TIN TỨC

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: “Đàn bà làm thơ trăm cái khổ”

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2024-01-15 14:14:25
mail facebook google pos stwis
642 lượt xem

Hà Thanh Vân

 Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã qua đời vào ngày 6/7/2023 sau nhiều năm bệnh tật, ốm đau. Bà đã về miền “gió Lào cát trắng”, thọ 74 tuổi. Khi nhắc đến tên Lâm Thị Mỹ Dạ, độc giả thường hay nhớ đến bài thơ “Khoảng trời, hố bom” từng được đưa vào dạy ở chương trình phổ thông trung học. Có lẽ ít ai biết rằng sự nghiệp văn chương của bà còn nhiều điều đáng nói hơn thế.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Nhà thơ đẹp của miền “gió Lào cát trắng” thời chiến tranh

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949, tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nhà thơ từng học trường Viết văn Nguyễn Du từ năm 1978 đến năm 1973. Bà từng trải qua các công việc như: nhân viên Ty Văn hóa Quảng Bình, phóng viên, biên tập viên Tạp chí “Sông Hương” của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Lâm Thị Mỹ Dạ cũng từng tham gia khóa đào tạo tại Học viện viết văn Marxim Gorki (Liên Xô cũ). Bà từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III và IV, Ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khóa V.

Những thành tựu chính trong sáng tác của Lâm Thị Mỹ Dạ là: từng giành giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1971-1973; Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ “Bài thơ không năm tháng”; Giải A thơ của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1999; Giải A thơ Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (1998-2004) của UBND tỉnh và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế… và nhiều thành công khác. Năm 2005, tập thơ “Cốm non” (Green rice) của Lâm Thị Mỹ Dạ được dịch ra tiếng Anh, in và phát hành tại Mỹ. Năm 2007 nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 3 tập thơ: “Trái tim sinh nở” (1974), “Bài thơ không năm tháng” (1983), “Đề tặng một giấc mơ” (1988).

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ kết hôn với một tên tuổi nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam hiện đại: nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Trong ký ức của người thân, gia đình, bạn bè, Lâm Thị Mỹ Dạ là người phụ nữ xinh đẹp, nữ tính và nhân hậu, giàu tình yêu thương.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được đông đảo độc giả biết đến từ năm 1973, sau khi đoạt giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ với bài “Khoảng trời, hố bom”. Từ đó bà định vị trong lòng người đọc như là một nhà thơ của miền đất miền Trung “gió Lào cát trắng” như tên một bài thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Trong nhiều lần trả lời phỏng vấn trên báo chí về bài thơ này, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cho biết đó là vào năm 1970, khi đang đi thực tế ở chiến trường ác liệt, nhà thơ đã gặp một đội nữ thanh niên xung phong, trong đó có một chị đã lớn tuổi, kể cho nhà thơ nghe về chuyện đã được giải ngũ nhưng khi về nhà thì cả gia đình đã chết hết do bom Mỹ, chỉ để lại một hố bom sâu hoắm. Chị nữ thanh niên xung phong ấy lại lặng lẽ quay lại chiến trường. Câu chuyện đã ám ảnh nhà thơ đến mức hai năm sau khi có dịp quay lại chốn cũ, hỏi thăm đơn vị nữ thanh niên xung phong thì không còn ai biết đến nữa, còn hay mất thế nào, cũng chỉ còn lại những hố bom đọng nước với những khoảng trời xanh vời vợi. Từ sự ám ảnh và cảm xúc đó, Lâm Thị Mỹ Dạ đã viết nên bài thơ “Khoảng trời, hố bom”.

Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường

Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương

Cho đoàn xe kịp giờ ra trận

Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa

Ðánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom…

Ðơn vị tôi hành quân qua con đường mòn

Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái

Một nấm mộ, nắng ngời bao sắc đá

Tình yêu thương bồi đắp cao lên…

Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em

Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ

Ðất nước mình nhân hậu

Có nước trời xoa dịu vết thương đau.

(Khoảng trời, hố bom)

Cũng từ đó, sức nặng thành công của bài thơ “Khoảng trời, hố bom” làm cho độc giả thường xuyên gắn tên tuổi Lâm Thị Mỹ Dạ với bài thơ này, đồng thời tạo ra sức ép cho nhà thơ khi sáng tác. Nhưng rồi nhà thơ cũng bộc bạch với Bảo tàng Văn học Việt Nam khi cung cấp tư liệu cá nhân: thơ cứ tự nhiên đến, như là một món quà trời cho.

Không chờ đến khi đổi mới năm 1986, với những lời kêu gọi mở cửa, hòa hợp, hòa giải dân tộc, cũng không cần chờ đến những giao lưu văn học sôi động giữa hai nước Việt Nam và Mỹ ở thập niên 90, để sau đó đến năm 2000 Lâm Thị Mỹ Dạ viết bài thơ “Bức tường đen” nổi tiếng ghi lại cảm xúc đau cùng với nỗi đau của những bà mẹ Mỹ khi đứng trước Bức tường đen đặt tại Washington D.C, trên đó có khắc tên hơn 58 ngàn lính Mỹ đã tử trận trong cuộc chiến tranh Việt Nam, mà ngay từ tháng 1.1975, Lâm Thị Mỹ Dạ bằng sự nhạy cảm của trái tim phụ nữ, đã viết bài thơ “Khuôn mặt ẩn kính” với lời đề từ: “Gửi những người lính Mỹ bị điều động sang cuộc chiến Việt Nam và đã chết ở Việt Nam”

Tôi muốn làm con nai nhỏ

Chạy hoài dưới trời cỏ xanh

Đừng bắt tôi đi vào rừng rậm

Tôi sẽ hoá thành chó sói dữ dằn

(Khuôn mặt ẩn kính)

 

Người viết lời tình dịu dàng của thời bình

Người phụ nữ đi qua chiến tranh và thành danh nhờ một bài thơ về chiến tranh dường như không để những ám ảnh khốc liệt thời chiến trở đi trở lại trong thơ của mình. Chị quay về với cuộc sống đời thường, với chuyện tình yêu. Như nhiều nhà thơ nữ khác, Lâm Thị Mỹ Dạ viết nhiều về tình yêu. Bài thơ “Hái tuổi em đầy tay” với tứ thơ lạ “hái tuổi” làm khi nhà thơ tròn 24 tuổi đã được đưa vào nhiều tuyển tập thơ tình Việt Nam bởi sức trẻ mãnh liệt của tình yêu.

Ngắt một chùm hoa cỏ

Cho ngày sinh hôm nay

Anh bỗng thành nắng gió

Hái tuổi em đầy tay!

(Hái tuổi em đầy tay)

Theo thời gian, độc giả thấy tình yêu hồn nhiên, mơ mộng của cô gái trẻ đã bước qua những dằn vặt của thời thiếu phụ và khi đến tuổi lá thu vàng, thì tình yêu ấy gắn với những hy sinh, tình nghĩa. Nữ thi sĩ đi qua tình yêu với nhiều cay đắng, đơn độc, muộn phiền dù vẫn có một mái ấm gia đình và kết hôn với một nhà văn tài hoa. Lâm Thị Mỹ Dạ từng viết:

Cuộc đời em đơn thân đến nỗi

Chưa bao giờ em tựa vào anh

Và vì thế em âm thầm sống

Tựa vào chính mình trĩu nặng, đớn đau

Bao lời tiếng lấm lem bùn đất

Bao đêm trắng tơ giăng chóng mặt

Em tựa vào em – đơn độc quen rồi

Em tựa vào em – gắng vững giữa đời

(Cho anh tựa vào em)

Nhưng cuộc đời mà nhà thơ nhận là đầy “bão giông nghiêng ngửa” ấy đã phải quằn mình để tìm lại bình yên, làm chỗ dựa cho cả gia đình sau khi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường mắc bạo bệnh và không thể hồi phục lại. Nhà thơ ngày xưa chỉ biết tựa vào chính bản thân mình, đã tình nguyện trở thành điểm tựa ân cần, chăm sóc người chồng suốt hơn hai mươi năm nay, rời khỏi nhiều hoạt động xã hội để có thể toàn tâm toàn ý với tình yêu, tình nghĩa.

Bàn tay nâng em thành bảo mẫu

Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười

Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng

Giữa tháng ngày trĩu nặng

Em đứng thẳng người

Cho anh tựa vào em

(Cho anh tựa vào em)

Nhưng sâu xa trong trái tim mỗi phụ nữ làm thơ, có phải với họ tình yêu là quyết liệt, là đi đến tận cùng, là dâng hiến tất cả? Họ không sợ tình yêu, họ chỉ không sợ tìm được người để họ yêu. Trong bài thơ “Không đề II”, Lâm Thị Mỹ Dạ có đề từ là “Tặng một thời thiếu nữ”, trong đó nhà thơ bộc lộ một tình yêu không toan tính, một tình yêu chỉ vì người mình yêu.

Cuộc đời em vo tròn lại

Và ném vào cuộc đời anh

Nó sẽ lăn sâu tận đáy cuộc đời anh

Sâu cho đến tận… cái chết

Trời ơi

Làm sao có một cuộc đời

Để cho tôi ném đời mình vào đó

Mà không hề cân nhắc, đắn đo

Rằng: cuộc đời ấy còn chưa đủ…

(Không đề II)

Có lẽ, cho đến giờ này, cuộc đời của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã đủ để trả lời cho tâm tư của chính mình: Đã có một cuộc đời để cho nhà thơ ném đời mình vào đó, dẫu là hạnh phúc hay bất hạnh thì đó vẫn là một cuộc đời của một con người. Điều quan trọng hơn cả là, dẫu đã vắt kiệt mình cho tình yêu, thì nhà thơ vẫn có thể thanh thản thổ lộ rằng dù cho đi tất cả nhưng không đánh mất chính mình.

Thưa rằng tôi vẫn là tôi

Mong manh một chút tơ trời mỏng tang

Mà sao không dứt không tàn

Lửng lơ giữa chốn trần gian lạ lùng

Kiếp tơ sao nặng quá chừng

Muốn dứt chẳng đặng, muốn dừng chẳng thôi

Thưa rằng tôi vẫn là tôi

Cây cau trăm đốt giữa trời còn xanh.

(Thưa rằng)

Và trong hoàn cảnh đời thường, với tình yêu, với bệnh tật, thuốc thang, nhà thơ vẫn đau đáu chuyện sáng tác, đau đáu để cho ngôn ngữ lên tiếng thay mình. Có lẽ tình yêu trong Lâm Thị Mỹ Dạ, thơ và người luôn phải gắn với nhau, dẫu là hạnh phúc hay bi kịch.

Tôi tự đóng khung trong căn nhà bé nhỏ

Chuyện đời thường

Chuyện bệnh tật, thuốc thang…

Những vùng đất chỉ còn trong trí nhớ

Trùng điệp cao nguyên

Xanh thẳm biển mơ màng…

Đi cuối đất cùng trời mới tìm ra ngôn ngữ

Ngôn ngữ thơ, đau đáu những đêm trường

Xin cảm nhận Người từ trái tim lên óc não

Để cho thơ đi trọn con đường…

(Bi kịch của riêng tôi)

 

Những triết lý thủ thỉ với mọi người

Nét dịu dàng, hồn hậu, xinh đẹp của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ khiến người ta nghĩ rằng cuộc đời chị chỉ là để viết những lời tình dịu dàng. Nhưng không hẳn thế, tuy vẫn giữ nét dịu dàng ấy, nhà thơ đã thủ thỉ những triết lý rút ra từ những sóng gió cuộc đời, với một trái tim từng bị tổn thương, nhưng rồi lại vẫn phải tự chữa lành để mà gắng sống. Bài thơ “Biển” của Lâm Thị Mỹ Dạ được nhiều người thuộc bởi triết lý dung dị này:

Biển ơi! Biển thẳm sâu

Dạt dào mà không nói

Biển ơi cho ta hỏi

Biển mặn từ bao giờ

Nhặt chi con ốc vàng

Sóng xô vào tận bãi

Những cái gì dễ dãi

Có bao giờ bền lâu

(Biển)

Và nhà thơ cũng có những chênh chao giữa cơm áo đời thường, với vật lộn mưu sinh, với thật giả ở mọi ngõ ngách của cuộc đời này.

Tôi đi qua cái thật cái giả

Nghe xót lòng một nỗi đắng cay

Thương cò trắng trắng mình đơn lẻ

Nguyên chất ơi,

                       khan hiếm thế đời này!?

(Nguyên chất)

Bài thơ “Tôi có bao nhiêu đêm trắng” là bài thơ được nhiều độc giả yêu thích qua nhiều thế hệ, bởi họ tìm thấy trong đó những suy tư của bản thân, dẫu buồn nhưng không bi lụy.

Tôi có bao nhiêu đêm trắng

Đâu phải chỉ một đêm

Cuộc đời trần gian ngắn lắm

Thức nhiều chắc được dài thêm.

Tôi có bao đêm trắng

Khổ đau, mơ mộng, giận hờn

Cuộc đời trần gian ngắn lắm

Sao người không thương người hơn.

Cuộc đời thì ngắn ngủi, sao con người lại không yêu thương lấy nhau để cuộc đời dài thêm?

Có ai đi qua mùa xuân

Cho tôi làn hương tinh khiết

Cho tôi cái nhìn xanh biếc

Xa xưa – tôi đánh mất rồi.

Đêm trắng hay đồng nghĩa với suy tư, thao thức. Có đêm trắng nào yên lành, hay chỉ có những đêm trắng với bao suy nghĩ làm rối lòng người.

Ước được vô tư như gió

Đêm trắng cũng như ban ngày

Không nghĩ suy, không thao thức

Yên lành như quả trên cây.

Nhưng cuộc đời vẫn cần những đêm trắng. Bởi có những đêm trắng mới hiểu giá trị của những đêm êm đềm mộng đẹp. Có đêm trắng mới hiểu giá trị của ánh nắng ban ngày. Có đêm trắng mới hiểu mình cần sự ấm lòng, dù chỉ là một chút.

Ước có bao đêm trắng

Được đem bán hết cho đời

Đổi về cho tôi vạt nắng

Ấm lòng đêm – một chút thôi.

Trong thời đại ngày nay, khi những đêm thức trắng là chuyện thường thấy ở mỗi con người, bài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ như là một tiếng lòng đồng cảm, nói giúp cho rất nhiều người những nỗi niềm.

 

Người mẹ viết văn làm thơ cho các con cũng là cho độc giả

Là người phụ nữ của gia đình, người mẹ tràn đầy tình yêu thương với con cái, độc giả không ngạc nhiên khi thấy Lâm Thị Mỹ Dạ sáng tác nhiều văn thơ dành cho thiếu nhi. “Chuyện cũ tuổi thơ”, “Đãi thóc”, “Hạt mưa”, “Hoa”, “Một tuổi cho con”, “Thời tuổi trẻ bà đâu”… cùng rất nhiều bài thơ khác trong tập thơ “Mẹ và con” xuất bản lần đầu năm 1994 là những bài thơ viết bằng trái tim của một người mẹ dốc hết lòng vì con cái và không quên hướng con cái đến với những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Bài thơ “Truyện cổ nước mình” thường được nhắc đến như là một bài thơ tiêu biểu cho lứa tuổi nhỏ, ngày trước đã được đưa vào sách giáo khoa phổ thông chương trình tiểu học.

Tôi yêu truyện cổ nước tôi

Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa

Thương người rồi mới thương ta

Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm

Ở hiền thì lại gặp hiền

Người ngay thì gặp người tiên độ trì

Tôi nghe truyện cổ thầm thì

Lời cha ông dạy cũng vì đời sau.

Đậm đà cái tích trầu cau

Miếng trầu đỏ thắm nặng sâu tình người.

Sẽ đi qua cuộc đời tôi

Bấy nhiêu thời nữa chuyển dời xa xôi.

Nhưng bao truyện cổ trên đời

Vẫn luôn mới mẻ rạng ngời lương tâm.

(Truyện cổ nước mình)

Ngoài làm thơ cho thiếu nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ còn xuất bản một số tác phẩm văn xuôi dành cho các em như: “Danh ca của đất” (truyện thiếu nhi, 1984), “Nai con và dòng suối” (truyện thiếu nhi, 1987), “Phần thưởng muôn đời” (truyện thiếu nhi, 1987)… và đều được đông đảo độc giả nhỏ tuổi đón nhận.

 

“Đàn bà làm thơ trăm cái khổ”

 

“Đàn bà làm thơ trăm cái khổ” là một câu thơ trong bài thơ “Thân phận tơ trời” của Lâm Thị Mỹ Dạ.

Đàn bà làm thơ trăm cái khổ

Thẩm vào trong như cát chẳng thấy gì

Thẩm vào hết

Thấm vào cho òa vỡ

Cảm xúc thơ

Nức nở phận mây, tơ…

Đàn bà làm thơ trăm cái khổ

Thẩm vào trong như cát chẳng thấy gì

Góc khuất nào người đời không thấu được

Xin chia cùng cho bạn nhẹ chân đi…

(Thân phận tơ trời)

Phụ nữ làm thơ bao giờ cũng nhạy cảm, mong manh, mãnh liệt, buồn đau, hạnh phúc… hơn người bình thường. Có phải vì mọi sắc thái tình cảm đều hơn người bình thường nên nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã phải thốt lên: “Đàn bà làm thơ trăm cái khổ”? Nhưng nếu nhưng nỗi đau khổ ấy được kết tinh lại thành những lời thơ hay, đẹp, thì đó cũng là sự đánh đổi xứng đáng. Cũng có thể vì nỗi khổ của đàn bà làm thơ, nên Lâm Thị Mỹ Dạ từng viết ở độ tuổi còn rất trẻ những lời tiên cảm như thốt ra từ gan ruột:

Khi nào em còn thở

Ngày sinh còn ra đi

Đến tận cùng ngày chết

Như một khoảng lạ kỳ

Ngỡ như ta đã sống

Ở thế giới nào kia

Yêu trái đất ghé lại

Rồi ngày mai chia xa

(Hái tuổi em đầy tay)

Nhà thơ ví mình vốn ở một thế giới nào đó không ưu không phiền, vì yêu trái đất nên mới ghé lại, mới đau khổ. Nhưng nhà thơ không nuối tiếc điều đó, cũng không sợ đau khổ, cũng không sợ chia xa…, bởi vì yêu. Với tâm thế ấy, một đời thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ đã chia xa độc giả và chắc sau những đau buồn, sẽ không ai nuối tiếc nhiều, bởi vì nhà thơ đã kịp để lại cho độc giả nhiều bài thơ còn mãi với thời gian.

H.T.V

Bài viết liên quan

Xem thêm
Cần một “Hội nghị Diên Hồng” cho giáo dục
Bài viết của nhà văn Nguyễn Trường
Xem thêm
Phi hư cấu
Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số 27 tháng 8/2024
Xem thêm
Chuyện Làng Văn và... người văn
Nguồn: Mục Góc nhìn của Tạp chí Sông Lam.
Xem thêm
Nét văn hóa độc đáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi đầu sự nghiệp chính trị từ việc làm báo. Sau khi tốt nghiệp đại học Tổng hợp ngành ngữ văn, ông về làm báo tại tạp chí Cộng sản (trước đây là tạp chí Học tập) - cơ quan lý luận của BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam. Được đào tạo cơ bản, đảm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng và nhà nước, cả cuộc đời hoạt động cách mạng của TBT Nguyễn Phú Trọng đậm dấu ấn văn hoá từ quan điểm chính trị đến mối quan hệ giữa con người với con người.
Xem thêm
Kỷ niệm sâu sắc với Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bài viết của Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng - BQP gửi cho Văn chương TPHCM.
Xem thêm
Công và tội của việc khen sách
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 29, ngày 20/7/2024.
Xem thêm
Thích Minh Tuệ: Thức tỉnh mê trầm - Góc nhìn văn học
Những ngày gần đây, có vẻ như Phật giáo đang rơi vào cơn bão của sự khủng hoảng truyền thông, con người lạc vào mê trận niềm tin tín ngưỡng ồn ã đa chiều, mặc dù trước đây, Phật giáo cũng đã từng gây ra tranh cãi trong cộng đồng phật tử từ câu chuyện một vài sư thầy giảng đạo đi ngược lại tinh thần nhà Phật, gieo rắc những bài thuyết giảng tà kiến hù dọa con người, đã không ít lần dư luận lên án và bức xúc, nhưng nó giống như một con sóng dồn dập rồi tan vào cát, tiếp nối, kéo dài làm người ta trở nên chán ngán đến dửng dưng, nhưng thường khi điều gì vụt lên quá cao hoặc rơi xuống đáy sâu thì sẽ có một sự việc, hiện tượng làm cho nó đảo chiều ngược lại.
Xem thêm
Chúng ta học gì từ sư Thích Minh Tuệ - Góc nhìn văn học
Đang cảm hứng thì trải nghiệm, nhưng các bạn tin tôi đi, chỉ một thời gian nữa, vẫn chỉ một mình sư, với đôi chân bền bỉ của mình tự rong ruổi muôn nơi...
Xem thêm
Làm mới Truyện Kiều
Truyện ngắn “Mây bồng” tác giả Nguyễn Trường in Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam số 18+19, ra ngày 30/4/2022 đặt ra vấn đề bảo tồn Truyện Kiều trong xã hội phát triển.
Xem thêm
Có duyên gặp Thích Minh Tuệ - Góc nhìn văn học
Có lẽ chưa bao giờ chúng ta thấy đời sống Phật giáo xuất hiện nhiều “nan đề” như lúc này. Xuất hiện những ngôi chùa vận hành kiểu doanh nghiệp với “doanh thu” không bao giờ được công bố. Sự kiện pháp hội được tổ chức rình rang bị nghi là lừa đảo. Sư phạm giới chỉ cần hoàn tục đem theo hàng trăm tỷ đồng thu được trong quá trình tu về tiêu riêng là xong…
Xem thêm
Hệ lụy khi nhà văn ít đọc sách
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn trên Văn nghệ số 19/2024
Xem thêm
Nhà văn Phương Huyền: Khuyến đọc cũng là một phần trách nhiệm của nhà văn
Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, Sở TT-TT TPHCM đã công bố 10 Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025, trong đó có nhà văn Phương Huyền - người có nhiều hoạt động khuyến đọc trong thời gian qua. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trò chuyện cùng chị.
Xem thêm
Một bút pháp mới lạ qua truyện ngắn Khai khẩu
Nguồn: Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm