và con tim đầy nhiệt huyết của mình, góp phần xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh để làm giàu cho quê hương, xứ sở...