TIN TỨC
  • Truyện
  • Đi qua ngày gió lặng | Truyện ngắn dự thi của Hồ Loan

Đi qua ngày gió lặng | Truyện ngắn dự thi của Hồ Loan

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
861 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

Mẹ mở mắt ra đi, mẹ nhìn con này. Mẹ đừng im lặng mãi thế, con không quen đâu. Sao mẹ không nói gì. Sao mẹ không càu nhàu, pha sữa chi mà nhiều đường thế. Sao mẹ không bảo con tranh thủ lúc 6 giờ kém, ngay chỗ đại sảnh, người ta có phát cháo từ thiện, mang đồ xuống mà xin hai suất, cả chai rỗng nữa, xin hẳn một chai sữa đậu nành về mà uống. Sao mẹ không mắng con, lo về mà đón cái Bống, mẹ tự lo được, đừng đứa nào ra vô chi cả, tốn kém.

Mẹ mở mắt ra đi, mẹ nghe con gọi không? Mẹ nằm thế có phải là phí phạm không? Thời gian đâu phải thứ có thể mua được. Mẹ từng mắng con thế. Mẹ bảo ốm gì mà ốm, mệt gì mà mệt. Không làm thì cám còn không có mà ăn.                       

Mẹ làm quên trưa quên tối.

Từ lúc ý thức được mọi chuyện, con hiểu rằng, mẹ sinh ra trong cuộc đời này là một sự nghiệt ngã. Mẹ gán cái nghiệt ngã ấy lên cha, lên con, lên đứa em tội nghiệp vừa mới chào đời.

Con không biết chuyện của mẹ. Con không biết mặt cha. Cho tới cái ngày thu heo hắt ấy.

Cha ngồi trầm ngâm bên chiếc bàn cũ, tẩu thuốc lệch một bên môi, ánh mắt nâu trầm buồn. Con bần thần mất hồi lâu mới dám vào nhà. Cha gọi con lại, cho gói bánh. Cha hỏi mẹ đâu. Con nhìn người đàn ông xa lạ không mấy thân thiện. Bộ râu quai nón xồm xoàm, cánh tay đầy lông màu vàng xám, giọng nói trọ trẹ khó nghe. Con vụt chạy. Tim đập thảng thốt. Con chạy thục mạng vào đồng, nơi mẹ đang còn khom lưng cấy lúa.

Mẹ mắng té tát, bảo đi học về không lo thổi cơm, mấy giờ rồi mà còn lông nhông. Con sụt sịt kể về người đàn ông lạ, mẹ dường như chẳng quan tâm. Mẹ vớ nắm mạ dứ dứ, bảo có về thổi cơm không? Con hẫng hụt. Con thất thểu trở về, lòng đầy hoang mang.

Cô hàng xóm vỗ vai con thầm thì, cha con đó, đừng sợ. Con đã ngác ngơ trước những lời này. Cha con ư? Tại sao mãi bây giờ cha mới xuất hiện? Thế bao năm qua cha ở đâu? Cha có biết con đã phải khổ sở thế nào. Tại sao mẹ không nói gì. Tại sao mẹ lại như thế?

Mẹ cứ quanh quẩn ngoài hè, ôm mớ củi ẩm giăng ra sân, quét chỗ phân gà dưới hiên nhà, phơi mấy nong cau đã được một nắng.

Nồi cơm sôi sình sịch. Con ra vườn hái mớ rau ngót làm canh. Bát canh rau với gói mì Miliket, đu đủ ươm xào lá lốt, và chén mắm cá cơm đầy gừng. Cha mang ra mấy hộp thịt, bảo để cha làm cho.

Con đứng tránh một bên nhìn đôi cánh tay đầy lông bóc hộp, cho vào chảo mỡ, rồi cho ra đĩa. Thành thạo, nhanh nhẹn. Nhưng không hiểu sao khi chạm mặt mẹ, đôi tay ấy thừa thãi đến vụng về.

Mẹ không cười, thì có bao giờ mẹ cười đâu. Mẹ không chào. Là chồng của mẹ mà, đâu nhất thiết phải khách khí. Mặt mẹ sừng sực như phải tổ sâu nái. Mẹ nhìn nồi cơm rồi cáu, bảo nấu gì mà lắm thế, gạo dư à! Con thảng thốt, thì có cả cha mà, là con tự nhủ thế!

Bữa cơm diễn ra trong lặng lẽ. Đến cả tiếng ruồi va vào nhau con cũng nghe thấy. Tiếng đũa chạm vào thành chén con cũng nghe thấy. Cả tiếng nén trong lồng ngực mỗi người con cũng nghe thấy.

Mẹ lùa mớ chén bát vào chậu rửa rồi tung tẩy vớ nón ra đồng. Mới 12 giờ 45 phút. Chiếc đồng hồ rọt rẹt từng giây nhắc thế. Sao mẹ không ngả lưng một chút.  Sao mẹ không nói chuyện cùng cha. Sao mẹ không…

Bao nhiêu câu hỏi cứ truy vấn chiếc đầu non nớt tội nghiệp.

Bữa cơm tối cũng diễn ra trong thinh lặng. Cha tự vào bếp. Những món ngon lạ lẫm với cuộc đời một con bé quen dưa mắm. Cha gắp cho con thật nhiều, bảo ăn cho mau lớn. Mẹ chì chiết, bảo không có mấy đĩa thức ăn của ông con tôi không lớn nổi chắc. Cha cười xả lả, nói qua chuyện khác, hỏi con học lớp mấy rồi. Mẹ lại gắt gỏng, ngay cả con học lớp mấy cũng không biết thì làm cha nỗi gì mà hỏi. Cha im lặng, chưng hửng, vẻ mặt ngại ngùng. Cha lặng lẽ ăn, dường như hạt cơm không phải từ gạo, mà chúng được nấu bằng một thứ hợp chất gì đấy, cứng quành, khó nuốt.

Buổi tối dài như thế kỷ trước cái im lặng của mẹ. Học bài xong, con lên giường nằm im trùm kín chăn. Con thao thức mãi không ngủ được. Cha vẫn ngồi trầm ngâm bên chiếc ghế gỗ, tẩu thuốc lá lệch môi. Nhẫn nại. Thầm lặng.

Ánh đèn phụt tắt, con nghe tiếng lên giường khẽ khàng của mẹ. Một giây, hai giây…

Con nghe tiếng giằng co rất khẽ. Con nghe giọng cha thì thào. Con nghe sự cự tuyệt của mẹ. Con nghe…

Khi con thức dậy thì cha đã đi rồi. Lặng lẽ như khi cha đến. Lốc thịt hộp, hai lon sữa đặc, thẻ đường và mấy chiếc bút bi. Những thứ ấy nằm ngay góc chiếc bàn con.

Mấy tháng sau, mẹ mệt mỏi đi nhiều, chiếc bụng lum lúp dưới làn áo cộc. Da mẹ sạm lại. Ánh mắt mẹ cau có. Những thao tác không nhanh nhẹn như xưa. Mẹ đã ít nói càng ít nói hơn. Mỗi lời thốt ra nanh nọc, như thể mẹ đang thù hận ai đó.

Ai đó? Chỉ có con bên mẹ mỗi ngày. Con ngoan và siêng năng. Con nghe lời và chăm chỉ. Con thèm cái ôm của mẹ biết bao nhiêu. Ôi, một cái ôm nồng nã mùi bùn! Nồng nã mùi mồ hôi. Và mặn đắng.

Mẹ sinh em ngay tại căn buồng ẩm mốc. Với mớ đồ cũ hàng xóm mang sang. Với chậu nước nóng con loay hoay vụng về suýt làm đổ. Mặt mẹ tái xanh. Đôi bàn tay gầy guộc bấu lấy thành giường. Mớ tóc bết vào trán. Những đường gân xanh nổi lên chi chít. Mẹ rặn ì ạch từng hồi. Như thể mẹ sắp vỡ ra từng mảnh. Hai hàm răng nghiến chặt. Máu tứa ra nơi khóe miệng.

Tiếng oe oe phát ra nơi cửa buồng khiến mọi người thở phào nhẹ nhõm. Sinh rồi, con trai! Giọng bà đỡ hồ hởi. Một tia sáng bừng lên nơi mắt mẹ. Rồi mẹ lặng im lịm đi, là mẹ kiệt sức.

Chín tuổi, con trở thành bảo mẫu siêu hạng của em. Con nấu cơm, con giặt đồ, con xếp tã lót, con nấu nước dủ dẻ, con làm mọi việc. Em được 15 ngày tuổi, mẹ quấn khăn ra đồng. Mẹ bảo ở nhà trông em cho mẹ.

Con loay hoay với mớ công việc quá sức của mình. Em khóc. Cơm sôi. Gà bới bếp.

Mẹ mặc kệ con và em. Đồng đang vụ mùa. Mẹ tất tả. Mẹ hối hả.

Mẹ quên mất mẹ có thêm em. Đứa em có mái tóc vàng xám như cha, loe hoe, lơ thơ. Đứa em có khuôn mặt như cha, vuông vức. Đứa em mới mười mấy ngày tuổi.

Em uống nước cơm thay sữa. Em chỉ khóc khi đói. Con thường ôm em thủ thỉ dỗ dành. Em ngoan như thể biết rõ thân phận mình.

Hôm em sốt cao quá con không biết phải làm thế nào, con ôm em thảng thốt. Hàng xóm ra đồng cả. Mẹ cũng đang ở ngoài đồng. Mỗi bà Năm già nhất xóm với tủ tạp hóa nhỏ xíu, miệng lúc nào cũng đỏ lòm trầu là còn ở nhà. Con quýnh quáng ôm em qua nhờ bà xem giúp. Bà hoảng hốt cởi sạch đồ em ra. Bà lau. Bà chùi. Bà chửi…

Em con sốt li bì, cơ thể rũ như một cây non thiếu dưỡng khí. Mẹ tất tả chạy về. Mẹ vạch vú nhét vào miệng em. Bộ ngực căng tràn đầy sữa ngấm vị bùn. Nhưng em chẳng buồn há miệng. Em cứ thế lịm đi, lịm đi…

Người ta mang em con ra đồng.

Ấy là một chiều cuối đông lạnh lẽo. Không cờ trướng, không trống kèn. Chỉ vài xấp vàng mã lặng bay vật vờ trong cơn mưa nhẹ hạt. Chiếc khăn xô buộc hững hờ, mắt mẹ hững hờ.

Con co ro trong chiếc áo len đã lủng lỗ chỗ vài nốt gián gặm. Nước mắt con cứ chảy ngược vào trong, câm nín.

Trong lòng con đã dâng lên những niềm uất ức. Con giận mẹ, con hận mẹ. Con tự hỏi lòng, vì sao mẹ không thương em? Vì sao mẹ không thương chúng con? Vì sao mẹ vô cảm và hững hờ đến vậy?

Mẹ lặng im. Con chờ đợi những giọt nước mắt lăn dài trên gò má rám nắng ấy. Con chờ đợi sự ân hận muộn mằn của mẹ. Con sẽ hả hê, con sẽ đáng đời mẹ. Con sẽ…

Nhưng không. Mẹ vẫn im lặng. Trời ơi sao mẹ có thể im lặng được đến thế! Con muốn gào lên. Nỗi căm giận bỏng rát lồng ngực.                                             

*

Con cấu vào mớ đất lạnh lẽo phủ lấy em mà tức tưởi. Bao nhiêu năm rồi, cứ mỗi lần buồn uất mẹ, con lại lẳng lặng ra mộ em. Lại muốn nằm xuống bên em, ôm em như ngày xưa. Chạm vào từng ngón tay mềm, vuốt ve bờ má hây hẩy ấm, rồi hôn lên đôi mắt đen long lanh ấy.

Con và mẹ mỗi ngày mỗi xa cách.

Con ghét mẹ.

Con hận mẹ.

Cha lại về.

Người đàn ông năm ấy từng gieo vào mẹ những nguồn sống. Rồi cũng chính người đàn ông ấy giết chết trái tim mẹ.

Con nhìn cha. Xa lạ. Hờ hững.

Con dụi nắm hương cha đã cắm lên mộ em.

Con ném những món đồ cha để lên bàn thờ em.

Em con, thậm chí còn chưa có một chiếc ảnh thờ.

Con hận cha.                                          

*

Có người nói thương con. Lần đầu tiên trong đời con nghe những lời âu yếm đó. À không phải, con nghe lần thứ hai rồi. Lần đầu con nghe được từ cái giọng trọ trẹ cha thì thào trong đêm với mẹ. Con đã nín thở trong chiếc mền cũ. Không phải con tò mò, mà là con không ngủ được, con không thể ngủ được mẹ biết không?

Con nghe giọng gắt gỏng quen thuộc nhỏ xíu của mẹ. Con nghe cánh tay mẹ đẩy tay cha ra khỏi người. Con nghe giọng cha van lơn cầu khẩn. Con nghe, con nghe…

Và rồi con có em. Một đứa em trai giống cha như tạc. Đứa em mẹ chưa từng mong cầu. Mẹ rủa bâng quơ. Lời mẹ nanh nọc.

Mẹ ghét lũ đàn ông ngọt nhạt, chỉ biết thỏa mãn giống đực bản năng, gieo rắc nỗi đau cho phụ nữ. Mẹ ghét đàn bà, thứ giống cái yếu mềm. Đến cái lưng quần cũng không giữ nổi.

Mẹ ghét tất cả. Mẹ ghét cả em, mẹ ghét cả con.

Mẹ quên mất tụi con đâu cần mẹ sinh ra.

Lại có người nói thương con nữa rồi. Sao họ tha thiết thế? Rồi con cũng sẽ có em bé, rồi họ cũng rời đi như cha từng bao nhiêu lần rời mẹ ư? Rồi con sẽ lại sinh những đứa con trong tủi khổ và thầm lặng. Rồi con sẽ âm thầm bỏ rơi chúng như mẹ từng bỏ rơi tụi con ư?

À không, mẹ nào bỏ rơi tụi con, là mẹ mải gánh mưu sinh đó chứ! Nhưng có thể nán lại một chút, nhìn em con, khuôn miệng xinh vừa mút những ngón tay hồng vừa cười. Rồi thơm vào má em âu yếm. Mẹ thương em nhiều hơn được không?

Mà muộn rồi, em đã nằm sâu 3 tấc đất, em đâu thể khóc cười được nữa. Em không đòi ti, em chỉ cười thôi. Nụ cười hồn nhiên lúc em đang ngủ. Nụ cười ấy hằn sâu tâm trí con.                                            

*

Con cũng sẽ hằn vào lòng những vết thương mà mẹ gánh phải. Con nghĩ thế. Con tin thế.

Cho đến ngày con gặp anh. Con không thể điều khiển được trái tim mình nữa, mẹ ạ! Mẹ đừng nhìn con khinh rẻ thế. Không phải tất cả đàn ông trên cuộc đời này tìm đến với mình cũng vì nhục dục. Có tình yêu mà mẹ. Mẹ tin anh đi, mẹ tin con gái mẹ một lần đi.

Ngày mẹ hờ hững đeo vào tay con chiếc nhẫn vàng, như một sự bất lực. Anh đã siết chặt tay con, hứa sẽ yêu thương con trọn đời. Con đi lướt qua ánh mắt lạnh lùng của mẹ. Con hạnh phúc.

Con hạnh phúc mẹ ạ!

Giá mẹ biết con gái mẹ đã hạnh phúc thế nào bên người đàn ông của đời mình.

Anh không nói lời hoa mỹ. Anh không tô vẽ. Anh âm thầm. Anh yêu con.

Ngay cái giờ phút trao đời con gái của mình cho anh, con biết con đã chọn đúng người.

Con chạnh lòng thương mẹ.

Đến những lúc mặn nồng chăn gối bên chồng, con mới biết thương mẹ.

Người đàn ông của mẹ, sau phút hừng hực bản năng, lại bỏ mẹ lặng lẽ với gối chăn thừa thãi.

Người đàn ông của mẹ, giá biết nán lại bên mẹ một chút, yêu thương mẹ thêm một chút, sẻ chia cùng mẹ nhiều hơn một chút.

Một chút thôi thì chắc hẳn mẹ đã khác rồi.

Một chút thôi thì mình còn em.

Một chút thôi thì con đã không phải khổ.

Nhưng một chút thôi sao cha không hiểu. Một chút thôi mà mẹ con phải sống trong dằng dặc nỗi đau. Một chút thôi mà con mất em mãi mãi.

Mẹ cay độc với những người đàn ông tìm đến. Mẹ gai góc. Mẹ thù hận.

Cũng có lúc mẹ buồn. Nhưng mẹ không tỏ cho con biết. Mẹ giấu giếm điều ấy cho riêng mình.

Sự cay nghiệt bòn kiệt thân hình, hằn lên dung mạo mẹ một nét u uẩn. Con làm sao để giải phóng mẹ thoát khỏi những u mê tăm tối.

Mẹ khước từ mọi điều tử tế. Mẹ cô độc.

Nhưng mẹ còn có con mà!

Mẹ ơi! Mẹ còn có con mà!

*

Mẹ này, mẹ đừng im lặng mãi thế được không? Cái Bống vừa đạt giải nhất cuộc thi viết về người thân trong gia đình đó mẹ ạ! Mẹ vui không? Bống hỏi, sao ngoại của con không giống trong truyện cổ tích hả mẹ? Con đã phải bịa ra một câu chuyện về mẹ cho Bống nghe. Bống sụt sùi cảm động. Bống viết về ngoại với tất cả niềm tin yêu về một người bà thầm lặng.

Nhưng con biết, những gì con kể về mẹ là tất cả những gì sâu thẳm trong lòng mẹ muốn dành cho con.

Mẹ dậy đi. Dù ở khoa hồi sức tích cực này ai cũng bảo, đi cửa trước, nhưng về cửa sau. Con không tin điều ấy xảy đến với mẹ. Con không tin mẹ sẽ đầu hàng số phận. Con không tin.

Nắng rồi. Luống rau ngoài vườn sâu sắp phá sạch. Con sợ sâu, mẹ biết mà. Chỗ rau này, mẹ đi được những mấy buổi chợ.

Mẹ dậy đi. Mẹ nhìn ra ô cửa sổ bên cạnh mẹ này. Hình như mùa xuân sắp về. Con thấy những đọt non đang cựa mình trong lớp vỏ xám. Mấy nhánh cây bị bão quật cũng đang đâm những chồi mới, rạo rực.

Mình đã cùng nhau đi qua những ngày bão nổi. Thì giờ đây mẹ ơi, gió đã lặng rồi, mình cùng nhau đi tiếp, mẹ nhé!

H.L

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm