TIN TỨC

Gã Phục điên từ bao giờ?

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-01-12 05:58:08
mail facebook google pos stwis
816 lượt xem

 CHỢT NHỚ VÀ KHÓ QUÊN

TÔ HOÀNG

1- Tôi viết những dòng này không nhắm “rủa” ông bạn vàng của tôi- nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Cũng không nhắm biện minh cho những gì anh đã và đang nói; đã và đang làm hôm nay. Tôi kể lại câu chuyện xẩy ra với anh cách đây đã 30 năm mà tôi là một chứng nhân. Trước hết bởi một nỗi day dứt lâu nay thường ám ảnh tôi: Mình biết một sự thật về Phục mà khỏang chục năm trước không thể kể, không thể viết, bây giờ được “tháo cũi sổ lồng”, sao mình không kể đi? Nếu bỗng dưng một ngày nào đó ông bạn nhiều bệnh họan, hay nghĩ ngợi, thích dâng hiến đến kiệt cùng sức lực này “đốc chứng” muốn đi theo đám bạn bè Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Lâm, Nghiêm Đa Văn, Tường Vân, Phạm Tiến Duật, Lý Biên Cương…? Tôi viết còn vì một thôi thúc nữa: Sao thiên hạ bây giờ nhiều người mắc phải căn bệnh “quay quắt” khốn khổ đến như vậy? Họ đang cố thanh minh thanh nga rằng họ sáng suốt, họ rạch ròi đã từ rất lâu; họ đã biết xua tay không hề tham dự vào công việc này, sự kiện nọ; họ bị bắt buộc, bị thúc ép, họ không mù quáng, cuồng tín đâu, nhưng họ đơn chiếc, lẻ loi, mà đã là số ít họ “đành” phải theo số đông.


Nhà văn - biên kịch Nguyễn Khắc Phục

Tôi sẽ kể lại chuyến đi Liên Xô học đạo diễn điện ảnh VGIK của Phục vào mùa hè năm 1980.

Có người nói, anh sang Moskva không học nổi nghề này nên “bị đuổi” về nước. Có người nói anh ở nước Nga đâu đó một năm rồi mới về Việt Nam. Có người khẳng đinh anh chỉ ở Moskva chừng 2 tháng. Lại có người vắn gọn: Gã ấy làm sao sống nổi ở nơi ấy thì bỏ về thôi...

Tôi là người bạn đồng hành lớn tuổi duy nhất cùng sang Moskva với Phục chuyến ấy, tôi cũng không rõ nguyên do nếp tẻ ra sao. Thành thử nghe gì, thấy gì cứ kể lại để bạn hữu, đồng nghiệp của anh biết cho vui thôi...

Phục lưu lại Moskva chừng hơn tháng.

Nhớ trước hôm ra sân bay về nước đâu đó hai, ba ngày, Phục mở toang cái vali và gọi bạn bè tới:

“Các cậu muốn gửi cho bố mẹ, vợ con phim ảnh, đồng hồ báo thức, sâm nước (những mặt hàng dạo đó về Việt Nam bán chạy, lời lãi khá cao) cứ ném ráo vào đây, tớ sẽ chuyển giùm cho. Nhưng làm chứng giúp tớ một điều: Tớ sang Nga và quay về ngay như thế này không phải để đánh quả đâu nhé!”

Ngược thời gian, cách đó chừng ba tuần, tôi theo Phục lên Sứ quán Việt Nam tại Liên Xô. Một gã quan chức mặt bự thịt, mắt ti hí gian giảo vừa nhìn thấy Phục đã cao giọng phủ đầu: “Anh thừa biết, bao nhiêu người mơ ước mà không được sang đây. Còn Nhà nước bỏ tiền mua vé máy bay, chi tiền cho anh ăn học ở đây 5 năm nữa, bỗng dưng anh nằng nặc đòi về lại Việt Nam nà nà, nàm sao? Anh dám phung phí từng ấy tiền bạc của Nhà nước a?”.

Gã quan chức “Sứ” thao thao, hùng hổ đến tóat cả mồ hôi trán. Phục im lặng, cười cười. Chờ cho gã kia đã thấm mệt, Phục hỏi: “Thưa, ông đã nói hết chưa? “. Gã kia chán: “Hết rồi !”. Phục: “Bây giờ tôi xin phép được hỏi lại ông. Đúng là Nhà nước đã tốn từng ấy tiền mua vé máy bay cho tôi. Nhưng sang tới đây tôi tự thấy mình sẽ không học tiếp nổi. Vậy xin hỏi ông, Nhà nước có nên tiếp tục tốn tiền để cho một thằng như tôi ở lại đây thêm 5 năm nữa, hay nên cho tôi về nước để giảm bớt chi phí ăn học của tôi 5 năm tới?”. Lẽ đương nhiên quan “Sứ” đuối lý đành ký xọet vào tờ đơn để Phục “hồi hương”!

Trước khi kể tiếp chuyện du ký ngắn ngày của Phục tại nước Nga, người kể chuyện xin được lược ghi tiểu sử trích ngang sáng tác của Phục – tính đến thời điểm đó.

Bạn văn chương cùng lứa tuổi chúng tôi hẳn còn nhớ, khỏang những năm 1966, 1967, 1968 những truyện ngắn của Đỗ Chu hầu như thống lĩnh văn đàn văn xuôi của những cây bút trẻ mới xuất hiện những năm đầu chiến tranh chống Mỹ. Bất ngờ, trên tạp chí “Văn nghệ quân đội” xuất hiện truyện ngắn “Hoa cúc biển”  và ngay sau đó là “Ngã ba Vô Tình” của Phục. Vẫn là chất trong sáng, nhân hậu, đầy chất thơ như văn chương của Đỗ Chu, mà khác hẳn Đỗ Chu, mà tài năng ngang ngửa Đỗ Chu. Một cú mở đầu ngọan mục khiến thiên hạ lao xao ngơ ngác. Và Phục nhanh chóng gia nhập hàng ngũ cùng những Thi Hòang, Hòang Hưng, Vũ Quần Phương, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt… Rồi Phục lên đường vào Chiến trường Khu V để không bao lâu sau có ngay trường ca “Ăn cốm giữa sân”, kịch “Vườn thày Năm”. Vào năm 1977, 1978, anh có kịch bản văn học “Thành phố không bị chiếm” (Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới – Hội Nhà văn đã in vở kịch này thành sách), đạo diễn Phạm Kỳ Nam dựng thành một bộ phim truyện nhựa dài 9 cuốn với tên mới “Tự thú trước bình minh”. Từ chiến tranh bước ra, 30 tuổi, gia tài văn chương như vậy đâu có phải là mỏng?

Chín tháng học tiếng Nga ở Thanh Xuân, Phục vui vẻ, hào hứng. Và thấy rõ, Phục cũng hào hứng với chuyến ra nước ngòai lần đầu. Sau tháng 4 năm 1975, Phục lang thang ở Sài gòn, vùi đầu đọc đủ các lọai sách, tiếp xúc với đủ lọai người, làm quen và hưởng thụ nền văn minh Akai, Honda chừng hai năm. Anh tỏ ra “sành điệu” để “ tân trang” cho tôi nào giày mũi quả táo, quần ống loe , áo chim cò thắt ngang lưng... những mốt thời thượng thuở ấy của Sài gòn. Nhưng tôi đoan chắc rằng, Phục vẫn rất yêu, thậm chí sủng mộ Liên xô và nền văn hóa Nga và Xô viết, như tất cả anh em thế hệ tôi. Chả thế mà, khi con trai tôi chào đời, nhờ Phục đặt tên giúp, anh đặt tên cháu là Tô Đòai Minh. Phục giải thích cho vợ chồng tôi hiểu “Đòai Minh tức Phương Tây sáng”. Cái Phương Tây ấy, ở thời điểm ấy, tôi đoan chắc đối với Phục tuyệt nhiên không phải, chưa phải là Pháp, là Nhật, là Mỹ như sự ngưỡng mộ của các bạn trẻ bây giờ.

Vậy sao Phục lưu lại ở Moskva chỉ hơn một tháng và nằng nặc đòi về?

2- Máy bay rời sân bay Nội Bài (hồi đó những bác thợ cày quanh vùng vẫn có thể ngang nhiên khóac áo tơi lá, thung thăng dắt trâu cắt qua đường băng) vào một chiều mùa hè mây giăng mù mịt, mưa rơi tầm tã. Mù mịt, tầm tã như thế qua đất Lào, Myanma . Và máy bay hạ thấp độ cao, nghỉ tiếp dầu ở hai sân bay Canquýt ta (Ấn Độ), Carachi (Pakistan). Vào tới phòng đợi sân bay là chìm ngập trong những quầy hàng đủ lọai quần Jeal, áo Pul, rượu mạnh; là lần đầu nhìn thấy tivi mầu với các chương trình quảng cáo của Nhật, của Mỹ. Cái gì cũng mới, cũng lạ đến hoa cả mắt, chóng cả mặt. Phục tỏ ra sành sỏi gỉai thích cho chúng tôi mọi thứ. Thiếp ngủ chừng 7, 8 tiếng đồng hồ nữa, 3 giờ sáng xe chở chúng tôi vào thành phố Moskva. Ấn tượng đầu tiên- thành phố chỉ một màu điện đỏ vừa đủ soi tầm nhìn (sau này chúng tôi biết rằng, người Nga không khuyến khích vui chơi về đêm, cần ngủ sớm để tái sản xuất sức lao động, vì thế khỏang 9, 10 giờ tối nhà máy đèn được lệnh giảm công xuất). Tuyệt nhiên không hề có những tấm biển nhấp nháy đèn đủ màu để quảng cáo hàng. Thỉnh thỏang lướt qua cửa xe là những khẩu hiệu thắp bằng bóng điện to đùng: “Liên Xô -trụ cột hòa bình”, “Vinh quang thay Đảng cộng sản Liên Xô ”, “ Nguyên tử dùng vào mục đích hòa bình”, “Lao động là vinh quang”… Chỉ những tấm biển khẩu hiệu ấy, Phục nói bên tai tôi: “Y hệt bên nước mình!”

Chúng tôi phải theo học 9 tháng tiếng Nga nữa tại Khoa dự bị, Đại học Lomonosov. Người ta giải thích, học nghề đạo diễn, tiếng Nga phải giỏi cả nghe lẫn nói. Đã học một năm tiếng Nga tại Trường Ngọai ngữ Thanh Xuân, Hà Nội. Lại thêm một năm ngọai ngữ nữa. Sau chiến tranh Phục đang ấp ủ bao nhiêu dự định cho tiểu thuyết, trường ca, kịch bản điện ảnh và sân khấu (như ta biết, sau khi ở Nga về, Phục lần lượt cho ra đời bộ ba tiểu thuyết “Học phí trả bằng máu”, “Đầu sóng”, “Thành phố đứng trước biển” và hàng chục vở kịch sân khấu…). Phải chăng, đây là lý do để Phục đòi trở về nước?

Phục theo học khóa tiếng Nga buổi đực buổi cái. Không cặp, không túi, cuốn vở tập nhét túi quần. Thời gian còn lại thường ngồi cà phê hút thuốc, đăm chiêu. Hoặc ra rạp xem phim để về riễu cợt, chê bai các phim công thức, giáo huấn của Điện ảnh Xô viết. Ở lớp dự bị tiếng, dù học để tăng cường khả năng nghe và nói tiếng Nga nhưng cũng đủ các môn như địa lý, lịch sử, văn chương, chính trị. Giáo trình phát cho sinh viên, Phục lật xem rất nhanh và phát hiện cũng rất nhanh: “Địa lý, sử sách, văn chương ráo trọi đều nói về người Nga, nước Nga thôi. Không một dòng nào đả động đến văn hóa văn minh thế giới cả. Thế nghĩa là làm sao?” - Phục lưu ý chúng tôi. Ở Moskva đâu đó chừng ba tuần, Phục mua một tấm bản đồ thành phố Moskva về mở rộng trước mặt chúng tôi để có thêm một phát hiện nữa: “Người Nga tự hào coi Moskva là trung tâm văn hóa của nhân lọai. Các cậu xem này, đến ông Paven Coorsaghin, bà Doia Cosmedienskaia còn được đặt tên cho đường phố. Thế mà đố tìm ra một bức tượng, một dãy phố nào mang tên Xervangtet, Xechspia, Dicken, Huygo hay ông bà Quyri?”.

Nhưng điều khiến Phục buồn bã, nghĩ ngợi nhiều hơn cả có lẽ là tình trạng “cứu đói khẩn cấp”- như mấy chữ Phục thích dùng dạo đó, của lưu học sinh, nghiên cứu sinh người mình ở Moskva. Sáng lên lớp, trưa ăn nguội ở búyphê, ngay sau đó túi nải khóac vai, như một đàn kiến tha mồi, chúng tôi đã vội vã sục sạo các ngõ ngách Moskva để lùng hàng; hoặc tới các khách sạn có người quen từ Việt Nam sang để bán hộ hàng kiếm chút lời, hoặc nhờ vả để gửi hàng về cho người thân trong nước. Còn phải 3,4 năm nữa người Việt lao động xuất khẩu mới sang bên này, nhưng việc mua bán, nhận hàng sang gửi hàng về nhà đã trở nên họat động sôi sục, năng động và thiết thực nhất của sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam. Bởi một lẽ đơn giản: gửi về được tới Việt nam cứ 5 cuốn phim “Svetma” Nga bán đi đã bằng một tháng lương, một chiếc bàn là Nga bằng 4, 5 tháng lương của cha mẹ, vợ con mình. Mà ở quê hương thì đang đói, đang thiếu đủ mọi thứ. Từ mảnh vải hoa, chiếc soong nhôm, cái phích đựng nước đến sợi mayso, cái kim khâu, cục xà phòng đen, nắm bùi nhùi bằng thép để cọ bựa cơm trong nồi… Cái gì gửi được về Việt Nam cũng đều có giá, đều được cha mẹ, vợ con viết thư sang tỏ ý hỉ hả, mừng rỡ, coi người chồng, đứa con như một người anh hùng, một bậc cứu tinh. Những chàng lính, những cô thanh niên xung phong chúng tôi, thóat chết vì chiến tranh, vội vã lấy vợ lấy chồng, vội vã sinh con để nối nghiệp tổ tông, phải lao vào cuộc mưu sinh này còn là điều hợp lẽ. Đám trẻ hơn, mới 16, 17 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông, sang đến đây cũng đã biết bó mồm bó miệng, dành dụm từng đồng rúp học bổng để mua hàng Nga gửi về trợ giúp cha mẹ nuôi đàn em nhỏ. Mua chân gà, cẳng heo (những thứ ở cửa hàng bán từng ký người Nga mua về cho chó ăn) để nấu và đưa ra ngòai cửa sổ giá rét thành thịt đông ăn dần cả tuần với bắp cải luộc. Thay nhau nghỉ ở nhà, rắc gạo rủ chim bồ câu vào phòng, bắt chim để hầm để ninh, để bớt tiền mua thịt thà, bơ sữa. Chứng kiến các em các cháu như đàn kiến tụ vào, tỏa ra ở các cửa hàng cửa hiệu để kiếm một lọai kháng sinh, chiếc đồng hồ báo thức gửi về cho cha mẹ, nghĩ mà tội nghiệp. Đàn chú, đàn anh đã không biết tới tuổi thanh xuân vì bị cuốn vào cuộc chiến; chả lẽ đến lượt các em, các cháu cũng không được sống đúng tuổi hồn nhiên, vô tư của chúng vì miếng cơm manh áo sao đây? Loắt choắt, bé như viên kẹo cũng len lỏi, chen lấn giữa các bà phụ nữ Nga bụng to như cái thúng cái để giành giật mua cho được mươi mét vải láng đen, dăm ba chục mét vải màn. Giữa mùa đông giá rét, các em các cháu tóat mồ hôi, lôi kéo, khênh vác hàng chục thùng gỗ nặng chịch khỏi cửa hàng. Hỏi ra, mỗi thùng chứa khỏang 50 cục xà phòng đen..

Phục không đi “đánh hàng” nhưng dù ngồi ở ký túc xá, tối tối Phục vẫn phải chứng kiến cái không khí hỉ hả, mãn nguyện hoặc than van, ủ dột vì bị làm nhục sau một buổi chiều đi “đánh quả” trở về của đám đồng hương lớn bé. Những lúc như thế, anh thường im lặng, hít hết điếu thuốc này tới điếu thuốc khác và dù râu tóc chưa bạc phếch như bây giờ, nhưng tôi nhớ như in gương mặt anh nhăn nhúm, méo mó y như một quả táo khô. Nhớ một lần, sang chơi bên Nhạc viện Chaikovsky về, Phục bỏ cơm, chăn trùm kím đầu, tôi đã ngỡ anh bị cảm lạnh. Nằm lâu lắm, Phục hất chăn ra. nhỏ giọng nói với tôi: “Thằng K, thằng H bên ấy hôm nay nói thẳng vào mặt mình: Học hành, nghiên cứu làm gì. Hãy vứt ráo sách vở vào sọt rác mà đi buôn thôi! Đã tới thời buổi thằng nào nhiều tiền, thằng ấy là thống sóai! Có tiền thì bằng cấp, chức tước, tiếng tăm, thậm chí đến quyền lực cũng mua được tất. Có đúng là đã xuất hiện thời buổi ấy rồi không, ông?”.

Có thể vì bức tranh ảm đạm của người Việt ở Moskva như vậy mà Phục nằng nặc xin về nước?…

3- Trở về với chuyện “Tại sao họ lại giống mình thế ?”. (Sau này, khi tâm sự với một anh bạn Nga, anh ta sửng sốt hỏi lại chúng tôi: “Tại sao chúng tao giống chúng mày a? Phải ngược lại chứ! Chúng mày giống chúng tao mới phải. Thi hào Pushkin chẳng từng nói: Tất cả đều từ ống tay áo này mà bay ra là gì?).

Phục tìm đâu được quyển Điều lệ của Đòan Comxomon (Đòan Thanh niên Cộng sản) Liên Xô quăng cho chúng tôi. “Đọc ngay phần mở đầu thôi! Có phải trong ấy ghi Đòan thanh niên là cánh tay, đội hậu bị của Đảng không? Chả lẽ các bậc tiền bối của chúng ta chỉ là những người dịch tồi thôi à?”.

Thời gian đầu, sinh viên Việt Nam Khoa dự bị tiếng Nga được bố trí ở tầng 3, tầng 4. Ít lâu sau bị dồn hết lên tầng 8- tầng cao nhất, cùng với sinh viên các nước châu Phi. Lý do đơn giản, vì sinh viên Việt hay mang nước mắm đi lại trong tháng máy, hay nướng chân gà, chân giò heo trong khu bếp chung - những mùi vị mà người Tây rất dị ứng. Ở đầu thang gác lối xuống tầng dưới có treo một tấm pano dán ngay ngắn chừng trên 20 tấm bưu ảnh về đời sống và họat động cách mạng của ông Lê Nin. Một buổi sáng, trên tấm pano ấy có ai bóc lấy đi 4 tấm. Những ô trống quả là nom như những con mắt mù. Buổi chiều, ông phụ trách người nước ngòai -một sỹ quan Hồng quân cấp tá thời chiến tranh - bỗng triệu tập tất cả sinh viên Việt Nam trong một cuộc họp. (Tôi xin nói ngay, tất cả những cựu sỹ quan Liên Xô đã từng tham gia Chiến tranh cứu nước năm 1941-1945 như ông phụ trách chúng tôi và những người chúng tôi có dịp làm quen sau này, đều rất nhân hậu, rất thương yêu, tôn trọng sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam nói chung, cánh lính chúng tôi nói riêng. Đối với đám sinh viên là lính chúng tôi, điều đầu tiên các cựu binh Nga thường quan tâm là, vấn đề tiếp tục việc học hành và giải quyết công ăn việc làm cho các quân nhân Việt Nam sau chiến tranh ra sao? Bởi theo họ, đây từng là vấn đề đeo đẳng lâu dài và làm đau đầu xã hội Xô viết nhất hàng chục năm sau khi chiến tranh kết thúc). Tôi còn nhớ rõ, sau khi ông già cựu binh người Nga phụ trách Khoa dự bị tiếng giải thích lý do triệu tập cuộc gặp mặt, Phục là người giơ tay đầu tiên cật vấn, đại ý: Tại sao ở đầu bên kia tầng 8 có rất đông sinh viên châu Phi mà mất mấy tấm bưu ảnh Lê Nin, ông lại triệu tập riêng sinh viên Việt Nam? Đợi Phục nói dứt, ông già Nga mỉm cười hiền lành trả lời: “Nếu các sinh viên châu Phi mà yêu ông Lênin đến như vậy, chúng tôi thật mừng! Các bạn Việt Nam cứ bình tĩnh góp ý với nhau, làm như thế là không văn hóa đâu!”. Hôm sau, họp riêng Việt Nam, chúng tôi tìm ngay ra, thủ phạm là một em sinh viên quê Nghệ An đã bóc bốn bức bưu thiếp Lênin để gửi về quê cho cha mẹ. Còn lý do à? Đơn giản lắm. Để bớt được vài chục xu mua 4 tấm bưu ảnh - số tiền ấy có thể mua 2 cái bắp cải. Tối ấy Phục lục xục trong chăn mãi không ngủ, khói thuốc lá phun kín căn phòng, anh cười nói với chúng tôi: “Cái anh vô sản ViệtNam yêu lãnh tụ Lê Nin quả là theo đúng cách Việt nam!”.

Một chuyện khác. Gần ký túc xá của chúng tôi có một khuôn viên nhỏ trồng cỏ xanh, xây mấy chòi ngồi nghỉ, mấy cái đu bập bềnh giành cho bọn trẻ nhỏ. Những buổi chiều tôi không đi dạo phố xá lùng hàng, Phục thường rủ tôi ra đấy ngồi. Ở nơi này chúng tôi đã kết bạn với một ông già, cựu binh Nga. Ông già Nga thường ra đây chơi với cậu cháu nội, tên Xêriogia, bẩy tuổi. Cậu bé ưa trò sưu tầm tem. Một lần, nhận thư vợ từ Hà Nội gửi sang, tôi bóc khéo con tem vẽ anh bộ đội Việt Nam, tay cầm khẩu AK đứng dưới lá cờ Tổ quốc mang tặng Xêriogia. Dĩ nhiên chú bé Nga rất thích con tem này. Ngắm nghía con tem một lúc, chú bé Nga thản nhiên nói với ông nội và hai đứa tôi: “Người là của các ông. Vũ khí là của chúng tôi!”. Tôi và Phục thật bất ngờ. Ông cựu sỹ quan Hồng quân lúng túng, ngượng ngùng hồi lâu, mãi một lúc sau mới nói được: “Tôi xin lỗi hai anh. Ông bà nội ngọai nó, bố mẹ nó không bao giờ dạy nó như vậy cả. Nhưng còn ở nhà trường và xã hội…”. Trên đường trở về ký túc, Phục ngúc ngắc đầu rên rẩm: “Thật không thể nào hiểu nổi! Thật không thể nào …”.

Câu chuyện kể về Phục hình như đã quá dài. Trước khi kể nốt hai mẩu chuyện cuối, nên chăng lặp lại điều đã nói. Phục hiểu sâu sắc và đánh giá rất cao nền văn hóa Nga của Pushkin, Lev Tolstoi, Repin, Levitan, Turgenev, Chekhov…Anh nhiều lần nói với tôi: Văn học hiện sinh Tây Âu được khởi nguồn bởi chính ông già điên họ Đốt. Với chế độ Xô viết cũng thế. Phục nói, nuớc Nga hồi cuối thế kỷ 19 thường bị phương Tây coi thường như xứ sở của những gã nghiện rượu, suốt mùa đông ngủ li bì trên lò sưởi đắp đất. Công lao ông Lênin là ở chỗ, ông ta đã quất roi vào đít những gã mudic lúc nào cũng say bí tỉ ấy, ép họ tới làm việc ở các công trường cộng sản. Do vậy nước Nga vượt qua được đói nghèo của những năm Tân kinh tế, thực hiện điện khí hóa tòan quốc để rồi lập nên hai kỳ tích Mỹ, Anh, Pháp phải cúi đầu bái phục: đánh thắng bọn phát xít Đức và phóng ông Gagarin lên vũ trụ. Vốn tính nhậy cảm kết hợp với một bộ óc thông minh, cặp mắt quan sát nhanh nhậy hiếm có, Phục dị ứng rất nhanh với cái đơn điệu, tẻ nhạt, với thứ trì trệ, ngưng đọng, với bệnh công thức, giáo điều của xã hội Nga - những gì mà sau này trong thời kỳ Đổi mới chính người Nga đã lên án gay gắt. Phục từng áp tải xàlan chở gạo, đường, mì chính từ cảng Hải Phòng ra vào tiếp tế cho các tỉnh phía nam khu IV cũ trong những năm máy bay phản lực, hạm tầu Mỹ phong tỏa gắt gao vùng biển miền Bắc. Anh từng theo du kích Gia rai, Edê ra phục kích xe giặc trên đỉnh đèo Măng Giang, từng đạt kỷ lục vác bao gạo nặng nhất từ các làng ven biển miền Trung, len lỏi qua các đồn bốt, các chốt phục kích của bọn Mỹ lên chiến khu để cứu đói cho đồng chí dồng đội. Phục không từ nan hiểm nguy, gắn bó từng vui buồn, âu lo với cuộc sống của bà con dân thường, bộ đội, du kích ở những vùng chiến sự ác liệt nhất. Không hút sách, không trai gái chơi bời, không thu vén bất cứ thứ tài sản gì cho bản thân khi sống ở các đô thị miền Nam sau ngày giải phóng. Giống như tất cả anh chị em cùng thế hệ mình, trong kiệt cùng những chịu đựng, những cố gắng và sự tự hòan thiện mình như thế chỉ để mong được kết bện máu thịt với xứ sở của mình, dân tộc mình, để hiểu ra rằng nhân dân là khái niệm có thật chứ không phải là những bích trương, những tem mác lòe lọet ai đó cố tình trương ra nhắm che đậy những mục đích vụ lợi bẩn thỉu. Sang Nga, Phục quá sửng sốt khi nhận ra người mình sao chép vội vã, không chọn lọc, chưa kịp tiêu hóa những mô hình của Nga; dù quê hương còn lạc hậu, đói nghèo anh phản ứng quyết liệt thái độ kể công hoặc ban ơn của siêu cường; anh không co rúm người, khiếp hãi trước những gì của thế giới văn minh, hiện đại; sau hết anh đau đáu xót xa, phập phồng dõi theo thân phận dật dờ, truân chiên của đồng bao mình chưa kịp hồi phục sau cuộc chiến này đã phải bước vào một cuộc chiến khác…

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm