TIN TỨC

Sứ mệnh mới của “cha đẻ” ATM gạo

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-09-22 13:53:33
mail facebook google pos stwis
1199 lượt xem

 BÀI DỰ THI BÚT KÝ “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG”

NGUYỄN NGỌC KHUYẾN

Sau một chặng đường dài chiến đấu với đại dịch Covid-19, “cha đẻ” của những phát minh ATM gạo, ATM oxy, ATM khẩu trang - Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Vũ trụ xanh (PHG Lock) - lại tiếp tục với một dự án về cộng đồng, nhưng lần này đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam

Trở lại việc kinh doanh của mình sau những tháng ngày cùng đất nước chống dịch, Hoàng Tuấn Anh bắt đầu tái khởi động kinh doanh khóa điện tử của công ty, vốn chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch. Bên cạnh đó, anh cũng đang bắt tay tiến hành dự án mới của mình.


Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Vũ trụ xanh (PHG Lock)

Thử thách vượt biên giới

Nhiều ngày liền đi công tác với tần suất dày đặc, Hoàng Tuấn Anh liên tục có những chuyến bay dài ngày đến Malaysia. Nơi đây được chọn là địa điểm cho dự án mới.

“Tôi may mắn mua được khu đất rộng 6.000 m2 tại trung tâm TP Johor Bahru - nơi được gọi là thiên đường mới của Malaysia - với giá rẻ bằng 60% so với trước dịch. Đây là khu đất hiếm hoi có "view" biển, hướng sang Singapore và cách cửa khẩu qua Woodland của Singapore chỉ 1 km. Tự tin với các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, tôi mạnh dạn đầu tư dự án Vietnam Town tại đây”, anh kể.

Với mong muốn được là người đồng hành và kết nối doanh nghiệp (DN), Hoàng Tuấn Anh hy vọng trở thành người “khởi xướng” để bất kỳ một DN Việt nào cũng sẽ có cơ hội đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, Malaysia là địa điểm đầu tiên Hoàng Tuấn Anh chọn để kết nối cho các DN Việt Nam để trưng bày, giới thiệu sản phẩm đến thị trường này.

“Ai đi ra ngoài rồi sẽ thấy rất cần sự hướng dẫn, giúp đỡ, chỉ đường khi “chân ướt chân ráo” đến một vùng đất, khai phá một thị trường mới. Tôi từng trải qua cảm giác này nên rất hiểu và muốn đáp ứng một phần nhu cầu đó tại Malaysia”, Giám đốc Công ty PHG Lock nói.

Nhớ lại lúc đất nước căng mình chống đại dịch hai năm trước, Hoàng Tuấn Anh cũng là người khởi xướng cho những dự án nghĩa tình. Đó là ATM gạo mang đến bữa ăn cho đông đảo người dân trong vùng dịch. Anh nói rằng phát minh ATM gạo của mình không phải là điều gì vĩ đại, chỉ đơn giản là nó đã giúp nhiều người, giúp họ vượt qua suy nghĩ bi quan trong bối cảnh cả xã hội phải trải qua đại dịch.

Chiếc máy ATM gạo ra đời bằng tất cả tâm sức của anh và tập thể anh em công ty. Anh hồ hởi chia sẻ về điều này: “Bản thân không có đóng góp gì nhiều cho nền kinh tế nhưng tôi dùng kiến thức, năng lực sẵn có của mình để sáng tạo ra mô hình giúp ích cho cộng đồng”.


Có ATM gạo là người dân bớt đi gánh lo trong mùa dịch


Hoàng Tuấn Anh bán xe Mercedes để mua xe bán tải chở ATM gạo đến cho dân trong những ngày chống dịch COVID-19

Đợt dịch này nối tiếp đợt dịch kia, Tuấn Anh cho biết công ty của mình đã cạn kiệt dòng tiền, anh đã phải bán nhà, cầm cố tài sản vừa lo cho công ty, vừa làm trách nhiệm xã hội. Nhưng anh xác định hy sinh cái riêng để hết mình đóng góp cho cộng đồng. “Không còn tính mạng thì tiền không còn ý nghĩa gì nữa” - đó là suy nghĩ và cũng là động lực khi Hoàng Tuấn Anh quyết định bán chiếc xe Mercedes đã đồng hành bên mình 5 năm, để mua chiếc bán tải chở ATM gạo lưu động đem lại những bữa cơm no cho người nghèo.

Khi làm việc thiện, Hoàng Tuấn Anh không thu nhận bất cứ lợi ích nào nhưng luôn toàn tâm toàn ý cho hoạt động thiện nguyện. Hầu như ngày nào cứ 6h cả anh và nhân viên đã có mặt ở công ty để nhận gạo, bốc vác vào kho hay chuyển đi, đêm muộn 21-22h mới về đến nhà. Có những lúc đột xuất, ưu tiên cho những tỉnh xa kịp để hỗ trợ cho bà con nghèo có gạo, Tuấn Anh huy động cả gia đình khuân và bốc vác gạo đến tận 1h sáng. Không có thời gian dành cho bản thân và gia đình, dù vậy vợ và con anh vẫn luôn tin và ủng hộ. “Tôi rất vui khi chúng tôi có thể hỗ trợ những người đang gặp khó khăn. Tôi hài lòng về công việc thiện nguyện của anh ấy. Cả nhà luôn ủng hộ anh”, Samantha Chong - vợ Hoàng Tuấn Anh, cô dâu người Malaysia, vui vẻ trả lời.

Khát vọng “Vietnam Town” tại Malaysia

Sau ATM gạo, ATM khẩu trang xuất hiện. Lúc này, TP HCM không bị cách ly xã hội nữa, người dân trở lại làm việc bình thường do đó khẩu trang lúc này rất cần để giúp phòng và tránh lây nhiễm, khích lệ mọi người chung tay phòng dịch. Ông chủ PHG Lock tiếp tục triển khai máy ATM khẩu trang miễn phí dành tặng người nghèo. Trong buổi đầu tiên, ATM khẩu trang đã phát miễn phí cho người dân khoảng 10.000 cái. Vào thời điểm đó, làm từ thiện với anh không còn ở việc chỉ làm bằng tấm lòng mà đó còn là trách nhiệm gắn với xã hội.

Giờ đây, khung cảnh ảm đạm, u ám với những tiếng còi cấp cứu  dồn dập trong giai đoạn đại dịch bùng phát không còn liên hồi và đại dịch đã dần qua, lắng xuống. Hoàng Tuấn Anh hướng đến một tầm nhìn mới: “Dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Những ngày khó khăn chưa từng có đã đi qua. Chúng ta thôi nhắc về chuyện cũ mà hãy kể cho nhau nghe câu chuyện hiện tại, hướng đến tương lai tươi đẹp hơn…"

Quê vợ ở Malaysia, bản thân Tuấn Anh đã có thời gian dài học tập và làm việc ở Australia, anh thấy một điều ở đâu cũng “buôn có bạn, bán có phường”. Hoàng Tuấn Anh rất muốn làm điều gì đó cho người Việt và cho chính mảnh đất quê hương của vợ mình. “Thế giới có China Town, Hongkong Town, Korea Town.., nhưng hiếm có Vietnam Town. Tôi muốn xây dựng Vietnam Town tại Malaysia trở thành niềm tự hào của người Việt và kết nối 60.000 người Việt đang sinh sống tại TP Johor Bahru với đất nước bạn”, Tuấn Anh thổ lộ.

Đi đi về về giữa Việt Nam và Malaysia, đến nay dự án cũng đã có những đường nét đầu tiên. Trên nền diện tích 2.000 m2, hai trụ sở đang được xây dựng. Đây sẽ được dùng làm nơi lưu trú và đặt văn phòng cho DN Việt Nam muốn phát triển thị trường ở Malaysia.

Hoàng Tuấn Anh bộc bạch, dự án Vietnam Town sẽ trở thành “ngôi nhà” mang quê hương xứ sở đến với những người con xa quê để họ có chút điểm tựa. Dự án còn là địa điểm tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng người Việt tại Malaysia. Khi đi vào hoạt động, nơi đây còn trở thành một “cơ quan đầu não” để các DN Việt có cơ hội kết nối với các DN Malaysia hay cả Singapore, thậm chí là các quốc gia lân cận khác. Dự án còn giúp hình ảnh Việt Nam đến gần hơn bạn bè quốc tế.

Doanh thu giảm sút nhưng tình người “tăng trưởng vô biên”

Say sưa về nói dự án mới và những mục tiêu, ánh mắt Hoàng Tuấn Anh vẫn tràn đầy nhiệt huyết, đúng với hình ảnh của người đàn ông đang khuân vác từng bình oxy chuyển đến những F0 trong những tháng ngày dịch COVID-19 hoành hành. Lúc đợt dịch thứ 4 bùng phát, số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến, TP.HCM bắt đầu triển khai hoạt động điều trị bệnh nhân tại nhà. Tuy nhiên, có nhiều F0 tự cách ly trở nặng cần cung cấp oxy gấp. Đây là thời điểm vô cùng khắc nghiệt, khắc nghiệt với chính cá nhân Hoàng Tuấn Anh khi nhà anh còn có cha già 75 tuổi, vợ và hai con nhỏ, nếu anh lây bệnh sẽ ảnh hưởng đến cả gia đình.

Nhưng lúc nguy cấp và mặc dù biết rủi ro, Hoàng Tuấn Anh không nỡ từ chối. Vậy là anh và những người cộng sự vẫn tiếp tục khởi động chương trình ATM oxy với thông điệp “trao oxy - nối dài sự sống”, để trao sự sống đến cho nhiều người đang mấp mé giữa lằn ranh tử sinh. “Nếu bây giờ, tôi và mọi người đều khoanh tay phó mặc, ngồi chờ thì biết bao giờ dịch bệnh mới được khống chế”, anh nói.  Tuy vậy lúc nào anh cũng căn dặn bản thân và nhân viên của mình luôn phải bảo hộ kỹ càng và phòng ngừa chu đáo.


Hoàng Tuấn Anh hỗ trợ mọi người vận chuyển bình oxy


Hoàng Tuấn Anh luôn nhận được sự ủng hộ từ người vợ hiền của mình
- Ảnh: NVCC

Đầu tháng 11 -2021, Tuấn Anh nhiễm COVID-19. Anh tâm sự: "Gắn bó với công việc thiện nguyện xuyên suốt mùa dịch, tôi luôn chuẩn bị tâm lý có thể trở thành F0 bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, khi đã mắc COVID-19, tôi mới thật sự hiểu được nỗi lo sợ và đồng cảm với họ nhiều hơn”. Dù đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin từ trước, chỉ số SpO2 của anh có những ngày vẫn tụt xuống còn 83 - 85, phải thở oxy. Dẫu vậy, không chọn cách nghỉ ngơi, anh vẫn tiếp tục công việc điều hành hỗ trợ oxy đến các F0.

Đã có gần 100.000 bệnh nhân F0 được cứu chữa. Với Hoàng Tuấn Anh, đó là khoảng thời gian đáng nhớ, ghi dấu mốc “trưởng thành” đặc biệt của anh. Dù doanh thu công ty giảm sút, nhưng tình người “tăng trưởng vô biên”. Với anh, trưởng thành thực sự là khi biết yêu thương con người, có trách nhiệm đất nước, với cộng đồng.

Có lẽ khi tình yêu thương chạm đến trái tim của con người, nó khiến người ta có đủ sức mạnh và niềm tin để làm những điều ý nghĩa cho cuộc đời. Ta may mắn hiện diện trên đời này với những sứ mệnh nhất định, cho đi đơn giản là sự cho đi. ATM gạo, ATM khẩu trang và cả ATM oxy hay sắp tới đây là Vietnam Town tất cả đều đang tạo thành một hành trình cộng đồng lan tỏa từ trí tuệ và tấm lòng của một người đến trái tim của mọi người.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhớ mãi kỷ niệm với nhà văn Nguyễn Quốc Trung
Qua các nguồn tin, được biết Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh và Tạp chí Văn nghệ Quân đội chuẩn bị phối hợp tổ chức hoạt động tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Quốc Trung sau 2 năm anh rời “cõi tạm” và nhân sự kiện anh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước với tiểu thuyết Đất không đổi màu, tôi cảm thấy vui mừng xen lẫn sự bồi hồi, xao xuyến.
Xem thêm
Tàn thu vắng bóng - Tản văn của Đặng Tường Vy
 Châu Âu thật tuyệt với bốn mùa rõ rệt. Mùa nào cũng có nét quyến rũ riêng, làm người tha hương vơi đi nỗi buồn dịu vợi. ..
Xem thêm
Nhớ Nguyễn Quốc Trung
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM gọi điện thông báo với tôi về việc Hội nhà văn TP HCM phối hợp cùng Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Quốc Trung nhân hai năm ông rời cõi tạm và đặc biệt nhà văn được truy tặng giải thưởng Nhà nước về tiểu thuyết Đất không đổi màu.
Xem thêm
Mùa thu đây hỡi cờ hồng vàng sao – Tản văn của Lê Xuân
Tháng Tám cũng là tháng giữa thu, tháng để các em thiếu niên, nhi đồng phá cỗ trông Trăng, mừng Tết Trung thu, rước đèn, múa lân dưới trăng thanh, gió mát…
Xem thêm
Cửa bể Cần Giờ | Bút ký của Nguyễn Minh Ngọc
Bài đăng Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn VN) số 35+36, ra ngày 2-9-2023
Xem thêm
Tản Mạn Vàm Cỏ Đông - Tùy bút Trần Thế Tuyển 
Có lẽ trên trái đất này, không ở đâu cái giá để có độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc lại đắt như ở Việt Nam. Để có hình hài đất nước, vị thế quốc gia như ngày hôm nay đã có hàng triệu triệu người con ưu tú ngã xuống. Máu xương của họ tan biến thành đất đai tổ quốc và hồn của họ bay lên hóa linh khí quốc gia.
Xem thêm
Người lính làm nên huyền thoại
Phải nói, Trần Ngọc Trác là một cây viết tâm huyết với đề tài truyền thống cách mạng. Gặp  ông cách nay đã vài chục năm, tôi vẫn nhớ dáng đi nhanh nhẹn, giọng nói trầm ấm và ánh nhìn thân thiện của nhà văn. Lúc ấy Trần Ngọc Trác là cán bộ của Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh Lâm Đồng. Đã đọc Trần Ngọc Trác nhưng thực sự khi ông đảm nhiệm làm phim Người lính làm nên huyền thoại   về Đại tá Lê Kích (cậu ruột thứ Tám của vợ tôi), chúng tôi mới gắn bó  như anh em thân thiết. 
Xem thêm
Trúc Phương, người mà tôi muốn nói nhiều hơn những người khác
Bài phát biểu xúc động của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Anh hùng Võ Thị Sáu trong tâm thức người đang sống
Ký của nhà văn Trầm Hương trên báo Phụ Nữ Việt Nam
Xem thêm
Dân lo | Bút ký của Lê Thanh Huệ
Bài đăng báo Văn Nghệ số 30 (3309) ngày 29-7-2023
Xem thêm
Kỷ niệm về nhà văn Minh Khoa với Trần Thế Tuyển
Sau giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước(30-4-1975), từ Trung đoàn 174, tôi được điều về học tập và làm việc ở báo Quân khu 7. Vừa đặt ba lô trong tòa nhà kiến trúc kiểu Pháp tại căn cứ Trần Hưng Đạo, nơi đặt tổng hành dinh của Bộ Tổng Tham mưu quân đội chế độ cũ, anh Mai Bá Thiện lúc đó phụ trách báo Quân khu 7 dẫn tôi ra mắt Phó phòng Tuyên huấn Quân khu - nhà văn Minh Khoa, lúc đó trực tiếp làm Tổng biên tập báo Quân khu 7. Từ lâu đã nghe danh nhà văn Minh Khoa với những truyện ký viết về Anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ, đặc biệt vở kịch Người ven đô với nhân vật Ông Tám Khỏe đậm đặc chất nông dân Nam Bộ, nay được gặp trực tiếp tác giả, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động.
Xem thêm
Lòng tri ân luôn là giá trị bất bất biến
Bài đăng Tạp chí Linh khí Quốc gia kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - liệt sĩ
Xem thêm
Mây trắng trong vườn chè ông nội | Tản văn của Trang Thanh
tôi hay nhớ những gương mặt người thân đã khuất bóng...
Xem thêm
Hoa biên cương: Nấm độc trên đất Tây Nguyên (Kỳ cuối)
Chúng tôi cũng dự nhiều cuộc họp ở các buôn làng Tây Nguyên, chứng kiến những người lầm lỡ vượt biên hay đi biểu tình gây rối được kiểm điểm trước các già làng và bà con trong buôn. Ai cũng cúi đầu xấu hổ, xin được tha thứ, hứa sẽ không tái phạm.
Xem thêm
Hoa biên cương: Lương y của buôn làng (kỳ 4)
Bút ký nhiều kỳ của nhà văn Lại Văn Long
Xem thêm
Hoa biên cương: Từ biên giới đến hải đảo (Kỳ 2)
Bảo vệ biên cương và tình hữu nghị
Xem thêm
Vọng âm buồn | Hoàng Phủ Ngọc Phan
Một loài chim có tiếng kêu nghe như Ơi đò Ca Cút
Xem thêm
Đêm Tháng Giêng - Tản văn Trần Bảo Trân
Ngày anh cưới chị, tôi còn nhỏ. Gần bảy thập kỷ trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in, ngôi nhà lợp rạ, vách đất của chúng tôi có khách là một người lính. Anh bận bộ quân phục màu cỏ úa với chiếc mũ mềm có ngôi sao lấp lánh. Ngày chị đi lấy chồng, tôi tiễn chị ra cánh đồng, cuối bờ tre gai thường ngày ríu rít tiếng chim. Cầm tay tôi, chị khóc. Em ở nhà nhé. Nếu rảnh chị sẽ về chơi với em. Mắt nhoà, tôi cố giữ không để lệ rơi.
Xem thêm