TIN TỨC

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, với tôi là xà ngang, cột dọc

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
309 lượt xem

Phùng Văn Khai

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã khá lâu không gặp. Dù công việc tôi đều theo tư cách đàn em, luôn hỏi anh. Nhớ ngày xưa, khi rất khó khăn, cần tiền đúng như mong “Bác Hồ hiện diện”, anh đã mời và bố trí tôi viết kịch bản phim truyện để có cần câu cơm mưu sinh khi làm ông bố. Cuộc mưu sinh đó cũng đã rất xa rồi. Hậu duệ của cuộc mưu sinh chắc chắn hoàn toàn không biết. Bạn ấy đã là chủ gia đình riêng nhỏ. Phạm Ngọc Tiến đã biết sợ không dám nhận thách đấu bia rượu thuồng luồng như ngày trước.

Tôi và Phạm Ngọc Tiến - anh Tiến, đều cam tâm tình nguyện tự nhận là học trò của nhà văn Lê Lựu. Phạm Ngọc Tiến viết “Tàn đen đốm đỏ” khiến Lê Lựu phải kinh sợ. Lê Lựu rất sợ đàn em quá thông minh. Văn chương Phạm Ngọc Tiến quá thông thiên trời - đất - người khiến Lê Lựu sợ cũng như tôi văn chương quá khù khờ rơm cỏ cũng khiến Lê Lựu lo sợ.

Nhưng chúng tôi vẫn luôn sống bên nhau.

Dù chẳng có ai quy định như vậy

Một hôm, khi Lê Lựu mất, Phạm Ngọc Tiến điện hỏi tôi tang lễ thế nào rồi? Tôi không dám nói thật với anh chỉ hỏi anh sẽ về như thế nào để anh em bên quân đội đón. Anh Tiến im lặng khá lâu nói rằng mọi thứ cứ theo kế hoạch, con người là con người nhà văn cũng là con người càng phải rành mạch, mọi thứ ắt đi ắt đến, chú em hãy cố gắng lên.

Tôi lúc đó được phân công tham gia tang lễ lòng dạ rối bời. Nhà văn Lê Lựu là bậc thầy của tôi mặc dù ông cũng chả truyền thụ nghề nghiệp gì hoặc quy hoạch riêng gì cho tôi. Tôi yêu kính nhà văn Lê Lựu vì những điều khác. Đó là từ khi biết chuyện Tư lệnh Trường Sơn - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ngày ở Trường Sơn đã cấm Lê Lựu và Phạm Tiến Duật đến các trọng điểm ác liệt. Đồng Sỹ Nguyên cho rằng những người tài tuyệt đối không được chết sớm. Lê Lựu và Phạm Tiến Duật tuyệt đối không được chết trong chiến tranh. Đúng sai tính sau. Càng về sau này, tư duy của Đồng Sỹ Nguyên càng đúng.

Nhà văn Lê Lựu một mực cho rằng chỉ có Phạm Ngọc Tiến mới biết viết văn. Văn của Phạm Ngọc Tiến mới gồm đủ bi ai thống khổ, chiều sâu và sự vô tận của kiếp người trong dằng dặc mưu sinh. Lê Lựu viết cái gì cũng nhanh thì Phạm Ngọc Tiến cũng nhanh không kém. Các cuốn thành danh của Lê Lựu như Thời xa vắng; Chuyện làng Cuội; Hai nhà; Sóng ở đáy sông;… đều chỉ mất ba tháng thì Phạm Ngọc Tiến cũng không phải dạng vừa khi viết “Tàn đen đốm đỏ” cũng chỉ vài ba tháng. Lê Lựu từng nhận xét: “Văn thằng Tiến còn hay hơn văn của tao. Câu chữ của thằng Tiến còn dây cà dây muống hơn câu chữ của tao. Thằng Tiến mới chính là đại diện cho nền văn học mới của chúng ta. “Tàn đen đốm đỏ” là một đồi gò núi non văn học của chúng ta”.

Chúng tôi bao gồm Phạm Ngọc Tiến đều tin đó là sự thật.

Thiên hạ cũng chưa thấy ai thắc mắc.

Phạm Ngọc Tiến cũng vậy. Anh không ngốc ngếch đến mức lệ thuộc vào một câu khen cho dù người đó là nhà văn Lê Lựu. Anh có cách trưởng thành riêng. Các bộ phim: Chuyện làng Nhô; Đất và người; Ma làng; Gió làng Kình; Sinh tử… anh thực hiện đã chứng minh điều đó.

Phạm Ngọc Tiến rất kính trọng Lê Lựu nhưng tuyệt đối không học thầy. Anh lúc nào cũng trợn mắt với thầy Lê Lựu. Thậm chí đến khi Lê Lựu mất, trước mặt linh cữu vườn tược cây cối Khoái Châu, Phạm Ngọc Tiến dường như vẫn muốn nói điều gì đó để phản biện Lê Lựu. Ôi anh Tiến! Có cần thiết phải như vậy không khi Lê Lựu cũng đã xa rồi?

Tôi nhớ những ngày gặp anh Phạm Ngọc Tiến khi tôi rất khó khăn về tiền bạc. Phạm Ngọc Tiến bảo cậu viết kịch bản phim truyền hình đi, kiếm tiền dễ lắm, anh sẽ hướng dẫn cho cậu, anh sẽ dắt cậu đến kí nhận tiền nhuận bút. Tính tôi cũng thích ăn gan hùm mật gấu, kịch bản thì viết bừa nhưng tiền thì nhận thật. Sau đó phim phát sóng có tên biên kịch Phùng Văn Khai.

Đã từng là như thế!

Ông anh Phạm Ngọc Tiến nào mấy khi gặp gỡ, nhưng cái gì cũng lo cho tôi. Giống như nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng vậy. Các ông anh hiệp thương với nhau mà lo lắng và nhất nhất cho rằng tôi sẽ khác các anh để tôi thực thi một số điều chỉ có trời mới biết. Tôi vốn bản tính tò mò, luôn nghe ngóng và sẵn sàng lừa dối các ông anh khi có điều kiện và đã thực hiện không ít lần nhưng các anh đều bảo tốt tốt, được được, cứ như thiên hạ chỉ mỗi tôi là tốt lành vậy.

Tôi luôn mặc kệ. Ngày trước hay mời ông anh Quốc Trọng - kẻ đóng vai Xuân Tóc Đỏ rất được bà Phó Đoan yêu quý cùng họa sĩ Văn Sáng, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, ông anh Đoàn Tử Huyến chén chú chén anh. Lúc nào Quốc Trọng cũng bảo tôi mới là Xuân Tóc Đỏ đích thực. Thời gian trôi, có người đã về miền cổ tích, Phạm Ngọc Tiến đã có sự chuyển động khác, nhất là sợ hãi khi tổ chức sức khỏe trường sinh bất lão cho mình. Tôi có lúc còn cho rằng ông anh đã quên tôi.

Non sông dễ rời tính người khó chuyển. Tôi hung hăng bôn ba khắp nẻo đều trong vòng tay kim cô của các ông anh. Cuộc trọng gì tôi cũng thấy ông anh xuất hiện, tuyệt không nở nụ cười mà chỉ nhẹ nhàng bảo chú cũng được nhỉ, chú giỏi lắm, đã sắp lên giời chưa(?!) Tôi lúc đó đột nhiên thông minh như thần đồng bèn giả vờ ú ớ mặc kệ ông anh chất vấn cứ thế khen chị này bé kia xinh đẹp, văn ông anh hay, sức khỏe ông anh tốt rồi tìm cách biến khỏi tầm mắt ông anh. Coi như ông anh là tiên Phật, thánh thần; còn mình tạm nhận làm sâu kiến cũng chẳng mất gì.

Tuyệt đối, Phạm Ngọc Tiến không bao giờ chấp nhặt đàn em.

Thời gian cứ thấm thoắt thoi đưa như vậy. Thế giới cứ vô cùng vạn vật giai không như vậy. Tấm là Tấm, Cám là Cám như vậy mặc kệ ai ai thiên thu kiếp nạn mây gió giăng đèn. Ai dám bảo Cám không hạnh phúc? Càng ai dám bảo Tấm đã giải được nỗi oan khiên?

Phạm Ngọc Tiến dường như hoàn toàn khác đi chăng?

Anh sau những biến động đường xa dặm thẳm gió núi mây ngàn đã dường như lo lắng cho đàn em những sự nặng nhẹ ở thế gian chăng? Văn chương Phạm Ngọc Tiến, nhất là Tàn đen đốm đỏ đã cho thấy không chỉ sự cao cường của ngòi bút mà chính là bản chất lầm than của kiếp người đã đến tận cùng. Tôi rất nhớ một hôm, nhà văn Bùi Ngọc Tấn ở Hải Phòng đêm hôm khuya khoắt bảo: “Thằng Tiến viết cái gì cũng rất Hải Phòng”. Nhà văn Trung Trung Đỉnh chỉ vài dòng đã tả xong Phạm Ngọc Tiến: “Trong câu chuyện phiếm, có lần Phạm Ngọc Tiến bảo: "Chỉ có kẻ bất chính mới không dám nhắc đến nguồn gốc của mình". Rồi anh nói thêm: "Tôi tự hào vì tôi là thợ điện". Gặp nhau hàng ngày, đọc nhau cũng hàng ngày, nhiều khi tranh cãi một chuyện gì đó trở nên chán phè nhau, anh bảo tôi: "Tôi ghét ông, không thèm chơi với ông nữa!". Rồi rủa thầm nhau: "Đồ lính tẩy"- "Quân thợ thuyền". Nghĩ đi, nghĩ lại, lại thấy chẳng có gì mà sinh sự, đôi khi cũng biết, chỉ vì ba cái chén nhố nhăng. Không có nó thì buồn mà có nó quả cũng phiền tâm thật”.

Tôi cho rằng, văn chương của Phạm Ngọc Tiến luôn là những câu chuyện khác nhau. Anh thừa dại dột để tuyệt đối không bao giờ mắc vào những biến loạn sắp đặt của tinh khôn. Anh cũng thừa tinh khôn để chốc chốc cắn câu dại dột mà ngây thơ như đúng rồi. Anh em văn nghệ sĩ, nhất là các chị em đều yêu quý anh là như vậy.

Phạm Ngọc Tiến có một cô em thân thiết văn chương và đời sống là nhà văn Thùy Linh. Đây cũng là người để anh tin tưởng và mắng mỏ. Thùy Linh có là phản động đi chăng nữa, trong con mắt của Phạm Ngọc Tiến vẫn vằng vặc trăng rằm soi sáng sân nhà em. Thùy Linh có là chị Hằng muôn nẻo trần gian yêu quý thì Phạm Ngọc Tiến vẫn kiên quyết khe khắt đến tận cùng.

Tôi cũng chẳng hiểu vì sao, một người quan trọng như nhà văn Phạm Ngọc Tiến, một ông anh đình đám như vậy mà tôi rất ít khi gặp, thậm chí không gặp mới là hay ho chăng? Các bạn hãy giúp tôi định luận.

Nhưng, để mà định luận thẳng thắn đàn ông với nhau, tôi luôn mến yêu anh và biết rằng anh luôn là quan trọng, giống như bóng phải đập cột dọc, xà ngang để chúng tôi sáng mắt ra trong cuộc chinh phục săn đục khoan thủng mành lưới đối phương, hơn thua giữa trận tiền.

Than ôi! Phạm Ngọc Tiến với cá nhân tôi chính là xà ngang - cột dọc vậy.

P.V.K

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm