TIN TỨC
  • Bút ký - Tạp văn
  • Trúc Phương, người mà tôi muốn nói nhiều hơn những người khác

Trúc Phương, người mà tôi muốn nói nhiều hơn những người khác

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-08-19 08:04:33
mail facebook google pos stwis
1668 lượt xem

Sáng qua, 18/8/2023, Hội Nhà văn TP.HCM vừa tổ chức Tọa đàm ra mắt tập 1 trường ca “Từ hai phía mặt trời, sử thi trái đất & loài người” của nhà văn Trúc Phương (Nhất Phương). Buổi tọa đàm đã diễn ra trong bầu không khí vô cùng ấm áp và xúc động, trước hết vì tác giả là một nhà văn có một năng lượng phi thường, trong lúc cả nhà bị bệnh hiểm nghèo vẫn không ngưng nghỉ viết để cho ra đời những cuốn sách ngàn trang. Nhà văn cựu Đội trưởng đội trinh sát vũ trang an ninh thị xã Vĩnh Long một thời cũng được anh em, bạn bè yêu quý bởi chất bộc trực, chân thành, gần gũi của của người Nam bộ. Nhiều bài viết tham luận về tác phẩm đã được trình bày, nhiều ý kiến cảm nhận về tác giả, về các kỷ niệm với ông đã được chia sẻ và tất thảy đều toát lên một tình cảm yêu thương, khâm phục dành cho nhà văn – chiến sĩ Trúc Phương.

Đến với buổi tọa đàm đặc biệt này, từ Hà Nội nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có bài phát biểu rất xúc động và lôi cuốn. Rất may là ông đã ghi lại thành status đăng FB cá nhân và Văn chương TP. Hồ Chí Minh xin phép được đăng tải lại, mời quý vị và các bạn cùng đọc. Phần sau bài phát biểu xúc động này là clip “Nhà văn Trúc Phương bên gia đình và bạn bè”, một clip ngắn cũng rất xúc động đã dùng chiếu tại buổi tọa đàm này.

 

CÓ MỘT NGƯỜI MÀ TÔI MUỐN NÓI NHIỀU HƠN NHỮNG NGƯỜI KHÁC

NGUYỄN QUANG THIỀU
 

ĐÊM QUA (17/08)

1/ Đón cu Mem (cháu nội) về đến nhà đã 6:30 tối. Chuẩn bị ăn cơm thì nhà thơ Phan Hoàng gọi điện hỏi vào thành phố chưa. Có sự kiện gì thế? Ra mắt tập 1 sử thi TỪ HAI PHÍA MẶT TRỜI của nhà thơ Trúc Phương (Nhất Phương). 28/8 cơ mà. Anh nhầm rồi: 18/8. Giật mình xem lại. 18/8 thật. Phải đi thôi. Hôm sau dù có 2 cuộc họp ở Hà Nội rất khó bỏ. Nhưng ngẫm thấy mình không họp thì vẫn có người khác thay. Còn lời hứa này thì chỉ cá nhân mình mới thực hiện được.

2/ Vội gọi cho một người cháu "siêu nhân " nhờ mua vé đi trong đêm. Chờ 5 phút. Người cháu gọi. 21h bay chú nhé. Bây giờ là 19h. Chú đi sân bay ngay. Lại nhờ một người bạn gọi xe. Đúng là thời đại 4.0.

19:30 xe đến. Lên đường với một chiếc ba lô.

3/ Tôi hỏi lái xe có kịp giờ bay không? Lái xe bảo: chú yên tâm. Cháu là tay đua của Hà Nội mà.

Ối.

Xe vụt đi như tàu vũ trụ vút lên từ bệ phóng. Lái xe nói: chú là diễn viên điện ảnh. Vai tướng cướp bị truy nã. Cháu nhận ra ngay. Đúng không?

Trời, sao bạn biết? Cháu xem phim hình sự nhiều nên nhớ. Có duyên mới được chở diễn viên. Chú đóng tướng cướp quá đỉnh.

Ngồi im lặng. Không biết đang vui hay đang tuyệt vọng. Trước kia có người bảo tôi giống ông chủ cửa hàng thịt chó trên Nghi Tàm như đúc. Anh em ruột chứ gì. Đừng có mà giấu. Gật đầu. Ông đoán quá siêu.  Mà sao phải giấu?

Về nghĩ có khi mình nấu thịt chó giỏi hơn viết văn. Cũng chẳng biết nữa. Mình là ai: nhà thơ, diễn viên điện ảnh loại 3 hay người nấu thịt chó. Chưa trả lời được. Có ối người cả đời vẫn không biết mình là ai thì nửa đời chưa tìm được câu trả lời là chuyện thường.

12h đêm mới về đến khách sạn nhưng thao thức mãi. Thực ra, cuộc đời vô vàn những bất ngờ thú vị. Làm thơ, nấu thịt chó, diễn viên hành động loại 3 đều thú vị cả. Miễn là sống đúng và làm đúng với những gì mình có.
 

SÁNG NAY (18/08)


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tặng hoa nhà văn Trúc Phương

1/ Sáng nay Hội nhà văn tp HCM tổ chức lễ ra mắt Tập 1 Sử thi TỪ HAI PHÍA MẶT TRỜI của nhà thơ Trúc Phương. Tập 1 dày hơn 1000 trang in. Ông đã viết được 6 tập nữa. Bộ Sử thi này nếu in ra sẽ ngót 8.000 trang. Khổng lồ. Không còn cách nói nào khác được. Vì sao ông có thể viết được từng ấy trang khi tuổi đã 73 và đang trị bệnh ung thư? Vì sao? Hỏi vậy nhưng không thể nào trả lời hết được.

Bộ Sử thi dựng lên con đường của lịch sử Nhân loại từ thuở bình minh cho tới bây giờ liên quan đến tất cả: chính trị, văn hoá, tôn giáo, triết học, nghệ thuật, chiến tranh...Ông không viết lại lịch sử, ông thổi tinh thần thi ca vào lịch sử ấy.


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cùng BCH Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TPHCM tặng hoa nhà văn Trúc Phương

2/ Người mà tôi muốn nói đến nhiều hơn những người khác chính là ông- Nhà thơ Trúc Phương. Mới tháng trước, biết tôi về Vĩnh Long quê hương ông, nhà thơ Trúc Phương đi xe đò gần 4 tiếng đồng hồ về Vĩnh Long chơi với tôi.

Đêm. Đi thuyền trên sông Tiền Giang. Lục bình trôi ngút ngàn. Chợt buồn mênh mang mà không rõ lý do. Buồn lan man như sóng. Toả mãi, toả mãi...qua cả đường chân trời.

Ông chỉ cho tôi một dải mờ thẫm trong đêm. Đấy là nơi ông sinh ra và lớn lên. 14 tuổi ông bỏ nhà theo kháng chiến. 10 năm sau cha ông tìm gặp ông và nói: "con có bị thương tật mất chân mất tay chỉ còn là một cục thịt đỏ như thuở được sinh ra cha vẫn yêu và chăm con. Nhưng cha không cho phép con phản bội".

Nghe vậy, lòng tôi chợt nhói lên. Bây giờ quá nhiều sự phản bội và phản bội cả chính mình.


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại buổi tọa đàm.

3/ Nhà thơ Trúc Phương viết bộ Sử thi trong thời gian ông bị ung thư. Chị Nhất vợ ông bị ung thư vừa mất mới đây. Con trai duy nhất của ông cũng mắc bệnh hiểm nghèo. Ông chỉ mong sống để hoàn thành bộ Sử thi này. Rồi ra đi không còn gì ân hận nữa. Trước gia cảnh ông thì "Dẫu là đá cũng nát gan lọ người .

Ông dẫn tôi vào căn phòng vợ chồng ông. Cửa sổ vẫn mở tràn nắng. Gối đệm, sách, bình hoa, gương lược vẫn như chị còn sống. Chị chỉ vừa xách giỏ đi chợ chút sẽ về. Ông không mai táng chị. Để bình tro cốt chị trong nhà để thấy chị luôn hiển hiện trước bố con ông.

Trúc Phương là một số phận đặc biệt. Số phận ấy chứa đựng bao câu chuyện ngang dọc, sáng tối, khóc cười của một thời đại. Những câu chuyện ấy phải được kể. Có người ngồi nghe hết, có người bỏ đi giữa chừng, có người không nghe. Nhưng số phận ấy phải được kể dù thời gian kể một cách tóm lược đúng bằng thời gian hút hết một điếu thuốc. Đấy là một số phận cần được lắng nghe, cần được chia sẻ và cần được bày tỏ chứ không phải bằng bất cứ một hành động nào khác. Đặc biệt là sự thù hận. Thù hận là việc dễ làm nhất.



NHÀ VĂN TRÚC PHƯƠNG BÊN GIA ĐÌNH VÀ BẠN BÈ


Dựng clip: Nguyên Hùng

Xem clip trực tiếp trên Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=p3UVekQ3Jy0&t=12s


Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM tặng hoa nhà văn Trúc Phương

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm