TIN TỨC
  • Truyện
  • Nàng Valia ở làng Mikhailopka

Nàng Valia ở làng Mikhailopka

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-07-16 09:36:57
mail facebook google pos stwis
1298 lượt xem

Truyện ngắn ĐINH NHO TUẤN

Sau hai giờ rời bến xe Tỉnh Kamentarnopka, chiếc Zil thùng, không bạt che, tiến vào làng Mikhalopka. Con đường vào làng trơn tru, bằng phẳng như tấm phản lớn trải dài được bao bọc hai bên bởi những rừng táo và những cánh đồng lúa mạch. Hương lúa mạch ngòn ngọt làm người ta cảm tưởng như vừa ăn xong một ổ bánh mỳ, vài mẩu nhỏ còn bám vào ria mép. Xe cứ lao vun vút như mũi tên. Một đám bụi màu vàng đuổi theo sau chứng tỏ con đường lâu nay không có nhiều xe cộ qua lại và ít được dọn dẹp. Trời đã hơi nhá nhem. Những ngôi nhà nhỏ, thưa, dần hiện ra và được bao phủ bằng những đám khói màu lam đục; chắc chắn có nguồn gốc từ thân ngô khô và lá của nhiều loại cây.

Xe rẽ vào con đường nhỏ, leo lên một con dốc, vào bãi đất trống, rồi dừng hẳn trước một ngôi nhà ba gian bằng gỗ. Có lẽ đây là ngôi nhà giữ trẻ nhưng thiếu vắng trẻ em nên người ta cứ để vậy, không biết sử dụng vào việc gì. Ngôi nhà ở trên cao, nên từ đây, tầm mắt có thể bao trùm làng Mikhailopka mà không hề bị vướng víu vào bất cứ thứ gì.

Lão Ivan mở cửa xe. Lão đi vòng ra sau thùng xe, mở hai cái chốt hai bên, hạ tấm chắn phía sau xuống. Hai mươi con người, hai mươi cô cậu sinh viên, gồm mười tám nam và hai nữ, dìu nhau nhảy xuống. Riêng hai cô gái ngập ngừng như lần đầu tiên nhảy xuống khỏi lưng ngựa. Cảnh vật khá hoang vu, lạ lẫm, gây ra cho đám đông cảm giác bất ngờ và hơi xao xuyến.

Đón tiếp đoàn sinh viên lao động mùa hè là chủ tịch xã Mikhail Matveevich. Đó là một người đàn ông trung niên, tóc hoa râm, mũi khoằm, to, da đỏ màu gấc, mắt nhỏ, miệng hơi mín; lão khá lùn, bụng to, chân ngắn. Những đường nét của lão bắt buộc người ta phải hình dung tới một gã không có gì đặc biệt và khá vụng về. Nhưng trái lại, lão rất nhanh nhẹn, dứt khoát. Lão tới gặp đoàn bằng một chiếc xe cứu hỏa, đỏ chót và dũng mãnh, do lão tự lái. Lão lanh lẹ nhảy xuống xe và bắt tay từng người. Cái cách mà lão không hề nở một nụ cười cho biết đứng trước đám sinh viên là một con người nghiêm nghị, có phần khó tính. Lão dẫn cả đám sinh viên vào ngôi nhà, giới thiệu từng phòng một. Một phòng lớn sẽ là phòng ngủ cho mười tám sinh viên nam, phòng nhỏ hơn cho hai cô gái, một phòng ăn, bên trong có năm chiếc bàn được kê ngay ngắn, xung quanh là những chiếc ghế không có tựa lưng, làm từ gỗ tạp, dày và không lấy gì bằng phẳng; cuối cùng là gian bếp nhỏ gọn, xinh xinh, khá sạch sẽ.

Trong bếp lúc này có hai người phụ nữ đang chuẩn bị bữa tối cho đoàn. Một người tầm ngoài năm mươi, người kia là một cô gái trẻ. Không có gì xáo trộn nếu như lúc đó Valia, tên cô gái, không quay mặt lại phía đoàn người. Những thằng đàn ông chết lặng khẽ tranh nhau dồn lên phía trước ngắm nhìn Valia. Những ánh mắt tò mò, háo sắc có lẽ đang nhảy múa trên thân hình đầy đặn nhưng cao ráo của nàng. Nhìn nàng, ta có cảm giác như bất chợt, gặp một thiên thần, bước ra từ một bức tranh trong bảo tàng Ermitar, ở Sant.Peterburg, của một họa sỹ lừng danh thời Phục hưng, đứng ngay ngắn trước ta, mỉm cười mê đắm và đôn hậu. Mái tóc màu vàng sáng với những lọn nhỏ, che lấp một phần khuôn mặt trắng hồng, thanh tú với đôi mắt màu hạt dẻ, dường như rất ướt, chiếc mũi nhỏ xinh xắn, đang phập phồng với hơi thở hơi gấp tưởng hồ như lo âu hay ngại ngần. Valia bận một chiếc váy màu sáng, điểm xuyến những bông Xiren, phía dưới bo lại bằng một dải màu lấp lánh vài đường nhỏ kim tuyến; chiếc váy cho biết rằng chủ nhân của nó là một người khéo tay và khá tinh tế. Nàng đứng hơi nghiêng và cúi xuống để nước không làm ướt chiếc tạp dề màu xanh, ôm trọn bờ eo nhỏ nhắn, thon gọn; và nở ra một cách dữ dội ở phía trên, nơi trú ngụ của đôi bồng đào, không cách gì che dấu nổi dưới lần áo mộc, đơn sơ, với sợi dây và hai cái nút nho nhỏ, xinh xinh, buông thõng. Thay vì sự khó chịu với những đôi mắt chòng chọc lướt đi lướt lại trên cơ thể của mình, Valia lại có cảm giác dễ chịu. Nàng ý thức được cơ thể của mình và thấy một niềm vui lớn dâng lên trong cái đầu nhỏ nhắn, xinh đẹp.

Những gã đàn ông sau vài phút sững sờ bắt đầu thay nhau thả ra những lời đường mật. Một không khí hơi náo nhiệt thay cho cái im lặng phăng phắc lãng mạn ban đầu. Nếu như không có bà cô Irina Nhikolaiepna can thiệp, thì những lời chòng ghẹo còn bủa vây Valia đến chừng nào. Nhưng dẫu sao, hình ảnh của Valia xuất hiện ở cuối một chặng đường dài, bụi bặm và mệt mỏi, cũng đã làm cho không gian dịu lại. Ít ra thì nó cũng gây cho đám đàn ông háo sắc kia không cảm thấy thất vọng nơi một miền quê heo hút, buồn tẻ vừa tới; ngược lại, là nơi đáng tới, đáng khám phá.

Cả đám tản ra lo thu xếp nơi ăn chốn ngủ cho mình. Mỗi người một cái giường xếp, một bộ chăn ga, một chiếc gối lông gà; tất cả được xếp đặt khá ngay ngắn trong một không gian chật chội. 
Nadia và Ocxana, tên hai thành viên nữ, được ở một phòng riêng. Nadia khá nhỏ nhắn và ưa nhìn, trái lại, Ocxana cao lớn, khá giống một chú hươu đực. Cả hai sung vào đoàn xây dựng mùa hè không phải vì lý do kiếm tiền bù đắp cho các khoản chi tiêu chốn học đường. Nhìn vào ánh mắt của cả hai, dễ dàng bắt gặp những tia dục vọng khát khao không gì che dấu. Cả hai đi tìm bạn tình. Cả Nadia và Ocxana sở hữu một cảm xúc thỏa thuê khi họ có rất nhiều cơ hội để hưởng những giây phút hoan lạc khi không bắt gặp nhiều cạnh tranh như ở Odessa, thành phố biển, nơi họ đang theo đuổi năm đầu của khoa Luật học. Tỷ lệ hai trên mười tám là một tỷ lệ lý tưởng đối với họ. Mặc dù nhan sắc không có gì mặn mà nhưng trong một ngữ cảnh không có nhiều lựa chọn, những thằng đàn ông vẫn cảm thấy phấn khích khi có sự hiện diện của hai cô gái. Nói tóm lại, các cô có thể trở thành những hoạt náo viên cho một vở kịch kéo dài gần hai tháng hè với những tình tiết không định trước, ở một vùng quê xa xôi, hẻo lánh.

Valia vừa nhanh tay chuẩn bị món Galupxu, vừa miên man với những cảm xúc cách đây ít phút. Có một niềm hạnh phúc nho nhỏ lan tỏa trong Valia. Những ánh mắt thèm khát của đám đàn ông kia như có màu sắc bám chặt, dính đầy lên váy áo, lên mặt, lên cái cổ nõn nà, lên mái tóc đang đung đưa vì gió từ hầm lò, lên tất cả con người nàng; tưởng hồ như phải tắm gội thật kỹ mới dứt chúng ra khỏi nàng được. Tâm hồn nàng hân hoan đợi chờ điều gì đó sẽ xảy ra, nàng chắc chắn nó sẽ xảy ra, trong những ngày tới. Mặc dù nàng không thật sự tin tưởng hay định hình một cách rõ nét các hành vi mà nàng sẽ đối mặt, nhưng cơ thể nàng mách bảo rằng nàng hãy sẵn sàng và không có lý gì để ngại ngần hay từ chối.

Valia không phải người làng Mikhalopka. Nàng ở tận làng Pervomaisko, cách đây nửa ngày đường. Cuộc sống của Valia trở nên tù túng biết bao khi nàng học xong năm cuối cùng trường phổ thông. Nàng Sống cùng mẹ và cha dượng trong một căn hộ nhỏ không mấy yên bình. Bố nàng mất vì nghiện rượu khi nàng còn nhỏ. Một ngày đẹp trời, mẹ nàng tha về nhà gã bố dượng nhìn vẻ hơi bệ rạc, với đôi mắt chòng chọc và xoi mói, đặc biệt những lúc gã nhìn, mà đúng hơn là ngắm nghía đứa con gái của người tình. Valia không nhớ biết bao lần nàng phải né trách những ánh mắt như vậy của lão. Gã là công nhân bốc vác cho một nhà máy cách làng không xa. Có lẽ thế, nhìn cái gì, lão cũng muốn xốc lên, Valia cũng không là ngoại lệ. Cuộc sống không êm đềm cứ thế trôi qua từng ngày. Những đêm thao thức khó ngủ của Valia càng dày hơn bởi một phần bị những âm thanh hoang dã từ phòng bên, nơi mẹ và dượng của Valia làm cái công việc mà nàng coi là khá thô lỗ, vọng tới. Hai căn phòng ngủ chỉ được che chắn bằng vật liệu rẻ tiền, nó cũng giống như sự nhàu nát của hai tâm hồn, vì thời gian và nhiều cọ xát; sự chắp ghép có chút khiên cưỡng nhưng trội lên vẫn là sự hợp lý; hâm nóng nhau bằng những bù đắp trần trụi, không còn chút e ngại hay ý tứ. Valia ban đầu tưởng hồ như dị ứng với những âm thanh đó, nhưng theo thời gian, những tế bào trên cơ thể của người con gái vừa bước sang tuổi mười tám bỗng từ từ có những phản ứng ngược lại. Nhiều khi cái điên dại khoái lạc bên bức tường kia như nhảy xổ vào nàng, la hét trong nàng, cào cấu trên da thịt căng cứng của tuổi dậy thì. Những mơ hồ về một miền cực lạc xâm chiếm, bóp thắt lồng ngực, quăng quật nàng đêm đêm. Nàng ý thức được một điều là con thú hoang đang lớn dần, hoành hành thân thể của nàng, một ngày nào đó, nó sẽ đưa nàng đi thật xa, khỏi nơi nàng đang náu ẩn; nàng sẽ rủ bỏ những ràng buộc hiện hữu và không e dè đón nhận những gì nàng muốn. Valia như người khát nước giữa sa mạc.

Nơi Valia ở, ngôi làng quá ư nhỏ bé, quanh đi quẩn lại chỉ thấy các ông già, bà già. Cánh thanh niên đứa thì bỏ học giữa chừng, đứa thì học vừa xong là biến khỏi làng lên những thành phố lớn. Làng vắng teo. Valia cô đơn. Nàng ngỏ lời với mẹ về chuyến đi tới chơi bà cô Irina Nhicolaiepna làng Mikhlopka, mẹ cô đồng ý.

Bà cô Irina Nhicolaiepna sở hữu một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ hai gian, xung quanh là cây cối được bà trồng khá phóng khoáng, hay có thể nói là thiếu ý tưởng: bên phải có mấy gốc lê, mùa này đang vào mùa thu hoạch nên quả dày kín như hàng ngàn quả chuông nhỏ, vàng ươm, thơm lừng; phía trái là dăm ba gốc táo cùng anh đào chen chân bên dậu nhỏ. Sau nhà có hai cây sồi. Chính bóng mát của hai cây sồi này đôi khi lại làm cho ngôi nhà nhỏ rơi vào u tịch. Diện tích phần lớn của khoảnh vườn được trồng ngô. Những cây ngô vạm vỡ, cao trên hai thước, đứng ken dày, xanh ngắt, mỗi cây có tới ba, thậm chí bốn bắp, to ngang bắp tay người. Ngoài ra là cỏ dại. Một mình Irina Nhicolaiepna không thể làm hết tất cả các công việc của một nhà nông. Có được khu vườn xanh tốt như thế này phần lớn là nhờ công của lão Chủ tịch Mikhail Matveevich. Cứ tới mùa cày cấy, lão điều động cánh đàn ông làng bên cùng máy móc làm xuyên giờ khoảng hai tới ba ngày, từ làm đất tới trỉa hạt. Công lao của lão được trả bằng thân xác cũ rích của chính Irina Nhicolaiepna. Nói trả công bằng cách đó thì cũng hơi oan cho cả hai, vì giữa Irina Nhicolaiepna và lão Chủ tịch có chút tình cảm, nhất là sau khi chồng của Irina Nhicolaiepna chết vì bị đàn bò bức sữa dẫm đạp lên tấm thân gầy gò của ông. Đối với Mikhail Matveevich, lão cũng không đòi hỏi gì nhiều, ngoài những ngày sau mùa làm vườn cho Irina Nhicolaiepna, lão hay ghé người tình già của lão vào những lúc rảnh rỗi hoặc khi vợ lão lên phố thăm con trong vài ba ngày. Ngôi nhà nhỏ vì thế mà cũng có những nét tươi tỉnh của nó.

 

Irina Nhicolaiepna sống vậy mà không con cái, người bà con duy nhất của bà là mẹ của Valia. Đối với Irina Nhicolaiepna, cuộc sống không đến nỗi tệ, bà có lão Chủ tịch, có ngôi nhà nhỏ ấm cúng, có vườn cây và có sự tĩnh mịch của một tâm hồn ít va chạm và ít cầu toàn. Nghe tin Valia có chuyến viếng thăm, Irina Nhicolaiepna mừng rỡ nên đã chuẩn bị chu đáo cho một cuộc gặp mặt, như với một thượng khách vậy. Bà tự thầm thì: “Có ai mà không choáng ngợp trước Valia của ta cơ chứ! Mà ta thì thích cái mồm miệng líu la líu lo của nó!”.

Valia và bà Irina Nhicolaiepna được lão Chủ tịch Mikhail Matveevich bố trí làm đầu bếp phục vụ đám sinh viên khát tiền, khát tình kia.Valia vui vẻ nhận lời vì cô đã quá kinh sợ những tháng ngày buồn tẻ. Hơn thế, cô sẽ được làm quen với những người thành phố, nơi phồn hoa mà tâm hồn cô luôn háo hức được chiêm ngưỡng, được đặt chân tới dù chỉ một lần. Những ao ước của cô chưa bao giờ là hiện thực, chúng chỉ như cánh chim cô đơn bị nhốt chặt trong lồng.

Đêm đầu tiên làng Mikhailopka không ngủ. Làm sao ngủ được khi một đoàn hổ báo hai mươi con kia, vì lạ nhà, lạ chăn lạ gối, vì những bầu máu nóng thôi thúc. Họ đã đánh chén no nê những gì Valia và bà cô Irina Nhicolaiepna lúi húi chuẩn bị cả buổi chiều: cháo sữa lúa mạch, galupxu, khoai tây nghiền và thịt bò chiên viên, món tráng miệng là những chiếc bánh ngọt xinh xắn hình trái tim. Tất cả đều được làm từ nguyên liệu của làng Mikhalopka, qua bàn tay khéo léo của hai cô cháu.

Chẳng mấy khi làng Mikhaiopka có cảm giác thức, vì về đêm, những người già chỉ chờ mặt trời tắt nắng, uống vài ba ly rượu xamagon, ăn tối và đi ngủ; cánh thanh niên ít ỏi trong làng cũng biến đi đâu mất, có thể họ đã đi tìm niềm vui ở xa hơn, ở các làng khác, làng Mikhailopka không có gì cho họ mua vui, tệ hại nhất là chả có bóng dáng đứa con gái nào cả, chỉ có mấy người phụ nữ góa, về đêm, đi vào đi ra như kiếm tìm những gì sót lại của tuổi thanh xuân, rồi họ cũng vùi đầu vào giấc ngủ đê mê sau một ngày vất vả.

Valia cùng bà cô Irina Nhicolaiepna về nhà khi đã khuya. Một ngày đầu tiên với một núi công việc hứa hẹn những ngày quần quật phía trước. Đã lên giường rồi nhưng đầu óc Valia vẫn ráo hoảnh, trôi theo những những suy nghĩ vụn vặt đan xen. Nàng vẫn có cảm giác những ánh mắt như những cuộn dây thừng kia cuốn chặt lấy nàng, làm nàng khó thở. Trong tất cả những đôi mắt kia, Valia thật sự bối rối ánh mắt của Xecgay, mãi tới chiều nàng mới biết tên anh, có một cái gì đó thiêu đốt tâm can nàng, nàng cố giấu sự bối rối bằng cánh cúi xuống để những lọn tóc che lấp khuôn mặt đỏ ửng lên một cách quá mức cần thiết. Dù vậy, nàng vẫn cảm thấy ánh mắt màu xanh nâu của chàng trai cao lớn với những đường nét nghiêm nghị trên khuôn mặt đánh thức tâm hồn bị bỏ quên lâu ngày của nàng.

Cuộc khám phá một miền quê của những chàng sinh viên bắt đầu ngay trong đêm. Tất cả tản ra mọi phía để lại căn nhà trống hoác. Mãi sau mười hai giờ khuya tất cả mới lục tục mò về. Thằng Vova ra về không tay không, hắn vác một cây thánh giá cao hơn đầu người, trịnh trọng dựng ngay giữa phòng ngủ, té ra, cách đây không xa, trên ngọn đồi, sát một nhà máy xẻ gỗ, là một nghĩa trang nho nhỏ. Cây thánh giá thằng Vova đưa về được trồng trên ngôi mộ mới, của một người già trong làng vừa ra đi ngày hôm kia. Thằng Vova tuyên bố:”Đây là quà của anh tặng hai em Nadia và Ocxana”. Hắn cười hềnh hệch, y chang nụ cười của một gã trai làm nghề bia mộ. Nadia và Ocxana rú lên sợ hãi. Không được nhiều người ủng hộ, thằng Vova lại vác cây thánh giá ra đi. Trước khi đi, hắn lại hềnh hệch:”Hai em gái, các em không muốn nhận quà của anh, anh sẽ đi tìm Valia và trao cho cô ấy món quà vô giá này!”. Cái tên Valia được thằng Vova thốt lên có một sức mạnh như một giọt nước trong bình kín đã thoát ra, cứ thế dòng nước ồng ộc tuôn trào xối xả. Tất cả nhao nhao giành lấy Valia về mình. Tưởng hồ như Valia là đã của ai đó. Sự xâm phạm sẽ dẫn đến đổ máu. Cái sở hữu ảo tưởng không thể che dấu những thèm khát dâng lên trong ngực những gã đàn ông kia. Phải rất khuya, đêm mới dược yên tĩnh và trùm lên tất cả.

Buổi sáng làng Mikhailopka rất đỗi yên bình, kỳ diệu. Chỉ có tiếng gió trời lồng lộng vi vu đuổi bắt nhau trên những nóc nhà, lùm cây, con đường, dưới ánh nắng chan hòa. Bầu trời cao vợi, mây xanh ngắt. Bạch dương, hoàn diệp liễu, dã anh và những cây sồi cố hết sức xòe những tán lá đón gió trời và ánh nắng. Chim chóc sau một đêm dài, giờ đuổi bắt nhau và cất tiếng lảnh lót trên cành những cây du.

Chiếc xe Zil mui trần của lão tài Ivan đã đứng chờ ở sân. Đây là ngày làm việc đầu tiên của các cô cậu sinh viên. Những người, có thể là chưa bao giờ biết cầm thuổng, cầm bai. Bàn tay họ chưa bao giờ bị chai sạn vì những công việc nặng nhọc. Mùa hè, các trường đại học vẫn thường tổ chức những đội xây dựng của sinh viên như thế này, mục đích là giúp đỡ, giải quyết nhiều công việc tay chân cho các làng quê neo người và tạo thu nhập cho sinh viên. Làng Mikhailopka cần nhiều ngôi nhà mới. Những ngôi nhà cũ kỹ, xập xệ của những người nông dân đã đến lúc cần đập bỏ. Những chuồng trại cũng cần di chuyển và xây mới. Lão Chủ tịch Mikhail Matveevich muốn đưa trại nuôi bò về phía Tây, nơi cao ráo, thuận tiện đi lại, thay cho vị trí hơi ẩm, tối, hiện tại. Nhưng cái lão muốn nhất là quy hoạch lại nhà ở cho bà con. Lão mơ về những ngôi nhà khang trang, đứng sát nhau, thẳng hàng, thẳng lối trên đồi Vườn táo. Dự định của lão có từ lâu nhưng do ngân sách hạn hẹp quá, lão cứ phải xin từ năm này qua năm khác. May mắn cho lão, năm nay, Tỉnh đã duyệt cho lão hai mươi ngôi nhà và chi phí việc dời trại bò. Rồi đây, khi những khu nhà mới mọc lên, cuộc sống sẽ vui nhộn biết nhường nào, lão sẽ giữ chân được đám thanh niên trong làng ở lại, có khi còn thu hút được bọn trẻ ở những làng lân cận. Nói chung, lão là người có cái tâm và cái tầm.

Nắng ban mai dịu dàng đã dần nhường chỗ cho sự gay gắt. Chiếc Zil lao hồng hộc vào một vùng đất trống. Xa xa là rừng táo, còn sát đây, cánh đồng lúa mạch đang chờ thu hoạch. Có lẽ, những người có thị lực tốt nhất cũng không thể đạt được tầm nhìn tới điểm cuối cùng của cánh đồng. Sóng vàng kết lại từ những bông lúa mạch dập dìu, uyển chuyển, và cái làn sóng đó đuổi nhau cuồn cuộn trôi mãi tới tít tắp chân trời. Cánh đồng lúa mạch này, ba ngày sau, đã được năm cái máy gặt đập, hàng chục xe ben, dàn hàng ngang, cứ thế chạy từ từ, như những chiếc tông đơ húi trọc một cái đầu. Những chiếc ben thay nhau hứng lấy dòng hạt mạch từ cái vòi dài của máy gặt đập, đầy xe này, xe khác đã vào thế chỗ. Cả đoàn xe nối đuôi nhau chở lúa về kho nông trang cách đó không xa. Bụi lúa bay mù mịt, tỏa mùi hương thơm nồng. Phần còn lại là những thân lúa được cuộn lại thành những bó tròn, nằm ngay ngắn như những viên thuốc trên một vỉ. Sau vài ngày, những bó thân lúa, một phần, sẽ được đưa về trại bò, phần còn lại, được chuyển lên xưởng sản xuất gạch, ở đó, đất sét sẽ được trộn đều cùng thân lúa, máy làm gạch quay đều, trộn nhuyễn và cắt những tảng hỗn hợp kia thành những viên gạch to. Sau khi phơi khô dưới nắng mùa hè khoảng một tuần, gạch cứng lại, tuy xù xì nhưng đã có thể đem đến những công trình xây nhà ở, xây chuồng trại. Gạch chế biến từ đất sét và thân lúa giữ nhiệt rất tốt cho những ngôi nhà và bền bỉ, vững vàng theo cả đời người.

 

Thường thì những công việc nặng nề sẽ kéo dài thời gian ra. Một tuần qua đi, năm cái móng nhà và những bức tường nông choèn ngoi lên khỏi mặt đất, không gian vì thế bớt đi chút ít sự trống trải. Dưới cái nắng hè đang chín giữa vụ, điều tồi tệ là da thịt cứ cháy đỏ rần lên, miệng lưỡi khô khốc, môi phồng rộp, hơi thở nóng hầm hập như bếp lò. Để cho những giọt mồ hôi thoát ra thánh thót mà không vướng víu, quần áo dài được cởi bỏ, thay vào đó là những bộ cánh bãi biển. Vậy đỡ vướng víu hơn. Không gian có phần đỡ ngột ngạt khi bóng của Nadia và Ocxana trong bộ dạng hai mảnh, lướt qua lướt lại, chuyền gạch, tiếp nước, xăng xái với những chuyện vặt vãnh. Riêng Ocxana, áo ngực và quần tắm quá nhỏ so với cô, nên gây cảm giác là cô không mặc gì cả. Nhìn họ, những mệt mỏi của cánh đàn ông có phần tan biến đôi chút.
Đền đáp lại những nỗi khổ cực ban ngày là thú vui về đêm. Cuộc sống mở ra, sôi động hết cỡ. Những gì được chờ đợi thì cũng đã đến, đến nhanh hơn người ta tưởng. Nadia cặp kê cùng Victor thanh tra, gã trai được nhiều người yêu mến vì dáng dấp thư sinh, đôi mắt nhìn điềm đạm, nụ cười thân thiện và có những hành vi chừng mực. Victor được phong tước thanh tra, một công việc liên quan đến chấm công và kiểm soát. Tuy vậy, anh ta chẳng mấy khi đoái hoài tới việc này, anh chỉ khéo đưa những viên gạch lớn lên tường, xây thoăn thoắt, sau đó đứng ngắm nhìn vẻ tự mãn.

Ocxana to con được cho là sở hữu riêng của vài người, nhưng chủ yếu, mọi người thường bắt gặp cô hú hí cùng thằng Phedia. Phedia cao to và có dáng một nhà quyền quý. Cặp ria mép của hắn vểnh ngược, dày dặn, nhưng khá gọn trên một gương mặt trông na ná như Petr Đại đế.

Đêm đêm, tiếng đùa cợt, chọc ghẹo, lẫn cả tiếng thở dồn dập, tiếng rên la nho nhỏ của hai đôi trai gái phòng bên tất nhiên hơi quá đà, gây sự bứt rứt, khó ngủ, thậm chí, như là xiềng xích cho cánh đàn ông. Có lẽ với mục đích tiết kiệm chi phí xây dựng, chứ nếu không, người ta đã không phạm sai lầm là xây nên những bức tường giữa các phòng ngủ mỏng manh đến vậy.

Thời gian đầu, Nadia và Ocxana làm việc khá chăm chỉ. Họ luôn có mặt ở công trường, nhưng dần dà, những ngày xin được nghỉ việc của hai cô nhiều lên. Mỗi lần họ nghỉ, thì chắc chắn, hoặc là vào lúc nửa ngày, hoặc là trong giờ giải lao giữa trưa, cũng chẳng có thể tìm thấy hai thằng Victor và Phedia đâu cả. Không ai bảo ai, nhưng tất đều biết chúng đang trốn trong váy của Nadia và Ocxana.


Cuối tuần, như đã hứa từ trước, lão chủ tịch Mikhail Matveevich tổ chức một đêm vũ hội. Đó là một đêm khá ồn ào và đáng nhớ. Sân khấu chính là khoảng sân đầy cỏ dại, được trang bị một dàn âm thanh cũ kỹ, với hai chiếc loa cao gần mặt bàn, một cây ghi ta, lại thêm một chiếc balalaika, do bạn bè lão chủ tịch mang tới. Những chiếc bàn thô sơ được phủ trắng bằng những tấm khăn mộc mạc có thêu hoa cúc vàng. Không gian rộng mở nhưng đầm ấm nóng dần lên khi ánh trăng bất ngờ xuất hiện. Những vị khách không mời làng bên gồm dăm bảy cô cậu thanh niên, vài ba phụ nữ độc thân, cánh đàn ông vô công rồi nghề, vài ba gã xà ích, đã lục tục kéo đến, đứng nhấp nhô, lao xao tán chuyện. Họ mang tới rất nhiều rượu xamagon, giò Kreschianski, bắp cải, dưa chuột muối, và tất nhiên, tâm hồn háo hức cùng lòng nhiệt tình của những con người khát niềm vui.

Valia bận áo dài trắng, thắt nơ hồng, chân đi đôi giày vải láng trắng. Gương mặt Valia rạng rỡ, dưới ánh trăng mờ cũng đủ thấy đang ửng hồng lên, đôi mắt nàng tỏa sáng dịu dàng. Tất cả nhìn ngắm nàng, cả cánh đàn ông lẫn đàn bà. Tuy rằng, nàng đã làm cho tất cả lu mờ đi, nhưng không vì thế, có ai đó ghen tuông với nàng. Đúng là không thể không nhìn ngắm Valia lúc này.

Nhạc đã nổi lên. Rượu đã được rót. Những bản tình ca, mặc dù khá xô bồ, nhưng trong một ngữ cảnh cho phép, cảm giác lúc êm dịu, lúc phấn khích, lúc điên loạn, đang dâng lên. Cả đám đông bước ra, đứng lên và lắc lư cùng điệu Kadrin. Tất nhiên, sau màn dạo đầu khá “quý tộc” này, những điệu nhảy mãnh liệt đã bùng lên thay thế. Nhiều đôi quấn quýt bên nhau. Nadia và Victor thanh tra, Ocxana cùng Phedia, lão chủ tịch cùng bà cô Irina. Còn Valia, tất nhiên cùng Xecgay. Họ quay tròn trong tiếng nhạc. Những tâm hồn trong đêm vũ hội đã bật dậy, không còn e ấp, không còn dấu giếm. Thời gian cũng bị tảng lờ vì hơi men, vì sự tình tứ, vì những ôm ấp khá mạnh bạo. Ánh trăng chưa thể đủ để làm lộ ra nhiều khuôn mặt đã nhuốm đỏ, những bộ ria mép ướt sũng xamagon, những ánh mắt thèm thuồng, những bước nhảy chếnh choáng và những đôi tay chới với, rậm rịch theo tiếng nhạc.

Khi tất cả đã thấm mệt, đám đông bắt đầu phô diễn năng khiếu của mình bằng những tình khúc tự biên tự diễn. Lão Mikhail ca bài “Ánh mắt” . Giọng lão khá ấm:”Ôi ánh mắt em, như những tia lửa hồng. Thiêu đốt trái tim anh khờ dại. Anh cứ ngỡ đó là mật ngọt. Nhưng không ngờ thuốc độc em ơi!....”. Sau lão Mikhail, các bà, các cô tranh nhau khoe giọng bằng những bản tình ca mộc mạc, thôn dã.

Rượu lại được rót. Những đôi chân lại bám riết lấy nhau. Những bờ vai lả lơi. Những đôi tay ghì chặt. Nhưng có lẽ, trong nhiều tiết mục, bài hát gây ấn tượng sâu sắc nhất là khi Valia cất giọng, ca bài :”Giấc mơ” cùng với tiếng đàn ghi ta cự phách của thằng Kolia. 

“Ôi những cô gái trẻ
Mơ tình yêu bao la
Như cánh buồm nho nhỏ
Ước ao về phương xa

Ôi những cô gái trẻ
Mơ tình yêu bao la
Trong con tim khờ dại 
Cùng đức tin thật thà.....”

Chính Valia lại thấy thổn thức với lời ca của mình. Những nốt nhạc tưởng chừng như quen thuộc, giờ đây, như những con sóng, va đập vào trái tim nàng. Nàng hiểu một điều rằng, sự yên tĩnh đã bị xé toang, nàng đã sẵn sàng cho một chuyến đi, xa bao nhiêu cũng được. Nhạc vừa dứt, Valia ôm chầm lấy Xecgay, nàng thì thầm gấp gáp:”Xecgay, hãy đưa em ra khỏi nơi này, chúng ta đi thật xa đi anh!”
Valia và Xecgay tách khỏi đêm vũ hội, để lại đằng sau mình sự quay cuồng. Tay trong tay, họ đi về phía rừng bạch dương, nơi có một hồ nước rộng lớn. Trong đêm, mặt hồ ánh lên muôn ngàn vì sao bàng bạc. 
- Xecgay yêu quý! Mẹ em bảo, đừng nhìn lên ánh trăng. Ở đó chẳng có gì hay ho, chỉ những điều tồi tệ có thể xảy ra thôi! Anh có nghĩ vậy không? Valia nhìn Xecgay trong tiếng cười.
- Sao có thể là điều tồi tệ! Nếu không có ánh trăng thì làm sao anh có thể thấy rõ khuôn mặt xinh đẹp của em. Nhiều khi, chỉ một ngày, chỉ một buổi sáng, hay chỉ là một đêm trăng, một ánh mắt nhìn, đã thay đổi cuộc đời ta. Em đã thay đổi anh Valia yêu quý! Xecgay đáp lại lời Valia một cách trìu mến. 
Xecgay đã bộc bạch đúng những gì anh suy nghĩ. Từ cái nhìn ban đầu dành cho Valia, anh đã cảm nhận được nơi anh thuộc về. Bên cạnh Valia, anh yên bình và ấm áp.
- Quỹ thời gian của chúng ta là bao lâu anh? Chỉ có thể là hai tháng thôi sao? Em không tưởng tượng sau đó em sẽ làm gì, sẽ ra sao nếu không có anh? Valia nhìn vào ánh mắt Xecgay trong đêm.
- Anh cũng không biết nữa, nhưng mỗi một ngày, khi anh được ở bên em, anh sẽ làm cho em vui! Xecgay trả lời với một thoáng lo âu.
Valia cảm nhận được điều đó. Nàng muốn quên đi thời gian, thứ duy nhất, theo nàng nghĩ, có thể chia tách nàng và Xecgay. Nàng không muốn nghĩ về điều đó nữa. Nàng đề nghị Xecgay sang hướng khác:
- Chiều mai, anh hãy cùng em tập cưỡi ngựa nhé. Em đã nhìn thấy lũ ngựa ở đây. Chúng thật đáng yêu và dũng mãnh!
Xecgay khẽ gật đầu. Anh không trả lời và ôm chầm lấy Valia.

Trăng đã treo giữa đỉnh trời. Thứ ánh sáng bàng bạc đĩ thỏa đó trùm lên vạn vật. Như con thú đã được trả về rừng, như dòng sông cạn khô đang trong mùa lũ. Hai tâm hồn, hai thể xác cuốn lấy nhau, thét gào cùng nhau trên một chiếc giường là thảm cỏ bát ngát, trong một đêm trăng không một gợn mây che.


Chiều Chủ Nhật. Khi Xecgay tỉnh dậy sau buổi sáng ngủ nướng, đã thấy Valia đứng bên cạnh.
- Chúng ta ra tàu ngựa đi anh! Valia giục.
- Xin tuân thủ, con ngựa trắng bất kham của anh! Xecgay vừa vươn vai vừa chọc vui.

Tàu ngựa nằm bên cạnh triền dốc. Việc nuôi một đàn ngựa dễ có đến mấy chục con rất tốn kém, dẫu không biết dùng chúng vào việc gì, có lẽ chỉ là để thỏa chí tiêu khiển của lão Mikhail. Lão chăm chút vườn ngựa và khoe khoang chúng với bất cứ ai là người lạ. Lão cưỡi ngựa như nghệ sỹ xiếc nên muốn đám sinh viên tung hô lão khi lão làm việc này. 
Tất cả tập trung ở tàu ngựa. Mỗi người tự chọn cho mình một chú ngựa. Đàn ngựa thấy người lạ, tung hai vó lên trời, hí lên phẫn nộ. Mikhail dẫn Xecgay và Valia đến bên một chú ngựa trắng. Lão bảo tên nó là Tia Chớp. Đây là giống ngựa chiến, khá bất kham và chạy cả ngày đường không mệt. Xecgay hăm hở cầm lấy dây cương. Với sự trợ giúp của Mikhail, anh đã ngồi được gọn gàng trên lưng ngựa không có yên và lệnh cho con ngựa bước đi. Tia Chớp rùng mình, hai chân trước quẫy đạp mấy lần trong không trung. Xecgay vẫn giữ chặt giây cương, hai chân bám vào sườn ngựa, mình gò lên một chút, nhưng rất kiên quyết và vững vàng. Con ngựa bắt đầu vục vặc nhưng đã bắt đầu có những bước đi nhẹ nhàng hơn. 
Valia nhìn Xecgay điều khiển con vật mà lòng thán phục. Cô nhảy loi choi, hai tay vỗ liên hồi, cười thích thú. 
- Anh Xecgay, hãy cho em phi cùng anh! Anh Xecgay! Valia nài nỉ.
Xecgay cùng Tia Chớp dừng lại trước Valia. Nàng không ngại ngần hất chiếc váy rườm rà của mình lên cao, giơ tay cho Xecgay đỡ, lấy hết sức nhảy lên mình ngựa, ngồi ôm chặt lấy phía sau của Xecgay. Valia không ngừng cười khúc khích vì nàng chợt nghĩ, nàng cũng chẳng khác chú ngựa này bao nhiêu, cũng dũng mãnh và khát khao lao về phía trước như thế. 
- Bám chặt nhé! Xecgay ra lệnh. 
Tia Chớp bắt đầu lao đi. Tiếng vó của nó xéo lên cây cỏ của cánh đồng hoang nghe bạp bạp. Những tảng đất tung lên hối hả phía sau. Con ngựa có vẻ bị kích động vì tiếng cười trong trẻo của Valia, cũng có thể vì nó muốn chứng minh sức mạnh tiềm ẩn của nó với hai vị khách lạ, nên lao đi như một mũi tên. Phía trước là một con dốc, dài hun hút và mấp mô. Xecgay cố hãm cương, anh thấy dưới sức nặng của hai người, con ngựa mất dần sự kiểm soát. Nó muốn thoát khỏi con dốc nhưng có vẻ càng chạy, nó càng lao nhanh hơn. Valia dường như cũng cảm nhận được sự nguy hiểm, nàng đã tắt tiếng cười và ôm ghì Xecgay. Gió quạt ầm ầm bên tai, thổi tung và dường như đang cố dứt những lọn tóc của Valia ra khỏi chiếc đầu xinh xắn của cô. Xecgay chỉ còn cách là nắm vững dây cương, cúi rạp mình, hai chân ghì chặt bụng con ngựa. Chưa bao giờ anh phải đối mặt với một mối hiểm nguy lớn như thế này, hơn thế nữa, sau lưng anh, là Valia của anh. Con ngựa lao đi nhanh hơn, nó tung chân vượt qua những mô đất nhỏ, những bụi cây lúp xúp. Mỗi lần như thế, cả Xecgay và Valia thấy mình đang bay trên không trung. Khi bốn chân con ngựa chạm đất, cả hai thân hình như muốn bứt lên, rời khỏi con ngựa. Điều tệ hại mà cả Xecgay và Valia lo ngại đã xảy ra, khi cố tình né tránh một bụi cây, con Tia Chớp đối mặt với một cồn đất khá cao, nó né mình, nhưng không kịp rồi, hai chân trước của nó va vào cồn đất, nó khụy xuống, trong lúc cả thân hình của nó đang lao về phía trước. Cả Valia và Xecgay bị quăng mình khỏi con ngựa.

Valia nằm đó, gần bên Xecgay. Cả hai như đang chìm vào giấc ngủ. Khuôn mặt Valia hết sức thanh thản, trên bờ môi không ngừng đỏ mọng của cô tưởng hồ như vẫn còn vang lên khúc ca “Ôi những cô gái trẻ
Mơ tình yêu bao la”.
Đó là một ngày tháng Bảy. Trời đất như đổ sụp xuống. Vâng, một ngày tháng Bảy.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm
Mẹ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Tác phẩm Giải thưởng Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Xem thêm
Tiếng chuông muộn màng – Truyện ngắn của Trần Minh Ánh
Đêm đã khuya, mọi cảnh vật đã chìm vào giấc ngủ, tiếng điện thoại tôi đổ chuông, bên kia đầu dây là một giọng đàn ông tiếng Quảng Nam nhưng rất lạ: Alo có phải anh Minh không?
Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm