TIN TỨC

Mẹ tôi ở Sài Gòn

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-03-25 12:12:27
mail facebook google pos stwis
3028 lượt xem

CHÂU LA VIỆT

 Năm 2000, sang một thế kỷ mới, mẹ tôi quyết định chuyển vào sống ở TPHCM.

 Vậy là giã từ Hà Nội, nơi mẹ tôi đã gắn bó từ năm 1954, từ những cánh rừng kháng chiến về đoàn Ca Múa TW, thành một người nghệ sỹ của nhân dân, được nhân dân yêu quý, với những bài hát gắn liền với tên tuổi của mẹ và trở thành niềm yêu thích, ngưỡng mộ của công chúng…

 Thật sự việc mẹ tôi vào Sài Gòn, với tôi là một niềm hạnh phúc. Vì từ tuổi âu thơ , chẳng mấy khi tôi đươc ở gần mẹ. Ngày nhỏ, tôi ở với ông bà (Nhớ mẹ quá thì lâu lâu mới xin bà 5 xu đi tàu điện xuống Khu văn công Cầu Giấy thăm mẹ), rồi theo trường học đi sơ tán, rồi cầm súng ra mặt trận. Và khi hết chiến tranh thì lại ngược xuôi khi ra bắc, khi vào nam …

 Tôi nhớ buổi đầu đón mẹ từ sân bay về, ngay khi tới cửa nhà tôi, thật sự mẹ tôi choáng: “Nhà của Hoài thật đây à?”. Mẹ tôi đã không tin nổi. Vì nói thật, mẹ tôi đã không tin đứa con có thể gọi là nhiều thiệt thòi trên đường đời , nay lại có một cơ ngơi như vậy. Và cũng vì những căn nhà mà mẹ tôi đã từng ở ngoài Hà Nội, 4 m2 , 8 m2 , rồi 16 m2, tất cả đều trong những khu tập thể chật chội, và người ta sống được với nhau chỉ bởi tình người.

Mẹ tôi ở đây một thời gian ngắn, rồi theo nguyện vọng của mẹ muốn có một ngôi nhà riêng, chúng tôi đã tìm mua cho mẹ một ngôi nhà với mẹ là “hơn cả trong mơ”. Đấy là một ngôi nhà nằm sát sân bay Tân Sơn Nhất, rộng rãi, có tầng trệt tầng lầu, có mảnh sân trước cửa để mẹ tôi trồng cây, trồng hoa. Ngôi nhà này nằm trong khu quân đội, yên tĩnh và trật tự trị an rất tốt. Và đặc biệt, ở đây có rất nhiều các cô, các chú là nghệ sỹ, là tướng tá của quân đội vốn là bạn thân thiết của mẹ tôi suốt hai cuộc kháng chiến, ngoài những lúc tề tựu tâm tình, thì cũng thường gặp nhau mỗi khi họp chi bộ hay họp khu phố đầy ắp tiếng nói cười …

*

 Kể từ ngày bố tôi mất đi, rồi Châu và vợ con sang Đức sinh sống, mẹ tôi rất tâm trạng, dù bên mẹ luôn có Như là cô em út của tôi. Vào TPHCM, có lẽ mẹ có thêm nhiều nguồn tình cảm an ủi hơn. Ngoài vợ con tôi,  đặc biệt là con trai tôi,  mẹ tôi còn nhiều bà con thân thiết, nhiều đồng nghiệp, đồng cảnh, và đặc biệt là những người bạn của tôi và của Châu-Hoa …

 Cũng ở đây, tôi thường gặp nhiều đồng nghiệp nghệ thuật thân thiết của mẹ . Như cô Phùng Thị Nhạn, nghê sỹ nhân dân, biên đạo múa. Cô Nhạn, cũng như các cô Chu Thúy Quỳnh, Xuân Quỳnh thân với mẹ tôi từ thuở ca múa TW, và tình cảm ấy luôn thắm thiết qua hàng chục năm, nay lại gần nhau giữa Sài Gòn nên lại càng thắm thiết. Hay như cô Lệ Chi-chú Mai Khanh, chú Quốc Trụ, nhất là cô Ngọc Dậu, NSND và chồng là chú Trần Chất, đều là những giọng hát nổi tiếng.

Nhiều buổi trưa cô chú Ngọc Dậu-Trần Chất chở nhau đến chơi với mẹ tôi, những “hào quang “ một thời “mày mày tao tao” nói cười ríu rit, rồi cơm, cơm nước nước đãi đằng nhau, rồi cùng lăn kềnh ra ngủ như ngày nào đi biễu diễn ở khắp miền đất nước…

 Mặc dù đã giã từ ánh sáng sân khấu nhiều năm, nhưng mẹ tôi vẫn yêu nghệ thuật lắm. Mẹ vẫn thường ngồi hát bên cây đàn pianô mà các con đã chuyển từ Hà Nội vào cho mẹ. Hát cho đồng nghiệp, cho bạn bè, cho đồng chí thân yêu. Đã rất nhiều lần đến đây, tôi đã gặp rất nhiều những vị tướng tên tuổi mà năm xưa ra trận chỉ biết tiếng hát mẹ tôi qua chiếc đài bán dẫn nhỏ, nay về già mới có cơ hội găp gỡ nên đã tìm đến đề nghị mẹ tôi hát cho nghe lại những bài hát năm xưa…

 Những khi ấy, thú thật, đứng ngoài cửa lắng nghe, tôi không thể quả quyết rằng, hát trên một sân khấu lớn ánh đèn rực rỡ, hay chỉ hát riêng cho một người lính suốt cuộc đời trận mạc, thì người nghệ sỹ thấy lúc nào là hạnh phúc hơn? Có lẽ với một người say mê lý tưởng và yêu nghệ thuật như mẹ tôi, thì những khi cất lên tiếng hát như thế, đều là một niềm say mê tột độ và một ý nghĩa sâu sắc như nhau…

*

Trong ba đứa con của mẹ, đứa con hợp với mẹ tôi nhất, được mẹ tôi thương yêu nhất, và cũng chăm sóc mẹ tôi nhiều nhất, chính là Châu.

 Cũng như tôi, Châu (và cả Như) đều ít được gần bố mẹ. Ngày ấy là con cán bộ, mà lại cán bộ làm văn hóa –nghệ thuât thì cầm chắc là phải xa bố mẹ suốt. Bởi bố tôi đi viết báo ở các tỉnh, rồi đi chiến trường Trị thiên-Huế. Còn mẹ thì quanh năm suốt tháng đi biểu diễn, khi trong nước, khi ngoài nước, khi thì lăn lội hàng tháng ngoài mặt trận lửa đạn. Tôi ở với ông, bà, còn Châu - Như đi trại trẻ, đứa trại trẻ này và đứa trại trẻ kia. Lâu lắm lắm mới được bố mẹ tới thăm một lần…

 Sau này lớn lên, Châu cũng như tôi nhập ngũ, rồi Châu học đại học kỹ thuật quân sự, rồi sang Nga làm tiến sỹ, rồi lấy vợ cũng là sinh viên Việt Nam học tại trường bên Nga là Nguyễn Thanh Hoa, con gái đầu lòng của nhà thơ Tố Hữu. Dạo ấy bác Tố Hữu ngoài là nhà thơ, còn là một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước. Từ đấy, Châu ở chính bên nhà vợ, kể như đi ở rể…

 Nhưng dù vậy, trong tình yêu của mẹ, Châu bao giờ cũng là đứa con gần gũi nhất. Châu hiền lành, tình cảm, cứ có giây phút nào rảnh rỗi là ngồi tâm tình bên mẹ hàng tiếng đồng hồ, không buồn vui gì không tâm sự, không miếng ngon nào không chia sẻ với mẹ. Châu yêu mẹ lắm lắm, tôi nghĩ trong trái tim Châu, Mẹ luôn ở vị trí thiêng liêng nhất...

*

Trước khi mẹ tôi quyết định vào Sài gòn, Châu và Hoa đã rất muốn đón mẹ tôi sang sinh sống tại Đức (Châu là GSTS tại Đại học Bochum, đã đưa vợ và con sang sinh sống ở đây). Ai cũng cho như thế là rất hợp lý, vì đời sống ở Đức cao, nhất là Châu lại là môt GSTS nên lương tiền khá, có thể chăm sóc rất tốt cho mẹ. Hơn nữa mẹ cũng muốn gần gũi Châu nhất. Và cũng có thể thêm một lý do nữa là Thi, con trai của Như cũng đã sang du học ở đây …

 Nhưng khi nhớ Châu và Hoa thì mẹ tôi bay sang thăm, có khi ở lại chơi hàng tháng, nhưng ở hẳn bên đó như ao ước của Châu thì không, dù mẹ tôi rất yêu Châu và vợ con Châu…

 Không đón được mẹ sang, Châu Hoa thể hiện tình cảm của mình với mẹ bằng một sự chăm sóc hết lòng. Ngôi nhà mẹ tôi ở Sài Gòn, ngoài một phần tiền của mẹ tôi do bán căn nhà ngoài HN, phần chính là của Châu Hoa góp vào. Hàng tháng, Châu Hoa đều đặn gửi tiền về chăm sóc mẹ, dù mẹ ở HN hay SG, với số tiền chắc chắn nhiều hơn tiền lương hưu hàng tháng của một người nghệ sỹ. Và khi vài ba tháng, lúc lâu nhất cũng là một năm, Châu lại bay về thăm mẹ, đưa mẹ đi nghỉ ngơi khi Nha Trang khi Vũng Tàu. Sự chăm sóc của Châu với mẹ, cả về vật chất và tinh thần, tôi ít thấy ở những người con trong cuộc sống thực dụng hôm nay. Nó là bài ca của lòng hiếu thảo. Nó cũng chính là niềm an ủi, niềm hạnh phúc lớn nhất của mẹ tôi, như là một báu vật ở đời của mẹ…

*

“Cho đến bây giờ và tôi tin mãi mãi về sau, lịch sử âm nhạc nước nhà sẽ vinh danh bài hát "Xa khơi" - bản tình ca về sự chia ly và khát vọng thống nhất non sông. Và mỗi lần xướng tên bài ca ấy, là mỗi lần người đời lại nhắc đến nghệ sĩ Tân Nhân, người đã hát bằng cả tấm lòng và sự đớn đau vì nỗi chung riêng ngày đất nước đôi miền” Một nhà báo đã viết như thế về mẹ tôi, và anh cho rằng cuộc đời mẹ tôi, chính là một cuộc đời" Vinh quang và Cay đắng…”

 Có một lần ra Hà nội, tôi có diện kiến với nhà báo ấy trên một phố bia Hà nội, và tâm sự cùng anh về mẹ tôi. Vinh quang thì chắc hẳn rồi, nhưng còn cay đắng? Cay đắng vì mối tình với ba tôi năm xưa hay chăng? Ngẫm ra  cuộc đời ai khi trẻ không có những vấp váp về tình yêu, và có thể quá nặng nề coi đó là những đắng cay? Sau này ba tôi về nước, ba mẹ tôi đã găp lại nhau sau 45 năm xa cách, bấy giờ mẹ tôi mới hiểu rằng có bao giờ ba tôi, nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ, phản bội mẹ tôi đâu? Đất nước cách chia và con người thành ra xa cách, ba tôi không phản bội mẹ tôi, không phản bội đồng chí đồng đội. Và cả ba và mẹ đã cùng giữ trong trái tim mình những tình cảm nhớ thương, giữ cho cuộc đời mình trọn con đường nghệ thuật mà buổi đầu vì nó họ đã đến với nhau và thề nguyền đi trọn con đường ấy. Tôi cũng tâm sự với người bạn rằng: “Mẹ chúng tôi, nói cho cùng, là một người hạnh phúc. Hạnh phúc vì bà được sống với người mình yêu và yêu bà bằng một tình yêu duy nhất là bố tôi Lê Khánh Căn. Và nếu tiêu chí của một người mẹ hạnh phúc là có những đứa con xinh đẹp, tài năng, và hiếu thảo, thì mẹ chúng tôi có đủ cả ba điều ấy. Đứa con xinh đẹp của mẹ là em tôi Lê Khánh Như. Đứa con thông minh tài giỏi của mẹ là em tôi GS Lê Khánh Châu. Và cả ba anh em chúng tôi đều là những đứa con hiếu thảo, rất hiếu thảo với mẹ.… Còn nói về tổng thể cuộc đời, thì cuôc đời mẹ tôi là một cuộc đời cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật, cho đất nước, một đất nước từng có số phận như chính cuộc đời mẹ, và mẹ đã tìm thấy hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của đất nước, của nhân dân. Nhân dân cơm ngô cơm khoai thì mẹ cũng cơm khoai cơm ngô,  nhân dân áo vá vai thì áo mẹ cũng những mảnh  vá , nhân dân tiễn chồng tiễn con ra trận thì mẹ cũng tiễn bố con , rồi tiễn con ra trận, nhân dân khóc òa ngày thống nhất non sông  thì mẹ cũng ôm chầm bà ngoại con bên bờ Nam đầm đìa nước mắt  ...

*

Cuối năm 2007, một lần tôi sang chơi thăm mẹ, mẹ tôi quàng vai tôi rất âu yếm và nói: “Con gắng đi Mỹ, sang đó tìm nơi ba Thơ (nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ) yên nghỉ, thắp cho mẹ một nén hương”

 Ít ngày sau, tôi và vợ tôi đi Mỹ, bay từ bờ đông đến bờ tây, tìm đến công viên Vĩnh hằng nơi ba tôi yên nghỉ, với bản đồ chỉ dẫn của Nguyễn Hiệp, lại thêm có hai người cháu ruột của NS Hoàng Thi Thơ đưa đi. Vợ chồng tôi đã cung kính thay mặt cho mẹ tôi thắp hương cho ba tôi, thưa với NS những tình cảm quý trọng của mẹ tôi cũng như nguyện vọng của mẹ tôi với những tác phẩm âm nhạc viết về quê hương đất nước rất thắm thiết của ba…Những dòng nước mắt dài chảy trên má tôi, tôi hiểu đấy là nước mắt của cả tôi và của cả mẹ tôi thương tiếc nhạc sỹ…

 Ngay khi chúng tôi về nước, tôi liền đến thăm mẹ , mang quà Mỹ về tặng mẹ và em Như. Nhưng hình như mẹ tôi chỉ quan tâm tới những tấm ảnh chụp nấm mồ ba tôi, những tấm ảnh chụp  tôi dâng hương cho ba tôi. Mẹ tôi xem rất kỹ từng tấm hình, với gương mặt hết sức chăm chú nhưng không nói thêm một lời nào. Có lẽ bà đã toại nguyện vì đã trọn tình với cuộc đời này…

 4 hôm sau, trong một buổi sáng như mọi sáng mai khi mẹ tôi ra quét sân, mẹ bất ngờ ngã xuống vì một cơn đột quỵ và được chuyển ngay vào quân y viện 175. Nhưng...

*

 Mẹ tôi ra đi đã 14 năm. Vào ngày valentine 14/2/ 2008. Nhưng nhiều người vẫn không nghĩ mẹ tôi đã mất. Chúng tôi, những đứa con của mẹ cũng vậy. Chúng tôi không còn mẹ nữa, nhưng vẫn không tin là mẹ đã ra đi. Khi đâu đó giữa đất trời, và trong tâm hồn những đứa con của mẹ, những bạn bè anh em, những thế hệ, vẫn vang vọng tiếng hát của mẹ. Xa khơi hay Câu hò bên bờ Hiền lương, Chim Pongtơle hay Gió mùa thu mẹ ru con ngủ… Nhiều thế hệ vẫn thốt lên tên gọi Tân Nhân, Tân Nhân và Xa khơi, Tân Nhân và Câu hò bên bến Hiền lương… Và chúng tôi, những con cháu của mẹ vẫn sống xứng đáng là con của Mẹ, để mọi người sẽ cùng thốt lên: Con cháu Tân Nhân.

Tiếng hát, và tiếng đẹp của mẹ là mãi mãi, là vĩnh cửu giữa cuộc đời này…

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trần Gia Bảo: Văn học thiếu nhi nuôi một đời vui
Bài viết của Tống Phước Bảo trên Văn nghệ Công an.
Xem thêm
Thắp nỗi vắng xa bập bùng từng con chữ
Bài của Lê Thiếu Nhơn trên Văn nghệ Công an.
Xem thêm
“80 gương mặt Văn nghệ sĩ Quân đội” Chất lính trong những tâm hồn mơ mộng
80 con người, 80 gương mặt là 80 cá tính khác nhau. Thế nhưng ở họ có hai điểm giao rất độc đáo, đó là màu áo xanh của người lính và tâm hồn nhạy cảm, yêu nghệ thuật và cái đẹp.
Xem thêm
Nhà văn Nam Cao trong thoáng cười lặng lẽ
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. HCM số Xuân Ất Tỵ 2025
Xem thêm
Có một người Ninh Bình di cư
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng về nhà văn Hoàng Phương Nhâm
Xem thêm
Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm - Những kỷ niệm khó quên
Tôi được gặp nhà văn Đỗ Viết Nghiệm từ khá sớm. Đó là Trại viết Đồ Sơn năm 1996. Khi đó tôi đang là binh nhất học ở Trường Lái xe 255 - Tổng cục Kỹ thuật được nhà văn Khuất Quang Thụy đi xe máy lên Sơn Tây làm việc với Ban Giám hiệu để tôi được đi dự Trại viết...
Xem thêm
Những kỷ niệm với nhà thơ Xuân Sách
Trong những thăng trầm mỗi nhà văn nếm trải mỗi người mỗi vẻ ấy, tôi luôn có suy nghĩ rằng, nhà thơ Xuân Sách đã nếm trải nỗi buồn, có những lúc như là sự cơ hàn và cả sự thất vọng ở một tình thế khác người. Và ông đã tự vượt qua. Và ông cầm bút viết ra những bài thơ, những trang văn, theo tôi không ít trang sâu sắc và bình dị. Để rồi, khi sau này dành thời gian viết những bài thơ chân dung các nhà văn, chất lượng và tâm huyết ở thời kỳ mới, đã dường như gây ra những nỗi buồn cho người viết chăng? Tôi vẫn nghĩ chưa có sự công bằng cho các bài thơ chân dung của ông, và về phía cá nhân, tư cách người viết văn, tôi mong muốn các tác phẩm ấy được hiểu một cách bình đẳng. Chúng ta nên tự nâng mình trong sự hiểu và cho phép hiểu mọi tác phẩm văn học nghệ thuật, miễn là phục vụ sự tiến bộ của xã hội loài người, trong đó có những văn nghệ sĩ, để chúng ta, khi viết về nhau một cách bình thường, cũng là chuyện bình thường. Những khuyết điểm, kể cả sự non yếu, ấu trĩ về chính trị của người viết, đương nhiên nó sẽ tự đào thải, thời gian và sự tinh tường của độc giả đích thực sẽ biết giải quyết êm thấm một cách công bằng những điều ấy.​
Xem thêm
Nhà thơ Quang Chuyền: Một dòng sông lặng trầm, xoáy xiết
Nhà thơ Quang Chuyền sinh năm 1944 tại Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Từng công tác tại Hội Văn nghệ Việt Bắc. Phó Tổng Biên tập Báo Thông tin. Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 596 (Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc). Hiện sống và viết tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đã in các tập thơ: Đường qua kỷ niệm, Chùm quả đầu mùa, Khoảng cuối mùa thu, Hạt giống chim gieo, Lặng thầm, Mắt đêm, Khát, Trở lại cánh rừng, Sông gọi, Chiều đi qua cửa, Lục bát không mùa…
Xem thêm
Thơ Phan Thị Nguyệt Hồng: Nơi cảm xúc giao thoa
Chương trình Thi ca điểm hẹn của VOH và bài viết của Nguyên Hùng về tập thơ Lời khúc tạ mùa xuân của Phan Thị Nguyệt Hồng.
Xem thêm
Từ một trang văn Trang Thế Hy
Bài viết của nhà văn Nguyễn Thanh
Xem thêm
Tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Đình Thi & nhà báo Madelein Riffaud
Phim tư liệu về Madelein Riffaud & Bài viết nhân 100 năm ngày sinh Nguyễn Đình Thi
Xem thêm
Nhà văn Anh Đức và bản góp ý văn chương tình nghĩa
Bài của đạo diễn Lê Văn Duy đăng trên báo Phụ nữ ngày 26.8.2014
Xem thêm
Anh Đức, nhà văn yêu dấu của cách mạng và kháng chiến
Bài viết của GS Mai Quốc Liên trên báo Sài gòn giải phóng điện tử ngày 23/08/2014
Xem thêm