TIN TỨC

Đến với một bài thơ hay của Võ Thị Như Mai

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-12-09 17:56:50
mail facebook google pos stwis
1469 lượt xem

Văn chương TP Hồ Chí Minh vừa nhận được đồng thời 4 tập sách của nhà thơ - nhà LLPB Nguyên Bình từ Bà Rịa - Vũng Tàu: Dòng nhựa thơm nguyện ước (Thơ), Thắp nến tôi để dành (Thơ), Quyền năng của ngôn ngữ từ trái tim (Cảm nhận văn học) và Bài luân vũ của giao cảm thi ca (Cảm nhận văn học). Trân trọng chúc mừng tác giả Nguyên Bình và xin chia sẻ cùng bạn đọc bài viết dưới đây trong tập sách mới nhất của anh về bài thơ Gió trở của Võ Thị Như Mai, một cô giáo nhà thơ kiêm dịch giả hiện đang sinh sống ở Úc.
 

GIÓ TRỞ | Võ Thị Như Mai


Nhà thơ - dịch giả Võ Thị Như Mai

1.

lặng yên mà nghe gió trở

có những khi em không còn mơ không còn nhớ

anh gọi ngày bình yên?

.

này biển này dòng sông cỏ dại trên cánh đồng

và ánh trăng vằng vặc soi mảng sân nâu trước cửa

một nửa em phất phơ buồn một nửa đi rong

.

như nước chảy xa nguồn trong cuộc lữ

khản cổ tiếng ve ảm đạm lá vàng lạnh lùng mưa rực rỡ nắng

dăm sợi tóc trắng bạc thếch bụi đường

mới hay bốn mùa rải kín yêu thương

.

mới hay tơ vương đang còn lẩn khuất

núi non ngây ngất chân tình

gió trở mình xao xác loãng lặng thinh

ở phương em khói cay nồng lên mắt

quyện chặt tơ trời, mẹ nhóm bếp hả anh?

.

tháng chín dàn đồng ca dế giun

những nốt nhạc lời thơ ngân vang nao lòng xóm nhỏ

trăng trung thu giăng giăng lơ đãng

khắc dấu chân người sao quay bước được đây

cũng như em mãi mãi thẫn thờ sau cái xiết tay

ngày không bình yên vì vẫn mơ và nhớ

đêm nay em nghe gió trở …..

.

.

2.

như tiếng thở dài của những con sông

giữa cõi thực cõi mơ cõi thơ cõi quên cõi nhớ

uyển chuyển chân tâm trùng trùng duyên khởi

yên lặng trong đêm vọng niệm ánh dương hồng

em mở cánh cửa mùa đông

nép mình vào vai gió

.

ngọt thơm là hương nhu lá cỏ

gối tay lên bụi rù rì

ong vờn sương bạt xâu chuỗi phút phân ly

chạm tay vào ý nghĩ

.

hạn hữu mùa trằn mình

ươm mầm từ hơi ẩm lửa xanh run run hiu hắt

nâng con chữ khoan thai góp nhặt

giấu vào tim em, âm hưởng, ngất ngây lòng!

mai gió trở mình anh nghe buồn không?

.

.

3.

này dấu chân ngủ quên giữa mênh mông cúc vàng

lênh đênh quả tim gánh tin yêu ruổi rong tứ bể

dẫu bàn chân không dẫm những bước lao đao trên trần thế

triệu hạt tâm hồn rót đầy biển tình yêu

.

khớp xương người lính già nhức nhối lòng – cuộc chiến điêu linh

chiếc chuông gió mỏng manh mẹ dời sang hướng khác

ba đánh dấu vào sổ tay thêm một năm lưu lạc

nỗi nhớ cồn cào, dẫu khác màu, cũng khuấy đáy đại dương

.

ai số lẻ thương nổi chìm đam mê

bao người chẳn mà lòng hiu quạnh quá

chiều chuyển gió neo phương trên bến lạ

vớt hương xoa dịu nỗi buồn

.

như ai muốn làm mưa ngâu

chim vành khuyên đến mùa thì hót

thanh âm có phép nhiệm mầu

trái chua hoá thành quả ngọt

.

thánh thót buồn vui tự xoá

mái đình quên em hiện hữu trong đời

soi gương thấy người xa lạ

lá non cuối trời rong chơi

.

thì thôi em về lặng im

không đắng – không cay – không buồn – không nhớ

đêm nay em nghe gió trở

chợt xót thương phận mình!

.

.

4.

định vị mùa chông chênh

trời vào đông rát lòng hạ cháy

vỡ mạch mưa xuân nghe lũ lụt bão dông ngoái lại

chỉ im lặng vo tròn

.

chỉ im lặng cắt mỏng phím âm thanh

vặn tế bào đồng cảm

xoắn giọt nước mắt chực rơi trên má rám

diệu vợi hơn cả tiếng thở dài

.

vạn vật vần xoay

tấm lòng cần gì phiên dịch

em độc thoại giữa miền – không – chú – thích

dải yếm thơ có còn bắt cầu?

.

sẽ bắt đầu thánh thiện vẹn nguyên

sự quan tâm có nhiều tầng ý nghĩa

những con chữ một ngày kia biến mất

sẻ chia không biện hộ bằng lời

.

càng không phải cánh én lả lơi

không phải ho hen thời tiết

em miệt mài bện sợi chỉ màu

tỉ mẩn buộc chiếc nơ thành tâm

.

nếu phải lãng quên em

xin nhẹ tay ấn phím xoá

quả chuông đồng hồ tích tắc tích tắc

sự khởi đầu vẹn nguyên!

.

VTNM


 

Năng lượng vô hạn của mặc tưởng

NGUYÊN BÌNH

“Đêm nay em nghe gió trở” là tiếng thì thầm của mật thoại đêm, khi ám ảnh từ chất liệu cuộc sống ùa về tràn ngập tâm thức thơ. Thi nhân mở toang cánh cửa tâm hồn với “này biển này dòng sông cỏ dại trên cánh đồng/và ánh trăng vằng vặc soi mảng sân nâu trước cửa”. Không phải hoài niệm mà là tỉnh thức, không phải ẩn mình mà là tiếng kêu “khản cổ tiếng ve ảm đạm lá vàng lạnh lùng mưa rực rỡ nắng”. Nhẩm đếm tạo hóa biến thiên, ô hay, dấu yêu muôn thuở, thời gian pha sương trắng trên mái đầu, ngàn câu hỏi gởi về địa chỉ hoang vu, không chờ đợi hồi âm, khi mà “khắc dấu chân người sao quay bước được đây”. Vâng, không thể, người sẽ không quay về với em, nên người đâu có hay “ngày không bình yên vì vẫn mơ và nhớ/đêm nay em nghe gió trở”

Ai chưa từng nghe nỗi xôn xao khi GIÓ TRỞ từ tận đáy tâm can lúc đối diện bóng mình, hãy chiêm nghiệm cùng nhà thơ VÕ THỊ NHƯ MAI. Theo tôi, năng lượng vô hạn của mặc tưởng bùng cháy trong phút giây thăng hoa, hoặc cũng có thể ẩn tàng từ lâu trong tâm cảm thi nhân trong quá trình sáng tác bài thơ.

Trong gió trở, vạn vật hữu hạn lên tiếng khi dòng ý thức luân chuyển. Tha nhân ơi, lòng ta giờ đây “như tiếng thở dài của những con sông” chảy từ ngọn nguồn của trầm mặc, những nhớ nhớ quên quên không thể đối chứng, những bàng hoàng thảng thốt cũng vô thanh như viên sỏi ném xuống vực sâu, mà “uyển chuyển chân tâm trùng trùng duyên khởi/yên lặng trong đêm vọng niệm ánh dương hồng”. Triết niệm và quán tưởng chỉ là huyền triết, ta không đếm nỗi lòng ta có bao nhiêu hạt bụi trong “trùng trùng duyên khởi”, ta cũng thấy “mặt trời còn nguyên vẹn khi ánh dương hồng bừng lên”. Thế mà khi:

em mở cánh cửa mùa đông

nép mình vào vai gió

ngọt thơm là hương nhu lá cỏ

gối tay lên bụi rù rì

ong vờn sương bạt xâu chuỗi phút phân ly

chạm tay vào ý nghĩ…

Vâng, em “chạm tay vào ý nghĩ” giá băng sau cánh cửa mùa đông, em giao cảm với hương thơm lá cỏ, để em đối mặt với hữu hạn và nhắn gởi đến anh câu hỏi muôn đời "anh nghe buồn không?"

hạn hữu mùa trằn mình

ươm mầm từ hơi ẩm lửa xanh run run hiu hắt

nâng con chữ khoan thai góp nhặt

giấu vào tim em, âm hưởng, ngất ngây lòng!

mai gió trở mình anh nghe buồn không?

Tôi xin phép được kìm nén cảm xúc thơ để luận bàn đôi chút cùng các bạn: “Thi ca là thứ nghệ thuật chung của tâm hồn đã trở nên tự do và không bị bó buộc vào nhận thức giác quan về vật chất bên ngoài; thay vì thế, nó diễn ra riêng tư trong không gian bên trong và thời gian bên trong của tư tưởng và cảm xúc” (Hegel).

Chính vì thế mà tôi và các bạn có thể lý giải khi “ong vờn sương bạt xâu chuỗi phút phân ly” lại mang về “hơi ấm lửa xanh run run hiu hắt” để mùa qua “Giấu vào tim em âm hưởng, ngất ngây lòng”. Phải chăng đây là sự ảo huyền của thi ngôn trong thơ ca, là tín hiệu ngữ nghĩa hàm ngôn mà bài thơ mang lại cho độc giả? Theo tôi, tầm vóc của một bài thơ được xác định bởi sự giải thoát khỏi những buộc ràng kinh điển, bởi sự độc đáo và duy nhất của thi tứ, Và GIÓ TRỞ đã đáp ứng những điều kiện giả định mà tôi vừa nêu, khiến tôi bị cuốn vào vòng xoáy của cảm thức thơ Như Mai trong Gió Trở.

Khi tâm thức ta trở gió, kí ức bị đảo lộn nếp gấp trầm tích thời gian, ảo giác ẩn hiện sau lớp bụi trần thế, dòng ý thức luân chuyển trong phút giây mặc khải, hồn thi nhân như lãng đãng nhẹ tênh bay lượn giữa không gian đa chiều đứt gãy, tồn tại bỗng hỗn mang, với khe khẽ dấu chân mùa thu, gánh tình nặng nỗi truân chuyên đọc đường gió bụi bộn bề:

này dấu chân ngủ quên giữa mênh mông cúc vàng

lênh đênh quả tim gánh tin yêu ruổi rong tứ bể.

Có một tác giả nói rằng, tại sao thơ là phải cho người đọc hiểu hết ngọn nguồn của thi tứ, thi ngôn? Ẩn dụ trong thơ Như Mai gieo băn khoăn mãi trong tôi, đây là hai câu tiêu biểu, khó lòng khám phá bằng tích phân chữ nghĩa. Thôi thì ta cảm nhận chứ không thể thức nhận:

dẫu bàn chân không dẫm những bước lao đao trên trần thế

triệu hạt tâm hồn rót đầy biển tình yêu…

Nhà thơ đào sâu vào khối dung nham hừng hực, từng mảng ý tưởng vụt hiện, đa phạm trù, nhiều lĩnh vực, đậm đặc hình ảnh, được thi nhân liên tưởng để thi từ tuôn chảy như một mặc định của tri thức tồn tại trong ý thức: khớp xương người lính già – chiếc chuông gió mỏng manh – cuốn sổ tay của ba – nỗi nhớ khuấy đại dương – số lẻ - số chẵn. v v…

Chất hậu hiện đại xâm nhập bài thơ, tác giả bỏ mặc tôi, mặc kệ các bạn lao đao cùng chữ nghĩa:

chim vành khuyên đến mùa thì hót

thanh âm có phép nhiệm mầu

trái chua hoá thành quả ngọt

thánh thót buồn vui tự xoá

mái đình quên em hiện hữu trong đời

soi gương thấy người xa lạ

lá non cuối trời rong chơi

thì thôi em về lặng im

không đắng – không cay – không buồn – không nhớ

đêm nay em nghe gió trở

chợt xót thương phận mình!

Khi đã chiêm nghiệm đến tận cùng về vũ trụ và tâm linh, người ta bỗng trở nên ngây thơ đến trống rỗng, tinh khôi đến diệu kì. Có ai cùng tôi thích câu thơ “chim vành khuyên đến mùa thì hót”, ô hay, vành khuyên hót cả bốn mùa nhưng vành khuyên của nhà thơ phải chờ đến mùa định mệnh mới cất tiếng hót chăng. Tưởng như đương nhiên mà chẳng đương nhiên chút nào. Cái tôi cũng vô minh khi nhà thơ “soi gương thấy người xa lạ”, tôi biến dạng trong tự thức, tôi hóa kiếp trong nhiêu khê hỗn độn, để “đêm nay em nghe gió trở”.

Ba khổ thơ kết thúc bằng những chênh chao tâm thức của nhà thơ khi gió trở, khổ 1 cho tác giả, khổ 2 cho người yêu và khổ 3 cho “mặc tưởng tôi”.

Khổ 4 bài thơ hình như là thi tứ độc lập khi tác giả đã no tròn năng lượng mặc tưởng. Từng mảng ý thức theo dòng chảy suy tưởng hiện ra, tồn tại độc lập, chừng như không có sợi dây liên kết. Ở đó, ý thức không kiểm soát được ngôn từ mà trở thành hai người bạn đồng hành. Đến và thăng hoa. Thăng hoa để chạm vào ngõ ngách. Và cuối cùng cái tôi đang là cũng có mặt:

nếu phải lãng quên em

xin nhẹ tay ấn phím xoá

quả chuông đồng hồ tích tắc tích tắc

sự khởi đầu vẹn nguyên!

Phải nói rằng, GIÓ TRỞ là một bài thơ hay nhưng khó đọc, bởi hình như đây là cảm xúc thơ ngàn năm có một, không dễ gì bắt gặp lần thứ hai, khi người tình ngữ ngôn của mọi nhà thơ luôn đỏng đảnh thích chơi trốn tìm. Nhưng tôi vẫn tin rằng ngày mai của nhà thơ Võ Thị Như Mai sẽ bừng lên sắc nắng lạ như nàng Katie Scarllet trong tác phẩm Cuốn theo chiều gió luôn tin vào tương lai: “Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới” (After all, tomorrow is another day)

Chúc mừng nhà thơ Võ Thị Như Mai. Con đường văn chương của nhà giáo nhà thơ vẫn còn rất dài ở phía trước với niềm đam mê thơ ca cháy bỏng, phải không bạn?

16/9/2021.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn Minh Châu và sự đổi mới tư duy trong việc phản ánh hiện thực chiến tranh cách mạng
Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp văn học của ông không chỉ gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ở những năm kháng chiến mà còn gắn với những tháng năm đầy ưu tư của thời hậu chiến với bước chuyển dạ diệu kỳ, chuẩn bị cho tiến trình đổi mới đất nước về mọi phương diện, trong đó có văn học.
Xem thêm
Hữu Thỉnh và chiến sĩ xe tăng
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian nan khốc liệt của dân tộc Việt Nam trong gần một phần tư thế kỷ như một bản trường ca âm vang giai điệu trầm lắng bi hùng, đã phản ánh phẩm chất cao đẹp sáng ngời của mọi tầng lớp nhân dân ở cả ba miền. Những người tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cầm súng trực diện đấu tranh với quân thù có những chiến sĩ làm văn nghệ thuộc đủ binh chủng như: Nguyễn Thi (1928-1968), Lê Anh Xuân (1940-1968), … và Hữu Thỉnh. Trong đó, xuất thân từ một chiến sĩ xe tăng, Hữu Thỉnh được coi là một gương mặt thơ xuất sắc nổi trội trong nền văn học có lửa của giai đoạn 1954-1975.
Xem thêm
Lê Quang Sinh và nghệ thuật phê bình thơ
Bài viết của PGS.TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Anh nằm đây – trẻ mãi tuổi hai mươi
Bài viết về thơ Trần Ngọc Phượng
Xem thêm
Lê Tiến Vượng và hai tập lục bát liền hơi
Bài viết của nhà thơ Vũ Quần Phương về hai tập lục bát của Lê Tiến Vượng xuất bản cuối năm 2016 (Lục bát khóc cười) và cuối năm 2018 (Lục bát phố).
Xem thêm
“Gặp” lại nhà văn Lưu Thành Tựu với “Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5”
Nhà văn Lưu Thành Tựu hiện là phó ban điều hành phân hội văn học, hội văn học nghệ thuật Bình Dương. Truyện ngắn Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5 của anh là tác phẩm đạt giải tại Cuộc thi truyện ngắn Đông Nam bộ năm 2022, đã đăng trên vanvn.vn và Tạp chí Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh như một sự ra mắt sau khi tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Xem thêm
Chất Folklore trong Lục bát khóc cười và Lục bát phố
Cầm hai tập thơ thuần thể loại lục bát quen thuộc, nghĩ đọc cũng hơi ngại bởi cứ đều đều một điệu, dễ chán. Nhưng đọc một vài bài mở đầu trong tập “Lục bát khóc cười” và “Lục bát phố” của Lê Tiến Vượng thì cảm giác ấy dần mất đi và thay vào đó là cảm giác hào hứng và thú vị.
Xem thêm
Trăn trở sự tồn tại người - Gía trị nhân bản trong thơ Văn Cao
Đọc thơ Văn Cao, ở nhiều thi phẩm như: Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Những người trên cửa biển, Khuôn mặt em, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Lá, Trôi, Thời gian, Cánh cửa, Thu cô liêu, Năm buổi sáng không có trong sự thật, Ba biến khúc tuổi 65, Linh cầm tiến… bạn đọc cũng có thể thấy sự đa dạng cung bậc cảm xúc, có xôn xao, có sâu lắng bâng khuâng… nhưng dường như chủ đạo vẫn là những thì thầm tự vấn, suy tư trăn trở, đau buồn và thậm chí nhiều khi hoang mang, kinh hãi, lo âu. Phải chăng, tất cả những thể nghiệm cảm xúc nội tâm ấy bắt nguồn sâu xa từ những “chấn thương” tinh thần của tác giả bởi tác động của hoàn cảnh sống? Và dưới tầng sâu lớp ngôn từ của mỗi thi phẩm ẩn giấu bao mỹ cảm mà chúng ta cần suy ngẫm“giải mã”?
Xem thêm
Nguyễn Trọng Tạo mà đời vẫn say, mà hồn vẫn gió
Hôm nay 12/6, Nhà lưu niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (1947-2019) được khánh thành tại đội 6, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Xem thêm
Số phận các nhân vật nữ trong tập truyện ngắn “Đảo” của Nguyễn Ngọc Tư
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư Sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, là nhà văn, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2018, cô được trao Giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin ở Đức) bình chọn, dựa trên việc xem xét các bản dịch tiếng Đức tác phẩm nổi bật của các tác giả nữ đương đại tiêu biểu trong khu vực. Giải thưởng được trao hàng năm nhằm vinh danh các tác giả nữ đến từ châu Á, Phi, Mỹ Latin, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và vùng Caribe.
Xem thêm
Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá
Nhà thơ, nhà văn Lê Khánh Mai đến nay (năm 2024) đã ấn hành 12 đầu sách, trong đó có 7 tập thơ, 1 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, 1 chuyên luận văn học, 1 tập tiểu luận phê bình văn học, 1 tập tản văn và tuỳ bút. Sức sáng tạo ở một tác giả nữ như vậy là liên tục và rất mạnh mẽ. Thơ là thể loại chính của ngòi bút Lê Khánh Mai nhưng văn xuôi và lý luận, phê bình cũng đạt nhiều thành tựu. Tất cả làm nên tên tuổi của một nhà thơ, nhà văn tiêu biểu của tỉnh Khánh Hoà và của văn học Việt Nam hiện đại.
Xem thêm
Trần Đàm đi tìm một bản ngã
Đã ngoài tám mươi mà mỗi lần theo ông, cánh hậu sinh chúng tôi cách ông cả giáp vẫn thấy hụt hơi. Đúng là không nói ngoa cả khi leo dốc, đường trường lẫn khi viết lách, chơi bời.
Xem thêm
Đọc Người xa lạ của Albert Camus bằng chiếc gương soi của chủ nghĩa hiện sinh
Giàu Dương Nếu triết học cổ điển đề cao bản chất và dấn thân vào việc tìm kiếm những định nghĩa về bản chất, thì trào lưu hiện sinh tập trung vào sự tồn tại của bản thể, lấy đó làm điểm khởi nguyên cho mọi sự phóng chiếu vào thực tại khách quan. Người xa lạ (L’Étranger) của Albert Camus ra đời như một dấu ấn sâu sắc của triết thuyết hiện sinh ở giai đoạn nửa sau thế kỷ XX. Là một triết gia, nhà văn tài hoa, Camus đã mở ra những cánh cửa để người đọc bước vào thế giới của “kẻ xa lạ” Meursault – một người đàn ông tự mình chọn lấy thế đứng bên lề của xã hội. Hành trình của Meursault không đi tìm một kết luận duy nhất của sự tồn tại mà chỉ trình bày sự tồn tại như nó vốn là.
Xem thêm
Một thế giới rất ‘đời’ trong sáng tác của Tản Đà
Nhà thơ, nhà báo Tản Đà (SN 1889), quê làng Khê Ngoại, xã Sơn Đà, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây.
Xem thêm
Cây có cội, nước có nguồn
Nguồn: Báo Văn nghệ số 19/2024
Xem thêm
Khát vọng Dế Mèn
Sự ra đời của Giải thưởng Dế Mèn cùng với phát ngôn của đại diện Hội Nhà văn Việt Nam đã chạm đến khát vọng lâu nay vẫn nằm đâu đấy trong những người yêu và hiểu rõ hiện trạng văn học thiếu nhi nước nhà…
Xem thêm