TIN TỨC
  • Truyện
  • Dạ quang xanh | Nguyễn Hiệp

Dạ quang xanh | Nguyễn Hiệp

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-12-03 09:39:28
mail facebook google pos stwis
748 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

NGUYỄN HIỆP

Chầm chậm. Lướt. Nhẹ hẫng. Gã thấy mình đang ngồi trên chiếc lá khô cong lướt êm trên mặt nước soi bóng mây trời. Tay gã cầm mái chèo nhưng bất động. Mặt nước yên và phẳng, thỉnh thoảng mới có vài vòng tròn đồng tâm khẽ khàng xao động. Càng lướt đi chiếc lá càng nhỏ dần và gã cũng nhỏ dần. Gã mơ hồ nghĩ mình vừa đến một thế giới khác khi nhìn thấy mặt nước dạ quang xanh trước mặt. Gã biết mình đang bị chấn động trở lại bởi nỗi ám ảnh xa xưa ấy, mặt nước đột ngột hiện ra hàng triệu hàng triệu con mắt ánh xanh như mắt mèo, lại đột ngột sống động vô vàn những con đường xanh đan chéo, chùng võng, quấn lượn lấy nhau trong cơn chầm chậm loạn điên ảo mộng. Đã bao lâu nay, người gã cứ quặn lên từng khúc ruột khi thấy ảo ảnh ánh sáng xanh ác mộng nhưng giờ thì tâm hồn gã đã tê dại, lạnh lẽo. Chẳng phải tột đỉnh của nỗi đau là sự trơ không của tâm thần hay sao?!

Cảm giác âm ấm của giọt nước mắt sống cuối cùng vừa loang nhẹ khiến gã tỉnh lại… Hơi thở của gã lúc này mỏng manh và chậm rãi như không. “Vĩnh biệt!”, lần thứ ba gã run run buông điện thoại mà không thể nào bấm gửi cái tin nhắn tuyệt vọng ấy cho Thả được. “Cũng chẳng để làm gì nữa!”, gã tự nghĩ vậy, hai mắt lim dim, mặc cho những đốm dạ quang xanh lại đảo chao, múa may cuồng loạn…

*

“Đang yên, đang lành…”, mấy đồng chí thân cận thấy gã bế con bé hơn tháng tuổi đỏ hỏn khóc oe oe trên tay mà lắc đầu ngao ngán, mà buông lời thườn thượt như tiếng thở ra. Gã biết sau lưng mình còn có bao nhiêu lời đàm tiếu, có người ha hả mỉa mai: “Tậu trâu được cả nghé”, có người sẵn cơ hội soi mói độc địa: Đâu chỉ giờ, hồi còn làm chủ tịch xã, lão đão đeo cái đồng hồ cũ tháo cả kim, tâm thần bất ổn lâu rồi… Gã chẳng để tâm làm gì! Mười lăm năm làm chủ tịch cái xã này và cả những năm tháng về hưu nữa chẳng lẽ gã lại chưa biết bản tính nhiều chuyện của người dân ở đây. Chuyện đồng hồ không kim của gã là do nỗi đau riêng tư, làm sao họ hiểu được những gì sâu thẳm bên trong một con người mà phán này nọ. Hơn cả các người, tôi còn biết rõ cha thiệt của đứa bé là ai nữa kia mà, thằng trai ấy có tâm hồn trong sáng lắm, thương Bông thiệt tình nhưng rồi với cảnh cày thuê cuốc mướn nó chẳng biết xử sao cho đúng nên đã cao chạy xa bay. Tôi đã nhắn tìm thằng trai ấy về gặp tôi, một sự sắp xếp không danh chánh ngôn thuận nhưng bảo đảm cuộc sống hạnh phúc về sau đang chờ đợi cặp đôi đáng thương ấy. Tôi cưới Bông, cô gái trẻ đáng hàng con cháu này không phải vì chuyện yêu đương trai gái thông thường. Gần cả đời làm lãnh đạo, tôi biết rõ sự kích động của đám đông chứ nhưng giờ là lúc tôi không còn sợ nữa, tôi phải sống như tôi muốn. Tôi muốn Bông thoát khỏi thân phận nghèo khổ! Tôi muốn con bé có đôi mắt tròn xoe này không phải mang tiếng “con hoang”! Và tôi cũng muốn mình biết đến cảm giác gia đình mà cả đời tôi khao khát! Tôi muốn má con Bông hạnh phúc với số tài sản, đất đai, tiền bạc một đời tôi tom góp, dành dụm… Tôi còn biết để lại cho ai nữa đây? Tôi thương Bông bằng tình thương của một người cha hơn là của một ông chồng. Tôi cần tiếng cười vui của má con Bông! Tôi cần những tiếng bi bô sắp tới đây của đứa trẻ lành lặn này. Tôi cần những ngày sống cuối đời của mình không được quá hiu hắt, quá buồn thương, có ai muốn mình từ giã cuộc đời trong cảnh cô quạnh đâu… Chừng này tuổi rồi, chẳng lẽ tôi không biết mình muốn gì hay sao?!...

Nhiều lúc nằm gác tay lên trán, gã ngẫm nghĩ được hết mọi chuyện, tuổi này đạp hạt sương ướt trên cỏ còn biết mùa đông sắp đến, huống là chuyện nhân tình thế thái. Mọi thứ cứ mồn một trong trí nhớ không đến nỗi tệ của một người nguyên chủ tịch xã như gã. Đời gã cũng có những phút giây yêu đương thiệt sự chớ đâu chỉ những lạnh lùng, nguyên tắc! Con người ta đến giờ phút nằm xuống huyệt mộ mà chưa yêu ai và chưa được yêu thì có đáng sống không?! Của nả, danh vọng khói sương, chỉ yêu thương còn lại. Là người đi qua cuộc chiến, đi qua những khoảnh khắc sinh tử chớp mắt sao gã lại không biết!

Gã đã từng thương Bảy Thả, cô du kích có mái tóc đen dài như suối, nhan sắc nhất mật khu và gã cũng đã được Thả thiệt lòng dâng hiến những rung động, mê đắm đầu đời. Xét cho cùng, nếu phải có một tổng kết cuộc đời, gã chỉ còn cuộc tình đẫm nước mắt này là đáng kể hơn cả.

Nắng đổ lửa. Những sáng sớm, mọi người xúm nhau rung sương trên lá rớt xuống để kỳ cọ mặt mày, cơ thể cũng không còn nữa. Cây lá khô quắt lại. Bầu trời trong xanh, cao vút, nắng nung khô khốc vạn vật, khô nỏ đất đá. Môi người nứt nẻ. Da người sạm cháy. Mật khu đang bị bao vây bởi lực lượng biệt kích Mỹ dày đặc. Các nguồn nước suối ít oi còn lại đang bị Mỹ phục kích, đã có nhiều đồng chí bị bắn chết khi đi lấy nước. Hơn trăm con người hốc hác, phờ phạc vì thiếu nước, đã có vài người khát quá phải đái ra mà uống. Ai đó vừa nói về cách tắm lửa thay cho tắm sương đã thấy ánh mắt mọi người sáng lên. Gã và Thả nháy mắt cho nhau cùng đi tìm góc rừng vắng. Hai người đã báo cáo tổ chức nên cũng hơi tự do đi với nhau. Thả tỏ ra tháo vát khi nhanh chóng nhóm lên một đống lửa bằng những cành củi khô. Thoạt tiên, hai người ngồi chồm hổm hai bên cùng áp tay, áp mặt vào đống lửa cho mồ hôi rịn ra. Chiếc khăn rằn tỏ ra hữu ích trong việc chà lau, kỳ cọ cơ thể. Lửa càng lúc càng hực nóng. Khuôn mặt của hai người càng lúc càng đỏ bừng. Gã cởi trần ngay từ đầu nhưng Thả còn e ấp với chiếc áo bà ba đen cổ hình trái tim… Mồ hôi càng lúc càng tuôn túa đẫm áo, gã nhìn Thả ngập ngừng, khe khẽ, lời vừa đủ lấn át tiếng lép bép của lửa: Em… cởi… áo… đưa đây anh phơi cho! Mọi việc diễn ra cứ như một giấc chiêm bao. Thả ngoan ngoãn làm theo lời gã. Từ phút giây nhìn thấy hai bầu vú căng tròn của Thả, gã như đã thành con người khác, mụ mị và mê đắm. Cơ thể gã nóng ran lên không chỉ vì lửa. Gã phơi chiếc áo lên cành cây cạnh chỗ dựng súng rồi đến ngồi sau lưng, kỳ cọ cho Thả. Những giọt mồ hôi rịn lấm tấm khắp phần lưng trần nuột nà ấy hớp mất hồn gã. Ngón tay chai sần bởi bóp cò súng quá nhiều của gã rụt rè cạ lướt dọc theo sống lưng rồi mơn trớn đưa dần ra, đưa dần xuống. Cơ thể Thả đỏ rựng, nóng rẩy như hòn than lớn. Hai bàn tay của gã rờ rẫm đến đâu thì da thịt Thả dậy sóng đến đó. Gã càng kỳ cọ càng lâng lâng trong cơn rạo rực chưa từng xảy đến với mình. Tay gã đã dạn dĩ hơn, càng lúc càng tham lam vồ vập đến cả vùng núi đôi mềm mại. Thả ưỡn cong người, hết bên này lại bên kia theo những đợt sóng do hai bàn tay gã tạo nên. Thả nhắm nghiền hai mắt, tiếng rên bật lên khe khẽ. Gã hơi mở mắt nhưng cũng không còn thấy gì. Hai cơ thể ràn rụa mồ hôi đã ập vào nhau tự lúc nào. Mùi cơ thể của cả hai ngập ứ, nồng nồng tỏa quyện chung quanh. Lửa bên ngoài đã không còn nóng bỏng bằng lửa cơ thể, lửa của hai ngọn Diệm Sơn đã ngun ngút bùng lên trong cơn mê đắm cuồng nhiệt đầu đời. Họ kỳ cọ lẫn nhau bằng chính hai tấm lưng đang nóng rẩy, bằng chính hai dòng máu bên trong nóng rẩy, bằng chính tay chân mặt mũi nóng rẩy. Hai đôi môi nứt nẻ đã tìm đến nhau, nỗi đau rát do các vết nứt khô chẳng là gì trong lúc này. Thả kỳ cọ da thịt gã bằng chính hai bầu vú, bằng chính hai núm son rân rân rạo rực trên hai đỉnh núi đôi mềm mại… Và điều gì phải đến đã đến, hai ngọn núi lửa đã hòa thành một, họ đã đi vào cơ thể của nhau bằng những cơn co giật cuồng dại, bằng những dập duềnh nhầy nhụa dung nham, bằng tất cả, tất cả, từ những lượn sóng rung động nhẹ nhàng tâm hồn đến những cồn lên, bay lượn, tan biến trong tột cùng lạc thú, trên tuyệt đỉnh Vu Sơn. Cỏ chung quanh đã rạp nát bởi những xoắn cuộn, lăn lộn của họ. Lưng của hai người đều rịn máu bởi những hòn đá nhọn lô nhô khắp nơi. Đống lửa nhóm bằng củi khô đã tàn, đã tro, đã nguội lạnh tự lúc nào nhưng ngọn lửa họ vừa thắp cho nhau bằng yêu thương, bằng ham muốn, bằng khoái cảm hòa quyện càng lúc càng dâng cao, bay bổng và rực nóng không cùng. Mồ hôi hòa quyện của ngọn núi chung có tên là đỉnh Vu Sơn hoan lạc mây mưa ấy đủ sức rửa trôi tất cả mọi loại bụi bặm, máu me, khói súng, rửa trôi từ bên trong những lo lắng, căng thẳng, sợ hãi của cuộc chiến khốc liệt mang lại. Cuộc tắm lửa đã trả về trên môi hai con người nguyên sơ ngập tràn yêu thương nụ cười phớt nhẹ trên môi, nụ cười mãn nguyện, hạnh phúc…

*

Chầm chậm. Lướt… Những đốm xanh dạ quang kéo thành vệt lớn như có đàn cá đang di chuyển trong đêm… Một cơn đau quặn thắt đột ngột khiến gã ngất lịm đi. Gã đang chìm dần trong cái bể trống rỗng thì đột nhiên Thả xuất hiện và chụp được bàn tay đang trôi tuột đi của gã. Hụt hơi. Gã cố hớp hớp nối lại làn khí thở mỏng nhẹ, làn khí thở mảnh như sợi tóc đang níu giữ sự sống ngàn cân. Gã cố tìm lại hình ảnh Thả, cố tìm lại suối tóc mượt mà thương thuộc, cố tìm lại đôi mắt thất thần năm xưa nhưng sau khi giữ được gã thoát khỏi sức níu kéo tử thần, Thả lại lần nữa biến mất. Gã lại chìm đắm trong biển nước dạ quang xanh. Lần đầu tiên gã thấy những đốm dạ quang xanh kinh dị cuồng loạn trước mắt cũng khá lâu rồi và nó đã trở thành nỗi ám ảnh bám theo gã cho đến hơi thở cuối cùng này.

… Kết quả của những lần tắm lửa là Thả có thai. Mật khu thời gian bị bao vây này khó khăn trăm bề. Nước không có uống, phải chôn khăn, chôn áo sâu dưới đất, qua đêm lại đào lên vắt lấy chút ẩm ướt sền sệt trong đó mà đun uống, mà lau quét lên những đôi môi nứt nẻ. Khoai không có ăn, củ nần, củ chụp, khoai mài cũng hết, tìm chảy máu mắt không còn mụn rễ nhỏ. Lá bép, lá đỏ ngọn, lá miểng bát… cũng không còn nữa dưới cái nắng đổ lửa. Đói ăn. Khát uống. Kiệt sức. Sốt rét. Lực lượng dần mòn hao hụt, mỗi người phải tự đào huyệt mộ cho mình, phòng khi nhiều người cùng lúc đột ngột nằm xuống, không ai lo nổi cho ai. Khi cùng Thả đào hai huyệt mộ cạnh nhau, Thả đã dừng tay xẻng nhìn chằm chằm xuống cái hố vừa đào và nói với gã như một điềm gỡ: Nếu phải hy sinh một trong hai ta thì anh phải là người sống để nuôi con!

Càn quét dữ dội. Hàng trăm lính Mỹ và xe bọc thép thọc khá sâu vào đến gần vùng an toàn của mật khu. Những cái chết của người thân đã gây nên làn sóng chấn động, lo lắng cho những tay súng còn sống. Nhưng một người đã đứng lên trên chiến hào và hét lớn: Sống là để chiến đấu! Chiến đấu là để sống! Xung phong! Đồng chí ấy đã trúng đạn ngã xuống nhưng đội quân phòng thủ còn lại của mật khu đã rùng rùng trỗi dậy từ khắp các chiến hào. Những quả đạn B.40 bắn trúng đích đã diệt ngay ba xe bọc thép dẫn đầu. Lính Mỹ mất ba tấm khiên thép, không còn chỗ ẩn nấp đã bắt đầu hoảng loạn. “Phương án B! Các đồng chí, phương án B!” Lệnh vỡ từ một chỉ huy. Tiếng súng không còn bắn rát. Cắc bùm! Một lính Mỹ bị bắn vào chân rú lên. Cắc bùm! Một lính Mỹ nữa bị bắn nát đùi lại la lên thảm thiết. Cắc bùm! Lại một tên nữa trúng đạn vừa chửi thề liên tục. Hai tên bên cạnh xếp súng đưa vai dìu đồng đội… Máu liên tục tóe ra từ phần dưới của đám biệt kích đi đầu. Tiếng rú đớn đau dày hơn. Đoàn quân biệt kích Mỹ thiện chiến khét tiếng đang tiến lên bỗng tản ra thành nhiều nhóm ba người như thế. Thay vì hạ chết, chỉ cần bắn vào chân cho bị thương. Đó là “phương án B”, nó có thể hạ gục nhanh chóng một đội quân đông đúc. Bắn bị thương nghĩa là một phát vô hiệu hóa được ba tên, (hai tên dìu và một tên bị thương). Tuyệt chiêu chiến tranh du kích tung ra đúng lúc đã làm cho cả đội quân càn quét hùng hậu đột nhiên chìm trong sự kinh hãi, buộc phải dìu nhau rút lui.

Yên. Việc chôn cất và băng bó, thuốc men còn bề bộn ra đó. Khi gà rừng mới gáy cầm canh lần thứ hai thì Thả bắt đầu đau bụng dữ dội. Một chị cán bộ phụ nữ địa phương mới thoát ly vào mật khu là người có kinh nghiệm đỡ đẻ cho biết khoảng hai tiếng đồng hồ nữa sẽ vỡ ối, sổ thai. Sinh đẻ ở mật khu là chuyện chẳng đặng đừng, gì cũng thiếu, ngay dụng cụ cắt rốn cũng phải tạo từ thanh vỏ tre vót bén. Mọi người gom hết phần nước quý giá ít ỏi của mình lại mới đủ lưng lưng đáy ấm để đun sôi, dành cho việc rửa ráy. Thả vẫn tham gia chiến đấu ngoài chiến hào đến khi không chịu nổi nữa mới bò về láng hầm, dù có lệnh được miễn để chuẩn bị cho “đứa bé mật khu” ra đời. Các đồng chí của gã và Thả đều trìu mến gọi con của họ như thế khi nó chưa chào đời.

… Gã nhớ mãi khuôn mặt xanh xao, đôi mắt thất thần của Thả. Một đứa bé có hai khuôn mặt méo xệch, thân thể to tê dị dạng, tím tái, bất động được quấn trong chiếc khăn rằn đặt dưới chân Thả. Gã choáng váng buông rơi cây đèn hột vịt khi thấy hình hài dị thường đó. Nỗi háo hức được làm cha đến mức chưa kịp thay chiếc áo nồng nồng mùi thuốc súng và mùi máu của đồng đội, gã đã có mặt bên Thả với nụ cười bẻn lẻn. Giờ thì tất cả tối sầm lại. Gã dường như hóa điên khi Thả lên cơn co giật và máu từ cửa mình tuôn ra xối xả. Cơn băng huyết đột ngột xảy ra chỉ khoảng mươi phút sau khi thai sổ. Thai hư lại quá lớn đã làm tử cung bị đơ không co bóp tự nhiên được nữa. Chị cán bộ phụ nữ miệng vừa hô người đi hái lá cộng sản cầm máu, vừa quýnh quíu liên tục xoa bóp tử cung của bà mẹ trẻ. Chị đã vài lần dừng lại đưa ngón tay ngang mũi Thả để kiểm tra và gật đầu với mọi người. Thoi thóp thở nhưng vẫn còn sống… Đến gần sáng, Thả được cứu qua cơn thập tử nhất sinh, các mảnh nhau sót cũng được xử lý sạch sẽ. Thả nằm đó xanh xao, cơ thể bẹp dí xuống mảnh vạt tre, hai mắt thất thần trắng dã. Một cơn đau quặn thắt ruột gan kéo dài khiến gã quỵ xuống, mê man, những đốm sáng xanh dạ quang lần đầu tiên đã xuất hiện cuồng loạn trước mặt gã…

“Đứa bé mật khu” bị chất độc da cam của Mỹ làm cho dị dạng đã được đem chôn trong chính lỗ huyệt má nó tự đào cho mình. Thả kiệt sức và suy sụp tinh thần được tổ chức bí mật đưa về vùng đệm chăm sóc. Gã nhớ lại chính mình đã bị nhiễm trực tiếp thứ chất độc khốn nạn đó trong một lần đi trinh sát. Sự nhận biết đó đã nhấn chìm gã trong cơn tuyệt vọng, gã đã quá sợ sẽ mang tai họa đến cho người mình yêu thương, tâm hồn gã lạnh lẽo, thể xác gã lạnh lẽo…

Và gã đã trôi đi trong một đời sống chỉ thuần nghĩa vụ với cộng đồng cho đến ngày về hưu. Cũng từ ngày đó, chiếc đồng hồ trên tay gã đã bị gã tháo hết kim giờ, kim phút ném đi. Chiếc đồng hồ của riêng gã đã chết. Giờ gã muốn chiếc đồng hồ đó sống lại nhưng muộn qua rồi!

Chầm chậm. Lướt. Gã vẫn thấy mình đang ngồi trên chiếc lá khô cong lướt êm… Không ngờ trong phút giây cuối cùng này, gã cũng chỉ có một mình. Cô quạnh. Hiu hắt không cùng. Ý muốn tốt đẹp của gã đã trở thành bi kịch bế tắc. Thằng trai cha thiệt của đứa bé bị bỏ rơi đã nhận được tin nhắn của gã mà quay về. Gã đã chu cấp cho nó một khoản tiền để nó sửa lại ngôi nhà dột nát và xoay xở, gửi gắm cho nó được một chân bảo vệ, giữ xe ở bệnh viện huyện. Gã cũng đã tự mình thuyết phục Bông chấp nhận sự quay lại trong bí mật của mối tình đầu. Nhưng cây kim giấu trong chiếc gối bông hạnh phúc đã trồi ra ngoài. Thằng trai trẻ ấy đã không chịu nổi những dị nghị, đàm tiếu của dư luận.

Tối đó, thằng trai đã lẻn ngõ sau vào buồng của má con Bông. Thoạt đầu là tiếng xì xầm dai dẳng. Một lúc sau họ to tiếng với nhau và có tiếng khóc thút thít của Bông. Ở phòng khách, gã cầm tờ báo trên tay nhưng không đọc được gì, tai gã đang hóng nghe từng âm thanh nhỏ nhất phát ra từ căn buồng ấy. Gã đã nhón chân đến cửa buồng có lời can ngăn nhưng chỉ nhận được tiếng hét vọng ra: Im đi, lão già khốn nạn! Bọn tao không phải nô lệ của mày. Gã đã choáng váng, đau đớn và im lặng gục xuống. Sáng ra, ngôi nhà đã tuyệt đối vắng lặng. Ba người họ đã bỏ gã và tất cả tài sản gã dành cho họ mà đi.

Chiếc điện thoại vẫn nhấp nháy cái tin nhắn “Vĩnh biệt!” trên màn hình. Biết không ai vuốt mắt, gã muốn tự mình khép hai mí mắt héo hon ấy nhưng đành bất lực. Các cơ mặt giãn ra, nụ cười cay đắng cuối cùng của gã đột ngột xanh-một-màu-dạ-quang-lạnh-lẽo.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm
H’un - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Buôn K’sia hôm nay họp bàn về việc xây dựng nông thôn mới. Ông Chủ tịch Phường nói rất nhiều, rất dài về Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đang thực hiện ở tỉnh nhà và thành phố của chúng ta. Ông cho biết thêm: Nhà nước đầu tư bảy mươi phần trăm kinh phí làm đường đổ bê tông, dân góp còn lại. Có đường mới, đi lại thuận tiện thì những sản vật làm ra mới có nhiều người đến mua, dân mới đỡ khổ. Cán bộ nói nhiều, toàn điều hay, cuối buổi, ông buôn Trưởng chốt lại: muốn có đường đi sạch sẽ, thoáng đãng thì dân phải… góp đất.
Xem thêm