- Lý luận - Phê bình
- Tình khúc phương Nam - Một bài thơ gợi nhiều cảm xúc
Tình khúc phương Nam - Một bài thơ gợi nhiều cảm xúc
TÌNH KHÚC PHƯƠNG NAM – MỘT BÀI THƠ GỢI NHIỀU CẢM XÚC
Tiến sĩ Hoàng Thu Thủy
Như là có duyên với nhà thơ Vũ Thanh Hoa vậy, trong số nhiều bài thơ của nhiều nhà thơ gửi dự thi trên trang vanchuongthanhphohochiminh.vn, tôi dừng lại ở bài thơ “Tình khúc phương Nam” của chị. Có phải vì tứ thơ? Có phải vì hình tượng thơ?
Tình khúc phương Nam - Vũ Thanh Hoa
Sài Gòn bị thương, phương Nam bị thương
cả nước thắt lòng nỗi đau dịch bệnh
những giọt mồ hôi rơi cùng nước mắt
hồi sức trái tim thoi thóp hụt hơi
anh ở nơi đâu: miền Bắc? miền Trung?
trong khẩu trang, kín mít đồ bảo hộ
tên em, tên anh chúng mình không biết
trao yêu thương như một gia đình
chúng mình hồi sinh nhau
dìu nhau qua dòng sông sinh tử
gột rửa nỗi buồn mất mát
người đàn ông em còn chưa biết mặt
tặng anh tình khúc Phương Nam.
“Sài Gòn bị thương, phương Nam bị thương”, cái nhìn của nữ thi sĩ không dừng lại chỉ riêng Sài Gòn, mà cả phương Nam, nơi mà mỗi ngày đêm con số tử vong, con số nhiễm bệnh, con số F0, F1… cứ bỏng cháy trong tâm can của mỗi công dân ở bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam… “cả nước thắt lòng nỗi đau dịch bệnh/ những giọt mồ hôi rơi cùng nước mắt/ hồi sức trái tim thoi thóp hụt hơi”. Mồ hôi và nước mắt của ngàn vạn con người trong dịch bệnh Covid-19 thật tàn khốc; biết bao y, bác sĩ ngã gục sau những ngày làm việc căng mình hết sức, hụt hơi; cũng đã có những y, bác sĩ hi sinh nơi tuyến đầu; những con số như những nhát dao đâm vào tim chúng ta. 1.500 cháu mồ côi cha mẹ, những nhà văn, nghệ sĩ ra đi khi đang độ tuổi sung sức trong sáng tạo. Cũng có người chiến thắng và trở về “chói lọi”… Những câu thơ chị viết ra nhẹ nhàng nhưng ám ảnh, đớn đau và dư chấn…
“anh ở đâu: miền Bắc? miền Trung?/ trong khẩu trang, kín mít đồ bảo hộ/ tên em, tên anh, chúng mình không biết/ trao yêu thương như một gia đình/ chúng mình hồi sinh nhau”. Câu hỏi tu từ mở đầu khổ thơ thật thương mến, câu thơ bình thường như một cuộc hội thoại bình thường, mà đúng hơn là độc thoại nội tâm của cái tôi trữ tình thi nhân. Em và anh không biết nhau, không kịp hỏi han nhau vì mục tiêu “chúng mình hồi sinh nhau” khẩn thiết hơn, cấp bách hơn. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp từng có những câu thơ như vậy “Anh với tôi đôi người xa lạ/ Từ phương trời chẳng hẹn quen nhau” (Đồng chí – Chính Hữu), những người lính xa lạ khi ở bên nhau cùng chống giặc họ đã trở thành “tri kỉ”. Bây giờ, trong trận chiến khốc liệt với Covid-19, anh và em không biết nhau vì khẩu trang, vì bộ đồ bảo hộ kín mít, nhưng cùng “trao yêu thương như một gia đình”; miền Bắc, miền Trung cùng vào Nam chống dịch, cuộc chiến này không đầu rơi, máu chảy, không bom đạn tơi bời, mà khốc liệt hơn, tàn khốc hơn bởi con vi rút vô hình đã lấy đi hàng ngàn sinh mạng, đã đẩy hàng ngàn người vào cảnh khốn cùng, không việc làm, không giao tiếp, hết đợt giãn cách này sang đợt giãn cách khác…
Khổ thơ cuối cảm xúc thật da diết, đọc lên thì nhẹ tênh mà nồng nàn một tình cảm mến thương của rung cảm từ trái tim nữ thi sĩ: “Dìu nhau qua dòng sông sinh tử/ Gột rửa nỗi buồn mất mát/ Người đàn ông em còn chưa biết mặt/ tặng anh tình khúc phương Nam”. Tình khúc phương Nam là nơi níu kéo, gìn giữ tình cảm sẻ chia của đồng bào miền Bắc, miền Trung với đồng bào miền Nam. Chọn đối tượng trữ tình là “anh”, giọng mến thương càng thêm quyến luyến, lòng biết ơn càng thêm sâu nặng, tình người càng thêm đằm sâu, bởi chúng ta đang cùng nhau “Dìu nhau qua dòng sông sinh tử” – thật xót xa mà không tuyệt vọng. Hiện thực và cảm xúc hòa quyện trong tứ thơ “Tình khúc phương Nam” đọng lại trong chúng tôi một nỗi thương cảm, một sự sẻ chia, đồng cảm. Vượt qua những quy ước nghệ thuật như biểu tượng, tượng trưng, cách điệu, lí tưởng hóa... những vần thơ dung dị bỗng trở nên ám ảnh…
Huế ngày 18/9/2021
TS. Hoàng Thị Thu Thủy