- Bút ký - Tạp văn
- Về với sự biết ơn và tấm lòng lành
Về với sự biết ơn và tấm lòng lành
Lần nào đến Côn Đảo, tôi cũng lặng người trước những mộ bia. Những mộ bia của những người anh hùng, những người có tên. Và những ngôi mộ không có bia mộ, không có tên người. Những nấm mồ vô danh của những người đã nằm xuống trong số 20.000 người đã nằm xuống trên vùng đất thiêng này.
Vọng về tiếng của người xưa
Lần này, chuyến Về nguồn do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM tổ chức vào những ngày nửa đầu tháng 11-2023, chúng tôi đã có 2 lần đến nghĩa trang Hàng Dương trong một ngày. Buổi trưa, khi đoàn đặt chân đến Côn Đảo, đã đến viếng nghĩa trang Hàng Keo, nghĩa trang Hàng Dương, làm lễ dâng hương các anh hùng liệt sĩ. Buổi tối, sau chương trình tặng quà cho người nghèo, trao học bổng cho học sinh nghèo, học giỏi, đoàn lại ra nghĩa trang Hàng Dương thắp hương tưởng niệm…
Đoàn nhà văn TP HCM trong chuyến về nguồn tại Côn Đảo tháng 11-2023
Dù dưới bóng mát những hàng cây che dịu một ngày nắng gắt hay màn đêm buông xuống, nghĩa trang vẫn không đem lại cảm giác thâm u mà tất cả chúng tôi đều cảm nhận sự linh thiêng trong không gian. Nghe như từ trong lòng đất vọng về tiếng nói của những anh hùng liệt sĩ, những người đã khuất. Nghe trong gió vọng về tiếng người, trong mây thấp thoáng những đôi mắt dõi theo, ấm áp. Sau khi làm lễ, thắp nhang cho các anh hùng liệt sĩ, cầm trên tay những bó nhang, chúng tôi chia ra mỗi người một hướng, đi về phía những ngôi mộ không mộ bia, cắm những nén nhang thơm với sự bồi hồi. Những nén nhang cháy đỏ trong đêm, hẳn cũng làm ấm lòng người dưới mộ khi biết người sau luôn nhớ về những người đi trước, đã nằm xuống với đất thiêng để hôm nay đất nước thanh bình…
Những linh hồn bất tử
Sự linh thiêng của những linh hồn bất tử ai cũng cảm nhận từ đáy tim mình. Đã đến với đất thiêng, lòng mỗi người đều đã dọn sạch, không còn chỗ cho những sân si, tính toan, vị kỷ. Ai cũng mở lòng đón nhận những cảm xúc đan xen của bất cứ người dân Việt yêu nước nào khi đến với Côn Đảo, từ lòng biết ơn về sự hy sinh cao cả đến sự khâm phục ý chí đấu tranh kiên cường; từ trí tuệ của những tù nhân chiến sĩ cách mạng đến nỗi niềm của con người bình thường trước những giằng xé tâm can vì xa gia đình, vợ con. Trong giam cầm, tù ngục của kẻ thù, vẫn ngời lên những khí chất, phẩm tiết đáng kính phục. Có đi đến, tận mắt quan sát những nhà tù, “địa ngục trần gian” với đủ hình thức tra tấn dã man mới thấy sự tàn ác tận cùng của kẻ thù và ý chí kiên cường, sự tận trung với Đảng với dân của người chiến sĩ cách mạng. Những hy sinh của họ là không có gì so sánh nổi. Họ hóa hồn thiêng sông núi, thân thể tan vào đất đen, vào biển xanh, nhưng hương linh còn ở lại với núi rừng, hàng cây, ngọn cỏ, hòa trong tiếng gió lộng trùng khơi, từng đêm thổi vào thị trấn rười rượi bóng trăng, ánh sao lấp lánh một vùng.
Các nhà văn trong đoàn VNS đến Côn Đảo (9-11/11/2023) - Ảnh: Nguyên Hùng.
Đêm đó, giữa khoảnh sân nơi làm lễ tưởng niệm, khi các thành viên nghệ sĩ trong đoàn cất lên tiếng hát “Về đây, các anh ơi hãy về đây” (Linh thiêng Việt Nam, nhạc và lời: Lê Quang), trời bỗng đổ cơn mưa dù cả ngày trời nắng ráo. Những giọt mưa không quá lớn để ướt đẫm áo người, không quá nhỏ để khỏi bận tâm, song không ai bảo ai, đều hiểu rằng: Các anh linh đang về, hiện thân trong những giọt mưa, chứng giám cho lòng lành của đoàn về nguồn… Các nghệ sĩ cũng thấu hiểu điều đó, vẫn biểu diễn hết mình. Chúng tôi vẫn ngồi giữa sân, nhìn lên bầu trời đen thẫm và lòng khấn thầm cùng sự tri ân. Rồi chỉ hơn năm phút sau, cơn mưa tạnh hẳn, bầu trời lại quang đãng, điểm xuyết những vì sao…
Đủ duyên và sự thành tâm
Những người am hiểu và yêu hòn đảo thiêng này đều hiểu một điều gần như chân lý, đó là phải đủ duyên mới đến được Côn Đảo. Duyên đó có được phải xuất phát từ tấm lòng lành thì bằng cách này hay cách khác, người đời sẽ đến được Côn Đảo. Bằng không, mọi dự tính, sắp đặt đều không thành, không thể đặt chân lên vùng đất thiêng này. Điều đó ngẫm ra trong hoàn cảnh nào cũng đúng. Trên những ngả đường thị trấn, buổi chiều trở đi, hàng đoàn người nghiêm cẩn sắp lễ, vòng hoa và thành kính vào nghĩa trang viếng các hương hồn liệt sĩ. Trong những lời khấn vái, hẳn là những điều mong mỏi tốt đẹp cho dòng họ, gia đình, cho quốc thái dân an… và chỉ với lòng lành mới được chứng giám qua những cây nhang rực lên, mùi nhang ấm cả nghĩa trang trong chiều hôm…
Buổi chiều ở khu xà lim cũ, chúng tôi nghe soạn giả Cao Đức Trường, một cựu tù chính trị Côn Đảo, kể về những tháng ngày ông và đồng đội bị giam cầm, những trận tra tấn dã man đổ xuống thân thể gầy yếu của tù nhân song những chiến sĩ cách mạng kiên trung vẫn giữ vững khí tiết. Ông kể về những nữ tù nhân đầu tiên bị đưa ra Côn Đảo khiến lòng những nam tù nhân lúc ấy đều chùng xuống vì thương, vì lo cho những người phụ nữ. Ông đọc lại bài thơ của người chồng làm cho vợ, cũng ở trong xà lim, dặn dò nhau giữ vững tinh thần đấu tranh, khí tiết của người một lòng theo cách mạng.
Bên ngoài sân nhà tù, màu đất sẫm hơn. Phải chăng đất này thấm máu đỏ của bao thế hệ tù nhân mà đổi màu, đất trộn máu xương trộn nắng gió mà thành sắc màu như vậy. Trước sân nhà tù, những cây bàng vẫn lên xanh, chiếc lá đỏ rụng xuống như một hiện thân, một nhắc nhớ về sự hy sinh. Trên đất nước này, nhiều nơi trồng bàng, nhưng chưa nơi nào bàng tập trung nhiều như Côn Đảo. Bàng dọc đường ven biển, bàng trong phố của thị tứ ngày xưa, huyện lỵ hôm nay, nhiều gốc là cổ thụ. Bàng trên mọi ngả đường, trước hiên nhà dân. Những cây bàng xanh ngắt, tượng trưng cho sức sống bền bỉ của người dân Côn Đảo, sống lành hiền bên những huyền thoại, bên di ảnh, bên những ngôi mộ. Biết bao câu chuyện được kể truyền đời hơn 100 năm qua, từ lúc thực dân Pháp dựng nên nhà tù Côn Đảo rồi đến chính quyền Sài Gòn tiếp tục mở mang, xây các “chuồng cọp” khiến dư luận thế giới bất bình, phẫn nộ.
Bàng che nắng phương Nam bỏng rát, bàng che mưa cho người trú chân. Những trái bàng thơm quyến dụ trẻ con, những hạt bàng giòn, bùi hôm nay trở thành đặc sản để mang về đất liền làm quà, dù để có được một ký hạt bàng cũng đã là kỳ công phơi, tách, đóng gói…
Mở ra tương lai
Bước đi trên Côn Đảo hôm nay, lòng chúng tôi dậy lên những cảm xúc bồi hồi. Dường như chạm vào đâu cũng nghe thời gian lên tiếng, những dấu tích xưa cùng ký ức bi hùng. Nơi cầu tàu 914, ban trưa nắng chói, tôi nhìn ra phía biển dường như thấy những tấm lưng gầy oằn xuống, có ngọn roi của cai tù tàn nhẫn quất vào lưng và tiếng rên khẽ vì đau của người tù… 914 người đã bỏ mạng nơi cầu tàu này, một con số đáng hãi hùng, đầy bi phẫn về cái ác của một thời đã hiện diện nơi đây, chôn vùi tuổi thanh xuân của bao thế hệ người Việt Nam yêu nước…
Hôm nay Côn Đảo đã đổi thay nhiều. Khu thị trấn đã ra dáng phố phường. Những con đường đẹp, rộng, dài, đầy bóng mát, các công trình xây dựng bề thế cũng nhiều lên. Trường học khang trang, những khuôn mặt bé thơ sáng trong, lanh lợi đạp xe đến trường. Côn Đảo hôm nay không còn xa ngái, từ đất liền ra đi tàu cao tốc theo ngả Vũng Tàu hay Trần Đề (Sóc Trăng) đều tiện, đi máy bay cũng dễ dàng với sân bay Cỏ Ống đã đẹp hơn nhiều và chuẩn bị nâng cấp, mở rộng hơn. Trong tương lai, khách đến Côn Đảo sẽ ngày một đông hơn, bởi đây không chỉ là địa chỉ về nguồn mà còn là điểm đến du lịch tâm linh. Sau những giờ phút thăm các di tích lịch sử, dâng hương tại nghĩa trang, không gì dễ chịu bằng dầm mình xuống biển. Biển nơi đây ấm, như lòng người, như thấm hết ân tình của bao thế hệ mà trao truyền lại cho nhau lòng biết ơn và nghĩa tình sâu nặng.
Nguồn: Người Lao động số Xuân 2024.