- Chân dung & Phỏng vấn
- Trò chuyện với nhà thơ Đặng Nguyệt Anh: Xưa vượt Trường Sơn, nay thắng Covid - vẫn sức bền sáng tạo
Trò chuyện với nhà thơ Đặng Nguyệt Anh: Xưa vượt Trường Sơn, nay thắng Covid - vẫn sức bền sáng tạo
Chiến Thắng Covid
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải:
- Muốn nghe ngay chuyện “nóng sốt thời sự” mà các bạn văn chúc mừng và ca ngợi nghị lực của chị khỏi bệnh Covid cả hai vợ chồng – trong làn sóng dịch thứ 4 vô cùng khốc liệt tại TP. Hồ Chí Minh.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn viết “Nhà văn chiến thắng Covid”, còn các bạn văn gọi chị là “sống sót trở về”, “khai sinh lần thứ 2”, “từ cõi chết trở về chói lọi”…
Xin chị kể cho nghe về cuộc “nhà thơ vượt vũ môn” ấy?
Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh:
- Tôi ở gần nhà con gái, các cháu hay qua thăm. Có đứa cháu 17 tuổi rất ngoan và năng động, đi tập tành bóng bánh rồi bị lây bệnh. Nhưng cháu trẻ khỏe nên chỉ bị nhẹ, cách ly 10 ngày là phơi phới, trong khi ông bà thì chưa tiêm chủng, phải vào bệnh viện Điều trị tích cực Quận 2 – chiến đấu cam go suốt 32 ngày cùng sự hết lòng cứu chữa của các y, bác sỹ.
Tôi thở oxy suốt 15 ngày, hai vợ chồng nằm cùng phòng gần nhau, chúng tôi đều có tuổi, anh ấy đã ngoài 80, nên đây là cuộc chiến đấu gay go vô cùng. Suốt ngày đêm liên tục có các y tá, bác sỹ gọi. Hai giờ đêm cũng “bác ơi dậy uống thuốc”, “bác ơi cháu lấy máu đi xét nghiệm”…
Chỉ cách cái cửa kính có thể thấy y, bác sỹ suốt 24 giờ nào bơm, nào hô hấp nhân tạo… không phút ngơi nghỉ.
Tôi còn cố chăm ông xã nằm gần ngay bên. Phải cố ăn uống. Có khi tôi bóp méo cả cái ly nhựa để đổ sữa cho anh. Đêm cũng mò nước muối xúc họng. Nằm trên giường bệnh tôi vẫn phải tìm cách vận động có thể, như giơ chân lên, giơ tay, tập hít thở. Phải cố sống, quyết tâm vượt qua.
Không biết có phải nghề văn đã trợ giúp hay không, nhưng nằm trên giường bệnh, lúc tỉnh táo, tôi cứ nhớ lại bao nhân vật đã đọc trong “Chuông nguyện hồn ai” của Hemingway, hay bá tước Andrey trong “Chiến tranh và Hòa bình” của Tolstoi… lúc bị thương trên chiến trường Oateclo… thấy Napoleon… Đó là một cuốn sách tôi đang chấm phá các kiệt tác. Rồi tôi mơ tưởng đến những cánh rừng Nga tuyệt đẹp… Nhờ thế ngày không dài đằng đẵng trong lo âu.
Nhà văn N.T.N.H:
- Tình trạng anh chị giờ ra sao? Có thể “đúc kết kinh nghiệm” gì cho mọi người trong tình hình đại dịch Covid chưa qua?
- Tất nhiên, như mọi người đều biết trước hết là rất cảnh giác tránh lây nhiễm mà ta biết 5K đó. Còn khi chẳng may mắc, phải hết sức bình tĩnh. Cuống lên là hỏng. Xác định cái gì đến không trốn được rồi, phải đương đầu thôi. Nếu không sẽ chết. Không muốn ăn phải ăn. Mình phải chiến đấu giành sự sống.
Tôi đã đọc “Gánh gánh gồng gồng” của chị Xuân Phượng, tôi học chị ý chí quyết liệt. Bây giờ tôi gần như bình thường. Đã tiêm chủng rồi. Chỉ còn ông xã cao tuổi hơn vẫn yếu, giờ vẫn cần chăm sóc. Mặc dù phải có người giúp, nhưng tôi luôn bên anh (cười hạnh phúc). Vì chúng tôi sống bên nhau 54 năm, nên tôi thường bảo: “Có phúc mới có chồng mà chăm”. Các con thì hiếu thảo vô cùng. Đêm đêm anh dậy gọi tới mấy lần, nên con muốn thay đỡ cho mẹ trực đêm mà không đủ sức vì sáng sau vẫn phải làm việc.
Bây giờ tôi hay đùa vui bảo: “Đã khỏi… coi như trắng án rồi. Chắc Covid nó không ưa nên… thăm qua loa”.
Bạn văn hỏi thăm nhiều lắm. Anh Nguyễn Trường bảo: “Viết chia sẻ một bài đi”. Còn nhà thơ Lam Luyến thì đọc thơ: “Kiếp này bạn giỏi đường tu – Kiếp sau bạn lại tha hồ thong dong”.
Lúc nằm viện, được tin nhà văn Nguyễn Quốc Trung cũng mắc Covid chuyển nặng, tôi còn gọi điện hỏi thăm động viên “em ơi cố lên nhé”. Anh bảo mệt lắm. Rồi sau không trả lời nữa, biết tin anh không qua khỏi…
Có phải vì đã “đội câu Kiều đi suốt Trường Sơn”?
Nhà văn N.T.N.H:
- Chị là nhà giáo thành chiến sỹ vượt Trường Sơn trong chiến tranh rồi cùng chồng công tác, chiến đấu ở chiến trường miền Đông – Tiểu Ban Giáo dục thuộc Tuyên huấn TW Cục miền Nam. Rồi sáng tác nhiều thơ và cả trường ca. Thơ của chị hiện rõ người nữ chiến sỹ ấy “Với bao dốc thẳm đường mòn – Đá tai mèo cứng chân son thì mềm”… “Gói bạn trong tấm nilon – Tiễn bạn đêm ấy trăng non thẫn thờ…”.
Có lẽ vì đã tôi luyện trong sinh tử… “Phận gái có số Thiên di – Đã đội câu Kiều đi suốt Trường Sơn…” – nên chị đã có kho báu nghị lực?
Và còn nhiều câu chuyện về các chuyến giao lưu quốc tế, chị đọc thơ, giao lưu chia sẻ mọi quan điểm và các vấn đề về sáng tác, văn hóa, lịch sử, xã hội Việt Nam rất thành công…
Nhà thơ Đ.N.A:
- Cả dân tộc đều phải vượt qua thử thách. Cưới nhau năm 1968 được mấy tháng thì chồng tôi đi B (tên gọi chiến trường miền Nam ngày đó). Đến 1972, lúc chiến tranh bom đạn ác liệt, tôi xin vào Nam theo đoàn Giáo dục. Vượt Trường Sơn tới 100 ngày. Rồi ở chiến trường miền Đông “Đi tải gạo, đi làm rẫy – Ngày mai trận pháo kích – Ngày mai cơn sốt rừng…” – tôi đã ghi nhật ký cho con như thế, vì tôi sinh con trong rừng.
Khi tôi tham gia đoàn nhà văn Việt Nam đi Mỹ – nhiều chuyện chiến tranh thì các cựu binh họ hiểu được, nhưng khi nhà văn lady Borton giục tôi kể chuyện sinh con trong rừng chạy càn chạy bom đạn thì họ không thể hiểu được. Nhất là khi đọc bài thơ của tôi:
“Mẹ sợ cơn mưa rừng -
Thương con đang sốt –
Tắc kè bò trên mái Trung quân cũng làm mẹ hoảng hốt
Con sóc rung cây mẹ cũng giật mình…”
Lao động sáng tạo không ngừng
Nhà văn N.T.N.H:
- Khi nằm bệnh viện, chị nói là hay nghĩ đến các nhân vật văn chương kiệt tác. Nghe nói chị khỏi bệnh là bắt tay ngay tiếp tục công trình sáng tác nghe rất lạ và… rất khó: Viết một cuốn sách có tên “Chấm phá” trong đó chị “tóm tắt giới thiệu” kiểu Review cảm nhận những tác phẩm kinh điển của nhân loại. Xin chị cho biết thêm kiểu sáng tác khá… lạ này?
Nhà thơ ĐT.N.A:
- Đúng vậy, hiện tôi đã viết chấm phá cho 25 tác phẩm kinh điển, gồm có cả Kinh Thánh, Đạo đức kinh, Pháp cú kinh, Khổng Tử luận ngữ… cho tới các tác phẩm như: “Sông Đông êm đềm” của Solokhop, “Những linh hồn chết” (Gogon), “Chiến tranh và Hòa bình” (Tolstoi), “Những người khốn khổ” (Victo Hugo), “Đông ki sốt”, “Promete bị xiềng…”.
Phần thứ hai của sách sẽ là sáng tác mới của tôi về thơ, và phần ba là những bài bạn bè viết về tôi – tấm lòng bè bạn…
Sách tên là “Chấm phá” mà…
Nhà văn N.T.N.H:
- Nghe thấy công phu và… khó quá. Các sách lớn cả triết, tôn giáo, thi ca và tiểu thuyết lớn của nhân loại, tôi cứ nghĩ phải là nhà nghiên cứu lớn mới đủ sức. Riêng đọc cho kỹ đã mất công rồi.
Nhà thơ Đ.N.A:
- Tôi sẽ viết chấm phá những cảm thụ cần thiết và nét chính yếu nhất của người đọc sách tinh tế. Theo cách sau đây – tôi tóm tắt trong ý nghĩa này: “Mỗi cuốn sách mở ra một chân trời – sách là người bạn tốt nhất, trung thành nhất. Sách là kho tàng trí tuệ, người thầy vĩ đại nhất… Nhờ có sách, ngồi đây ta có thể biết núi cao biển rộng sông dài
- Biết những chòm sao trên dải ngân hà – Biết những vỉa san hô dưới đáy biển sâu… ta ước có thêm một trăm năm nữa để đọc sách…”.
Nhà văn N.T.N.H:
- Chà, nghe qua đã tò mò muốn đọc rồi. Các nhà phê bình nhận xét thơ chị “kết hợp giữa hiện thực và siêu thực nhuần nhuyễn”, rồi rất tình cảm yêu thương trong “Trường ca về Mẹ” lại kể câu chuyện dài đi theo tuyến tính thời gian từ ấu thơ đến trưởng thành…”. Nay hy vọng sẽ được đón đọc tác phẩm “Chấm phá” – một phong cách mới – giúp người đọc có kiến thức đồ sộ nhiều lĩnh vực để khám phá thêm mãi nhiều tri thức và vẻ đẹp của nhân loại.
Một nữ thi sỹ vừa “từ cõi chết trở về”, chiến thắng và lạc quan. Đại dịch khủng khiếp không làm mất đi cái nhìn tươi đẹp về cuộc sống, tình yêu thương con người và sức lao động sáng tạo của nhà văn.
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (thực hiện)
Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 05