- Chân dung & Phỏng vấn
- Nhà văn Trịnh Bửu Hoài, người biết sẻ chia
Nhà văn Trịnh Bửu Hoài, người biết sẻ chia
Nhà văn BÍCH NGÂN
Tôi nhận được tin nhà văn Trịnh Bửu Hoài mất từ nhà thơ Lê Thanh My, một đồng nghiệp và một đứa em thân thiết của anh Hoài.
Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài (1952-2022)
Tôi thảng thốt, dù biết ai rồi cũng đến lúc phải ra đi. Nhưng anh Hoài ra đi đột ngột quá, bất ngờ quá. Gương mặt anh, thần thái anh, nụ cười rộng mở của anh đã vĩnh viễn khép lại rồi sao?
Phải gần một ngày sau, tôi nói với Lê Thanh My là sức khỏe chưa ổn sau cú té xe nên chị không về Châu Đốc viếng anh Hoài được và nhờ My giúp đặt vòng hoa Hội Nhà văn TP.HCM viếng nhà văn Trịnh Bửu Hoài và nhờ nhà thơ giúp thắp nén hương tiễn biệt anh Hoài.
Nhà văn Trịnh Bửu Hoài với tôi cùng họ. Anh Hoài nhắc với tôi là, anh em mình cùng họ đó, anh em họ Trịnh làm văn chương không nhiều đâu. Và, có lẽ, cái sự “không nhiều” đó mà anh Hoài “chiếu cố” đến tôi từ khi tôi chân ướt chân ráo về làm việc tại Nhà xuất bản Văn nghệ với biết bao bộn bề. Và anh Hoài luôn in sách của anh và của nhiều anh em văn nghệ An Giang mang logo NXB Văn nghệ TP.HCM.
Nhà văn Trịnh Bửu Hoài viết nhiều thể loại. Và có thể loại anh viết in được hàng chục ngàn bản như tiểu thuyết thị trường nổi đình nổi đám một thời. Thời đó, ở An Giang có hai nhà văn ăn nên làm ra. Nhà văn Văn Định thì tạm gác bút để buôn sách - buôn sách văn học phương Tây giữa thời điểm gần như chỉ có dòng sách sáng tác theo phương thức hiện thực thực xã hội chủ nghĩa mới được lưu hành rộng rãi (chỉ riêng tiểu thuyết Trà Hoa nữ, anh Tư Tìa - Văn Định đã bán được cả trăm ngàn bản và vốn liếng để anh làm ông chủ một resort ven biển sau này cũng xuất phát từ tiền “buôn sách lậu”).
Khác với Văn Định, Trịnh Bửu Hoài không rời cây bút. Nhuận bút tiểu thuyết, anh nuôi gia đình, thù tiếp bạn bè, xênh xang đi đây đi đó. Tôi nhớ, có lần Trịnh Bửu Hoài đến NXB Văn nghệ để in một tập thơ mới, tôi hỏi anh còn giữ quyển tiểu thuyết nào không, tôi muốn đọc. Anh cười, nói: “Em đọc thơ anh là được rồi”.
Sau này, nhà văn Trịnh Bửu Hoài có nhiều quyển sách viết dạng biên khảo, khảo cứu về vùng Châu Đốc mà anh thuộc từng khúc sông, từng khe đá, từng được mất trong lịch sử cũng như trong sự vận hành hôm nay và anh cũng khoe là có những đầu sách tái bản đều đều nên anh có việc làm liên tục.
Trịnh Bửu Hoài là nhà văn miền Tây, xứ sở chếch choáng men rượu nhưng là một người hiếm hoi tỉnh táo làm việc liên tục, cần mẫn. Gần như năm nào anh cũng có đầu sách mới. Tuy nhiên, đầu sách mà anh thấy vui, thấy hạnh phúc nhất khi cầm nó trong tay, có lẽ vẫn là thơ, những tập thơ tự mình trình bày, tự mình vẽ bìa và tự mình cho phép mình phơi bày những thang bậc cảm xúc từ trái tim mình, ao ước của mình, ham muốn của mình. Cái ham muốn to tát từ thời còn là một chàng trai mới lớn “Ngước mắt nhìn về Tây Thất Sơn sừng sững/ Áo giang hồ cuồn cuộn gió phương Đông” vẫn không thôi lẽo đẽo theo anh và len vào thơ anh. Khát vọng lớn lao nhiều khi lại trở thành những chiêm nghiệm bình dị, tinh tế mà đằm, mà sâu, mà giàu sự sẻ chia.
Sẻ chia, tôi vẫn nhớ, nhớ hoài. Khi biết tin tôi vướng phải một “sự cố” xuất bản, anh Hoài là đồng nghiệp duy nhất đã đến chỗ tôi làm việc. Hai anh em uống cà phê trò chuyện một hồi lâu. Chủ yếu động viên. Trước khi chia tay, anh Hoài siết tay tôi và nói: “Cô em họ Trịnh, vững vàng lên!” rồi anh cười, nụ cười rộng mở “Chưa vấp ngã, chưa trưởng thành đâu, em gái!”
Giờ, dù phiêu diêu nơi đâu cũng giữ mãi nụ cười rộng mở, sẻ chia, anh Hoài nha! Tây Thất Sơn đang ôm anh vào lòng và cả những người yêu quý anh.
Thủ Đức, khuya 10/12/2022.
HÌNH ẢNH LƯU NIỆM CỦA CÁC NHÀ VĂN TP. HCM VỚI NHÀ THƠ TRỊNH BỬU HOÀI
(tại Châu Đốc, An Giang, 5/11/2016)