TIN TỨC

Nơi chỉ có tiếng máy thở monitor

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-06-10 12:32:56
mail facebook google pos stwis
3695 lượt xem

BÀI DỰ THI BÚT KÝ “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG”

PHẠM THỊ TOÁN

“Đối với chúng tôi, đây là những ngày thật ý nghĩa. Khi khó khăn, gian nan nhất, tình người càng rực sáng hơn bao giờ hết. Chúng tôi không hề đơn độc khi căng mình nơi tuyến đầu chống dịch”, Tiến sĩ - bác sĩ Trần Khánh Thu, đại biểu Quốc hội khóa XV, Trưởng Đoàn công tác y tế tỉnh Thái Bình vào hỗ trợ chống dịch tại TP HCM (tháng 8-2021), khẳng định


Tiến sĩ - bác sĩ Trần Khánh Thu, Trưởng Đoàn công tác y tế tỉnh Thái Bình lên đường vào tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh

“Mẹ ơi, mẹ cứ đi đi, hồi nãy chia tay mẹ, con không dám khóc sợ mẹ thấy, em khóc, bố và bà buồn. Giờ cho con được khóc một lát nhé? Con hứa với mẹ ở nhà chăm sóc em khi bố đi công tác”! Đứa con gái lớn còn nức nở sau khi chia tay mẹ, Tiến sĩ - bác sĩ Trần Khánh Thu, đại biểu Quốc hội khóa XV, Trưởng Đoàn công tác y tế tỉnh Thái Bình lên đường vào tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) cuối tháng 8 - 2021. Hai đứa con nhớ mẹ quá đã xin bố đưa ra cổng bệnh viện (BV) ngóng mẹ ở bên trong, bởi mấy chục ngày qua chị đi chống dịch chưa về. Nhìn tấm ảnh tôi muốn ứa nước mắt!

Đoàn của chị gồm 51 người, trong đó 23 bác sĩ, 28 điều dưỡng, kỹ thuật viên. Chị xung phong dẫn đoàn vào nơi bệnh nhân nhiễm và tử vong vì Covid-19 đang tăng theo cấp số nhân từng ngày, với nhiệm vụ: Hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, theo dõi sát dấu hiệu lâm sàng, hỗ trợ hô hấp, đảm bảo dinh dưỡng và tâm lý cho bệnh nhân Covid-19, góp phần giảm tỉ lệ tử vong cũng như ngày càng nhiều người bệnh phục hồi sức khỏe trở về với gia đình, với cộng đồng. Khi quyết định lên đường, anh chị em đã xác định đây cũng là cuộc chiến đấu sinh - tử, “một mất một còn” phải cố gắng hơn và hơn gấp nhiều lần sức lực của bản thân để tương trợ cho các đồng nghiệp. Đó là trách nhiệm của cán bộ ngành y trước bệnh nhân, sau nữa là tình đồng loại trước nỗi thương đau của đồng bào.

Chị cho biết khó khăn nhất khi đến đây là diễn biến dịch rất phức tạp hơn những gì trước khi đi mọi người suy nghĩ nên tâm lý anh chị em trong đoàn, trong đó có cả bản thân bị ảnh hưởng rất nhiều. Chưa hết, BV dã chiến mượn từ trường học, mới đi vào hoạt động có 3 ngày nên thiếu thốn, khó khăn trăm bề, đặc biệt là công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, không cẩn thận dịch sẽ rất dễ lây lan. Ở nhà nghe tình hình dịch trong Nam căng thẳng nhưng khi vào tận nơi, thấy tận mắt, chị và mọi người thấy quả là ngoài tưởng tượng. Nói không sợ là không đúng! Đứng trước sự sống, cái chết vô cùng mong manh, cận kề có lúc chị lo lắng đến thắt ruột. Nếu mình không thể trở về thì hai đứa con thơ dại, đứa học cấp 1, đứa học cấp 2 thế nào? Rồi chồng với gánh nặng con cái? Còn bố mẹ, anh em sẽ ra sao? 

Vốn là một thủ lĩnh thanh niên, không thể nhớ hết bao nhiêu lần chị tham gia và dẫn thanh niên đi tình nguyện, xuống dân nơi khó khăn để khám bệnh, phát thuốc miễn phí, cắt lúa giúp dân, chưa kể số lần hiến máu của chị hơn cả số tuổi đời bản thân. Chưa có công việc nào từ đơn giản đến phức tạp mà chị không làm được, nhưng lần này thì chị lo lắng thật sự. Ngoài đường yên lặng không có một bóng người nhưng thỉnh thoảng tiếng xe cấp cứu hú còi inh ỏi, xé tan màn đêm. Khu cấp cứu liên tục tiếp nhận bệnh nhân và đội ngũ nhân viên y tế nhiều ngày làm việc với công suất 200, 300% cũng không đủ đáp ứng …. Bác sĩ Lê Hoàng Quý, Phó Giám đốc BV quận Bình Thạnh, cho biết: “BV phải chia quân số cho BV dã chiến điều trị bệnh nhân Covid -19, lực lượng thiếu lắm. Đoàn y tế Thái Bình vào hỗ trợ rất kịp thời. Quá mừng”.

Ngày đầu 17 bệnh nhân tử vong, ngày sau tăng lên 20 và thêm rất nhiều bệnh nhân nặng. Làm sao lúc nào cũng cẩn thận được khi quay bên trái vừa có bệnh nhân tử vong, rồi bên phải tiếng chân rầm rập của anh chị em chạy hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân, đằng trước, đằng sau bệnh nhân thở muốn hụt hơi, tím ngắt do thiếu ô xy… Hai đêm liền chị không tài nào ngủ được nhưng ban ngày vẫn phải chạy ngược xuôi. Chị tự nhủ lòng: Mình không thể gục ngã! Mấy chục con người đang trông vào mình, vào lãnh đạo Đoàn. Vốn nhiều ngày liền chống dịch ở tỉnh trước khi đi, cân nặng sụt còn không tới 40 kg, chị phải uống thuốc ngủ. Miễn là ngủ được cho dù chỉ là giấc ngủ giả tạo! Mệt mỏi, rã rời cùng giấc ngủ chập chờn do thuốc nhưng dù sao mỗi đêm cũng thiếp đi được vài tiếng đồng hồ, vậy là quý lắm rồi. Muốn cứu được bệnh nhân, cùng anh chị em trong đoàn hoàn thành nhiệm vụ thì bản thân mình phải đứng vững trước. Cố lên, không được gục ngã, chị luôn tự nhủ lòng mình như vậy!

Đoàn y tế tỉnh Thái Bình được phân công điều trị ngay sau khi đến BV dã chiến quận Bình Thạnh, với quy mô 210 giường bệnh, thu dung điều trị bệnh nhân thuộc tầng 2 của tháp điều trị 3 tầng là những người bệnh Covid-19 già yếu, có nhiều bệnh lý nền nặng. Đoàn chia thành 4 kíp làm việc 3 ca trong ngày (Ca 1 từ 7 giờ đến 14 giờ; ca 2 từ 14 giờ đến 21 giờ; ca 3 từ 21 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau). Hàng ngày tiếp nhận điều trị chăm sóc cho 130-140 bệnh nhân. Tuần cao điểm có ngày lên đến trên 200 bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng, cao tuổi, già yếu có nhiều bệnh lý nền như: tiểu đường, suy tim, cao huyết áp, suy kiệt, viêm phổi, bệnh nhân chạy thận nhân tạo bị nhiễm Covid -19. Các kíp trực phối hợp đồng bộ thực hiện điều trị, chăm sóc bệnh nhân, theo dõi sát sao, kịp thời phát hiện các diễn biến bất thường để xử trí ngay lập tức, thực hiện các kỹ thuật hồi sức và lọc máu cho bệnh nhân trong giai đoạn quá tải của các BV hồi sức, hỗ trợ hô hấp (như: vỗ rung, hướng dẫn khạc đờm, hướng dẫn ho hiệu quả, thay đổi tư thế cứ 2 giờ một lần), tư vấn hỗ trợ tâm lý, động viên người bệnh. Trong công tác dự phòng lây nhiễm, sắp xếp khu phân luồng điều trị, thiết lập các vùng đệm ngăn vùng sạch với vùng nhiễm, hướng dẫn người bệnh đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, thực hiện thông điệp 5K (Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Khai báo y tế và Không tụ tập) để tự bảo vệ mình, người thân và bà con, cô bác xung quanh. Tham gia sáng chế công cụ hỗ trợ trong chăm sóc bệnh nhân già yếu, tự chế chai nước cho bệnh nhân uống đảm bảo vệ sinh….

Đoàn thực hiện các biện pháp tích cực trong công tác phòng chống dịch, tăng cường các hoạt động theo dõi, phân luồng ngay tại các khu cách ly tập trung của quận, tiếp nhận sớm các trường hợp có nguy cơ và có bệnh lý nền, từng ngày giảm bệnh nhân F0 trở nặng, góp phần giảm tỉ lệ nhiễm thêm và tử vong chung trên địa bàn. Ngoài ra, Đoàn còn phối hợp với BV quận Bình Thạnh triển khai các hoạt động an sinh xã hội, cung cấp khẩu phần dinh dưỡng cho người bệnh trong thời gian điều trị, tặng quà cho bệnh nhân xuất viện, phối hợp với Đoàn Thanh niên quận thăm và trao các suất quà cho cán bộ và bệnh nhân ở các khu cách ly tập trung tại Trường THCS Rạng Đông và Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (tổng số tiền gần 60 triệu đồng).

Chống dịch như chống giặc. Các y bác sĩ tăng tốc chạy đua mỗi phút, mỗi giây để giành giật sự sống cho từng bệnh nhân; mồ hôi, nước mắt của họ hòa thấm vào bộ quần áo bảo hộ kín như bưng, vừa nóng, vừa ngột ngạt, thậm chí không dám cả đi tiểu tiện. Nhiều khi quá kiệt sức nhưng anh chị em luôn động viên nhau không được phép gục ngã. Mỗi y bác sĩ luôn vững vàng trên mặt trận chiến đấu chống Covid, xuất phát từ ý thức trách nhiệm cao, “lương y như từ mẫu”. Những “chiến binh áo trắng” vẫn biết nguy cơ lây nhiễm là không thể loại trừ, cũng lo mình sẽ vô tình trở thành F0. Có thể nói đây là cuộc chiến đặc biệt chưa có tiền lệ, không có tiếng súng chỉ có tiếng máy thở monitor, nhưng mức độ khốc liệt của nó không hề thua kém những cuộc chiến khác và nỗi vất vả chẳng có thể đo đếm được.

Gặp ông Nguyễn Trọng Đàm là bệnh nhân nặng vừa bình phục, ông ứa nước mắt nghẹn ngào: “Nói lời cám ơn vẫn không bao giờ đủ. Tôi còn sống là nhờ cán bộ y tế Thái Bình cùng y bác sĩ BV Bình Thạnh”.

Trong hơn 60 ngày, những cán bộ y tế Thái Bình, lực lượng vũ trang và các lực lượng tình nguyện khác, cùng với lãnh đạo và nhân dân TP HCM nói chung và quận Bình Thạnh nói riêng, mọi người đã nắm chặt tay nhau, sát cánh bên nhau. Tất cả đã trở thành những đồng đội thân thiết, cùng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ lo lắng, động viên nhau kiên cường bám trụ khi con số nhiễm và thương vong cứ ngày sau lại cao hơn ngày trước, cùng chia sẻ hy vọng khi con số nhiễm, tử vong giảm dần từng ngày, sau cùng là niềm hân hoan trong những ngày chiến thắng khi bắt đầu “bình thường mới” trở lại và dịch bệnh đã ở “bên kia sườn dốc”. Ngày 31-10-2021, Đoàn nhận quyết định kết thúc đợt công tác, trở về quê hương. May mắn là trong đoàn không có ai bị “vướng” Covid. Nguyên nhân chính do lãnh đạo đoàn thường xuyên nhắc nhở anh chị em tuân thủ nguyên tắc 5K nghiêm ngặt, không gặp gỡ nhau, không gặp người nhà, người quen. Ngay cả chị, có mấy đứa em chỉ cách có một cây cầu nhưng chị cũng không cho ai sang gặp. Sau giờ trực, chị nhắc anh chị em tranh thủ ngủ bù cho lại sức.

Tôi nhớ một câu nói rất hay: “Hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai”. Đúng thế! Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn. Cơn bão nào rồi cũng sẽ qua, trên bầu trời thành phố mây mù đang dần tan và những tia nắng đã bắt đầu xuất hiện, báo hiệu những buổi sáng bình minh trong trẻo. Thật tự hào, Việt Nam đã đẩy lùi dịch bệnh! Có thể cuộc chiến này chưa kết thúc nhưng nhất định chúng ta sẽ giành thắng lợi hoàn toàn và xướng lên ca khúc khải hoàn với tình yêu nước càng được thắp sáng, bừng lên. Biết rằng chặng đường phía trước còn rất nhiều gian nan, Đảng và nhà nước ta đã xác định, cuộc chiến chống covid-19 không phải là tư duy chiến dịch nữa, mà là tư duy cho một cuộc “trường kỳ kháng chiến”. “Nhất định một ngày không xa chúng tôi sẽ trở lại nơi đây nhưng không phải là để chiến đấu trên “một cung đường, hai điểm đến” nữa, mà để đi dạo trên những phố phường tấp nập và cảm nhận tất cả tình cảm nồng hậu, ấm áp, thân thiện vốn có của người dân thành phố mang tên Bác và chúng tôi cùng mỉm cười sung sướng vì bản thân mình cũng góp một phần nhỏ cho hạnh phúc hôm nay”, chị bộc bạch!

Đất nước đứng trước thử thách lớn thì lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cùng những giá trị tốt đẹp nhất của mấy ngàn năm văn hiến lại bừng lên. Chị nói: “Đối với chúng tôi, đây là những ngày thật ý nghĩa. Khi khó khăn, gian nan nhất, tình người càng rực sáng hơn bao giờ hết. Chúng tôi không hề đơn độc khi căng mình nơi tuyến đầu chống dịch. Phía sau chúng tôi là hậu phương vững chắc, là sự đoàn kết một lòng của cả hệ thống chính trị và toàn dân, những gói mì, bó rau, những bao bí đỏ, rau xanh, trái cây, cả những cân thịt heo, những con gà, con vịt… bà con thậm chí không hề nói tên, sống ở đâu đã gửi đến cho anh em cải thiện trong những ngày ở đây, thật trân quý vô cùng. Nếu không may xảy ra dịch lần nữa, chúng tôi vẫn tiếp tục lên đường”.

Đó là câu khẳng định của chị mà tôi nhớ mãi.


Các bác sĩ đang hội chẩn cứu chữa bệnh nhân


Hai con của BS Trần Khánh Thu nhìn mẹ trong khu cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19
.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm
Nợ sách đèn
Ngày ấy, chúng tôi từ khi đầu tiên mới tập tễnh cặp sách vào lớp 1 bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, thế hệ học trò chúng tôi trải qua khá nhiều kỳ thi qui định. Học trò có thi đỗ mới được lên lớp.
Xem thêm