- Thế giới sách
- Phát hành tiểu thuyết “Người đi tìm bóng núi”
Phát hành tiểu thuyết “Người đi tìm bóng núi”
Trong tuần lễ đầu tháng 7/2023, nhà văn Thu Trân vừa phát hành tiểu thuyết “Người đi tìm bóng núi” trên hai kênh thuộc các nhà sách của hệ thống phát hành Phương Nam và FAHASA. Sách trình bày trang nhã, đẹp, dày 350 trang, khổ 14,5X20,5, giá bìa 160.000 đồng, do NXB Đà Nẵng ấn hành.
Có một hậu phương miền Nam rừng rực lửa chết chóc đau thương trong cuộc chiến ở Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Mà thủ phạm là chiến tranh- một cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai làn tên mũi đạn. Đọc “Người đi tìm bóng núi” của Thu Trân để biết giá trị của hoà bình, để biết những chập chùng và day dứt của các luồng tư tưởng khác nhau trước khi non sông về một mối.
Có một hậu phương miền Nam như “chịu tội tổ tông”, thay mặt cả dân tộc để hứng lấy những gì khắc nghiệt nhất từ bom đạn từ trước năm 1972 khi Mỹ bắt đầu không kích hậu phương miền Bắc. Màn dạo đầu của chiến tranh nhắm vào thường dân quả không dễ chịu chút nào. Nơi ấy có bầy chim câu hiền hoà trên sân nhà thờ lả tả những cánh bay. Nơi ấy có những đứa trẻ chơi nhà chòi xác thịt không toàn thây.
Sau bom đạn, chết chóc, đau thương- dĩ nhiên là một chuỗi dài những ngày hoà bình “có hậu”. Không chỉ là hoa thơm trái ngọt mà còn có cả những đắng đót rã rời gọi là di chứng của chiến tranh. Vào những trang cuối của “Người đi tìm bóng núi”, di chứng của chiến tranh bỗng trở nên “mềm” hơn, ngọt ngào hơn với lời tự sự của tác giả: “Bạn đọc “Người đi tìm bóng núi”, bạn sẽ thấy tôi và bạn trong đó. Cảm thức ngây ngô, băn khoăn, trăn trở, tận hưởng và bằng lòng với chính mình là một chuỗi dài tâm lý các nhân vật trong tiểu thuyết, một chuỗi dài trong kiếp được làm người của chúng ta. Đơn giản hơn, bạn ước được thấy gì trước tiên khi mỗi sớm mai thức dậy? Tôi ước thấy một bông hoa lạ nằm trên bậu cửa sổ, mà bông hoa này là tinh tuý của trời trăng mây gió nắng mưa cộng lại sau những gì đất trời vần vũ tối hôm qua…”.
Vâng, rồi mọi thứ sẽ “mềm” hơn, ngọt ngào hơn như cuộc sống vốn dĩ phải vậy, cho người ta được quyền sống tiếp. Chiến tranh là cái quái quỷ gì mà nhân loại “đam mê” đến vậy? Chẳng qua chỉ là sự không từ bỏ được bản năng sở hữu và thích thể hiện chính mình. Như cuộc chiến Ukaine hiện nay ngày càng trở nên ác liệt, rối rắm mà mãi không có lối ra…
Nguyễn Thảo Nguyên