- Lý luận - Phê bình
- Đôi điều cảm nhận về tập thơ “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi”
Đôi điều cảm nhận về tập thơ “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi”
XUÂN TRƯỜNG
Có thể nhận định ngay rằng tựa đề của tập thơ đã mang dấu ấn lịch sử sâu sắc, có tính xuyên suốt một hành trình chông giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Những thế hệ vàng tuổi trẻ Việt Nam dấn thân yêu đời, đã hừng hực ra chiến trường bỏ lại sau lưng nhiều ước mơ riêng, những người thân yêu dấu, những cái nhìn len lén cô láng giềng bên, những câu thề lứa đôi mây mảy dậy thì. Họ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Ba lô của họ chật ních những tiếng chim, tiếng gà, tiếng mẹ ru xưa thời tấm bé, những dòng sông bến nước con đò v.vv. Tất cả là hành trang cho một hành trình thăm thắm, với bao nhiêu gian truân, máu lửa hãi hùng, họ chiến đấu ngoan cường trước bọn giặc ngoại xâm, cho môt ngày về, cho thống nhất non sông, cho thanh bình nở hoa độc lập. Làm sao chúng ta không rưng rưng trước bao nhiêu chiến sĩ đã ra đi ngày ấy không về, họ đã tạc dáng hình vào Trường Sơn hùng vĩ, hay những miền đất thiêng liêng cuả Tổ Quốc hôm nay.
Nhà thơ Xuân Trường tại buổi ra mắt tuyển tập thơ "Chúng con chiến đấu cho người sống mại Việt Nam ơi"
Với 20 tác giả và 103 bài thơ đã làm nên một thông điệp nhắc nhở chúng ta, những tháng năm hào hùng của dân tộc, hãy kết nối chiến tranh và hòa bình, kết nối thế hệ, mà tỏ lòng biết ơn, giữ thái độ sống nghiêm túc để không làm phụ lòng những chiến sĩ đã không trở về. Những câu thơ ướt đẫm mồ hôi leo dốc của nhà thơ Lê Văn Vọng đã cho ta thấy những gian truân thử thách đôi khi vượt quá sức người, vậy mà các chiến sĩ phải chấp nhận để vượt qua, đúng là “Gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao” anh đã viết “Cái dốc cao 897 bậc / Đầu người đi sau nối chân người đi trước / Mỗi gùi hàng nặng đến sáu, bảy mươi cân / Mỗi bước lên đầu gối chạm cằm, thật là mỗi bước đi không thể nào khó khăn hơn thế nữa, những câu thơ viết trong lòng hạt gạo dân công, trong mùi thơm hàng hóa, thực phẩm phục vụ chiến trường “có bậc nào em chung thân quen / Nắm đất nào không có mồ hôi em / Mùa mưa dốc trơn như mỡ / Những chuyến hàng lên bao bận ngã / Dép cao su phải khắc rãnh sâu” (trong bài Dốc Mỹ thua). Câu thơ viết trên tà áo trinh nguyên người con gái, tà áo dài chờ người chiến sĩ trở về, nhà thơ Đàm Chu Văn đã đưa ta vào trạng thái ám ảnh đến nổi da gà “Anh không về / màu áo trắng để tang lời thề hẹn / Bốn mươi năm em vẫn mang áo dài trắng tìm anh / biết lòng mình còn trong trắng / những người lính tình nguyện năm xưa theo hương áo tìm về “(trong bài Lời hẹn áo dài) đúng là “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Những câu thơ viết trên đầu súng, viết trong tầm đạn, của trận chiến cuối cùng, báo hiệu “Sài Gòn ơi ta đã về đây”, nhà thơ Trần Thế Tuyển đã đưa ta về bốn mươi lăm năm trước, những nỗi nhớ đã được gọi thành tên, là điểm nhấn cho ký ức ngày về “Đầy vơi nhớ một thời máu lửa / Cánh rừng xưa sốt rét vàng da / Đầy vơi nhớ đồng đội nơi cửa mở / Tiếng gọi “mẹ ơi” trước lúc đi xa / Và nhớ mãi mùa xuân năm ấy / Năm cánh quân như một gọng kim / Cầu Rạch Chiếc xe tăng thù bốc cháy / Chiến sĩ đặc công biền biệt cánh chim .../Mới thoáng đó, bốn mươi lăm năm / Vật đổi sao dời sáng mưa chiều nắng / Chỉ có lòng người thủy chung trong trắng / Như buổi đầu hò hẹn bến sông” (trong bài Bốn mươi lăm năm). Đúng vậy những mất mát, những hy sinh, những ác liệt của chiến trận, chiến trường luôn đầy lên trong trái tim người lính, ngày về trong thanh bình, còn biết bao nhiêu vất vả lo toan, áo cơm lại là nỗi lo thường trực trước cuộc sông đầy biên động của thị trường, ai nhớ ai quên, chỉ có lòng chung thủy mới đem lại sự bình yên trong tâm khảm của mỗi con người. Những câu thơ viết cho hiện thực ngày về nhà thơ Hoàng Đình Quang đã đưa ta đi vào mỗi hoàn cảnh, mỗi thân phận, mỗi con người, trong chiến tranh thì chung lưng đấu cật, cùng gian khổ hy sinh nhưng ngày về thì có người còn sót lại đang vật vả áo cơm, anh đã viết cho bạn bè đồng đội, với tấm lòng nhân văn, mà trắc ẩn vô cùng “Gốc cây quán cóc ta ngồi / Rượu suông ta nhắm với thời vinh quang / Tay run mắt đỏ ly tràn / Rót vào trăm nỗi ngổn ngang vơi đầy / Chúng mình sống đến hôm nay / Còn bao nhiêu đứa gửi thây rừng già / Ơn trời đất ơn mẹ cha / Đội ơn vợ đã vì ta mà nghèo / Rượu cho chồng cám cho heo / Tình tang cho nợ bọt bèo cho thơ / Thương đàn con dại ngẩn ngơ / Di truyền cả cái khù hờ của cha / Long đong ở giữa quê nhà / Quẩn quanh ở chỗ người ta cờ tàn / Bạn ngồi bạn uống rượu khan / Tôi ngồi tôi uống cơ hàn bạn tôi” (trong bài Gặp bạn ở chợ Bến Thành). Lâu nay tôi cứ tưởng Hoàng Đình Quang chỉ là nhà văn, thật bất ngờ quá với những câu lục bát tài tình đầy ấn tượng của anh đã thành những tác động vật vật lý trị liệu nỗi buồn và kích hoạt những tổ chức những lòng người hãy nhìn vào những khó khăn của người lính ngày về.
Có sự quên lãng, thiếu vắng nào đây của người sau lo cho kể trước trong đền ơn đáp nghĩa, mà nhà thơ Vũ Đức Thắng đã chia sẻ những câu thơ đầy nỗi niềm trắc ẩn “Mưa rơi tí tách bên hè / Hồn bao đồng đội chưa về… lạc đâu?/ Thế gian nhân nghĩa nát nhàu / Mưu mô thủ đoạn làm giàu vinh thân / Nghe trong gió vắng xa gần / Hồn lang thang gọi người thân vật vờ” hoặc là “Hiện sinh kiếp sống trần gian / Chữ nhân chữ đức nát tan hết rồi /Chán cho cái thói người đời / Cả bầy cơ hội Ma Trơi diễn trò (trong bài Đêm Đồng Tháp Mười). Những câu thơ viết trên cuộc chia ly khi đời đã sang trang, trong thanh bình lại người đi kẻ ở, hoàn cảnh nào mà phải đại dương cách biệt xa vời, những ngày xưa bên nhau gian khó đâu nữa, vậy là lỡ hẹn ngày về nhà thơ Vũ Chí Thành đã hỏi vào cái không gian của anh, những câu hỏi lại vang lên trong lòng chúng ta “Sáng mai này em rời xa xứ sở / Rồi sẽ bay đi đến tận cuối trời / Cách một đại dương trùng trùng bão tố / Biết bao giờ gặp lại em ơi?/ Em có nhớ trận Mậu Thân máu lửa / Cõng thương binh qua làn đạn quân thù / Mái tóc đen bay ngang trời thành phố / Tuổi trăng tròn hoa nở rộ chiến khu / Em có nhớ trận giặc càn năm ấy / Đơn vị mình suối cạn ém quân / Trăng tháng ba như mặt người con gái / Hẹn ngày về thắng lớn giữa mùa xuân” (trong bài Bao giờ mới có mưa ngâu), trời sinh mỗi năm có một lần mưa ngâu, thế mà nhà thơ lại hỏi bao giờ cho đến mưa ngâu, đúng là nỗi nhớ của nhà thơ thôi thúc đến vô cùng. Trong chiến tranh giữa cái chết và cái sống chỉ cách nhau đường tơ kẽ tóc, nhanh chậm chỉ tính bằng giây nhà thơ Mai Quỳnh Nam đã có những câu thơ hú hồn làm ta nghẹt thở “Nó bây giờ là thế này đây / Khẩu M79 văng trên công sự / Trước khi chết nó nhìn tôi rất rõ / Cái đầu ruồi đã chĩa thẳng vào tôi / Qủa đạn lên nòng chưa kịp lao đi / Nó đã bị súng tôi quật ngã / Nó nằm lại trong rừng già sỏi đá / Máu ươt đầm bộ quân phục rằn ri” (trong bài Nó là thế này đây).
Những câu thơ của nhà thơ Văn Lê trong bài thơ “Vé trở về” đã làm ta rung cảm cho một thời đất nước ta đã tập trung tất cả cho kháng chiến giành độc lập và phải chống chọi với đói nghèo, anh mô tả hoàn cảnh của hai anh em một trai một gái, người anh trong cảnh nghèo khó vẫn tần tảo nuôi em, người em còn thơ dại. Rồi một ngày người anh đi kháng chiến, bỏ lại người em phải tự lo liệu mọi thứ cho đời mình, rồi người em cũng lớn lên có gia đình, người anh đã hy sinh nơi chiến trường Cà Tum, người em gái đã cùng chồng đi tìm hài cốt của anh và cố mua cho được một vé tàu cho bộ hài cốt trở về. Những câu thơ vang ra âm thanh buồn, nhịp điệu khi khoan thai khi dồn, thúc như làm co thắt tim ta. Đọc hết “Vé trở về” ai mà không rưng rưng nước mắt, bài thơ này đã là điểm nhấn cho tập thơ “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi”. Những câu thơ uống giọt nắng hồng mà tìm về bên triền sông xưa để sưởi ấm nơi người em gái đã hy sinh nằm lại chiến trường, người em gái ấy đã mĩm cười trước khi đi xa về miền miên viễn. Nhà thơ Lương Minh Cừ đã làm đầy lên trong chúng ta những cảm xúc chiến trường bằng cách anh đã tịnh tâm cho ký ức ùa về và trải ra ra trang giấy “Bận quá anh chưa về thăm được / Nhớ nước Đồng Nai ngọt tiếng hò / Đâu có dễ gì quên thuở trước / Một thời bom dội giữa câu thơ / Em đi như dáng dòng sông ấy / Băng mấy quãng đồng giặc kích đêm / Bom đìa pháo chụp không ngăn được / Những cánh quân về rợp sắc sông / …/ Như con chim nhỏ trong giông lửa / Vút giữa bom rơi với súng rền / Em cùng đồng đội truy kích giăc / Khăn rằn căng rát đạn tiểu liên / Chiều em ngã xuống bên sông ấy / Súng vẫn trong tay miệng mỉm cười” (trong bài Nỗi nhớ gửi lại một dòng sông), có người em cụ thể tên Hương đã làm cho nhà thơ bất chợt với nhiều ý lạ “Em về thoang thoảng hoa ngâu / Nửa tà áo tím nửa bầu trời xanh / Em về đốt trái tim anh / Nửa rừng rực nóng nửa lành lạnh thêm” (trong bài Bất chợt mùa xuân), nhà thơ Lương Minh Cừ đến giữa chúng ta như một sứ giả thơ, anh kết nối, giao lưu, chính anh đã tổ chức biên tập, xin phép in ấn cho tập thơ “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi”. Những câu thơ viết lên mặt trời tháng Tư nhà thơ Lam Giang đã đưa ta về 47 năm trước với những niềm vui đến trào nước mắt reo mừng trong ngày thống nhất non sông “Sài Gòn ơi tôi đã về đây / Mà bao đêm ngóng chân trời nôn nao / Bạn tôi ngã trước hàng rào / Trên đường đột phá tiến vào nội đô / Phút giây ấy đến bây giờ / Trong tôi vẫn rộn sắc cờ màu hoa / Hai mươi năm chợp mắt qua / Thời gian trôi vụt như là giấc mơ” … Rồi anh đã thăng hoa “Một vùng hồi ức trong tôi / Cháy lên cùng với mặt trời tháng Tư (trong bài Trở lại tháng Tư). Rồi anh lại viết vào hoàng hôn đỏ ối những tưởng nhớ đồng đội làm cho lòng ta ngậm ngùi “Khoác súng ra đi chiều đỏ ối hoàng hôn / Và đêm ấy anh không về nữa / Những cánh đồng ngủ say trong gió / Vào mùa dưa hấu chín mênh mông / Tôi về đây lặng ngắm trên đồng / Anh nằm nghỉ bên lùm hoa mua tím / Nghe cháy bỏng lời thơ bay đến / “Tiếng đàn trên vùng giáp ranh” .(trong bài Bài thơ anh bây giờ). Những câu thơ viết trong lòng địa đạo, run rẩy trước “ánh trăng” mười tám, nhà thơ Xuân Hòa đã chia sẻ đến chúng ta trạng thái cảm xúc anh khi đó “Tôi và em những ngày đánh giặc / Trong lòng địa đạo Củ Chi / Tay nắm trong tay ,khẩu súng nằm kề / Hơi thở xôn xao lòng đất / Tôi hiểu tình em trao tôi rất thật / Ngào ngạt hương rừng bay bay /……../ Ánh trăng liền trong kẽ lá đung đưa / Ẩn hiện nửa vầng trăng mười tám / Tôi đưa tay bâng khuâng khẽ chạm / Vội rút về sợ vỡ ánh trăng (trong bài Tôi và em ngày xưa ở rừng).
Ôi thi vị quá tình yêu ngoài chiến trận, những người yêu vẫn giữ được cho nhau. Những câu thơ viết trên dòng sông đang chảy nhà thơ Trần Văn Tuấn đã cho ta nhận diện một hành trình rát bỏng tuổi đôi mươi “Tôi đã đi qua những rừng le rừng khộp / Đi mỏi chân không thấy suối khe / Mỗi buổi sáng tắm áo trong sương sớm / Vắt vào lon lấy nước mang đi / Tôi đã đi qua những rừng già ba lớp / Với dây leo chằng chịt thấp cao / Lên cơn sốt nilon quấn chặt / Ép lạnh ra cho nắng ấm chui vào / …./ Tôi đã đi theo nguồn sông ấy / Để về nơi bến đợi cuối cùng / Nơi rừng núi và biển xanh hội tụ / Bến và sông mang tên gọi Sài Gòn” (trong bài Lời hát từ một dòng sông). Trong phạm vi một bài thơ mà anh đã phác họa một hành trình đi đến đích của hai mươi năm thu xếp giang sơn về một mối và thống nhất đất nước của dân tộc ta. Những câu thơ đã níu chiều chậm lại cho âm thanh thiêng liêng vang lên trong lòng ta từ Phủ Tây Hồ, nhà thơ Thái Thăng Long đã cho ta thưởng thức một buổi chiều êm ái, để tâm hồn lắng lại, sau những đa đoan vật vả đời thường, những câu thơ giàu chất nhạc, nhịp điệu như chiều đi chậm dần vào xa thẳm “Bất giác chiều như muốn chậm đi / Gió trên sóng / Đôi thuyền câu nhả lưới / Mênh mông sương khói / Hồ Tây sóng vỗ Phủ Tây Hồ / Huyền thoại giấc mơ / Chầm chậm lễ chùa cùng em cung kính / …../Em khói hương để thanh thản một phận đời / Ta khói hương để khỏi chơi vơi / Chấp tay lạy những thánh nhân trời đất / Khói hương rủ lòng mình bềnh bồng cõi Phật /Trời xa xanh tiếng hạc trắng kêu hoài /… /Những nỗi buồn gieo neo chiều vắng / Thanh thản bên em trước thềm điện đời thường /…/ Tĩnh lặng tận cùng / Bao la trên sóng nước / …/ Gió Tây Hồ thới buốt mái rêu phong / Rưng rưng lắm mà em chẳng khóc / Hóa vàng đi em lễ Phật Phủ Tây Hồ (trong bài Chiều Phủ Tây Hồ). Đúng vậy sau chiến tranh và sóng gió của thị trường, những hãi hùng cơm áo chúng ta rất cần những buổi chiều của nhà thơ Thái Thăng Long. Tôi đã phiêu lưu quá xa trong tập thơ này, những vẫn thấy chưa đủ, xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe, chúc quý vị an lành, xin cảm ơn.