- Chân dung & Phỏng vấn
- Đan Thanh - nghệ sĩ kết nối thi ca và hội họa
Đan Thanh - nghệ sĩ kết nối thi ca và hội họa
Trương Vĩnh
Với hiểu biết khiêm tốn của một nhà giáo hâm mộ văn học nghệ thuật, tôi được biết thầy giáo - nhà văn Nguyễn Thanh. Thầy Nguyễn Thanh tên thật là Nguyễn Tấn Thành sinh ra tại xã Tân Quới, quận Bình Minh, Cần Thơ (nay thuộc Vĩnh Long). Khi làm văn nghệ, thầy Nguyễn Thanh còn dùng những bút danh khác để viết cho nhiều thể loại bài khác nhau : Thanh Huyền, Ngũ Lang, Đan Thanh, Phương Đình, Tương Như, Diễm Thi, Minh Khuê, Minh Văn, Lan Đình, Chàng Văn… Thầy tốt nghiệp Đại học Sư phạm - Cử nhân Văn khoa và đã qua 3 năm chưong trình Cao học Văn chương và Ngoại ngữ tại Đại học Văn khoa Sài Gòn (1975).
Nhà văn Nguyễn Thanh
Trong những năm hoạt động văn nghệ-báo chí sôi nổi trong đời, thầy từng là chủ biên các đặc san, tạp chí : Tạp chí Văn nghệ Miền Tây 1,2,3,4,5 (năm 1967-1970), Giai phẩm Xuân Niềm Tin 1,2,3 (Long Mỹ, Cần Thơ, các giai phẩm Xuân : Văn nghệ Miền Tây và Lập trường (Vị Thanh- 1970), Giai phẩm Xuân Đại học Văn khoa Cần Thơ (năm 1968), Đặc san Xuân Nắng Mới 1,2,3 (năm 1972-1975) theo chủ đề về ba nhà thơ yêu nước Nam bộ : Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu và Bùi Hữu Nghĩa ; Đặc san Xuân Phan Thanh Giản (năm1975), Văn nghệ Giải phóng TP. Cần Thơ (năm 1975-1976).
Hiện nay, dù đã qua thời xuân trẻ nhưng thầy vẫn đảm nhiệm công tác làm Giảng viên Hướng dẫn phiên dịch Ngoại ngữ (Anh-Pháp-Đức-Hoa…) cho Sinh viên Đại Học Cần Thơ (từ năm 2000 đến nay), và Nghiên cứu sinh cho sinh viên nước ngoài.
Thầy là giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ và Dịch thuật Đăng Khoa (từ 1970) kiêm Chủ nhiệm Cơ sở Mỹ thuật Đan Thanh (từ 1967 đến nay).
Nhà văn Nguyễn Thanh là Hội viên Hội Nhà văn TP. Cần Thơ, Hội viên Hội Mỹ thuật TP. Cần Thơ - Nguyên Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP. Cần Thơ, nguyên Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Văn học thuộc Hội Nhà văn TP. Cần Thơ.
Dù bận với công tác ở cơ quan, nhưng khi có chút thì giờ rảnh rỗi và cũng bởi sự đồng điệu tâm hồn, tôi vẫn thường được cùng thầy Ngyễn Thanh trao đổi về những bài thơ, bản nhạc... Đó là những cảm xúc trong dòng đời khi được cộng hưởng với tỉnh cảm thăng hoa có thể biến thành thơ, văn và nhạc. Có lẽ với tôi - kẻ ngoại đạo với thơ ca - nhưng cũng ít nhiều cảm nhận được qua giọng kể hay lời chia sẻ trầm ấm về cuộc đời và nghệ thuật của thầy đã giúp tôi khi ở cái tuổi không còn thanh xuân nữa.
Dù vậy, tôi vẫn hay đọc, thích nghe và thưởng ngoạn nghệ thuật để tâm tư được lắng đọng với những bài thơ hay, những bức tranh đẹp. Tôi đã thích thú đọc hết những bài báo thầy viết cùng những tập thơ, tập truyện được thầy gửi tặng với niềm hân hoan và lời đề tặng trang trọng những tác phẩm : Tình khúc mùa xuân, Lời tự tình mùa, Bến tình, Người vợ hai lần cưới, Yêu chỉ một lần, Bến tâm hồn, Đi tìm hương sắc văn chương…Từ đó, tôi nhận thấy cảm phục vô cùng với cường độ sáng tác mãnh liệt của nghệ sĩ Nguyễn Thanh.
Đến hôm nay - ở cái tuổi mà nhiều người nghĩ rằng phải nghỉ ngơi, vui vầy với con cháu và hưởng thú điền viên. Thế mà thầy vẫn còn hăm hỡ muốn vượt muôn trùng con sóng dữ nơi tùng dương nghệ thuật để giữ vững nguyên quan điểm văn học của mình là “Văn chương nghệ thuật thuộc phạm trù thượng tầng kiến trúc, luôn mang một sứ mệnh vô cùng thiêng liêng cao cả trên con đường chính đạo của người nghệ sĩ. Tác phẩm nghệ thuật hay phải kết tinh đủ cái hương sắc và mùi vị của một đóa hoa đẹp, cái giai điệu mượt mà và thanh âm ngọt ngào của một bài thơ tuyệt bút, một cung đàn diễm tuyệt khả dĩ làm hoàn hảo được những con người hữu ích cho xã hội”.
Mỗi năm, cứ vào những ngày giáp Tết, thầy lại càng bận rộn hơn khi đóng vai ông đồ già : “Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua” (Vũ Đình Liên). Thầy Nguyễn Thanh nhiệt tình vẽ ký họa và tặng chữ cho những người thực sự yêu thích Mỹ thuật và Thư pháp. Những chữ “Nhân”,“Tâm”, “Tài”, “Đức”, Nhẫn... từng chữ một đơn lẻ bình thường nhưng khi viết với hoa tay, thầy vung bút cọ như phượng múa rồng bay. Ban đầu, tôi nhận thấy tay thầy như hơi run. Nhưng sau đó tôi nghĩ lại không phải vì lạnh giữa tiết trời đông, cũng không phải vì thầy lo chữ chưa chuẩn xác. Tôi thiết nghĩ đó chính là vì khoảnh khắc cảm xúc, tâm hồn nhạy bén của người nghệ sĩ trong giây phút nhập thần với thi ca, hội họa,.. trước bao nhiêu cặp mắt của người thưởng ngoạn. Trong đó có tôi vốn là những tâm hồn yêu nghệ thuật đang hướng mắt theo từng nét chữ bay bướm và từng gam màu sinh động của nhà nghệ sĩ tài hoa..
Ngày ngày, từ sáng sớm tin sương, khi nhìn bóng thầy một mình thong dong rảo bước trên con đường Võ Thị Sáu, tôi cảm giác như tâm hồn thầy vẫn trẻ mãi với hồn xuân. Với tôi và bao nhiêu công chúng mộ điệu cái đẹp của nghệ thuật, thầy Nguyễn Thanh đích thực là nhà nghệ sĩ kết nối thi ca và hội họa trong không gian văn nghệ đất Cầm Thi gạo trắng nước trong.
17. 5. 2024
T.V
*Trương Vĩnh Khoa - Nhà chính trị - Hiệu trưởng trường PTCS Đoàn Thị Điểm, P.An Cư, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ