TIN TỨC

Những ký ức không thể nào quên| Lê Tú Lệ

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-11-07 10:51:17
mail facebook google pos stwis
2176 lượt xem

Văn chương TP. Hồ Chí Minh: Hội Nhà văn TP. HCM đang tổ chức in ấn và phát hành cuốn sách KÝ ỨC & DẤU ẤN 40 NĂM HỘI NHÀ VĂN TPHCM. Tin rằng, đây sẽ là cuốn sách có giá trị với nhiều áng văn hay, đáng đọc. Để mở đầu cho loạt bài của chủ đề này, chúng tôi trân trọng giới thiệu sau đây bài viết giàu cảm xúc của nhà thơ Lê Tú Lệ.
 

Nhà thơ LÊ TÚ LỆ

Sinh năm 1959 tại Hà Nội – nguyên quán Mỹ Tho, Tiền Giang.

Hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh.

Tác phẩm: In thơ đầu tiên trên Tuần báo Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh năm 1979.

Các tác phẩm đã xuất bản: Tập thơ Giấc mơ – Nhà xuất bản Hội Nhà văn 1993; Tập thơ Gươm đàn nửa gánh – Nhà xuất bản Trẻ 1996; Tập thơ Lỡ tay rượu đổ thềm người – Nhà xuất bản Trẻ 2002; Tập tiểu luận phê bình Văn học nghệ thuật – Đôi điều nói lại – Nhà xuất bản Văn Học – 2012, tái bản Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ 2020; Tập thơ Mờ khơi dong vút cánh buồm – Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ 2014; Tập tiểu luận, bút ký Những ngày không gió – Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ 2017; Trường ca Thành phố khát vọng  Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ 2020.

 

Những ký ức không thể nào quên

LÊ TÚ LỆ

Ông bà mình thường nói “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Câu này muốn nói cái nghĩa đối xử với người chết là cái nghĩa cuối cùng, ngụ ý khuyên người ta nên làm cái nghĩa cuối cùng này vì sẽ không còn cơ hội nữa, ai đó dù có thù hận hay khúc mắc với nhau cũng nên buông bỏ vì chết là hết. Một số người còn quan niệm làm nhiều việc nghĩa cho người chết sẽ được tích phúc cho mình và con cháu.  

Tôi không phải là người lập ý “tu đức” theo lời ông bà, cũng không hề câu nệ rằng việc mình làm là “nghĩa tận” hay mình không làm là không tận nghĩa. Có những đám tang bạn bè rủ đi viếng tôi từ chối thẳng vì mình dù có quen biết đấy nhưng lại rất không có cảm tình lúc người ta còn sống. Tính tôi vốn như vậy nhưng không hiểu sao bản thân cứ bị cuốn vào khá nhiều đám tang của văn nghệ sĩ, nhất là các nhà văn, mà còn bị cuốn vào “tới bến” nữa chứ. Có người bảo tại đặc thù công tác nơi tôi làm việc. Người khác lại bảo đó là “cái duyên” văn nghệ.

Ồ cái duyên nào hay ho thì không nói, chứ “cái duyên đám tang” nghe hơi bị kỳ.

Đáng nhớ nhất có lẽ là đám tang nhà thơ Thảo Phương. Thực ra tôi với chị Thảo Phương không thân lắm, thậm chí hồi trẻ còn có lần khúc mắc hiểu lầm nhau nhưng không ai thèm hóa giải. Tình cảm chị em cũng chỉ là quý mến trên mức xã giao một chút. Gặp nhau đi ăn nhậu tám chuyện dăm ba lần cùng với tụ nọ tụ kia lúc tôi chưa lập gia đình. Hồ hởi hỏi han nhau khi “đụng” mặt ở các buổi họp mặt hiếm hoi hàng năm của Hội Nhà văn. Thế thôi. Khi nghe tin chị ốm nặng, bạn bè văn chương rủ nhau đi thăm, tôi cũng sắp xếp công việc cùng nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy đến thăm chị.

Nhà của Thảo Phương trên tầng 5 trong một căn hộ chung cư bên cạnh đường rầy xe lửa ở quận Phú Nhuận. Tôi còn nhớ lúc đó mẹ Thảo Phương ngoài Bắc vô chăm chị vài tháng vì 5 cậu con trai đều ăn chưa no lo chưa tới. Bà rất dễ mến, có dáng người thanh mảnh, qua giao tiếp toát lên sự thanh lịch, trí thức. Khi ra về bác gái lấy số điện thoại của tôi và chị Thu Thủy, tôi bèn đưa bác tấm danh thiếp “Ban Tuyên giáo Thành ủy” của mình. Chẳng lẽ chính cái danh thiếp mà tên cơ quan in trên đó là một thứ bảo chứng cho sự tin cậy còn hơn cả tình thân.

Bẵng đi gần một năm sau, hôm đó khoảng hơn 2 giờ chiều ngày chủ nhật 19/10/2008, tôi đang dọn dẹp nhà cửa thì có chuông điện thoại, đầu dây kia xưng là con mẹ Thảo Phương. Tiếng cậu con trai có phần dè dặt: Cô ơi mẹ con sắp mất rồi. Chúng con không biết làm sao. Cô hỏi dùm đưa ra Nhà tang lễ thành phố được không ạ?. Tôi liền gọi điện cho chị Tôn Nữ Thu Thủy rủ cùng đi. Nhà tôi ở cuối Quận 6, giáp Bình Tân, chị Thủy ở Quận 8, đi lên nhà Thảo Phương ở Phú Nhuận đều khá xa. Hai chị em hẹn 3 giờ rưỡi chiều gặp nhau ở 62 Trần Quốc Thảo Quận 3, cơ quan của tôi làm việc đồng thời cũng là nơi đặt trụ sở Hội Nhà văn thành phố.

Khi chúng tôi tới thì Thảo Phương đang hôn mê. Các con Thảo Phương cho biết mẹ chúng cứ thiêm thiếp như vậy mấy hôm rồi, bệnh viện trả về, e là sắp đi… Vì Thảo Phương vẫn đang trong tình trạng hôn mê nên chúng tôi chỉ biết hỏi han an ủi mấy đứa nhỏ, ngồi với Thảo Phương khoảng tiếng rưỡi rồi đành ra về. Gần 7 giờ tối, thành phố đã lên đèn từ lâu, xe cộ tấp nập. Tới ngã tư Phú Nhuận, chị Thu Thủy và tôi chia tay, hai chị em rẽ theo hai hướng để về nhà. Mới đi thêm chừng 3 phút thấy điện thoại rung, tôi tấp vào lề đường nghe điện thoại: “Cô ơi mẹ con tắt thở rồi”. Tôi cũng hốt hoảng. Bấm điện thoại gọi chị Thu Thủy, chị đang chạy xe nên không nghe máy, tôi hộc tốc quay xe trở lại quên cả đói bụng.

Thảo Phương nằm đó, nước da đang từ từ tắt dần màu sống. Tôi nắm tay chị nghe độ ấm giảm dần mà trong lòng trào dâng một nỗi niềm khó tả. Nhớ lại câu thơ của chị tôi từng rất thích “Em lại ước đặt tim mình trên cỏ/ Để khỏi nghe cơn bão tung hoành”, tôi trào nước mắt. Ôi đời người thật vô thường Thảo Phương ơi, giờ thì trái tim chị bình yên rồi.

Tôi ngồi đó gọi điện thoại báo cho một số bạn bè, cho lãnh đạo Hội Nhà văn nói nguyện vọng của gia đình. Chờ hồi lâu một người điện lại cho biết đưa về Nhà tang lễ thành phố phải bao nhiêu năm tuổi Đảng, rồi cả mức lương, rồi Thảo Phương lại không phải trong Ban Chấp hành nên Hội không thể đứng ra làm tang lễ… Thú thật lúc đó tôi không biết ăn nói làm sao với đám con Thảo Phương. Bốn năm cặp mắt nhìn chăm chăm vào tôi và cái điện thoại. Bọn trẻ cứ nghĩ mẹ chúng nổi tiếng lắm nên các cơ quan tổ chức sẽ xúm vào lo đấy mà. May sao anh Khương Hồng Minh làm ở báo Công an thành phố gọi lại báo là đã xin được số điện thoại của vị chánh văn phòng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố. Ông này đang công tác xa, hứa sẽ điện về cơ quan và ngày mai cầm đơn lên Sở rồi đóng tiền đưa vào Nhà tang lễ thành phố 25 Lê Quý Đôn. Mặt khác họ cho số điện thoại của vị giám đốc nhà tang lễ để mình trao đổi xem sáng mai còn chỗ trống không. Cứ thế điện qua điện lại, cái điện thoại nóng hôi hổi trên tay. Sau khi dặn dò đứa con lớn của Thảo Phương sáng sớm mai phải cầm theo những giấy tờ gì ra phường làm thủ tục cấp giấy khai tử, tôi về tới nhà gần 10 giờ đêm.

Sáng hôm sau đến cơ quan thật sớm, tôi ngồi vào máy vi tính soạn tờ đơn gởi Sở Lao động trình bày gia cảnh và xin được duyệt đưa Thảo Phương vào quàn ở Nhà tang lễ thành phố theo diện đóng phí. Soạn xong thì con trai Thảo Phương cầm giấy khai tử ào tới để tôi áp các thông tin vào đơn. Một người bạn của Khương Hồng Minh chờ sẵn ngoài cửa đưa cậu bé lên Sở Lao động còn anh Minh thì đến thẳng Nhà tang lễ xuất tiền túi đóng phí.

Xong xuôi hết, tôi vươn vai nhìn ra cửa sổ thấy một nhóm nhà văn nhà thơ đang xúm xít bàn tán gì đó quanh chiếc bàn đá. Tôi ra xem và hết cả hồn khi thấy cái bảng Ban tổ chức lễ tang do các bạn tự lập mà Lê Tú Lệ lại là trưởng ban tổ chức mới ghê chứ. Sao lại là tôi. Tôi có chức sắc gì ở Hội Nhà văn đâu. Khi thấy tôi phản đối, các bạn xúm vào thuyết phục. Tôi nhớ nhà thơ Trương Nam Hương bảo chị Lệ đừng từ chối nữa để cho anh em tiến hành công việc. Danh sách rất đông, có cả già lẫn trẻ như Lê Thị Kim, Trương Nam Hương, Tôn Nữ Thu Thủy, Trần Tiến Dũng, Trần Hữu Dũng, Vũ Trọng Quang, Đặng Nguyệt Anh, Lê Hoàng Anh, Hà Đình Nguyên, Phan Trung Thành, Ngô Liêm Khoan, Bùi Thanh Tuấn, Lê Thiếu Nhơn, Ngô Thị Hạnh… chia ra ba ca trực sáng chiều tối, mỗi ca 3 người. Thế rồi, mọi người móc túi mình lấy tiền đặt trên bàn, chung tay gom góp để lo cho Thảo Phương đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đám tang Thảo Phương cực kỳ nhiều hoa. Màu hoa trắng rưng rưng phủ ngợp nơi quàn. Thương quá một tài hoa.

Đám tang nhà văn Võ Phi Hùng còn ly kỳ hơn đám tang của Thảo Phương. Trước khi về làm ở Ban Tuyên giáo Thành ủy, tôi từng phụ trách tờ Tuần tin Quận 6 mà anh Võ Phi Hùng vốn là tiền nhiệm. Nhà tôi hồi đó gần nhà anh, cách nhau một đoạn đường. Tôi đã từng đến nhà anh chơi, biết cả vợ anh. Khi Võ Phi Hùng về báo Văn Nghệ thành phố rồi thì hai anh em ít có dịp gặp. Sau đó nghe nói anh đã li dị và vợ con đi nước ngoài. Bạn bè trong giới đều biết những cuốn tiểu thuyết nổi đình đám “Sống sót vỉa hè”, “Kẻ lang bạt trở về”  hay “Đời có tên tụi mình” đều là cảm hứng từ chính cuộc đời tác giả bởi Võ Phi Hùng vốn là một cô nhi. Anh được một ông thầu khoán nhận nuôi, đem về từ một tỉnh trên Tây Nguyên. Hai vợ chồng này không có con nên vợ ông thầu khoán thương anh Hùng như con ruột, cho ăn học tử tế. Sau đó cha nuôi của anh lấy thêm vợ khác, có mấy đứa con với bà sau và đều đã xuất cảnh. Võ Phi Hùng ở với mẹ nuôi, khi mất bà cụ để lại căn nhà cho vợ chồng anh. Chuyện cuộc đời nhà văn Võ Phi Hùng mà anh em bạn bè biết là vậy.

Còn nhớ vào khoảng chập tối ngày 16/11/2011, tôi nhận được điện thoại của nhà thơ Phan Trung Thành, lúc đó là Chánh Văn phòng của Hội Nhà văn thành phố. Thành cho biết anh Võ Phi Hùng đã mất ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Tìm hiểu thêm một số thông tin thì được biết anh Võ Phi Hùng bị bệnh phổi đã lâu, được một “người hâm mộ” chăm sóc. Khi anh bệnh nặng, chị này đưa vô bệnh viện tư nhân nào đó điều trị một thời gian. Đến khi Võ Phi Hùng sắp không qua khỏi, bệnh viện nọ bèn kêu tắc xi đưa đến bệnh viện Phạm Ngọc Thạch theo dạng cấp cứu, họ muốn cho anh tắt thở ở đó để không bị dính trách nhiệm! Ôi anh Võ Phi Hùng ơi, anh bước vào cuộc đời này như thế nào bây giờ lại ra đi như thế ấy. Sao cuộc đời lại nghiệt ngã với anh như vậy. Anh đã phải “sống sót vỉa hè” để thành tài, thành danh, vậy mà…

Vấn đề bấy giờ là bệnh viện Phạm Ngọc Thạch không cho Hội Nhà văn lấy cái xác ra để làm đám tang vì anh Hùng không có giấy tờ tùy thân gì cả, cũng không có người thân. Phan Trung Thành hỏi tôi chị có cách nào xin bệnh viện cho Hội Nhà văn nhận xác về không. Tôi điện thoại cho một vị lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy phụ trách mảng văn hóa - văn nghệ. Ông ấy bảo tôi điện cho một phó ban khác phụ trách khoa giáo vì lĩnh vực y tế thuộc mảng khoa giáo. Tôi trình bày hồi lâu nhưng vị phó ban này giở ra một đống nguyên tắc của ngành y nghe mà sốt cả ruột. Mình thì gấp, người ta là cấp trên mình không dám ngắt lời nên cứ phải nghe và nghe, dù đã thất vọng ngay từ đầu.

Tôi ngồi thừ ra suy nghĩ hồi lâu rồi đánh liều điện lại cho vị phó ban phụ trách văn hóa - văn nghệ để… “hăm”: Anh mà không giải quyết, em báo anh biết sáng sớm mai nếu Hội Nhà văn không lấy được xác Võ Phi Hùng ra là các báo thành phố sẽ đồng loạt lên tiếng. Lúc đó anh chứ không ai khác sẽ bị lãnh đạo thành phố phê bình cho coi. Rồi rồi, em tắt điện thoại đi để anh trao đổi với lãnh đạo Sở Y tế. Một lúc sau: Bên Sở Y tế nói Bệnh viện đã cho kiểm tra nhưng họ báo với Sở ở cổng bệnh viện có cậu nào đó uống rượu vào rồi đang quậy đòi xác Võ Phi Hùng, em hỏi bên Hội xem là ai. Tôi điện hỏi Phan Trung Thành, Thành nói anh Sáng què đó chị. Ảnh đóng trong phim “Chim phóng sinh” của Võ Phi Hùng. Chính Sáng là người đi cùng xe tắc xi đưa anh Võ Phi Hùng vô Phạm Ngọc Thạch. Về sau được biết cậu này vốn què một chân nên có biệt danh Sáng què. Sáng rất thần tượng Võ Phi Hùng nên tới lui chăm sóc thường xuyên lúc nhà văn ốm nặng.

Cuối cùng ông Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy phụ trách văn hóa – văn nghệ báo lại rằng ông giám đốc bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã đồng ý cho Hội Nhà văn nhận xác Võ Phi Hùng ra, bảo tôi nói bên Hội sáng sớm mai có văn bản gởi cho Bệnh viện. Vị ấy còn dặn thêm: Họ bảo nói cậu gì đó đừng quậy nữa, Bệnh viện đồng ý cho nhận xác rồi! Tôi còn nghe nói sáng sớm hôm sau Phan Trung Thành và em Tòng ở Văn phòng Hội chở nhau đến bệnh viện để làm thủ tục nhận xác thì cái công văn lại rớt đâu mất trên đường đi nên phải quay về lấy cái giấy khác. Ông trời ơi, sao ông lại già cay đắng thế, nỡ dằn vặt nhau đến tận cùng!  

Tuy câu chuyện “đòi” xác nhà văn Võ Phi Hùng thật hy hữu, đắng lòng nhưng anh không cô đơn trong mấy ngày tang lễ. Bạn văn chương tụ về rất đông, chia nhau trực đêm trực ngày. Chuyện cũng bớt phần chua xót khi mà sáng hôm sau đọc được tin buồn trên báo, có một đôi vợ chồng là em vợ nhà văn (vợ cũ) đã đến nhà tang lễ để viếng. Từ đó chúng tôi lại biết thêm thông tin là con trai lớn của anh không đi xuất cảnh theo mẹ nhưng đã lâu rồi hai cha con “không nhìn mặt nhau” và họ cũng không biết cháu ở đâu. Tôi thuyết phục anh chị này thông qua các kênh gia đình họ hàng ráng tìm và thuyết phục đứa con trai đến chịu tang. Sáng sau nữa, nhìn có cậu con trai đội tang cha đứng trước quan tài, ai trong chúng tôi cũng thấy nhẹ lòng một chút.   

Cái đám thứ ba cũng có những tình tiết khá ly kỳ, đó là đám tang nhà thơ – họa sĩ Bàng Sỹ Nguyên. Ông mất vào ngày 06/5/2016, thọ 92 tuổi. Trước đó vài năm, lúc còn làm ở Ban Tuyên giáo Thành ủy, tôi nhận được phiếu chuyển công văn của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam gởi cho lãnh đạo Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, đề nghị hỗ trợ để đưa ông cụ về Hà Nội cho con cháu chăm sóc, phụng dưỡng vì ông ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ có một thân một mình. Phiếu chuyển yêu cầu tôi tham mưu một món quà ý nghĩa để nhà thơ lão thành chia tay thành phố, nơi ông đã sống và gắn bó hơn 30 năm. Tôi hỏi số điện thoại bên Hội Nhà văn rồi điện cho ông nói lý do xin gặp mặt. Ai dè ở đầu dây bên kia ông kêu lên: “Ối giời ơi, cô Lệ ơi, cô nói với lãnh đạo Thành phố đừng để chúng nó bắt đưa tôi về Hà Nội”.

Bẵng đi một thời gian, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy ông cụ chống gậy, đội nón kết đến dự họp mặt cuối năm của Hội Nhà văn hoặc khai mạc triển lãm bên Hội Mỹ thuật. Đến khi nghe tin nhà thơ Bàng Sỹ Nguyên mất tôi thấy xót xa quá vì cũng là một sự ra đi đau lòng. Ông chết một mình trong nhà không ai biết, hôm sau hàng xóm phát hiện báo công an đưa vào nhà xác bệnh viện. Các con ông ở Hà Nội bay vào, người thì muốn đưa ông về Hà Nội người lại muốn để ông an nghỉ ở thành phố Hồ Chí Minh. Khi nghe tôi kể câu chuyện “Ối giời ơi” nêu trên thì các anh chị đều thống nhất làm theo nguyện vọng của ông. Chưa hết, bên công an đòi mổ tử thi khám nghiệm và tôi lại phải nhờ đến lãnh đạo thành phố can thiệp để bỏ qua cái thủ tục này, gia đình mới đưa được cụ ra để an táng.

Kỷ niệm về các đám tang còn nhiều nữa như đám tang nhà văn Anh Đức, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Ung Ngọc Trí, nhà thơ Chim Trắng, nhà thơ Mai Trinh Đỗ Thị... Tất cả đều là những ký ức không thể nào quên và đương nhiên đều là những ký ức buồn. Duy nhất có một chi tiết thú vị (xin hương hồn nhà văn bỏ quá cho vì tôi dùng từ “thú vị”) là bài điếu văn nhà văn Nguyễn Quang Sáng do tôi chấp bút cho một vị lãnh đạo đọc trong lễ truy điệu có đoạn:

 Anh Năm ơi.

Tổ quốc tiếng gà trưa còn đó

Cánh đồng hoang loang nước nước ngậm ngùi

Mùa gió chướng bây giờ ai che chắn

Giữa dòng vương một nét mây trôi.

Mỗi câu thơ đều có tên tác phẩm đã làm nên tên tuổi của Nguyễn Quang Sáng. Sáng hôm sau, mở điện thoại thấy hàng loạt trang mạng giật tít: Một điếu văn bằng thơ, Bài điếu văn xúc động… Anh Năm Nguyễn Quang Sáng trên trời có linh hẳn cũng mỉm cười hài lòng.

Có một câu chuyện mà tôi thấy mình phải thuật lại để các bạn văn chia sẻ vì đến giờ nhiều người vẫn hiểu sai do không biết nội tình. Còn nếu không kể ra tôi thấy mình như có lỗi với hương hồn một nhà thơ đàn anh đáng kính. Đó là việc nhà thơ Chim Trắng khi còn sống không chịu giao trả căn nhà 45 Nguyễn Phi Khanh, Quận 1 (nguyên là trụ sở Tuần báo Văn Nghệ thành phố) cho Tuần báo Văn Nghệ và báo đã có văn bản gởi lãnh đạo thành phố nhờ can thiệp thu hồi lại căn nhà. Thực sự thì ông Chim Trắng không ở đây mà ở trên Bình Dương, căn nhà 45 Nguyễn Phi Khanh khóa cửa bỏ không, lâu lâu ông mới ghé và sổ đỏ căn nhà đứng tên Hồ Văn Ba, tên thật của nhà thơ Chim Trắng.

Sự việc dưới đây có thật trăm phần trăm. Đó là có một người bên an ninh văn hóa điện thoại cho tôi đề nghị tôi tham mưu lãnh đạo không tiến hành cưỡng chế thu hồi căn nhà 45 Nguyễn Phi Khanh vì ông Chim Trắng tuyên bố “phải bước qua xác ổng”. Họ đề nghị chỉ nên vận động thuyết phục, không nên để xảy ra những dư luận không tốt ảnh hưởng đến nhiều thứ… Tôi nghe mà lùng bùng lỗ tai, không tin có cái câu “phải bước qua xác ổng”. Vài bữa sau ngồi uống cà phê tại sân 62 Trần Quốc Thảo, tôi cười cười hỏi câu chuyện có thật không anh Ba. Ai dè anh Ba đáng kính xác nhận là câu đó ông mới nói với một vị lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố khi “được” mời lên làm việc. Rồi ông kể lại cho tôi nghe đầu đuôi sự việc từ sáu bảy năm trước. Thì ra lý do mà nhà thơ Chim Trắng không chịu trả nhà cho báo Văn Nghệ hoàn toàn do cách ứng xử của một vài vị lãnh đạo hồi đó làm ông tổn thương sâu sắc liên quan đến việc ông thôi giữ chức Tổng biên tập báo Văn Nghệ.

Đọc đến đây chắc có người tự hỏi sự việc này thì liên quan gì đến ma chay nhỉ. Không, có liên quan đấy. Nhà thơ Chim Trắng mất vào ngày 28/9/2011 sau một cơn bệnh kéo dài. Mới hỏa thiêu được hai ngày sang ngày thứ ba tôi nhận được điện thoại của cháu Khanh, con gái nhà thơ Chim Trắng. Cháu muốn ghé cơ quan gặp tôi, lý do là “Ba dặn giao cô trả lại nhà cho Thành phố. Ba không muốn lãnh đạo thành phố hiểu lầm ba”. Tôi nói với cháu: “Con thắp nhang bàn vong thưa với ba là cô Lệ xin tiếp nhận di nguyện của ba. Ba cứ yên lòng. Rồi hết cúng thất 49 ngày con hẵng tới gặp, cô cháu mình trò chuyện”. Thú thật, lúc đó tôi cũng nhanh trí chứ để cháu Khanh bước vào cánh cửa 62 Trần Quốc Thảo nơi có cả cơ quan tôi và trụ sở Hội Nhà văn thì rồi thế nào cũng có chuyện. Cái giới văn nghệ vốn phức tạp, nghe qua nghe lại tam sao thất bổn hoặc không loại trừ người ác ý phao ra là ông Chim Trắng vừa nhắm mắt bà Lê Tú Lệ đã kêu con ổng lên đòi trả nhà thì tôi có trăm cái miệng cũng không thanh minh được. Nhất là trong bối cảnh các con ông vừa mới thì nhất quyết không cho lãnh đạo lập ban tổ chức lễ tang cũng không được làm lễ truy điệu vì “đây là ý nguyện của ba”.

Hơn hai tháng sau căn nhà được Sở Xây dựng thành phố chủ trì thực hiện thu hồi theo đúng trình tự, tiền bạc tu sửa, chống dột và cả tiền đóng thuế nhà thuế đất tất tần tật do ông bỏ ra trong từng ấy năm khi được hỏi để có chính sách thì cháu Khanh bảo “Ba con xá hết”. Nhà thơ Chim Trắng là thế. Khái tính đến tận cùng mà cũng vô cùng chính trực. Tấm lòng trong sáng như gương.  

Dòng đời cứ trôi và ai rồi cũng phải “ra đi” dù sự ra đi của mỗi người không ai giống ai. Bây giờ ngẫm lại tôi thấy sao trong cái giới văn chương của mình có nhiều cuộc ra đi cay đắng quá, mà toàn những tài hoa đấy chứ. Phải chăng “Chữ tài cùng với chữ tai một vần”. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, tấm lòng của anh em văn chương trong những đám tang như của Thảo Phương, như Võ Phi Hùng và nhiều đám tang nhà văn nhà thơ khác nữa sao mà ấm áp. Đến với nhau qua cái duyên văn chương rồi để chia tay nhau cũng trong vòng tay văn chương. Có lẽ nghiệp dĩ vốn là vậy.    

TP. Hồ Chí Minh, 27/5/2021.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm