- Nhà văn trẻ
- “Để có được ngọc, con trai phải trải qua một quá trình đau đớn…”
“Để có được ngọc, con trai phải trải qua một quá trình đau đớn…”
Tiểu Quyên tên thật là Bùi Thị Thanh Quyên, sinh năm 1985, thuộc thế hệ 8X, quê Long An, hội viên Hội Nhà văn TP.HCM. Tốt nghiệp Khoa báo chí, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn khóa 2003-2007. Từng công tác tại báo Người Lao Động, hiện là phóng viên Ban Văn hóa – văn nghệ, báo Phụ Nữ TP.HCM.
Nhà văn Tiểu Quyên
Năm 2015 Tiểu Quyên tròn 30 tuổi, viết rất sung sức, bút lực mạnh mẽ, tác phẩm hấp dẫn được độc giả, chị đã phát hành 4 tập truyện ngắn: Đi ngược chiều thương (NXB Văn Nghệ, 2008), Con tàu đi tìm sân ga (NXB Văn hóa – văn nghệ, 2012), Cỏ đồi phương Đông (NXB Văn hóa – văn nghệ, 2014, tác phẩm được trao giải Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TP.HCM 2014), Cỏ lau vạn dặm (NXB Văn hóa – văn nghệ, 2015). Đặc biệt, tập truyện ngắn Cỏ lau vạn dặm được tái bản sau khi phát hành lần thứ nhất chỉ vài tháng.
Được chọn là nhân vật trẻ của năm của Tuần báo Văn Nghệ TP.HCM, nhà văn trẻ Tiểu Quyên đã có những chia sẻ thú vị. Mời quý độc giả theo dõi cuộc trò chuyện này.
- Dĩ nhiên là ai cũng sẽ rất vui khi tác phẩm mình được công chúng đón nhận, nhất là khi được tiếp tục đề nghị tái bản. Nhưng sau niềm vui đó, chị có thể cho biết, bằng tinh thần của người viết, chị nghĩ mình có trách nhiệm hay không đối với nền văn học của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung?
Nhà văn TIỂU QUYÊN: Tôi đã luôn nghĩ về điều này khi xác định chọn văn chương là đường dài, là sự nghiệp. Trong suốt những năm tháng làm báo, chính tôi cũng đã viết rất nhiều loạt bài về văn trẻ, phân tích, lý giải nhìn rõ thực trạng lẫn chia sẻ, thấu cảm với bạn văn cùng thời. Câu hỏi: “Vì sao người viết trẻ không có tác phẩm đỉnh cao?” hay nhận xét “văn trẻ hời hợt với cái tôi nhỏ bé, nông cạn”… tôi đã nghe trong rất nhiều năm qua. Suy nghĩ chứ, trăn trở chứ. Thế hệ 8X xét ra ở thời điểm này đâu còn trẻ trung gì nữa. Nhất là “đời giữa” sinh năm 1985 như tôi cũng có thể coi là “chuyển giao” thế hệ. Không trực tiếp nếm trải những mất mát đau đớn của đất nước thời chiến tranh nhưng cũng đủ thấm thía những gian khó, vất vả khi cả nước đang trong giai đoạn vực dậy nền kinh tế. Tôi cũng lớn lên trong ký ức đau thương và tận mắt nhìn thấy những nỗi đau lớn trong cuộc đời người khác. Tôi luôn nhớ câu nói “văn chương suy cho cùng là thân phận con người” của bậc cha chú, và luôn tự hỏi tôi đã làm được gì cho văn chương, cho thân phận con người mà đôi khi cái bi ai nhất lại có thể làm nên sức mạnh cứu rỗi, nhân văn và những giá trị đẹp đẽ vĩnh hằng. Văn chương là một con đường dài nhọc nhằn và đòi hỏi người cầm bút một khát khao sáng tạo, viết không chỉ để giải tỏa mình mà cần phải viết như một ngọn lửa. Hẳn nhiên, ngọn lửa đó mỗi người phải tự thắp lên cho mình, sáng như một que diêm hay là một ngọn đuốc soi đường là lựa chọn của người đó. Tôi luôn nhìn thấy rõ con đường mình đi, từng bước chân hay từng nấc thang mình có thể chạm tới. Hiểu mình có thể làm được gì và làm như thế nào trong mỗi một giai đoạn; ý thức được cả lựa chọn, nguồn năng lượng mình có và điều mình muốn làm, cần làm với văn chương ở từng thời điểm. Trách nhiệm hay một lời hứa, đối với một người cầm bút mà nói, đó không phải là điều ta có thể tùy tiện và dễ dàng mang ra phát ngôn. Tác phẩm luôn là câu trả lời có sức thuyết phục nhất. Tôi không dám nói mình sẽ hứa gì, chắc chắn gì. Điều duy nhất tôi có thể nói ở thời điểm này là với văn chương, tôi luôn nhìn thấy được ngọn lửa của mình.
- Theo suy nghĩ cá nhân của chị, vì sao những người cầm bút ở thế hệ 7X, 8X, 9X, chưa thấy có tác phẩm nào viết đề tài chiến tranh cách mạng? Đề tài con người và xã hội hiện tại?
Nhà văn TIỂU QUYÊN: Có nhiều nhà văn đi trước hỏi chúng tôi rằng, tại sao các bạn không mạnh dạn thử viết đề tài chiến tranh cách mạng? Rồi cũng có nhiều bạn văn trẻ nói với tôi rằng, làm sao dám viết đề tài chiến tranh cách mạng khi mà bản thân mình chưa từng trải qua, chưa từng hiểu và thấm thía. Nếu các thế hệ cầm bút lắng nghe nhau, sẽ vỡ ra rất nhiều những trăn trở. Có rất nhiều lý do để người viết trẻ từ chối hoặc ngán ngại các vấn đề lớn của xã hội, đề tài con người và xã hội hiện tại (dù rằng đã có người trẻ thử sức nhưng vẫn chưa tạo được “sức bật đỉnh cao” như kỳ vọng của thế hệ nhà văn đi trước). Tôi không phủ định nỗ lực sáng tạo, định vị giá trị và khẳng định mình với văn chương của rất nhiều cây bút trẻ. Họ vẫn viết như một mạch ngầm âm ỉ mà mạnh mẽ của sáng tạo, chỉ có điều mỗi người một lựa chọn. Cuộc sống hiện tại với quá nhiều va đập bất an khiến cho không ít người viết trẻ vẫn còn loay hoay trong thế giới của chính mình. Dễ thấy trong nhiều trang viết của người trẻ là những tâm sự ngổn ngang, muốn trải lòng mình, muốn khỏa lấp khoảng trống cô đơn, sự chênh vênh có lúc đến tận cùng hoang mang… Khi lòng mình còn không vững trước vấn đề cá nhân thì làm sao đủ sức lực mà vươn tới một tầm cao nào? Đó là chưa kể đến có rất nhiều cây bút trẻ viết vì nhu cầu tự thân muốn chia sẻ trải nghiệm bản thân, du ký, khám phá… chứ không phải là lựa chọn đường dài với văn chương. Thế nên trên kệ sách càng lúc xuất hiện rất nhiều cái tên, nhưng chỉ một, hai đầu sách thì họ không trở lại nữa. Nhiều lúc tôi nghĩ, tác phẩm đỉnh cao của bất kỳ thế hệ văn chương nào cũng như ngọc trai. Có rất nhiều con trai được nuôi nhưng không phải con trai nào cũng cho ra ngọc. Mà để có được ngọc thì con trai đó cũng phải qua một quá trình rất đau đớn…
- Hiện tại, chị đang được xem là một nhà văn trẻ, nhưng 10 năm nữa thì đã trở thành trung niên, vậy chị đã có suy nghĩ, hoặc dự tính, lên kế hoạch mình sẽ viết gì khi bước qua tuổi 40?
Nhà văn TIỂU QUYÊN: Tôi không chờ đến khi bước qua tuổi 40. Lâu quá! (cười). Tôi có những dự án của riêng mình, xác định ở từng thời điểm tôi sẽ ra mắt dự án này, đến một lúc phù hợp sẽ ra mắt dự án khác. Ở từng độ tuổi và trải nghiệm nhất định, tôi biết mình thích hợp viết thể loại nào, đề tài nào và có đủ độ chín để bắt đầu cho một dự án lớn khác hay chưa. Hiện tại tôi có riêng cho mình một hoạch định, ít nhất là cụ thể trong vòng ba năm tiếp theo tôi sẽ… viết gì. Nhưng cho dù là nhà văn trẻ hay “nhà văn trung niên”, mục tiêu cao nhất tôi hướng đến vẫn là độc giả của tôi – những người qua từng năm tháng vẫn nói rằng họ luôn chờ đợi từ tôi những tác phẩm mới. Mục tiêu cao nhất ấy chính là: không làm cho độc giả của tôi thất vọng. Còn với câu chữ, giá trị văn chương, tính tư tưởng…, tôi tin rằng tất cả cũng sẽ theo thời gian cùng tôi mà lớn lên.
- Cám ơn chị, chúc chị hoàn thành tốt những dự án của mình trong tương lai gần nhất.
P.N. Thường Đoan
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM Xuân 2016.