TIN TỨC

Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-04-05 15:20:03
mail facebook google pos stwis
168 lượt xem

LÊ THIẾU NHƠN

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời ngày 1/4/2001, ở tuổi 62. Dù 23 năm đã trôi qua, hình bóng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dường như vẫn còn nguyên vẹn trong lòng công chúng, bởi lẽ “nhạc Trịnh” tiếp tục khơi dậy bao nhiêu rung động cho giới mộ điệu.

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bày tỏ: “Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi, đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi”. Thế nhưng, chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người đã mang đến cho chúng ta những bản tình ca thổn thức lại không bao giờ có được hạnh phúc lứa đôi trọn vẹn. Nhiều bóng hồng lặng lẽ xuất hiện trong đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại những “chuyện tình khó quên” qua từng giai điệu xao xuyến khôn nguôi.

Không ai phủ nhận nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một tài hoa lừng lẫy bậc nhất trong đời sống nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Vì vậy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có sự nhạy cảm khác thường trong tình yêu, như ông thổ lộ: “Nếu có người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu. Có người yêu thì hạnh phúc, có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu”.

Từ ca khúc đầu tiên “Ướt mi” công bố năm 1959, thì hầu hết ca khúc của Trịnh Công Sơn đều mang dấu vết của một “chuyện tình khó quên”. Năm 1960, người đẹp Bích Diễm ở xứ Huế thơ mộng đã lướt ngang miền tơ vương nhung nhớ của Trịnh Công Sơn mà thành ca khúc “Diễm xưa” nhiều day dứt: “Trên bước chân em âm thầm lá đổ/ Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa”.

Năm 1962, Trịnh Công Sơn vào Quy Nhơn học sư phạm và gặp gỡ người đẹp đồng môn Tôn Nữ Bích Khê. Cuộc tương phùng ấy khá ngắn ngủi, vì Tôn Nữ Bích Khê được gia đình đưa về đoàn tụ ở Nha Trang. Chút duyên nợ bẽ bàng được Trịnh Công Sơn viết trong ca khúc “Biển nhớ” đầy hoài niệm: “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về/ Triều sương ướt đẫm cơn mê, trời cao níu bước sơn khê”. Khái niệm “bước sơn khê” trong ca từ được khéo léo ghép tên Trịnh Công Sơn và Tôn Nữ Bích Khê.

Năm 1964, Trịnh Công Sơn trở lại cố đô. Trong một lần ghé thăm người đẹp “Diễm xưa”, Trịnh Công Sơn tình cờ gặp gỡ và xao xuyến trước Dao Ánh, là em gái của Bích Diễm. Vẻ đẹp nữ sinh Dao Ánh ám ảnh tâm trí Trịnh Công Sơn suốt những năm ông đi dạy học ở Bảo Lộc, và ông đã viết thư tỏ tình với cô gái Huế nhỏ hơn mình 9 tuổi. Trong những lá thư ấy, Trịnh Công Sơn không ngần ngại dùng những ngôn từ tha thiết: “Anh nhớ Ánh, nhớ Ánh, nhớ Ánh mà không nói được với ai. Như tiếng kêu của một loài kiến nhỏ. Làm thế nào Ánh nghe thấy... Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh trở về buổi trưa mắt buồn, áo trắng”.

Không chỉ có hơn 300 lá thư nồng nàn, Trịnh Công Sơn còn viết cho người đẹp Dao Ánh rất nhiều ca khúc, mà tiêu biểu nhất là ca khúc “Mưa hồng” đắm đuối: “Ngày em đã khóc chiều mưa đỉnh cao/ Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu/ Em đi về cầu mưa ướt áo/ Đường phượng bay mù không lối vào/ Hàng cây lá xanh gần với nhau”.

Năm 1967, người đẹp Dao Ánh lấy chồng và sang Mỹ định cư. Dù Trịnh Công Sơn tự an ủi mình “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”, thì mối tình lỡ làng với người đẹp Dao Ánh cũng lưu lại trong ông những vết dấu đớn đau. Hơn hai thập niên sau, người đẹp Dao Ánh trở về Việt Nam và gặp lại Trịnh Công Sơn ở TP.HCM. Khoảnh khắc trùng phùng giữa hai người, được Trịnh Công Sơn viết thành ca khúc “Xin trả nợ người”.

Sau biệt ly người đẹp Dao Ánh, nhiều cuộc hẹn hò nữa đã đến với Trịnh Công Sơn. Có cuộc hẹn hò do ông chủ động, có cuộc hẹn hò do người khác sắp xếp và cũng có cuộc hẹn hò do thị phi thêu dệt. Thế nhưng, có một người đẹp đã được Trịnh Công Sơn giới thiệu với bạn bè và gia đình để chuẩn bị làm lễ cưới là người phụ nữ Nhật Bản Michiko Yoshii .     

Michiko Yoshii là một nghiên cứu sinh của Đại học Paris từng sang Việt Nam để tìm tư liệu làm luận án về âm nhạc Trịnh Công Sơn. Michiko Yoshii sinh sau Trịnh Công Sơn hai thâp niên. Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, người dân đô thị phương Nam thường thấy Michiko Yoshii lui tới căn nhà trong con hẻm 47 đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3 để thăm viếng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Cầu nối để Michiko Yoshii hạnh ngộ nhạc sĩ Trinh Công Sơn, chính là giáo sư Trần Văn Khê. Khi Michiko Yoshii muốn tìm hiểu về văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam, giáo sư Trần Văn Khê đã tận tình hướng dẫn. Và khi Michiko Yoshii muốn làm luận án về âm nhạc Trịnh Công Sơn, thì giáo sư Trần Văn Khê cũng ủng hộ hết mực.


Michiko Yoshii qua nét vẽ của  Trịnh Công Sơn (năm 1988)

Vì vậy, để hiểu rõ thêm một chút về Michiko Yoshii, có lẽ không có tài liệu nào đáng tin cậy bằng những điều được giáo sư Trần Văn Khê viết ra. Trong một văn bản gửi cho những đồng nghiệp Việt Nam, giáo sư Trần Văn Khê giới thiệu tỉ mỉ và chi tiết về Michiko Yoshii: “Theo truyền thống các nước Đông Á phải để họ trước tên thì Michiko Yoshii phải là Yoshii Michiko, viết theo chữ Hán đọc âm Việt là “Cát Tỉnh Mỹ Tri Tử”. Cát nghĩa là tốt, Tỉnh là giếng, Tử là chữ dành riêng cho phụ nữ Nhật Bản (cũng tựa như chữ “Thị” của phụ nữ Việt Nam), Mỹ là đẹp và Tri là biết. Michiko là một thiếu nữ mảnh mai duyên dáng, tóc dài vừa phủ ót, miệng lúc nào cũng mỉm cười. Michiko đã có bằng Văn chương Pháp trước khi sang Paris vừa làm thông dịch viên vừa soạn luận án Cao học tại khoa Ngôn ngữ và Văn học Đông Á. Trước khi soạn luận án về Trịnh Công Sơn thì cô đã có bằng Cao học về văn học Nhật Bản với chủ đề về một ca sĩ nổi tiếng đương thời là Miyuki Nakajima.

Cô có giọng hát rất hay, biết đờn piano và lục huyền cầm. Cô có hai quyển sách viết bằng tiếng Nhật trong đó tác giả nhắc đến Trịnh Công Sơn. Và cô cũng tìm cách lý giải tại sao bên Nhật nhiều người thích nhạc Trịnh Công Sơn. Cô kết luận về giá trị nghệ thuật của nhạc Trịnh và các đề tài rất phổ biến trong nhân loại. Michiko Yoshii trình bày mọi vấn đề rất rõ ràng, mạch lạc, không hấp tấp, không ấp úng. Thư mục đầy đủ, trình bày rất đẹp, có cả chân dung của Trịnh Công Sơn tự họa bằng mấy nét đơn sơ.

Michiko Yoshii đã sang tận Việt Nam nhiều lần gặp Trịnh Công Sơn để được soi sáng về những điểm cô chưa rõ”.

Michiko Yoshii từ yêu nhạc mới đến yêu người. Ngược lại, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có cảm tình với Michiko Yoshii. Dù từng nhủ không kết hôn, nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở tuổi 50 đã có ý muốn cưới Michiko Yoshii làm vợ.

Các em của Trịnh Công Sơn chia sẻ, khi biết tin hai người chuẩn bị cho cuộc trăm năm vuông tròn, thì gia đình rất hân hoạn. Người nhà của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang ở Canada háo hức đi sắm đồ cưới. Còn tại Việt Nam, mẹ ruột của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đặt mua cặp nhẫn cưới cho hỉ sự của con trai.

Vì sao đám cưới giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Michiko Yoshii không thành? Có nhiều lời giải thích khác nhau. Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sống, ông chỉ cười lặng lẽ mỗi lần nhắc chuyện này. Tuy nhiên, theo những người quen biết thì lý do chia uyên rẽ thúy cũng hơi bất ngờ.

Lúc đó, Michiko Yoshii cho biết do ba mẹ của cô đã rất già không thể sang Việt Nam nên muốn nhờ ông bà đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam thay thế cha mẹ, đại diện nhà gái trong ngày hai bên gặp gỡ nhau. Theo phong tục cưới của người Nhật Bản, ông bà đại sứ phải ngồi để Trịnh Công Sơn và Michiko Yoshii quỳ gối xuống lạy tạ. Trịnh Công Sơn không đồng ý điều này với lý do người mẹ sinh ra ông nhưng cả đời ông còn chưa quỳ xuống lạy bao giờ, thì không lẽ nào ông lại quỳ gối trước ông bà đại sứ Nhật Bản. Vậy là đám cưới bị hủy bỏ.

Nhiều người hâm mộ đã không giấu được sự nuối tiếc cho lương duyên giữa Trịnh Công Sơn và Michiko Yoshii. Cũng như nhiều người hâm mộ đã không giấu được sự ngậm ngùi cho những năm cuối đời cô đơn hiu quạnh của Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, chính Trịnh Công Sơn hài lòng với chọn lựa riêng mình, như ông từng bộc bạch: “Đời sống vốn không bất công. Trong tình yêu, người giả thế nào cũng thiệt, người thật thế nào cũng được đền bù. Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì, có người đã nói như vậy. Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu, và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại một ý nghĩ bền vững: cuộc sống không thể thiếu tình yêu”.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm
Thương nhớ anh Duy
Tôi viết ra đây mấy lời tâm sự như thắp một nén nhang kính nhớ thương tiễn anh Duy về trời cùng đàn anh Lê Văn Thảo...
Xem thêm
Nhà văn Ann Patchett: Thời gian tuyệt vời nhất là ở trên máy chạy bộ và viết sách
Ann Patchett là nhà văn Mĩ, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết, 4 cuốn sách phi hư cấu và 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Trong văn nghiệp, bà từng giành giải Orange cho Bel Canto, cũng như lọt vào danh sách chung khảo giải Pulitzer 2020 với cuốn Ngôi nhà của người Hà Lan. Gần đây bà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Tom Lake, và điều đặc biệt là nó được viết trên bàn đặt trên máy chạy bộ và lời khuyên về năng suất từ ​​Elizabeth Gilbert.
Xem thêm
Lê Minh Quốc và cuộc hành trình chữ nghĩa
Bài của nhà thơ Ngô Xuân Hội trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong: Với chữ nghĩa, tôi như người đang yêu
Gọi Nguyễn Thành Phong là nhà thơ, nhà văn, biên kịch hay cái danh mà mang nhiều nghiệp nợ nhất là nhà báo, thì viết gì, dù là kiếm sống, anh cũng phải cố ở mức tốt nhất theo ý mình thì mới cho là được. Với chữ nghĩa, Nguyễn Thành Phong ví anh như người đang yêu, càng bị “ruồng rẫy”, càng thấy không thể bỏ cuộc.
Xem thêm
Vũ Cao - “Núi Đôi mãi mãi vẫn là Núi Đôi”
Nói đến nhà thơ Vũ Cao không thể không nói tới bài thơ Núi Đôi.
Xem thêm
Chính Hữu – Nhà thơ của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô
Với bài thơ Đồng chí (1948), nhà thơ Chính Hữu đã tạo một dấu ấn sâu sắc về vẻ đẹp bình dị mà cao cả của người chiến sĩ trong kháng chiến chống Pháp.
Xem thêm