- Thế giới sách
- Cổ tích cảnh sát - Ánh sáng từ những ngôi sao trên công an hàm!
Cổ tích cảnh sát - Ánh sáng từ những ngôi sao trên công an hàm!
LÂM HÀ
Từ khi nào chẳng rõ, người ta mặc nhiên quy định “cổ tích” là chuyện xưa dành cho trẻ em, là những câu chuyện nêu gương “ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”, “Chính nghĩa tất thắng gian tà” được truyền đạt qua lời kể hằng đêm của bà, của mẹ
Chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại và phát triển, nên sẽ dễ ngạc nhiên và tò mò khi nghe cái tên tác phẩm này. “Cổ tích cảnh sát”? Chuyện cổ tích dành cho cảnh sát giới hay chuyện cổ tích về cảnh sát?
Tôi đọc và tìm được câu trả lời. Cả hai nội dung cổ tích ấy đều được tác giả Trần Ngọc Mai gói gọn trong quyển sách Cổ Tích Cảnh Sát này.
Nội dung về cảnh sát tất nhiên là một vụ án. Vụ triệt phá băng nhóm tội phạm tín dụng đen - cờ bạc - mại dâm qua sự cộng tác của hai anh em Hùng - Hiền với Minh - cán bộ cảnh sát hình sự là một điển hình của bài giáo khoa phá án hình sự với tất cả ly kỳ, hấp dẫn luôn tồn tại trong các tác phẩm thể tài này, nhưng đó chưa đủ để gợi nên chất cổ tích. Cổ tích trong câu chuyện ấy đến từ bản chất hướng thiện vốn có trong mỗi con người như câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện” xa xưa. Hai anh em Hùng - Hiền như bao nhiêu con người khác, vốn sở hữu thiện lương, nhưng bão tố ập xuống đời họ đã khiến chân dung hành xử của họ méo mó lệch lạc, buông cho đời mình trôi trong dòng xoáy tội lỗi - độc ác của thế lực gian tà. Nhưng trong lương tri của họ, vẫn còn le lói tia sáng hướng thiện. Sự xuất hiện của Minh đã tiếp sức cho hai anh em nhen nhóm lại niềm tin và ý chí, khiến ngọn lửa hướng thiện dần cháy bùng lên…cùng với ngọn lửa sức mạnh công lý thiêu tàn tổ chức tội ác của Tài mụn - thủ phạm phá vỡ gia đình mình và bao nhiêu người. Hình ảnh nhân vật cảnh sát hình sự Minh bên hai anh em Hùng - Hiền khơi gợi một liên tưởng về sự soi rọi của ánh sáng chân lý - công lý, nhưng không phải là sự cứu vớt như người ta hay nói và viết về sự “cảm hóa, giác ngộ” đối với kẻ lầm lỡ, mà là sự chia sẻ ánh sáng để cùng nhau tỏa sáng. Ánh sáng từ những ngôi sao trên công an hàm phải là ánh sáng của phúc tinh sẻ chia chứ không phải là ánh sáng của hung tinh lấn át. Đây thực sự là thông điệp thú vị mà Trần Ngọc Mai gửi gắm tròn vẹn qua tác phẩm văn xuôi đầu tay của mình, như xác tín tình yêu nghề nghiệp. Chi tiết Hùng và Ly nhận nuôi đứa con nhỏ của kẻ thù Tài mụn ở phần kết truyện vừa như cái tiếng cười xót xa chia tay bóng tối tội lỗi ở chân trời cũ, vừa như giọt nước mắt mừng vui vì không mất đi niềm tin chân lý trong cuộc sống bận rộn xô bồ đầy cạm bẫy mà hai anh em đã phải vượt qua. Tất nhiên là cũng có thể đặt câu hỏi “Nếu ông trùm đường dây tội ác này không phải là kẻ từng gây tội ác với gia đình mình, liệu Hùng có chấp nhận đứng về phía cơ quan công quyền để tiêu diệt hay không?” Tiếc rằng chính câu hỏi về tính logic ấy của hành động nhân vật lại là lời khái quát mang tính triết học Marx đối với cặp phạm trù Ngẫu Nhiên và Tất Nhiên. Với tội lỗi đã gây ra cho bao nhiêu gia đình, vùi dập bao nhiêu số phận, thế lực tội phạm của Tài mụn tất nhiên sẽ bị căm hận và bị tiêu diệt nên sự tham gia của anh em Hùng - Hiền vào hành động bài trừ ấy của nhà chức trách chỉ là sự ngẫu nhiên mang tính đơn nhất của tất nhiên. Và điều ấy cũng chính là một yếu tố cổ tích qua thành ngữ của người xưa trong Minh Tâm Bảo Giám “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo”.
Cổ tích về cảnh sát trong truyện này là vậy.
Còn cổ tích dành cho cảnh sát?
Cũng là từng chữ từng câu dằn vặt. Ai làm công an đọc cũng không tránh khỏi chút ái ngại nghĩ suy dằn vặt. Vì sao một tên sống bằng nghề cho vay nặng lãi trong sòng bạc (gá bạc) như Tài mụn có thể tồn tại lâu dài và vươn vòi thành ông trùm cai quản cả khu vực thành phố Thủ Đức giáp Bình Dương? Vì sao những người phản ứng với kẻ xấu theo kiểu bộc trực đến thô lỗ như Hùng phải vướng vào tù tội? Nếu mỗi người công an đều ý thức được niềm hạnh phúc từ ngôi sao trên công an hàm mình là ánh sáng của phúc tinh để có trách nhiệm xứng đáng với nó thì Tài mụn làm sao còn có cơ hội để xả súng vào những người truy bắt hắn? Truyện là cổ tích, nhưng chiêm nghiệm thực tế và hành xử cho xứng đáng xin dành cho bạn đọc trong ngành.
Vừa lạm bàn về nội dung mang tính cổ tích, còn về thủ pháp thể hiện nội dung ấy, thì với kiến văn hạn chế về đề tài trinh thám vụ án, trinh sát của mình, xin thú thật là với thể tài này của tác giả Việt Nam, tôi chỉ mới được đọc hai quyển sách được thể hiện đầy chất thơ là “Đội Thiếu niên Tình báo Bát Sắt” của Phạm Thắng và “Cổ Tích Cảnh Sát” hiện đang được các bạn cầm trong tay.
Cảm ơn và xin được chia sẻ cùng tác giả.