TIN TỨC

“Của tin còn một chút này làm ghi...”

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
288 lượt xem

TRIỆU PHONG

Cầm trên tay cuốn Tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ dày dạn, sang trọng, nhiều bạn đọc hết sức xúc động. Vì đây là một nhà văn lừng danh một thuở, nhưng đã vắng bóng trên văn đàn nửa thế kỷ nay.

Nhớ lại Giải thưởng văn nghệ 1951-1952, Võ Huy Tâm, Nguyễn Khắc Thứ, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng... là những nhà văn được trao những giải thưởng cao nhất : Giải nhất: tiểu thuyết Vùng mỏ của Võ Huy Tâm. Giải nhì: gồm 2 giải trao cho ký sự Trận Thanh Hương của Nguyễn Khắc Thứ; và tiểu thuyết Xung kích của Nguyễn Đình Thi. Giải ba: gồm 2 giải trao cho truyện ngắn Con đường sống của Minh Lộc; và ký sự Chiến thắng Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng.Giải khuyến khích: gồm 3 giải cho các tác phẩm truyện ngắn Đánh trận giặc lúa của Bùi Hiển; truyện Xây dựng của Nguyễn Khải; truyện Ông Cốc của Nguyễn Khắc Mẫn... Như vậy, xuất phát điểm ban đầu của nhà văn Nguyễn Khắc Thứ là rất xuất sắc, giải thưởng của nền văn học kháng chiến đã ghi nhận ông là một trong những cây bút hàng đầu của văn nghệ Việt Nam giai đọan kháng chiến chống thực dân.

Vậy Nguyễn Khắc Thứ là ai? Và vì đâu ông đoạt Giải thưởng văn học cao quý này?

Nhà văn quân đội Nguyễn Khắc Thứ sinh năm 1921, quê quán thuộc thôn An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Một người bà con thân thiết của ông là nhà giáo Trương Quang Đệ viết về ông: “Nguyễn Khắc Thứ thuộc thế hệ những nhà văn thời kháng chiến chống Pháp. Từ thời còn là học sinh, Nguyễn Khắc Thứ đã say mê văn chương và đã sáng tác nhiều truyện dài, truyện ngắn, thơ ca. Khoảng năm 1948, khi giặc càn về quê nhà, gia đình anh phải buồn bã đem toàn bộ sách vở ra đốt, trong đó chúng tôi phát hiện nhiều bản thảo truyện ngắn và thơ ca của anh được viết tay nắn nót hoặc đánh máy. Kháng chiến bùng nổ, đường sắt, cầu cống, tàu xe bị phá bỏ, anh lên chiến khu Ba Lòng của tỉnh Quảng Trị và công tác tại Ban di cư tản cư của tỉnh. Khoảng năm 1949, anh ra công tác ở Nghệ Tĩnh thuộc vùng tự do, kết hợp với một việc riêng cũng không kém phần quan trọng là đưa người em con dì, sau này là NSƯT Tân Nhân, ra vùng tự do tiếp tục học tập… Ca sĩ  Tân Nhân lúc đó là nữ sinh Đồng Khánh (Huế), hoạt động nội thành bị lộ, phải rời thành phố lên khu kháng chiến. Sau đó, Nguyễn Khắc Thứ xin gia nhập quân đội, chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên”.

 Sau năm 1954, từ sư đoàn 325 Bình Trị Thiên, nhà văn Nguyễn Khắc Thứ được gọi về Trại viết anh hùng của Tổng Cục Chính trị. Nhà văn Nguyên Ngọc nhớ lại: “Bấy giờ Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua quân đội vừa họp ở Hà Nội. Tổng cục Chính trị gọi mỗi sư đoàn một người “biết viết” về Hà Nội để chia nhau viết về các Anh hùng vừa được tuyên dương. Hóa ra đấy là cuộc tập hợp để rồi sau đó sẽ hình thành cả một thế hệ những người cầm bút chủ lực được rèn luyện trong kháng chiến chống Pháp và bắt đầu chính thức bước vào văn học sau năm 1954-1955. Nguyễn Khải từ sư đoàn đồng bằng Bắc bộ lên, Phùng Quán, Nguyễn Khắc Thứ từ sư đoàn 325 Bình Trị Thiên ra, Hồ Phương từ sư đoàn 308 về, Nguyễn Trọng Oánh và Hải Hồ từ sư đoàn 304 Khu 4, Lý Đăng Cao từ phòng không, Hà Mậu Nhai từ sư đoàn 330 Nam bộ... Ít lâu sau, có thêm Hữu Mai từ Điện Biên Phủ, Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi từ sư đoàn 338 Nam bộ về... Tôi là người về sau cùng, một cây bút mới tập tò đôi ba bài bút ký vô danh, từ sư đoàn 324 Khu 5 cũng được gọi về vì có ai đó tình cờ giới thiệu. Lính mới toanh, cấp thấp nhất trong nhóm, còn hoàn toàn trắng tay, gặp ai cũng sợ. Bấy giờ Hồ Phương đã có Thư nhà, chúng tôi ở chiến trường Khu 5 xa thế mà cũng từng được đọc và phục lăn. Nguyễn Khắc Thứ đã có cả bộ tiểu thuyết Đất chuyển đồ sộ. Phùng Quán vừa xáo động văn đàn bằng Vượt Côn Đảo. Nguyễn Khải thì từng đoạt giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam, danh tiếng vang đến tận những chiến trường xa trong Nam của chúng tôi...”

Nhà văn Nguyễn Khải cũng viết về đội ngũ nhà văn trẻ quân đội những ngày tháng này: “Mãi đến giữa tháng 8 năm 55, sau ngày đình chiến, kết thúc cuộc chiến chống Pháp đúng một năm, chúng tôi mới được Phòng Văn nghệ gọi về Hà Nội viết truyện anh hùng. Đây là đi công tác, đi rồi về chứ không phải là thuyên chuyển công tác, đi rồi ở hẳn. Thôi được, cứ biết là được về Tổng cục mấy tháng, lên đó sẽ tính, biết đâu được trên yêu mà cho ở lại. Tôi được về Tổng cục Chính trị, được về Hà Nội như đang ở ao ngòi được ra sông cái, đầm lớn, việc gì cũng lạ, chuyện nào cũng vui. Hàng ngày tôi đều được cùng ngồi ăn, cùng trò chuyện với các các Thanh Tịnh, Đỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác, Xuân Miễn, Bích Lâm, Vũ Tú Nam, Từ Bích Hoàng, Vũ Cao, Mai Văn Hiến, Doãn Trung, Hà Mậu Nhai, Nguyễn Thuỵ Ứng, Ngọc Tự... Cùng lên Tổng cục với tôi đợt ấy có các anh: Hồ Phương, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khắc Thứ, Trần Cẩn, Mạc Phi, Vũ Sắc, Xuân Thiêm, Nguyễn Trọng Oánh, Lý Đăng Cao, Xuân Vũ, Minh Giang, Phác Văn. Ít lâu sau có thêm các anh: Hữu Mai, Hải Hồ, Ngô Thông, Nguyễn Ngọc Tấn. Rồi các anh Hoàng Cầm, Hoàng Yến, Phùng Quán, Tạ Hữu Thiện. Và ông Trần Dần. Ngày ấy hình như chỉ có tôi và anh Nguyên Ngọc là ngơ ngác hơn cả, vì chúng tôi là lính quân khu, lính địa phương. Còn các anh khác là lính chủ lực, lính các đại đoàn, họ thường gặp nhau, cùng làm việc với nhau mỗi lần Bộ Tổng mở chiến dịch lớn. Họ là bạn của nhau, xưng hô với nhau là ông tôi, cậu tớ, gọi nhau là thằng này thằng nọ. Còn tôi thì khác. Ai cũng đáng mặt đàn anh mình cả”.

Thầy giáo Trương Quang Đệ cho biết: “Vào những năm 1956-1957,  Nguyễn Khắc Thứ tham gia trại sáng tác của Tổng cục Chính trị viết về đề tài Anh hùng quân đội. Anh cho ra đời cuốn tiểu thuyết Đất chuyển, kể lại một câu chuyện có tính hiện thực, với những nhân vật có hồn, có tình người. Chỉ mấy tháng sau khi được xuất bản ở Việt Nam, Đất chuyển được một nhà văn Trung Quốc dịch sang Hoa văn với tên gọi Thổ địa hồi gia. Một truyện khác của anh, Bản án tử hình, được nhiều nước Đông Âu đăng lại trên các báo văn học, sau khi họ nhờ anh dịch ra tiếng Pháp làm cứ liệu trung gian…”. Sau giai đoạn ở trại viết, Nguyễn Khắc Thứ tiếp tục thăng hoa với nhiều tác phẩm ra đời: Phá kho bom Tân Sơn nhất, Bản án tử hình... được các nhà xuất bản xuất bản với số lương lớn, không cuốn nào đưới 10.000 bản, và một tên tuổi Nguyễn Khắc Thứ rất tỏa sáng lúc bấy giờ... Nguyễn Khắc Thứ thuộc lớp nhà văn đầu tiên có mặt tại Hội Nhà văn Việt Nam buổi đầu thành lập, ông trở thành Hội viên Hội nhà văn Việt Nam năm 1957.

Điều đáng tiếc rằng, sau giai đoạn rực rỡ này, cây bút Nguyễn Khắc Thứ dường như hòan toàn yên lặng trên văn  đàn, dù anh vẫn là một sĩ quan quân đội. Có một thời gian anh đi thực tế ở một nông trường, rồi sau đó về công tác ở Thư Viện Quân Đội mới được thành lập. Anh lặng lẽ, cần mẫn với công việc của mình, lấy sách bạn bè anh em làm vui chứ không viết thêm tác phẩm văn học nào. Những ngày ấy ở khu văn công Mai Dịch, người ta thường thấy một sĩ quan đã luống tuổi, đeo một chiếc kính lão dày cộm, ngày ngày chuyển sách cho các đơn vị ở chiến trường xa xôi. Ông lấy công việc này làm vui, làm nghĩa vụ của mình đóng góp cho chiến trường, cho những cây bút đàn em ông như nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh trong chiến trường Trị Thiên cùng anh em đang từng ngóng trông sách từ thư viện gửi vào. Đừng tưởng người lính trong chiến tranh chỉ cần súng ống và lương thực, họ cần, rất cần cả những vần thơ, trang sách truyện, thậm chí cả những bộ tiểu thuyết lừng danh thế giới làm sức mạnh tinh thần cho mình. Và chính những nhà văn như Nguyễn Khắc Thứ cần mẫn, bền bỉ làm công việc này, với tất cả tình yêu văn chương cũng như tình yêu chiến sĩ...

Cho đến nay, sau nửa thế kỷ, giai đoạn văn học bừng sáng một thuở với nhiều tác phẩm văn học xuất sắc của nhà văn Nguyễn Khắc Thứ  mới được NXB Văn học tập hợp lại, ra mắt trong một bộ tuyển tập dày dặn, do nhà nước đặt hàng. Tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ bìa cứng, dày 710 trang, gần như trọn bộ những sáng tác của ông: Từ Trận Thanh Hương, tiểu thuyết Đất chuyển, truyện dài Hẹn hò, tập truyện Phá kho bom Tân Sơn Nhất và tiểu thuyết Bản án tử hình. Đọc trọn bộ Tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ này, người đọc thời nào cũng thấy hiện lên một gương mặt văn học tài hoa, kiến thức rộng mở, một giọng văn có cá tính và đặc biệt rất sắc sảo và “thời cuộc”. Những thành tích văn học của ông, như Trận Thanh Hương được giải thưởng văn học kháng chiến, Đất chuyển kể như thiên tiểu thuyết đầu tiên về cải cách ruộng đất đến văn học Trung Quốc cũng nể vì, và đặc biệt là tiểu thuyết Bản án tử hình kể như thiên tiểu thuyết đầu tiên khơi dòng dòng văn học “dao găm súng lục” an ninh tình báo của chúng ta. Mỗi tác phẩm của Nguyễn Khắc Thứ đều để lại một dấu ấn lịch sự trong lòng bạn đọc và trong nền văn chương nước nhà.

Nguồn Văn nghệ số 15/2023

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và “Cõi lặng”
Nhiều người nói rằng, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm rời chức vụ, quyền lực một cách thanh thản. Anh dứt áo, về quê mình, xứ Huế, xứ thơ, dù gia đình anh ở Hà Nội.
Xem thêm
Nhà văn Nguyên Hùng: Lịch sử nhìn qua giới giang hồ
Nhà văn Nguyên Hùng sinh ra ở Côn Đảo, từng sống khắp Nam kỳ lục tỉnh, thời kháng chiến chống Pháp ông làm báo ở Sài Gòn, ở chiến khu Đồng Tháp Mười và chiến khu Đ. Thời đất nước chia cắt hai miền, ông được tổ chức điều về Sài Gòn hoạt động báo chí công khai. Tất cả những hiểu biết thực tế phong phú, cộng với việc tìm hiểu tài liệu công phu, giúp ông viết nên Người Bình Xuyên, ra mắt năm 1985, cuốn truyện tư liệu dày dặn như một pho tiểu thuyết chương hồi cuốn hút khiến người đọc không thể dừng lại được…
Xem thêm
Người thầy xanh thẳm nỗi đời chất chứa yêu thương
Tôi đọc một mạch cuốn sách Người thầy (Nxb Quân đội nhân dân, 2023) của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh xong mà cứ bâng khuâng mãi. Người thầy xanh thẳm nỗi đời chất chứa yêu thương
Xem thêm
Nguyễn Quốc Trung đã về miền mây trắng
Bài viết của nhà thơ Lê Thành Nghị
Xem thêm
Ký ức một thời trận mạc của chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
Đó là Đại tá Hoàng Long Xuyên, sinh năm 1918, nguyên Đội trưởng đội du kích Hòa An - Cao Bằng, nguyên Giám đốc Công an Khu tự trị Việt Bắc kiêm Chỉ huy trưởng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng - BĐBP) Khu tự trị Việt Bắc.
Xem thêm
Nhà văn Lương Sỹ Cầm: Như dòng sông lặng lẽ trôi
Nhà văn Lương Sỹ Cầm sinh ngày 15.01.1929 tại Hà Tĩnh, hiện là hội viên cao tuổi nhất của Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua đời vào lúc 13h ngày 28.8.2023 tại Hà Nội hưởng thọ 96 tuổi. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Ông đã sống, đã sáng tạo gần một thế kỷ trên cõi đời này như không hề biết mệt mỏi. Mới cách đây 5 năm, khi ở tuổi 90, ông vẫn cho ra mắt tiểu thuyết Đèn kéo quân và được trao Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng”. Tưởng nhớ nhà văn lão thành Lương Sỹ Cầm, Vanvn.vn trân trọng giới thiệu lại bài viết của nhà văn Nguyễn Thế Hùng về ông.
Xem thêm
Từ Kế Tường đánh thức thời hoa mộng
Từ Kế Tường, tên khai sinh là Võ Tấn Tước, quê gốc ở Bình Đại – Bến Tre, nhưng lên Sài Gòn học khá sớm. 19 tuổi tác giả đã là thư ký tòa soạn tờ Tuổi Ngọc, tờ báo dành cho thiếu nhi. Năm 1969, Huyền xưa, tiểu thuyết đầu tay của ông, được in nhiều kỳ trên báo, sau đó mới in sách, lần đầu khoảng 150.000 bản.
Xem thêm
Xuân Oanh - cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng! (Phần cuối)
Là một trong những hội viên thế hệ đầu tiên của Hội Nhạc sỹ Việt Nam,
Xem thêm
Phạm Vân Anh - Gót sen nở thắm biên thùy
Từng là sinh viên ngành “hot” (ngôn ngữ Anh) của trường “top” (Đại học Ngoại ngữ Hà Nội), ấy thế nhưng khi tốt nghiệp đại học, Phạm Vân Anh lại quay về quê hương Hải Phòng để làm việc tại Quỹ Bảo trợ Trẻ em thành phố và nhận dạy tình nguyện cho trẻ em lang thang cơ nhỡ tại các lớp học tình thương.
Xem thêm
Nhạc sĩ Xuân Oanh - nhà ngoại giao nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ
Xuân Oanh (1923-2010) là tác giả của bài ca “Mười chín tháng Tám”
Xem thêm
Nhà thơ Vân Long và những người văn Thăng Long
Nhà thơ Vân Long làm việc ở báo Độc Lập, sau này anh về NXB Hội Nhà văn, phụ trách phần thơ.
Xem thêm
Xuân Oanh - cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng! (Phần 3)
Bạn bè, đồng nghiệp các thế hệ luôn dành cho Xuân Oanh danh xưng Nhà Ngoại giao Nhân dân
Xem thêm
Lê Minh Quốc - Trương Nam Hương, đôi bạn thơ và vùng hoài niệm
Bài viết của Ngô Đức Hành về đôi bạn Lê Minh Quốc - Trương Nam Hương
Xem thêm
Mối tình vì hòa bình
Nhạc sĩ Xuân Oanh (1923-2010) tên đầy đủ là Đỗ Xuân Oanh. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ông từng làm việc cho báo Cứu quốc.
Xem thêm
Văn Cao: Từ “Buồn tàn thu” tới mùa thu Cách mạng
 Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (1923-2023), một chương trình nghệ thuật đặc biệt Đàn chim Việt sẽ được tổ chức để tôn vinh tài năng của người nghệ sĩ lớn. Chương trình diễn ra lúc 20 giờ ngày 20.8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Xin giới thiệu bài viết của nhạc sĩ Trần Lệ Chiến – Phó Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc – Hội nhạc sĩ Việt Nam về nhạc sĩ Văn Cao.
Xem thêm
Đỗ Xuân Oanh - một cuộc đời, một nhân cách
Phim tư liệu giới thiệu nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám
Xem thêm