- Lý luận - Phê bình
- Từ khải ca họa mi đến thực mơ giữa đôi bờ chùa – chợ!...
Từ khải ca họa mi đến thực mơ giữa đôi bờ chùa – chợ!...
Quan sát thấy trên Thi đàn Thơ Việt hiện đã khá đông đảo những doanh nhân là nhà thơ, mà tiếc là tôi chưa thấy các chuyên gia Văn học định vị giá trị thi nhân của họ! Là doanh nhân, họ đã và vẫn đang có đóng góp to lớn, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế nước nhà phát triển. Thế còn địa vị thi nhân của họ thì sao?
Về câu chuyện này, tôi hy vọng chia sẻ như dưới đây có thể hé lộ chút nguyên do?
GỬI BẠN THƠ
Chỉ thực không mơ buồn chết chắc
Chỉ mơ không thực đói vàng răng
Thuyền ai ngự giữa dòng mơ – thực
Lưới cất, vàng reo…
cá lẫn trăng!”
Ngày Doanh nhân Việt Nam, 13/10/2012
(Thơ Trương Vạn Thành., Rút từ tập “Chim họa mi sổ lồng”, Nhà xuất bản Văn học, 2013, tr 52.)
Bài thơ như một tự tuyên về cuộc sống; cũng lại như một khuyên nhủ bạn bè… Nó khiến tôi nhận ra, kinh doanh là CÕI THỰC – để tồn tại; còn thơ là CÕI MƠ – để sống… Một cuộc sống như thế, được thế, mới thật đẹp, thật xứng đáng với CON NGƯỜI, dù cái vòng quay nhân – quả, nghiệp – sinh ở đời vốn vẫn đầy những gian lao trắc trở…
Người có chia sẻ trên kia là nhà thơ Trương Vạn Thành, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thanh Hoa – Sông Đà ở Thanh Hóa, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh mới nghỉ kinh doanh năm 2022, nhưng từ năm 2008 đến nay, Trương Vạn Thành đã cho ra đời 6 tập thơ, đều do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành và hẳn sẽ còn làm nhiều thơ hơn nữa...
Ở đây, bởi không có điều kiện, nên tôi xin dẫn bình hai bài của nhà thơ dưới một cái tiêu đề: KHÚC KHẢI CA HỌA MI VÀ NỖI MIỀM THỰC – MƠ GIỮA ĐÔI BỜ CHÙA – CHỢ !...
1. Bài thơ: CHIM HỌA MI SỔ LỒNG
Mỗi sáng
ngươi ngước nhìn bầu trời
tia nắng đầu tiên
chào ngày mới
hát ca vang lừng
lòng kiêu hãnh vô cùng
Ta nghe
trong tiếng ca của ngươi
suối reo
thác đổ
mây bay
hồ đầy
tiếng ca ngàn đời
lãnh địa
rừng hoang
quyền thế!
Ta nghe
trong tiếng ca của ngươi
cả niềm xót xa giam cầm
khát khao bầu trời
những ngày xưa thương nhớ…
Ta vỗ về ngươi
lồng gỗ đẹp
tấm khăn choàng thổ cẩm
cầu ngang, cóng nước điệu đàng
Những khi
ngươi hót
ta nấp sau khung cửa
đắm duối
mê si
Ôi... tình yêu một phía!
Những khi
tiếp tế cho ngươi
dọn lồng cho ngươi
kẻ nô lệ
là ta
khe khẽ trên môi
điệp khúc
bài ca hạnh phúc
Thế rồi
ngày ấy
ngươi đã bay đi
nơi cửa lồng ta chưa kịp đóng
Ta đứng trông theo
bóng ngươi hun hút phía chân trời
Gió từ cánh vút bay
phả vào mặt ta
mãi còn mơn man nơi sống mũi
Giận ngươi
kẻ khát khao tự do mông muội
để ta
mông muội đợi chờ
Cửa lồng vẫn mở
vẫn đầy nước ngọt lương khô
phòng khi ngươi có đói lòng...
Ta chẳng thèm lường gạt ngươi đâu
cớ sao không một lần trở lại?
Chỉ còn
mùi hương ngai ngái
chút phân khô
lồng hoang
bỏ ngỏ...
Họa mi!
Thành phố Thanh Hóa. 16/12/2011 (Rút từ tập “Chim họa Mi sổ lồng”. Nhà xuất bản Văn học. 2013, tr 58.)
1.1. Đọc cái đầu đề bài thơ, hẳn cũng như ai, điều mà tôi nghĩ đến đầu tiên là câu chuyện chơi chim, một thú vui của bao người chứ chả cứ doanh nhân, cả dù đó là chim họa mi, với cả là khi rủi thay họa mi đã bay đi... bởi “cửa lồng ta chưa kịp đóng”...
Lại nữa, chơi chim ai cũng biết họa mi là chúa tể hót hay, càng nhốt, hót càng hay; nhưng không thể thuần dưỡng thả ngoài lồng được. Họa mi sống và hót hay trong lồng như một tù binh, nhưng nếu “sổ lồng” là nó sẽ bay đi như một chiến binh. Sự bay đi... vào trời xanh, mây trắng, rừng hoang... là bản ngã tồn sinh của họa mi, như một biểu tượng của khát vọng tự do, đã làm nên hình tượng về sự tự do tuyệt đối của thi phẩm!
Vậy nên, nhìn ngẫm cái đầu đề bài thơ, tôi đã tự hỏi, có ngẫu nhiên tình cờ không khi “Họa mi sổ lồng” đã thành một sự kiện thi tứ, cho thi phẩm này, của thi nhân? Câu chuyện “Họa mi sổ lồng” vụt thành câu chuyện tự do về khát vọng của con chim; cũng lại làm thức tỉnh câu chuyện về tự do và khát vọng của con người, mà cái làn ranh mất – còn, cái giới biên vô cùng và hữu hạn... vẫn chưa bao giờ ngưng nghỉ xung đột với nhau, hoán đổi cho nhau... như một bi ca tồn sinh của cuộc sống...
Tôi đọc bài thơ mà thức – nhận được cái thông điệp tư tưởng của thi phẩm, thức – nhận được cái rộng dài cao xa vô tận của “cõi mơ”, giữa biết bao trói buộc, chật hẹp, thấp hèn, của hữu hạn một đời nơi “cõi thực”... Vì thế mà tôi đã gọi bài thơ “Chim họa mi sổ lồng” là khúc khải ca của tự do!
1.2. Cái chất khải ca mà tôi thấy ở đây khởi từ khổ thơ đầu, chính ngay từ chữ đầu tiên của bài thơ! Tôi biết, tùy vào vị thế xã hội, mỗi người có thể đưa ra vô khối những quan niệm của họ về thơ; lại cũng từ động cơ mục đích nghiên cứu mà người ta có thể đưa ra định nghĩa không giống nhau về thơ; trong khi ai cũng thấy, xét đến cùng, thì rõ ràng thơ là chữ nghĩa, là nghệ thuật ngôn từ.
Xin hãy đọc:
“Mỗi sáng
ngươi ngước nhìn bầu trời
tia nắng đầu tiên
chào ngày mới
hát ca vang lừng
lòng kiêu hãnh vô cùng”
Đấy, bạn thấy chưa, đã cảm thấy cái nhịp điệu của từng câu thơ; cái âm giai trầm thống nỗi bi ca khởi đầu từ chữ “MỖI” ở đầu câu thơ, của bài thơ chưa?! Cứ từ chữ nghĩa, thì “Mỗi sáng/...” cũng như là “Sáng sáng/...” ; nhưng nếu tôi viết “Sáng sáng/...”, thì đó chỉ là một sự tả thực; không thể khiến hoài niệm trào dâng như “Mỗi sáng/...” là chữ mà thi phẩm đã dụng tâm chọn lựa. Bởi “ngươi” niềm “kiêu hãnh” ấy đã bay đi rồi, chỉ còn kia là chiếc lồng trống không, trùm lên “ta”, giam nhốt tâm tưởng “ta” mãi vẫn trong vang vọng hoài niệm tiếng ca của “ngươi” mỗi sáng...
“Kiêu hãnh”, phải! “Ngươi” chẳng cần che dấu giá trị đã làm nên bản thân “mi” ! Và, tôi bỗng nhận ra từ sự “sổ lồng” vượt thoát vào tự do của “ họa mi”, là tiếng ca chim để lại, đã như một cái lồng vô hình trùm nhốt, giam cầm “ta” trong đó...
1.3. Thế rồi “Ta nghe...” ..., thế rồi “Ta nghe...”..., tiếng chim và niềm đau hoài vọng cứ tuôn trào hết lớp này qua lớp khác!...
Có khi:
Ta nghe
trong tiếng ca của ngươi
suối reo
thác đổ
mây bay
hồ đầy
tiếng ca ngàn đời
lãnh địa
rừng hoang
quyền thế!
Có lúc:
Ta nghe
trong tiếng ca của ngươi
cả niềm xót xa giam cầm
khát khao bầu trời
những ngày xưa thương nhớ…
.....
Và, thế là chất sử thi bắt đầu những phức điệu làm nên khải ca, hát lên những cung bậc, trạng huống mà “ta” và “ngươi” đã trải qua suốt cả thi phẩm; mà tôi có thể cảm thức đủ đầy qua kết cấu câu chữ ít nhiều, dài ngắn của mỗi khúc đoạn tự do của bài thơ. Để rồi đứng lại là giai điệu dỗi hờn sau cuối... khiến tôi không khỏi chạnh lòng:
“Giận ngươi
kẻ khát khao tự do mông muội
để ta
mông muội đợi chờ
...
Họa mi! ”
Và, tôi hiểu, rồi sẽ vẫn còn vang mãi nỗi khát khao tự do đến “mông nuội” , với vẫn một niềm hoài niệm đến khôn nguôi... Tôi hiểu “mông muội” trong ngữ huống trên đã biểu đạt được mức độ đắm say tình yêu tự do của cả “ngươi” và “ta”, mà không phải là trạng thái “u mê” của ý thức tuyệt đối về giới hạn của nỗi niềm tự do ấy.
Bỗng... tôi lại nghe văng vẳng đâu đây sẻ chia của Thi nhân:
Thuyền ai ngự giữa dòng mơ – thực
Lưới cất, vàng reo…
cá lẫn trăng!”
Và, tôi tin, kẻ đã đứng vững vàng “giữa dòng mơ – thực” hơn nửa cuộc trường sinh thế kỷ không thể không biết “Tự do là cái tất yếu được nhận thức” (Heghen) khi viết xong bài thơ “Chim họa mi sổ lồng” này vào ngày 16 tháng 12 năm 2011...
2. Doanh nhân Trương Vạn Thành giờ đã rút hẳn khỏi “chiến sự kinh doanh...” từng trải ngót nửa thế kỷ tranh đấu không chỉ vì lợi – quyền của bản thân mình. Tập thơ thứ 6, tập mới nhất của anh vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành có tên là : TÔI ĐI GIỮA CHỢ VÀ CHÙA, như nói cho tôi biết phía trước anh vẫn còn đó một hành trình mới!...
2.1. Đây, bài thơ thứ hai: TÔI ĐI GIỮA CHỢ VÀ CHÙA
Phố tôi bên chợ bên chùa
Chợ xưa chùa cũ tứ mùa bình yên
Đã đành ở cũng thành quen
Lao xao chợ với thâm nghiêm nâu sồng
Bên thì sắc sắc không không
Bên thì co kéo từng đồng sớm trưa
Bên thì mõ gõ lưa thưa
Bên thì tất bật rau dưa cua cà
Phố nhà hay có chim sa
Con chim tội nghiệp ai đà phóng sinh
Hòa trong tiếng kệ tiếng kinh
Tiếng người khất thực, tiếng mình lơ ngơ
Cửa chùa cây gạo bất ngờ
Sáng nay hoa nở ngẩn ngơ cả trời
Tình nồng oan trái chia phôi
Tim yêu cháy giữa bời bời tuôn mưa
Tôi đi giữa chợ và chùa...
3/2020
Thơ Trương Vạn Thành (Rút từ tập TÔI ĐI GIỮA CHỢ VÀ CHÙA, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022, Tr.20-21)
2.2 Cũng phải thôi! Hơn mười năm sau tráng ca “Chim họa mi sổ lồng”..., giờ đây là “Tôi đi giữa chợ và chùa” với những nhịp bước đầy chiêm nghiệm. Tôi cũng mãi theo chân thi nhân, đến gần nhập tâm cái khúc Sáu – Tám ông bà kia... thì bỗng giật mình khi vướng phải cái dấu phẩy (,) ở câu thứ 12 : “Tiếng người khất thực, tiếng mình lơ ngơ” của bài thơ 5 khổ, 17 câu. MỘT DẤU PHẨY THỨC TỈNH BIẾT MẤY NHÂN TÌNH!...
2.3. Đó là tất cả Thức – Nhận bài thơ của tôi, mà chẳng nói thì ai đọc, dẫu chỉ một lần thôi, cũng nhận ra cuộc Vạn Thành của Trương thi sỹ vốn vẫn luôn giữa một bên chợ, một bên chùa, với đủ cả “sắc sắc không không” và “co kéo từng đồng...” trưa sớm! Ôi, nhân tình thế thái trong cuộc thế tồn sinh “Tiếng người khất thực, tiếng mình lơ ngơ”!...
“Lơ ngơ”? Làm sao lại lơ ngơ?!... Phải vì mong muốn... cũng đã ... mà chưa..., bởi đã mà vẫn còn chưa đặng, với vô thường của kiếp nhân sinh..., như cây gạo cửa chùa kia vẫn khiến đất trời ngẩn ngơ khi sắc hoa bừng đỏ..., như lửa yêu kia vẫn cháy giữa bời bời mưa tuôn!... Và ta vẫn “đi giữa chợ và chùa” với một thức – nhận nhắc nhở khát khao có thể làm được thêm gì nữa cho cuộc trường sinh muôn mãi nỗi niềm thực – mơ giữa đôi bờ CHÙA – CHỢ!...
LXL.