TIN TỨC

Má tôi

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-02-13 07:41:53
mail facebook google pos stwis
616 lượt xem

BÍCH NGÂN

Sáng ngày cuối năm, dịp nghỉ Tết dương lịch mấy chị em cùng về thăm má. Má tuổi cao. Em gái út sống bên má cũng đã năm mươi. Ba đứa con lớn và gia đình riêng mỗi đứa đều định cư Sài Gòn.

Hai năm nay má không còn khỏe. Các con ở xa lúc má đau bệnh mới vội vã quay về và cũng vội vã trở lên Sài Gòn khi má vừa khỏe lại. Đứa nào cũng vướng víu việc chung việc riêng và đứa nào cũng thấy ray rứt bởi thời gian dành cho đấng sinh thánh quá ít. Rồi chị em ngoéo tay nhau, ai có thể thu xếp việc là về ngay với má...

Chiếc xuồng lé đé nước của má

Tôi lên xe. Giường nằm. Duỗi chân, nằm dài. Qua cửa kính thấy nhà cửa, cỏ cây, đồng ruộng, sông ngòi. Qua cửa kính, những con đường miền Tây, đường bộ, đường sông, đường qua những chiếc cầu lớn nhỏ gợi lại trong tôi biết bao hình ảnh buồn vui gắn với tuyến đường này và nhớ nhất là những chuyến phà chạy rì rì ngày đêm đưa hành khách đợi chờ phờ phạc từ bên này bờ để được sang bên kia bờ và ngược lại, của dòng sông Tiền, sông Hậu. Giờ chỉ ít phút là xe vượt qua sông Tiền, sông Hậu trên những chiếc cầu với những sợi dây cáp giăng giăng tương tựa hình những cánh quạt nan xòe rộng.  

Dù chỉ nhìn mặt sông mênh mang lấp lánh mây trời, loáng thoáng hình bóng vừa mơ hồ vừa rõ nét như thước phim ký ức được chiếu lại, lại đưa tôi về với tuổi thơ.

Tôi như thấy lại, gặp lại tuổi thơ của mình, tuổi thơ của đứa trẻ lớn lên trong chiến tranh. Và dường như sự dồn đuổi của ký ức, của yêu thương khiến tôi nhớ, dĩ nhiên không thể nhớ thật rõ mọi thứ nhưng có những hình ảnh, những từng tình tiết vẫn còn nguyên vẹn như không phải đã lùi xa hơn 50 năm.

Ba tôi thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Mảnh đất cha ông mà ngoại tôi, má tôi, cậu dì tôi lớn lên và sinh sống lại lọt vào vùng tạm chiếm, nơi đó trở thành ấp chiến lược của chính quyền miền Nam Việt Nam Cộng hòa. Là vợ của “Việt cộng” nên má tôi phải đùm túm mấy đứa con nhỏ, mùng mền, xoong nồi rời nhà cửa, bỏ đất đai, lặng lẽ ra đi trong đêm. Tôi còn nhớ mang máng tiếng mái chèo khuya trên mặt sông loang loáng ánh lân tinh dưới bầu trời rải rác những vì sao.

Má tôi được chính quyền vùng kháng chiến giúp cất ngôi nhà sàn mái lá bằng lá dừa nước. Ngôi nhà sàn cất dưới tán cây rừng và quay mặt ra mặt sông tại một ngã ba sông ở ấp Bàu Hầm. Một mình má chèo những chuyến xuồng chở tre, trúc, sậy…từ đâu đó tôi không rõ, bằng chiếc xuồng lé đé nước, bà chèo xuồng cả ngày trời mới về tới nhà. Và khuya sớm một mình, với vật liệu có được, má tôi cặm cụi bện đó làm đăng. Rồi một cái đó được đặt xuống dòng sông để bắt tôm bắt cá.

Cá tôm lúc đó nhiều vô số. Có con nước “dậy tôm”, “dậy cá” mỗi lần má gồng lưng kéo cái đó lên xuồng, chiếc xuồng suýt chìm vì trọng lượng cá tôm trong cái đó. Không ít lần, cá ngác nguyên bầy dẫn nhau chui vào chiếc đó. Má tôi khó nhọc kéo cái đó đầy cá lên. Rồi má tôi buộc sợi dây vào từng con cá và chèo xuồng đưa tôi và đứa em trai tôi cùng lũ cá sang bên kia bờ sông. Tôi và thằng em vừa lên bảy, kéo lệch sệch những con cá ngác vừa to vừa dài đi đến từng nhà ở đầu trên xóm dưới để tặng cho họ. 

Sống giữa mênh mông sông nước nhưng má tôi không biết bơi. Trên chiếc xuồng nhỏ, lúc nào cũng có cái can nhựa rỗng, cái can nhựa màu trắng, nó làm chiếc phao cho má tôi, một cán bộ của Hội phụ nữ, một nông dân, một nữ hộ sinh, một bà đỡ đẻ mà người dân một vùng sông nước quen gọi má tôi “Bà mụ Tư” hay “Bà mụ Tư Mãnh” dù ngày đó má mới hơn ba mươi tuổi.     

Má vừa làm công tác đoàn thể vừa làm người đỡ đẻ cho khắp một vùng sông nước. Ngôi nhà sàn biệt lập bên ngã ba sông nép mình dưới cánh rừng âm u. Và cũng vì biệt lập lại ở ngay ngã ba sông mà ngôi nhà của má thành điểm dừng chân của nhiều đoàn quân giải phóng và cũng là địa điểm lọt vào ống nhòm từ phía trực thăng. Nhà má hai lần bị bom thiêu cháy và hai lần má làm lại nhà trên nền nhà cũ.

Chiếc xuồng nhỏ với mái chèo của mình, má tôi không chỉ đi đến nhiều nơi, nhiều gia đình để đón rước những sinh linh chào đời, bà còn nhiều lần chèo xuồng chở tử thi, những người dân vô tội bị bom pháo tước đi sinh mạng, ra đến chợ Cà Mau để cùng bà con đấu tranh trực diện với chính quyền Việt Nam Cộng hòa lúc đó hiện diện tại An Xuyên, thành phố Cà Mau hôm nay.

Chín tuổi, tôi làm chị hai đứa em trai, đứa lên bảy, đứa lên hai. Mà đâu chỉ làm chị. Có lúc tôi còn làm mẹ của đứa em lên hai. Thức đêm hôm, ẳm bồng, chiều chuộng, hát ầu ơ, ăn uống, giặt giũ. Nhưng tôi không cảm thấy vất vả. Bởi tôi muốn chia sẻ nhọc nhằn với má và tôi yêu thương các em tôi. Chúng cũng như tôi, cứ nơm nớp sợ. Sợ sông sâu. Sợ dòng chảy siết. Sợ rừng rậm. Sợ rắn, sợ rết, sợ muỗi, sợ con bù mắc…rồi sợ đêm đen, sợ ma, những con ma với vô số hình dạng gớm giếc có thể nhảy xổ ra bất kể lúc nào. Sợ tiếng máy bay quần đảo trên đầu. Sợ bom rơi. Sợ đạn lạc. Sợ cha mình không còn được trở về, sợ không dám nói ra nỗi sợ lúc nào như cũng bóp nghẹt trái tim trong lòng ngực non nớt, là sợ không nghe thấy tiếng mái chèo của má. Sợ con sóng dữ nhấn chìm chiếc xuồng lé đé nước của má…

Bà mụ Tư

Bàu Hầm, địa danh mà mãi sau này, di chuyển nhiều nơi và định cư tại Sài Gòn hơn ba mươi năm qua, có lẽ là cái tên hằn sâu vào trí nhớ của tôi. Bàu Hầm, nơi ngôi nhà sàn biệt lập của má trở thành nơi tìm đến của biết bao gia đình có người đàn bà chuyển bụng sắp sinh. Bất kể giờ giấc, bất chấp đêm hay ngày, nắng hay mưa, nước ròng hay nước lớn, kể cả máy bay quần đảo trên đầu, má luôn sẵn sàng. Nếu sản phụ ở xa và trở dạ vào ban đêm, má kéo cả ba đứa con lóc nhóc theo cùng. Có lần, đến đâu đó ở vùng Khai hoang đồng không mông quạnh, căn chòi mà người đàn bà đang rên la trong cơn đau đẻ chỉ có chiếc giừng tre duy nhất, tôi phải kéo hai đứa em ra ngoài, ôm chúng trong bóng đêm với bầy muỗi đói, hồi hộp chờ tiếng khóc của đứa trẻ được chào đời.

Có lần má được người nhà của sản phụ rước đi từ sáng sớm nên má để lũ con ở nhà. Không ngờ lại gặp ca đẻ khó, đến đêm khuya má mới về nhà. Lúc má về đến nhà, thằng em út mới hai tuổi đang lên cơn sốt. Má luôn bình tĩnh trước mọi tình huồng và là một chiến binh quả cảm. Má tiêm cho thằng con mũi thuốc nhưng nó vẫn sốt cao và co giật. Dù là một nữ hộ sinh cừ, trong lúc cơn co giựt thằng bé không dứt, má tôi chỉ vào con mèo mướp, má bảo tôi và đứa em kế, bắt nó lại, đè nó xuống, bà sẽ mổ lấy cái mật. Mật mèo mát có tác dụng làm dịu cơn nóng. Tôi nghe lời má. Tiến về phía con mèo. Trong ánh đèn dầu với quầng sáng mờ mờ, tôi thấy ánh mắt sáng như ánh sao của nó. Ánh sao nơi mắt mèo làm tôi lùi lại. Tôi vội kéo thằng em kế xuống xuồng, bơi qua sông sâu. Vừa bơi vừa réo vang cả khúc sông tên người đàn bà cắt lễ nổi tiếng của xóm. Khi đưa được bà cắt lễ về tới bến sông trước nhà, tôi nghe tiếng em tôi: “Chế hai ơi, má làm em bớt nóng rồi!”, nước mắt lã chã, tôi nhào tới ôm đứa em bé bỏng vào lòng.

Khi em tôi dịu được cơn nóng, dưới bến sông lại có tiếng xuồng khua cùng tiếng gọi hớt hãi: “Chế Tư Mãnh ơi, mau mau cứu vợ em!”

Hôm chị em tôi về thăm má, nhắc lại chuyện má làm bà mụ năm xưa. Bà bà tần ngần rồi lần tay đếm đi đếm lại một hồi rồi nói: “Má đỡ đẻ chắc có có hơn 300 đứa. Có 7 đứa thò cái chân ra trước” 

Cây đàn măng đô lin ca má

Suốt năm tháng tuổi thơ, chị em chúng tôi ít khi được má đung đưa chiếc võng và hát ru như bao nhiêu người mẹ khác. Bù lại, tôi và các em được nghe má đánh đàn. Những bản nhạc chị em tôi ngấm từ tấm bé và vẫn nhớ như in dáng ngồi của má khi ôm đàn khi gãy dây đàn, có lúc má hát theo tiếng đàn, những khúc hát đi cùng năm tháng: Lá xanh, Bên bờ Hiền Lương, Nhạc rừng, Lên Ngàn, Bài ca hy vọng, Qua sông, Con thuyền không bến, Suối Mơ…

Cây đàn măng đô lin của má không rõ má có được từ lúc nào và tiếng đàn lúc sôi nổi giòn giã, lúc réo rắt thiết tha của má dường như là mặc nhiên từ má, của má, của người đàn bà mà sự kiên cường mạnh mẽ buộc phải có để vượt thoát nghịch cảnh, chu toàn việc riêng việc chung, bằng tất cả nghị lực của trái tim yêu thương và cho đi sự yêu thương, tất cả còn được gởi gắm vào tiếng đàn…

Dù là ngôi nhà vách lá trước kia và sau này là nhà vách tường, cây đàn măng đô lin của má vẫn treo trên vách, trên tường, trong tầm tay của má. Cái giá nhạc đơn sơ cũng đặt trước mặt má. Quyển sổ chép nhạc của má với nét chữ không thể lẫn với nét chữ của bất cứ ai. Nét chữ từ bàn tay vừa dịu dàng vừa rắn rỏi của bà mụ đỡ đẻ. 

Ba tôi vĩnh viễn ra đi đã gần 12 năm. Tất cả dường như vẫn không có gì thay đổi. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ vẫn nằm trong khuôn viên rộng. Má cho sửa sang lại nhà. Chủ yếu là làm lại cái sân. Từ nền xi măng má cho lót gạch và cái sân cũng được mở rộng hơn để cho các cô các chị ở phường xóm đến tập văn nghệ, tập dưỡng sinh mỗi sớm mỗi chiều. Má cho sơn lại tường và cửa. Màu sơn tươi đến chói mắt. Và má cho gỡ rèm xuống, để lúc đôi chân không còn khỏe, khi ngồi trên giường ngủ bà vẫn có thể nhìn ngắm được những gương mặt thân quen cùng những hoạt động bền bỉ diễn ra trên sân nhà.

Suốt bao năm má sống với niềm vui tận tụy lo cho mọi người trong khả năng có được của mình. Đàn, hát, tổ chức và duy trì sinh hoạt tập dưỡng sinh, văn nghệ, bảo ban, chăm sóc nhau không chỉ về tinh thần.

Sau hai lần bệnh nặng, sức khỏe má đã không thể tham gia các hoạt động văn thể mỹ như trước đây. Tuy vậy, bốn giờ rưởi sáng, các cô các chị vẫn giữ nếp sinh hoạt lâu nay, vẫn tập những bài tập dưỡng sinh theo tiếng nhạc, theo bài hát từ “dàn âm thanh” đã mòn dấu tay của má, trên khoảng sân của má, và trong sự chăm chút lặng lẽ của má.

Mấy ngày chị em tôi về thăm má trôi qua thật nhanh. Má bước đi khó nhọc để ra cổng nhà tiễn các con lên xe.

Ngoái lại, má vẫn đứng nhìn theo chiếc xe chở các con về lại Sài Gòn, lòng tôi nhoi nhói niềm thương. Trên chuyến xe đầu năm, tôi bấm vào phím chữ điện thoại:

Tạm biệt mẹ, lại sống trong cách trở

Tự dối lòng không khoảng cách trái tim

Mẹ già yếu, chiếc xuồng con chở khẳm

Gió thổi liên hồi từ phía thời gian.



Má tôi và tôi với tấm ảnh chụp một biểu trưng của vở kịch “Ông Ba Gật” mà ba tôi, ông Trịnh Hồng Phương (bút danh: Nguyễn Hải Tùng, Hội viên Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) là tác giả - tác phẩm được truy lãnh Giải thưởng Văn học nghệ thuật Phan Ngọc Hiển của UBND tỉnh Cà Mau.


Thành phố Thủ Đức, ngày 4/1/2024

(Bài đăng báo Người Lao động Xuân Giáp Thìn 2024)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm