TIN TỨC

Đi suốt Thiên Địa Nhân Ký thấy gì?

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2021-10-29 20:06:47
mail facebook google pos stwis
1506 lượt xem

(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) - Trần Phương vừa xuất bản ba tập thơ Thiên Địa Nhân ký, do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2019 và 2020; khối lượng 1257 bài thơ ngắn, ba ngữ: Việt – Anh – Pháp, dày 1260 trang, khổ 18 cm x 11 cm, bìa cứng C300, sách in đẹp.

Nhà thơ - nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara

 

Tôi, vốn “ngán” đọc những tập thơ dày…

Thiên Địa Nhân ký tuy là thơ ngắn ít chữ, nhưng lại tam ngữ và dày… “Về đâu, tập thơ song ngữ Anh - Việt?” - Tôi đã hỏi như thế ở một tiểu luận đăng mươi năm trước…  Tôi, lật trang một cách ngẫu nhiên theo kiểu bói thơ và, đụng ngay:

Tiền điện tử

xu hướng tất yếu

nhân loại

rồi…

Trí tuệ người Việt Nam

nhân loại

tỏ  

Một là điều đương nhiên ai cũng có thể biết, một nữa như thể thơ ca tụng… Nhưng lẽ nào Trần Phương chỉ có thế! Tôi làm lại từ đầu, rồi bất ngờ bởi những phát hiện thú vị khác lạ. Thiên Địa Nhân ký rất khác, khác với nhiều người khác, nhiều thơ khác - nhiều nữa là đằng khác… Ở đó, có đủ đầy.

Thiên:

Mưa rơi một mình

bầu trời

buồn

Địa:

Đứng trước biển

đời người

nhỏ

Nhân:

Lũ trẻ chăn trâu triền sông

theo diều lên trời

chơi

Có thời sự nóng của đất nước: Mê-kông cạn dòng, Biển Đông dậy sóng, một phần đất biên giới phía Bắc bị lấn chiếm, ồn ào và im lặng:

Biên giới

vị trưởng thôn thở

dài 

 

Biển Đông

bóng kển kền đỏ nhỏ

dãi

 

Hoàng Sa – Trường Sa

đôi mắt

trời         (Xin thêm)

 

Patt 48 – 860 – 1938

dấu mốc

trời      (Xin thêm)

Đâu là nguyên do? Người không hỏi, thơ không hỏi, Thiên Địa Nhân ký không giãi bày hay lên tiếng phê phán mà chỉ với rất ít từ, đã làm những lát cắt ngắn, bén, ngọt như găm vào tim người đọc. Đề tài thế sự chiếm một thời lượng lớn trong cả ba tập thơ.

Độc quyền

cửa suy vong

mở

 

Cái áo khó cởi

mặc nhiều

đêm     

 

Sái mõ

vày con chiện

đỏ       

Độc tài và chuyên quyền là nguyên do của mọi nguyên do làm suy thoái, suy yếu, suy vong đủ loại ở đủ cấp độ. Từ cá thể cho đến tập thể, từ một con người cho đến một triều đại hay một đất nước. Chuyên quyền, ta chỉ biết nghe tiếng nói của ta dội lại từ ta, mà hoàn toàn không biết đến tiếng kêu khác - từ nhân dân, từ thế giới rộng lớn ngoài kia.

Dựng tượng đài khắp nước

ngân khố

rơi

Không chỉ ngân khố rơi, mà tất cả mang ở tự thân nguy cơ rơi, rơi đến không thể cứu vãn. Nước mắt rơi, sự hi vọng rơi, và nhất là niềm tin rơi.

Lính trận kể chuyện

nước mắt

rơi

 

Lịch sử

những cột mốc buồn

dài

Chiến tranh đi qua, sau tàn phá và chết chóc và dựng xây, là yêu thương, là bù đắp. Là ở nơi nào khác, chứ nơi này: Khắp xung quanh chỉ toàn dối lừa, gian manh, giả đạo đức, bạt ngàn trò mua bán đưa đến bao hệ lụy mà nhân dân đang phải gánh chịu. Đó là kiến thức giả, bằng cấp giả, chức tước giả, tình yêu giả, và ngay cả lương tâm nền tảng làm nên đạo đức một con người cũng bị giả nốt:

Chim phóng sinh

đám trẻ

nướng

 

Dạy trò làm giàu

sống bằng tiền thù lao

đời ảo

 

Ký sự làng tôi

mua bán

quan

 

Đốt cháy lương tâm

nhanh nhất

quan

Việt Nam đang khủng hoảng bản sắc, nỗi mất niềm tin tràn lan ở mọi thế hệ, mọi thành phần, mọi cấp độ. Một khi từ ý thức hệ đến nền giáo dục sang cả nơi được cho là hạt nhân xã hội là gia đình cũng rơi, thì cái gì còn lại? Và, đâu là cọng cỏ hi vọng để bấu víu?

Cho dù khắp xung quanh toàn màu xám xịt, đây đó dưới mảnh đất hình chữ S xinh đẹp này, vẫn tồn tại mạch nước ngầm, dòng sông ẩn đang trầm chảy. Chịu đựng, khiêm cung và tin tưởng. Chúng sẽ chồi lên và hiện diện mạnh mẽ, vào một ngày không xa. Từ đâu?

Cái đẹp mộc mạc của quê hương, và tiếng nói quê hương:

Gió dải bờ sông

ngô đồng

sóng

 

Câu ca dao tục ngữ

        dân làng

        giữ   

Mạch nước ngầm, qua ý thức phản tỉnh tự thân nơi mỗi công dân Việt Nam, rằng chính bản thân ta chứ không ai khác đã góp phần đẩy đất nước này vào cõi suy yếu, bạc nhược:

Ném vào sọt rác

cái tôi

nổ

Và dòng sông ẩn phát nguồn từ sự khiêm cung của mỗi cá nhân:

Một ngọn đèn

một củ khoai chín

và tôi

 

Sẽ làm nên tương lai của dân tộc Việt, của đất nước Việt Nam. Đó là giấc mơ đẹp và thực, thực hơn cả hiện thực hiện tiền.

Giấc mơ

như bóng ma

thực

 

Cái bóng đen

xuyên thấu

tôi

Tất cả đã sụp đổ thực sự rồi. Mọi cánh cửa hi vọng gần như đóng kín. Chớ nuôi hi vọng hão ở thế lực bên ngoài hay một sức mạnh huyền bí nào đó đến hỗ trợ ta. Vô ích! Hãy bình tâm lại, bàn tay trong bàn tay, hãy nhìn vào mắt nhau để nhận rõ mặt nhau, hãy cầm lấy cây cuốc, cái cày đi xây lại từ đổ nát, “một nơi cư trú nhỏ bé mới, có lại những hy vọng mới. Bây giờ không có còn đường nào bằng phẳng để dẫn tới tương lai. Chúng ta phải đi vòng quanh hay bò qua các trở ngại… Chúng ta phải sống, thây kệ bao nhiêu bầu trời đã sụp” (D.H. Lawrence).

 

Thiên Địa Nhân ký của Trần Phương, một tập thơ được cho là thành công, khi nó góp phần vào dòng chảy của thơ đương đại bằng kĩ thuật mới, cách nói mới. Anh đã kiên trì một lối đi, xuyên suốt, miệt mài để tìm ra một con đường mở đó là điều hiếm. Hiếm ấy, tạo nên sự khác biệt, mà giá trị của nghệ thuật còn đâu, nếu chúng ta cứ đồng bộ một thứ trang phục?

 

Đặc biệt ta thấy ở lối thơ kiệm lời đến tối thiểu của Trần Phương, lối kết với một từ đã “mở” ra những không gian cho tưởng tượng và liên tưởng. Cho người thơ và cho cả người đón nhận thơ.

        Đọc chuyện cổ tích cho con

tâm thức mình

mở

 

Con đường siêu thức

không giới hạn

mở

 

Đi về phía bóng tối

tương lai

mở

 

Đọc thơ Trần Phương, ta thấy ở đó có khác lạ về hình thức lẫn cách nhìn, không gian thơ có ba tầng như tên của tập thơ. Thiên Địa Nhân ký phần nào đó, đã mang hơi thở mới cho thơ hôm nay.

 

Sài Gòn, mùa Covid-19-2021

Inrasara

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm