TIN TỨC

Học giả An Chi: “Có Internet, tôi vẫn cần nhờ sách”

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
655 lượt xem

Học giả An Chi tên thật Võ Thiện Hoa đã qua đời lúc 13h05 ngày 12.10.2022, nhằm 17.9 Nhâm Dần, tại TPHCM, hưởng thọ 88 tuổi. Tưởng nhớ nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp quan trọng cho nền học thuật, văn hóa nước nhà, chúng tôi trân trọng giới thiệu lại trả lời phỏng vấn sâu sắc của học giả An Chi để chúng ta hiểu hơn cuộc đời và sự nghiệp đáng kính trọng của ông!

Học giả An Chi

Không bằng cấp cao, không danh phận lớn, nhất định không nhận mình là một học giả, nhưng có lẽ ông là một trong số rất ít người mà nhà ngôn ngữ Cao Xuân Hạo dành tặng những lời trân quý như “việc đọc anh trở thành một lạc thú thanh tao”.

Tác giả bộ sách Chuyện Đông – Chuyện Tây với những giải đáp tường tận, uyên thâm và hóm hỉnh về ngôn ngữ, văn hóa, điển tích… nay chỉ nhận mình là An Chi “từ nguyên”.

Tôi thích ngôn ngữ, yêu tiếng Việt

* Vì sao lại là về “từ nguyên” (nguồn gốc của từ ngữ), thưa ông?

– Tôi vốn học văn – sử – địa (Trường Sư phạm trung cấp Trung ương khóa 1956-1959), ra trường được phân công đi dạy văn. Hồi đó sách ngữ pháp rất ít, mà lúc dạy vướng nhiều điều khúc mắc. Tôi có viết một bài góp ý về ngữ pháp (trao đổi về khái niệm tân ngữ trực tiếp – gián tiếp) cho một tạp chí khoa học xã hội, thấy ngữ pháp là vấn đề rất cần được chú tâm và mình nên chú tâm.

Từ lúc ấy tôi bắt đầu ghi chép về ngữ pháp, nhất là về từ láy. Tôi còn nghĩ ra một định nghĩa riêng về từ láy. Nhưng lúc đi sâu vào lại tắc nên tôi thấy cần tạm dừng để đi vào từ nguyên trước. Sau này, đi sâu vào từ nguyên học thì thấy đúng như ông Cao Xuân Hạo nói, mỗi âm tiết là một hình vị, một từ, thành ra không còn từ láy nữa.

Tôi chịu ơn về tinh thần rất lớn đối với ông Lê Ngọc Trụ, tác giả cuốn Chánh tả Việt ngữ mà tôi bắt đầu đọc từ năm 15 tuổi. Tôi thích ngôn ngữ, yêu tiếng Việt từ thuở ấy. Đối với tôi, việc nghiên cứu từ nguyên vừa là sở thích vừa là sở nguyện. Tôi thích từ nguyên do muốn tìm căn nguyên của tiếng Việt.

* Ngần ấy năm giao tiếp với độc giả trong chuyện chữ nghĩa, điều gì đọng lại trong ông?

– Tôi không nghĩ việc mình làm là to tát, chỉ nghĩ mỗi kỳ Chuyện Đông – chuyện Tây chắc cũng giúp vui cho độc giả chốc lát. Từ thư của độc giả yêu cầu giải đáp, tôi thấy nhiều người có trình độ khá, ngược lại có nhiều người trình độ bình thường nhưng thích hỏi những cái hóc búa, lại có nhiều bạn đọc rất trân trọng những vốn xưa của nước nhà. Đối với những nhân vật, biểu tượng, khái niệm xưa người ta rất cung kính.

Tôi cho đó là một điều hay vì cung kính, trân trọng vốn xưa thì dân tộc nào cũng nên dù rằng không nên sùng bái cá nhân, sùng bái cổ nhân, dựa hẳn vào những sự kiện lịch sử xa xưa mà biện hộ nếp sống thời nay. Tôn trọng vốn cổ, kính trọng tiền nhân, rất nhiều bạn đọc cho tôi thấy điều đó qua thư.

* Ấn tượng của độc giả về ông An Chi là “cái gì cũng biết”. Vậy có câu hỏi nào của bạn đọc ông không giải đáp được?

– Cái đó nhiều lắm. Về sau mục Chuyện Đông – chuyện Tây có ba trang, chứ thoạt kỳ thủy chỉ có một trang, mà người ta hỏi đủ chuyện sao mình trả lời hết được, đâu đủ hiểu biết để trả lời hết. Cũng không thể trả lời hết cho mọi người là vấn đề này tôi không biết. Thôi đành để độc giả hiểu là mình không có khả năng trả lời, mà sự thật đúng là như vậy.

Để là “học giả”, tôi phải hơn tôi nhiều lần

* Thời chưa có máy tính, Internet, ông thường dựa vào những nguồn tài liệu nào khi trả lời độc giả?

– Tôi không được học đại học, mà hồi trước không có bằng đại học vào thư viện rất khó, không được mượn những sách quan trọng cần để nghiên cứu. Lúc ấy, mượn được cuốn nào là tôi chép lại hết những thứ mình cần.

Cuốn từ điển thời hiện đại mà tôi có thiện cảm nhất là cuốn Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển Vietlex do nhóm của ông Hoàng Phê làm (Nhà xuất bản Đà Nẵng). Những vấn đề tổng quát tôi tra ở đó, còn khi cần đối chiếu tôi vào Đại Nam quấc âm tự vị của Hùynh Tịnh Của, Từ điển An Nam – Bồ Đào Nha – Latinh của A.Rhodes, nói chung tôi dùng nhiều từ điển lắm.

Hồi ở Thái Bình, tôi mua được quyển Hạ trong bộ từ điển Từ Hải. Mày mò đọc từng chữ trong đó, xem có gì có thể liên hệ với từ nguyên trong tiếng Việt, dần dần tích lũy. Hồi đó tôi dùng cả ba quyển thượng – trung – hạ của Khang Hi từ điển, 36 tập. Cuốn từ điển từ nguyên mà tôi định làm bắt đầu từ khi tham chiếu cuốn này.

Tôi thường đưa nguồn tra cứu của mình khi trả lời trong Chuyện Đông – chuyện Tây. Sự thật tôi hầu như không đi điền dã, lại dị ứng với thư viện. Tôi chỉ trả lời dựa trên những gì may ra đã có trong đầu, nếu không có sẵn trong vốn hiểu biết thì nhờ vả tủ sách của mình.

Những vấn đề gì kiểm lại không thấy có trong tủ sách của mình thì thuộc về phần tránh né tôi đã nói ở trên, mà phần này thì nhiều lắm (cười). Chẳng hạn chuyện “vợ thằng Đậu” mà nhiều người hỏi, tôi có hỏi thêm mấy người cao tuổi cũng không ra được kết quả hay nên thôi. Hay hồi trước có một người hỏi về tên tuổi một bà được thờ cúng trong dân gian, tôi cũng không tìm ra được.

Nguyên tắc là căn cứ vào hiểu biết chung để lấy ra cái hợp lý nhất vì đâu phải tất cả đều nằm trong một cuốn sách hay từ điển nào đó.

Bây giờ có Internet, nhưng đối với tôi Internet cũng chỉ quan trọng ở phần tin tức thời sự, chứ tôi vẫn chủ yếu nhờ sách. Tôi vừa trả lời cho một anh bạn trên Facebook cũng vẫn phải nhờ sách, mà mỗi cuốn chỉ lấy được một chỗ thôi, ba chỗ ở ba quyển.

* Ông lập trang Facebook cá nhân từ khi nào?

– Chừng một năm nay thôi. Thỉnh thoảng rời bỏ sách vở vì chán hay vì mỏi mệt, tôi vào mạng đọc tin tức. Nghe người ta nói nhiều đến Facebook nên thử vào tìm hiểu, rồi thấy hướng dẫn mở một trang cá nhân cũng không khó lắm nên làm theo.

Tôi thấy Facebook vui, bổ ích dù cũng có những mặt tiêu cực. Vui là vì thỉnh thoảng mình có những người bạn mới, thỉnh thoảng có một bạn trẻ gõ lên tường của tôi, đề nghị tôi công bố ý kiến về chuyện này chuyện khác mà bạn ấy đang tranh luận với ai đó, rồi thỉnh thoảng viết lách gì đó được một bạn bình luận hoặc đánh dấu “like”, tôi cũng thích lắm. Tôi mới có 104 bạn thôi, một người bạn tôi thì đã có tới hơn 1.000 bạn.

* Ông nghĩ gì về những đề nghị có một ngày của trí thức trong năm?.

– Có một ngày trí thức cũng là một việc làm tốt. Vai trò của trí thức với quần chúng, với đất nước rất lớn, nhất là ở sự hướng dẫn, định hướng. Tại sao mình có ngày nhà giáo, nhà báo, doanh nhân mà lại chưa có ngày trí thức? Nhưng tôi phải nói luôn là tôi chưa bao giờ tự nhận mình là trí thức để đứng vào hàng ngũ (trí thức) đó cả. Ngay cả hai chữ “học giả” tôi cũng rất sợ, rất khó mà đạt được, hai chữ đó rất cao. Tôi nghĩ tôi phải hơn tôi nhiều lần mới xứng đáng với hai chữ đó.

Trong nước, một số người đã được tôn vinh bằng hai chữ “học giả” rất xứng đáng, như cụ Đào Duy Anh. Tôi đã nhiều lần phản bác cụ Đào, nhưng vai trò của cụ đối với văn hóa Việt Nam rất lớn, lớn đến mức những phản bác của tôi chẳng có mấy nghĩa lý (cười).

* Ông trả lời rất nhiều thư độc giả. Nhiều người biết ơn ông nhưng cũng có những người phản đối, tranh luận khá căng thẳng. Ông đón nhận sự phản ứng ấy ra sao?

– Mình không thể tránh được chuyện phê bình của người khác. Hơn nữa, chuyện phê bình, nói như ông Trường Chinh là vẫn “cần cái roi phê bình quất cho con ngựa lồng lên”. Phải như vậy nhiều khi giúp cảnh tỉnh mình, nếu không mình cứ chủ quan cho là mình đúng.

* Ông sẽ làm tiếp cuốn từ điển về từ nguyên chứ? Ông Cao Xuân Hạo từng nói một người có luận điểm khoa học quan trọng và thú vị như ông nhất định sẽ cho ra những chuyên luận sâu sắc.

– Tôi đang tính làm cuốn từ điển từ nguyên về các từ Việt gốc Hán, bây giờ nó vẫn bị treo lại vì tôi đang cộng tác với mấy tờ báo, ngốn hầu hết thời gian. Tôi có tư liệu nhưng cũng cầu toàn, nhiều mục từ cần sắp xếp bố trí lại, đưa ra từng trường hợp tương ứng ngữ âm cũng khá rắc rối nên vẫn phải để lại. Tôi ngưng cũng mươi năm nay, dù đã bắt đầu làm hồi còn ngoài Bắc.

Tư liệu nhiều nhưng phải rà soát, lọc ra, mất nhiều thì giờ lắm. Nghiên cứu về từ nguyên là một công việc tôi vẫn làm đều nhưng cũng không hi vọng sẽ có nhiều thứ để công bố.

***

 “Dù chỉ có mấy tập Chuyện Đông – Chuyện Tây không thôi thì tôi cũng thấy học được của anh rất nhiều rồi. Vả chăng chính cuộc đời của An Chi cũng đã là một tấm gương sáng chói của ý chí vượt qua mọi nỗi gian truân để đạt đến một đỉnh cao của tri thức”.

“Những câu trả lời của anh trên tạp chí đã làm thỏa mãn phần đông độc giả vì đó đều là kết quả của một quá trình tra cứu nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm đối với khoa học và đối với những người đã có lòng tin cậy mình. Thêm vào đó là lời văn trong sáng, đĩnh đạc, nhiều khi dí dỏm một cách nhã nhặn và tuệ minh, làm cho việc đọc anh trở thành một lạc thú thanh tao”. (Trích lời tựa của Cao Xuân Hạo cho bộ sách Chuyện Đông – Chuyện Tây)

“Trước khi nghỉ hưu khoảng hai năm, lúc ấy tôi công tác tại Phòng Giáo dục quận 1 (TP.HCM), người ta đưa tôi xuống làm hiệu trưởng một trường nhưng tôi chỉ nhận làm quyền hiệu trưởng (để chờ tìm người) vì thấy mình không có khả năng. Tôi dạy thì có hấp dẫn được học sinh tí chút, nhưng dạy hay không có nghĩa có thể làm hiệu trưởng.

Bây giờ không phải ai cũng tỉnh táo để biết mình giỏi, dở cái gì để từ chối bổng lộc, chức tước. Đây là cái bất lợi cho người Việt Nam mình. Lẽ ra ngay ở trường tiểu học đã phải dạy cho học sinh về điều đó, phải biết mình thế nào, mình có thể cống hiến cho xã hội về phương diện nào, tới mức độ nào. Chứ bây giờ xu hướng chung là hễ dạy được thì làm hiệu trưởng được, rất sai” – học giả An Chi.

***

An Chi tên thật là Võ Thiện Hoa, sinh năm 1935, tại Sài Gòn – Gia Định. Ông phụ trách mục Chuyện Đông – chuyện Tây của tạp chí Kiến Thức Ngày Nay từ năm 1992, kéo dài gần 15 năm, giải đáp những mối băn khoăn về chữ nghĩa, tri thức nói chung, sau tập hợp thành bộ sách cùng tên với 6 tập (NXB Trẻ)

CẦM PHAN – KHỔNG LOAN

Báo Tuổi Trẻ Cuối tuần 20.4.2011

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm