- Lý luận - Phê bình
- “Mùa xa nhà” và những góc nhìn khác đối với chiến tranh
“Mùa xa nhà” và những góc nhìn khác đối với chiến tranh
NGUYỄN VĂN HÒA
Là một trong số các tác giả của nền văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Thành Nhân để lại cho bạn đọc những ấn tượng khá sâu đậm về một nhà văn mang đầy chất lính và mang nét lãng tử của người Sài Gòn. Tôi biết anh, đọc khá nhiều tác phẩm của anh nhưng có lẽ tiểu thuyết Mùa xa nhà là tập sách để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất.
Mùa xa nhà là những trang viết chân thực nhất, sinh động nhất, thành tâm nhất của một người lính, một người từng có những năm tháng gắn bó và chiến đấu trên chiến trường Tây Bắc Campuchia (Quân tình nguyện Việt Nam sang giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ). Nơi đó đã gắn với không biết bao nhiêu kỉ niệm vui buồn của anh, của đồng chí, đồng đội anh, của kẻ thù và cả những con dân trên đất nước Campuchia. Là người lính trực tiếp tham gia chiến đấu trong những tháng ngày gian lao, nhọc nhằn nơi biên giới, lại là người có đời sống nội tâm phong phú nên điều gì xảy ra cũng để lại cho anh ấn tượng khó phai mờ. Nguyễn Thành Nhân may mắn và hạnh phúc hơn những người đồng đội, đồng chí của mình, anh còn sống trở về đất mẹ (08/1987).
Đúng mười năm sau (1997) anh bắt đầu viết Mùa xa nhà. Trở về sau cuộc chiến, có độ lùi về thời gian, Nguyễn Thành Nhân đã chiêm nghiệm, suy ngẫm về những được mất, những mặt trái của cuộc chiến, về tình người, về những giá trị đạo đức, về những sự thật cần phải biết, phải viết, phải nói, phải kể. Đó là cách để anh cảm thấy lòng mình nhẹ hơn, thanh thản hơn. Để những người đồng đội của anh đã ngã xuống cũng cảm thấy ấm lòng vì họ đã một thời sống và chết như thế. Những sự thật đã được nhà văn thuật lại một cách trung thực nhất (dù rằng có thể đó là những điều không hay mà lâu nay người ta không nói, ngại nói hoặc không dám nói). Nguyễn Thành Nhân đã dành cả tâm huyết và sự nghiêm túc, cẩn trọng trong từng chi tiết để hoàn thành tiểu thuyết Mùa xa nhà trong khoảng thời gian ba năm (1997 - 1999).
Tuy đã trở về với cuộc sống đời thường, anh không bao giờ nguôi quên những tháng năm gắn bó với những người đồng đội, với người dân Campuchia. Đó không chỉ là ký ức, mà còn là những cảm nhận và sự suy ngẫm về những tổn thương, mất mát, nỗi đau do chiến tranh gây ra.
Nhiều thanh niên lên đường vì trách nhiệm công dân và nghĩa vụ quốc tế với nước anh em láng giềng. Đó là điều đáng trân trọng. Những người lính trong đội quân tình nguyện này đa phần trẻ tuổi, mới mười tám đôi mươi. Họ để lại sau lưng gia đình, người thân, quê hương với bao nỗi thương nhớ quặn lòng. Trong cuộc chiến này, có người vĩnh viễn nằm lại, có người may mắn sống sót trở về, với những vết thương chiến tranh, trên thân xác lẫn trong tâm thức.
Người đọc dễ nhận ra trong tiểu thuyết Mùa xa nhà, Nguyễn Thành Nhân dám nhìn thẳng vào sự thật, nói lên tất cả những bi kịch, những góc khuất của cả một thời đoạn lịch sử, từ đó mang đến cho bạn đọc một cái nhìn mới mẻ, chân thực và đầy đủ về cuộc chiến đã qua.
Xuyên suốt tác phẩm, chúng ta có thể mơ hồ nhận ra hai nhân vật Huy và Quân là hai hóa thân của chính tác giả. Quân, theo tâm sự của Nguyễn Thành Nhân, là một phần hơi lý tưởng của chính anh. Còn Huy là phần nghiêng về thực tại. Cuộc đời người lính của Huy được nhà văn tái hiện đầy đủ từ khi anh vào đơn vị cho đến khi ra quân. Huy là một chiến sĩ vận tải rồi thành xạ thủ súng máy 12.7 ly trước khi trở thành chỉ huy trung đội hỏa lực 12.7 trực thuộc tiểu đoàn. Đó là chặng đường đầy chông gai, thử thách, gian khổ, nhọc nhằn. Huy được tôi luyện trong môi trường quân đội, từ một cậu thanh niên thành phố gầy gò, thư sinh, vô tư, hồn nhiên trở thành một người lính trầm lặng, kinh qua nhiều trải nghiệm và hiểu biết lẽ đời. May mắn hơn nhiều người lính khác, Huy được diều động qua nhiều đơn vị, ở những vị trí khác nhau, nhưng đều được đồng đội quý mến. Và cả những người dân Khmer không cùng chung dòng máu cũng mến thương anh.
Như những thước phim quay chậm, từ những trang văn của Nhân lần lượt xuất hiện những cảnh vật, con người, với nhiều cung bậc, thanh âm và sắc thái đa tầng. Tính cách, suy nghĩ, hành động, của từng người dần được mở ra. Mỗi cá nhân người lính, như Trường, Chí phèo, Nhu, Phước, Danh, Quân, Lý, Ụ Mối, Phái điển, Trung gấu, Trung liều, Thiện, Tiến cóc, Bình, Hưng, Mợi, Thuận kều, Già Hương, Lê Văn Z... đều có điểm chung là người lính, nhưng mỗi người mỗi vẻ, không ai lẫn vào ai. Từ cái nhìn của người trong cuộc, người lính hiện lên với đầy đủ những nét đáng yêu và cả những gì đời thường, trần trụi nhất. Họ đến từ nhiều vùng miền khác nhau, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng sống chân thành, gắn bó san sẻ những khó khăn trong sinh hoạt, giúp đỡ nhau trong những lần hành quân, kể cho nhau nghe về hoàn cảnh của mình, bày tỏ những suy nghĩ thành thật nhất của chính họ.
Già Hương kể anh đã từng có ý định trốn không đi lính nhưng vợ anh là con của một nhà cách mạng nòi, đã động viên thuyết phục anh và hứa sẽ chung thủy nuôi con đợi ngày anh về. Với lại, chị không muốn có một người chồng phải trốn chui tốn nhủi, mặt mày la lét, sợ từ đứa con nít sợ đi.
Đọc những trang nhật ký của Huy, hay những lời đối thoại giữa Huy với Quân hay với đồng đội, người đọc nhận ra sự trải lòng của người lính trẻ với ngổn ngang tâm sự:
“Tại sao mình lại đánh nhau ở đây anh Quân? Sao mình không để bộ đội K tự lo lấy chuyện của họ? Em có nghe anh Ngô chính ủy trung đoàn giải thích vấn đề này rồi, nhưng em thấy nó sao sao đó, không thuyết phục. Mấy bữa trước em qua nghe ké "ra-dô" bên đại đội 13, anh Vụ có mở đài Pol Pot nghe xem chúng nói gì. Mẹ kiếp! Chúng chửi quân tình nguyện Việt Nam mình là lũ xâm lược, chả khác gì mình chửi lính Mỹ trước đây. Liệu người dân Campuchia có coi mình là lũ ngoại bang xâm lược không anh?
- Bản chất những người lính tụi mình khác với bản chất những người lính Mỹ. Anh nói khác ở đây không phải là về cái tốt hay cái xấu. Khác là ở nền văn hoá, ở tư tưởng, quan niệm, truyền thống dân tộc. Lính Mỹ không hiểu dân Việt, do đó, hoặc họ sợ hoặc họ coi thường, khinh rẻ dân ta. Còn chúng ta và dân Campuchia không khác gì nhau mấy, chúng ta và họ có cùng một nền tảng, bản sắc văn hoá như nhau. Chúng ta hiểu họ, thương mến họ. Và những người dân chất phác này cũng hiểu và thương mến chúng ta. Còn như tại sao chúng ta lại phải chiến đấu thế này, là một chuyện không dễ nói. Đúng là nếu chúng ta sớm rút quân về thì tốt hơn, nhưng tình thế hiện nay rất nhiều chuyện rối ren. Em cũng không nên thắc mắc dằn vặt làm chi. Nói cho cùng, chúng ta chỉ là những hạt cát bị cuốn theo vòng xoay của thời đại, của lịch sử thôi Huy”.
Nhiều khi nó như sự truy vấn của chính anh, đôi lúc tưởng như mâu thuẫn nhưng lại hoàn toàn có lý với một người lính vốn đa cảm như Huy.
Mô tả về những bài thơ của Quân và lời đề nghị trong trang đầu cuốn sổ nhật ký "Nếu tôi chết, và ai đó nhặt được cuốn sổ này, xin làm ơn đốt nó giùm tôi" khiến tôi xúc động. Lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào, có lẽ Quân dự cảm trước điều đó. Hoàn cảnh gia đình và thời cuộc cũng tạo cho Quân nhiều trăn trở ưu tư. Việc anh nhường suất về phép cho đồng đội vì anh không còn gia đình, người thân ở quê nhà lại làm cho người đọc rưng rưng.
Tưởng tình yêu giữa anh và Sa Piên sẽ đơm hoa kết trái nơi đất khách nhưng cũng lại bất thành, có lẽ bởi anh quá chân thành và nghiêm túc? Buồn nhất là Quân đã ra đi mãi mãi khi anh chưa được hưởng những gì tốt đẹp nhất mà đời đã dành cho anh.
Nhưng bên cạnh đó cũng có những người không tốt, họ ích kỉ, chỉ biết đến mình mà không nghĩ đến đồng đội và những người xung quanh. Một anh Bảo cán bộ tiểu đoàn nóng nảy hay đánh lính, một anh Dung B trưởng B5 hèn nhát, một anh Lý sát gái và đã gây ra những tổn thương lớn đối với gia đình Me Sa Rinh, púc Hô và cô gái trẻ Sa Piên. Đặc biệt nhất là Lê Văn Z, người lính này đã làm một việc không ai tưởng nổi là hãm hiếp, và sát hại nhiều thường dân. Người lính biến chất này đã làm cho dân làng nơi đây căm hận, khiến họ căm ghét lây mọi người lính tình nguyện Việt Nam.
“Dân làng vô cùng căm phẫn và đau xót, họ nguyền rủa bộ đội Việt Nam, đòi được tự tay xử tội Z, trả thù cho người thân của họ. Không khí trong phum thật nặng nề, u ám. Bao nhiêu công lao, bao nhiêu mồ hôi và máu của những đơn vị quân tình nguyện đổ ra, trong thoáng chốc trở nên vô nghĩa chỉ vì một cá nhân. Tình cảm gắn bó giờ đây bỗng có một khoảng cánh ngăn chia không dễ gì hàn gắn lại.
Sự vụ được báo cáo khẩn trương lên cấp trên, lên tới chỉ huy cao nhất của Mặt trận. Bản báo cáo nêu rõ những đòi hỏi của dân chúng, và kiến nghị tổ chức Tòa án quân sự đặc biệt xét xử và thi hành án tại chỗ và ngay lập tức để xoa dịu lòng dân. Hội đồng quân pháp Mặt trận ngay sau đó đã ra quyết định xét xử Z ngay tại phum Cần Đan”.
Giọng điệu trong tiểu thuyết của Nguyễn Thành Nhân trữ tình xót xa khi nói về đề tài chiến tranh và số phận bi kịch của những con người chịu sự tác động sâu sắc của hoàn cảnh lịch sử. Lại có giọng triết lý của một người giàu trải nghiệm, nếm trải những nhọc nhằn của người lính xa nhà, xa Tổ quốc.
“Cái chết đến dễ dàng như vậy hay sao?” Câu hỏi như một mũi khoan cứ xoáy mãi, xoáy mãi trong tâm trí của Trung. Nó rít lên lúc anh đang ngồi ăn, đang đi đứng, đang nói năng, đang làm bất cứ chuyện gì. Trung hiểu con người thì phải chết. Anh đã thấy bà nội mình qua đời như thế nào trong căn nhà thấp lụp xụp ven biển của bà. Anh cũng đã thấy những cái chết khác, của những người quen hay lạ xung quanh. Nhưng anh chưa từng biết về một cái chết đến đột ngột, vô cùng đột ngột trong thoáng chốc như vậy. Chỉ trong thoáng chốc, một con người khỏe khoắn, nhân hậu, yêu thương anh và được anh yêu thương không kém chỉ còn là một đống thịt bầy nhầy, trơ trơ, vô cảm.
Rồi Trung chợt giật mình khi nhớ lại chính bản thân mình sau lúc đó. Anh đã bắn, không phải là chỉ thiên, mà là thẳng vào những thân người. Trung biết đã có những thân người đổ gục xuống sau tràng đạn của anh. Đó là kẻ địch, quân thù. Đó là bọn dã man tàn ác đã giết chết Trung A trưởng – Trung biết rất rõ điều này. Nhưng anh vẫn có một cảm giác gì đó ghê tởm chính mình, khi nhìn xuống bàn tay. Bàn tay này đã nhuốm máu rồi! Do chính bàn tay này mà có những người vợ mất chồng, những đứa con mất cha, những người lính mất đồng đội!…”.
Qua mô tả một trận đánh chủ yếu, tính chất phù du, vô nghĩa, nhưng cũng rất thật và trần trụi của chiến tranh nói chung cũng hiện ra rất rõ:
“Khói đạn mù mịt chẳng bao lâu đã tỏa ra phủ một vùng rộng quanh chiến địa. Địch bị thương vong nhiều hơn, nhưng chúng quá đông và cố mở đường chạy về đông để thoát gọng kìm của trung đoàn ở phía trên đang dồn xuống, nên lớp này vừa gục xuống, những xác chết đã trở thành vật che chắn cho lớp sau bò lên. Quãng cách giữa hai bên ngắn dần. Phía đại đội 13, đã có một số chết và bị thương. Cối, ĐKZ của Tiểu đoàn từ bên kia bờ suối rót qua đều huốt ra sau lưng địch, hoặc nếu hạ tầm thì lại vướng vào những bụi cây ven bờ suối.
Trận đánh kéo dài được hơn một tiếng, thế yếu ngày càng nghiêng về phía đơn vị lính tình nguyện Việt Nam. Đội hình của họ bị chẻ nhỏ ra, rồi lần lượt bị đánh tan tác.
Lúc này mạnh ai nấy bắn, chẳng còn hàng lối trật tự gì. Khẩu 12 ly mỗi lần khạc lửa lại quét ngã một lớp địch đang cố xông lên. Lúc đầu nổ súng, Thuận bắn. Nhưng mảnh một quả B nổ gần găm vào vai làm anh ngã qụy. Quân vội giao khẩu AK cho Huy, đỡ Thuận ra phía sau, rồi quay lại khẩu súng tiếp tục bắn.
Nói về tình cảnh của đại đội 13 khi ấy, mọi chuyện cũng bi đát không kém. Hàng ngũ của đại đội đã rối bời. B trưởng B7 và B8 đã chết, gần hai phần ba quân số đại đội bị thương hoặc hy sinh. Những người còn sống sót cố cầm cự một cách yếu ớt, và đã dạt xuống phía sau khẩu đội. Địch tràn lên từ khắp các hướng, đằng trước, bên phải, bên trái, đâu đâu cũng thấy lổm ngổm những tên địch đang xông tới...
…Chiều hôm ấy, vào lúc những tia nắng cuối cùng sắp tắt, một vài người dân ở mấy phum lân cận còn nán lại trên đồng đã trông thấy một đoàn xe bò mười mấy chiếc đi ngang qua chỗ họ, kéo theo một lớp bụi xám mờ tỏa lên nền trời tím đỏ, trên mỗi xe có hai hoặc ba xác chết bộ đội Việt Nam, bên trên phủ một tấm nylon màu xanh nhạt. Chẳng bao lâu, dân trong vùng đã biết rằng có rất nhiều lính Việt Nam chết trong một trận đánh vào buổi sáng mùa thu ấy. Họ kể chuyền cho nhau nghe, mỗi người lại thêu dệt thêm thắt những chi tiết về tính nết, vẻ mặt người này, chuyện tình người khác. Trận đánh trở thành một huyền thoại bi thương, và mỗi người dân đều tưởng chừng như mình có quen biết, thân tình với một ai đó trong số những người lính đã hy sinh”.
Giọng điệu triết lý trong tiểu thuyết của Nguyễn Thành Nhân được thể hiện khá rõ nét. Những ý nghĩa rút ra từ chính cuộc sống thường nhật của con người thông qua phát ngôn của nhân vật hay lời của người kể chuyện. Chất triết lý thể hiện trong rất nhiều chủ đề khác nhau như khi chính tác giả hay nhân vật luận bình về thời thế, về tình yêu, hạnh phúc… Nó cho thấy một sự trải nghiệm và suy ngẫm sâu sắc về cuộc đời. Bên cạnh cái ác là cái thiện, bên cạnh sự hủy diệt là mầm sống tương lai đang nảy chồi, bên cạnh sự tàn bạo của chiến tranh là hàng vạn, hàng ngàn mối quan hệ tốt đẹp của con người. Đó là tình cảm của những người lính tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Campuchia với nhân dân nước bạn, tình cảm của những người dân dành cho những người lính xa nhà...
Nhưng bao trùm lên toàn bộ cuốn tiểu thuyết vẫn là nỗi buồn, nỗi buồn của sự mất mát, nỗi buồn của sự chia ly, nỗi buồn của những sự việc xảy ra không như ý muốn, nỗi buồn của tình người không trọn... Tất cả là những chuỗi thanh âm buồn. Để rồi những người lính may mắn sống sót trở về sau chiến tranh, bên cạnh vết thương thể xác họ còn mang những vết thương lòng không bao giờ lành. Sự day dứt, thương nhớ đồng đội, tình người vẫn cứ âm ỉ trong tâm can họ. Những bi hùng, trớ trêu và cả những gì thân sơ, bình dị của đất và người nơi anh đóng quân - nơi anh đi qua vẫn cứ luôn hiện diện.
Dù viết về nỗi đau của con người nhưng những trang viết của Nguyễn Thành Nhân vẫn đậm tính nhân văn sâu sắc. Con người đẹp hơn trong những khát khao rất đời thường, biết trỗi dậy từ nỗi đau và sống lạc quan hơn. Với bút pháp sắc sảo cùng với một tâm hồn nhạy cảm, Nguyễn Thành Nhân đồng cảm đến sâu sắc và thể hiện thật xúc động nỗi đau của họ trên từng trang viết của mình.
“Huy quan sát hai tên tù binh. Một tên trẻ hơn trạc tuổi Huy, tên kia đã hơn ba mươi và trông lầm lì, cau có. Huy đi tới sát bên tên lính trẻ. Anh vỗ vai hắn. Hắn quay sang nhìn anh, ánh mắt hoảng sợ, e dè. Huy hỏi:
- Anh theo Pol Pot lâu chưa?
- Hai năm rồi.
- Quê anh ở đâu?
- Ở dưới mạn Puốc xát.
- Có vợ con gì chưa?
- Có vợ rồi, nhưng chưa có con.
- Sao theo địch mà không ở nhà làm ăn đàng hoàng nuôi vợ?
- Bị bắt phải theo. Không họ giết.
Huy nhìn thẳng vào mắt hắn:
- Thật không?
- Tôi không dám nói láo đâu.
Huy gật đầu. Im lặng một lúc, anh hỏi tiếp:
- Thế anh có nhớ nhà nhớ vợ không?
- Nhớ lắm. Tôi hay khóc nhiều những lúc gác đêm.
- Vậy sao không bỏ trốn về?
- Tôi sợ lính ông Hêng Xam Rin trả thù.
- Làm gì có! Anh không biết là ra hàng thì được khoan hồng, không bị xử phạt à?
- Không biết đâu. Angkar nói nếu đầu hàng sẽ bị giết hay bị tù.
Huy nhìn tên lính, nét mặt hắn hiền lành chất phác, không có vẻ gì tàn ác hay dữ tợn. Thế nhưng làm sao biết được hắn đã làm gì. Huy lại hỏi:
- Thế có bao giờ anh bắn giết dân, bắt đàn bà hãm hiếp chưa?
- Dạ không có, không có đâu! – Hắn lắc đầu lia lịa, mặt tái đi.
Đến huyện lỵ, Văn đưa ba người bị thương vào trạm xá. Mọi người còn lại tản ra dọc theo hai bên đường nấu cơm.
Huy trầm ngâm nhìn cả hai. Trông họ không có vẻ gì tàn ác đáng sợ. Cứ như vẻ ngoài và thái độ của hai tên này, thì thật không tài nào hiểu được tại sao lại có những tên lính Pol Pot dã man, khát máu, giết người như ngoé. Có lẽ khi đã bị cuốn vào trong cuộc, những hành vi tàn bạo đã dần dần trở thành quen thuộc, thành phản xạ tự nhiên. Người lính vốn thường là tuân lệnh. Họ như là bọn người máy chỉ hành động theo mệnh lệnh cấp trên. Nếu cấp trên của họ là loại tàn bạo điên cuồng, thì làm sao họ không điên cuồng, tàn bạo!”
Thông qua việc xây dựng các nhân vật đa dạng về tính cách, số phận. Nguyễn Thành Nhân phác họa chân dung một giai đoạn lịch sử mà trong đó con người đóng những vai khác nhau, ở những hoàn cảnh gia đình, vùng miền khác nhau nhưng khi họ cùng chung nhiệm vụ, cùng nếm trải những khó khăn của cuộc chiến thì tất cả họ đều như một gia đình. Dù rằng cũng có vài cá nhân không được tốt do vì ích kỉ cá nhân, hay vì lý do này lý do khác. Nhưng nhìn chung, họ là những con người đáng quý. Trong hoàn cảnh lịch sử không cho phép con người ngủ yên trong đời chật mà phải thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. Các anh phải rời xa quê hương, gia đình, cha mẹ, vợ con, những người thân, bạn bè... Những ước mơ giản đơn bình dị của những phận người đã bị thực tại lịch sử tàn khốc đập vỡ tan.
Nhìn chung Mùa xa nhà tuy chưa có những cách tân nghệ thuật báo bạo nhưng Nguyễn Thành Nhân rất thành công trong việc phản ánh hiện thực, đặc biệt là hiện thực ở những nẻo khuất tối, nhập nhòe giữa thiện và ác, giữa chính và tà của một thời không dễ nguôi quên mà lâu nay người ta ngại nói, chưa nói hoặc cố tình không nói. Bằng tài quan sát, cách miêu tả diễn biến tâm lý của các nhân vật trong tiểu thuyết đã làm cho bức tranh hiện thực thêm sinh động. Đó không chỉ là những mặt tốt đẹp, những nghĩa cử đáng biểu dương mà còn có cả nhưng mặt xấu đã xảy ra trong thời gian đội quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở chiến trường Tây Bắc, Campuchia.
Không như những tác phẩm khác cùng viết về đề tài chiến tranh, các tác giả thường có giọng điệu ngợi ca chiến tích, nói về những điều tốt đẹp, những mặt tích cực của cuộc chiến, nhận diện chiến tranh với giọng hào sảng trong niềm vui chiến thắng, Mùa xa nhà, Nguyễn Thành Nhân không theo lối mòn ấy, những trang văn chậm rãi, từ tốn, hiền lành cứ lần lượt làm sống dậy không khí của một thời anh đã đi qua. Ở đó, cơ bản là đau thương, với tai ương chết chóc đến từ hai phía.
Bằng những trải nghiệm với tư cách một người lính chiến, Nguyễn Thành Nhân đã tự vấn và đặt ra một câu hỏi với chính mình, với đồng đội, và với những thế hệ mai sau, về bản chất chiến tranh:
“Chiến tranh rốt cuộc chỉ để phục vụ cho mưu đồ tham vọng của những người cầm quyền. Ở những cuộc chiến xâm lược thì điều này đã hẳn nhiên rồi, không có gì để bàn cãi nữa. Nhưng cả ở những cuộc chiến tranh giữ nước, chống ngoại xâm, hay nội chiến rồi cũng vậy thôi. Lịch sử đã cho thấy rồi, khi cởi bỏ được ách thống trị hà khắc, bóc lột của ngoại bang, hay đã lật đổ một chế độ thối nát nào trước đó, và đã nắm được quyền lực trong tay, người ta thường quên đi những điều ích dân, lợi nước. Họ, hoặc người kế thừa của họ chỉ còn nuôi tham vọng củng cố quyền uy hoặc xa hoa hưởng thụ. Chỉ có những người dân, những người lính tầm thường là mất rất nhiều, mà được rất ít, hoặc chẳng được gì. Trừ phi là chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, còn thì những cuộc chiến khác không mang tới cho họ điều gì hay ho cả. Cái họ cần chỉ đơn giản là một mái nhà, một gia đình êm ấm, một mảnh ruộng vườn nho nhỏ và một cuộc sống thanh bình... Biết bao nhiêu người phơi xác, tên tuổi cũng vùi sâu vào cát bụi lãng quên, chỉ để cho một vài kẻ trở thành những vị anh hùng lưu danh sử sách. Từ khi khái niệm anh hùng nguyên sơ của thời cổ đại xa xưa đã trở thành một chủ nghĩa - chủ nghĩa anh hùng - nó đã bị biến tướng, đổi thay về chất, trở nên một sự mê hoặc, một sự lừa dối kinh khủng, đã bị người ta lấy nó làm chiêu bài che đậy những sự xấu xa”.
Hành trình sáng tạo cũng chính là hành trình trải nghiệm bản thân, khám phá kiếm tìm thế giới xung quanh. Với những suy tư trăn trở, những chiêm nghiệm về thân phận con người trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, những day dứt về dân tộc, về niềm tin... tác phẩm này rất chân thực và gần gũi với thân phận con người.
Thay lời kết, theo ý nguyện của tác giả, tôi xin được giới thiệu ở đây một bài thơ. Nó được viết, đầu tiên ở Quân trường 874, Long Giao, vào tháng 06/1984, và được Nguyễn Thành Nhân sửa lại vào cuối tháng 12/1984, khi anh và đồng đội đang ém quân ở một cánh rừng cạnh căn cứ Ampil, Tổng hành dinh của Son Sann giáp biên giới Thái Lan. Tên của bài thơ cũng là tên của tác phẩm tiểu thuyết mà anh đã viết nó từ những cảm hứng và ý tưởng của bài thơ này:
MÙA XA NHÀ
Thành phố bây giờ chỉ còn là nỗi nhớ
Những hàng me thay lá đã bao mùa
Lá me bay tôi không còn thấy nữa
Tháng ngày này năm xưa trôi trôi xa
Mưa thành phố và con đường ngập lá
Những buổi chiều tôi đạp xe đi qua
Trong cơn mưa này lòng xôn xao nhớ
Đến bao giờ? Cho đến bao giờ?
Ngày xưa chợt đến như mơ
Những chiều mưa nhỏ làm thơ ngậm ngùi
Khói vàng lên những ngón tay
Bâng khuâng vì dáng em gầy mong manh
Còn bây giờ là rừng
Chỉ thấy cỏ tranh bốn bề vây phủ
Những dãy đồi xa càng thêm gợi nhớ
Mưa sáng mưa chiều buồn dâng buồn dâng…
Thành phố quê nhà là một nỗi mong
Đứa con xa nhà ngày đêm trăn trở
Biết khi nào đất nước mình im súng nổ
Chỉ có mùa xuân tiếng pháo đì đùng?
Má ơi, chắc má nhớ thương
Đứa con bướng bỉnh vẫn làm má lo
Tháng năm qua, tháng năm qua
Rồi con cũng sẽ về nhà, má ơi!
Thương đàn em dại của tôi
Nhà mình nghèo khó không người lo toan
Tháng Giêng cúc nở hoa vàng
Anh về ươm lại một giàn mướp xanh
Cho câu chuyện cổ vuông tròn
Cho người phúc hậu gặp lành gặp may…
Rừng xa hiu hắt nắng gầy
Bao nhiêu là nhớ đọng đầy trong tôi.
Phú Yên, tháng 06/2019
NVH/trieuxuan.info.