TIN TỨC

Hoa thơm, trái ngọt của lòng yêu thương

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-08-20 15:46:55
mail facebook google pos stwis
431 lượt xem

HOÀNG THÔNG ĐẠT
(Đọc tập thơ “Từ vườn hoa nhà em” của Trần Hà Yên)


Nhà thơ Trần Hà Yên và bìa tập thơ mới.

Sau “Bác sĩ chim sâu”, xuất bản đầu năm 2024, nhà thơ Trần Hà Yên, Hội viên Hội Nhà văn TP HCM, vào giữa tháng 4-2024 lại ra mắt bạn đọc tập thơ thiếu nhi “Từ vườn hoa nhà em”, NXB Văn học, nối tiếp mạch nguồn trong trẻo, thế giới hồn nhiên của trẻ thơ trong từng câu chữ thân thuộc, gần gũi với các em.

Là tác phẩm thứ 8 của Trần Hà Yên, “Từ vườn hoa nhà em”, như tên gọi, vừa khiêm tốn giới thiệu về góc vườn nhà vừa pha chút tự hào dù không có kỳ hoa dị thảo nhưng không thiếu sắc màu và sự phong phú của cảnh vật, của cuộc sống hôm nay, qua góc nhìn trẻ thơ, nhìn từ khoảng sân, vườn hoa ra thế giới bên ngoài. Hoa nhiều loại, khoe sắc, đưa hương, hoa mạnh mẽ vươn lên, hoa đúng giờ nhắc nhớ, hoa xinh tươi khiến bướm vàng ngơ ngác. Và nhân vật chính bước ra, một ngày chủ nhật, chú bé chăm chỉ tập thể dục, tập bơi cùng bố mẹ với tâm niệm:

Bao khó khăn phía trước/ còn chờ bước em qua/ cần chăm chỉ luyện tập/ đủ sức vượt đường xa” (Chủ nhật của em)

Một câu chuyện cũng bắt đầu, từ góc vườn, với chú ếch xanh. Tâm tình với các em, nhà thơ dùng câu chuyện để bày tỏ thông điệp mới, tư duy mới. Xưa nay người đời thường nói “ếch ngồi đáy giếng”, nay chú ếch làm cuộc phiêu lưu để nhận diện thêm thế giới bên ngoài “cứ ngồi hoài đáy giếng/ sẽ biết được bao nhiêu”. Bằng tư duy đó, hành động đó đem lại nhận thức mới và đúng hơn, khác trước một trời một vực:

Kìa bầu trời rộng lớn/ mây ở tít trên cao/ thế sao ông lại bảo/ bằng cái đĩa nhà tao

Ếch say sưa tìm hiểu thế giới lạ lẫm song vẫn rất ngoan, trở về khi nghe mẹ gọi:

“Nhà xây bằng gì thế/ mà cao khiếp thế này/ đường đi đâu dài thế/ mà xe chạy đêm ngày/ ộp ộp tiếng mẹ gọi/ ếch xanh phải về đây” (Chú ếch xanh)

Với bài thơ “Bác gấu đen và hai chú thỏ” là một bài học luân lý nhẹ nhàng. Hai chú thỏ mải chơi, làm gãy những chồi non, bác gấu nhắc nhở nhẹ nhàng và cùng đi thăm thỏ xám đang bệnh:

“Sao hai cháu chẳng màng/ đến nỗi đau người khác/ hãy đi cùng với bác/ thăm thỏ xám ốm rồi

Khi bão về, thấy ông bà lo lắng, em nhỏ cũng hiểu dần về đất nước, nhất là những vùng quê ở miền Bắc, miền Trung, nơi các em cũng có những người thân đang sống, phải hứng chịu thiệt hại do bão lũ hoành hành. Câu thơ như chùng xuống cùng nỗi lo âu tăng lên theo sự dữ dội của mưa bão:

“Mưa trắng cả bầu trời/ thế rồi gió ào ạt/ mưa bão quật tơi bời/ những ngôi nhà tốc mái/ mưa như trút nước vào/ kìa quyển sách tập đọc/ ướt nhoè, thương làm sao” (Bão về)

Dạy cho các em về lòng nhân ái, về tình Tổ quốc, nghĩa đồng bào qua những câu thơ như thế này dễ thấm, nằm sâu trong tiềm thức và thôi thúc hành động tương thân tương ái khi các em lớn lên, đủ sức làm những việc thiện giúp ích cho đời. Các em cũng yêu đất nước hơn qua tình yêu quê hương, dòng họ. Về với quê nội, bé yêu thiên nhiên tươi đẹp, từ khu vườn xanh cây trái đến ruộng đồng thẳng cánh cò bay. Bé nói trong hồn nhiên về tình yêu quê nội: “Ba mẹ về đi làm nhé/ bé thương nội…, hổng về đâu”…

Về với miền quê, bé có thêm nhiều kiến thức, hiểu rõ hơn về bốn mùa qua cảnh vật quanh mình biến chuyển, tấm lòng thêm hồn hậu để yêu quê hương, để học làm người:

Mùa xuân cõng bao nắng ấm/ về cho đồng lúa thêm xanh/…mùa hè về theo cơn gió/ nồng oi cây đứng bên đường/… tùng tùng trống trường đã điểm/ bé vui, bè bạn gặp nhau/ thế rồi mùa đông rét mướt/ gió mưa giọt ngắn giọt dài/ hàng cây rung mình run rẩy/ mong mùa xuân ấm về đây” (Bốn mùa của bé)

Xuất thân là cô giáo nhiều năm đứng trên bục giảng, là người mẹ, người bà, Trần Hà Yên hiểu rõ tâm lý trẻ em, thơ của chị cũng nhẹ nhàng mà lắng sâu những bài học chị đem đến cho bạn đọc nhỏ tuổi. Như con suối trong, chảy róc rách, thấm sâu từng ngày vào tâm hồn trẻ thơ. Chẳng hạn bài thơ “Cáo và gà trống”, ngỡ là chuyện ngụ ngôn như từng nghe từng đọc, song lại mang màu sắc khác, thể hiện sự mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của gia đình Gà, đoàn kết đồng lòng đối phó với Cáo già:

Gà mái bảo đàn con/ núp dưới bụng của mẹ/ gà trống núp một bên/ cặp chân đầy móng nhọn/ chờ cáo vào vung lên/ cáo chờ đến gần sáng/ chẳng làm được gì thêm/ phải về khi bụng đói/ tiếc rình cả một đêm

Bài thơ dựng một hoạt cảnh đầy khí chất kiên cường, sức mạnh của sự đồng lòng, làm nức lòng bạn đọc nhỏ tuổi, hiểu thêm về tình yêu gia đình, đoàn kết yêu thương.

Thế giới của các em luôn đáng yêu, nhất là qua cử chỉ, hành vi của các em, qua cách các em diễn đạt ngôn từ, qua tư duy và lăng kính của trẻ thơ. Hai anh em ham chơi, làm vỡ chiếc bình pha lê, đến chiều về Tí trả lời bố rất hồn nhiên:

Chiều về thấy vậy bố hỏi/ sao bình bị vỡ thế này/ anh Hai ngập ngừng nhìn bố/ Tí thưa: Tại nó bị say” (Chiếc bình bị vỡ)

Không phải người say mà là chiếc bình bị say, bình bị say nên vỡ là đúng rồi. Không thể không bật cười với hai anh em Tí và cũng dễ say những câu chuyện của tuổi thần tiên trong tập thơ này. Hãy đọc về cách nghĩ của Tũn, chàng thợ xây nhỏ tuổi: Bố mẹ đã có nhà, chỉ còn Vàng là không có nhà, đêm thâu nằm suốt bậc thềm, cửa ngõ. Thế là lọ mọ xây nhà cho Vàng, song Tũn quên mất một điều:

Nhưng mà Tũn quên mất/ Vàng có cần nhà đâu/ vào ra canh giữ cửa/ cho mọi người ngủ sâu” (Tũn làm thợ xây)

Cách nghĩ về người khác, biết cho đi, đó mới là những giá trị sống các em cần được truyền dạy, thực hành. Bên cạnh đó là tình yêu thương. Hãy bắt đầu từ những nơi chốn, môi trường gần gũi, từ nhà ra cánh đồng, từ miền quê lên thành phố, lớn dần bằng tình yêu quê hương, đất nước.

Sáo diều đùa vui với gió/ bà em ngồi mát thảnh thơi/ xa xa ngoài đồng mẹ cấy/ thương cha đầu ghềnh cuối bãi/ chiều hè đồng quê thương mến/ cho em ngày tháng ngọt lành” (Chiều quê hương)

Mùa xuân, đến với chợ hoa “mẹ mua cành đào nhỏ/ dẫn mùa xuân về nhà”, rõ ràng bé đã lớn dần lên, thấu hiểu mùa xuân sau những nhọc nhằn ngày tháng hy sinh của các đấng sinh thành, mùa xuân theo về là hạnh phúc đơn sơ mà quý giá vô ngần. Bé lớn dần lên, biết làm những điều hay lẽ phải nhiều hơn:

Kìa một cô gái nhỏ/ đang đi bộ tung tăng/ vội chạy đến giúp cụ/ không qua khi đèn xanh/ chờ đèn đỏ xuất hiện/ mọi người đứng lại rồi/ trên vạch đường đi bộ/ mình sẽ qua cụ ơi” (Cô gái nhỏ)

Và nơi chốn yêu thương nhất là gia đình, nơi chắp cánh tâm hồn, giũa rèn nhân cách, các em được tỏ bày tình yêu với mẹ:

Những nốt nhạc đầu Nghé tập/ là bài hát Mẹ yêu ơi/ cây đàn như cùng thổn thức/ lời con yêu mẹ nhất đời” (Học nhạc)

Với bố, như khi bố phải nằm viện:

Vắt nước cam cho bố/ thêm vào một ít đường/ em mong bố khỏe lại/ để một nhà bên nhau” (Khi bố bị ốm)

Đức hy sinh của đấng sinh thành được đúc kết qua bài thơ “Ong thợ”, một bài thơ hay, xúc động. Ngày đêm làm quần quật, ong thợ chẳng được chơi, từ đó liên tưởng nâng cao bằng hình tượng người mẹ:

Em thương cô ong thợ/ vất vả như mẹ em/ đôi bàn tay chai sạn/ áo đẫm giọt mồ hôi/ vẫn cần cù chăm chỉ/ một đời cho con thôi

Với tập thơ này, Trần Hà Yên đã chứng tỏ bút lực vững vàng, đem đến cho bạn đọc nhỏ tuổi nhiều cảm xúc thẩm mỹ và những bài học nhân sinh. Từ vườn hoa nhà em đến cuộc sống bên ngoài, thế giới trẻ thơ vẫn lung linh sắc màu cho dù thế giới người lớn phức tạp hơn. Song qua những bài thơ, tất cả như được hóa giải, không còn khoảng cách, tất cả đều trở nên dễ hiểu, bởi gắn kết bởi tấm lòng nhân hậu, sự yêu thương và những tình cảm chân thành giữa con người với con người, với thế giới quanh ta. Gấp sách lại vẫn còn những dư ba tiếng trẻ cười giòn, những đôi mắt đen tròn lấp lánh…

Bài đăng Thời báo Văn học - Nghệ thuật số ra ngày 15/8/2024

Bài viết liên quan

Xem thêm
Mai Quỳnh Nam và một phía
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về thơ Mai Quỳnh Nam
Xem thêm
Một đêm trăng không dễ có ở trên đời!
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần.
Xem thêm
Một vọng âm quá khứ hào hùng nhưng lắm đau thương
Đọc “Hòa âm đêm”, Nxb Hội Nhà văn, 2024 của Trương Tuyết Mai
Xem thêm
Khám phá vương triều Tiền Lý qua tiểu thuyết lịch sử
Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai là người khá đa di năng. Từ lúc bước vào văn nghiệp, anh viết kí, truyện ngắn, làm thơ, cày báo… đều đặn, thuộc dạng “nhạc nào cũng nhảy được” và nhảy khá hay.
Xem thêm
Triệu hạt tâm hồn rót đầy biển tình yêu
Võ Thị Như Mai đọc PHẢI CHI MÂY TRẮNG KHÔNG NGANG NGÕ, Nguyễn Đức Quận, NXB Hội nhà văn, 2024.
Xem thêm
Tiểu luận Võ Quốc Việt: Vài cảm nhận về Cuộc thi Thơ 1-2-3
Cuộc thi Thơ 1-2-3 (The 1-2-3 Poetry Style/ Phannist Poetry) năm 2024 – 2025 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tác giả trong lẫn ngoài nước và đã công bố kết quả. Nhà lý luận phê bình, nhà thơ Võ Quốc Việt – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban Chung khảo đã có bài tiểu luận công phu, sâu sắc mang tính tổng kết về cuộc thi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Xem thêm
Đọc tập thơ Dọc đường máu của Vương Cường
Nguyên Hùng giới thiệu tập thơ mới của Tiến sĩ nhà thơ Vương Cường
Xem thêm
Vũ điệu tái sinh trong từng cơn đau
Bái viết về tập thơ “Nghiêng về phía nỗi đau” tập thơ của Trịnh Bích Ngân (NXB Hội Nhà văn, quý II, 2024)
Xem thêm
“Ai cũng có ngày xưa” của nhà thơ Trần Duy Hiển
Gió vẫn thổi suốt chiều dài trận mạc/ Người nhẹ nhàng nằm lại lúc vượt sông
Xem thêm
“Theo chồng về quê” của Mai Khoa – một bài thơ hay
Bởi yêu chồng từ lúc mới bén duyên/ Như tình biển yêu thuyền thương nhớ
Xem thêm
Trò Chuyện Với Thiên Thần – Những Tai Họa Thế Giới & Giấc mơ Việt Nam
Triết gia Hy Lạp Platon đã nói: “Thước đo của một con người là xem cách anh ta làm gì với quyền lực”. Thế nhưng, có rất nhiều người có quyền, vì lòng tham và ích kỷ cá nhân nên đã hủy hoại nhân cách và đất nước của họ (TCVTT/ Trương Văn Dân)
Xem thêm
Thi ca đương đại nhìn từ hệ hình nghệ thuật và chất suy tưởng của thơ
Sáng ngày 12.02.2025 tại Ninh Bình, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”. Dưới đây là tham luận của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
Xem thêm
Tôi đọc bài thơ Đừng sợ một mình của thi sĩ Trần Mạnh Hảo
Trần Mạnh Hảo và thơ ông đã sớm là “tín ngưỡng” đẹp nhất trong lòng của những người yêu thơ, quý chữ nghĩa chân chính. Từ thời còn trên giảng đường đại học, tôi đã từng nghe thầy tôi đọc những câu thơ trong trường ca Đất nước hình tia chớp. Từ đó, tôi bắt đầu săn sóc sự học, sự đọc về thơ ông.
Xem thêm
Hoàng đế Quang Trung, danh tướng bách chiến bách thắng
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, hiếm có một anh hùng nào như Hoàng đế Quang Trung, xuất thân áo vải, cả đời chinh chiến, danh vang bốn biển, đánh giặc lập nước, tôn vinh văn hiến, khuyến học khuyến tài, những bậc quốc sĩ danh thần cảm phục uy danh mà theo về giúp rập. Đặc biệt, trong hai lần đại phá quân Xiêm La và quân Thanh, ông đã bằng vào tài năng quân sự thiên bẩm của mình, đánh cho lũ giặc phía Nam, phía Bắc phải kinh hồn táng đởm. Ông từng hào sảng tuyên ngôn trong Chiếu xuất quân khích lệ tướng sĩ khi hành binh ra Bắc Hà đánh tan 29 vạn quân Thanh
Xem thêm
Mùa Xuân trong thơ Dương Xuân Linh
Bài viết của nhà thơ Phùng Hiệu
Xem thêm
Xuân về, đọc thơ Trương Nam Hương
Tuấn Trần viết về tập thơ “Thời nắng xanh” của Trương Nam Hương
Xem thêm
Tình yêu bển đảo trong thơ Lê Tiến Lợi
Nhà thơ Lê Tiến Mợi là một trong những người gắn bó lâu năm với nghiệp văn chương. Anh đã có số lượng tác phẩm khá lớn, trong đó một số sáng tác của anh đã chiếm được cảm tình của người đọc. Sau đây xin trân trọng gửi tới Ban Biên tập Văn chương thành phố Hồ Chí Minh bài viết về tình yêu biển đảo trong thơ anh. Xin chân thành cảm ơn Ban Biên tập khi được cộng tác với Văn chương thành phố Hồ Chí Minh.
Xem thêm
Mảnh trăng tinh tấn hàng cau trổ buồng
Cảm nhận về tập thơ SỰ MẤT NGỦ CỦA LỬA của Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Kẻ cày mây thu và gieo trồng muôn dặm sao
Bài viết của Tuần Trần về tập thơ “Những đám mây mùa thu” của Trần Quang Khánh
Xem thêm