- Chân dung & Phỏng vấn
- Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
NGUYỄN VĂN HÒA
(Nhân đọc tập Lý luận - phê bình văn học miền Nam 1954 - 1975 - Tiếp nhận và ứng dụng của Trần Hoài Anh, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2023)
Lý luận - phê bình văn học miền Nam 1954 - 1975 - Tiếp nhận và ứng dụng của nhà lý luận - phê bình Trần Hoài Anh vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2023- Ngoài Lời thưa, dẫn nhập và phần phụ lục, tập sách gồm 2 phần chính:
Phần thứ nhất: Một cái nhìn tổng quan về vấn đề tiếp nhận lý thuyết văn học của lý luận - phê bình văn học miền Nam 1954 -1975
Phần thứ hai: Vấn đề ứng dụng lý thuyết, tìm hiểu các hiện tượng văn học trong đời sống lý luận - phê bình văn học miền Nam 1954 -1975
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị. Đây là tập sách được nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh dày công đầu tư khai thác bằng sự yêu thích và niềm đam mê với văn học miền Nam. Bởi giai đoạn văn học này, đến nay nguồn tài liệu để tiếp cận và nghiên cứu khan hiếm, đa phần các tác giả đã mất, nếu còn họ cũng đã già yếu hoặc đang định cư tại nước ngoài... Tuy vậy, vượt qua mọi khó khăn, nhà lý luận - phê bình Trần Hoài Anh đã từng bước khai thác và khai thác có hệ thống những vấn đề căn bản cùng với những hiện tượng văn học miền Nam tiêu biểu, những gương mặt thi nhân, văn nhân miền Bắc hiện hữu trong văn học miền Nam có liên quan đến công tác nghiên cứu và giảng dạy.
Lý luận - phê bình văn học miền Nam 1954 - 1975; Tiếp nhận và ứng dụng giúp độc giả khám phá và hiểu sâu hơn về di sản văn chương phong phú và đa dạng của miền Nam nước ta. Cuốn sách bao gồm nhiều nhận định và phê bình tinh tế về các nhóm/ phong trào văn học, các tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ và nhà nghiên cứu tại miền Nam trong giai đoạn từ 1954-1975. Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh cũng chỉ ra sự đa dạng các thể loại văn học và giá trị của chúng đối với xã hội và văn hóa Việt Nam. Tập sách sẽ là nguồn tài liệu quý giá cho những người yêu văn học và đặc biệt là những người quan tâm đến di sản văn chương miền Nam, quan tâm đến văn học sử trong trong tiến trình vận động và phát triển của nền văn học dân tộc.
Văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 lực lượng sáng tác khá đa dạng, nhiều tên tuổi lớn, thuộc nhiều thế hệ và để lại những dấu ấn trong lòng bạn đọc. Nói đến văn học miền Nam giai đoạn này không thể không nhắc đến những cái tên: Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng, Sơn Nam, Đinh Hùng, Bình Nguyên Lộc, Nguyên Sa, Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Võ Hồng, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Trùng Dương, Lệ Hằng,...
Bên cạnh lực lượng sáng tác khá hùng hậu còn có nhiều tên tuổi những cây bút lý luận - phê bình, với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Chính điều này đã thúc đẩy và làm cho nền văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 phát triển và đạt được nhiều thành tựu. Những tên tuổi trong lĩnh vực phê bình ở giai đoạn này phải kể đến: Nguyễn Vỹ, Hoàng Điệp, Quách Tấn, Nhất Linh, Vũ Bằng, Trần Thái Đinh, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Toàn, Thanh Lãng, Chơn Hạnh, Ngô Trọng Anh, Lê Tuyên, Đỗ Long Vân, Quang Ninh, Thạch Chương, Đặng Phùng Quân, Phạm Việt Tuyền, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Hiến Lê, Phạm Công Thiện, Trần Thiện Đạo, Vũ Hạnh, Lê Huy Oanh, Nguyễn Tấn Long, Trần Tuấn Kiệt, Cao Thế Dung, Đặng Tiến, Tam Ích, Thế Phong, Tạ Tỵ, Nguyễn Sỹ Tế, Nguyễn Văn Xung, Huỳnh Phan Anh, Phạm Thế Ngũ, Phạm Văn Diêu, Hoàng Trọng Miên, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Đình Tuyến, Uyên Thao, Minh Huy, Trần Nhựt Tân, Cao Huy Khanh... Điều đáng nói là nền lý luận - phê bình ở giai đoạn này rất cởi mở, tự do, khoa học và sáng tạo. Với những tranh luận sôi nổi mang tính học thuật thuộc nhiều khuynh hướng phê bình khác nhau, lý tưởng thẩm mỹ, hệ tư tưởng khác nhau nhưng đồng hành trên tinh thần phản biện mang tính đối thoại, dân chủ và chấp nhận mọi sự khác biệt. Một nền lý luận mang tính ứng dụng, vận dụng lý thuyết văn học phương Đông lẫn phương Tây để luận giải, khám phá các hiện tượng văn học góp phần nâng cao ý thức tiếp nhận đa chiều cho người đọc. Nền văn học thấm nhuần tinh thần Dân tộc, Nhân bản và Khai phóng.
Trong phần thứ nhất của tập sách, nhà lý luận - phê bình Trần Hoài Anh đã đưa ra tổng quan về vấn đề tiếp nhận lý thuyết văn học của lý luận - phê bình văn học miền Nam 1954 -1975 (5 chương).
Ở Chương một, nhà lý luận - phê bình Trần Hoài Anh tìm hiểu và hệ thống hóa, nêu ra: Những đặc điểm cơ bản của lý luận - phê bình văn học miền Nam 1954-1975
* Đó là có một đội ngũ các nhà lý luận - phê bình văn học đa dạng:
- Với nhiều thành phần xuất thân: họ đến với phê bình từ nhiều ngả đường khác nhau. Đội ngũ những người du học ở nước nước ngoài đóng vai trò nòng cốt, bởi họ có công giới thiệu các trường phái lý luận phương Tây vào miền Nam.
- Chia thành nhiều văn nhóm: từ hoàn cảnh xã hội có nhiều biến động đã phân chia ra thành nhiều khuynh hướng, thậm chí đối lập nhau về tư tưởng, quan điểm.
* Một nền lý luận - phê bình văn học phát triển nhanh, phân hóa thành nhiều khuynh hướng:
Từ năm 1954-1963 lý luận - phê bình văn học miền Nam đã có những chấm phá và bước đầu hình thành diện mạo. Đây là bước khởi đầu quan trọng, đặt nền móng cho việc xây dựng nền lý luận - phê bình văn học miền Nam 1954-1975.
Sự phát triển của lý luận phê bình miền Nam được mở ra từ năm 1963. Từ đây nền lý luận phê bình đã phát triển với nhịp độ khá nhanh trên cả 2 bình diện: phẩm và lượng. Chủ nghĩa hiện sinh, nhiều trường phái triết học, mỹ học và lý luận phê bình khác của phương Tây được giới thiệu khá sinh động ở miền Nam như: hiện tượng luận, cấu trúc luận, mỹ học tiếp nhận, tiểu thuyết mới...
Hàng loạt các bài viết về những trào lưu tư tưởng phương Tây được tập trung giới thiệu trên các tạp chí, sách báo.
Bên cạnh những hình thức sinh hoạt lý luận phê bình đã có từ trước, lúc này có thêm nhiều hình thức sinh hoạt khác, phong phú, đa dạng tạo nên sự sôi nổi trong đời sống văn học như: các cuộc tranh luận văn học, tổng kết tình hình văn học trong nước và thế giới, tổng kết đánh giá về sự vận động của các thể loại văn học như thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn... Xuất hiện thêm khá nhiều cây bút lý luận phê bình ở thời đoạn này: Đặng Tiến, Tạ Tỵ, Nguyên Sa, Phạm Công Thiện, Tam Ích, Vũ Hạnh, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, Trần Nhựt Tân, Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Văn Xung... Nhất là sự xuất hiện của những cây bút phê bình trẻ, tạo được dấu ấn trên văn đàn như: Huỳnh Phan Anh, Đặng Phùng Quân, Cao Huy Khanh...
* Một nền lý luận - phê bình với nhiều sinh hoạt phong phú: Điểm sách; Nhận định, đánh giá tình hình văn học; Phỏng vấn nhà văn, nhà lý luận - phê bình văn học; Tổ chức tranh luận, thảo luận các vấn đề văn học; Giới thiệu, ứng dụng lý luận - phê bình văn học nước ngoài.
Chương hai: Văn nghệ và vấn đề phản ánh hiện thực trong quan niệm lý luận - phê bình văn học miền Nam 1954 -1975
Chương ba: Nhà văn - Tác phẩm - Người đọc trong quan niệm của lý luận phê bình văn học miền Nam 1954 -1975
Chương bốn: Quan niệm về một số thể loại văn học trong lý luận - phê bình miền Nam 1954 -1975
Ở Chương năm, nhà lý luận - phê bình Trần Hoài Anh chỉ ra và phân tích, dẫn giải: Những khuynh hướng lý luận - phê bình chủ yếu trong văn học miền Nam 1954 -1975
* Khuynh hướng lý luận - phê bình chịu ảnh hưởng lý thuyết phương Tây:
- Khuynh hướng phê bình giáo khoa: có rất nhiều công trình khảo cứu về văn học sử, sách giáo khoa văn học, phê bình các tác giả văn học, ứng dụng lý thuyết phê bình giáo khoa để tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của các nhà văn, nhà thơ. “Chân dung Nguyễn Du” (Nhiều tác giả, Nam Sơn xuất bản, 1960); “Hàn Mặc Tử, Quách Thoại cuộc đời rướm máu - nhà thơ siêu thoát” (Thế Phong Đại Nam Văn Hiến xuất bản, 1965); “Chế Lan Viên, Thi sĩ tiền chiến” (Hoàng Điệp, Khai Trí xuất bản, 1968); “Thi ca và thi nhân” (Cao Thế Dung, Quần chúng xuất bản, 1969); “Những nhà thơ hôm nay” (1954-1964) tập I, (Nguyễn Đình Tuyển, Nhà văn Việt Nam xuất bản, 1969); “Nhà văn hôm nay” (1954-1964) tập I (Nguyễn Đình Tuyển, Nhà văn Việt Nam xuất bản, 1969); ... Đoàn Thêm với “Đọc lại Thơ Vũ Hoàng Chương” (Văn số 150 ra ngày 15/3/1970); “Nguyễn Bính những mùa xuân tha hương” của Đào Trường Phúc (Văn số 189 ra ngày 1/11/1971); “Tâm trạng của Nguyễn Trãi” của Nguyễn Thiện Thụ (Văn khoa Giáp tập 1973)...
- Khuynh hướng phê bình phân tâm học: Ở miền Nam phân tâm học được giới thiệu và nghiên cứu rộng rãi trên báo chí. Phân tâm học còn được đưa vào giảng dạy ở nhà trường. Chính vì thế mà các loại sách viết về phân tâm được giới thiệu khá nhiều. Ngoài những sách dịch từ nguyên tác của Freud còn có những công trình biên khảo, dịch thuật, những bài viết giới thiệu về phân tâm học... Học thuyết phân tâm có điều kiện phát triển và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực đời sống, trong đó có vận dụng vào trong sáng tác và phê bình văn học. Thanh Tâm Tuyền đã khai thác biểu hiện mặc cảm Oedipe để viết tác phẩm Mù Khơi. Nguyễn Thị Hoàng với: Tuổi Sài Gòn, Ngày qua bóng tối, Vòng tay học trò, Về trong sương mù. Nguyễn Thụy Vũ với: Khung Rêu, Mèo đêm, Thú hoang. Nhã Ca với: Bóng tối thời con gái, Đêm dậy thì...
Rất nhiều công trình và các bài viết về lý luận phê bình của Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Đình Tuyển, Trần Nhựt Tân, Phan Anh, Đặng Tiến, Tạ Tỵ, Uyên Thao, Lam Giang, Tam Ích, Thanh Lãng, Thanh Huy...
- Khuynh hướng phê bình hiện sinh: Trung tâm của chủ nghĩa hiện sinh là vấn đề nhân vị: phi lý, buồn nôn, hư vô, tự do, lo âu, tha nhân hay người khác là địa ngục, nổi loạn và dấn thân... Tất cả được các nhà hiện sinh xem là nền tảng lý giải về cuộc đời, về thân phận con người. Các nhà hiện sinh đã vận dụng vào sáng tác và lý luận - phê bình văn học. Vì thế các tác phẩm của các nhà văn hiện sinh ở nước ngoài được dịch và giới thiệu ở miền Nam. Vấn đề ứng dụng chủ nghĩa hiện sinh trong phê bình được các nhà phê bình đặc biệt chú ý. Lấy nó làm hệ quy chiếu để đánh giá, thẩm bình các hiện tượng văn học.
* Khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng của tư tưởng Mác-xít
* Khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng tôn giáo
- Khuynh hướng phê bình ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo
- Khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng Thiên Chúa giáo
Đời sống lý luận phê bình văn học miền Nam vô cùng đa dạng và phong phú. Dựa trên cơ sở của sự phân hóa ở các khuynh hướng lý luận phê - bình là hệ tư tưởng triết mỹ mà mỗi khuynh hướng làm hệ quy chiếu để ứng dụng phê bình các hiện tượng văn học. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt trong việc nhìn nhận và đánh giá các hiện tượng văn học, tạo nên tính đa phức trong lý luận - phê bình văn học miền Nam.
Phần thứ hai: Vấn đề sử dụng lý thuyết, tìm hiểu các hiện tượng trong đời sống lý luận - phê bình ở miền nam 1954-1975 (18 chương).
Trong phần thứ hai với 2 nội dung lớn: Ứng dựng lý thuyết, tìm hiểu một số hiện tượng văn học trung đại và tìm hiểu một số hiện tượng văn học hiện đại.
Ở phần văn học trung đại, Trần Hoài Anh tập trung nghiên cứu sâu ở 3 tác gia lớn: Nguyễn Du và Truyện Kiều trong đời sống văn học miền Nam 1954 -1975 (Chương sáu); Tiếp nhận thơ Hồ Xuân Hương trong phê bình văn học miền Nam 1954 -1975 (Chương bảy); Cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu qua tiếp nhận của sách giáo khoa Quốc văn bậc trung học ở miền Nam 1954 -1975 (Chương tám).
Như trên đã nói, nền lý luận phê bình văn học miền Nam là nền lý luận phê bình đa phức. Có nhiều quan điểm, nhiều trường phái, nhiều khuynh hướng của cả Đông -Tây, cả truyền thống và hiện đại. Vì thế, các tác giả, tác phẩm được nhìn nhận, đánh giá ở nhiều góc nhìn, phương diện khác nhau thậm chí có khi đối lập hoàn toàn với quan niệm tiếp nhận phê bình truyền thống. Các tác giả được nhìn nhận, mổ xẻ bằng những góc nhìn mới/ lạ, cấp tiến với những phản biện, tranh luận khá độc đáo.
Phần văn học hiện đại: nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh dành nhiều trang viết (15 chương, từ chương mười chín đến chương hai mươi ba) và khai thác ở nhiều góc độ, khía cạnh, bài viết nào cũng chỉn chu, khoa học và có giá trị. Đây thực sự là những trang viết, trang nghiên cứu đầy tâm huyết của nhà lý luận phê bình. Nếu không có niềm đam mê nghiên cứu, không có những kiến thức khoa học nền tảng, không nắm bắt, không nghiên cứu kỹ lịch sử văn học, lý thuyết tiếp nhận, phê bình..., không thể nào người viết khai thác, phát hiện nhiều thông tin thú vị về một giai đoạn văn học có nhiều thành tựu, lực lượng đông đảo, tồn tại nhiều khuynh hướng sáng tác và phê bình như thế. Đây là cuộc kiếm tìm, khai mở những giá trị còn tiềm ẩn hoặc chưa đánh giá đúng mức, thiên lệch/ tẩy chay/quy kết... ở các tác giả, tác phẩm hiện hữu trong văn học miền Nam trước năm 1975.
Điều rất kỳ công là nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh đi tìm và phát hiện ra nhiều điều thú vị về phong trào thơ mới ở phần: Thơ Mới và sự hiện hữu trong văn học miền Nam qua chân dung các nhà thơ: Bích Khê, Nguyễn Bính, Nguyễn Vỹ, Huy Cận, Tế Hanh... Hay chương viết về nhóm Tự lực văn đoàn trong sự tiếp nhận của phê bình văn học miền Nam và việc tái hiện cuộc đời và văn nghiệp của Nhất Linh, Thạch Lam...
Bên cạnh những nhà văn tiền chiến, chuyện luận cũng khắc họa diện mạo văn học miền Nam đương thời qua các bài viết về Bùi Giáng, Võ Hồng, Nguyên Sa... và Nhà văn nữ - nhìn từ tâm lý sáng tạo mang đặc điểm giới trong trong lý luận - phê bình miền Nam 1954-1975. Đặc biệt, nhà lý luận - phê bình Trần Hoài Anh dành hẳn Chương mười bảy để chứng minh cho độc giả thấy được điều rất thú vị đó là sự hiện diện của các nhà văn miền Bắc trong đời sống văn học miền Nam qua bài viết: “Nhà văn miền Bắc và sự hiện hữu trong văn học miền Nam 1954-1975”. Điều mà lâu nay nhiều người không nghĩ các nhà văn, nhà thơ miền Bắc được các nhà lý luận miền Nam để tâm và có những ghi nhận, đánh giá xác đáng như thế.
Khảo sát, nghiên cứu các công trình, tài liệu được xuất bản ở miền Nam trước 1975, đã phần nào đặt ra vấn đề không có “giới tuyến” trong văn học miền Nam. Bởi trong tâm thức của nhân dân miền Nam nói chung và cách nhìn nhận của các nhà phê bình văn học miền Nam nói riêng họ xem văn chương của các nhà văn, nhà thơ miền Bắc luôn hiện hữu như một hệ giá trị của văn học dân tộc. Nhiều nhà văn, nhà thơ dù sống “bên kia vĩ tuyến” vẫn hiện hữu, vẫn được quan tâm nghiên cứu, được đưa vào sách giáo khoa Quốc văn giảng dạy trong nhà trường mà không có bất cứ sự kỳ thị hay phân biệt nào. Với tinh thần dân chủ, cởi mở, trân trọng và tôn vinh những giá trị đích thực của văn chương nên hầu hết các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ Tiền chiến ở miền Bắc và cả những nhà văn, nhà thơ kháng Pháp sống ở miền Bắc đều được các nhà lý luận phê bình miền Nam xem là di sản văn chương. Vì thế, được nghiên cứu, tìm hiểu trong nhiều công trình khảo cứu, lý luận phê bình văn học miền Nam.
Có thể điểm qua: “Biệt ly qua thi ca Việt Nam của Nguyễn Hữu Chi (Nam Chi Tùng Thư xuất bản, Sài Gòn, 1961), khi bàn đến cảm thức biệt ly trong thơ Việt, tác giả dẫn Tràng giang của Huy Cận, Viễn khách của Xuân Diệu, Giây phút chạnh lòng của Thế Lữ cùng thơ của Thanh Tịnh, Yến Lan, Tế Hanh, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư... là những nhà thơ Tiền chiến (theo cách gọi của các nhà nghiên cứu văn học miền Nam) đang sống và làm việc ở miền Bắc lúc bấy giờ để luận giải, minh chứng. Còn trong Thi ca Việt Nam hiện đại của Trần Tuấn Kiệt (NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1967), ta cũng thấy sự hiện hữu các nhà thơ Tiền chiến đang sống ở miền Bắc, dù họ ở cương vị nào trong xã hội. Đó là nhà thơ Phan Khôi với Tình già, Chơi thuyền sông Tân Binh; Thế Lữ với Nhớ rừng, Tiếng gọi bên sông, Bên sông đưa khách, Cây đàn muôn điệu; Lưu Trọng Lư với Thơ sầu rụng, Thú đau thương, Nắng mới, Xuân về, Tiếng thu; Vũ Đình Liên với Làng ta là những thành quách cũ, Ông đồ; Thanh Tịnh với Mòn mỏi; Anh Thơ với Chiều xuân, Trưa hè; Xuân Diệu với Viễn khách, Huyền diệu, Nhị hồ, Lời kỹ nữ, Hư vô, Nguyệt Cầm; Yến Lan với Bến My Lăng; Huy Cận với Tràng giang, Chiều mưa, Thu rừng, Ngậm ngùi, Hồn xa; Hồ Dzếnh với Ngập ngừng, Xuân ý, Phút linh cầu; Nguyễn Bính với Xa cách, Tương tư, Xuân về, Giấc mơ anh lái đò; Chế Lan Viên với Mơ trăng, Đêm tàn, Những sợi tơ lòng, Đêm xuân sầu...; Tế Hanh với Lời con đường quê, Ao ước, Vu vơ và cả Tố Hữu với Mồ côi, Tiếng hò sông Hương, Chiều...
Ở Hồn thơ nước Việt thế kỷ XX (Sơn Quang Xb, SG, 1967), Lam Giang và Vũ Tiến Phúc đã luận giải hồn thơ nước Việt như một dấu ấn tâm linh của hồn dân tộc qua thơ của Phan Khôi, Thế Lữ, Huy Thông, Lưu Trọng Lư, Chế lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Anh Thơ, Vũ Đình Liên, Nguyễn Xuân Sanh... và xác quyết đây là những giá trị tiêu biểu của hồn thơ nước Việt...”.
Chuyên khảo Khuynh hướng thi ca tiền chiến, biến cố văn học 1932-1945 của Nguyễn Tấn Long - Phan Canh (Sống Mới Xb, SG, 1968) đã nói đến Phan Khôi, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Nguyễn Bính, Hoài Thanh với những sáng tác tiêu biểu của họ. Đặc biệt trong phần luận giải về khuynh hướng xã hội các tác giả đã phân tích bài thơ Vú em, Tiếng hò sông Hương, Dửng dưng của Tố Hữu và cho rằng: “Người thi nhân khuynh hướng xã hội không có quyền khách quan trước cái khổ của loài người, mà phải đem tình cảm mình trộn lẫn với nỗi khổ cực của xã hội...”.
Mười khuôn mặt văn nghệ (SG, 1970), một công trình nghiên cứu khá ấn tượng về thê loại chân dung văn nghệ, Tạ Tỵ đã dành những trang viết đánh giá cao nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính, Văn Cao.
Bên cạnh các công trình khảo cứu, lý luận còn có các công trình nghiên cứu mang tính chất văn học sử.
Đặc biệt hơn cả là sự hiện diện của các nhà văn, nhà thơ miền Bắc trong sách giáo khoa Quốc văn giảng dạy ở các trường trung học miền Nam. Có in các tác phẩm của Phan Khôi, Thế Lữ, Xuân Diệu, Vũ Đình Liên, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Bùi Hiển, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Thanh Tịnh, Nguyễn Tuân...
Riêng công trình Văn học Từ điển, NXB Khai Trí, SG, 1974 của Thanh Tùng đã đề cập hầu hết tiểu sử và văn nghiệp của các nhà văn sống ở miền Bắc như: Anh Thơ, Bùi Hiển, Chế Lan Viên, Đào Duy Anh, Đoàn Phú Tứ, Hoài Thanh, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Thâm Tâm, Thanh Tịnh, Vũ Ngọc Phan, Vũ Đình Liên, Xuân Diệu...
Không chỉ các nhà thơ, nhà văn Tiền chiến mà trong nền văn học “không giới tuyến” ở miền Nam có sự hiện hữu của các nhà văn, nhà thơ kháng Pháp như: Quang Dũng, Hoàng Lộc, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Nông Quốc Chấn...
Tiểu luận Thi ca trước tình cảnh cực đoan, (Ý Thức số 11 ra ngày 15/3/1971), Huỳnh Hữu Ủy đã đánh giá cao giá trị một số bài thơ viết trong những năm kháng Pháp của các nhà thơ đang sống ở miền Bắc như: Xuân Diệu, Huy Cận, Phùng Quán, Nguyễn Đình Thi, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Chính Hữu, Quang Dũng... Trong đó, Tố Hữu là nhà thơ mà Huỳnh Hữu Ủy quan tâm đặc biệt với những câu thơ đầy ám ảnh: “Em là con gái Bắc Giang/ Rét thì mặc rét nước làng em” lo và “Ai về thăm mẹ quê ta/ Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm”...
Việc nghiên cứu văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 là công việc vô cùng cần thiết đối với tiến trình phát triển của văn học nước nhà. Văn học miền Nam phải là một thực thể trong di sản văn học dân tộc. Nghiên cứu, tìm hiểu thấu đáo ngọn ngành văn học thời kỳ này là công việc vừa nhọc nhằn, vừa có gì đó “mạo hiểm”. Khó khăn nhất là trong việc tìm tài liệu, tài liệu rất khan hiếm, thu thập và truy nguồn là việc tốn nhiều thời gian, công sức vì lúc đó chiến tranh, sách báo bị thất lạc, mất mát nhiều do bị tiêu hủy... Có thể khẳng định, nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh là người dường như dành cả đời mình để nghiên cứu về mảng văn học miền Nam bằng một niềm đam mê và sự tận hiến không mệt mỏi. Với ông, đề tài nghiên cứu về văn học miền Nam đã ăn sâu vào huyết mạch, vào tâm khảm. Nên dù bận bất cứ công việc gì ông vẫn dành thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về nó. Gặp ông, bàn về công việc gì ông cũng dành thời gian để nói về văn học miền Nam với niềm hăng say, thích thú. Cái hăng say và đam mê của một nhà nghiên cứu đầy trách nhiêm, nhiệt huyết. Điều này, thật đáng trân trọng.
Những cứ liệu, dẫn chứng Trần Hoài Anh nêu ra rất rành mạch, rõ ràng, giàu tính thuyết phục. Bằng kinh nghiệm, vốn hiểu biết về văn hóa, văn học, lịch sử, triết học và cả lý thuyết phê bình, tiếp nhận... sự nhìn nhận đánh giá một cách công bằng, khách quan nhất; ông đã hệ thống một cách khoa học, bài bản quá trình hình thành, phát triển của văn chương miền Nam trước 1975. Tập sách này và những công trình liên quan về văn học miền Nam của ông là minh chứng cho điều này. PGS-TS Trần Hoài Anh được xem là một trong những chuyên gia hàng đầu về mảng văn học miền Nam trước năm 1975.
Trong điều kiện lịch sử, xã hội có nhiều biến động nhưng nền lý luận - phê bình văn học miền Nam 1954-1975 có những thành tựu, diện mạo nhất định. Cả về phương diện khoa học và thực tiễn đã góp phần đóng góp đáng kể trong quá trình vận động và phát triển của nền lý luận phê bình văn học dân tộc. Sự hiện hữu của nền văn học miền Nam, trong đó có lý luận - phê bình là một thực thể lịch sử, không thể phủ nhận. Sự hiện hiện đó làm cho di sản văn học, văn hóa dân tộc, trong đó có lý luận - phê bình phong phú hơn, đa dạng hơn, tiệm cận hơn với nền lý luận phê bình hiện đại của thế giới trong xu thế hội nhập toàn cầu.
Là một người nghiên cứu sâu về lý luận phê bình văn học miền Nam trước 1975, PGS-TS Trần Hoài Anh có kỳ vọng rằng: “Nước ta nói chung còn nghèo, văn học ta cũng còn nghèo so với nhiều nền văn học của nhiều nước trên thế giới, vì vậy chúng ta không nên lãng phí mà vội “bỏ đi” một bộ phận văn học rất phong phú đa dạng, rất nhiều giá trị ẩn tàng như văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975. Và việc nghiên cứu một cách thấu đáo, cẩn trọng trên tinh thần khoa học, khách quan, công bằng về những giá trị của bộ phận văn học miền Nam là một việc rất cần thiết và cần sự chung tay, góp sức của mọi người...
Trong một thời gian không xa việc bỏ khái niệm văn học miền Nam trước 1975 trong đời sống văn học nước nhà là một điều tất yếu phải đến. Văn học miền Nam phải là một thực thể trong di sản văn học dân tộc. Lúc đó, chúng ta cũng sẽ không gọi văn học miền Nam trước 1975, mà chỉ gọi là văn học Việt Nam giai đoạn 1954-1975, trong đó có bộ phận văn học miền Nam. Nội hàm của thuật ngữ văn học miền Nam chỉ mang tính khoa học có ý nghĩa về mặt lịch sử văn học để chỉ một giai đoạn văn học mà thôi chứ không bị “áp đặt” một hàm “phi văn học nào cả”.
Lý luận - phê bình văn học miền Nam 1954 - 1975; Tiếp nhận và ứng dụng giúp độc giả khám phá và hiểu sâu hơn về di sản văn chương phong phú và đa dạng của miền Nam nước ta. Có thể nói, đây là một công trình có giá trị không chỉ mang tính lịch sử mà có giá trị về văn hóa, văn học trong tình hình mới hiện nay. Cuốn sách bao gồm nhiều nhận định và phê bình tinh tế về các tác phẩm văn học của những nhà văn, nhà thơ của các nhà nghiên cứu trong giai đoạn từ 1954 đến 1975 ở miền Nam. Tác giả cũng chỉ ra sự đa dạng các thể loại văn học và giá trị của chúng đối với xã hội, văn hóa của Việt Nam. Cuốn sách sẽ là nguồn tài liệu quý giá cho những người yêu văn học và đặc biệt là những người quan tâm đến di sản văn chương miền Nam có một cái nhìn đầy đủ hơn, khoa học, khách quan và công bằng hơn.
“Đã gần năm mươi năm, từ ngày đất nước thống nhất và tiến hành công cuộc cải cách, xuất phát từ yêu cầu đổi mới tư duy lý luận - phê bình văn học và thực tiễn của việc nghiên cứu văn học, trên cơ sở khảo sát những tác phẩm lý luận - phê bình văn học ở miền Nam và lý luận phê bình văn học thời kỳ đổi mới, thiết nghĩ đã đến lúc cần phải nghiên cứu một cách thấu đáo, khách quan, khoa học tình hình lý luận - phê bình văn học ở miền Nam trong tiến trình vận động, phát triển lý luận - phê bình văn học dân tộc, để khẳng định vai trò của nó trong nền lý luận - phê bình văn học nước nhà. Như thế nền lý luận - phê bình văn học dân tộc sẽ trở nên đa thanh, đa diện, cách tiếp cận đối tượng nghiên cứu được mở rộng hơn đáp ứng nhu cầu đổi mới tư duy lý luận - phê bình văn học dân tộc trong thời kì hội nhập và phát triển. Bởi, theo Nguyễn Khoa Điềm: “Dù đất nước đã mở cửa nhưng việc khai thác thành quả của lý luận hiện đại thế giới cũng như truyền thống lý luận của dân tộc lại chưa được nghiên cứu đầy đủ có hệ thống”. Không những thế, theo Lộc Phương Thủy: “việc giới thiệu, dịch thuật các tác phẩm học thuật nước nước ngoài ở Việt Nam còn chưa được bao nhiêu. Cần phải mở nhiều ô cửa ra thế giới tham khảo kinh nghiệm”.
Mở cửa ra nước ngoài là tất yếu nếu chúng ta không muốn tụt hậu so với thế giới đang biến đổi như vũ bão trong thời đại công nghệ 4.0. Nhưng mở cánh cửa quá khứ của nền lý luận - phê bình văn học dân tộc, trong đó có bộ phận lý luận - phê bình văn học ở miền Nam vốn chịu ảnh hưởng khá nhiều của lý luận - phê bình văn học phương Tây cũng là việc làm có ý nghĩa cả về mặt khoa học và thực tiễn để đẩy góp phần nhanh quá trình hiện đại hoá nền lý luận - phê bình văn học dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển theo tinh thần nghị quyết 23 - NQ/TW của Bộ chính trị, khoá X "về xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới", đó là: "Tổ chức nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc thành quả lý luận văn học, nghệ thuật của ông cha và của thế giới, vận dụng sáng tạo, làm phong phú lý luận văn học Việt Nam hiện đại”.
Như vậy, Nhà nước không những định hướng mà còn trao cho các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình chiếc chìa khóa. Nhiệm vụ của các nhà lý luận phê bình là phải mạnh dạn dùng chiếc chìa khóa này không chỉ mở cánh cửa quá khứ để “khai quật” những di sản văn chương của dân tộc, trong đó có di sản lý luận phê bình văn học ở miền Nam trước 1975, mà còn mở cả cánh cửa tương lai để khám phá cái hay, cái đẹp, cái hiện đại của lý luận phê bình thế giới, từ đó vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với khí quyển văn hóa xã hội của đất nước, tạo sự phong phú, đa dạng, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, làm thế nào để nền lý luận phê bình văn học nước nhà hội nhập một cách tích cực, toàn diện, sâu sắc với nền lý luận phê bình văn học thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay”.