TIN TỨC

Nhà văn Nguyễn Thi, thân phận và chức năng của người cầm bút

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-05-20 18:15:22
mail facebook google pos stwis
1379 lượt xem

Một lẽ thường, các tác phẩm văn chương, dù khiêm tốn hay có đóng góp nhất định với đời sống xã hội, khi đến với người đọc, ở vị trí của mình, thường là thưởng thức những giá trị nghệ thuật mà nó mang lại, mấy ai biết thấu đáo về hoàn cảnh ra đời, đời sống của người sáng tạo ra nó, hoặc những đoạn trường khuất khúc, hoặc những thăng hoa nhất thời trong quá trình tác phẩm được sinh ra.

Đời sống các nhà văn, số phận mỗi tác phẩm, những tác động, tâm tư, sự ràng buộc nhiều mặt trong xã hội biến động, tâm thế thời đại, sức mạnh dân tộc, sức mạnh nhân dân, cá tính sáng tạo, sự hy sinh, thậm chí uẩn khúc của các nhà văn, các tác phẩm văn học là vấn đề rất đáng được quan tâm, tìm hiểu và chia sẻ.

Đời sống mỗi nhà văn luôn là một thế giới sinh động, muôn màu muôn vẻ, người thì giản dị xuề xòa, người thì kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, người thì dễ tính, dễ gần, viết đâu được đó, người thì vật lộn mưu sinh cả đời cày sâu cuốc bẫm, cũng không ít các nhà văn học thức đầy mình, cung cách mô phạm, lịch lãm trong khi một số không nhỏ do chiến tranh giặc giã, học ít viết nhiều, lấy đời sống chiến đấu của mình, của nhân dân đưa vào tác phẩm mà vẫn rưng rưng sống động. Có không ít các nhà văn vào sinh ra tử, đầu sóng ngọn gió, hòn tên mũi đạn, thậm chí hy sinh ngay ở trận tiền, lại cũng không ít người âm thầm bệnh tật, vết thương từ tâm can đến cả da thịt bề ngoài thảy đều gắng sức vượt lên mà chuyên tâm cầm bút.

Cùng với số phận của dân tộc, thân phận các nhà văn cũng đầy chìm nổi, vinh quang, cay đắng nhưng luôn đầy đặn niềm tin vào cuộc sống, đôi chỗ cả tin ngây thơ chăng nữa thì trái tim vẫn một mực yêu dân, yêu nước và yêu sự phát triển tiến bộ của xã hội. Có không ít những quan điểm, những nghĩ suy, về đời, về nghề đôi lúc ứa máu của lao động nghề văn.

Ở đây tôi muốn nói đôi điều về nhà văn, liệt sĩ Nguyễn Thi, một ngòi bút cá tính và đặc sắc của tạp chí Văn nghệ Quân đội.


Nhà văn Nguyễn Thi (1928 – 1968)

Nguyễn Thi tên thật là Nguyễn Hoàng Ca, bút danh quen thuộc gửi từ chiến trường ra là Nguyễn Ngọc Tấn. Ông sinh ngày 15/5/1928 tại xã Quần Phương Thượng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Trong cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân, ông xung phong đi chiến đấu cùng một tiểu đoàn pháo binh, tham gia đánh chiếm Sài Gòn và hy sinh trong tư thế một chiến sĩ cảm tử ngày 9/5/1968 tại đường Minh Phụng, thành phố Sài Gòn. Nơi ông hy sinh nay đã được mang tên ông – đường Nguyễn Thi.

Với khoảng hai mươi năm cầm bút, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ với nhiều giải thưởng trong đó có giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Các tập truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký tiêu biểu: Trăng sáng, Đôi bạn, Chuyện xóm tôi, Mẹ vắng nhà, Những đứa con trong gia đình, Sen trong đồng, Ở xã Trung Nghĩa, Ước mơ của đất và đặc biệt là Người mẹ cầm súng đã chứng tỏ văn tài nổi trội của ông khi viết về chiến tranh.

Từ những sáng tác của Nguyễn Thi, cho thấy một ngòi bút cường tráng, bám sát dân, bám sát bộ đội, bám sát đời sống chiến trường để từ đó khái quát cuộc chiến tranh theo nghĩa chân thực nhất.

Chưa ai viết ồ ạt như Nguyễn Thi. Trong gần hai mươi năm cầm bút, ông đã viết hàng chục tập bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút về chiến tranh mà sau độ lùi thời gian đã khẳng định một phong cách nghệ thuật Nguyễn Thi độc đáo đầy sức sống.

Chất lượng, bản lĩnh, sức mạnh nghệ thuật hiện thực của Nguyễn Thi đã làm cho các tác phẩm của ông có sức gợi cảm, sức sống bền lâu trong lòng độc giả. Các nhân vật như chị Út Tịch, anh Phạm Văn Cội, chị Nguyễn Thị Hạnh… sẽ mãi còn lại với thời gian. Số phận đã không cho Nguyễn Thi được nhìn thấy ngày toàn thắng. Tuổi bốn mươi, ông ngã xuống giữa những trang sách bỏ dở. Đó là một mất mát lớn không chỉ của gia đình, vợ con, đồng đội thân thiết với ông, mà là cả văn chương.

Nguyễn Thi có một cuộc đời riêng nhiều biến động, từ một thiếu niên không nghề nghiệp, lang bạt kiếm sống khắp nơi, bắt gặp và được Cách mạng thức tỉnh, đưa vào đội ngũ, trở thành người chiến sĩ cầm súng rồi thành nhà văn là cả một chặng đường, có lúc như là huyền thoại.

Nguyễn Thi là một cá tính văn chương hiếm gặp ở đời.

Dù khiêm nhường đến mấy, những đóng góp văn chương của các nhà văn, đặc biệt là những nhà văn liệt sĩ như Nguyễn Thi trong cuộc sống là không thể thiếu và phải được trân trọng. Không thể hình dung một dân tộc, một thời đại, một con người dù là quốc gia quốc tịch nào mà lại không cần đến văn chương. Văn chương góp phần không nhỏ trong hình thành và bồi đắp mỗi nền văn hóa.

Văn chương Nguyễn Thi bộc lộ một cảm thông sâu nặng với chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt là những người dân vùng địch hậu. Nhiều câu văn, đoạn văn trong tiểu thuyết, ghi chép, truyện ngắn của ông đã đạt đến độ khái quát cao, có sức ám ảnh và lan tỏa với người đọc, đặc biệt là những bạn nghề nghiệp. Nền tảng sự cảm thông ấy ở đâu ra nếu không xuất phát từ trái tim chân thành và đau đớn của người viết. Và, từ những cảm thông ấy, đã hằn lên ước muốn làm tươi lại những tâm hồn trong chiến tranh cũng là một bản lĩnh ngòi bút. Và dường như, đó còn là một sự độc lập, một khẳng định chủ quyền về quyền năng nhà văn trong bày tỏ và sáng tạo. Và, thật tự nhiên, từ những sáng tạo chuyên tâm, bền bỉ, từ những thân phận da diết, ám ảnh, vang sâu đã góp phần định hình một phong cách riêng cần thiết, cần thiết và quyết định đến sự thành công của văn nghiệp Nguyễn Thi.

Có những lúc viết văn, là viết cho những gì rất thiêng liêng. Văn chương không chỉ dành riêng cho những cực lạc, viên mãn, đang háo hức với vị trí tốt đẹp của mình, mà còn là sự cảm thông với bơ vơ, bần hàn, oan khuất, cát bụi… nên văn chương lúc này không phải là thứ vỗ tay reo mừng chiến thắng, hân hoan đắc chí, mà khi ấy phải là thứ văn chương lầm than cùng với thân phận của con người. Người viết bấy giờ phải nổi chìm như đời sống thực, có khi còn phải đào sâu hơn, đớn đau hơn. Khi ấy, có thể sẽ xảy đến nhiều khả năng cho người cầm bút, thậm chí nhiều phần là khả năng xấu. Nhưng còn biết làm sao trong cuộc tự tìm mình, vì văn chương, vì nhân cách của mình.

Đến đây, tôi nhớ đến cái truyện ngắn rất hay của nhà văn liệt sĩ Nguyễn Thi. Truyện “Im lặng”. Truyện viết về chiến tranh, khi in ra nhiều người bảo nó có vấn đề, nó bi quan. Truyện về một chiến sĩ trước sức ép tàn khốc của chiến tranh giáng xuống thể chất và tinh thần anh quá khốc liệt, quá sức tưởng tượng, đã mắc bệnh tâm thần. Và một cô gái, người nữ y sĩ chăm sóc anh cũng có một đời sống riêng rất éo le. Đến khi câu chuyện của người lính tâm thần kia sắp cởi ra cũng là lúc câu chuyện đời tư về cô y sĩ cần phải được khép lại, vĩnh viễn đóng lại. Câu chuyện nặng nề từ đầu đến cuối, từ bối cảnh, câu chữ, tuyến nhân vật và giọng kể. Đã có một thời người ta định lấp nỗi đau bằng mọi giá. Và đương nhiên, truyện ngắn “Im lặng” của nhà văn Nguyễn Thi, một câu chuyện rất hay, cách viết chín, sâu và cốt truyện rất đa nghĩa ấy thời ấy làm nhiều người không thích. Nguyễn Thi là một nhà văn rất cá tính. Ông luôn có cách bảo vệ những đứa con tinh thần của mình cho dù cách ấy đôi khi không có lợi cho ông. Ngay sau khi in truyện ngắn ấy, ông đi B chiến đấu và hy sinh tại chân cầu chữ Y tết Mậu Thân. Sau này, khi tìm những tư liệu để làm phim chân dung về ông, tìm gặp bạn bè ông, những văn nghệ sĩ tài năng và tâm huyết, tôi mới vỡ lẽ thêm nhiều tình tiết xung quanh “Im lặng”. Thì ra, những nhà văn chân chính, luôn luôn bày tỏ và lựa chọn một thái độ sống, bất chấp hiểm nguy, sống không tính đến lợi ích cá nhân, kể cả đến tình yêu của mình, tính mạng của mình.

Phẩm chất anh hùng của người cầm bút trong nhà văn Nguyễn Thi là rất rõ ràng. Những tác phẩm văn học của ông để lại có tính ảnh hưởng sâu rộng đến các thế hệ sau này về tính nhân văn, lòng yêu nước và khí phách anh hùng cách mạng. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng của các nhân vật của Nguyễn Thi đã góp phần tạo lên một sức mạnh tinh thần to lớn trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, đánh thắng những kể thù hùng mạnh nhất. Những hình tượng, nhân vật được xây dựng từ thực tế chiến đấu của nhà văn đã thể hiện rõ khí chất anh hùng của dân để từ đó cho thấy một bản lĩnh anh hùng của cá nhân nhà văn. Phẩm chất anh hùng chỉ có được ở những yêu nước, một đời vì nhân dân vì dân tộc mà cầm bút và cầm súng.

Tôi luôn nghĩ bao giờ các nhà văn tài năng cũng đã làm rất tốt những công việc của mình, đặc biệt là trong những lúc cam go, ác liệt nhất, lúc đòi hỏi đức hy sinh và lòng quả cảm của người cầm bút với lẽ sống còn. Từ Nguyễn Thi, tôi luôn suy nghĩ về thân phận và chức năng của người cầm bút. Người cầm bút hôm nay đang ở đâu, đã làm tròn bổn phận hay chưa là một tự vấn luôn được đặt ra. Bầu trời văn chương mênh mông hay hạn định, cánh rừng văn chương thăm thẳm hay khuôn chừng trói buộc, trong hành trình ấy, có ga dừng, trạm nghỉ không, hay là như sóng biển không bao giờ cho bờ tĩnh lặng dù là ve vuốt mơn man hay phá phách hủy diệt vẫn trùng trùng những con sóng dội.

 Phùng Văn Khai/ Đại Đoàn Kết

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trần Gia Bảo: Văn học thiếu nhi nuôi một đời vui
Bài viết của Tống Phước Bảo trên Văn nghệ Công an.
Xem thêm
Thắp nỗi vắng xa bập bùng từng con chữ
Bài của Lê Thiếu Nhơn trên Văn nghệ Công an.
Xem thêm
“80 gương mặt Văn nghệ sĩ Quân đội” Chất lính trong những tâm hồn mơ mộng
80 con người, 80 gương mặt là 80 cá tính khác nhau. Thế nhưng ở họ có hai điểm giao rất độc đáo, đó là màu áo xanh của người lính và tâm hồn nhạy cảm, yêu nghệ thuật và cái đẹp.
Xem thêm
Nhà văn Nam Cao trong thoáng cười lặng lẽ
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. HCM số Xuân Ất Tỵ 2025
Xem thêm
Có một người Ninh Bình di cư
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng về nhà văn Hoàng Phương Nhâm
Xem thêm
Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm - Những kỷ niệm khó quên
Tôi được gặp nhà văn Đỗ Viết Nghiệm từ khá sớm. Đó là Trại viết Đồ Sơn năm 1996. Khi đó tôi đang là binh nhất học ở Trường Lái xe 255 - Tổng cục Kỹ thuật được nhà văn Khuất Quang Thụy đi xe máy lên Sơn Tây làm việc với Ban Giám hiệu để tôi được đi dự Trại viết...
Xem thêm
Những kỷ niệm với nhà thơ Xuân Sách
Trong những thăng trầm mỗi nhà văn nếm trải mỗi người mỗi vẻ ấy, tôi luôn có suy nghĩ rằng, nhà thơ Xuân Sách đã nếm trải nỗi buồn, có những lúc như là sự cơ hàn và cả sự thất vọng ở một tình thế khác người. Và ông đã tự vượt qua. Và ông cầm bút viết ra những bài thơ, những trang văn, theo tôi không ít trang sâu sắc và bình dị. Để rồi, khi sau này dành thời gian viết những bài thơ chân dung các nhà văn, chất lượng và tâm huyết ở thời kỳ mới, đã dường như gây ra những nỗi buồn cho người viết chăng? Tôi vẫn nghĩ chưa có sự công bằng cho các bài thơ chân dung của ông, và về phía cá nhân, tư cách người viết văn, tôi mong muốn các tác phẩm ấy được hiểu một cách bình đẳng. Chúng ta nên tự nâng mình trong sự hiểu và cho phép hiểu mọi tác phẩm văn học nghệ thuật, miễn là phục vụ sự tiến bộ của xã hội loài người, trong đó có những văn nghệ sĩ, để chúng ta, khi viết về nhau một cách bình thường, cũng là chuyện bình thường. Những khuyết điểm, kể cả sự non yếu, ấu trĩ về chính trị của người viết, đương nhiên nó sẽ tự đào thải, thời gian và sự tinh tường của độc giả đích thực sẽ biết giải quyết êm thấm một cách công bằng những điều ấy.​
Xem thêm
Nhà thơ Quang Chuyền: Một dòng sông lặng trầm, xoáy xiết
Nhà thơ Quang Chuyền sinh năm 1944 tại Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Từng công tác tại Hội Văn nghệ Việt Bắc. Phó Tổng Biên tập Báo Thông tin. Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 596 (Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc). Hiện sống và viết tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đã in các tập thơ: Đường qua kỷ niệm, Chùm quả đầu mùa, Khoảng cuối mùa thu, Hạt giống chim gieo, Lặng thầm, Mắt đêm, Khát, Trở lại cánh rừng, Sông gọi, Chiều đi qua cửa, Lục bát không mùa…
Xem thêm
Thơ Phan Thị Nguyệt Hồng: Nơi cảm xúc giao thoa
Chương trình Thi ca điểm hẹn của VOH và bài viết của Nguyên Hùng về tập thơ Lời khúc tạ mùa xuân của Phan Thị Nguyệt Hồng.
Xem thêm
Từ một trang văn Trang Thế Hy
Bài viết của nhà văn Nguyễn Thanh
Xem thêm
Tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Đình Thi & nhà báo Madelein Riffaud
Phim tư liệu về Madelein Riffaud & Bài viết nhân 100 năm ngày sinh Nguyễn Đình Thi
Xem thêm
Nhà văn Anh Đức và bản góp ý văn chương tình nghĩa
Bài của đạo diễn Lê Văn Duy đăng trên báo Phụ nữ ngày 26.8.2014
Xem thêm
Anh Đức, nhà văn yêu dấu của cách mạng và kháng chiến
Bài viết của GS Mai Quốc Liên trên báo Sài gòn giải phóng điện tử ngày 23/08/2014
Xem thêm
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đi nhậu và viết văn tuy hai mà một
Sáng 6/12, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức hội thảo “Nhà văn Nguyễn Quang Sáng – Cuộc đời và sự nghiệp” nhân 10 năm ngày ông qua đời.
Xem thêm