- Truyện
- Bác sĩ nơi tâm dịch | Truyện ngắn của Vũ Đảm
Bác sĩ nơi tâm dịch | Truyện ngắn của Vũ Đảm
VŨ ĐẢM
Hai giờ đêm, tất cả các Khu trong bệnh viện Dã chiến được trưng dụng từ một chung cư mới xây ở Sài Gòn chìm trong cơn mưa xối xả. Bác sĩ Lê Hải hé mở cửa sổ, gió trời mát lạnh lùa vào phòng khiến anh tỉnh táo hơn. Từ ngày anh và các đồng nghiệp tình nguyện dời quê hương miền Bắc vào Sài Gòn chi viện, cứu chữa cho bệnh nhân Covid 19 đã gần một trăm ngày đêm, lúc nào cũng trong bộ quần áo bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, bủa vây họ là bầu không khí đậm đặc virus, đêm nay anh mới tận hưởng được chút khí trời mát mẻ. Cơn mưa làm hiện về trong anh gương mặt của ba đứa con, khi còn ở nhà, mỗi đêm mưa to, anh đều thức dậy lên phòng hai đứa con lớn để đóng cửa sổ kẻo nước mưa hắt vào; giờ này ở quê chắc chúng đang ngon lành trong giấc ngủ. Anh nhớ vợ, nhớ con da diết, thương bố mẹ già nhiều bệnh tật không có anh chăm sóc, cũng vì tình mẫu tử mà anh đã từ chối chuyển từ bệnh viện huyện miền núi Phú Thọ ra một bệnh trung ương ở Hà Nội còn vợ anh cũng vì chồng con mà chuyển ngược lại từ bệnh viện lớn ở Hà Nội với mức thu nhập rất cao về bệnh viện tỉnh để gần chồng gần con. Bố mẹ giục anh cứ chuyển ra Hà Nội đi, tương lai, sự nghiệp đang còn ở phía trước nhưng mẹ anh bị bệnh xương khớp, bố đã năm lần bị tai biến, lại bị bệnh tiểu đường nặng nên anh không lỡ lòng ra đi. Anh mong sao bệnh dịch nhanh được đẩy lui để còn được về với gia đình.
Bệnh viện Dã chiến với gần ba ngàn bệnh nhân nặng, Khu D4 của anh cũng sáu, bảy chục bệnh nhân mà đội ngũ y, bác sĩ lại rất thiếu nên các nhân viên y tế luôn phải căng sức làm việc ngày đêm, có bác sĩ mệt quá đã ngất lịm đi cũng phải cấp cứu mới tỉnh lại, có điều dưỡng viên dù đã tiêm đủ hai mũi vacxin nhưng vẫn bị nhiễm bệnh. Phòng trực cũng là phòng giao ban trong Khu điều trị bệnh nhân nặng Covid-19 do bác sĩ Lê Hải phụ trách lúc này chỉ còn lại mình anh, tất cả các y, bác sĩ đều đã được đi khám bệnh hoặc thực hiện y lệnh cho bệnh nhân, anh ký nốt một số giấy tờ rồi đứng dậy để đi kiểm tra buồng bệnh nhân. Đêm nào trực cũng thế, ngoài những lúc chỉ đạo hoặc trực tiếp tham gia cấp cứu, điều trị bệnh nhân cùng đồng nghiệp, bác sĩ Lê Hải thường xuyên đi kiểm tra, khi thì giữa đêm, lúc lại gần sáng là những thời điểm nhạy cảm hay xảy ra sai sót. Chỉ cần bác sĩ, điều dưỡng viên sơ sẩy một tí là bệnh nhân đã có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng do bệnh Covid 19 nặng diễn biến rất nhanh.
Cái bỉm bác sĩ Lê Hải đóng hồi chiều đã nặng trĩu, vướng víu khó chịu, anh muốn thay nó nhưng muốn thay bỉm thì gần như đồng nghĩa với việc thay cả bộ đồ bảo hiểm thân thể, ngành y tế đang rất khó khăn, bộ đồ bảo hiểm dành cho các nhân viên y tế phải nhập khẩu, lại đang rất khan hiếm nên mỗi ca trực kéo dài 8 đến 12 tiếng, các kíp trực phải trực suốt 24 giờ liên tục; các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên trừ những trường hợp đặc biệt được thay hai, ba lần còn chỉ được phép thay một lần khi hết ca; kéo khóa ra để đi vệ sinh là phải thay bộ mới nên họ phải đóng bỉm. Lần đầu đóng bỉm, bác sĩ Lê Hải cứ ngỡ như đang đóng bỉm cho những đứa con mới sinh của mình; chỉ khác là, bỉm của trẻ được thay liên tục, còn của anh phải chịu cảnh vướng víu cả ngày, thậm chí cả ngày lẫn đêm khi cấp cứu liên tục cho các bệnh nhân. Mà không chỉ có đồ bảo hiểm, bữa ăn hàng ngày của các y, bác sĩ và nhân viên y tế cũng giống như suất cơm của bệnh nhân, họ ngồi bệt xuống nền nhà để ăn; ăn tranh thủ, ngủ tranh thủ, chỉ có điều trị cho bệnh nhân là phải cẩn trọng, chính xác. Thôi còn hơn năm tiếng nữa là hết ca trực, chịu khó vậy, bác sĩ Lê Hải tự động viên mình.
Bác sĩ Lê Hải đi từ tầng hai lên tầng năm, các buồng bệnh đều ổn, bác sĩ Lê Hải hài lòng, nhiều bệnh nhận nặng phải thở EMO- tim phổi nhân tạo cũng đang dần được cải thiện theo xu hướng tốt lên; năm ngày nay không có bệnh nhân nào tử vong do anh mạnh dạn thay đổi, bổ sung vào phác đồ điều trị cũ, và đã xảy ra cuộc tranh luận kịch liệt về chuyên môn, một số bác sĩ đề nghị cứ điều trị theo phác đồ có sẵn còn bác sĩ Lê Hải thì đưa ra bằng chứng về cơ chế bệnh sinh đã được thế giới mổ tử thi cho thấy rằng bệnh nhân chết đều do tổn thương phổi vì tắc mạch nuôi, khi nhiễm khuẩn sẽ làm tăng bão Cytokin hay còn gọi là hội chứng viêm toàn thân cấp tính vì vậy cần phải có sự thay đổi, bổ sung cần thiết phác đồ điệu trị cho bệnh nhân. Bác sĩ Lê Hải báo cáo lên giám đốc Việt Chung, trình bày cơ sở khoa học của mình và được giám đốc đồng ý điều trị theo phác đồ thay đổi của anh nhờ thế mà tỷ lệ bệnh nhân nặng tử vong nhanh chóng giảm và cuối cùng đề xuất của anh đã được bệnh viện chấp nhận, áp dụng cho các khu khác.
Bác sĩ Lê Hải bước vào buồng số 21, thấy điều dưỡng viên Thụ trực phòng đang ngục xuống sàn nhà ngủ, anh đi lại, không phải đánh thức mà ngồi trực thay, anh biết tất cả các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng của khu anh đều đã cạn sức; cuộc chiến dai dẳng vô cùng khốc liệt với con virus đã bào mòn sức lực của họ, tuy đã tiêm hai mũi vacxin nhưng họ vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao do thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh nhân nặng, họ không chỉ cấp cứu dành giật lấy sự sống từng giây từng phút cho bệnh nhân mà còn cả tắm rửa, thay quần áo, vệ sinh, động viên bệnh nhân. Sức họ đã kiệt nhưng tinh thần họ không gục gã, họ vẫn cố gắng từng ngày, từng đêm vượt qua chính mình để cứu sống bệnh nhân; mỗi bệnh nhân khỏi bệnh ra viện là niềm vui sướng, nguồn động viên to lớn với họ.
Bác sĩ Hải, em xin lỗi, mệt quá nên em thiếp đi lúc nào không hay.
Điều dưỡng Thụ tỉnh giấc, thấy bác sĩ Lê Hải, anh có vẻ sợ sệt chờ đợi lời trách mắng của người phụ trách khu nhưng không, bác sĩ Lê Hải bảo, mệt quá thì cứ tranh thủ ngủ đi, anh sẽ trực thay một cho một lúc.
Bác sĩ trực buồng đâu?
Dạ, anh ấy đang tham gia cấp cứu cho bệnh nhân mới chuyển đến.
Có tiếng kêu rên của bệnh nhân ở cuối phòng, bác sĩ Lê Hải và điều dưỡng Thụ chạy lại, đo nồng độ ô-xy 70%, bác sĩ Lê Hải và điều dưỡng Thụ vần bình ô xy ở góc phòng ra, lắp máy thở cho bệnh nhân. Bác sĩ Lê Hải dặn dò điều dưỡng Thụ khi trực phòng phải thường xuyên đi kiểm tra các bệnh nhân, chỉ cần sơ sẩy một chút là nguy hiểm đến tính mạng, đã có những trường hợp ở bệnh viện khác bệnh nhân giãy đạp làm rơi ống thở nên đã tử vong.
Một bệnh nhân nam giơ tay như muốn báo hiệu cho bác sĩ Lê Hải điều gì, anh đi lại giường bệnh, bệnh nhân khó nhọc nói:
-Tôi nhiều bệnh nền, tôi muốn chết, các bác sĩ đừng chữa cho tôi nữa
Đây không phải là lần đầu tiên bác sĩ Lê Hải và đồng nghiệp nghe được nguyện vọng muốn chết của bệnh nhân, có người muốn chết vì nhiều bệnh nền, có người muốn chết vì đau đớn, lại có người muốn chết vì nhà nghèo có khỏi bệnh về nhà cũng chẳng có gì để ăn nên đề nghị bác sĩ rút hộ ống thở khi bị hôn mê phải thở bằng máy, thế là các bác sĩ và nhân viên điều dưỡng lại phải làm công tác tâm lý cho bệnh nhân, giúp họ có thêm nghị lực để chiến thắng bệnh tật. Bác sĩ Lê Hải ân cần:
-Anh sắp khỏi bệnh ra viện rồi, người ta bị ung thư mà còn có nghị lực vượt qua huống chi bệnh dạ dày, tiểu đường của anh có gì mà không chữa được. Vợ và con anh đang từng ngày mong được đón anh về nhà đấy.
Nhắc đến vợ con, đôi mắt bệnh nhân sáng lên, anh cảm ơn bác sĩ, sẽ cố gắng để nhanh được về nhà.
Bác sĩ Lê Hải đi ra, anh ghé buồng số 27, bác sĩ trẻ Hồng trực phòng, chị từ Hà Nội tình nguyện vào đây gần một tháng, chị ra đi khi đứa con gái đầu lòng mười tám tháng tuổi mới cai sữa xong. Một bác sĩ thông minh, xinh đẹp, xử lý các tình huống nhanh, chính xác khiến một tiến sĩ như anh cũng phải nể phục nhưng mấy hôm nay trong đôi mắt hút hồn của bác sĩ Hồng đã phảng phất một nỗi buồn thăm thẳm. Bác sĩ Lê Hải nghĩ chắc chị cũng nhớ chồng nhớ con như bao người khác, nhưng không chỉ có thế mà chị đang đấu tranh với chính mình để đi đến quyết định nghỉ việc, từ bỏ nghề bác sĩ vĩnh viễn bởi trong cuộc chiến đấu với giặc cúm này, nó tàn khốc quá, nó nguy hiểm quá và nó vất vả, thiếu thốn quá. Ngay như anh đôi lúc cũng có chút dao động nhưng lại nghĩ mình là trưởng Khoa của một bệnh viện huyện miền núi, được quy hoạch làm Phó giám đốc, anh xung phong tình nguyện vào tâm dịch TP.HCM để thử thách, khi nào hết dịch Covid 19 anh sẽ trở về nhận quyết định và một điều thiêng liêng đối với anh, anh là người con của đất Tổ, trước khi lên đường hai ngày anh đã đi xe máy đến Đền Hùng, thắp hương khấn Vua Hùng hãy phù hộ cho đoàn công tác của các anh được an lành, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đất nước nhanh chóng thoát khỏi đại dịch Covid 19 thì lẽ nào anh lại bỏ cuộc.
Bác sĩ Hồng đưa lá đơn xin nghỉ việc cho bác sĩ Lê Hải, đôi mắt anh nhòe lệ, anh hiểu được tâm trạng người đồng nghiệp đã giúp anh và cả khu chữa bệnh cứu sống được hàng trăm bệnh nhân nặng thoát khỏi lưỡi hái của tử thần trong gang tấc.
Sao anh khóc, người khóc phải là em chứ?
Anh biết, cuộc chiến này tàn khốc hơn những gì mà chúng ta tưởng tượng, hàng trăm triệu người trên thế giới đã nhiễm Covid 19, hàng triệu người bị chết; con số này ở nước ta cũng không nhỏ, rất nhiều bác sĩ, nhân viên y tế cũng đã phải hy sinh. Bác sĩ cũng là người, sức chịu đựng cũng có giới hạn, anh sẽ kiến nghị cho em chuyển về Hà Nội chứ không đồng ý cho em bỏ nghề y vì em là một bác sĩ có tài có tâm.
Tiếng người nói thều thào ở ngoài hành lang, vợ tôi đâu, con tôi đâu? Bác sĩ Lê Hải và bác sĩ Hồng đi ra, bắt gặp bệnh nhân Cối đang đi lang thang, cụ 80 tuổi bị bệnh thần kinh khi tỉnh khi lên cơn, nhiều lúc cụ ỉa đái ra quần rồi bôi lên cả tường khiến các y, bác sĩ phải nhiều phen phải xách nước lau chùi nhưng không ai trách cụ mà còn thương cụ nhiều hơn. Để khắc phục tình trạng này ỉa đái vô tội vạ này, các y, bác sĩ đã phải nhường bỉm của mình cho cụ. Cụ có bốn người con, ba trai, một gái, thấy cụ bị tâm thần, bác sĩ Việt Chung- giám đốc bệnh viện đã gọi điện cho các con của cụ cho một người vào chăm cụ nhưng tất cả đều từ chối, họ bảo mình cũng đang bị là F0, bác sĩ nói sẽ đặc cách cho vào đây điều trị cùng bố nhưng họ tắt máy.
Bác sĩ Lê Hải và bác sĩ Hồng đi lại tìm cách dỗ dành cụ đi về phòng:
Đang đêm cụ không ngủ mà đi đâu đấy?
Tôi đi tìm vợ con tôi, họ ở đâu?
Vợ con cụ cũng đang điều trị ở bệnh viện khác rồi ạ!
Cụ không nói gì, ngước đôi mắt nhìn hai người, bác sĩ Lê Hải đọc được trong ánh mắt cụ nỗi buồn nhân thế, lúc này cụ đang tỉnh và cụ hiểu rằng những đứa con mà mình sinh ra, tần tảo cả đời nuôi chúng khôn lớn đang nhân cơ hội này để tống khứ ba chúng ra khỏi nhà. Con đẻ thì thế nhưng người dưng là bệnh nhân Đông khi đã khỏi bệnh lại tình nguyện được ở lại để chăm sóc cụ, coi cụ như bố đẻ của mình, cho cụ ăn uống, tắm rửa vệ sinh và luôn luôn canh chừng cụ tuyệt thực và tự vẫn; cụ đã tuyệt thực hai lần và tìm cách nhảy lầu một lần, may có người phát hiện kịp chứ không cụ đã không chết vì bệnh mà chết vì sự bạc bẽo của những đứa con.
Bác sĩ Lê Hải dìu cụ về phòng, thủ thỉ rằng cụ đã xét nghiệm đủ ba lần âm tính, sáng mai cụ sẽ được xuất viện về với vợ con, tưởng cụ vui lắm nào ngờ cụ hốt hoảng:
Không, tôi ở đây, tôi không về, chúng nó không muốn tôi về nhà.
Nhưng ở đây cụ sẽ dễ bị nhiễm bệnh lại, hơn nữa bệnh nhân rất nhiều, cụ phải nhường giường cho họ chứ.
Thế thì tôi phải về để người khác có chỗ nằm.
Cụ ngoan ngoãn theo bác sĩ Lê Hải về phòng, ngủ một mạch đến sáng nhưng khi bệnh viện làm thủ tục cho cụ xuất viện, gọi điện cho các con cụ đến đón thì họ đều thoái thác, họ bảo chúng tôi chịu hết nổi rồi, thậm chí có người con còn cho cả địa chỉ giả. Giám đốc bệnh viện Việt Chung đành phải gọi điện về ủy ban phường cho xe lên đón cụ rồi trao trả cho các con cụ.
7 giờ sáng, bác sĩ Lê Hải chuẩn bị bàn giao ca trực thì có điện thoại của bác sĩ Hồng gọi đến ngay phòng cấp cứu, hai mẹ con bệnh nhân mới được chuyển đến, người mẹ ba mươi tuổi trong tình trạng rất nguy kịch, đứa con trai cũng bị dương tính với virus nhưng nhẹ hơn nhiều. Các bác sĩ phòng cấp cứu cho bệnh nhân thở máy và tiêm thuốc Adrenaline để kích thích tim đập trở lại nhưng bệnh nhân được đưa vào quá muộn nên rất khó cứu. Bác sĩ Lê Hải trực tiếp ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân, mười phút sau nhịp tim đã đập trở lại nhưng tiên lượng tử vong cao. Các bác sĩ hồi hộp nhìn nhau. Bác sĩ Lê Hải đưa ra phác đồ điều trị riêng cho bệnh nhân. Đột nhiên bệnh nhân tỉnh lại thì thào:
Chồng tôi đã chết vì Covid mới được mười ngày, tôi chắc cũng không qua nổi, các bác sĩ cố cứu sống con tôi.
Nói xong đôi mắt chị từ từ khép lại, mọi người đều trào nước mắt, có người không kìm được đã bật khóc nức nở như thể người thân của mình vừa ra đi. Bác sĩ Lê Hải nghẹn ngào nói với người đã chết:
Chị yên tâm, Nhà nước sẽ nuôi con chị và chúng tôi cũng sẽ nhận đỡ đầu nuôi cháu ăn học đến đại học.
Tiếng khóc của đứa con trai mới chín tháng tuổi của chị đang được một y sĩ bế vang khắp vòng, không hiểu đó là tiếng khóc thương mẹ đã rời bỏ nó ra đi hay tiếng khóc vì thèm sữa mẹ. Cô y sĩ dỗ dành mãi đứa trẻ vẫn không nín. Bác sĩ Hồng đi lại đón đứa bé bế ra hành ra, chị ngồi xuống chiếc ghế, cởi bỏ bộ quần áo bảo hộ, vạch áo cho đứa trẻ bú, nó nín ngay. Bác sĩ Lê Hải đi ra nhìn thấy bác sĩ Hồng đang cho đứa bé bú, anh định quay lại để cho chị được tự nhiên nhưng đã nghe thấy tiếng bác sĩ Hồng gọi:
- Bác sĩ Lê Hải, em muốn rút lại lá đơn xin nghỉ việc, bệnh nhân đang rất cần bác sĩ, chúng ta không thể bỏ họ!
- Cảm ơn em, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng!
Đứa bé bỗng ngừng bú, nó nhìn bác sĩ Lê Hải, nhoẻn một nụ cười tươi tắn!