TIN TỨC

Nhà văn khoa học | Bút ký của Lê Thanh Huệ

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-07-02 09:27:32
mail facebook google pos stwis
1200 lượt xem

LÊ THANH HUỆ

Để có màn bắn pháo hoa rực rỡ giữa bầu trời đêm không trăng và không cả mây mưa thì phải gom góp tinh chất cần thiết, nén chặt mới tạo ra bùng nổ

Nhà văn Tố Hoài, quê huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Anh sinh ra trong gia đình bố là nhà giáo, dạy chữ Hán-Nôm và cả chữ Pháp. Tuy nhiên, khi anh học trường Phổ thông cấp 2 và cấp 3 (từ lớp 5 đến lớp 10) Hải Hậu, anh lại được học tiếng Trung Quốc và giỏi môn này. Bác và chú ruột anh cũng dạy học và làm thơ nổi tiếng quê nhà. Tiếp thu văn học từ sớm anh đã đam mê. Hồi bé có lần bộc lộ ước mơ với bạn học, anh muốn thành nhà thơ! Và anh đã có bài thơ  Trăng Bưởi đăng báo tỉnh từ năm 14 tuổi.

Khoảng năm 1961, Tố Hoài gặp nhà thơ Xuân Diệu ở phố Cửa Đông, Hà Nội (nhà cô Diệp, vợ nhà thơ). Anh có hỏi về thế nào là thơ mới. Nhà thơ Xuân Diệu bảo đọc cho ông nghe một bài thơ. Anh đọc bài “Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư. Nghe xong, ông hỏi: “Em có biết bài thơ nào của các nhà thơ Pháp không”. Tố Hoài đọc cho ông nghe bài thơ tiếng Pháp. Xuân Diệu khen đọc diễn cảm. Tố Hoài bảo nhờ bố uốn nắn từng ngữ điệu cho mình. Nhà thơ Xuân Diệu nói đại ý: Thơ tiếng Pháp đa âm mà nghe vẫn hay phải không? Thơ mới là loại thơ không câu nệ niêm luật, số chữ, số câu… nhưng chất thơ, ngôn từ phải được sáng tạo… Nghệ thuật phải vị nhân sinh. Đó là bài học đầu tiên về đổi mới thi ca.

Vốn là bà lang, mẹ bảo thích con làm bác sỹ, anh học Đại học Y. Năm 1970 anh nhập ngũ bổ sung cho Binh đoàn B70 chuẩn bị chiến dịch chống cuộc Hành quân Lam Sơn 719 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở đường 9 - Nam Lào.

Chiến trường Quảng Trị (Mặt trận B5) được coi là mũi nhọn của cuộc chiến chống Mỹ. Ngoài máy bay OV10 trinh sát  vo ve suốt ngày trên đầu, và bất ngờ hàng loạt bom đạn chụp xuống, cùng với những trận pháo kích từ Hạm đội Mỹ từ biển bắn vào đội hình cùng chất độc Da cam dội xuống… Anh cùng đồng đội đã quên đi cái chết để cùng nhau cấp cứu, điều trị thương bệnh binh.

Sự ác liệt rèn luyện bản lĩnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh được quyết định kết nạp Đảng Lao động Việt Nam dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (ngày 7 tháng 11). Nhưng chính ngày ấy, bom Mỹ rải trúng bệnh viện, thời gian phải giành cho việc cấp cứu. Lễ kết nạp Đảng lui lại ngày 8 tháng 11.

*

Cũng như trái pháo hoa nổ trên bầu trời. Bắt đầu từ công sức khai mỏ và tinh luyện để có lưu huỳnh, than, natri, kali, nhôm, magie, sắt, bari... Sau đó là pha chế tỷ mỷ, nén chặt thành một khối để khi bắn ra giữa bầu trời, mỗi quả pháo hoa sẽ tự phản ứng, bùng nổ phát sáng ra một mầu sắc không phụ thuộc vào ô xy và nhiệt độ bên ngoài. Lại phải có một thiết kế tốt để bắn hàng chục loại pháo hoa, hàng trăm quả mới cho ra màn bắn pháo hoa rực rỡ giữa bầu trời tối đêm không trăng và không cả mây mưa…

Khi hơi thở cuộc sống đã được tích lũy lại, hồn thơ được khơi dậy. Ở chiến trường, công việc vô cùng bận bịu, anh vẫn dành cho những dòng thơ nóng hổi. Những bài thơ viết trong khói lửa chiến trường đã in trên báo Quân Giải phóng Quảng Trị và những tập thơ bộ đội của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam xuất bản thời chống Mỹ. Thơ viết về đạn lửa có hơi ấm tình yêu. Bài Ánh sáng lời ca (trong tập Thơ  chiến sĩ Trị - Thiên - Huế xuất bản năm 1973, trang 35) anh viết tặng người đồng đội, đồng nghiệp cùng Quân y viện Binh đoàn:

Sân khấu giữa rừng vẫn một mình em

 Và khán giả, anh thương binh hỏng mắt

Lời em bay lên trời xanh thêm bát ngát

Mắt anh sáng bừng trong lời hát của em

Bài thơ được đọc, ngâm động viên thương bệnh binh trong lán trại rừng xanh sâu thẳm vào dịp lễ, tiết.

Thơ anh viết ở chiến trường được gom lại thành tập Trước cửa bình minh - Nhà xuất bản (NXB) Hải Phòng năm 1992. Tiếp đó là các tập thơ Chưa một lần như thế… (NXB Văn Nghệ, năm 2004), Lang thang tứ tuyệt (NXB Văn Nghệ năm 2007), Phục Sinh (NXB Hội Nhà Văn năm 2018)…

Học chuyên khoa cấp 2, anh về dạy ở trường Đại học Y- Dược Thái Bình và Thành phố Hồ Chí Minh. Anh dành thời gian cho văn xuôi nhiều hơn. Bắt đầu là những tập truyện ngắn và bút ký: Giấc hòe hoa bỏ ngỏ (NXB Trẻ, năm 2002). Hoa hậu không nước mắt (NXB Trẻ, năm 2003). Stress hiện hình và hóa giải (ký y học, NXB Văn Nghệ, năm 2004). Cung bậc tình yêu (NXB Phụ Nữ, năm 2006). Đêm ngái ngủ (NXB Văn Nghệ, năm 2010). Lời câu hôn đêm giáng sinh (NXB Thanh niên, năm 2019). Người phác thảo một vùng đất (NXB Thanh Niên năm 2022)… Xen kẽ là những tiểu thuyết ra đời đều đặn như: Hoàng hôn dát đỏ (Tạp chí Văn nghệ Quân đội ấn hành, tái bản năm 2016). Viết về chuyện tình giữa đồng đội trong khói lửa đạn bom, cả mối tình si một chiều của tù binh Mỹ là Emerci. Tiểu thuyết nhân ái, nhân văn, được các bạn thanh niên đón nhận gối đầu giường, như là cách tìm ra thiết kế tốt nhất cho màn bắn pháo hoa rực rỡ muôn sắc theo chủ đề tình yêu và cuộc sống. Ký tự chìm trên bia đá cổ (năm 2010). Hoa hồng mùa gió chướng (năm 2014). ức miền chân sóng (năm 2012, tái bản năm 2015). Bản thảo gửi lịch sử (năm 2020)…

Tiểu thuyết Công bằng & Giả trá là cuốn sách văn học hiếm hoi viết về đề tài chất độc Da cam/Dioxin.

Viết về tính chất nhân vật, lính bay rải chất độc Dioxin của Hoa Kỳ tại Việt Nam và lúc về lại Hoa Kỳ… rất công phu với sự am hiểu về văn hóa, pháp luật, tư duy khoa học.

Loại vũ khí này tác động vào đời sống dân sinh của những tấm lòng nhân hậu, tạo nên các mối quan hệ phức tạp trong cuộc chiến. Với những mối tình đan chéo nhau ở cả 2 chiến tuyến: Bộ đội và 2 sắc lính (Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa), cùng bị phơi nhiễm Dioxin, họ có chung nỗi đau. Bé Ly con Paul và Hằng bị thiểu năng và dị tật, bé Chung con của May và Tư bị bệnh ung thư bạch huyết, ra đi trong tột cùng đau đớn…

Có một chi tiết khi Alyson chạm đến ước nguyện chồng mình là Ly, đứa con gái với Hằng, được Alyson xác định bằng thử ADN, không được chấp nhận; do Bảy đã nhận Ly là con đẻ; cho thấy sự phức tạp của nền tự do nửa vời, dân chủ với tiêu chuẩn kép do người Mỹ mang đến, tạo ra những bi kịch buộc người dân Việt phải gánh chịu

Nỗi đau của các nạn nhân được tác giả cô đặc lại trong một ấp và lan ra qua những mối quan hệ đồng đội, kẻ thù… trong chiến tranh đến tận Hoa Kỳ. Cho dù tác hại của người dân Việt Nam gánh chịu lớn hơn ngàn lần cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam bị phơi nhiễm, nhưng đa số đã trở thành nổi đau âm thầm.  

“Tiểu thuyết viết về những thân phận không may mắn trở thành nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin. Cùng số phận với họ có những người lính bên kia chiến tuyến. Và họ, những người khác quốc tịch, khác màu da và chính kiến, đã cùng siết chặt tay nhau để đi tìm lại công bằng cho bản thân và gia đình” – (Báo Sài Gòn giải phóng, ngày 27/6/2006).

Tác phẩm luôn có 2 tuyến hòa quyện với nhau. Tuyến hư cấu là trăn trở, bi kịch tạo nên số phận, nhân vật. Do có vốn ngoại ngữ, tuyến các nhân vật thật, sự kiện thật, các tư liệu thực được tác giả công phu chắt lọc từ nguyên bản, cộng với kiến thức khoa học không làm thay đổi bản chất của sự việc. Tư liệu được làm mới một cách công bằng, logic tạo nên tư duy phản biện để độc giả hiểu đến gốc rễ vấn đề tác giả đặt ra. Chỉ có nhà văn khoa học, với tư duy phản biện mới đánh giá được tầm mức hậu quả của chất độc Dioxin gây ra cho con người ở cả hai chiều sâu: duy tình và duy lý.

Nhưng trên hết, tác giả chỉ ra Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã lừa dối nhân dân Mỹ, nhân dân miền Nam Việt Nam để tiến hành cuộc chiến bằng vũ khí hóa học với quy mô lớn nhất: sử dụng 45 triệu lít Dioxin, rộng nhất (rải trên 12 triệu ha đất rừng, đất nông nghiệp, sông suối, ao hồ) và thời gian dài nhất (9 năm 1 tháng) là những con số lớn nhất; có hậu quả lớn nhất và kéo dài nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. Hậu quả trước mắt là hủy hoại môi sinh miền Nam Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh hóa học đó, không có xác chết trên chiến trường do độc chất Dioxin. Nhưng cả hai bên và những người dân vô tội lặng lẽ mang đau đớn tột cùng trở về chết tại quê hương của mình và lưu lại những tháng ngày đau đớn cho con cái họ đến lúc lìa đời, không biết đến thế hệ nào mới dừng lại...

 Bác sĩ Tố Hoài được tập huấn từ Binh chủng hóa học về vũ khí hóa học của Mỹ sử dụng ở miền Nam. Anh cũng bị chất độc Da cam dội thẳng vào mình. Cảm nhận được hơi thở chiến trường, cộng với thu thập một khối lượng tư liệu đồ sộ và sử dụng chi tiết nhuần nhuyễn với những lập luận khoa học diễn đạt dễ hiểu là điều, các báo cáo khoa học chưa làm được, chỉ có nhà văn khoa học mới viết được bản cáo trạng đầy đủ như vậy.

 Bản thảo gửi lịch sử là cuốn tiểu thuyết tư liệu. Thông qua bi kịch cuộc đời Dương Mẫn Ngọc, cô sinh viên khoa Sử, mang hai dòng máu Hoa - Việt, kết quả của sự trốn chạy khi biến cố lịch sử của những thập niên 50-60 của thế kỷ trước ập lên gia đình ông nội cô. Bố của Mẫn Ngọc (người Hoa) bị lừa làm nội gián cùng đứa em trai ruột đang học phổ thông bị mất tích ngay trong ngày đầu cuộc chiến. Mẹ cô (người Việt) bị lính từ bên kia biên giới dùng báng súng đánh đập đến chết do không chịu bị hãm hiếp…

Để hiểu tận cùng sự thật cô phải đi tìm chứng cứ rõ ràng Thế là cô đi tới những nơi cuộc chiến đã xảy ra và tới từng thân phận con người nạn nhân của chiến tranh. Không những thế, cô về quê cha để kiểm chứng...

Tố Hoài có vốn kiến thức lịch sử Trung Hoa khá sâu sắc từ cổ đại đến hiện đại. Tác giả sử dụng nhuần nhuyễn 264 số liệu và sự kiện, vẽ lại bức tranh với gam màu chân thực trong thời gian khá dài khái quát được một chiều sâu lịch sử.     

Dương Mẫn Ngọc thất vọng trước thực tế cuộc đời ở Trung Hoa, cô đã gieo mình xuống sông quê. Cái chết giúp độc giả khắc sâu bi kịch Trọng Thủy – Mỵ Châu.

Tôi được Chi bộ giao viết chuyên đề “Phê bình và tự phê bình”. Tôi tìm thấy nguồn gốc từ này trong cuốn “Điển tích Văn học” của Tố Hoài, là câu nói là của Bá Khải, con trai vua Vũ nhà Hạ.

Sách trích dẫn câu nói của Bác Hồ “Tự phê bình và phê bình: Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc. Do đó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm… Để điều trị các thứ bệnh ấy không có thuốc đặc hiệu nào hơn là tự phê bình và phê bình”.

“Cuốn “Điển tích Văn học” tái bản dày 1100 trang. Dung lượng chứa gần nghìn rưởi điển tích văn học đông tây, kim cổ” - Trích “Điển tích văn học”- cuốn sách cần cho người làm văn học – Nguyễn Trường - Văn chương thành phố Hồ Chí Minh ngày 30/9/2021.

Những điển tích mới được cập nhật như “Thua dân thì còn, thắng dân thì mất” trong truyện “Khai khẩu” của nhà văn Nguyễn Trường, cụm truyện ngắn đạt giải nhất cuộc thi trên báo Văn Nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, năm (2015-2017). Cuốn tái bản anh biếu hết, nên cùng tôi đi khắp nhà sách FAHASA ở thành phố Hồ Chí Minh, nhằm thu lại cho tôi một cuốn. Nhưng không còn cuốn nào. Tôi an ủi anh: với trình độ của tôi, cuốn 600 trang đủ dùng rồi. Anh lắc đầu nghiêm khắc nói tôi “ Ngụy biện! Mọi thứ đều thay đổi nên phải luôn dùng cái mới nhất, khoa học nhất cho đến hiện thời”. Thế thì chỉ còn cách bổ sung tái bản lần thứ ba.

“Điển tích văn học” là cuốn sách biên soạn công phu dùng cho nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh và các bạn đọc yêu văn hóa nói chung, văn học nói riêng; để làm việc. Nó là kết tinh của kiến thức khoa học, văn hóa cả vốn ngoại ngữ cùng sức đọc, sưu tầm, khảo cứu… Do tính thực dụng cao, “Điển tích văn học” góp phần khiêm tốn cho phát triển văn học nước nhà.

*

Trong một bài báo, không thể đề cập đến mảng thơ của Tố Hoài và nếu nói về sự nghiệp của nhà văn thì bài báo này chỉ là một góc nhìn và không tránh khỏi phiến diện.

Nhà văn Tố Hoài, có tư duy khoa học và thiên về duy lý.

Ngày thường anh vẫn khám chữa bệnh trong phạm vi phòng mạch; trân trọng, tỉ mỷ và chu toàn, anh đã chẩn đoán đúng, trị liệu khỏi nhiều ca bệnh đã trải qua nhiều thầy thuốc và người bệnh mắc thời gian dài.

Năm 2021, thời Covid-19, anh tham gia Ban chống dịch của phường. Tư vấn trị liệu tại nhà với hiệu quả cao và cùng với tuyến trên xử lý các ca bệnh nặng kịp thời.

Anh luôn quan tâm đến kết quả trị liệu; đồng thời và giá thành điều trị cho mỗi ca bệnh, sao cho hợp lý và thấp nhất. Anh làm từ thiện ngay trong phòng mạch của mình. Đến phòng mạch của bác sĩ Tố Hoài bệnh thường chóng lành. Có lẽ do năng lực nghề nghiệp trong đó có cả lòng nhân ái và tính cách nhân văn của nhà văn khoa học.

Thực ra, khi giới thiệu nghề nghiệp bác sĩ của nhà văn Tố Hoài, chỉ để độc giả có cảm nhận: ngoài chữa bệnh nghề y, bác sĩ Tố Hoài còn muốn chữa bệnh tâm hồn là cái gốc sinh ra các bệnh tự miễn.

Do bệnh nghề nghiệp, khi viết văn, nhà văn Tố Hoài cân nhắc các chi tiết trong sử sách, trong đời thường và con chữ của mình cẩn thận như xem xét người bệnh để kê đơn.

Là Giảng viên Trường Đại học Y – Dược, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; hiện anh thường trú tại Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài việc trị cho người bệnh và viết văn, anh còn tham gia tư vấn về Sức khỏe sinh sản cho Tổng đài 1088.

Đa tài, tính đến nay, anh đã in có trên dưới 24 đầu sách: 7 tiểu thuyết, 8 tập truyện ngắn và bút ký, 4 tập thơ, 5 đầu sách về phổ cập kiến thức y khoa ứng dụng...

Do nghề nghiệp, một giảng viên đại học, bác sỹ từ tâm, đam mê văn học đã góp phần tạo ra chất Nhà văn khoa học. Anh luôn khát khao đem kiến thức và góc nhìn mới đến bạn đọc./.

L.T.H.

Nguồn: Báo Văn nghệ

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lãng tử trong đời, chí thú trong văn
Bài viết về nhà văn Nguyễn Hoàng Thu trên báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm
Thương nhớ anh Duy
Tôi viết ra đây mấy lời tâm sự như thắp một nén nhang kính nhớ thương tiễn anh Duy về trời cùng đàn anh Lê Văn Thảo...
Xem thêm
Nhà văn Ann Patchett: Thời gian tuyệt vời nhất là ở trên máy chạy bộ và viết sách
Ann Patchett là nhà văn Mĩ, tác giả của 9 cuốn tiểu thuyết, 4 cuốn sách phi hư cấu và 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Trong văn nghiệp, bà từng giành giải Orange cho Bel Canto, cũng như lọt vào danh sách chung khảo giải Pulitzer 2020 với cuốn Ngôi nhà của người Hà Lan. Gần đây bà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Tom Lake, và điều đặc biệt là nó được viết trên bàn đặt trên máy chạy bộ và lời khuyên về năng suất từ ​​Elizabeth Gilbert.
Xem thêm
Lê Minh Quốc và cuộc hành trình chữ nghĩa
Bài của nhà thơ Ngô Xuân Hội trên báo Văn nghệ.
Xem thêm