- Bút ký - Tạp văn
- Thương một nhà văn cao tuổi
Thương một nhà văn cao tuổi
PHÙNG HIỆU
Nghe tin một nhà văn cao tuổi (85 tuổi) là Hội viên Hội Nhà văn TPHCM, cũng là người tôi quý mến bị bệnh ung thư và khó qua khỏi trong thời gian tới. Tôi lật đật chạy đến thăm ông dưới cái nắng hè oi bức.
Ảnh minh họa thay cho nhân vật trong bài
Trong căn phòng nhỏ của căn hộ chung cư cao tầng, tôi nhìn thấy một ông lão gầy gò, ốm yếu đang nằm liệt trên giường với khuôn mặt lờ đờ, hốc hác, nhưng khi vừa nhìn thấy tôi thì ông lộ vẻ vui mừng:
Chú cứ tưởng cháu bận việc không đến gặp chú được, nhưng giờ cháu đến rồi thì chú muốn chia sẻ và nhờ cháu một việc.
Nghe ông nói bằng hơi thở nặng nề, chân tay cử động khó khăn và có vẻ đau đớn, tôi thấy xót thương và cảm động.
Cầm cánh tay gầy còm, run rẩy của ông, tôi khuyên nhủ:
Chú cứ nằm yên cho khoẻ, cháu còn ở đây lâu, từ từ rồi nói chú ạ!
Trước khi ông đi vào câu chuyện của mình, ông không quên hỏi thăm tôi và gia đình có khoẻ không, công việc thế nào.
Tôi nói gia đình vẫn khoẻ và tôi vẫn ổn.
Nghe xong ông gục đầu rồi kéo tay tôi xuống rót nhỏ từng câu:
Này, chú muốn nhờ cháu một việc. Số là chú nằm viện mấy tháng nay, nhưng bệnh tình không thuyên giảm mà còn có phần tăng nặng. Tuần trước, bác sĩ khuyên về nhà dành chút thời gian còn lại để gặp gỡ con cháu…
Chú năm nay đã ngoài 85 tuổi, được sống trên đời như vậy cũng đã quá thừa rồi, chú không thiết sống thêm nữa. Nhiều đêm cơn đau ập đến, toàn thân chú đau buốt, nhức nhối như kim châm, kg thể cử động được. Nó đau đến mức mà chú muốn chết ngay tức khắc, chứ không thể chịu nổi. Rồi chú lại mê man. Gía như trong cơn mê đó, chú “đi” luôn thì thật là khỏe cho cái thân chú quá. Chú nghe nói ở các nước tiên tiến họ có loại thuốc giúp cho những người bị ung thư được “đi sớm”, cháu xem ở ta có loại thuốc nào tương tự như vậy mua giúp cho chú được kg? Đấy là cách cháu giúp đỡ cho chú được toại nguyện và có thể chạy thoát được những cơn đau khắc nghiệt.
Tôi nghe chú nói mà tôi rơn rớm nước mắt. Rồi nhìn chú, tôi lắc đầu:
Chú à, chú đừng nên nghĩ quẫn và tuyệt vọng như thế. Ông trời sinh ra con người phải trải qua sinh lão bệnh tử, còn sống ngày nào thì mình vui vẻ với con cháu ngày ấy, đấy là giá trị quý báu của sự sống. Còn chú nhờ cháu đi mua thuốc để “giải quyết” thì khác nào cháu đi giết chú? Cháu chắc chắn không làm như vậy được.
Nghe tôi nói thế ông tỏ vẻ thất vọng, nhưng rồi ông tiếp:
Hay là khi nào chú ngồi dậy được, chú sẽ tính đến phương pháp dùng điện? Chú tìm dây điện chích vào người sẽ chết nhanh hơn. Như vậy sẽ đỡ khổ cho con cháu, vì mỗi khi nhìn thấy chú đau đớn, ai cũng xót lòng và thương khóc. Thà chú chết một lần cho khoẻ thân chú và cho cả gia đình.
Nghe ông nói dùng điện để kết liễu mình, tôi một lần nữa lại can ngăn:
Tuyệt đối không nên làm vậy chú à. Chú dùng điện lỡ gây ra cháy nổ thì không những ảnh hưởng những người ở trong gia đình, mà còn ảnh hưởng đến cả cái chung cư này nữa. Tốt hơn, mỗi khi bị đau đớn, chú cứ cố tịnh tâm mà niệm phật, biết đâu chú sẽ ra đi trong nhẹ nhàng và thanh thản.
Thấy không thể thuyết phục được tôi, ông lặng yên vài dây rồi nói:
Thôi, giờ chú có nói gì thì cũng không thuyết phục được cháu. Hy vọng sau khi chú mất đi, linh hồn chú sẽ được nhìn thấy những đồng nghiệp văn chương tiễn đưa chú bằng vài nén nhang nhân nghĩa.
Vâng, cháu sẽ giúp chú điều đó. Chắc chắn chú sẽ nhìn thấy được bạn bè văn chương tiễn đưa mình về nơi đất mẹ. Nói câu này với ông, tôi thấy mắt mình như đã rưng rưng.
Chia tay ông, tôi nặng trĩu ra về và không quên dặn người nhà của ông hãy canh chừng ông và cất hết dây điện.
P.H