TIN TỨC

Lắng đọng “Đêm nằm nghe ký ức”

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-11-01 17:44:44
mail facebook google pos stwis
159 lượt xem

ĐẶNG BÁ TIẾN

Tôi chơi thân với Ngô Minh Oanh từ những năm cuối của thập niên 80 thế kỷ trước. Ngày ấy Ngô Minh Oanh đang là giảng viên của Đại học Tây Nguyên. Tôi chơi thân với anh vì nhiều lẽ, nhưng lẽ chính là chúng tôi cùng yêu thơ, đang tập tọng làm thơ. Tôi còn nhớ mãi mấy câu thơ sau đây của Ngô Minh Oanh, viết năm 1989: “Có gì diệu kỳ trong hạt giống nhỏ xinh / Phải chị gặp ở đây niềm vui sinh nở/ Dẫu cái phôi hãy còn bé nhỏ/ Đã nghe xôn xao đại thụ của rừng”. Đấy là Ngô Minh Oanh viết về chị công nhân ươm cây. Một lối viết giản dị, nhưng thật trìu mến, ấm áp, chan chứa niềm tin về cuộc đời, về tương lai. Đấy cũng là “tạng” thơ của Ngô Minh Oanh, rất hợp với “tạng” thơ tôi.


Bìa tập thơ "Đêm nằm nghe ký ức" của nhà thơ Ngô Minh Oanh.

Bẵng đi một thời gian khá dài, Ngô Minh Oanh đi học ở Liên Xô, sau đó chuyển vào công tác ở Đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi ít liên lạc với nhau hơn. Ngô Minh Oanh cũng ít làm thơ hơn. Có lẽ do anh bận công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học lịch sử (anh là PGS-TS Sử học). Dẫu vậy, trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ: nhất định sẽ có ngày Ngô Minh Oanh trở lại với thơ, vì hồn thơ luôn thường trực trong anh.

Và rồi điều tôi nghĩ trên đây đến năm 2023 đã trở thành sự thật: Ngô Minh Oanh chính thức trình làng tập thơ riêng đầu tay “Đêm nằm nghe ký ức”. Một tập thơ chững chạc. Một tập thơ, theo tôi: để lại cho người đọc nhiều dư vị ngọt ngào, nhiều nỗi niềm đằm thắm. Tập thơ có 53 bài, chiếm hơn một nửa là thơ từ ký ức xa, nửa non còn lại là cảm xúc về quê hương, đất nước, về những con người với bao niềm vui, nỗi buồn mà anh được thấy, được gặp trên những chặng đường đời gần đây.

Ở mảng thơ về ký ức, tôi thực sự xúc động khi nghe anh thổ lộ: “Bao hoài niệm xa xôi giờ trỗi dậy/ Nửa đời người trắng tóc vẫn chưa phai”. Câu thơ rút ruột từ bao trải nghiệm, thăng trầm, bao nếm trải của một người luôn sâu nặng ân tình. Ân tình với cha mẹ, làng quê. Ân tình với tất cả những người anh đã có dịp gặp, dẫu chỉ thoáng qua trên “đường lá me bay”, hay buổi chiều “hoa tuyết đan dày” nơi xứ người. Và vì thế trái tim anh không bao giờ phai mờ hình ảnh của những người thân yêu. Đọc bài “Bà tôi”, tôi cảm phục và thương đến thắt lòng người bà của anh. Đời bà có nhiều éo le “Tin chồng, chồng lại đào hoa” , “Tin con, con lại đội dâu lên đầu”, nhưng bà vẫn sống bản lĩnh, vị tha, vẫn “Tảo tần dành để tiếng thơm”, vẫn “Tấm lòng thơm thảo, dưới trên chia đều”, tất cả để “Nghĩa dày chồng hưởng, phúc dành cháu con”. Có lẽ người bà của Ngô Minh Oanh cũng là người bà đại diện cho biết bao người bà, biết bao người phụ nữ Việt Nam có truyền thống chịu thương, chịu khó, nhẫn nhục, hết lòng vì chồng con.

Thế hệ chúng tôi lớn lên trong giai đoạn Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc suốt ngày đêm, cũng vì thế ký ức về tuổi thơ thường hiện lên nhiều cơ cực, đầy sự thiệt thòi. Ngô Minh Oanh khái quát sự cơ cực ấy chỉ với mấy câu thơ: “Tiếng mẹ ru hời và tay mẹ chao nôi/ Cũng căng chật trong ngôi hầm trú ẩn/ Cánh cò bay la, cánh cò bay lả/ Cánh mới giương lên đã chạm nóc hầm” . Tiếng ru cũng thiếu không gian để lan tỏa, cánh cò bay cũng thiếu cả bầu trời để có thể “bay lả bay la”. Dĩ nhiên, tuổi thơ ngày ấy chẳng ai được tung tăng chạy nhảy, hò reo, chơi đùa. Hình ảnh tiếng ru, cánh tay mẹ chao nôi “căng chật” trong không gian hẹp của hầm trú ẩn; hình ảnh cánh cò vừa giương lên đã “chạm nóc hầm” trú ẩn là những hình ảnh đắt, với thế hệ chúng tôi nó có sức gợi và ám ảnh lớn.

Ký ức của Ngô Minh Oanh về quê hương thường gắn với dòng sông quê - dòng Kiến Giang. Cũng thật dễ hiểu. Tôi nhớ nhà thơ Bế Kiến Quốc từng viết: “Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng/ Tất cả trả lời sinh bên một dòng sông/... Chẳng phải rộng xa một tầm cò vỗ cánh/ Cũng xinh xinh vài sải chèo quẫy mạnh/ Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng/ Mỗi con người gắn bó một dòng sông”. Là người Việt Nam hầu như ai cũng có “dòng sông quê mình”. Ngô Minh Oanh nhớ dòng Kiến Giang, bởi anh nhớ “Gáo nước mẹ tắm cho tôi đầu đời”; bởi anh biết mình “là mầm cây non bắt đầu cắm rễ/ Vào mạch nguồn đất mẹ để sum suê”; bởi anh chẳng thể quên “Đường tuổi thơ ngày đôi bận đi về/ Người lái đò một chân tỏa nụ cười đôn hậu”; bởi “Nước dạy tôi biết bơi trước khi biết chữ”; bởi dòng sông gắn với đời mẹ lam lũ, vắt kiệt sức trên cánh đồng, khi “lũ ngập đồng”, khi “gió Lào kiệt trơ, nứt nẻ”, anh “thương vết chân chim mắt mẹ/ Chân chạm đáy sông, dao cứa nhói lòng”.  Sông quê cũng gắn bó với những kỷ niệm đầu đời của chàng trai Ngô Minh Oanh thuở mới lớn: “Sông nuôi tôi đến ngày vỡ giọng/ Hát vu vơ đếm lá bến sông chiều/ Em quẫy gánh trăng quê, tuổi tròn trăng làm điệu/ Hoa lộc vừng ráng đỏ bến ngày xa”. Dòng sông quê như là nơi hội tụ tất cả tình cảm về quê nhà của anh. Và vì thế sông quê “muôn đời hồn hậu” trong anh và chảy “mải miết dọc đời” anh.

Rất nhiều ký ức khác trỗi dậy từ trái tim anh được thể hiện trong tập thơ, cho ta ấm áp, cho ta bồi hồi, xao xuyến, cho ta cả những nỗi niềm cảm thông, nhờ những câu thơ bình dị được chảy ra từ cảm xúc thật, từ tấm lòng của một người con Quảng Bình, dẫu đi xa, nhưng “đêm về còn biết thao thức với quê hương”. Đây cũng là mảng thơ ấn tượng với tôi nhất trong tập thơ này; bởi không chỉ tôi là người cùng thế hệ với tác giả, dễ đồng cảm, mà quan trọng hơn, thông điệp từ tập thơ, tôi tin sẽ được lan tỏa tới thế hệ trẻ hôm nay. Cũng vì thế tôi rất đồng tình với PGS-TS Bùi Thanh Truyền trong lời giới thiệu mở đầu tập thơ đã viết: “Năng lượng từ quá khứ lan tỏa trong hiện tại, để không ngừng “ủ chồi xanh những mầm xuân”.

Ở mảng thơ thứ hai, Ngô Minh Oanh trải lòng với người đọc về những gì anh thấy trên đường đời những năm gần đây, khiến trái tim anh phải lưu dấu, khiến đầu óc anh phải suy ngẫm, chiêm nghiệm. Đến thăm nhà tù Côn Đảo - nơi bọn cai ngục khét tiếng tàn bạo - bắt gặp những cây si quấn quýt với những cây bàng, anh rút ra một điều thú vị: “Lạ kỳ thay cây cũng như người/ Giữa khắc nghiệt thiên nhiên, giữa ngục tù khốc liệt/ Biết tựa vào mình, tựa vào nhau, sống chết/ Cho cuộc đời, cho mạch sống hồi sinh”. Hẳn những hình ảnh đó cũng đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ cách mạng của chúng ta, dẫu bị giam cầm, đày đọa trong ngục tù, biết đoàn kết với nhau hơn để chiến thắng kẻ thù.

Trở lại Đồng Hới, thành phố quê hương, đi trong đêm hoa sữa cùng người bạn gái, cảm xúc trào dâng, hồn thơ Ngô Minh Oanh thăng hoa, nhờ thế ta được đọc những câu thơ đầy xao xuyến và được thấy mình như trẻ lại: “Thoang thoảng thôi nhé em/ Đủ để gần nhau, đủ để nồng nàn/ Đủ để nhớ nhau ngày xa/ Đêm hoa sữa/... Em cho anh lạc niềm sâu thẳm/ Những thanh âm cuộc đời mong manh nhất/ Tưởng đã lãng quên giữa tất bật đời người/ Bỗng rung lên trong ngực anh rất thật” .

Rất nhiều, rất nhiều những cảm nhận, nghĩ suy, chiêm nghiệm thú vị có trong tập thơ của Ngô Minh Oanh. Xin mời bạn yêu thơ hãy bước chân vào vườn thơ Ngô Minh Oanh để cùng khám phá. Riêng tôi, đọc tập thơ  này, khép lại trang cuối đã mấy tuần rồi, ngoài những cảm nhận nêu trên, tôi cứ vấn vương ngẫm ngợi mãi về bài thơ ngắn mang tên Lá, chỉ bốn câu : “Khi xanh chẳng đậu vào vai/ Đến khi vàng lá lại rơi vào lòng/ Sự đời có trớ trêu không/ Nửa tay muốn hứng, nửa lòng đành ngơ!

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn Linh Khiếu lại “xuất” hoa lạ
Vâng, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã từng xuất bản những tập thơ mang tên những loài hoa rất lạ: Hoa Linh (2000), Hoa Linh Thảo (2021) Hoa Hạnh (trong một bài thơ được Giải nhất cuộc thi thơ tạp chí VNQĐ năm 2010)... Chưa kể tập thơ đầu tay Chùm mơ Tiên cảm (1991) cũng gồm những chùm hoa rất lạ...
Xem thêm
Trần Hà Yên với tình yêu trẻ thơ từ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo
Bài viết về tập thơ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo (NXB Hội nhà văn 2024).
Xem thêm
Người lặn dưới những lớp sóng thời gian
Bài viết của nhà thơ Nguyễn Văn Hùng, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An.
Xem thêm
Một người cầm súng quả cảm - một người cầm bút tài năng
Bài phát biểu của nhà báo Hồ Quang Lợi tại Thư viện quân đội trong buổi giới thiệu 2 tập sách của Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu, 15/10/2024.
Xem thêm
Trường ca “Mặt trận gần phía trước”
Bài viết của Nguyễn Vũ Quỳnh về tập trường ca của Trần Trí Thông
Xem thêm
Hoa hồng có gai, hay là vẫn tin vào nước mắt
Nguồn: Bùi Việt Thắng (Báo Văn nghệ)
Xem thêm
Bến sông xưa dậy sóng tóc phai màu!
Bài viết của Nguyên Bình về tập thơ “Tự tình với trăm năm” của Nguyễn Hồng Linh
Xem thêm
Bộ sách Đất Việt Trời Nam liệt truyện của Trần Bảo Định
“Đất Việt trời Nam liệt truyện” của nhà văn Trần Bảo Định là bản anh hùng ca đầy tự hào, chất chứa tinh thần yêu nước mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Những câu chuyện “từ thuở mang gươm đi mở cõi” xuyên suốt theo dòng chảy lịch sử kể từ khi các chúa Nguyễn vào Nam khai mở xứ Đàng Trong cho tới khi Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp và đến đầu thế kỷ XX, với cuộc chiến đấu của nhân dân Nam Bộ trong nỗ lực chung cùng giải phóng đất nước.
Xem thêm
“Theo dấu chân Người” để đi tới ngày Quốc khánh 02/09/1945
Đọc tập truyện ký “Theo dấu chân Người” chúng ta càng trân trọng, kính phục sự cống hiến, xả thân của Người cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, giải phóng con người thoát khỏi sự đàn áp...
Xem thêm
Trái tim tự do luôn rực cháy
Đọc tác phẩm PHIẾN HẠ (NXB Hội Nhà văn, 2024) của Trần Hạ Vi
Xem thêm
Mây Phương Nam của Thiên Hà sẽ còn lộng lẫy hơn, mới mẻ hơn
Nhà văn Trương Đạm Thủy viết về Mây Phương Nam của Thiên Hà
Xem thêm
Lê Thiếu Nhơn: Ân tình giữa duyên nợ Thơ và Nhạc
Bài đăng Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam
Xem thêm
Món quà ý nghĩa tặng trẻ thơ
Một tuyển tập thơ thiếu nhi vừa được Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cho ra mắt đúng dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Tuyển tập này bao gồm những bài thơ hay của đội ngũ sáng tác cho thiếu nhi tại thành phố trong suốt nửa thế kỷ qua.
Xem thêm