TIN TỨC

Người lan tỏa tư tưởng thi ca

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
523 lượt xem

 

Afag Shikhly (Cộng hòa Azerbaijan) - Vũ Văn Trung giới thiệu và dịch từ tiếng Nga

Chiều ngày 29/9, tại Baku, thủ đô nước Cộng hòa Azerbaijan, đã diễn ra buổi ra mắt tập thơ "Gün doğarkən" (tạm dịch: Mặt trời mọc) của nhà thơ Mai Văn Phấn. Tập thơ do nữ thi sĩ kiêm dịch giả Afag Shikhly tuyển chọn từ những bài thơ tiếng Nga của Mai Văn Phấn và dịch sang tiếng Azerbaijan. Tập thơ này được Ủy ban Văn hóa của Quốc hội Azerbaijan bảo trợ. Giám đốc dự án là bà Ganira Pashayeva, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa của Quốc hội Azerbaijan, Chủ tịch Ủy ban Liên Nghị viện Azerbaijan - Việt Nam. Trong lời khai mạc buổi ra mắt sách, bà Ganira Pashayeva đã nói: "Ngày 23/9/1992, Việt Nam và Azerbaijan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó đến nay, hợp tác giữa hai nước ngày càng mở rộng và hiệu quả. Cùng với nhiều lĩnh vực, hai nước chúng ta không ngừng mở rộng giao lưu văn hóa, đặc biệt là văn học nghệ thuật. Cuốn sách của Mai Văn Phấn xuất bản tại Azerbaijan lần này là sự kiện văn hóa nhân kỷ niệm tròn 30 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Thông qua thơ Mai Văn Phấn, độc giả Azerbaijan được dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp tâm hồn người Việt Nam, hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, cũng như phong tục tập quán của đất nước các bạn". Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc VCPN bài viết "Người lan tỏa những tư tưởng thi ca" của nữ thi sĩ kiêm dịch giả Afag Shikhly. Bài viết được dùng làm lời tựa cho tập thơ "Mặt trời mọc" của Mai Văn Phấn.

Vũ Văn Trung

 

Người Lan Tỏa Tư Tưởng Thi Ca

 

Là một nhà thơ đồng thời là dịch giả, tôi rất thú vị khi dịch những bài thơ của nhà thơ Việt Nam Mai Văn Phấn từ tiếng Nga sang tiếng Azerbaijan. Mặc dù đã qua một ngôn ngữ trung gian, nhưng sức lan tỏa những tư tưởng thi ca của ông vẫn mạnh mẽ, nó đã vượt qua các rào cản ngôn ngữ, văn hóa để đến với bạn đọc ở những miền đất lạ.

Tôi ấn tượng với Mai Văn Phấn từ khi biết ông đã cùng một số nhà thơ, nhà văn thế giới lên tiếng chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình cho vùng đất Nagorno-Karabakh, nơi đã từng xẩy ra những cuộc chiến tranh đẫm máu tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước Azerbaijan và Armenia.

Nhà thơ Mai Văn Phấn

Mai Văn Phấn sinh năm 1955 tại Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ông tốt nghiệp khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga tại trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội, sau đó (1983) tiếp tục du học tại trường đại học Sư phạm mang tên A. M. Gorky (ngày nay là đại học Sư phạm quốc gia Belarus mang tên nhà văn M. Tank) tại thủ đô Minsk của Belarus. Ông hiện sống và sáng tác tại thành phố Hải Phòng. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ quốc tế (trong đó có tiếng Nga, Anh, Pháp, Belarus, Ý, Tây Ban Nha, và hiện nay sang tiếng Azerbaijan, v.v.).

Thơ Mai Văn Phấn có phổ rộng và đa tầng. Qua những bài thơ của ông, bạn đọc có thể nhìn thấy sự thật trong từng bản thể, qua đó chiêm nghiệm được ý nghĩa cuộc sống hàng ngày. Thơ ông hiển lộ những vẻ đẹp trong sự giản dị, khơi mở từng sự kiện chân thực và sinh động, lan tỏa và thấm sâu tận đáy của thiên nhiên. Xin dẫn nguyên văn bài thơ "Vô tình trong nắng sớm" của Mai Văn Phấn để minh chứng cho nhận định này.

 

Vô tình trong nắng sớm

 

Nước đọng dưới chân núi

Một viên cuội nằm trên phiến đá cao

Không chớp mắt trong tinh khôi, yên tĩnh

 

Đêm qua ở đây có mưa

Ai đã ngồi kia trước hay sau mưa nặng hạt

 

Tự nhiên nhớ em, rất nhớ

Anh không dám nhìn đi nơi khác

Để trời xanh ngấm xuống gót chân

 

Từng mưa to, mưa rất to

Tắm táp cho viên cuội nhỏ

Chỉ riêng hình ảnh này

Đã làm anh yêu đời mê dại

 

Hình như nắng sớm đang phủ lên đỉnh núi

Làm trong suốt lòng đất, lòng cây.

 

Trong bài thơ trên, tác giả tư duy bằng ngôn ngữ thi ca giản dị mà tràn đầy cảm xúc. Mỗi đoạn thơ tựa như ca từ của khúc hát về thiên nhiên hoang dã, về tình yêu, tình bạn, về vẻ đẹp cuộc sống, về hy vọng và cả những âu lo dằn vặt thường nhật trong mỗi chúng ta. Những tư duy phong phú và đa tầng ấy được trình hiện trong bài thơ, đem lại cho người đọc cảm giác vừa quen vừa lạ, và cũng hé lộ những điều bí ẩn không dễ dàng nắm bắt. Thoạt đầu, người đọc có thể cảm nhận những hình ảnh, sự kiện như tản mát, rời rạc, không ăn nhập với nhau, nhưng khi đọc kỹ cả bài thơ mới thấy chúng là một thể thống nhất, được gắn quyện trong luồng cảm xúc mạnh mẽ và nhất quán. Làm được điều này, nhà thơ phải có những kỹ năng đặc biệt và điêu luyện, cùng với một quan niệm thẩm mỹ vững chắc và thống nhất.

Những bài thơ của Mai Văn Phấn luôn chứa đựng những thông điệp gửi đến bạn đọc. Đó là thông điệp về tình yêu, sự hòa đồng giữa con người và môi trường sinh thái, kêu gọi mọi người cùng bảo vệ sự thuần khiết và bất khả của thiên nhiên. Mặc dù nhà thơ đến từ một đất nước xa xôi, nhưng bạn đọc Azerbaijan rất thú vị khi đọc tập thơ này của ông. Những ý tưởng và hình ảnh có phần lạ lẫm của Mai Văn Phấn như hiện ra sinh động trước mắt bạn đọc ở đây.

Đọc tập thơ "Mặt trời mọc" của Mai Văn Phấn, tôi không ngần ngại nói rằng cách tư duy nghệ thuật của ông khá giống với Franz Kafka (1883 –1924. ND), một nhà văn người Bohemia nói tiếng Đức. Ngoài ra tôi còn thấy trong thơ Mai Văn Phấn ánh sáng các tôn giáo lớn hòa quyện, giao thoa cùng với Thiền tông và thuyết Hiện sinh. Và thật lạ lùng, đôi khi như thấy Mai Văn Phấn quan sát thế giới qua nhãn quan của một con chim. Con chim ấy nhìn thấy những điều mới lạ mà nhiều người trong chúng ta không thể nhìn thấy, và, nó cũng nghe thấy cả những gì mọi người không thể nghe thấy...

Mọi người và tôi bắt đầu thở mạnh, không còn sợ hãi. Chúng tôi bỗng chốc có cùng nhóm máu, cùng nằm yên cho dòng sông đỏ tươi ấm nóng đi qua. Vẫn là tôi nhưng đêm nay đã khác. Độc lập, tự do như côn trùng, muông thú. Hạnh phúc như cá bơi trong biển hồ và chim chóc trên không." (trích trường ca "Thời tái chế").

Thế giới ngày nay đang biến động mạnh và khôn lường, việc xuất bản tập thơ "Mặt trời mọc" của Mai Văn Phấn như một món quà quý dành cho bạn đọc Azerbaijan. Để hiểu sâu hơn về nhà thơ này cũng như cần tìm hiểu rộng hơn về văn hóa Việt Nam, trước hết chúng ta nên đọc những bài thơ của ông. Tôi nghĩ rằng đời sống tinh thần của bạn đọc Azerbaijan sẽ trở nên giàu có, phong phú hơn khi tìm đến những tác phẩm của nhà thơ Mai Văn Phấn.

 

Baku, tháng 9 năm 2022

Afag Shikhly

 

 

 

TİỂU SỬ AFAG SHİKHLY

 

Nhà thơ, dịch giả Afag Shikhly

 

Afag Shikhly (Shikhlinskaya) sinh năm 1969, tại thành phố Baku, Cộng hòa Azerbaijan. Năm 1990, bà tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Viện Y tế, mang tên nhà văn và nhà cách mạng Azerbaijan Nariman Narimanov. Năm 2018, tốt nghiệp Viện Văn học mang tên nhà văn Makxim Gorky tại Mátxcơva. Afag Shikhly hiện là bác sĩ, nhà thơ, nhà báo, dịch giả. Thành viên của Liên đoàn Nhà văn Á-Âu (2012), Azerbaijan (2014), thành viên Liên đoàn các nhà báo Azerbaijan (2013), thành viên Ban Cố vấn của Liên minh các nhà văn trẻ Thổ Nhĩ Kỳ thế giới (2013). Là người sáng lập và đồng Chủ tịch Hội Phụ nữ Mátxcơva mang tên "Hồi sinh di sản Azerbaijan - Nijat" (2015). Tổng thư ký Liên hiệp các nhà văn Azerbaijan tại Mátxcơva (2015). Từ năm 2003, tác phẩm của Afag Shikhly đã được giới thiệu trên các tạp chí của Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Nhật Bản, Đức, Latvia, Kazakhstan, Uzbekistan và nhiều quốc gia khác. Các tác phẩm của bà đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Tác giả của hơn hai mươi cuốn sách, trong đó một số cuốn tiêu biểu đã được xuất bản: «Дуэт Сакуры» (tạm dịch: "Hoa anh đào sóng đôi", Nhật bản), «Чырыткы» ("Свет" - tạm dịch: "Ánh sáng", Tuva), «Бехет йолдызы» ("Звезда счастья" - tạm dịch: "Ngôi sao hạnh phúc", Tatarstan), «Достларым, бана да бахар гендерин» ("Пришлите мне весну, друзья" - tạm dịch: "Hãy cho tôi mùa xuân, hỡi bạn bè), «Курбет рузгарлары» ("Ветра чужбины" - tạm dịch: "Những ngọn gió miền đất xa lạ", Thổ Nhĩ Kỳ) v.v... Afag Shikhli là tác giả của nhiều bài thơ, truyện, tiểu luận và bài báo. Bà được biết đến như một dịch giả thơ và văn xuôi từ các ngôn ngữ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina, Uzbekistan, Tatar, Yakut, Bashkir, Tuvan và Việt Nam... Bà đã tham gia dịch các cuốn sách: «Новые казахские стихи» (tạm dịch: “Những bài thơ mới của người Kazakhstan”, «Антология новой татарской поэзии» (tạm dịch: “Tuyển tập thơ mới của người Tatar”, «Стихи поэтов Архангельской области. Притяжение пространства» (tạm dịch: “Những bài thơ của các nhà thơ vùng Arkhangelsk. Sức hút của không gian"), «Мой друг апрель» (tạm dịch: "Tháng tư bạn tôi", Yakutia, “Снег в апреле» (tạm dịch: "Tuyết tháng tư", Hungary), «По следам любви» (tạm dịch: "Theo bước chân tình yêu”, Rumani), «Дерево Лейлы» (tạm dịch: "Cây Leyla", Uzbekistan), «Освети мое сердце» (tạm dịch: "Thắp sáng trái tim tôi", Israel), «Gün doğarkən» (tạm dịch: “Mặt trời mọc”, Việt Nam). Bà là tác giả của dự án văn học, hợp tuyển gồm 3 tập: «Словесный мир врачей» (tạm dịch: "Thế giới ngôn từ của bác sĩ"). Afag Shikhli được nhận huân chương «Мехрибан Ана» ("Добрая мать" - tạm dịch: "Người mẹ nhân hậu") của Quỹ Dede Korkut (2013), đoạt giải thưởng Quốc tế Shahmara Akbarzadeh (2014), hai lần đoạt giải A mang tên nhà thơ Mikail Mushfik - được thành lập bởi Liên hiệp các nhà văn Azerbaijan (2014, 2015). Từ năm 2000 Afag Shikhli cùng gia đình định cư tại Mátxcơva, LB Nga.

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm
Thương nhớ anh Duy
Tôi viết ra đây mấy lời tâm sự như thắp một nén nhang kính nhớ thương tiễn anh Duy về trời cùng đàn anh Lê Văn Thảo...
Xem thêm
Nhà văn Ann Patchett: Thời gian tuyệt vời nhất là ở trên máy chạy bộ và viết sách
Ann Patchett là nhà văn Mĩ, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết, 4 cuốn sách phi hư cấu và 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Trong văn nghiệp, bà từng giành giải Orange cho Bel Canto, cũng như lọt vào danh sách chung khảo giải Pulitzer 2020 với cuốn Ngôi nhà của người Hà Lan. Gần đây bà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Tom Lake, và điều đặc biệt là nó được viết trên bàn đặt trên máy chạy bộ và lời khuyên về năng suất từ ​​Elizabeth Gilbert.
Xem thêm
Lê Minh Quốc và cuộc hành trình chữ nghĩa
Bài của nhà thơ Ngô Xuân Hội trên báo Văn nghệ.
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong: Với chữ nghĩa, tôi như người đang yêu
Gọi Nguyễn Thành Phong là nhà thơ, nhà văn, biên kịch hay cái danh mà mang nhiều nghiệp nợ nhất là nhà báo, thì viết gì, dù là kiếm sống, anh cũng phải cố ở mức tốt nhất theo ý mình thì mới cho là được. Với chữ nghĩa, Nguyễn Thành Phong ví anh như người đang yêu, càng bị “ruồng rẫy”, càng thấy không thể bỏ cuộc.
Xem thêm
Vũ Cao - “Núi Đôi mãi mãi vẫn là Núi Đôi”
Nói đến nhà thơ Vũ Cao không thể không nói tới bài thơ Núi Đôi.
Xem thêm