TIN TỨC

Một cây bút nhạy bén, giàu tình

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-10-10 05:35:23
mail facebook google pos stwis
324 lượt xem

NGUYỄN NGỌC PHAN

Nguyễn Văn Mạnh xuất thân từ học sinh trường làng huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, vào quân đội, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến đấu giải phóng Campuchia khỏi nạn diệt chủng. Anh học đại học, trở thành luật gia rồi sau đó anh làm báo. Nghề luật làm cho anh có cái nhìn khách quan và chính xác, đa chiều. Nhiều thiên phóng sự của anh bóc trần những chuyện xảy ra ngoài đời để người đọc được biết, được thấy để mà tiếc nuối, lo lắng trước nhân tình thế thái; để mà vui mà hy vọng và xây đắp niềm tin ở cuộc đời. Do đó, nên đọc văn của anh trước, sau đó đọc thơ của anh mới cảm nhận được cảm xúc và những trăn trở của tác giả để từ mảnh đất hiện thực cuộc sống mọc lên cây triết lý nhân sinh.

Nguyễn Văn Mạnh hiện là Trưởng ban Văn hóa - Xã hội và là Trưởng đại diện của Thời báo Văn học nghệ thuật tại thành phố Hải Phòng. Anh đi lại như con thoi theo trục tam giác ba nơi. Có tháng anh phải bay vài lần Hà Nội - Sài Gòn. Anh còn là Trưởng ban biên tập tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. Giữa bộn bề công việc, trong hai năm, nhà báo Nguyễn Văn Mạnh công bố ba tác phẩm: Miền hoa phượng - Thơ, NXB Văn học, 2022; Dấu thời gian - Thơ, NXB Hội Nhà văn; Theo dấu chân cuộc sống - Tuyển tập phóng sự và bút ký báo chí, NXB Hội nhà văn, 2023.

*

Trong một bài thơ Nguyễn Văn Mạnh từng lòng nhủ lòng: “Và bút ơi đừng viết dòng vô nghĩa”. Anh đã làm đúng lời tự nhủ như thế cả trong các bài ký, phóng sự: Chuyện đời cô dâu Việt ở xứ Đài, Lao động Việt Nam ở Đài Loan bức tranh đa sắc màu, Lời cảnh báo từ những khu du lịch… trong tuyển tập Theo dấu chân cuộc sống được tập hợp từ những bài anh viết trước đây từng đăng trên các báo Bảo vệ Pháp luật, Sài Gòn giải phóng, Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh, Diễn đàn văn nghệ Việt Nam…
 


Các tác phẩm của nhà báo Nguyễn Văn Mạnh.

 

Trong bài viết Lao động Việt Nam ở Đài Loan bức tranh đa sắc màu, tác giả dẫn các căn cứ từ lời phát biểu của những người có trách nhiệm kèm những con số biết nói. Đài Loan có 80.000 người lao động Việt Nam. Đơn cử: phần đông lao động Việt Nam sang Đài Loan đảm nhiệm các công việc thuộc nhóm 3K (theo quan niệm của người bản địa là nhóm ngành nghề có tính chất độc hại, bẩn và nặng nhọc). Mặc dù các cơ quan hữu quan đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực để hạn chế nhưng hiện vẫn có 11.000 lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Đài Loan. 

Khó có thể tưởng nổi, bên xứ Đài (Đài Loan) chỉ là một hòn đảo mà có tới 10 vạn cô dâu gốc Việt. Họ làm dâu xứ người nhưng nước mắt nhiều hơn nụ cười. Vì “một đặc điểm rõ rệt của phần lớn các cuộc hôn nhân Việt - Đài là không xuất phát từ tình yêu đích thực. Cũng chính vì lẽ đó đã tạo nên những bi kịch trong hôn nhân mà người chịu thiệt trước hết là cô dâu Việt”. Đa số chị em không suôn sẻ trong chuyện gia đình, lâm vào những hoàn cảnh rất đáng thương. Họ chẳng biết cầu cứu ai ngoài hội đồng hương Việt Nam khi bị gia đình chồng hắt hủi, đuổi ra khỏi nhà, không chịu làm giấy chứng minh để nhập quốc tịch Đài Loan (Chuyện đời cô dâu Việt ở xứ Đài). Những con số xé lòng người đọc.

Ngòi bút phóng sự, bút ký báo chí của Nguyễn Văn Mạnh tỏ ra nhạy cảm, dẫn dắt người đọc biết được nhiều chuyện cười ra nước mắt vì con đường mưu sinh trong nền kinh tế thị trường ở trong nước thời kỳ hội nhập: Chuyện bên lề sân quần vợt, Xóm vé số, Vũ trường bi hài ký, Nài ngựa... Trong bài Lao động nữ nhập cư, sáng và tối con đường mưu sinh tác giả kể chuyện ba người phụ nữ tha hương thuê căn phòng chưa đầy 15m2 để ở, “Bên trên cửa sổ các chị dán rất nhiều ảnh của gia đình để ngắm cho đỡ nhớ chồng, nhớ con”. Chỉ có vài hàng chữ mà gây xúc động, nói lên được nỗi niềm đau của ba chị nhập cư đi bán hàng rong.
 


Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Văn Mạnh tại một buổi ra mắt sách tại Hội Nhà văn TP. HCM.

 

Mai sau có còn? là điều cảnh tỉnh, là sự lo lắng cho đàn voi nhà Đắk Lắk đang đứng trước nguy cơ xóa sổ. Đến như Xuân về nhớ tết quê xưa tác giả cũng làm người đọc thắt lòng khi mà ngày nay thanh niên trai tráng bỏ làng đi làm ăn xa, đến Tết nhiều người mới về. Ngày Tết, uống rượu xong là xúm vào chơi “tiến lên”, “tá lả” ăn tiền. Ngoài sân bãi, trò chơi quay số trúng thưởng, cờ gian bạc bịp, ồn ào loa đài. Chẳng còn gốc đu, chẳng còn đấu vật. Đêm giao thừa nam thanh nữ tú đi hái lộc, sáng ra cây cối trụi lủi. Đó không chỉ là hiện thực mà còn là tiếng kêu cứu của tác giả về sự tha hóa mang hình hài phát triển len đến tận thôn quê do những con người từ đó đi ra và mang về cho đất mẹ.

Không chỉ viết chuyện buồn, chuyện tiêu cực, tác giả còn nhẹ nhàng nhắc nhở người lớn phải chú ý vun vén năng khiếu trẻ em, ngợi ca những hiện tượng đáng mừng trong Đôi điều lạm bàn về những “mầm non” văn chương, Cảm nhận thơ Phạm Trung Tín.

Nếu không có bài Người con của biển hẳn là nhiều bạn đọc không biết rằng đó là Nguyễn Thị Hồng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, vì chị là người phụ nữ đầu tiên làm thuyền trưởng ở Việt Nam. Trên con tàu TG 2032TS, chị đã có quyết định táo bạo đổ gần 50 tấn cá cơm xuống biển đề tìm cơ may cho thuyền viên sống sót. Giữa bão tố, bằng nỗ lực phi thường chị và các thủy thủ đã cứu được 36 mạng người từ những con tàu bị sóng đánh tan.

Bà Rô, 77 tuổi, ở Bình Định, người chủ nhân duy nhất của đảo Hòn Khô, ngày ngày vẫn trưng trên cột lá cờ đỏ sao vàng để khẳng định chủ quyền trong Nữ chúa đảo hoang.

Bất ngờ chiều giáp Tết kể chuyện hai chị em ăn đói, mặc rách, chiều 30 tết về nhà trọ, bất ngờ thấy có hộp quà trên giường kèm mảnh giấy nhỏ ghi dòng chữ Tập thể lớp 3B thân tặng bạn Mai nhân dịp đón xuân mới. Thật quá mừng, vì không chỉ có bánh kẹo mà còn có tấm áo mới. Điều bất ngờ còn ở chuyện lâu nay Mai vẫn nghĩ phận mình cô đơn, từ nơi khác chuyển về học ở đây, ngay từ buổi đầu đã phải nghe lời ong tiếng ve Sao mà người ở đâu, cứ nhào vô chiếm chỗ, chật bàn, chật lớp... Vậy mà nay những người bạn học ấy lại quan tâm tới mình.

Người đọc tràn đầy hy vọng  và niềm tin ở tương lai qua những bài: Cho cao nguyên vang tiếng hát, Trạm Tấu – Yên Bái đón mùa xuân về. Tràn đầy lòng tự hào qua các bài Trường Sa, Côn Đảo – huyền thoại và linh thiêng; Dọc đường Tây Bắc; Ngã ba Đông Dương. Người đọc còn cùng tác giả đi du lịch qua Lào mến khách và yên bình; Chuyện ghi ở sân bay Kuala Lumpur; Đất nước của chùa vàng lắm nỗi buồn vui. Những ai chưa từng được chứng kiến và cả những người đã sống ở Sài Gòn mùa mưa hẳn sẽ rất thú vị cảm được cái mưa riêng có ở nơi đây khi đọc Tản mạn mưa Sài Gòn

Với Theo dấu chân cuộc sống, người đọc được tiếp cận tập phóng sự bút ký phong phú về những sự việc thuộc nhiều lĩnh vực xung quanh cuộc sống chúng ta thể hiện ngòi bút tác giả giàu tình cảm và trách nhiệm với đồng loại, với cộng đồng. Đó chính là thành công của luật gia – nhà báo Nguyễn Văn Mạnh. 

*

Tập thơ Miền hoa phượng Dấu thời gian cho thấy anh là người đi nhiều, viết nhiều. Có những câu thơ đậm triết lý nhân sinh. Đến Yên Tử anh viết bài Bên suối giải oan chỉ ra sự thật trần trụi: “Cửa Phật gõ mõ/ Chôn vùi những khát vọng nhân gian”… Trải nghiệm cuộc sống nên những đổi thay dù tốt lên vẫn mang nhiều đau đớn: “Nghe hạt thóc quằn quại bóc mình thành gạo/ Nhìn trong bụi cám trập trùng những giông bão đi qua... Ngày trở lại - Nghĩa Lộ: “Những bước chân trọn đời bươn trải/ Lầm lũi vô hình giữa đại ngàn xanh”… đó là thân phận con người bình dị mà khi cuộc sống cần, họ trở thành: “Những trái tim tự làm đuốc cháy/ Ẩn giữa đá trời ngọc sáng long lanh”…

Hai tập thơ Miền hoa phượng, Dấu chân thời gian đem đến cho người đọc nhiều liên tưởng. Trích dẫn một số câu trong hai tập thơ trên không đại diện cho cả sự nghiệp thi ca của tác giả, chỉ là vài khám phá triết lý nhân sinh trong thơ anh. 

Khi liên kết 3 tác phẩm lại với nhau, cho thấy không chỉ đa tài, Nguyễn Văn Mạnh đau đáu với cuộc đời và từ hiện thực cuộc sống, tụ lại thành mạch nguồn của văn rồi cô đọng thành thơ như đồng lúa vàng đến hạt gạo mang theo màu ngọc trai của những ai trân quý giá trị sống của con người.

Nguồn: 

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm
Những vần thơ sáng nghĩa kim bằng
Nhà thơ Trinh Bửu Hoài là người bạn văn tốt của tôi đã quen thân nhau từ năm 1970 khi anh hoạt động văn nghệ ở An Giang. Cách nay hơn 10 năm, sau khi nhà văn quá cố Nguyễn Khai Phong đã vài lần giục tôi làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam cùng với tán thành của nhà thơ đánh kính Trịnh Bửu Hoài. Dù biết ở Cần Thơ mình là người mồ côi, kém tài lại vụng về trong giao tiếp nên ít có bằng hữu tình thâm, năm 1918, tôi vẫn đánh bạo nghe lời những người bạn tốt xin vô Hội Nhà văn Việt Nam với sự giới thiệu nhiệt tình cùng lúc của các nhà văn : Nguyễn Khai Phong, Trịnh Bửu Hoài, Lê Đình Bích, Lương Minh Hinh, Nguyễn Trọng Tín. Mặc dù biết rằng với mình, con đường về La Mã vẫn còn diệu vợi ! Hôm nay, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã về với cõi Ly Tao bất diệt, tôi viết bài này để ân tình bày tỏ lòng nhớ ơn anh, một thi sĩ tài hoa nhân cách rất tốt với bạn bè.
Xem thêm
Nội trú trong ta một nỗi buồn
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang về “Năm ngón chưa đặt tên” của Đinh Nho Tuấn, NXB Hội Nhà văn 2024
Xem thêm
Thấy gì từ “Ký họa thơ” của Nguyên Hùng?
Bài viết của Lê Xuân Lâm, cộng tác viên tích cực của Văn chương TPHCM.
Xem thêm