TIN TỨC
  • Truyện
  • Về quê - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ

Về quê - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
268 lượt xem

LÊ THANH HUỆ

Ông Ban trằn trọc. Không thể nằm mãi, ông bật dậy, sờ soạng bấm công tắc. Ánh sáng đỏ quạch từ ngọn đèn tròn rọi khắp căn phòng hai mét rưỡi dài, một mét rưỡi rộng, chứa đủ bàn ghế, hòm gỗ, tủ cá nhân; tất cả đều nhỏ, thấp tè, tự tay ông đóng lấy bằng ván, gỗ nhặt nhạnh được.

Đồ dùng được thu xếp gọn ghẽ vẫn gây cảm giác chật chội cho ông Ban. Ông bước ra thềm. Ngọn đèn bảo vệ soi bóng ông đổ dài trên thềm nhà. Không chút gió thoảng. Đâu đó vọng lại tiếng sột soạt của chiếc lá vàng lìa cành, tưởng sắp nghe được tiếng lá chạm khẽ vào mặt đất. Một bóng người lẻ loi trên mình một chiếc cub, lướt ào qua. Tiếng máy xa dần rồi tắt hẳn. Tất cả lại chìm vào giấc ngủ mê mệt sau một ngày tất bật.

Thẫn thờ, ông Ban quay vào nhà, xách chiếc ghế bố ra hiên. Chiếc ghế này do ông nhặt nhạnh những thanh gỗ vứt lăn lóc, kỳ cạch cưa, bào, đục; mấy lần tháo lắp, sửa chữa mới thành hình. Sau này, khi thạo việc, ông đóng giúp anh em quen biết hơn chục cái ghế, đẹp, thanh mảnh, bền hơn, nhưng trong thâm tâm, ông vẫn thích “tác phẩm” đầu tay này và giữ nó lại.

Gieo mình xuống ghế, ông Ban nhìn trân trối hàng cây bên đường đang thu mình, nép vào nhau thành bức tường đen. Cảm giác bàng hoàng còn bám lấy ông. Vài tuần nữa, có khi chỉ vài ngày nữa, ông phải từ giã nơi đây. Căn nhà, hàng cây thậm chí nhiều người sẽ thành xa lạ ngay chính nơi ông vẫn chăm chút, lo toan cho nó.

Ông chua chát nhớ lại buổi họp định biên công ty vào sáng nay. Công ty loại ra hơn chục người. Chục con người thì có nghĩa lý gì nếu như ông không nằm trong số đó. Công ty chỉ là nơi trú chân cho ông trong ba năm nữa là cùng. Ba năm so với cả đời người có là bao. Kéo dài ba năm nữa, chắc gì ông đã tìm ra lối thoát. So tuổi và so thời gian công tác, ông Ban thiếu ba năm mới đủ tiêu chuẩn về hưu. Nhưng để ra hội đồng y khoa xét hưởng chế độ mất sức, hoặc ông ráng trình bày hoàn cảnh, sự cống hiến của mình, chắc chắn được xếp vào diện về hưu non. Thành ra chuyện ở, giảm biên chế đối với ông không phải là chuyện quá quan trọng, nhất là trong lúc này, khi ông không còn thiết tha với công ty nữa. Dù vậy, khi nghe đọc đến tên mình, ông vẫn bất bình. Danh sách thông qua, ông bật dậy ngay. Ông chỉ ra những người còn tắc trách trong công việc, thiếu năng lực vẫn được giữ ở lại…

- Nói ra không phải để các đồng chí giữ tôi lại làm việc, nhưng để thấy việc xét chưa được công bằng…

Nếu để ông nói nữa, sẽ đụng đến ban giám đốc; vừa bất tiện, hỏng mất ý đồ ban đầu, giám đốc công ty đứng lên, cắt ngang lời ông:

- Chúng ta sẽ giành việc góp ý kiến xây dựng và phê bình lề lối làm việc vào một buổi họp khác. Giờ xin các đồng chí trật tự đi vào vấn đề chính. Để thật dân chủ, chúng ta sẽ biểu quyết. Ai nhất trí với sự sắp xếp của ban chủ nhiệm, công đoàn, chi bộ, đoàn thanh niên vừa đưa ra về định biên công ty, xin giơ tay…

Công ty có năm chục người. Số giảm biên là những người bất mãn với cung cách làm ăn của công ty, hoặc đang xin chuyển, hoặc bung ra ngoài. Họ về họp cốt để nghe xem những quyền lợi mình được hưởng khi rời cơ quan. Còn lại là những người mà bát cơm, manh áo gắn chặt vào đây, thấy không có tên mình trong danh sách, đều thở phào sung sướng. Chủ tịch công đoàn đứng lên đếm:

- Một… hai… ba mươi lăm người tất cả. Quá bán! Thời gian là vàng bạc; nên có thể kết thúc ở đây… Xin phép được thông qua biên bản.

***

Trăng thượng tuần nhô lên vàng rực. Hàng cây giãn nhau ra, đón ánh trăng. Ngày xưa, từ trại cá giống của tỉnh, vào những chiều thứ bảy, ông vẫn đi bộ gần hai chục cây số, xuyên qua các bờ tre, băng qua những cánh đồng về thăm vợ con. Chiều chủ nhật, ông lại cuốc bộ lên cơ quan. Hồi ấy - ông nghĩ - mình khỏe thật, về đến nhà có hôm trăng cuối tháng mới mọc. Cũng vàng rực thế này, nhưng sao ánh trăng hồi đó dịu dàng, rạo rực, tràn trề; còn hôm nay ánh trăng vàng vọt, lạnh lẽo quá. Hồi đó, vào làm công nhân của trại được ba năm, thấy chàng trai mảnh khảnh, hay làm, hiền lành và chịu khó học hỏi, bí thư chi bộ và trại trưởng bàn với nhau cho ông theo học trường trung cấp nông lâm thủy sản trung ương. Tốt nghiệp vào loại trung bình, anh Ban về làm việc ở trại, hưởng lương 45 đồng mỗi tháng. Trại trưởng bàn với bí thư đào tạo anh Ban về lâu về dài. Anh được chọn vào lớp cảm tình Đảng, được giao trọng trách giám sát công trình mở rộng 15 héc ta ao nuôi cá, hệ thống bể cho cá trắm đẻ theo kinh nghiệm mới của Trung Quốc và hội trường cùng nhà bếp, nhà ăn, nhà kho xây mới. Thợ đấu Hải Dương nhận đào ao, xây bể, xây két nước, lại nhận cả xây dựng nhà cửa luôn. Họ còn rất trẻ, nước da sạm đen, thứ nước da mới bắt nắng, còn bong vẩy trắng và những lực điền ngoài ba mươi tuổi, nước da màu đồng hun, bắp thịt cuồn cuộn, bóng nhẫy. Anh Ban cảm thấy yên lòng lúc ở giữa những con người làm nhiều, nói với nhau chủ yếu bằng ánh mắt và sự ăn ý tuyệt vời. Thợ cắt đất, ấn kéo, xoay một phần tư vòng, nhấc kéo lên; tảng đất màu vàng, lấm tấm sỏi đỏ thẫm, vuông vắn từ từ ngã vào tay anh thợ móc lò rồi bay lên những tấm vai trần. Tất thảy cứ uyển chuyển, nhẹ nhàng, như múa, như nâng niu cho đến lúc tảng đất rơi bịch xuống bờ ao. Trại trưởng, bí thư chi bộ, áo đại cán bạc phếch, cài cúc chỉnh tề đứng xem cảnh thợ đấu đào đất, tấm tắc khen, hứa sẽ thưởng công xứng đáng. Anh Ban giải thích cặn kẽ, nào là ao cá hương, phải đào sâu hơn mức nước một mét; ao cá đẻ sâu mét rưỡi… Kiến thức lĩnh hội được áp dụng ngay vào thực tiễn, có gì sướng bằng. Bí thư nghe, nhắc nhơ anh Ban gắng tu dưỡng, rèn luyện thêm cho đủ phần “hồng” bên phần “chuyên”…

Bước vào nhà, anh Ban đã thấy anh đội trưởng ngồi trên chiếc chõng tre, đang nhâm nhi chút nước trà vàng nhạt, lóng lánh màu hổ phách trong chiếc chén hạt mít với cụ chủ nhà. Chuyện nổ như ngô rang. Nào trà Thái Nguyên khác trà Phú Thọ ở cái hương, cái vị ra làm sao. Nào cam xứ Đoài khác cam Bố Hạ ở cái vị thế nào… Ra con người đi nhiều, biết nhiều, sành sỏi. Khách đến nhà, quý hóa quá, sao anh Ban thấy gờn gợn. Ngày thường, phơi lưng dưới nắng hè, có bao giờ anh Ban nghe anh đội trưởng nói một lần quá hai câu; với anh, còn có vẻ xa lánh, vậy mà hôm nay chuyện trò rôm rả quá. Hỏi vợ anh Ban biết thêm: Ngoài số trà biếu cụ nhà, anh còn giúp 700 đồng cơ ấy. Ôi chao! Một chiếc xe đạp Phượng Hoàng mới cứng, vành, nan hoa, ghi đông sáng choang chỉ có 450 đồng. Nếu mua xe đạp Thống Nhất hết 350 đồng, mua thêm chiếc đồng hồ Ponzot Liên Xô hết 105 đồng, còn lại đủ mua cái đài orionton, cây bút Kim Tinh vàng chóe và dành lại vài tờ 10 đồng để vào túi áo Popolin cho nổi màu hồng hồng bên cây bút vàng. Chiều thứ bảy, tay đeo đồng hồ, bên hông đài hát oang oang, cưỡi xe đạp về thăm vợ, nhất cả ba xã nhé. Vợ con mát mặt, nở mày: có chồng là cán bộ nhà nước. Không chút suy tính, anh Ban bắt vợ mang trả lại cho khách gói tiền, toàn những tờ mười đồng hồng hồng còn thơm mùi mực mới. Chị Ban chưng hửng, tiếc, uất ức, nước mắt chảy giàn giụa. Thật không thể hiểu nổi chồng mình nữa…

Anh Ban không chịu xác nhận thêm khối lượng cho cánh thợ. Không chịu tính các ao đào sâu 1,5m như nhau… Trại trưởng gợi ý xa gần: Ao sẽ bị lấp dần, gạch xây ai đếm, vôi vữa ai đong, ai mà biết được… Anh em thợ làm lụng vất vả, ta phải có trách nhiệm bồi dưỡng thích đáng… Anh Ban khăng khăng: “Trước sau người ta cũng biết. Anh muốn cứ thanh toán. Có chết tôi cũng không làm vậy được đâu.”

Trại trưởng ngượng, bực tức, không nài thêm. Anh Ban cứ cảm tình Đảng hoài. Để thử thách, anh được giao những việc vất vả nhất: Gánh phân, cho cá ăn, cho trắm đẻ… chiều tối, áo bông, quần dài lội ùm ùm bắt cá mẹ, tiêm não thủy thể. Nửa đêm, gió bắc thổi hun hút, lại quần đùi áo bông lội ùm ùm vớt cá mẹ cho vào bể bầu dục, xả nước chảy, canh cho cá đẻ, vớt trứng qua bể tròn, lại lội vào rung, không cho trứng bám vào lưới, cản dòng nước chảy tròn. Canh như vậy hơn mười ngày, trứng nở, lại canh đủ ba ngày vớt bán. Mệt bã người, râu mọc tua tủa. Ăn cháo cá, dầm nước, đi kiết. Vừa đứng trong bể vừa mặc cho phân, máu nhầy nhụa tuôn ra…

Cực nhọc không làm anh Ban ngại. Anh ngại những chiều thứ bảy cuốc bộ về quê, nghe vợ cằn nhằn. Anh sống tằn tiện. Ngoài tiền ăn đóng nhà bếp, tiền may mỗi năm một bộ quần áo, còn bao nhiêu lương, anh gom về cho vợ. Lỗi tại đồng lương quá thấp. Vậy mà vợ anh đâu có hiểu. Anh nổi nóng, quát tháo và kết thúc bằng tiếng khóc tức tưởi của vợ. Anh ân hận: Một tay vợ nuôi cả ba đứa con.

Miền Nam giải phóng được mấy năm, ông Ban có tên trong danh sách cán bộ tăng cường cho các tỉnh phía Nam. Ông gói trọn đồ đạc vào chiếc ba lô hình chữ nhật, bạch phếch. Chiếc ba lô này theo ông cụ qua chiến dịch Điện Biên, giờ theo ông Ban vào Nam, đến miền đất hứa. Toàn bộ tiền chế độ gom góp thêm tiền vợ, được đúng 750 đồng, mang theo, ông gửi ra cho vợ con, cũng có lý. Hoặc giả, nếu thích xe, ông có thể mua được chiếc hon đa không mới, nhưng còn tốt. Ông mang tiền gửi vào sổ tiết kiệm của ngân hàng. Sau này, khi rút ra, vốn cộng lãi chưa đủ mua chiếc xe đạp xoàng.

Sở nông nghiệp phân công ông Ban về công ty giống cây trồng. Công ty vừa mới thành lập. Ban chủ nhiệm cử ông Ban theo học lớp kế toán của tỉnh. Sau một năm học, tốt nghiệp vào loại trung bình, công ty bố trí ông làm kế toán trưởng. Để tương xứng với trọng trách, ông lại được dự lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng.

***

Tiếng nhạc du dương, ánh đèn nê-on rất sáng, không gây cảm giác chói, trái lại rất dịu. Các bàn rộn rã. Khách đã vào độ hứng khởi, vui vẻ quá mức. Các ly bia hân hoan sủi bọt trắng, trào qua miệng, để lại trong cốc thủy tinh thứ nước vàng lóng lánh. Vỏ bia lăn lóc trên nền gạch bông. Các cô phục vụ rối rít vào ra, cố chạm mông, đùi, ngực vào khách. Ly nào vơi, các cô châm đầy, ly nào đá tan các cô thay ly khác. Ngoài số tiền “boa”, các cô còn hưởng thêm khoản tiền phụ tính theo số lon bia được bật nắp. Số tiền đó được nhà hàng trả ngay sau ngày làm việc. Vật chất làm đòn bẩy cho sự tí tởn của các cô, tí tởn bẫy sự rửng mỡ của khách, khách vừa uống vừa đổ bia ra bàn. Tiền của cơ quan, xài đâu thấy tiếc. Ba bên đều có lợi.

Chủ nhiệm công ty, thư ký công đoàn, ông Ban ngồi xung quanh chiếc bàn tròn, lọt thỏm giữa những bàn khác đang độ bốc đồng.

Chẳng thấy khách đâu. Ông Ban chợt hiểu: Chiều thứ bảy, chủ nhiệm bày trò tiếp khách khống đặng rút tiền công ty nhậu chơi. Khoản này biết chi thế nào đây. Làm vậy riết rồi thành quen: sự thể sẽ đi đến đâu. Tiền bạc Nhà nước, xài riêng cho mình, ai không khoái. Để lại cọc tiền, ông Ban đứng dậy, cáo đau bụng, bệnh kinh niên, còn đeo cho đến hôm nay, về. Trước lúc rời bàn, bứt khỏi sự chèo kéo, ông rụt rè nhắc: Xài ít thôi, còn nộp lại, kẻo lương tháng không đủ trả. Thư ký công đoàn ráng cười, chủ nhiệm công ty không giấu được nét mặt khó chịu trước câu đùa vô duyên của kế toán trưởng; đoạn gọi món khai vị, thùng bia Rook. Ông Ban dắt xe đạp lủi thủi về nhà, vo gạo bắc cơm, thui thủi ăn một mình, lòng nặng trĩu.

***

Chủ nhiệm công ty nói, giọng gay gắt:

- Anh là thủ trưởng hay tôi là thủ trưởng?!

Vốn biết ngày nào đó va chạm sẽ xảy ra, ông Ban đã có ý thức phòng vệ, vậy mà ông vẫn hoảng sợ. Ông lý nhí: “Dạ anh là thủ trưởng”. Chủ nhiệm tiếp:

- Đây không phải là lần đầu tôi bảo anh chi, anh không chi. Tôi chỉ đạo, trong hóa đơn có chữ ký của thủ trưởng, vậy là tôi chịu trách nhiệm chính, sao anh không chịu chi. Lần này anh còn trừ lương của tôi và của anh… Anh xin ý kiến ai mà làm vậy?

Ông Ban đã chia số tiền chi “tiếp khách” hôm đó ra ba phần bằng nhau, ông chịu một phần và trừ vào lương, làm như vậy lương tâm ông bớt cắn rứt. Nhưng đây không phải là chuyện hôm đó; còn bao nhiều lần va vấp trước đây giữa ông với thủ trưởng và các anh em khác. Như con thú bị dồn vào chân tường, buộc phải cắn lại để thoát thân, ông Ban trở nên cứng cỏi:

- Tôi đã nói nhiều với anh: Tôi không thể chi các khoản không đúng nguyên tắc. Khi đứng trước pháp luật, dẫu anh có gánh cho tôi, người ta cũng không chịu. Tôi là kế toán trưởng có học hành, biết chi không hợp lệ, sao vẫn cứ chi. Tôi bảo vệ nguyên tắc trước hết là bảo vệ cho anh và tôi…

Chủ nhiệm ngạc nhiên trước đòn phản công đột ngột, đầy tính quyết liệt. Đuối lý, chủ nhiệm quay sang nói chuyện tình cảm nhằm xoa dịu ông Ban rồi lái vào vấn đề cũ cốt để ông Ban thấy: cuối cùng chẳng ai bị gì cả nếu có sự thống nhất chỉ đạo từ trên xuống… Ông Ban vẫn khăng khăng:

- Đứng trước pháp luật chỉ có lý. Ai hơn lý người đó thoát nạn. Ai thua lý, kẻ đó có tội, dù có lạy chúng nó cũng chẳng tha! Còn cái tình thì miễn. Tôi đâu có ô dù….

Chủ nhiệm công ty lắc đầu. Nhát quá nên dẫu giàu sang phú quí bày ra trước mắt cũng không dám với. Sợ hãi, tôn thờ nguyên tắc, là lẽ sống, là bản chất của ông Ban rồi. Làm sao cưỡi được con ngựa gầy, yếu, nhát quá thành bướng bỉnh đến gàn dở kia...

***

Ông Ban về thăm quê. Số tiền mang vào, giờ chỉ sắm được chiếc xe đạp Hữu Nghị. Đọc thư vợ, nghe tin quê mình có điện, ông Ban mua thêm chiếc quạt Lidico. Ngày ấy, đi giữa Hà Nội, đa số bà con lao động nghèo xài quạt con cóc; ông Ban có thể vui vì ánh kim loại mạ từ chiếc lòng bảo vệ cánh quạt tỏa ra. Tiền dành dụm được, ông mua cái radio cũ kỹ và ít thuốc lá, bánh kẹo làm quà. Đường làng khấp khểnh như xưa. Bồng bềnh, ông Ban đi trong mơ. Vợ con ông vui. Ba năm mới gặp nhau.

Ông soạn các thứ quà cáp. Niềm vui tắt dần trên khuôn mặt bà Ban. Ông đâu biết, xóm giềng với ông có người làm đến chức giám đốc, mỗi lần về quê đều có xe đưa đến tận cổng làng, kèm theo lúc thì ti vi, khi cassette… Mê nhất là cái tủ lạnh, làm ra đá, ra kem, bán cho trẻ con, hái ra tiền. Quạt người ta mang về là quạt Nhật, to đẹp, có đèn… Còn cái này nhỏ, chẳng có gì ngoài mấy cái nút bấm. Buổi trình diễn của ông Ban về cách thức cắm phích vào ổ điện, cách mở quạt mạnh yếu kết thúc trong sự lặng lẽ, thờ ơ của vợ ông. Còn lại mấy đứa trẻ con, vừa khoái, vừa sợ, chỉ chờ ông quay đi để đút tay vào cánh quạt đang quay, rồi bàn: Quạt nhà bên cực đẹp, cái này không bằng…

Về quê, buồn, nghe đài, thơ thẩn dọn dẹp, ông Ban là người duy nhất đủ kiên nhẫn nghe mẹ vợ trò chuyện. Những câu chuyện quẩn quanh trong làng, xưa như xóm bãi ven sông, xưa hơn mái đình rêu mốc, cây đa cằn cỗi, giếng đình đổ nát. Nghe rồi, nghe mãi những câu chuyên không được xếp đặt theo một trật tự nào cả, ông Ban thuộc lòng, chỉ nghe một câu, biết ngay câu tiếp theo.

Hôm nay ông Ban đến nhà đứa cháu gọi vợ ông bằng cô, họ hàng xa đến mấy đời. Thằng bé, con cả gọi ông bà Ban bằng ông bà, chết vì điện giật. Cứ mỗi lần đèn không sáng, cậu bé mang câu liêm chọc chọc mối nối dây kéo vào nhà. Rủi ro, dây đứt, rơi trúng người, giật cậu bé chết cong queo. Lúc người nhà tìm thấy, ngực và bụng cậu bé bị cháy nứt từng mảng thịt khét lẹt. Có ông Ban đến, khề khà chén rượu chia buồn bên đĩa lạc rang, mải đến khuya mới dứt ra được. Về đến nhà, đã nghe tiếng vợ cằn nhằn. Ông Ban phân trần. Lời qua tiếng lại thành to tiếng. Bà Ban nhảy xổ dậy, búi tóc tung ra xõa xượi:

- A! Bà bảo cho mày biết nhé! Chẳng nhẽ chó đói đến nhà người ta không thí cho bát cơm thừa… Vác mõ đi bốn phương chưa đủ, giờ còn vác mõ đến nhà họ hàng nhà bà, làm nhục gái già này hả… Bà nói cho mà biết nhé…

Gắng kiềm chế, chân tay ông Ban run bần bật. Lắp bắp, ông không nói lại được lời nào. Nghe ầm ĩ, hàng xóm tràn qua. Ông Ban được ông chú ruột kéo về nhà. Suốt đêm ông lặng lẽ khóc, cố ghìm tiếng nấc. Ông bàng hoàng, bất lực, nhục nhã…

***

Trên chiếc chõng tre lên nước bóng loáng, tộc trưởng, các cụ ngồi nghiêm trang. Ông Ban cùng vợ ngồi chiếu trải dưới đất. Ông chú ruột hắng giọng tiếp lời cụ tộc trưởng, hỏi:

- À! Tôi hỏi chị, có đúng chị nói với chồng như vậy không?

Bà Ban sợ, mồ hôi vã đầm đìa, đáp lí nhí “Có… thưa… đúng ạ”. Ông chú vẫn tiếp tục:

- Thế chị có biết anh ấy sang bên nhà cháu họ của chị chia buồn không? Có phải vậy là có trách nhiệm với họ hàng bên vợ không?

Bà Ban cúi đầu, không dám nhìn các cụ, đáp lí nhí trong mồm. Ông chú giữ giọng nghiêm trang, chuyển qua mục bắt bẻ:

- À… Anh Ban về đây, trước thăm vợ con, họ hàng sau đến xóm giềng. Anh Ban là cán bộ nhà nước hẳn hoi, sắp có rể nữa. Thế mà chị ví anh ấy không bằng con chó đói, có được không? Làm vậy anh ấy còn mặt mũi nào nhìn thông gia, nhìn con cháu. Là vậy…

Thấy mình bị qui tội, bà Ban liều lĩnh đứng dậy:

- Dạ trình các cụ… Cháu có nói vậy đâu… tại ông nhà cháu, ông ấy hâm hâm… ông ấy đặt điều như vậy… chứ làm gì có.

Không khí căng thẳng, nghiêm trang bị vỡ ra. Các cụ ồn ào, nhấp nhổm. Trưởng họ lên tiếng, giọng đục rè của người có tuổi lại hút nhiều thuốc lào.

- À… vậy là nãy chị nhận, giờ chịu lại chối phắt à… à… trước các cụ, chị còn lá mặt lá trái như vậy thì với anh ấy chị còn nể nang gì nữa… Thôi! Đủ rồi, nhà chị về đi…

***

Đặt ba lô xuống giường, ông Ban lên phòng chủ nhiệm báo cáo: Ông vào sớm 10 ngày. Chủ nhiệm vui vẻ nhận quà: Trà, kẹo, thuốc. Lại tâm sự khá dài dòng. Công ty bây giờ đã chuyển sang  hình thức mới, ban chủ nhiệm gọi là ban giám đốc. Chỉ nhiệm thành giám đốc. Lập phòng tài chính, cấp trên bổ nhiệm kế toán trưởng kiêm trưởng phòng. Thấy ông cẩn thận, làm việc có nguyên tắc, chi bộ, ban giám đốc họp, thống nhất bố trí ông Trưởng phòng tổ chức hành chánh công ty, vừa lên chức lại không phải giảm lương.

Ông Ban nhận lại đống văn bản, giấy tờ. Ông phân loại, sắp xếp, mở sổ lưu… Ông đề nghị mua khóa, sắm đèn bảo vệ, mua chổi, xô… Các phòng trở nên sạch sẽ, ngăn nắp. Ngày ngày ông thu dọn, đốc thúc, phân công trực cơ quan, trực điện thoại… sẵn nghề mộc gia truyền, ông sửa sang lại bàn ghế, cửa ngõ… Giám đốc Sở nông nghiệp thăm công ty, khen lề lối làm việc qui củ. Giám đốc công ty vui, nghĩ mình giỏi dùng người.

Có bàn tay ông Ban thu xếp, mọi việc trở nên phức tạp, khó khăn. Muốn mượn bàn ghế cơ quan đem về dùng, phải vào sổ sách. Lấy ít phân bón, giống má, cũng không ra lọt cổng cơ quan. Ông Ban thường cằn nhằn: “Ruộng thí nghiệm, ruộng nhân giống mà không bón đủ phân thì tác hại của nó còn lớn gấp trăm lần ruộng bà con nông dân thiếu phân bón, vì tác hại từ đây được nhân lên ngàn vạn lần qua hạt giống cung cấp cho các huyện. Sao có người vô lương tâm với nghề nghiệp là vậy mà vẫn cứ tồn tại nhởn nhơ, ngang hàng với người đứng đắn.” Giám đốc công ty còn không qua thoát nổi sự quản lý hành chánh của phòng nữa là ai. Ông Ban phát hiện vụ lấy xăng trộm của cậu tài xế xe con, mấy vụ mất trộm phân bón, giống và các vật tư nông nghiệp quí hiếm của cơ quan… Ông lập biên bản, trình giám đốc công ty giải quyết. Giám đốc hứa sẽ họp hội đồng kỷ luật công ty để xét rồi lờ đi. Trong cuộc họp giao ban, ông Ban nêu lại, giám đốc phân bua:

- Phòng hành chính tổ chức không làm đủ thủ tục -  Đoạn lái cuộc họp qua chuyện khác. Ông Ban không hiểu ý thủ trưởng, tưởng mình bị lật lọng, bị đổ tội, bị phê bình, mất bình tĩnh:

- Các cụ nói: “Miệng quan, trôn trẻ” quả không sai. Anh bảo cần phải xử lý nghiêm khắc. Tôi làm đủ các thủ tục giao cho anh. Giờ anh lại bảo tôi không làm đủ thủ tục, để nó qua đi. Hôm nay lại bảo chỉ nên phê bình rút kinh nghiệm. Mấy “vị” ấy được thế, chửi tôi, công ty còn ra thể thống gì nữa…

Mặt giám đốc công ty tái mét, tay chân run không kém ông Ban. Phó giám đốc đứng lên nhắc nhở ông Ban:
- Phát biểu phải đàng hoàng; đây là cuộc họp, không phải chợ búa, chuyện đâu còn đấy, để ban giám đốc xét sau…

Vốn tính ngay thẳng, ông Ban không biết giám đốc công ty đang cố tập trung quyền lực về tay ổng. Với mỗi vụ việc sai phạm, ông chỉ đạo các phòng ban, đoàn thể họp, phê bình, làm các biên bản, cho có vẻ gắt gao và ầm ĩ. Sau đó, chỉ cần người vi phạm kỷ luật đến nhà ông, khóc lóc, năn nỉ, ông sẽ dừng mọi việc theo kiểu giơ cao, đánh khẽ. Người vi phạm mang ơn ông; những người trong cơ quan dần thấy rõ quyền lực của ông, học bài học vỡ lòng: phò kẻ mạnh, phò ngay chính thủ trưởng cơ quan sẽ được lợi, dễ thành công hơn cả. Nếu ông Ban biết cách nhất nhất ủng hộ ý kiến thủ trưởng, giám đốc sẽ cất nhắc ông. Gì chứ việc “Lãnh đạo” chi bộ kết nạp ông Ban vào Đảng và đề bạt ông làm phó giám đốc phụ trách hành chính, tổ chức là chẳng khó. Ông Ban không phải là người địa phương; hiền lành, nhút nhát và không sâu sắc, bản tính trung thực lại sắp đến tuổi về hưu, đưa làm phó là lý tưởng, đỡ phải đối phó.

***

Ông Ban lại về phép. Lần này ông mang theo 3 kg bột ngọt. Số mì chính này bà Ban gửi cô cháu ruột mua hộ. Thời buổi cung cấp, mì chính bán từng bịch 100 gram, gói trong giấy. Đến nhà, ông Ban tắm gội xong, vợ và con gái đi cấy cũng vừa về tới. Chưa kịp rửa ráy, vợ ông đã hỏi đến số bột ngọt nhờ ông mang về. Ông Ban không vui, mở bọc ni lon đưa cho vợ. Cái Hằng, lớn tướng, giống bố từ cái trán dô đến hai khóe miệng trễ ra bướng bỉnh, chào “Bố ạ”, lủi ngay xuống bếp làm cơm. Bà Ban hý hoáy mở gói, lẩm nhẩm đếm “một… hai… ba… hai tám hai chín”. Bà đếm lại hai lần nữa, vẫn 29 gói, mỗi gói 100 gram, vị chi là hai cân chín, thiếu một lạng. Bà cằn nhằn:

- Đã không nuôi được con, không sắm sửa được gì cho mẹ con tôi thì thôi, có chút mì chính, tôi gửi mua cho con, cũng không đem về đủ…

Ông Ban thấy khó chịu vẫn giữ giọng ôn tồn, thanh minh:

- Có bao nhiêu, tôi mang cả về đấy thôi… Làm gì đến nỗi…

Bà Ban quắc mắt:

- Thì cô Hồng viết ba mươi gói đây này… Là tôi chưa nói có đủ ba cân không nhé… Tôi nói oan cho ông chắc…

Thấy lộn xộn, cái Hằng, con Lý, thằng Chung chạy cả lên nhà trên. Ông Ban ứa nước mắt, lắp bắp:

- Chẳng lẽ vì gói mì chính, tôi thắt cổ chết, để tiếng cho lũ con có thằng bố điên khùng…

Bà Ban xỉa xói:

- Ông thắt cổ ngay đi. Tôi thí cho ông cái áo quan đấy. Ông đừng có mà…

Thằng Chung hăng hái hùa theo mẹ:

- Tiền đâu mà mua áo quan. Để con lấy dây thừng buộc cổ lão, kéo ra ngõ cho đỡ tốn tiền.

Ông Ban đập tay xuống bàn đánh rầm. Máu tuôn ra từ mấy kẽ ngón tay dập. Nước mắt ròng ròng trên khuôn mặt vốn hằn nhiều nếp nhăn nay trở nên méo mó, dễ sợ. Ông vớ chiếc ba lô lép xẹp, quên cả mũ nón, xăm xăm bước ra khỏi nhà. Bốn mẹ con bà Ban dàn hàng ngang trước hiên, nhìn theo, không ai chịu chạy theo níu áo ông lại. Một thoáng bàng hoàng, chính bà Ban cũng không hiểu tại sao lại dẫn đến nông nỗi này. Từ thủa bé, đã có ai dạy bà vòng tay khi thấy mình có lỗi với người khác đâu. Kinh nghiệm cho bà thấy mọi người phải kiềng những người dữ dằn. Vì vậy, khi thấy mình lỡ sai, bà hung hăng, lướt tới hòng đè bẹp tức khắc đối phương. Đó là phương sách sửa sai thành đúng, chuyển bại thành thắng. Và giờ đây, cũng như những lần xô xát khác, bà cảm thấy mình thắng do đó mình đúng. Bà cảm thấy thỏa mãn.

***

Vào đến cơ quan, ông Ban nhận nhiệm vụ mới: bảo vệ vườn cây giữa Đồng Tháp Mười. Đây là khu vực trồng bạch đàn của công ty do hưởng ứng phong trào phủ kín Đồng Tháp Mười của tỉnh, một khu vực không sản xuất giống như chức năng của công ty, mà là kế hoạch B, do công đoàn công ty đảm nhận. Phòng tổ chức hành chính đã có một cán bộ trung cấp tổ chức tiền lương do cơ quan mới nhận phụ trách. Không thấy ông Ban phản ứng gì ngoài vẻ ngao ngán hiện trên nét mặt già nua, hốc hác, giám đốc công ty thở phào trút gánh nặng. Qua mấy năm cùng làm việc, giám đốc công ty phát hiện được đức tính mẫn cán, sợ quyền lực nhưng còn sợ “phép nước” hơn của ông Ban. Ông Ban yêu sự công bằng nhưng không đủ nghị lực đấu tranh với đồng loại để bảo vệ lẽ công bằng. Đó là bản tính nông dân vẫn còn nguyên vẹn ở ông. Môi trường mới, năm tháng vẫn chưa đủ sức thay đổi. Phải chờ qua nhiều đời, nhiều thế hệ sống ở thành thị, trong các công xưởng, bản tính đó mới được cải biến. Ý thức về vai trò cá nhân, sự độc lập tương đối của mình trong đồng loại mới được xác lập. Vì vậy những người như lão ta, nếu được tổ chức lại, đoàn kết lại dưới ngọn cờ, có người chỉ dẫn và thí cho chút quyền lợi chính đáng dù cho mục đích xa vời, hư vô hay trước mắt, họ cũng sẵn sàng đấu tranh. Chỉ cần tay nào phát ngọn cờ chống tiêu cực, đoàn kết được đôi ba vị bất mãn trong công ty, là người cực đoan, ông Ban sẽ là người đi tiên phong ngay. Chi bằng mình đẩy ông lên Đồng Tháp Mười, với cây cỏ, đất, nước, những gì gắn bó máu thịt với bao đời trước, còn gắn chặt trong tiềm thức của ông, sẽ tránh được hậu họa cho mình. Mình cũng không ngờ ổng lại nhận lời dễ dàng như vậy, ngoài sự mong đợi của mình…

Sống ở vườn cây chưa được trọn tuần, ông Ban hối hận vì quá dễ dãi nhận trách nhiệm này. Ông tưởng lên đây, giữa Đồng Tháp Mười, xa cuộc đời đầy bon chen, náo nhiệt, ông sẽ được thanh thản. Nào có phải thế đâu. Con người, ngay từ thủa ở giữa hoang sơ cho đến hôm nay, vẫn giữ thói quen sống giữa bầy đàn. Càng phát triển, con người càng có vẻ xa lánh nhau, thấy đơn côi nhưng thực ra, nhà nước, những tổ chức, nghiệp đoàn… tăng cường sự quan tâm cho những cá nhân khó khăn nhất, giúp đỡ họ một cách đắc lực nhất. So ra, với sự lạc hậu, con người ta buộc phải gần nhau, kết liên lại với nhau để sống; nhưng sự ngu muội, độc các, tàn bạo hoành hành, nên chọn cái nào hơn. Con người thấy cô đơn nhưng họ chưa nếm mùi đơn độc hoàn toàn, đơn độc tuyệt đối nên vẫn kêu ca, mang nhiều ảo tưởng, tự cho mình quá khổ đau.

Ông Ban lao vào việc giăng câu bắt cá, lên liếp trồng thơm, trồng sắn. Ngắm những chồi bạch đàn mới nhú lên màu đỏ tía rực rỡ và trong suốt mà lòng vẫn không tìm được sự thanh thản. Đồng bưng trống trải lồng lộng gió. Nước phèn mặn chát, vàng khè, nấu cơm ăn, vị đắng ngắt, trông xuống đáy kinh, một màu đất trắng bợt, màu phèn lạnh khiến lòng người nôn nao. Đâu là vùng Đồng Tháp Mười giàu tiềm năng, lắm tôm nhiều cá? Mảnh đất này muốn ra lúa, ra thóc, phải lên liếp cao hơn mức nước phèn. Mấy năm đầu tạm trồng thơm, giống cây chịu được phèn, rồi trồng sắn. Nếu tích cực đào kinh mương xả phèn, chục năm sau có thể trồng được cây ăn trái hoặc cấy lúa. Mùa nước nổi, trắng băng; ở với nước. Mùa khô chịu phèn lạnh xì lên. Để đống gạch, qua vài tháng, phèn làm gạch mục bở ra như đất. Muốn làm nhà, phải đắp nền như trái núi con con. Công đắp nền lớn hơn tiền xây cất.

Ông Ban như người sực tỉnh cơn mê. Khát vọng sống bên vợ con, giữa quê hương trỗi dậy. Những cơn mưa đầu mùa ào ào quất xuống mái lều và vách nhà lợp bằng cây tràm làm đầy tràn nỗi sợ hãi trong sự cô đơn. Ông không sợ cướp, không sợ ma quỷ, ông sợ bệnh tình, sợ cơn gió độc, sợ chết một mình không ai biết. Ông sợ cả những thế lực siêu nhiên nào đó giữa mênh mông vắng lặng này.

Ở đây giăng câu bắt cá ăn không hết, ông dành gửi về cho anh em trong công ty mỗi khi có xe chở nước ngọt, gạo, rau quả lên cho ông. Ông thèm người, lại sợ phạm kỷ luật lao động, không hoàn thành nhiệm vụ, không dám theo xe về công ty. Lòng hân hoan, ông cố giữ anh tài xế ở lại ăn với mình bữa cơm. Ông nói nhiều, kể lể nhiều; cảm giác như mình vừa qua cơn bệnh thập tử nhất sinh. Rồi ông sắp sẵn cá khô, củi tràm, cùng lội bộ cả tiếng đồng hồ, khuân ra xe, đoạn dặn nhờ lấy lương gửi vào sổ tiết kiệm giúp. Ở đây không tiêu pha gì, mặc đồ bảo hộ biết bao giờ rách, đồ ăn thức uống có công ty lo, anh em gửi thêm dư xài. Cứ hai tháng ông Ban về công ty một tuần, nói cười thỏa sức, rút tiết kiệm gửi về nhà. Xong, ông lại lủi thủi đón xe lên, lội bộ vào vườn cây. Đồng Tháp Mười vô tư đón ông bằng nắng, gió, bằng hương tràm trộn hương bạch đàn thoảng trong gió và tiếng chim líu lo cất lên từ đâu đó. Đồng Tháp Mười không biết có một ông già đang đếm từng ngày, lo mình không sống được đến ngày về hưu được sum vầy cùng vợ con.

***

Cuối mùa khô, ông Ban bị quây giữa biển lửa. Không còn nghĩ đến việc cứu đồ đạc, ông băng theo lối bờ, ra sông đón ghe thoát khỏi mấy chục mẫu tràm, bạch đàn đang cháy. Dòng lửa như bờm đàn chiến mã tung lên đỏ rực khắp bưng biền. Lá tràm non, lá bạch đàn chứa tinh dầu cháy đã đành, những cây me vàng một màu cằn cỗi, u ám, cực nhục, những cọng bàng rờn màu xanh man dại cũng bỗng chốc hóa thân thành ngọn lửa, dậy lên muôn tiếng nổ lép bép. Khói xám bốc lên che lấp vầng mặt trời tháng tư đỏ rực. Đứng đầu ghe, ông Ban nhìn một góc trời cuồn cuộn khói xám, tàn đen, hoa lửa và vầng mặt trời tỏa thứ ánh sáng màu vàng cam. Hương dầu tràm, dầu bạch đàn nồng nặc, gay gắt quyện lẫn mùi khói. Ông thấy ngao ngán và bất lực. Những người đi cùng ghe lại hết sức bình thản. Cảnh tượng rực rỡ, tang thương và kỳ vĩ đó quá quen thuộc với họ trong những năm gần đây. Những kẻ đi tìm mật ong thường đốt lửa hun tổ ong và đốt luôn cả rừng tràm, bạch đàn mới trồng. Giữa mênh mông bát ngát màu xanh của bàng chen lẫn trong đó những bụi tràm non lúp xúp khoe màu lá non đỏ rực như máu kia trở nên yếu ớt, mong manh trước những bàn tay vụ lợi. Ở đây, con người lương thiện và đơn độc không đủ sức bảo vệ mình, lấy đâu ra sức mạnh để cỏ cây nương tựa.

***

Ông Ban trở thành người bán thất nghiệp: vẫn hưởng đủ lương, không có việc làm. Không có việc làm, đó là hình phạt cao nhất đối với người lao động. Ông xoay sang đóng đồ mộc giúp anh em trong cơ quan. Mãi cũng chán, không yên tâm, ông xin làm tạp vụ, bảo vệ, việc gì cũng được. Nhất nhất, giám đốc công ty đều từ chối:

- Làm thế coi sao tiện. Gắng chờ bố trí cho anh việc đúng khả năng, cống hiến của anh chớ.

Ông Ban tính đến chuyện về hưu non. Còn ba năm nữa, ông sẽ đủ tuổi về hưu. Thôi thì về quê sống với vợ con vậy, còn lối nào cho ông. Nghĩ đến quê hương, lòng ông rộn ràng. Đôi lúc chợt nhớ đến vợ, như bị dội gáo nước lạnh, cảm giác ngán ngẩm, sợ sệt bùng lên trong ông. Cả ba đứa con, không đứa nào muốn gần ông. Đã bao giờ ông sống chung với vợ con gần tháng trời đâu. Tổng cộng những ngày ông sống gần vợ con có đáng là bao. Những lúc khó khăn cần đến vai trò người đàn ông, người chồng, ông đâu có mặt. Hóa ra ông là kẻ xa lạ, vai trò của ông hết sức mờ nhạt ngay chính tại ngôi nhà của mình.

***

Ông Ban xin về phép. Lần này ông mang theo bộ lưới, ít vở ghi chép cách nuôi trồng thủy sản, cái hòm gỗ đẹp nhất trong số đồ đạc ông tự đóng lấy; vài thứ đồ nghề của ông. Ông dặn lòng gắng nhường nhịn vợ con, chuẩn bị cho kế hoạch về hưu non. Ông sẽ kéo lưới, nuôi cá giống, kiếm thêm tiền bù vào khoản trợ cấp mất sức, đủ xài, khỏi ăn bám vợ con, có khi còn có thể giúp thêm đôi chút cho kinh tế gia đình.

Mấy ngày đầu, ông cặm cụi làm vườn. Mỗi khi vợ rầy la con có ý soi móc đến mình, ông gắng nhịn. Bà mẹ vợ bệnh đã lâu, ăn, tiêu tiểu tại chỗ. Mùi khai, thối bốc lên nồng nặc. Bà Ban bận tối mắt ngoài đồng, ngại giặt giũ, không cho mẹ đắp chăn. Ban ngày bà cụ rên hừ hừ. Đêm lại, lạnh cóng, cả bộ xương lập cập gõ vào nhau. Ông Ban ứa nước mắt, tự nhiên thấy tủi thân. Ông nảy ra sáng kiến dùng tấm ni lon đắp lên người cụ sau đó mới phủ chăn lên. Ông chăm sóc mẹ vợ với sự đồng cảm, không có ý nghĩ vụ lợi nào khác. Ông Ban vui vì thấy mình có ích cho gia đình. Bà Ban rảnh rang, đồn sức vào công việc đồng áng nhưng không thấy nét vui trên khuôn mặt nhàu nát luôn cau có của bà. Đôi lúc thoáng bắt gặp nét mặt của vợ, ông Ban rùng mình, gai gai nơi xương sống.

Ở nhà được nửa tháng, ông Toán, anh ruột bà Ban, từ Phú Thọ về thăm. Hai anh em ngồi với nhau trên chiếc chõng tre, quanh đĩa lạc rang, cút rượu làng, bàn chuyện thời sự, chuyện trong Nam, ngoài Bắc. Ông Ban không am tường và cũng chẳng quan tâm đến thế sự, vui miệng, bèn kể những dự định “lớn lao” của mình khi về hưu. Bà Ban ngồi nhai trầu trên chiếc ghế ngựa, ngứa tai, xoi vào:

- Gớm! Báu nhỉ! Đi làm cán bộ nhà nước cả đời chẳng đem về cho nhà đồng xu, cắc bạc nào thì thôi, giờ dẫn xác về đây tính làm này, làm kia. Ông giỏi giang vậy sao hồi trai trẻ không làm đi.

Ông Ban đặt chung rượu xuống, cố ghìm, giọng lạc đi:

- Lương tháng tôi có sáu chục ngàn. Tháng nào tôi cũng ky cóp gửi về nhà. Tôi đâu có vô trách nhiệm với vợ con…

Nghe em ruột nói, ông Toán ngượng chín người; mãi đến lúc này mới bình tĩnh lại được, bèn ngắt lời ông Ban, có ý dàn hòa:

- Tôi thấy chú Ban như vậy là giỏi quá!

Bà Ban phát sùng cay đắng:

- Giỏi quá chứ lị! Cả làng này kháo nhau, bảo ông ấy khôn lắm. Không như người khác đâu, chỉ đem vàng về thôi. Vàng thỏi, vàng cây vàng cục đầy cả hố sau nhà kia kìa.

Chịu hết nổi, ông Ban vẫn cố:

- Tôi đâu có tham ô, ăn cắp được. Thì bà xem: đài, đồng hồ, xe đạp, quạt… những thứ đó do ai mang về nào…

Bà Ban nhảy xổ lên tru tréo:

- A! Những thứ mày mang về, báu lắm hả! Mày mang hết đi! Đừng có bao giờ vác cái mỏ về đây nữa. Tao thí cho mày một tuần cơm đấy… Tao…

Ông Ban chồm lên, tính tát vào mặt vợ. Ông Toán kịp ôm chặt em rể. Chai rượu đổ ra chõng, chảy xuống nền nhà. Những hạt lạc rang bắn tung tóe. Từ buồng trong nghe có tiếng huỵch, tiếng nấc nghẹn. Ông Toán và ông Ban vội buông nhau ra, cùng chạy vào. Bà cụ rơi xuống đất, hộc hộc, tưởng thổ ra huyết. Ông Ban xốc bà cụ lên giường, phủ khăn vuốt ngực cho mẹ vợ. Những giọt nước mắt đục nhờ lăn tròn, vượt qua những nếp da nhăn nheo, chảy vào hai lỗ tai. Ông Ban luống cuống, kéo vạt áo mình thấm nước mắt cho mẹ vợ. Ông Toán đã quay ra ngoài. Tiếng ông Toán quát em ruột, tiếng khóc, tiếng kể lể của bà Ban. Trong sự ồn ào đó, ông Ban nghe loáng thoáng lời dặn của mẹ vợ. Cho đến lúc này, nằm trên chiếc ghế bố, cách xa quê hơn ngàn cây số, ông tưởng như nghe rõ mồn một từng lời chen tiếng thở đứt quãng, tiếng nấc bất lực, dặn ông ráng tích góp để lo lấy thân già. “Đừng về đây nữa… Con không sống nổi với mẹ con chúng đâu… Gắng kiếm chỗ nương thân lúc tuổi già… Đừng bao giờ quay lại cái nhà này nữa…”

***

Đó là những ngày gian khổ và thất vọng nhất. Ông Ban khoác ba lô lên vai. Ông không phải cuốc bộ nữa. Ra đến cổng làng đã có đường ô tô, ông leo lên chiếc xe khách chật cứng. Quãng đường ông lội bộ khi xưa giờ xe chạy có nửa giờ. Ông vào thăm trại. Bạn bè cùng lứa ở trại giờ đã hom hem hết. Điểm lại, kẻ chết bệnh, người chuyển đi, người về hưu, kẻ mất sức… gần hết. Thời gian khắc lên mặt họ nhiều nếp nhăn khắc khổ hơn sự đường bệ. Kiếp người khốn khó biết bao nhưng ai cũng gắng sống. Gặp được nhau, mừng mừng, tủi tủi, ôn lại ngày xưa, sao mà sướng thế, đẹp thế, vô tư thế… Trại trưởng nay là giám đốc Sở Nông nghiệp, có căn nhà xây khang trang cạnh trại, tiếp ông Ban lịch sự và lạnh nhạt. Ông hỏi ông Ban làm đến chức gì. Ông Ban nói: “Làm nhân viên.” Ông hỏi ông Ban sắp về hưu chưa? Ông Ban đáp: “Còn thiếu ba năm công tác.” “Thế thì anh cứ yên trí, tôi sẽ giúp anh cái giấy xác nhận lại số năm công tác để anh có đủ thời gian.”

Ông Ban lắc đầu, cảm ơn lòng tốt. Về hưu làm gì. Về đâu, về với ai. Câu chuyện tới đó coi như kết thúc. Ông Ban thấy khó xử, tự đứng lên.

Ông Ban lên Hà Nội. Mua vé, ông thất thần lên tàu, trong túi chỉ còn có năm ngàn đồng. Suốt ngày đêm ông ngồi nhìn trân trối ra ngoài cửa sổ con tàu. Không đủ tiền ăn, ông chỉ uống nước. Tàu dừng ở một ga lẻ miền Trung; ông mua được mấy tấm mía; lúc mệt lại lôi ra ăn. Cuối hành trình, mệt mỏi ông thiếp đi nhiều. Trong giấc mộng, ông thấy mình chạy giữa một trời lửa đỏ. Những cây tràm non, bạch đàn mới lớn, giơ những cánh tay hồng hồng níu ông lại, cầu cứu ông che chở cho chúng. Ông dùng dằng, lại thấy mình bị đàn chó dại nhe răng trắng nhởn cùng dãi nhớt vây quanh… Lửa! Chó dại và những chồi non đỏ rực như những bàn tay trẻ con đầy vết bỏng! Hành khách tưởng ông bị bệnh tâm thần, thương ông nhịn đói, mời ông đủ thứ, từ quà bánh đến cơm nước. Nhất nhất ông đều cám ơn; ông không thấy đói, chỉ thấy mệt, mệt tưởng sắp đứt hơi và cảm giác trống vắng lạ lùng.

***

Những ngày cuối cùng ở công ty trôi nhanh. Ông Ban dành thời gian thăm bạn bè, bù khú, nhậu nhẹt. Ông thanh toán sòng phẳng công nợ với từng người. Thời gian còn lại, ông dành giúp anh em trong cơ quan làm vài thứ đồ dùng bằng gỗ.

Ông Ban không xin ra giám định y khoa. Ông xin nghỉ việc thanh toán một lần. Cùng với tờ quyết định ông nhận được gần ba trăm triệu đồng. Số tiền đó quá lớn đối với ông. Ông ra bưu điện gửi về cho vợ 250 triệu đồng. Tiền sẽ là sứ giả báo tin ông sắp về nhà và muốn cầu hòa. Số còn lại ông trích ra mua ít quà và vé tàu, còn bao nhiêu ông làm bữa nhậu mời tất thảy anh em trong đơn vị. Ông không lường hết được số khách đến còn đông hơn những buổi liên hoan do công ty tổ chức. Ai cũng muốn ông uống với họ một ly và sau khi rưng rưng cạn ly tiễn biệt, họ dúi vào tay ông phong bì nho nhỏ. Giám đốc công ty phát biểu; nói về sự trung thực, tấm lòng của ông Ban, sự cố gắng của công ty trong việc giải quyết nhanh gọn, thỏa đáng các chế độ cho ông Ban và những anh chị em cùng đợt. Ông nói thêm về quyết định của ban giám đốc công ty, công đoàn tặng riêng ông Ban một truyền hình hiệu Sony 45in, một Laptop hiệu Del và có clip quay buổi liên hoan này cùng số tiền để mua vé máy bay ra Hà Nội. Chủ tịch công đoàn phát biểu, gửi lời thăm gia đình ông Ban, đoạn nói thêm về sự cống hiến của ông Ban, của những người đầu tiên xây dựng nên công ty này. Ông Ban xứng đáng được mọi người kính trọng; món quà nhỏ dù chưa xứng đáng nhưng cũng là tỏ bày tấm lòng của anh chị em cán bộ công nhân viên trong công ty.

Vốn thật thà, ông Ban không biết người ta sẵn sàng phong thánh cho người có thể cản đường tiến thân của mình miễn là họ chết hoặc ra đi. Ông rưng rưng cám ơn và từ chối tất cả. Mắt ông rực lên ánh sáng kỳ lạ, thứ lửa mà chưa ai thấy bao giờ trong mắt ông.

Ông Ban dậy sớm. Đồ đạc, vật dụng ông đã cho hết, chỉ còn chiếc ba lô bạc phếch nằm trơ trọi trên chiếc giường cá nhân của cơ quan. Căn phòng trống rỗng. Ông Ban lặng lẽ xách ba lô ra bến xe. Ông không ngờ người đưa tiễn ông chiếm một góc bến xe. Nhiều chị nước mắt ròng ròng. Họ biết, lần này ông về, đường xa cách trở, không thể nào quay lại được. Nhiều người, từ trong thâm tâm thấy hình như mình có lỗi với ông Ban, mặc cảm tội lỗi hết sức mơ hồ đó khiến họ không an tâm. Ông Ban lặng lẽ từ biệt họ. Hành trang của ông, giống như lúc vào đây, chiếc ba lô lép kẹp, bạc phếch.

Về đến đầu làng, ông Ban biết mẹ vợ mới qua đời. Ông ghé vào quán mua thẻ hương. Chủ quán nói mộ bà cụ nằm ở cuối nghĩa địa, phía đằng tây. Lại nói thêm đám ma to lắm, anh em bà con về đủ, riêng ông Ban, không hiểu vì sao giờ mới về, có khi muộn, nhưng còn hơn không… Ông Ban vội vã quay đi để giấu những giọt nước mắt đang trào ra.

Ông Ban tìm được ngay mộ mẹ vợ đắp sơ sài giữa những ngôi mộ cũ đầy dấu chân trâu, và các bia mộ nghiêng ngả, đầy vết sẹo do trâu cọ sừng. Ở cõi âm chắc còn chật chội hơn trên mặt đất này. Ông Ban thắp hương, chia làm hai, một nửa cắm mộ mẹ vợ, nửa còn lại ông cắm đều cho các mộ xung quanh. Ông ngồi phệt xuống cỏ, nhớ những lời cụ dặn, lòng thêm ngao ngán. Như người trong mộng, bước chân đưa ông về đến ngõ nhà mình. Đến sân, nghe tiếng vợ mắng con: “Đồ ăn hại, chúng mày… chúng mày cũng một phường ăn hại như thằng bố chúng mày…” Ông Ban luống cuống, đụng cái nong phơi bột. Cái nong đổ ụp xuống đất, bột bốc lên trắng xóa, đàn gà chạy tán loạn, kêu quang quác. Bà Ban chạy ra, thấy vậy tru tréo:

- Mắt mũi để đâu?!... Mới dẫn xác về đã báo hại…

Không hiểu sao, ông Ban định hỏi đã nhận được tiền chưa, lại thôi. Vợ ông vẫn không thôi rủa xả. Như kẻ ăn mày, lần đầu tiên ngửa tay xin, bị xua đuổi, ông Ban đứng lặng trước sân, thở dài. Chẳng ai mừng khi ông trở về, cũng chẳng có một lời mời vào nhà. Ông đứng tần ngần một hồi lâu, rồi lặng lẽ, như lúc về, ông quay ra ngõ, bước đi…

Đoàn tàu chạy men chân đồi, qua khúc quanh, kéo còi ầm ĩ, xả hơi nước phì phì. Chừng muốn xí chỗ ngồi, cô bé đứng bên ông Ban hỏi: “Bác xuống ga nào ạ?” Ông Ban giật mình, ngẩng lên, bắt gặp khuôn mặt tròn, đôi mắt cũng tròn, đen, thơ ngây, trấn tĩnh lại:

- Ta không biết phải xuống ga nào. - Ông dửng dưng trả lời.

- Hình như bác chưa đi tuyến này bao giờ. Bác thăm nơi nào, bảo cháu biết, cháu chỉ ga cho bác.

Ông Ban cười buồn:

- Con thật tốt, con gái ta ạ. Nhưng chính ta cũng không biết ta đi đến đâu, ta xuống ga nào!

Hơn tháng sau kể từ ngày ông Ban về quê, công ty giống cây trồng nhận được bức thư gửi cho ông Ban. Sau mấy hôm nằm ở phòng tổ chức hành chính, nó được những người tò mò mở ra xem, thay vì chuyển nó trở lại. Vả chăng bì thư không đề tên họ người gửi, biết trả nó về đâu. Bức thư viết bằng nét chữ xấu, đầy sự hân hoan, tràn trề tình cảm. Cuối thư có dòng tái bút: “Mẹ con đã nhận được đủ hai trăm năm mươi triệu  đồng bố gửi cho. Cả nhà mong bố về thăm.” Sau đó là lời dặn dò sức khỏe, nhờ mua thêm thứ này, thứ kia vì “ngoài ta rất khó kiếm”…

Cả công ty ngạc nhiên. Nhiều người thắc mắc. Nhưng cuộc sống với bao lo toan, tranh chấp, như những đợt sóng ngầm liên tục khoét vào bến bờ quá khứ, cuốn sạch những phân vân kia. Có ai nhớ, họ sẽ nhớ về đức tính trung thực, hay giúp người của ông Ban và mừng ông đang yên hưởng tuổi già nơi quê nhà, giữa gia đình ấm êm và hạnh phúc.

Ở quê, có người nói ông Ban được cơ quan cũ cấp cho căn nhà mới và ông sống ở đó với người vợ bé, rất hạnh phúc.

Lại có người nói gặp ông ở vùng kinh tế mới ở Đắk Lắk; ông lập nghiệp ở đó với một vườn cà phê xanh tốt, sống sung túc.

Lại có người nói ông bệnh chết ở một ga nào đó, trong một lần đi thăm người nào đó, tại một vùng nào đó.

Lại có người nói một anh thương binh thấy ông thật thà, hay lam, hay làm, thương, nhận ông làm bố nuôi, đón ông về và ở cùng gia đình. Ông yên hưởng tuổi già ở đấy.

v...v… và …v...v…

LTH.

Gia đình tác giả lúc nguyên mẫu ông Ban thường ghé thăm - Ảnh Đại tá, nhà báo Trần Đại Ngoạn.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Khúc biệt ly màu tím - Truyện ngắn của Trầm Hương
Có một cái gì đó không giải thích được cho một chuyến đi. Vì công việc, vì được mời mọc, ham vui, vì một sức mạnh vô hình vẫy gọi…
Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm