TIN TỨC

Khúc biến tấu “Mặt nạ hương”

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
330 lượt xem

Đọc thơ, như là phép hóa thân, tan chảy cảm xúc của mình cùng cảm xúc bài thơ. Người đọc lắng lòng theo con chữ, hòa điệu với nhịp điệu của ngôn từ. Tôi may mắn tìm thấy sự đồng điệu đầy hứng thú khi đọc thơ Nguyễn Thánh Ngã.

Hơn thế nữa, Ngã dắt ta vào thế giới của sự bay bổng, thực mà ảo tan quyện nhau. Chỉ có ngôn ngữ của thơ mới có quyền năng và phép mầu làm cho chất thơ lung linh biến ảo lạ thường. Bằng lối viết đầy cảm xúc trong trẻo, với cách “nhấn nhá” khá chắc tay, hồn thơ tung tẩy mà vẫn đọng lại dư ba ngọt ngào, nồng chất thơ và nhạc. Thơ hiện đại đa phần thiếu chất thơ vốn có của thơ. Các nhà thơ dường như mê mãi với sở trường của riêng mình, đôi khi không cần biết đến chất thơ đã bị bào mòn âm thầm. Phải chăng chất liệu của đời sống không còn thơ?

Riêng với nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã, dù viết đề tài nào, Ngã luôn dành phần cho chất thơ sâu lắng…trên cái nền hiện thực có lúc lắm xù xì, gai góc. Nhà thơ có tài là kẻ biết thổi hồn cho con chữ thoát xác bay lên. Đó là dụng công, bản lĩnh làm nên bản sắc của nhà thơ. Chất thơ còn lại của bài thơ là chất xúc tác cho âm nhạc, như một cặp song sinh…

Ngã vừa tung bài lên “fecabook” hôm trước, hôm sau đã có nhạc sĩ phổ thành bài hát… “Mùa hoang/Giọt nước đi hoang/Mồ côi tạt vào khung cửa/Ve sôi, phượng xòe ngón lửa/Mây ơi /Mây vội vàng chi… Tháng tư hoa kèn đã nở/Áo em trinh nguyên ngày nọ/Mưa ơi, có còn long lanh/Dòng sông có còn trong xanh/Đò xưa, con đường bến chợ/Chỉ còn em, và nỗi nhớ… Mây ơi/Mây vội vàng chi…”(Vội vàng mùa hạ)

Một nỗi gì xa vắng, một chút gì mong manh tìm về như “đòi nợ” nhà thơ, quá khứ đi qua còn đọng lại. Cảm giác đó làm sao diễn đạt cho thật nồng nàn sâu lắng? Khi sự đồng điệu tìm thấy nhau, nhạc sĩ đã chấp cánh cho bài thơ “Vội vàng mùa hạ” thành bài hát. Bằng những quãng âm cao vút như khoét vào hồn ta nỗi thảng thốt về không gian, thời gian , kiếp người thăm thẳm… không thể diễn tả hết bằng lời, chỉ có âm thanh cộng hưởng làm cho giai điệu bài hát càng cuốn hút, mê hoặc…với điệp khúc “mây ơi, mây vội vàng chi” như câu hỏi tưởng vu vơ lại đầy ám ảnh!

Từ một điểm nhìn còn mơ hồ, bằng sự nhạy cảm riêng, Ngã đã “kiến trúc” cho đường nét ngôi nhà thơ thành hình, định dạng. Từ những “miền hoang” xa khuất trong đường biên của trí tưởng đến muôn mặt đời thường. Ý thơ được khái quát, lạ hóa một cách nhẹ nhàng, tránh sự tẻ nhạt theo lối biên chép kể lể… Nếu bài thơ không có “năng lượng”, bạn đọc dễ bị chán; như trong cuộc chạy đua không được tiếp sức; nó không có khả năng giữ bạn ngồi lâu, dù bàn tiệc ngôn ngữ dọn ra lắm sắc màu. Bài thơ khả dĩ làm ta ám ảnh bởi một nửa chưa định dạng; một nửa còn phôi thai, vừa dư ba vừa dư hương…

Trong thơ, ngôn ngữ luôn có tính biểu tượng hai mặt. Nhà thơ dụng công cài đặt đa tầng đa nghĩa. Và với trường liên tưởng rộng, bài thơ có nhiều đáp án… Đây là thơ có khả năng “hầu chuyện” bạn đọc lâu dài. Ngược lại là thơ nông; đọc xong là xong!

“Mặt nạ hương” là tập thơ thứ 8 trong gia tài thơ của nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã. Chính sự sáng tác đều tay cũng góp phần làm nên “thương hiệu” nhà thơ. Trời cho Ngã tâm hồn thi sĩ đích thực, thơ theo từng bước đường, Ngã chưa lúc nào bỏ cuộc trên hành trình tìm kiếm chính mình, tìm về chính mình, bằng ngôn ngữ hiện đại, luôn tìm cách bứt phá đến với cái mới lạ trong cách nhìn, cách thể hiện.

Chưa có nhà thơ nào tỏ lộ về cách viết của mình trong cách thể hiện hình thức bài thơ, ví dụ như : Khi chữ đầu dòng không viết hoa; phải chăng ngầm thông diễn những chi tiết còn tiếp tục khai mở; làm cho ta có cảm giác ý thơ còn vương vấn đâu đó chưa thể nói hết?…

Câu thơ không dàn ngang mà xuống dòng như nét chấm phá đột biến. Ở đó chữ như bơi, như lặn, như mọc, lúc sáng, lúc tối, khi là đường , khi là nhà, khi tròn khi khuyết…

mặt em

mọc từ vầng trăng mẹ

tròn khuyết thâu canh

đôi mắt em bơi

đôi môi em lặn

vào thính giác cô đơn

mẹ khâu giấc mơ mặt nạ

đắp khuôn trăng

rong ruổi khắp bầu trời tối sẩm

ánh sáng em là đường

nỗi nhớ em là nhà

nhưng trái tim em là hương

lan tỏa một tình yêu lặng lẽ…

(Mặt nạ hương)

Mỗi loài hoa luôn mang một sắc thái biểu cảm khác nhau. Sắc là của hoa; màu là  góc nhìn mỗi người phối trộn riêng nên phải chăng vô tình hoa mang “mặt nạ” khác nhau? Theo cách diễn tả riêng của mỗi người?

Hương là nguyên bản thẳm sâu, bởi hương không tạo dáng mà thắm đẩm cốt cách dâng hiến thiêng liêng. Khúc biến tấu giữa hoa – hương luôn kỳ thú và huyền ảo! Bãng lãng trong không gian một làn hương, một tình yêu lặng lẽ. Lặng lẽ bởi hương vốn không ồn ào, ta nhận ra hay không nhận ra, hương cũng âm thầm tự tan mất. Mặt nạ có nhiều(…), hương chỉ là hương? Đó là giá trị đích thực của hương! Hay cũng chính là giá trị tiềm ẩn của tâm hồn? Bởi con người được ví như “hoa của đất”. Đó là ẩn dụ sâu xa,ý vị của bài thơ.

 Nếu sự cảm của người đọc trùng khít với ý của nhà thơ, đó là sự đồng điệu thâm sâu. Nếu không, có khi lại mở ra tầng liên tưởng khác, không kém phần thú vị dành cho người đọc được quyền khám phá, nhằm mang lại khoái cảm thẫm mỹ riêng. Thơ luôn khát khao tìm kiếm không gian mới. Mỗi bài thơ là một thể nghiệm đầy ám ảnh… để chạm vào “những quặng nghĩa nằm trong lòng chữ”; “quặng nghĩa sẽ dâng cho đời tầng vỉa hương thơm”.

Nhưng lạ thay! trong niềm vui sáng tạo, sau khi đã leo lên tận đỉnh; thơ quay về hòa nhịp với tiết tấu dưới chân mình. Sau khi hành hương xuyên cõi mộng; thơ mới ngộ ra “thi tánh” lòng mình. Sau khi bung tỏa cảm xúc; thơ lại thích lắng yên trong ngôi nhà minh triết để “thu hoạch” những “giấc mơ”… “Giấc mơ của người gieo trồng là mùa thu hoạch/Giấc mơ của ngôn từ là ý nghĩa của đau thương/Núi đau thương sẽ hút những gì quăng ra khỏi nó/Nếu không ra ngoài quỹ đạo của Tình yêu” (Từ trường chữ)

Điều đáng quý còn lại của thơ Ngã là chất thơ còn đọng lại cho mỗi câu thơ, ý thơ… như món quà tặng bạn đọc. Ngã không làm người đọc thất vọng khi kết thúc bài thơ của mình; luôn gởi gắm một điều gì đó như lời bộc bạch thân tình “Nhờ tưởng tượng thơ luôn bắt đầu mà không có kết thúc…” ; “người thở /hay hơi thở/mà tiếng thở dài/cột vòng quanh trái đất…”

“Ngạc nhiên”  Ngã âm thầm phát hiện ra vấn đề khi một lần vô tình chạm trán với cánh cửa kính trong suốt.Ta có lần cũng bất ngờ như thế trong đời, rồi xuýt xoa bỏ đi. Riêng Ngã có bài thơ để lại, còn tinh ý nhận ra một vật cản đáng sợ hơn: đó chính là cái vô hình không thể gọi tên, quy kết… “bước vào quán cà phê/trán tôi đập vào cửa kính trong suốt/ngạc nhiên!/và ngạc nhiên khiến tôi chợt hiểu/có những vật cản nhìn thấy/có những vật cản không nhìn thấy trong đời…”(Ngạc nhiên)

Có lần cùng trò chuyện về thơ, tôi nói lời nhận xét chủ quan: “Thơ bây giờ dường như đã mất giá”. Ngã không ngần ngại đáp lời tôi như một phản đề: “Thơ vô giá chứ ”! Bởi xét cho cùng, giá trị vĩnh cửu của thơ ca biết lấy gì cân, đong, đo, đếm để so sánh? khi thơ cũng là thú chơi tao nhã sang trọng, trí tuệ, rất riêng; vậy thì tất cả đều bình đẳng trong cuộc chơi này. Ngã không bao giờ tuyên ngôn, lập thuyết cho thơ phải thế này, thế nọ. Ngã tuyên ngôn bằng chính bài thơ của mình. Đó là cách định nghĩa về thơ hay nhất, thuyết phục nhất. Người làm thơ, hầu như ai cũng có thể đúc kết kinh nghiệm về tiêu chuẩn bài thơ hay. Nhưng làm được bài thơ hay lại là chuyện khác.

 Bài “Lời tụng ca vết thương” đã vỡ lẽ điều ấy:

“sợi chỉ đã chịu đóng đinh vào da thịt con người/ngậm nỗi đau mà không oán trách/bị vất vào sọt rác mà không oán trách/sự thầm lặng của chữ cũng vậy/nghĩa chữ xuyên thời gian/xác chữ còn nằm trong hố thẳm ngôn từ/có khi cũng là sợi chỉ mong manh”. Vâng! Sợi chỉ mong manh có thể cứu được mạng người, khi nó biết khâu lành vết thương “cho niềm tin kéo da non”. Không ngoài nghĩa ấy, “nghĩa chữ” xuyên thời gian, có khả năng xoa dịu tâm hồn.  Như con tàu khát vọng vượt mọi cách ngăn “kết nối đôi bờ da thịt”; như một nghi lễ, cho thơ tụng ca vết thương!

Cảm ơn đời với những cơn đau cho thơ phát lộ; là đường băng cho thơ cất cánh. Nỗi đau là nhân, thơ là quả! Chính lúc này ta mới hiểu vì đâu “Thơ vô giá”!

Vũ Tuấn

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm