TIN TỨC
  • Truyện
  • Những đêm sau chiến tranh | Thu Trân

Những đêm sau chiến tranh | Thu Trân

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-11-30 11:05:11
mail facebook google pos stwis
1636 lượt xem

THU TRÂN

Là một cựu binh từng chiến đấu ở chiến trường Việt Nam, Paddock có nhiều kỷ niệm đáng nhớ và đáng quên. Những gì đáng nhớ trong gã là cảnh đẹp, đồng ruộng, núi đồi, biển xanh… kéo dài không dứt trong tầm mắt gã. Ngày ấy tuổi hai mươi, gã khỏe khoắn, cường tráng, tinh anh. Cũng có những cô gái Việt Nam đáng yêu với làn da nâu quyến rũ, nhưng ngại tiếp xúc với những con người nhỏ bé trong trong cơ man nào là lạc hậu và lam lũ, nên gã không chắc là có thể yêu một cô gái Việt Nam nào đó. Nhưng gã vẫn có cảm giác nợ nần với cộng đồng những con người nhỏ bé da nâu đó.

Minh họa của VŨ ĐÌNH TUẤN

Thường trực những đêm mất ngủ, gã thường nghĩ, tốt hơn hết gã và những người lính Mỹ viễn chinh như gã hãy trở về nước. Trên đường hành quân qua những trảng cát rát bỏng ở miền trung Việt Nam, đôi khi gã nghĩ thật là rách việc với mớ súng đạn lủ khủ quanh người. Rồi sẽ bắn, sẽ giết, dường như cũng chẳng để làm gì cả. Người ta bảo cuộc chiến gã tham gia nhằm phục vụ ý đồ các ông lớn, các nhà chiến lược quân sự, các vĩ nhân có thể làm đổi thay thế giới. Ý đồ nào? Ý đồ mà phải chết chóc và đổ máu quá nhiều với gã cũng thành vô nghĩa. Còn những gì đáng quên? Nhiều lắm. Những người Mỹ là gã và đồng đội đã phải trần mình ra chịu đựng những loài côn trùng nhiệt đới trong những cơn mưa dài tưởng như không bao giờ dứt hạt. Những lần trúng pháo kích đối phương máu và nước mắt nhạt nhòa, rồi sau đó là xác chết được phủ cờ hoa đưa về cố quốc. Những lạnh lùng, dáo dác, chua chát, đau thương… của ngày gã là thương binh trong quân y viện trôi qua rất lâu, lâu… đến mức gã xé toạc dải băng vết thương bên ngực trái và lên cơn hú hét suốt đêm.

Người ta đưa gã ra giám định tâm thần. Bảo gã không bình thường, cho về nước. Được một thời gian tạm yên ổn, được trở về trường đại học dấu yêu của gã. Nhưng những người trẻ tuổi một thời hòa khí - dường như tất cả đã tan loãng vào không gian. Cái hòa khí ấy đã lần lượt trôi qua chiến tuyến bên kia hết rồi, nơi có những cơn mưa nhiệt đới mù mịt ngày đêm, trong bom đạn và đã làm gã phát rồ lên ấy. Gã đi ra đi vô, đi lên đi xuống các giảng đường mà thấy ngày trôi qua vô vị. Dường như tất cả đã trầm cảm hết rồi. Cho đến khi nào cuộc chiến ở bên kia nửa vòng trái đất chưa kết thúc. Cho đến khi nào không còn những chuyến bay từ bên kia chở về những xác chết phủ đỏ cờ hoa.

Rồi chiến tranh bên kia cũng kết thúc. Đồng đội gã thua, nháo nhác ôm cờ hoa trở về. Bệnh viện tâm thần của các bang bỗng đông người hơn. Người ta bảo là di chứng sau chiến tranh. Gã cười khùng khục, ồ, không điên trước cũng điên sau. Sống trường trực giữa một biển người đầy máu me và cái chết bi thương, không điên mới là lạ. Rồi cứ thế, gã thong dong nghĩ mình là người đã qua khổ nạn, cho nên phải gánh vác phần khổ nạn của người đến sau, của những đồng đội gã trở về sau chiến tranh.

Thật ra thì cũng chẳng khổ nạn gì, gã là con một của một chủ trang trại cừu nổi tiếng ở vùng đất Nevada xinh đẹp và được ban tặng nhiều bổng lộc thiên nhiên. Công việc hàng ngày của gã là chở sữa cừu đi giao cho các cơ sở chế biến. Hết việc, gã trở về nhà đọc triết học, kinh thánh và chơi đàn guitar. Ai không biết, trông vào gã cứ như là một công tử hào nhoáng thật sự. Đến một ngày, mẹ gã, bà Vanga bảo gã cưới vợ. Cô gái vắt sữa cừu Ema trong trẻo và xinh đẹp. Cảm xúc từ sự trong trẻo và xinh đẹp bên ngoài của Ema cũng nhanh chóng qua đi trong mắt gã. Gã không thích người phụ nữ không biết đến chiến tranh. Ema chỉ biết cơm áo gạo tiền và những chuyến trăng mật phù phiếm. Gã nói điều này với bà Vanga khi Ema ngồi khóc thút thít trong phòng cùng với thằng Tony hai tuổi. Bà Ema lắc đầu bảo:

- Mày tìm đâu ra một người vợ biết nói về chiến tranh hở con? Nhân danh người mẹ, mẹ nói mày điên mất rồi. Nhân danh người phụ nữ, mẹ nói mày chỉ có đốt cháy thế giới này thôi con ạ.

Thế là bỏ vợ con ở lại trại cừu với bà Vanga, Paddock dọn ra ở riêng. Khi ấy gã tròn bốn mươi. Ban ngày gã vẫn đi chở sữa cừu, nhưng đêm về không đọc triết học, kinh thánh và chơi guitar nữa - mà trôi đến các hộp đêm. Tại đây, gã được là mình với những đêm nhảy nhót tràn lan và say khướt. Gã không có bạn. Những khi cao hứng, gã cũng sà vào một bàn rượu nào đó, nghe mọi người nói dăm câu ba điều, nhưng rồi cũng chán nản đứng lên. Không ai thích nói về chiến tranh cả, một thời đã lùi rất xa rồi. Mà gã thì không còn trẻ để bay nhảy đến chiến trường vùng vịnh hay Afghanistan. Người Mỹ luôn luôn phải nhúng tay vào một cuộc chiến tranh nào đó. Vì cái vị thế cần làm bá chủ toàn cầu hay vì say máu đánh đấm quen tay, cũng không biết nữa.

Có những đêm trăng tràn tinh khiết, gã lái xe trở về trang trại của cha mẹ. Không để làm gì cả, chỉ để nằm ườn trên những trảng cỏ ngút ngàn xanh uốn lượn và uống rượu một mình. Gã tìm một vì sao cô đơn cho chính gã trên bầu trời xa xôi kia. Vì sao nào là của gã và ai đã đánh mất một thời trai trẻ thông minh sáng láng của gã. Kể cả cô người yêu Jelly xinh đẹp học sau gã một khóa ở trường đại học. Những khi ôm ấp Ema trong lòng, gã luôn nghĩ đến Jelly, cô gái nuột nà thơm như hoa tử đinh hương mỗi sáng mỗi chiều. Còn Ema chỉ váng vất mùi sữa cừu, cái mùi mà gã đã chán phát ói với hàng vạn chuyến xe chở sữa cừu thiên lý. Một thằng đại úy đẹp trai hào nhoáng nào đó đã khoắng mất Jelly của gã trong một bận nó về phép từ chiến trường Việt Nam. Con đường nào cũng nhắc nhớ gã quay về với chiến tranh. Gã buông bỏ Ema ra khỏi vòng tay ấm nóng của mình:

- Em có biết gì về chiến tranh Việt Nam không, Ema?

Ema ngây thơ như một con cừu non:

- Chiến tranh ư? Không, em không thích chiến tranh. Em chỉ yêu trại cừu của chúng ta. Em sẽ uống sữa cừu để yêu anh và sinh cho anh những hoàng tử công chúa đáng yêu nhất trên thế gian này.

Nghe Ema nhắc đến cừu, một lần nữa, gã muốn phát nôn. Rất kiềm chế để gã không phải nặng lời với Ema - một người đàn bà ngây ngô không biết và không bao giờ muốn biết về cảm xúc của chồng. Bước xuống giường, gã mặc lại quần áo:

- Thôi nhé, chúc ngủ ngon, anh có việc phải đi đây!

Ema ngẩn ngơ nhìn theo chồng, cô nhún vai, như thế có nghĩa là chồng ơi, chồng khùng quá, muốn đi đâu thì đi đi. Quả thật, nhìn qua cửa kính, gã thấy Ema ngu ngốc đã nằm lọt thỏm trong chiếc chăn vẽ đầy hoa hồng to tướng.

Và cũng từ đêm trăng tràn tinh khiết với những trảng cỏ xanh ngút ngàn uốn lượn quanh trang trại, gã đã gặp Seen. Một cô gái da màu duyên dáng. Đúng “gout” của Paddock. Màu da Seen đen nâu, nhưng đen có phần lấn lướt nâu, OK. Seen cũng là công nhân vắt sữa cừu của trang trại. Nhưng cô không lọt vào mắt xanh bà Vanga trong công cuộc kén vợ cho Paddock vì cô là người da màu. Không khó khăn lắm với lời mời nằm cạnh của cậu chủ, Seen hồn nhiên duỗi thẳng hai chân dài thon thả trên cỏ:

- Anh có thấy tuyệt vời khi chúng ta được nằm cạnh nhau không, Paddock?

- Trên cả tuyệt vời, em rất xinh đẹp Seen ạ. Sao cái ngày anh chưa cưới vợ ấy, em ở đâu trong đám lọ lem vắt sữa nhà anh nhể.

Seen cười khúc khích:

- Em sờ sờ ra đấy thôi. Dưng mà mẹ anh chê em da màu. Không sao cả. Da màu nhưng xinh đẹp và làm được việc là tốt rồi phải không anh.

- Em có người yêu chưa, Seen?

- Chưa, mà chắc cũng chẳng bao giờ, em còn phải lo cho hai đứa em lắt nhắt của mình và cha mẹ rất già nữa.

- Em có thích anh không, Seen?

- Người ta đồn đãi anh thích chiến tranh à?

- Không phải thích, mà là còn quá nhiều điều khó hiểu về chiến tranh mà anh muốn sờ vào chúng.

- Anh có quan tâm đến những cuộc chiến tranh sắc tộc không?

- Anh quan tâm và căm ghét tất cả các cuộc chiến tranh, anh muốn em là vợ anh như những cô gái da trắng bình thường khác.

- Ôi, thật vậy sao, Paddock, em cảm kích vô cùng, em cũng đã từng mơ có ngày được làm vợ cậu chủ như Ema của anh vậy!

Và Seen đã đặt trên môi gã nụ hôn nóng bỏng. Gã cũng không thể kiềm chế trước thân hình nàng bốc lửa. Quả thật, gã thờ ơ chuyện đàn bà đàn ông lâu lắm rồi, nhưng trước Seen, gã đã chẳng đặng đừng. Phải, Seen là người phụ nữ da màu đẹp nhất trong số những phụ nữ da màu gã từng gặp. Gã phải làm gì đi chứ. Gã tháo bung một tòa ngọc ngà dưới ánh trăng, những đường cong của Seen khiến gã vỡ òa, gã úp mặt vào đôi bầu ngực nàng nâu nâu tròn trĩnh, và nghe có mùi rơm thơm ngai ngái. Mùi rơm khô tích lũy cho bọn cừu ăn dần qua mùa đông. Rõ là cái mùi này dễ chịu hơn mùi sữa cừu của Ema nhiều, nhẹ nhàng thanh thoát hơn cả mùi hoa tử đinh hương của Jelly.

*

Cuối cùng rồi Seen cũng về với Paddock, cô rời bỏ công việc ở trang trại ra thị trấn sống với gã như cặp vợ chồng ăn ý nhất trên đời. Chiến tranh bắt đầu bùng nổ giữa Seen và Ema. Lại chiến tranh. Nhưng gã không quan tâm cuộc chiến này. Gã bảo với Ema rằng, gã cần cảm xúc, nhưng mà cô không mang lại cho gã cảm xúc nào. Còn Seen thì tràn đầy cảm xúc, thế là OK. Về sống với Paddock, ngoài một tình yêu ưng ý, Seen còn được phép thắng lợi về tinh thần với Ema. Seen đương nhiên thoát vòng cương tỏa chủ - tớ từ Ema. Vị trí làm vợ cậu chủ là ước mơ của hàng trăm cô gái vắt sữa cừu ở trang trại khổng lồ nhà Paddock. Nhưng chỉ có Ema là trúng số độc đắc, vì dưới mắt bà Vanga, Ema là cô gái giỏi giang và xinh đẹp. Các cô còn lại kháo nhau, chỉ có hên xui thôi, chỉ có mèo mù vớ cá rán, nhờ cậu chủ Paddock lập dị không thiết gì đàn bà con gái nên Ema mới lấy được chồng giàu.

Thật ra thì, chiến tranh giữa những người đàn bà dễ chịu hơn chiến tranh bom đạn nhiều. Bùng lên chốc lát rồi thôi, lại trở về âm ỉ, chẳng chết ai cả, có thiệt hại chăng chỉ là sự hao mòn notron và nhan sắc của các bên thôi. Sống với Paddock đến hai mươi năm, bà Seen mới ngộ ra điều này. Seen là người mộ đạo, bà thường xuyên đi nhà thờ cầu kinh mỗi chiều mỗi tối. Khi những con chiên rời nhà thờ, bà ở lại một mình mới thảng thốt kêu lên: “Chúa ơi, sao ngài lại cho con gặp Paddock thế này”. Ngài hiền từ độ lượng ở trên cao bảo: “Phải kiên nhẫn con ạ, dù ta đã giao vào tay con một trái bom nổ chậm, bởi chỉ có con mới chịu nổi gã này thôi. Lỗi là ở cha mẹ con, sinh con ra làm chi, phận nữ nhi mà can trường quá thể”! Seen can trường thật. Khi cần thiết, bà vẫn đi biểu tình chống phân biệt chủng tộc. Bà được bầu là chủ tịch Hội đấu tranh vì bé gái da màu. Ngôi nhà be bé xinh xinh của bà và Paddock luôn rộn tiếng cười của những bé gái da màu đến ở tạm vài ngày rồi lại đi. Đó là những bé gái bị lạm dụng tình dục hoặc bị cha mẹ bỏ rơi ở một xó xỉnh nào đó. Paddock thật tình cũng không ủng hộ Seen chuyện cưu mang những đứa trẻ cơ nhỡ này, nhưng gã thích đứng nhìn chúng nó chơi với nhau, đôi khi gã cười giòn tan một cách khoái trá khi bọn trẻ bày trò ngộ nghĩnh nào đó. Nhờ vậy mà Seen tin rằng, trong góc khuất của con người bất thường Paddock, gã cũng có một phần lương thiện. Điều Seen ngưỡng mộ Paddock nhất là gã luôn ủng hộ bà trong các cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc. Gã bảo người da trắng và người da màu chỉ khác nhau mỗi cái cúc áo. Cúc áo mà không có khuy thì ai cũng như ai thôi. Gã thường tuần hành với bà trong các cuộc biểu tình và cũng rất phẫn nộ với những màn cảnh sát đàn áp người da màu.

Mọi thứ như trời giáng xuống bà Seen khi vào một chiều hoàng hôn rực rỡ những tia nắng cuối ngày, Paddock đưa May về nhà và bảo: “Từ nay, May cũng là thành viên trong gia đình ta nhé”. Đến lúc này thì Seen mới hiểu bà chủ trại cừu Vanga đã khổ sở như thế nào với người con trai độc đinh Paddock của bà. Paddock thích gì làm nấy, không ai cản được và những ý thích luôn luôn bất ngờ, quái gở. Nhưng rồi bà Seen cũng chép miệng nhìn vào gương: “Quỷ tha ma bắt cuộc đời mình đi, mình cũng đã chẳng từng nẫng tay trên Ema để về làm vợ tên khùng này sao”. Bà nhìn sâu vào gương, dâng tràn cảm giác chán ghét đôi mắt đã trở nên mỏi mệt và hằn sâu vết chân chim của bà. Vâng, bao nhiêu năm về làm vợ Paddock rồi còn gì.

May đẹp. Phải nói là May đẹp. Có lẽ cô ấy chưa đến bốn mươi tuổi. Da cô ấy nâu mịn, màu da tươi tắn hơn màu da của Seen nhiều, màu da quyến rũ của người phụ nữ vùng Trung Đông. May kiệm lời, rất ít khi nói về mình, mà cũng không thích loanh quanh về người khác, chỉ tỏ ra đặc biệt quyến luyến Paddock. Cô ta chỉ cười bằng đôi mắt đẹp rậm mi như mắt nữ thần mỗi khi Seen làm giúp điều gì đó. May cũng không thích ồn ào, từ ngày mang cô ta về sống chung, Paddock không cho Seen nhận trẻ em da màu cơ nhỡ về nuôi tạm nữa. May kiệm lời và không thích trẻ con như thế, nên bà Seen cũng không trò chuyện nhiều cùng cô ta. Chỉ có Paddock hay nói vài câu những khi ba người cùng ngồi uống trà với nhau. Đại loại:

- Seen này, May là người Mỹ gốc Syria đấy, tôi nhặt được cô ấy trong một quán bar. Là người Syria, nhưng cha mẹ cô ấy sang đây lâu lắm rồi, từ ngày chúng ta chưa nghe được hai từ “thánh chiến” kia!

- Seen này, May là một cô gái rót rượu rất giỏi ở quán Samba nhé, nhưng có điều cô ấy không hạnh phúc vì đã ly hôn, May cần chúng ta!

- Seen này, May không quan tâm và không tham gia một cuộc khủng bố nào từ tay quân IS đâu nhé, cô ấy là người hồi giáo hiền lành tiến bộ, cho nên chúng ta phải có nghĩa vụ cưu mang cô ấy!

Nói chung là Paddock muốn gửi cho Seen một thông điệp rằng, May không thuộc loại người nguy hiểm. Chẳng thế mà không ngại ngần gì, Paddock đã hôn May rất đắm đuối trước mặt Seen. May cũng không ngại ngần gì với Seen, cô luôn luôn hòa khí với bà chủ nhà bằng ánh mắt ươn ướt biết ơn. Còn Seen thì lộn ruột lên, bà muốn bỏ nhà đi đến một nơi thật xa. Bà không vui vẻ gì với cuộc tình tay ba. Mà thật ra thì giữa bà và Paddock cũng chẳng “tình” gì nữa khi hai người từ rất lâu rồi, trước khi May đến, đã không ngủ với nhau. Thẳm sâu trái tim Seen, bà nghĩ đó là sự lồng lộn của bản chất bị tổn thương. Nhưng Paddock chẳng để cho bà đi, gã bảo rằng gã cần bà, gã chia cho bà một nửa tài khoản mà gã được thừa kế từ trang trại cừu, gã bảo bà xứng đáng được thế, gã gọi bà là thiên sứ của những cuộc chiến đấu không ngơi nghỉ trong lòng gã. Đùng đùng đòi ra đi vậy, nhưng thật ra bà Seen biết đi đâu khi hơn hai mươi năm qua, bà chỉ cơm bưng nước rót cho ông chồng bất thường và chỉ đi biểu tình chống phân biệt chủng tộc?

*

Không còn việc gì để làm trong cuộc đời này nữa hay sao, mà Paddock lên cơn mua rất nhiều súng đạn, bên cạnh những khẩu súng săn cùi bắp của gã đã được mua từ lâu. Tài khoản của gã thâm thụt liên tục vì chuyện mua súng. Để có một ngày, trong bữa tiệc rượu chiều, gã bảo với hai bà vợ:

- Chúng ta sắp lên thiên đường!

May nhìn bà Seen bằng đôi mắt biết nói, điều gì sẽ xảy ra cho chúng ta đây. Bà Seen nhún vai:

- Ông Paddock, ông mua súng làm gì nhiều thế, tôi đã đếm được bốn mươi bảy khẩu rồi đấy, rồi còn đạn nữa, đạn cả một hầm nhà.

Paddock vuốt vuốt hàng ria đã bắt đầu trắng xóa ở tuổi sáu mươi lăm:

- Tôi mua để tự vệ và đi săn, hôm nào cả nhà chúng ta cùng đi săn nhé, May?

Paddock luôn luôn có kiểu quan tâm riêng tư đến người vợ bé mọn của mình như thế. Dường như gã nghĩ rằng, số tiền nửa tài khoản to đùng của gã đủ sức “gây mê” bà vợ da màu, bà ấy sẽ không bao giờ biết chạnh lòng và tiếp tục phục vụ gã như một nô tỳ trung thành. Cũng tương tự như thế, nhưng bà Seen nghĩ khác. Bà nghĩ phần tiền nửa tài khoản của Paddock tặng sẽ giúp bà làm được nhiều điều hữu dụng hơn cho người thân và Hội đấu tranh vì bé gái da màu. Thì tội gì bà phải giẫy nẩy nọ kia. Nhưng trong buổi rượu chiều nay bà nghĩ khác. Có lẽ từ rất lâu rồi, bà không quan tâm đến tư tưởng của Paddock nữa và đã để gã đi rất xa. Gã sẽ đến bến bờ nào bà chẳng rõ. Nhưng bà thấy vằn trong đôi mắt đỏ ngầu của gã những tia bão, bắt đầu sẽ là những cơn giông, và bà muốn chặn những cơn giông đó lại trước khi bão đổ bộ về. Bà nháy mắt với May:

- OK, thế thì tại sao chúng ta không uống để mừng những cuộc đi săn!

Hiểu ý Seen, May rót rượu cho Paddock nhiều hơn và nói chuyện rôm rả hơn mọi ngày. Cô hỏi Seen về những thành công của bà trong Hội đấu tranh vì bé gái da màu. Cô cũng kể cho Seen và Paddock nghe những câu chuyện hoang đường về thắng lợi xuất quỷ nhập thần của bọn tàn quân thánh chiến mà cô không bao giờ tin. Quan điểm của May là, cô muốn yên ổn, cô không tin thế giới sẽ có một thiên đường nào đó được đổi bằng những cuộc khủng bố giết người hàng loạt. Và trên hết, May luôn luôn muốn mọi người đừng tỏ ra ác cảm với những người hồi giáo thiện chí như cô và gia đình cô. 

Tiệc tàn, chuyện nhạt dần, Paddock đã có vẻ “lắc lư con tàu đi”, hai bà vợ dìu gã vào phòng ngủ. Biết chắc Paddock không còn biết trời trăng mây nước gì nữa, bà Seen lôi May ra phòng khách:

- Này, cô hãy đi ngay nhé. Tôi không biết Paddock sẽ làm gì với mớ súng đạn khủng khiếp đó…

- Ồ, ông ta có thú chơi súng và đi săn mà, bà không biết sao?

- Không, đến lúc này thì tôi thấy không bình thường chút nào, cô hãy ra đi ngay để tránh rắc rối cho mình, tôi cũng sẽ chuồn sau khi gom góp những gì cần thiết. Linh tính, vâng, tôi đã có linh tính về một điều gì đó không bình thường suốt mấy tháng nay, Paddock của chúng ta lạ lắm…

- Không, tôi không đi đâu cả, nhỡ Paddock có chuyện gì thì ai lo cho ông ấy, dù sao tôi cũng là vợ…

- Không, khi bên súng đạn thì ông ấy không còn bình thường nữa, cô đã từng vào rừng săn thú với ổng thì cô biết rồi đấy. Cô hãy tin tôi, hãy ra đi vì sự an toàn của chính mình!

May vội vã  rời nhà với mớ hành lý gọn nhẹ nhất. Cuối cùng, May cũng thú nhận với bà Seen rằng, cô cũng thấy có điều gì đó rất bất an, nhưng để tiếp tục mưu sinh, có lẽ cô không quay lại quán bar nữa, mà sẽ tìm một công việc nào đó dễ chịu hơn chuyện phải nghe mùi rượu nồng nặc suốt ngày. Thương cảm tình nữ nhi với nhau, bà Seen đã hào phóng móc hầu bao cho May ít vốn liếng. May đã ôm bà rất chặt trước khi nói tiếng giã từ.

Đến lúc bà Seen loay hoay định bước ra khỏi nhà với chú mèo xám trên tay thì Paddock xuất hiện, như gã chưa từng say xỉn trong bữa rượu chiều:

- Bà định đi đâu với túi xách và con mèo xám vậy? May đâu rồi?

Seen thoáng lúng túng:

- À, tôi cảm thấy khó ngủ, muốn đi dạo một chút. May không ở cùng ông à?

Paddock nhìn xoáy vào bà vợ:

- Bà không được đi đâu hết. Nào, nữ chiến binh sẽ ở lại cùng tôi nhé. Chiến binh kia đã bỏ tôi đi rồi. Tôi chỉ còn tin vào bà thôi đấy!

- Không không, tôi đi dạo một chút thôi mà…

Paddock đã chặn ngay lối đi. Hai tay gã xiết chặt đôi vai bà như hai gọng kềm:

- Vào đây, tôi sẽ nói với bà những điều thầm kín nhất…

Gã chộp mèo xám trong tay vợ rồi quẳng ra xa. Chú mèo kêu lên ngoao ngoao mấy tiếng và biến đi mất dạng. Gã lôi vợ vào nhà, cột chặt bà vào chân cầu thang bằng sợi xích dài và mấy lớp khóa được chuẩn bị từ trước. Xong, gã kéo chiếc ghế ngồi đối diện tù binh của mình. Điếu xì gà được đốt lên, khói thuốc vòng vèo qua hơi thở. Bà Seen biết, những khi sống tràn trong khói thuốc như thế, có nghĩa Paddock sắp nói và sắp làm một điều quan trọng. Không một tiếng kêu la, bà Seen nhìn gã chằm chằm. Mà thôi, bà cũng muốn kết thúc đời mình cho rồi. Tim bà có lẽ cũng sắp vỡ bục ra. Chỉ một mảnh xíu xiu cho rung động tuyệt vời đêm trăng đầu tiên nơi trang trại nhà gã. Còn lại là những mảnh ám ảnh, khổ nạn từ những nghĩ suy và hành động kỳ quặc của chồng. Đôi khi gã xách súng vô rừng bắn giết hàng loạt những con thú nhỏ, rồi xách về treo lủng lẳng quanh nhà, máu thú rỏ suốt ngày đến tanh tưởi, nhưng chỉ để nhìn chơi. Lâu sau đó, khi bà đã chôn hết những con thú tội nghiệp, gã mới phát hiện, cười, không nói năng chi. Đôi khi gã ào ra suối tắm táp một mình, đàn hát một mình đến nửa đêm. Đôi khi trấn nước con mèo xám cho hết thở, rồi tự làm công việc cấp cứu một cách thần kỳ, mèo xám sống lại khỏe mạnh và tinh anh hơn. Giữa bao nhiêu là đôi khi ấy, cho đến ngày dọn dẹp tầng hầm trong nhà, bà mới phát hiện gã đã lôi về nhà cơ man nào là súng đạn…

… Paddock rít một hơi thuốc thật dài:

- Bà biết không Seen, tôi sẽ cải tạo thế giới.

- Ngồi đó mà mơ chuyện trên trời, ông có mở xích cho tôi không thì bảo?

- Tôi mà mở xích thì bà không nghe tôi nói. Tôi muốn cho bà biết kế hoạch thần kỳ nhất đời tôi bằng một phiên bản chiến tranh. Tôi chán ghét những điều hoa mỹ người ta dành cho người da trắng chúng tôi rồi, bà biết không?

- Nhưng ông có tốt đâu mà dành cho ông những lời hoa mỹ?

- Đấy đấy, bà cực thông minh Seen ạ, bà rất xứng đáng làm vợ tôi là vì thế. Ema ư? Đồ ấm ớ, suốt ngày nồng nặc mùi sữa cừu gớm ghiếc! May ư? Con gái của thánh Allah hết thời. Nhưng có điều phải công nhận là May hấp dẫn. Cô ấy có mùi thơm quyến rũ của nắng gió miền Trung Đông, da thịt cô ấy rắn chắc như đồng, đôi môi cô ấy róng riết thân hình tôi đêm đêm khiến tôi căng cứng. Hai đầu ngực cô ấy nữa, đôi khi nó ri rỉ ra những dòng nhạt nhạt đùng đục như sữa… Tôi sẽ đi bà Seen ạ, đi đòi quyền công bằng cho những người da màu lương thiện như bà, đi chống lại bất công cho những đôi mắt tuyệt vời như thiên thần của May.

- Ông sẽ đòi và chống lại mọi thứ bằng cách nào, hở con ếch ngồi đáy giếng kia?

Paddock lồng lộn, gã rút từ sau lưng ra một khẩu súng ngắn và lên đạn:

- Không được nói như thế, tôi sẽ khử bà như khử một con thỏ chạy loanh quanh trong rừng! Seen này, bà có thích những người đàn ông da trắng như tôi không?

- Không nói đến những người da trắng khác, riêng với ông thì tôi hãi lắm rồi!

Gã ngửa cổ cười khùng khục, cây súng trong tay gã rung lên:

- Bà biết hãi tôi là bà sáng suốt. Một thằng người như tôi đã không làm nên trò trống gì trong cuộc đời hơn sáu mươi năm của mình. Chiến tranh thật tàn ác, nó đã luôn luôn làm tôi nổi khùng, bất kính với cha mẹ, thiếu trách nhiệm với chính mình. Tôi đã giết bao nhiêu người trong mỗi bận hành quân, giết bao nhiêu con thú trong mỗi bận xách súng vô rừng, bà biết không? Thế mà tôi vẫn không có tội, vì tôi được bảo chứng bởi hai từ chiến tranh. Chiến tranh nó làm con người ta thế đấy. Cùng lắm thì người ta chỉ bảo, tôi là thằng da trắng có vấn đề về tâm thần. Ôi, những lời hoa mỹ làm cuộc đời tôi hư hao…

Gã ngưng nói, đến bên tủ lạnh, lấy ra chai rượu to đùng, rồi tợp một ngụm:

- Nhưng mà nếu, những người da màu như bà, những người con của thánh Allah huyền diệu như May giết nhiều người và nhiều con thú như tôi, thì nước Mỹ sẽ gọi là gì nhỉ?

- Quân giết người?

- Không, quân khủng bố, cái từ khủng bố nó làm thế giới này biến thái! Vì thế tôi muốn mọi người thay đổi suy nghĩ bằng cách sẽ làm một điều gì đó, để xem có ai dám gọi tôi là quân khủng bố không. Ôi, một người đàn ông da trắng như tôi được gọi là quân khủng bố, còn điều gì huyền diệu hơn thế nhỉ! Vâng, tôi sẽ làm một điều gì đó, để đi tìm sự công bằng cho bà và May.

- Này, Paddock, không đùa đâu, ông cởi trói cho tôi đi, tôi còn phải đi tìm con mèo xám…

Paddock nhét cây súng ngắn vào thắt lưng, rồi quay đi một cách quả quyết:

- Sorry, không thể thả bà ra lúc này, tôi đi đây!

Chịu hết nổi sự điên điên của chồng, bà Seen gào lên:

- Help me! Help me! Help me!

Paddock quay vào, nhưng chỉ để nói:

- À, với người da trắng mà thích giết người như tôi, còn có thể được gọi là quân biến thái.

Seen lại gào lên:

- Cút đi! Đồ quân biến thái! Đồ quân biến thái!

Bà còn kịp nghe tiếng ô tô của Paddock lao đi ào ào như đi cứu hỏa.

*

May quay lại nhà Paddock ngay sau sự cố lan nhanh. Trước tiên, cô xuống hầm kiểm súng, còn đúng hai mươi khẩu, đúng như đài đưa tin. Paddock đã dùng hai mươi bảy khẩu súng đủ loại nã đạn vào đám đông trong đêm nhạc đồng quê ở Las Vegas trước đó một giờ. Theo tin thiệt hại nhân mạng ban đầu, năm mươi chín người chết tại chỗ, gần trăm người bị thương. Kẻ tâm thần giết người hàng loạt đã tự sát sau đó trong một căn phòng trên tầng mười khách sạn khi bị cảnh sát bao vây - nơi hắn giả làm khách thuê phòng và nã súng ngon lành vào đám đông đang thưởng thức âm nhạc phía dưới.

Sau đó, May quay lên phòng khách. Bà Seen đang ngủ lơ mơ tại góc chân cầu thang với y nguyên khóa và xích mà Paddock đã dùng để khống chế trước đó. Seen đã không kịp phản ứng bất cứ điều gì khi May trùm chiếc khăn thấm một loại nước cực độc lên mặt bà ta. Xong, nữ sát thủ IS gỡ thiết bị ghi âm gắn dưới ghế sofa, và nghe lại toàn bộ phần đối đáp của vợ chồng Paddock trước khi gã đi gây án. Nữ sát thủ mỉm cười hài lòng, toàn bộ những ý tưởng của Paddock dẫn đến chuyện giết người hàng loạt của gã, đều do ả “đạo diễn” cho người chồng khủng hoảng vì hội chứng chiến tranh. Công việc tiếp theo là phá hủy và thu gom tất cả camera nhà Paddock, xong xuôi, nữ sát thủ bước ra con Audi màu mận chín đang nổ máy đợi sẵn bên ngoài. Xe lướt êm và nhanh, họ đi tìm những con thiêu thân mới…

Nguồn Văn nghệ số 18+19/2021.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm