TIN TỨC

Thạch Quỳ - hạt bụi người

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1165 lượt xem

Bài 3, rút từ tập QUA SÔNG NHẶT BÓNG

LÊ HUY MẬU

Nhà thơ Thạch Quỳ tên thật là Vương Đình Huấn, sinh năm 1941 tại thôn Đông Bích, tổng Thuần Trung, huyện Lương Sơn, tỉnh Nghệ An, nay là thôn Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Năm 1960, ông học ngành Sư phạm Toán tại trường Đại học Vinh, cùng năm này, ông có bài thơ đầu tiên được đăng trên Văn nghệ quân đội có tựa "Mà thương cũng nhiều. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông có một thời gian làm giáo viên Toán cấp 3 tại Nghệ An, sau đó công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An, ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện ông sống ở thành phố Vinh, Nghệ An.


Nhà thơ Thạch Quỳ

Tôi gặp Thạch Quỳ lúc Thạch Quỳ đang ở trong khu nhà chung cư vẹo vọ do Cộng hòa Dân chủ Đức xây cho thành phố “địa chỉ đỏ’ của Việt Nam sau chiến tranh chống Mỹ. Bấy giờ, cả Đặng Văn Ký và Thạch Quỳ là những người anh dũng đi đầu, từ bỏ nhà tranh tre, giấy dầu, tiến thẳng lên nhà cao tầng, ở Vinh. Không còn nhớ năm bao nhiêu nữa, nhưng lâu lắm rồi. Bấy giờ, tôi chưa là nhà văn nhà veo gì, chỉ nghe tiếng các lão thì tìm chơi, vậy thôi! Thạch Quỳ người gầy, mặt hốc hác, tóc xù rối, trông cũ kĩ như vừa mới được “moi” ra từ một xó xỉnh hoặc một trại cải tạo nào đó. Vòng hai của lão ước chừng chỉ bốn mươi, năm mươi cen-ti-mét là cùng. Bấy giờ lão đau dạ dày. Nghệ An hồi xưa gọi những người đau dạ dày là đau bụng tật. Gặp nhau trong quán nước chè chén của chị Nhã vợ lão. Lão chắt trong hũ rượu ngâm đã cạn tận đáy, được 3 ly. Tôi, Đặng Văn Ký và lão, mỗi người một ly. Tôi thích lão ngay. Tôi thích cái bỗ bã, cái nông quê ở lão. Trông lão toát ra vẻ tự tại, an nhiên. Không vồn vã mà vẫn thân tình.

Thạch Quỳ là giáo viên Toán cấp Ba Thanh Chương. Cũng giống Đặng Văn Ký, hai ông đồ đang “sướng như vua” trong cái “cõi” làm thầy giáo cấp Ba ở cái xứ sở chuộng chữ nhất nước, thì bỗng, các lão bị bỏ bùa, bỏ ngải theo đòi cái nghiệp văn chương đỏng đảnh và vô tăm tích này.

Thạch Quỳ nổi tiếng từ bài thơ “Với con”.  Bài thơ này được đăng trên báo Văn nghệ năm 1980, trên trang dành cho thiếu nhi. Bài thơ đã được đón nhận nồng nhiệt nhưng cũng để lại cho lão nhiều phiền toái, thậm chí hồi đó người ta còn nghi ngờ thái độ chính trị của lão. Nghe nói, tình hình căng tới mức, nhà thơ  Xuân Diệu phải thay mặt Hội Nhà văn vào Nghệ An giải thích. Bài thơ có những câu như sau:

Con ơi con, trái đất thì tròn

Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật

Tất cả đấy đều là sự thật

Nhưng cái bánh đa vừng tròn, điều đó thật hơn!

Vì thế những lời cha dặn dò

Cũng chưa hẳn là điều đúng nhất

Cha mong con lớn lên chân thật

Yêu mọi người như cha đã yêu con

Thơ Thạch Quỳ hay. Hay ở chất thơ chắt lọc từ một vùng văn hóa trầm tích trong dân ca xứ Nghệ. Hay ở cái chất thông minh sắc sảo của ông thầy dạy Toán cấp Ba. Hay ở chất thấm đẫm sự xót xa, đắng đót của đời sống xứ sở gió Lào. Hay ở sự dịu ngọt mát lành của nguồn nước sông Lam chảy giữa quanh co đồng bãi, giữa những đồi núi lô nhô như bát úp. Nó vừa có cái chát chúa, đắng đót của kiếp người; vừa có cái mộng mơ lãng mạn của quê hương xứ sở… Thạch Quỳ nằm trong tốp-ten thơ, cùng với những Anh Ngọc, Vương Trọng, Võ Văn Trực… lừng danh xứ Nghệ một thời.

Tôi nhớ, hình như Tùng Bách chưa dẫn tôi đến chơi nhà Thạch Quỳ hồi nào. Có lần, tôi hỏi thẳng Đặng Văn Ký: Hai lão này có mắc míu gì với nhau à? Đặng Văn Ký cười bảo: Chẳng thấy các ấy có mắc míu gì! Còn thì, tội to nhất là tội… không yêu Đảng. Tội này cả tôi và Thạch Quỳ đều mắc! Cậu có ngại chơi không? Là Đặng Văn Ký chỉ nói vui thôi! Tôi hiểu, ở cái xứ sở quê mùa nhưng đầy tri thức này, chơi với các lão, chẳng những lợi đơn mà còn lợi kép. Lợi đơn là học các lão về văn chương, chữ nghĩa; lợi kép là, về Vinh tìm các lão ở trọ, ăn chực bữa cơm nghe nó thoải mái vô tư hơn là ở nhà anh em, bà con. Có lần, tôi về Vinh, đang ở chơi nhà nhà văn Chính Tâm thì Nguyễn Long đến. Nguyễn Long là kiến trúc sư, nhưng ham thích văn chương. Trong câu chuyện có nhắc đến Thạch Quỳ. Nguyễn Long rủ: Anh có đến thăm anh Thạch Quỳ tôi đưa đi! Vậy là đi.

 Bấy giờ, Thạch Quỳ đã có nhà bốn tầng ở đường Phong Đình Cảng. Nghe nói do con trai đi xuất khẩu lao động bên Đức mang tiền về xây cho. Nguyễn Long bảo: Lúc nào nhìn lên lầu bốn thấy đèn đang sáng là lão đang ở nhà. Nhưng như thế là lão đang cúng ở trên đó. Rồi Nguyễn Long kể, Thạch Quỳ bây giờ làm nghề thầy cúng và xem bói. Khách của lão đông lắm! Có cả khách Thanh Hóa vào, khách Hà Tĩnh ra. Đến nhà, cứ đứng dưới đường nhìn lên, thấy đèn trên lầu tư đang sáng là lão đang cúng. Quả đúng như vậy! Tôi và Nguyễn Long vào nhà thì gặp lão. Vẫn xuề xòa, đơn giản như xưa. Lão rót nước mời khách, hỏi thăm tôi về công việc về sáng tác. Lão có đọc một vài bài  tôi in rải rác trên báo. Và khen. Khen ít thôi, nhưng có khen. Rồi đột nhiên lão hỏi tôi về bệnh tật. Lão biết tôi bị rối loạn tiền đình. Tôi kể khổ về bệnh tật với lão. Lão bảo: lên lầu anh cúng cho. Cúng xong anh bốc cho mấy vị thuốc nam. Em về uống là sẽ khỏi. Anh chắc trăm phần trăm là anh sẽ chữa khỏi bệnh tiền đình cho em!

Tôi không chắc là thế. Nhưng cũng thật kỳ lạ, dạo đó, tôi đang khốn khổ vì bị chóng mặt liên tục. Thuốc uống hàng tạ không khỏi. Thế rồi gặp Thạch Quỳ. Lão khấn vái đức Thánh Trần. Tôi đứng bên cạnh  nghe rõ lời lão, đại để: À hem! Kính lạy Đức Thánh… con là Vương Đình Huấn ngụ tại… xin thỉnh cầu…: Con có thằng em tên là Lê Huy Mậu, quê ở xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, hiện em đang làm cán bộ Tuyên giáo tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có căn bệnh…  Lạy Đức Thánh phù hộ độ trì cho em nó khỏi bệnh… À hem!

 Lão bảo tôi lạy Đức Thánh, xong lại sang chỗ thờ gia tiên lạy gia tiên, xong xuống nhà uống nước, xong lão kê cho tôi cái toa gồm ba vị thuốc nam. Một vị là meo (mộc nhĩ) cây duối, một vị là rễ cây cỏ xước, vị thứ ba quên mất. Bấy giờ tôi thành khẩn lắm. Tôi điện nhờ thằng cháu ở quê tìm meo cây duối. Thằng cháu đốn cả cây duối to, tưới nước mãi mới thu được một nắm meo, phơi khô gửi vào cho cậu. Và tôi đã uống thuốc chữa tiền đình của Thạch Quỳ. Và cũng chỉ  duy nhất có một lần đó thôi!

Năm 2002, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vào Vũng Tàu sáng tác. Năm đó, tôi ốm quặt quẹo. Chóng mặt. Đau đầu. Ớn lạnh. Ói mửa. Hốt hoảng. Stress cấp… Nể Nguyễn Trọng Tạo tôi vẫn theo lão đi uống rượu. Nhưng ngồi xem các lão uống còn không nổi nữa là uống.  Một hôm Nguyễn Trọng Tạo tới nhà chơi. Thấy tôi có gốc cây khô để trước cửa. Lão bảo, vất ngay cái cây này đi. Để cây khô trước nhà ốm là phải. Tôi lại cũng nghe theo. Hôm sau, tôi gọi người đến cho ngay gốc cây về trồng phong lan. Nó hi hửng chở đi ngay. Thế rồi, không hiểu sao, bệnh tiền đình của tôi cũng đỡ dần, rồi khỏi hẳn. Có lẽ nào tôi hết tiền đình lại là nhờ thuốc thần, thuốc thánh! Có lẽ nào chữa bệnh cho tôi lại chính là hai nhà thơ, chứ không phải bác sỹ nào? Chuyện như đùa vậy mà lại thật. Thế mới lạ!

Tôi đọc thơ Thạch Quỳ không nhiều. Ngoài những bài thơ của Thạch Quỳ in rải rác trên các báo tình cờ đọc được, có duy nhất một tập thơ được lão tặng. Đó là tập “Cuối cùng cũng chỉ một mình em”. Tập thơ mỏng dính. Nó đã ít về số bài, ít về số câu ở mỗi bài, lại ít cả về số chữ trong mỗi câu. Thơ Thạch Quỳ cô lọc đến tận micro chữ. Anh cố gắng tối giản chữ trong mỗi câu thơ, tối giản câu trong mỗi bài thơ. Đọc thơ Thạch Quỳ thấy rõ anh đã “lao động” thơ đến xơ xác cả đời!

Thạch Quỳ có nhiều phát biểu vể thơ rất đáng chú ý. Ví như lão bảo: Thơ cao hơn tất cả các bài thơ đã có! Hay: Thơ cao hơn mọi hiểu biết về thơ! Thơ hay là thơ duy nhất v.v… Năm 2010, lão có gửi cho tôi một tập bài viết gồm cả nghiên cứu, khảo luận, trao đổi, cả về thơ lẫn về văn hóa dân gian. Thư lão viết: Mậu thân! Mình gửi Mậu một số bài viết về thơ, văn hóa, lễ nghi rút trong tập văn chương đàm thoại chưa in. Do việc phô tô nên có chỗ còn luộm thuộm, khúc này lẫn vào khúc kia, nhờ Mậu chú ý mình đã gạch bỏ…

Tôi biết, lão này chỉ mạch lạc trong suy nghĩ, chứ văn phòng, hành chính lão đại khái qua loa, nhiều lúc cẩu thả thái quá! Gạt bỏ đi những điều đó, đọc những bài của lão tôi nể phục về những tìm tòi, khảo cứu, những phát hiện có tính khái quát cao của lão. Tôi có chọn in một vài bài trong đó lên tờ Văn nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu. Rồi công việc bếp núc của Hội bận bịu, nhưng may tập bản thảo của lão vẫn còn. Có cảm giác như Thạch Quỳ không có ý định viết cái gì theo một kế hoạch, một dự định trước. Lúc lão viết vì nể bạn. Lúc lão viết vì một sự nhờ vả nào đó từ phía người làm báo v.v… Nhưng, dù viết về cái gì, viết do cái gì thì bài viết của lão cũng đầy công phu. Hàm lượng văn hóa, hàm lượng tri thức trong các bài viết của lão rất cao. Tôi rất thích bài: “Thơ cao hơn mọi hiểu biết về thơ” của lão. Lão vào đề một cách hết sức khiêm tốn và thật: “Tạp chí Thanh Hóa có nhã ý dành cho tôi đôi dòng về thơ, về kỹ thuật bếp núc xào nấu và sự đổi mới món ăn tinh thần này…” Và, thế rồi lão thủng thẳng đi vào những vấn đề hết sức cốt lõi, hết sức thời sự của thơ hiện nay. Phong cách viết của Thạch Quỳ rất riêng. Lão nêu, lão gợi, lão đưa ra vấn đề nhưng không kết luận, khẳng định. Đọc Thạch Quỳ có cảm giác như đang xem những cầu thủ hay chơi bóng đá. Họ dắt, rê bóng, làm xiếc với quả bóng từ giữa sân, vượt qua bao nhiêu ngáng trở của đối phương, đến lúc chỉ còn một mình với khung thành rỗng nữa, thì hoặc là, anh ta chuyền cho đồng đội sút vào, hoặc là, anh ta làm cái nghĩa vụ ghi bàn thắng một cách rất… thiếu cảm xúc! Trong bài “Có thể có tính duy nhất của thơ” cũng vậy, lão hoang mang, rất hoang mang khi đưa ra ý kiến, rằng thơ hay là có tính duy nhất. Những bài thơ hay nhất, đúng chuẩn mực nhất, chỉ có một. Lão nêu ra đề toán, tìm ra cách giải hợp lý, bài toán cho đáp số đúng rồi, nhưng bỗng dưng, lão không muốn sút bóng nữa, bỗng dưng lão muốn ai đó sút quả bóng vào khung thành bỏ trống chứ không phải lão. Có cảm giác như lão chỉ có nhiệm vụ rê, dắt bóng, loại bỏ những ngáng trở trên đường xuống bóng, còn cái công đoạn cuối cùng là sút bóng thì lão uể oải, miễn cưỡng khi không thể cậy nhờ được đồng đội gánh vác vinh quang giúp lão. Có vẻ như Thạch Quỳ là vậy. Là không thích, không quen nhận lãnh cái gọi là vinh quang trên sân bóng cuộc đời. Lão chỉ hứng thú khi là cầu thủ kiến thiết nên các vinh quang mà thôi!

Anh Võ Văn Trực, một người anh, người bạn rất thân thiết của Thạch Quỳ, trong bài viết của mình trên báo Công An Nhân Dân đã gọi Thạch Quỳ là Ông Đồ Gàn Xứ Nghệ. Theo nghĩa đen thì Thạch Quỳ đúng thế. Ông Đồ - Thạch Quỳ là Ông Đồ; Xứ Nghệ thì Thạch Quỳ không chạy đi đâu được; Còn Gàn thì… người Nghệ, trí thức Nghệ, kẻ sỹ nghệ thảy đều gàn. Gàn theo nghĩa  là ít hòa đồng, là ngang, là bướng, là lập dị trong mắt đám đông. Thạch Quỳ gàn, theo anh Trực là thích cà pháo mắm tôm, cả khi được người đẹp mời cơm cũng khoai luộc, cà pháo, và mắm. Thạch Quỳ gàn nhưng không phá ngang. Lão chỉ Gàn khi gặp những gì không thực chất, những gì hình thức, giả dối mà thôi!

Tôi đã có dịp về thăm nhà thờ họ Vương ở Trung sơn của lão. Tính ra, họ Vương lưu lạc vào sinh cơ lập nghiệp ở Đô Lương khoảng 11 đời, tính đến thế hệ Vương Đình Huấn - Thạch Quỳ, ngang họ Lê tôi tính đến thế hế tôi. Trung Sơn là vùng đất khá trù phú. Cánh đồng lúa nước trải trước làng như tấm thảm xanh, chưa tới mức mênh mông nhưng cũng có thể gọi là thẳng cánh cò bay. Phía sau làng là con đường quốc lộ 15. Bên kia đường 15 là cánh bãi, phù sa sông Lam mang đến cho người dân nơi đây những rau trái bốn mùa lắm thức, lắm món thật dồi dào, phong phú. Bác Vương Đình Trâm - anh ruột nhà thơ Vương Trọng đưa thôi đi thăm hết 11 ngôi nhà thờ họ, từ nhà thờ tổ họ Vương tới nhà thờ các chi, các nhánh trong cây gia hệ họ Vương của bác. Họ Vương, cùng họ Nguyễn Cảnh ở đất Đô Lương là những dòng họ lớn có nhiều khoa bảng đỗ đạt. Họ Vương có nhiều nhà thơ nổi tiếng như Vương Trọng, Thạch Quỳ, Vương Cường, Vương Duyệt, Vương Đình Trâm v.v…  Bác Trâm tặng tôi tuyển tập thơ họ Vương dày cả ngàn trang. Thơ của một dòng họ, mới chỉ hơn mười đời trở lại đây đã dày dặn thế, chất lượng thế. Không biết ở Nghê An còn có dòng họ nào được như thế nữa không? Thạch Quỳ và Vương Trọng là vai chú, vai cháu với nhau nhưng cũng sàn sàn tuổi nhau. Vương Trọng Tổng hợp Toán, còn Thạch Quỳ Sư phạm Toán. Có nhiều cái cùng nhưng hai nhà thơ họ Vương này khác nhau xa lắm. Thạch Quỳ cá tính, gai góc còn Vương Trọng thì nho nhã, chuẩn mực. Khi viết những dòng này, tôi chợt nghĩ, cũng hai nhà thơ đồng hương mình thân, sơ như nhau, vậy mà khi vẽ chân dung Thạch Quỳ, mình có tứ trong đầu ngay, còn Vương Trọng thì chịu, thì khó quá! Hóa ra, nhà thơ càng lộ diện phần ngoài thơ bao nhiêu thì càng dễ vẽ chân dung về họ bấy nhiêu!

 Thạch Quỳ - Hạt Bụi. Thạch Quỳ - Gã Khổng lồ. Hạt Bụi và Gã Khổng lồ tưởng không bao giờ đi cùng nhau. Tưởng chúng là hai đại lượng ngược chiều nhau nhưng trong trường hợp của Thạch Quỳ nó lại tương hỗ nhau. Về Nghệ An, rủ Thạch Quỳ ra một cái quán cóc làm vài chai Halida. Trông Thạch Quỳ chẳng khác gì những hạt bụi giữa đám bụi người đông đảo. Nhưng đánh hai chữ Thạch Quỳ vào google thì có hàng ngàn thông tin về lão. Hãy cứ dùng phương pháp loại suy thơ Nghệ, hay thơ Việt cũng được, đến lượt lọt xuống sàng thì “hạt tấm” Thạch Quỳ đòi hỏi “lỗ sàng” phải lớn bằng cái nia rồi. Chẳng phải Thạch Quỳ khổng lồ là gì! Chính cái “hạt bụi”- Thạch Quỳ giữa đời thường đã tôn cao Thạch Quỳ - Gã Khổng lồ trong văn chương Việt đấy!  Đó là mối quan hệ tỷ lệ nghịch với nhau mà ông thầy dạy Toán cấp Ba đã sớm nhận ra điều đó trước nhiều người khác!

Lần tôi gặp Thạch Quỳ gần đây nhất, rước lão đi uống bia, lão bảo: Anh đang bỏ dần: bỏ thuốc lá, bỏ rượu và đang trên đường tiến tới bỏ bia. Tôi sắm hỏi: Sao hôm nay không thấy em Trần Thu Hà đi cùng anh? Hay anh cũng đang…

Nhân đây, cũng muốn nhắc một chút, cho vui, chuyện yêu, chuyện bồ của Thạch Quỳ, nó ly kỳ, hấp dẫn, nhiều tập lắm!  Hay như phim tâm lý Hồng Kông. Tôi muốn đem vào bài viết này vài chuyện cho nó xôm, nhưng lại sợ, người ta xúm vào xem phần yêu của Thạch Quỳ mà sao nhãng phần thơ, phần người của Thạch Quỳ - Mà đó mới là cái tôi muốn gửi tới bạn đọc trong bài  viết nhỏ này!

Vũng Tàu, 10/2/2014.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Gừng càng già càng cay
Nhà thơ Ngô Xuân Hội viết về nhà thơ Nguyễn Tùng Linh
Xem thêm
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh và sự dấn thân với ‘di sản văn học miền Nam’
Đây là Chuyên luận với nhiều trữ lượng thông tin quý và bổ ích về di sản văn học miền Nam 1954 -1975, với độ dày gần 600 trang. Tập sách được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm cẩn, khai mở nhiều thông tin hay và có giá trị.
Xem thêm
Thi ca điểm hẹn: Nguyên Hùng ký họa thơ và nhạc
Chương trình của VOH, Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Lâm Xuân Thi và những vần thơ mang nhiều nỗi niềm suy tư, trắc ẩn!
Bài viết của nhà văn nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Phạm Phương Lan và những câu thơ Nút ra từ đá
| “Nứt ra từ đá” (thơ song ngữ Việt - Anh, NXB Hội Nhà văn 8/2024) là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Phạm Phương Lan (SN 1973, quê Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM). Trước đó, từ năm 2008, độc giả biết đến chị qua những tập thơ như: “Không là gió mây”, “Góc trọ hồn người”, “Khâu tình”, “Mật ngữ em” v.v... và một số ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị...
Xem thêm
Dấn thân vào con đường văn chương
Ở tuổi 80, nhà thơ Trần Nhuận Minh sáng tác và xuất bản sách nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời ông.
Xem thêm
Nhà văn Xuân Phượng đi và đến...
Bài viết của nhà thơ Văn Công Hùng trên Người đưa tin
Xem thêm
Phùng Quán – Người đặc biệt nhà số 4
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
Xem thêm
“Khắc đi… khắc đến” - Bước chân của một nghị lực phi thường
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 139, ngày 05/9/2024.
Xem thêm