TIN TỨC

Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
204 lượt xem

Trương Văn Dân    

Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.

Gia đình là một tế bào rất quan trọng. Xã hội có nhiễu nhương, văn hoá có thể xuống cấp, mọi thứ có thể đổi thay nhưng giá trị tình cảm trong gia đình thì không thể thay đổi. Chính sự yêu thương và đoàn kết của các thành viên mới là thành trì chống lại sóng gió bên ngoài. Chỉ khi đó mái ấm mới là nơi bình yên vì luôn dang tay che chở, là nơi ta tìm về khi mệt nhoài trên con đường đời đầy rẫy chông gai.

Gia đình giống như một vũ trụ thu nhỏ, nơi chúng ta học cách trở thành thành viên của xã hội lớn. Tất nhiên không có gia đình hoàn hảo, không có cha mẹ anh em hoàn hảo và cũng không có xã hội  hoàn toàn tốt đẹp mà nhiều khi cũng có những va chạm, có những tổn thương và xáo trộn.

Xung đột có khi ở mức độ rất lớn và để lại những vết sẹo rất sâu. Vì thâm tình càng sâu thì khổ đau càng lớn.

Khi cuộc sống an vui thì mọi thứ bình thường và những khác biệt không dễ thấy. Nhưng gặp lúc khó khăn hay phân chia quyền lợi thì khi ấy mới biết ai mới là anh em, ai là đối thủ hay kẻ bàng quan như khách qua đường.

Người đời thường tranh nhau vì tiền bạc chứ mấy ai hiểu là chúng ta chỉ thực sự hạnh phúc khi mạnh khỏe và được chia sẻ yêu thương.

Các thứ khác chỉ là phù phiếm.

Hiện nay ở các nước phương Tây (mà Việt Nam cũng  không khác mấy) người ta thống kê là 60% các cuộc hôn nhân chỉ sau vài năm đều kết thúc bằng ly thân. Và cái tỷ lệ phần trăm đó không ngừng tăng. Lý do phần lớn do các mâu thuẫn về quan điểm sống, thiếu cảm thông chia sẻ hoặc nóng giận rồi chủ quan buộc tội nhau bằng lý lẽ sai sự thật. Tất cả điều này cho thấy sự thiếu vắng trao đổi, lòng khoan dung cho bản thân và người thân.

Những tác động của đời sống công nghiệp, sự hối hả, tất bật, thiếu bữa cơm chung  trong gia đình, người gìn giữ giềng mối gia đình đã không còn hay vai trò đã mờ nhạt... cùng với  những thay đổi về các giá trị văn hoá đã ảnh hưởng đến tính cách và hành vi của nhiều người.

Các gia đình ngày xưa có thể sống chung nhiều thế hệ trong cùng một nhà nhưng ngày nay khi đủ sức tự lập con cái thường ra ở riêng để có cuộc sống tự do. Gia đình có con du học hay sinh sống ở nước ngoài, thì quan hệ tình cảm càng ngày càng nhạt vì sự xa cách.

  Hai năm Covid.19, nhiều thành viên buộc chung sống như một cộng nghiệp nên có những va chạm thường xuyên về quan điểm, quyền lợi, tiền bạc và những tranh chấp quá đà đã gây nên bi kịch.

Cuộc sống gia đình có thể là thiên đường, cũng có thể là địa ngục.  Tấn kịch trong gia đình có lẽ là tấn kịch đáng kinh sợ nhất trong kiếp sống của loài người.

Ở Ý, một người chồng khi vợ cương quyết ly dị anh đã giết chết hai đứa trẻ sinh đôi 12 tuổi, sau đó tự kết liễu đời mình. Trước đó anh ấy đã gửi email nói với vợ “Cô sẽ không còn bao giờ gặp được các con đâu!”

  Ở Đức tại thành phố Duesseldorf một người phụ nữ vì bất hoà với chồng đã giết chết 5 đứa con rồi sau đó lao mình vào xe lửa tự sát.

Còn ở Hà Tĩnh, do mâu thuẫn về tiền bạc, một phụ nữ bị chồng dùng dao phóng xuyên lưng.

Khi nghe kêu cứu, hàng xóm chạy sang thì thấy bà vợ đang vòng tay ôm con dao. Một người dân đã chở bà đến bệnh viện bằng xe máy trong tình trạng con dao vẫn găm trên cơ thể!

Nhưng không phải chuyện vợ chồng nào cũng phát sinh bi kịch. Một ông chồng 80 tuổi sáng nào cũng mang bữa ăn sáng cho vợ trong viện dưỡng lão. Khi mọi người hỏi thì ông ta trả lời là bà vợ bị chứng Alzheimer.

Vậy bà ấy có biết là ông mang bữa sáng cho bà không?". "Không, bà ấy không nhớ... Thậm chí là từ 5 năm bà còn không biết tôi là ai.”

"Bà không còn nhận ra thế mà ông vẫn cứ mang đồ ăn sao?”

Người đàn ông mỉm cười: “Bà không biết tôi, nhưng tôi biết bà ấy là ai!”

Đó là một tình yêu lớn mà không đòi nhận lại chút gì!

Thử hỏi con người ta phải trải qua biết bao nhiêu bão giông tuổi trẻ, để đổi lấy một cái nắm tay hay âu yếm nhìn nhau lúc về già?

Gần đây, chỉ trong thời gian ngắn 3 vụ việc tàn độc xảy ra trong gia đình  khiến mọi người chấn động. Nơi này, tình nhân của người chồng hành hạ với chủ định giết con riêng của anh ta. Nơi kia, tình nhân của người mẹ đã đóng 9 cái đinh vào đầu đứa con riêng của cô mới 3 tuổi... Ở một nơi khác, một đứa con gái tuổi học trò rắp tâm đầu độc giết chết cha mình chỉ vì bị mắng chửi...

Phải lý giải ra sao về những hiện tượng và tội ác tày trời? Có lẽ "mọi ngôn từ cũng bất lực" và  ngọn bút cũng phải chùng tay.

Trước những vấn nạn này, liệu quan niệm dòng máu, ADN... có còn đứng vững?

 Khoa học tiến bộ, người ta sống thọ hơn nhưng người già bị bỏ rơi càng lúc càng nhiều!

Một căn hộ trong chung cư ở Ba Lan bị rò rỉ nước. Nhiều lần bấm chuông không có ai mở cửa nên có người đã gọi cảnh sát tới phá khóa. Không có ai ở bên trong, trừ một bộ xương khô nằm chết tự nhiên, hơn 5 năm ở trên giường. Đó là cụ bà 80 tuổi, con cháu bỏ rơi. Bà sống đơn độc nên hàng xóm không ai phát hiện sự vắng mặt. Các cơ quan bảo hiểm xã hội vẫn trả lương hưu còn các hóa đơn định kỳ được bà đặt chế độ thanh toán tự động nên không ai để ý chuyện “bất thường”. Bên cạnh sự vô tâm còn có sự thờ ơ của xã hội!

 Còn đây là tâm sự của một bà cụ khác bị ép vào viện dưỡng lão: “Tôi 82 tuổi, 4 đứa con, 11 đứa cháu, 2 đứa chắt và một căn phòng 12 mét vuông.  Tôi có những người dọn dẹp phòng, nấu ăn hay kiểm tra huyết áp và cân nặng... nhưng không có những thứ tôi yêu: tiếng cười của các cháu, được ôm hôn hay nhìn chúng lớn. Có vài cháu đến thăm tôi mỗi 2 tuần; những đứa khác mỗi ba bốn tháng hay có đứa không đến bao giờ.

Trên thực tế có nhiều đứa con tranh cãi về tài sản của cha mẹ chứ mấy ai quan tâm đến việc nuôi dưỡng cha mẹ khi về già hay bệnh tật, lúc họ cần một chút ấm lòng trước khi trở về với cát bụi.

Nếu có quan hệ huyết thống mà không quan tâm giúp đỡ nhau thì ruột thịt cũng chưa hẳn là gia đình, có khi còn đối xử với nhau tàn ác, tệ hơn với người dưng hay thù địch và biến thành tội phạm.

Có lẽ, cuộc đời thật bao hàm nhiều bất trắc, bóng tối và bụi bặm bất ngờ hơn ta tưởng.

 

Tập truyện có tựa chung là Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào, trong đó có cả tình yêu và nước mắt, vì gia đình là nơi êm ấm nhất nhưng nếu thiếu “tình” thì sẽ mang lại cho ta rất nhiều đau khổ. Nhưng Tình yêu không phải là một sản phẩm được đóng gói để sẵn sàng được sử dụng. Nó được giao cho chúng ta chăm sóc, nó cần những nổ lực liên tục để được tái tạo và hồi sinh mỗi ngày.

 Khi tôi nói về cái tựa chung cho tập truyện thì Elena mỉm cười “Ở Ý nhiều năm trước  người ta  thường nói “Hãy đi đến nơi nào trái tim mách bảo” nhưng em thích nói “Sống ở đâu cũng phải mang theo trái tim” hơn. Đây có lẽ là quan niệm sống của người bạn đời bên tôi. Sống vui vẻ và luôn quan tâm đến người khác.

 Sống ở đời, không ai có thể cạn tình cạn nghĩa, nhất là với những người thân. Nếu chúng ta bớt sân si, bớt nghiệt ngã, biết lấy yêu thương và lòng tử tế bao dung mà cư xử với nhau thì mới có thể có một gia đình êm ấm.

Tình nghĩa nhiều khi cũng trói buộc và làm khó dễ con người. Nhưng nếu hoàn toàn xoá bỏ, nó sẽ gây cho ta một nỗi day dứt, băn khoăn không thể nào nguôi.

 Milano 1-2022

 Năm covid.19 thứ hai.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm
Nợ sách đèn
Ngày ấy, chúng tôi từ khi đầu tiên mới tập tễnh cặp sách vào lớp 1 bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, thế hệ học trò chúng tôi trải qua khá nhiều kỳ thi qui định. Học trò có thi đỗ mới được lên lớp.
Xem thêm