- Lý luận - Phê bình
- Nghe giật mình hơn mọi tiếng vang...
Nghe giật mình hơn mọi tiếng vang...
(Nghĩ vụn nhân được tặng tập sách quý TRẦN MẠNH HẢO TUYỂN TẬP THƠ)
1. Không chỉ ngay lúc này mà luôn là thế, nửa thế kỷ nay, khen thơ Trần Mạnh Hảo khác nào khen phò mã tốt áo, té nước theo mưa, chí ít cũng sẽ giống mượn hoa cúng Phật. Ở cái xứ ra ngõ đụng nhà thơ, dễ bị... thơ tông như xứ mình, thơ hay không đến mức quá hiếm, nhà thơ thứ thiệt cũng không hẳn phải đốt đuốc đi tìm, nhưng một người thơ hay bất di bất dịch, hay bền vững như Trần Mạnh Hảo, nhất thời chưa nghĩ ra ai.
Nếu ông Trời bỗng một hôm ngồi "cân đối lại" số tài năng thi ca đã ban phát cho thế gian, chắc phải vò đầu bứt tai vì hình như có lúc nào đó mình ngủ gật, nhỡ tay phú cho cái gã Trần Mạnh Hảo nước Nam kia hơi nhiều chăng? Trường ca, lục bát, tứ tuyệt, thơ thiếu nhi, thơ chân dung, thơ sông hồ, thơ danh nhân, danh thắng..., dường như ở địa hạt nào thi sĩ họ Trần cũng một mình một chiếu, anh hùng nhất khoảnh. Cho dù hơn hai chục năm nay, ông chỉ đưa thơ lên cõi mạng (blog, facebook) - vốn hay bị mấy gã hoạnh tài coi là ảo, nhảm nhí, rác rưởi - vậy nhưng vô số câu thơ tài hoa, hay sởn da gà, hay nổi gai gốc, hay lạnh người... của ông được tìm đọc, được tán thưởng, được cuồng nhiệt tung hô và chắc sẽ còn sống rất dai trong trí nhớ vô định hướng, vô bang hội của bạn đọc mọi lứa tuổi. Có người bảo: cái dở nhất của thơ Trần Mạnh Hảo là không có câu dở. Nghe như đùa, nhưng không hẳn vô lý. Đúng là "kẻ ăn không hết người lần không ra". Chả bù cho hàng ngàn hàng vạn văn nhân thi sĩ, cả đời hì hục nhễ nhại đánh vật với chữ nghĩa, sách vở in ra xếp chồng tận nóc nhà nhưng về già ngoảnh lại, mong có được nửa câu lấp lánh để nấn ná đôi chút với thế gian cũng mịt mờ vô vọng.
2. Internet ra đời làm đảo lộn mọi trật tự thế giới. Văn chương đích thực có đủ 72 phép biến hình của Tề Thiên Đại Thánh để tiệm cận đối tượng của nó. Mọi lý thuyết, lý luận, lý sự, mọi cấm đoán, quy hoạch, định hướng, chỉ đạo... bỗng chốc thành anh hề vác tầm vông chạy đuổi theo... máy bay phản lực. Sách giấy, báo giấy càng ngày càng bị thờ ơ, đang trên đường trở thành biểu tượng của "xuất bản phẩm" theo hướng hoài cổ. Sách giấy đôi khi chỉ thể hiện cách chơi của người có tiền, chỗ ban phát của người có quyền. Trần Mạnh Hảo chịu ơn và hiểu rõ sức mạnh bất khả chiến bại của mạng xã hội và các giao thức truyền thông trực tuyến. Thơ ông ngạo nghễ tung cánh muôn phương, bất chấp mọi rào cản có tên và không tên. Ông tả xung hữu đột trên nhiều địa hạt, chữ nghĩa bung tỏa như nước vỡ bờ. Không chỉ miệt mài tôn vinh thơ và người thơ đích thực, như một võ sĩ giác đấu khổng lồ, ngọn roi luận chiến mang tên Trần Mạnh Hảo cùng lúc vung lên trên mọi đấu trường, quất quắn đít mọi thứ nhân danh, giả danh, mạo danh, tiếm danh, lập lờ đánh lận giá trị, "nước ốc hóa" thi ca. Mấy chục năm như thế, chưa từng thấy ông chùn tay, lùi bước. Một người mê thơ ông, bị thơ ông bỏ bùa từ thuở sinh viên hơn 40 năm trước là tôi, chưa bao giờ thấy thiếu vắng ông trong đời sống chữ nghĩa, dù đã lâu lắm không thấy ông ra sách giấy.
3. Lần này, ông bất ngờ cho sách giấy một cơ hội bằng quyết định tự bỏ tiền làm một tuyển tập thơ. Nhớ có lần đọc đâu đó, đại khái: "thời nay, không phải cái gì kẹp giữa hai cái bìa cũng là cuốn sách". Quyết định của ông ban đầu làm tôi hơi ngạc nhiên, có phần ái ngại. Không phải lo ông thiếu "điều kiện" để làm một tuyển tập nghiêm ngắn cho mình, mà chạnh nghĩ thấy nhoi nhói một cái gì bất nhẫn. Lẽ ra, với một người lính cầm bút từng vào sinh ra tử ngay từ tuổi 20, văn tài rực rỡ, từng đoạt bao nhiêu giải thưởng nọ kia... như ông, ở tuổi u80 không cần tự mình lọ mọ xin phép in ấn, rồi lại lọ mọ tự phát hành sách như thế. Hàng năm, biết bao tuyển tập, tổng tập ba vạ, vô bổ, vô tích sự... được "đầu tư" đã từ nhà in chạy thẳng ra nghĩa địa sách đồng nát. Sao không ai nhớ tới ông? Có lẽ chẳng chấp nhặt hay toan tính gì ghê gớm, ông làm chỉ vì muốn trao cho những bạn đọc là lính cùng thế hệ - vốn không có điều kiện, hoặc không mặn mòi với văn chương mạng, hoặc chỉ coi sách giấy mới là sách - một cơ hội đến với thế giới thi ca của riêng ông. Hoặc giả ông cũng muốn đem tinh huyết một đời thơ phơi bày trên giấy trắng mực đen, chơi ván bài lật ngửa cùng những Nhạc Bất Quần trong làng chữ nghĩa? Hay chỉ đơn giản là ông thèm cảm giác được ký tặng sách cho bạn bè, người hâm mộ...?
Vì bất cứ lý do gì thì cũng chia vui cùng thi nhân Trần Mạnh Hảo. Một gã làm thơ gà què như tôi được ông coi như thằng em, luôn ân cần, nồng nhiệt mỗi lần tìm đến xin thơ ông về in báo, in vào các tuyển tập..., kể cũng quá đủ. "Gần chùa gọi bụt bằng anh", tròn 30 năm (1988-2018) ngụ cư ở tòa nhà 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì 20 năm tôi được là hàng xóm của ông, được ông chia sẻ, dạy bảo nhiều điều bằng những thành công và cả những hoạn nạn của mình, chẳng phải đã là một diễm phúc sao? Trong mắt tôi, trước đó rất lâu và tận bây giờ, ông cùng Nguyễn Duy và Văn Lê hợp thành những ngọn núi thi ca tựa như như Đỗ Phủ - Lý Bạch - Bạch Cư Dị ở ngay trong một... tòa nhà. Cả ba ông từng làm nên những cơn địa chấn nghiêng trời lệch đất mà tôi chưa một lần thôi ngưỡng vọng...
Muốn đi pha một ấm trà, thong dong ngồi lật sách, nhâm nhi vài con chữ trong thanh tịnh chiều tà. Giật mình nhớ một bài tứ tuyệt của ông, bài "Tĩnh lặng":
Cứ ngỡ đã tìm ra tĩnh lặng
Chao ôi, đêm lắng hết thôn làng
Chợt đâu chiếc lá rơi trong vắng
Nghe giật mình hơn mọi tiếng vang!
Một lần nữa, chúc mừng sư huynh, Trần Mạnh Hảo!
Tàng Sơn Cốc, chủ nhật, 21.8.2022.
Nguồn: FB Cao Xuan Son.