TIN TỨC

Tùng ơi!

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-03-09 23:11:55
mail facebook google pos stwis
1539 lượt xem

 Trần Thế Tuyển

(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) - Sáng sớm 7-3, mở điện thoại, tôi nhận được hung tin do NSƯT Lê Thụy nhắn: “Anh ơi! chú Tùng HTV, nó mất đêm qua rồi!”.

Không tin nổi, tôi gọi lại cho Lê Thụy. Thụy xác nhận Dương Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM đã mất vì đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Giọng Lê Thụy nghẹn ngào: “Hôm qua, từ chỗ anh về, em có gọi hẹn tuần tới, anh em mình gặp Tùng bàn chuyện làm cầu truyền hình Linh khí quốc gia nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Thế mà nay, nó (Dương Thanh Tùng) bỏ anh em mình ra đi”.
Tôi lặng hồi lâu. Những ký ức về người em, người bạn đồng nghiệp mấy chục năm nay như cuốn phim chiếu chậm.
Hơn 30 năm trước, lần đầu tiên tôi gặp Tùng tại Đài Truyền hình TPHCM. Hôm ấy, anh Mã Diệu Cương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, lúc đó là Phó Ban Thời sự của HTV giới thiệu với tôi nhóm nhà báo trẻ đầy năng động của đài, trong đó có Dương Thanh Tùng.

Hỏi thăm, tôi mới biết Dương Thanh Tùng là con trai của cụ Dương Nghiệp Chí, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao. Hồi đó, anh Mai Bá Thiện, Phó Phòng Tuyên huấn Quân khu 7 phân công tôi làm biên tập viên chương trình truyền hình Quân khu 7 mỗi tuần một lần phát trên kênh 9 của Đài HTV. Vì thế, tôi thường xuyên có mặt tại đài, gặp các anh Phạm Khắc, Đinh Phong, Trương Nghĩa Tiến, Mã Diệu Cương và cả Dương Thanh Tùng nữa. Hai anh em chúng tôi quý mến nhau ở cách làm việc.

Ông Dương Thanh Tùng, Tổng Giám đốc HTV. Ảnh: HTV

Tôi thích sự góc, dấn thân, vượt lên chính mình của “nhà đài” trẻ Dương Thanh Tùng. Sau này, Tùng được giao phụ trách Trung tâm Tin tức rồi đảm nhận nhiệm vụ Phó Tổng Giám đốc HTV. Khi Báo SGGP mở chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, chính anh Mã Diệu Cương lúc đó là Phó Tổng Giám đốc HTV đã giao cho Tùng và đạo diễn Việt Bình cùng chúng tôi xây dựng 38 phóng sự về Trường Sơn huyền thoại.
Lại nữa, khi Báo SGGP mở chuyên mục chính luận bàn về vấn đề “Chủ nghĩa xã hội – trào lưu hay quy luật tất yếu”, lãnh đạo HTV lại giao cho Dương Thanh Tùng cùng chúng tôi mở chuyên mục bàn về vấn đề chính trị “nóng” này.
Năm 2016, Dương Thanh Tùng được giao làm Tổng Giám đốc Đài truyền hình TPHCM, tôi gọi điện chúc mừng. Giọng tự tin, Tùng bảo sẽ cố gắng hết mình cùng tập thể vực đài dậy sao cho xứng đáng với truyền thống và thương hiệu HTV.
Từ đó, tôi thường xuyên theo sát các bước đi của HTV do người em, người bạn nghề yêu quý là Dương Thanh Tùng làm người đứng đầu. Bứt phá, vươn lên, dần dần HTV đã lấy lại phong độ, được mọi người quan tâm, chia sẻ. Không chỉ là bạn xem đài, tôi còn vui lòng nhận lời làm cộng tác viên của đài trong chương trình văn nghệ, đặc biệt là thi ca.
Mới đây, cuối năm 2020, tôi cùng các cựu chiến binh đề xuất UBND TPHCM cho phép thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM. Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngày 12-12-2020, chúng tôi tổ chức gala nghệ thuật Mẹ trong trái tim người lính.

Giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, Dương Thanh Tùng cùng đồng hành với chúng tôi. Không đưa ra yêu cầu tài chính, Tùng cử nhà báo Trần Như Kha phụ trách kênh HTV1 giúp Hội tổ chức thành công chương trình có ý nghĩa chính trị và văn hóa này.
Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7) năm nay 2022, đạo diễn NSƯT Lê Thụy, nguyên là Phó Trưởng ban Văn nghệ HTV, cùng chúng tôi đang xây dựng kế hoạch mời HTV tổ chức cầu truyền hình Linh khí quốc gia tại 4 điểm: Đền thờ liệt sĩ Long Khốt (Long An); Đền thờ liệt sĩ Phú Quốc (Kiên Giang); Đền thờ liệt sĩ Bến Dược (TPHCM) và Nghĩa trang liệt sĩ Tây Ninh. Công việc đang dang dở thì Dương Thanh Tùng vội vã ra đi.
Sáng 8-3, tôi theo dòng người vào viếng Dương Thanh Tùng tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (phía Nam). Dương Thanh Tùng nằm trong lồng kính, mắt dim dim như vừa ngả lưng sau một ngày làm việc vất vả.
Tôi không cầm được nước mắt, bật gọi: Tùng ơi !
Dương Thanh Tùng ơi! Đang độ tuổi cống hiến chín mùi cho sự nghiệp báo chí của chúng ta mà em đã vội vã ra đi. Vô cùng thương tiếc em, người anh em thân yêu, người đồng nghiệp chí cốt mấy chục năm nay!
Em hãy thanh thản ra đi nhé, Tùng ơi…

TPHCM, ngày 8-3-2022
TTT

Bài viết liên quan

Xem thêm
Sức mạnh hoà bình
Khi chiếc F5-E tách khỏi đội hình/ Dưới cánh bay vẫn đường băng của địch
Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm