TIN TỨC

Kỷ niệm riêng với Duật

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-10-24 08:20:09
mail facebook google pos stwis
321 lượt xem

CHỢT NHỚ VÀ KHÓ QUÊN

TÔ HOÀNG

1. Thuở còn là sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm I Hà nội, Phạm Tiến Duật thường bị anh em trêu chọc vì cái mũi hơi khoằm, chân tay dài ngoẵng, dáng dấp con gái. Trong cái túi vải đựng sách vở đeo bên hông, bao giờ anh cũng mang theo một cuốn sổ nhỏ chép những bài thơ ngắn, nửa như ca dao. Nhưng it ai đoán định được rằng, sau này anh sẽ trở thành nhà thơ. Vì anh rất say mê và nhiệt tình tham gia tốp ca nam của khoa, dàn đồng ca của trường.

Đầu tháng 8 năm 1964, vừa nhận tấm bằng tốt nghiệp xong, chúng tôi xung phong nhập ngũ. Mang mộng văn chương, cần phải xê dịch, không thằng nào thích nghề “gõ đầu trẻ” cả. Tôi, Vương Trí Nhàn, Phạm Tiến Duật được điều về Sư đòan 316, Quân khu Tây Bắc, được huấn luyện thành lính bộ binh, chuyên đánh rừng. Sau sự kiện mồng 5 tháng 8, đất nước đã bước vào thời chiến. Các đơn vị quân đội luôn ở tình trạng báo động số 1, số 2. Bị quần thảo tập tành vượt những đỉnh núi cao, những ngọn thác dữ; bữa ăn chỉ có độc món bí đỏ; nhớ Hà Nội, nhớ những nàng Đu-xi-nê(1) vô tả, nhưng rất vui vì được thử thách, vì sổ tay dày lên những dòng ghi chép mới lạ, hứa hẹn cho những trang văn sau này.

Sau sáu tháng huấn luyện, đánh đùng một cái chúng tôi bị gọi trở về Hà nội. Té ra, “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”. Cho làm lính vừa đủ biết mùi vậy thôi, bây giờ đeo binh nhì về dạy văn hóa tại các binh quân chủng. Chúng tôi nhảy dựng lên làm đơn gửi khắp nơi xin được về các đơn vị, xin vào Nam chiến đấu. Để có cơ hội mà trở thành những Konstantin Simonov, Ilya Erenbuar, Ernest Hemingway. Tôi gặp may vì được gọi nhập học lớp đào tạo phóng viên chiến trường. Vương trí Nhàn nhăn nhó vì có thể sẽ bị điều sang Quế Lâm (Trung Quốc) chăn dắt đàn vương tôn công tử con các vị tướng, tại trường Nguyễn văn Trỗi. Phạm Tiến Duật vẫn dạy học ở Cục Vận tải quân sự. Chẳng bao lâu sau, “chú chuột” này sa chĩnh gạo: Cục Vận tải quân sự sát nhập về Bộ Tư lệnh 559 và từ đó Phạm Tiến Duật bắt đầu quãng đời Trường Sơn Đông nhớ Trường sơn Tây!

 

2- Mùa Xuân năm 1966 tôi bước qua cánh cổng Khóa đặc biệt tập huấn văn nghệ sỹ-phóng viên quân sự cung cấp cho các chiến trường. Khóa học mở tại Trường Tuyên giáo T.Ư – bây giờ hình như là cơ ngơi của Học viện Báo chí-Tuyên truyền. Thời gian học kéo dài tới kéo dài đâu đó tới 9 tháng. Ban ngày lên lớp, ban đêm đeo những ba lô gạch nặng trên 20 ký luyện tập cho “chân cứng đá mềm” để vượt Trường Sơn. Những cuộc “hành quân đêm” đầy náo nức, rưng rưng tự hào ấy thường bắt đầu từ 7g30 tối, “cua” một vòng đi tới Xuân la, Xuân Đỉnh, lên đê Nhật tân, Yên Phụ vòng về đường Thanh niên, qua quảng trường Ba đình, theo đường Kim mã Cầu giấy mà về trường. Những buổi tối ấy, quãng đường trên chục cây số ấy, đương nhiên là đi bộ, sống áo sũng ướt mồ hôi, đôi vai đau ê ẩm, đôi bắp chân nhừ mỏi. Tại khóa học này, tôi được làm quen với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, ông Xuân Vũ (tác giả của “Xương trắng Trường sơn” sau này), các họa sỹ Lê Lam, Nguyễn Thanh Bình… các nghệ sỹ múa trẻ Việt Cường, Minh Nguyệt, Phương Thảo… và chị Loan (lúc đó còn là người yêu chưa cưới của nhà văn Anh Đức), cùng nhiều nhà báo, phóng viên VNTTX biệt phái cho các chiến trường…

Một khóa học có rất nhiều kỷ niệm, nhiều chuyện để kể, nhưng thôi xin quay lại câu chuyện dở dang về Phạm Tiến Duật.

Duật “biệt tăm, biệt tích” rất lâu, chả biết phiêu dạt tới mảnh đất máu lửa nào, sống chết ra sao? Bước sang Thu, tôi bỗng nhận được một phong thư, dấu bưu điện Hà nội, nhưng bằng vào nét chữ nhận ngay ra thư của Duật. Chắc Duật ở tận đâu đó, nhờ ai ra công tác Hà nội bỏ dùm vào thùng thư. Tôi mừng hú, vội sé ngay bì thư. Một mảnh giấy ố vàng, nhàu cũ, không ngày tháng, không thân mến, yêu thương gì cả mà mở đầu ngay bằng… thơ:

Người làm thơ ấy đang trai,

Ra đi cổ áo mang hai lá cờ

Những là ngày thức đêm mơ.

Làm thơ vốn vẫn làm thơ vì Người.

Yêu Thơ lẫn với yêu Đời,

Yêu chung chưa gửi cho người yêu riêng

Vẫn thường thức giấc nửa đêm,

Lại tìm cây bút làm thêm một bài.

 

Người làm thơ ấy đang trai…

Ngay phía dưới là một dòng ngắn ngủi: “Bài thơ này không có kết thúc. Câu cuối cũng là câu mở đầu.  Cứ thế mà đọc. Hoàng, hôm qua đơn vị phong cho mình lên binh nhất, mình không nhận. Bởi cứ là Binh nhì mình mãi mãi được mang hai lá cờ trên ve áo (2)”.

Chấm hết! không mảy may một thông tin nào khác!

Năm 1997, ngồi tại quán cà phê đối điện với toàn soạn báo Văn Nghệ trên đường Trần Quốc Toản, Hà Nội có mặt các nhà thơ Bế Kiến Quốc, Phạm Đình Ân, Hoàng Nhuận Cầm… và đương nhiên là có cả Duật, tôi đã cho “công bố” để xin được “giữ bản quyền” bài thơ ấy, lá thư ấy. Chính Phạm Tiến Duật cũng không nhớ nổi đã ngẫu hứng viết ra những câu thơ như vậy.           

 

3- Với một bài thơ không nổi tiếng lắm trong chùm thơ Trường Sơn, bài Đồng chí lái chính, đồng chí lái phụ và Tôi, Duật viết:

Trong khi bụi mù tứ phía

Tôi muốn xoay cửa kính lên

Đồng chí lái chính không muốn

Đồng chí lái phụ ngồi yên

 

Giữa đường gặp một cô gái

Tôi nghĩ cô này xinh đây

Đồng chí lái chính hớn hở

Đồng chí lái phụ cau mày…

Buồng lái những chiếc xe tải quân sự thừa chỗ cho lái chính, lái phụ, thêm một chàng “ Tôi” nữa thì có chật chội gì? Huống hồ chàng “Tôi” ấy lại là một cử nhân văn chương, biết đủ thứ chuyên kim cổ, đông tây; cùng tuổi với lái chính lái phụ, cùng bừng tỉnh ngủ khi tình cờ xuất hiện “những bóng hồng” trên đường. Gạo, mì chính, thịt hộp, lương khô thì cánh lái xe dư thừa. Khi xe bị pa-ti-nê trong bùn lầy hoặc lúc xe lên lên dốc chàng “Tôi” săm sái, năng nổ ghé vai đun đẩy cùng họ. Chàng “Tôi” ấy lại bình tĩnh khi xe vượt trọng điểm đang nhóang nhòang trong lửa đạn. Hoặc cùng lái chính, lái phụ và đám thanh niên xung phong dỡ hàng trên xe xuống khi phía đuôi xe lửa napal đã bén cháy. Duật đi theo những chuyến xe chở đạn, gạo, chở thương binh vượt các cung đọan địch đánh phá ác liệt trên đường Trường Sơn như đi trong một giấc mộng đẹp. Những năm ấy tôi cũng có dịp vào, ra Trường Sơn dăm ba lần mà gặp được Duật thật khó. Có tin anh đang ở trạm giao liên phía trước. Đi vượt trạm, tới nơi, anh đã rời trạm đi rồi. Lại có khi, biết anh đang đi với đội xe vào, đón đường chờ, thất vọng vì anh rẽ lên thăm một chốt phòng không cheo leo trên đỉnh núi. Lính lái xe, thương bệnh binh đều như tự hào, sung sướng vì được gặp anh, đều khoe họ thuộc nhiều bài thơ của anh, vừa mới được nghe anh đọc thơ tối hôm qua, tối hôm kia. Và sau rốt, anh chị em đều rút trong túi ngực ra bài thơ anh tự tay chép tặng mỗi người. Duật thuộc quân số Ban Tuyên huấn, Cục Chính trị, Đoàn 559. Anh dễ dàng xin cánh văn thư một xếp pơ-luya để chép thơ tặng đồng đội. Nhưng anh không thích như thế. Anh xin cánh pháo thủ thứ giấy bao ngòi liều đạn cối, đạn pháo tích sẵn trong ba lô lính để dùng làm giấy chép thơ. Nét chữ của Duật khá bay bướm, phía dưới mỗi khổ thơ anh đều vẽ một bông hoa nho nhỏ. Ngay cả phía cuối chữ ký của anh cũng ngoắc thêm một bông hoa như thế. Những bài thơ chép tay trên mẩu giấy dầu xé vội, lem nhem dầu mỡ, khói đạn, bùn đất Trường sơn – theo Duật có gì đó chiến sự hơn, đời hơn. Duật thường khoe, anh vừa sáng tác, vừa làm luôn công tác in ấn và phát hành là như vậy đó.

 Những lần tình cờ gặp Duật trên Trường Sơn hoặc khi Duật ra Hà nội, tuyệt nhiên không bao giờ thấy anh than van súyt bị bỏng vì xe tải cháy ở nơi này, thóat chết ở nơi khác. Chỉ thấy anh khoe những nơi đã tới, chàng chiến sỹ dũng cảm ở ngầm cạn này, cô thanh niên xung phong gan góc ở cua đường chữ A kia. Và đọc những bài thơ mới. Một điều thích thú khác là anh luôn gắng tìm mua bằng được báo “Khoa học và Đời sống”. Thuở ấy, ở Hà nội, không có những tờ báo, tạp chí hoặc mạng intenest đăng mọi thứ chuyện cần biết hoặc tò mò muốn biết như bây giờ. Duật đọc báo “Khoa học và Đời sống” thâu gom các kiến thức về cây cỏ, hoa lá, chim muông, mưa nắng… để bất ngờ tạo những chi tiết hay trong các bài thơ Trường Sơn mà chúng ta bắt gặp bây giờ. Thêm một cách gom nhặt chất liệu sống!

 Nhiều người đã viết, đã nói về cái hay, cái đặc sắc trong thơ Trường sơn của Phạm Tiến Duật. Hồn thơ, dĩ nhiên, đó là sức rung động của anh đối với cuộc sống, con người và những kỳ tích của Trường Sơn huyền thọai. Cách diễn đạt của thơ anh có phần hơi…sẩm xoan, bởi lẽ cái hiện thực anh chứng kiến hàng ngày khó khuôn bó chỉ trong thơ mà cứ muốn tuồi sang địa hạt văn xuôi. Còn cái làm nên giá trị của thơ anh-phải nói thẳng thừng ra rằng, không có nhà thơ nào, kể cả lớp đàn anh lẫn lớp cùng thời, đã lăn lộn, đã sống chết với từng cung đường Trường Sơn; đã san sẻ vui buồn, âu lo, cùng với những người lính Trường Sơn như Duật. Anh viết: “Muỗi bay rừng già cho dài tay áo. Hết rau rồi em có hái măng không?”.  Anh viết:” Mai ngày giã bạn ta về. Nghe tiếng kẹt cửa nhớ tre rừng Lào”. Anh viết:” Mấy con chó đùa rỡn nhau trong rừng vắng. Gợi nhớ rất nhiều ngõ nhỏ trẻ con chơi”… Những chi tiết, những liên tưởng sống động, cụ thể như thế rất nhiều trong thơ Duật và dễ gì mấy ai gặt hái được!

 

4- Hồi tôi sống ở chiến trường B3 (Tây Nguyên) anh em thường kháo nhau: Ra Binh trạm 47 (Binh trạm cuối cùng của tuyến đường Trường Sơn, nằm trên đất Nam Lào), tìm đường đường tới bản Dak-Tụt, đi một ngày tới bản Lăn Tăn, thêm nửa ngày nữa tới huyện lỵ Lằng Khằng. Ở đó sẽ gặp những ngôi chùa bom đạn chưa phá hủy, ngan ngát hương thơm hoa đại; những nhà sư Lào mặc áo cà sa màu vàng, những cô gái Lào da trắng bóc, má lúm đồng tiền ngồi quay xa dệt vải... Chao ơi là thèm khát, là ước ao với những thằng lính quanh năm ở rừng như chúng tôi. Bỗng một đêm nghe Đài Phát thanh Tiếng nói Việt nam ngân nga bài thơ Hang đèn chín ngọn của Duật trong đó có câu:

Buổi tiễn nhau, chỉ buộc tay rồi đó

Chăm- pa đi Lằng khằng huyện nhỏ

Vào dân quân…

Ôi, thằng cha đã vào tận nơi đó trước mình rồi sao?

TP HCM, tháng cuối năm 2010, ngày Duật mất.

Ghi chú:

(1)Nàng Đu-xi-nê, người tình trong mộng của Don Kihote trong tác phẩm cùng tên.

(2)Phù hiệu trên 2ve áo chiến sỹ Binh nhì là ngôi sao trên hình chữ nhật màu đỏ, dễ gợi hình ảnh lá cờ Tổ quốc. Được phong lên Binh nhất, tức tăng thêm một cấp, gắn thêm một ngôi sao nữa, thành hai ngôi sao, phù hiệu không còn mang dáng hình lá cờ nữa.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Những chuyện “trên đường”...
Nguồn Văn nghệ số 20/2023
Xem thêm
Hơn cả hạnh phúc
Nguồn: https://nhandan.vn/
Xem thêm
Tháng ba ở Tây Nguyên
Bút ký của NGUYỄN TRƯỜNG trên Văn nghệ số 13 (01/4/2023)
Xem thêm
Ai về nơi ấy cho tôi biết…
Ký của Nguyễn Ngọc Hải
Xem thêm
Khi đã vượt giới hạn
Nguồn: Lao Động cuối tuần
Xem thêm
Tôi là con dâu xứ Nẫu
Elena Pucillo là nhà văn người Italia, từng dạy tiếng Pháp và văn minh Pháp tại ĐH Milano, Italia. Hiện bà đang dạy tiếng Italia tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và văn hóa Pháp tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Bà sáng tác truyện ngắn, tùy bút, tản văn bằng tiếng Italia. Tác phẩm của bà đến với bạn đọc việt nam nhờ những bản dịch tiếng Việt của chồng là nhà văn Trương Văn Dân.
Xem thêm
Hoàn thiện - một hành trình nhọc nhằn
Sự tiếp nối và sự hoàn thiện là một hành trình nhọc nhằn, quá đỗi nhọc nhằn.
Xem thêm
Với nhà thơ Giang Nam | Hồi ký của Trần Thị Thắng
Bài viết rút từ tập “Con chữ soi bóng đời”, in năm 2005.
Xem thêm
Mộng đào xuân giữa Hà Nội phố
Một e ấp nụ chúm chím đôngHai mê hoặc hoa hư ảo hồng
Xem thêm
Vượt qua mùa thương đau
Bài đăng trên Thời Nay (Nhân Dân)
Xem thêm
Gã Phục điên từ bao giờ?
Tôi viết những dòng này không nhắm “rủa” ông bạn vàng của tôi- nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Cũng không nhắm biện minh cho những gì anh đã và đang nói; đã và đang làm hôm nay.
Xem thêm
Mùa đông, tản mạn về cha tôi - Tản văn của Nguyễn Văn Ngọc
Chiều nay, chiều mùa đông đầu tiên, tôi rảo bước trên con đường quen thuộc mà ngày xưa cha tôi đi dạy học thường qua đây. Ngọn gió mùa đông khua trên hàng cây thưa thớt, bứt tung lá vàng còn sót lại của ngày thu, gom nhặt về phía cuối đường. Ký ức mùa đông lại ùa về thăm thẳm trong hồn tôi với bóng hình người cha dắt bao mùa đông lầm lũi, buốt giá đi sau chiếc xe đạp đã cũ đến trường.
Xem thêm
Người dưng ở Sài Gòn
Phương chết! Ba thằng khóc nhiều. Mà đâu phải họ hàng ruột thịt gì, chỉ là người thuê và chủ nhà cho thuê.
Xem thêm
Thương mái đình quê – Bút ký Thanh Tuân
Làng tôi đi qua mưa gió. Nghiêng nghiêng thời gian đổ rêu xuống mái đình. Nghiêng nghiêng tình yêu nhóm lên ngọn khói trầm thơm thơm mái đình. Nghiêng nghiêng nỗi nhớ của người con tha phương gởi về mái đình chốn cố quận.
Xem thêm
Lời gửi những bông tuyết – Tản văn của Huỳnh Như Phương
Những bông tuyết đầu mùa rơi nhẹ trên sân bay Sheremetievo-2 ngày đầu tiên tôi đến Moskva.
Xem thêm
Giỗ bạn - Bút ký Trần Ngọc Phượng
Mọi năm vào ngày 27/7 hoặc 30/4 anh em bạn lính hay tập trung về nhà anh Khảm Long Khánh để họp mặt và làm mâm côm giỗ bạn. Những năm gần đây trên bàn thờ đặt thêm con heo quay. Giỗ chung cho tất cả bạn bè đã hy sinh trong chiến tranh Bao nhiêu người đã bỏ mình trong rừng sâu, chết vì đánh nhau với giặc, chết vì pháo bầy B52, vì bị địch càn quét , phục kích, chết vì sốt rét ác tính, vì cây đè lũ cuốn…
Xem thêm
Chim câu tung cánh
Bút ký của Nguyễn Trường trên báo Văn nghệ số 45 (ngày 5-11-2022)
Xem thêm