TIN TỨC

Với nhà thơ Giang Nam | Hồi ký của Trần Thị Thắng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-01-25 09:44:43
mail facebook google pos stwis
839 lượt xem

Nhà thơ Giang Nam mất ngày 2 tết năm Quý Mão. Anh em văn nghệ sĩ Sài Gòn Gia Định - Chợ Lớn vừa gửi ra Nha Trang vòng hoa kính viếng ông. Văn chương TP. Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Trần Thị Thắng được rút từ tập “Con chữ soi bóng đời”, in năm 2005.

TRẦN THỊ THẮNG

- Cô Ba! Chúng tôi kiếm cô hoài để đi cho sớm mà kiếm hổng ra chỗ này!

Tôi vội đeo bòng đi, anh em trong cơ quan đang đứng đầy ngoài sân, người đưa tôi dăm bông hoa rừng, người tặng chiếc khăn rằn, người dúi miếng xà bông, kem đánh răng. Tôi thấy anh Giang Nam đứng cùng anh Hoài Vũ, Thạch Cương. Các anh chạy lại chào, tiếng Giang Nam nói chậm mà rõ ràng:

- Thắng xuống chiến trường trước, chúng mình chờ ý kiến của Thành ủy rồi cũng rút quân về “quê mẹ”!

Lần đầu tiên tôi nghe nhà thơ Giang Nam dặn dò. Tôi nhớ anh còn có người vợ cũng hoạt động cách mạng. Năm 1964, bà trong đoàn văn công gồm 18 anh em đi biểu diễn ở Bến Tre về, gặp địch phục kích. Con gái của vợ chồng nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tròn sáu tháng, cháu khát đói khi vú mẹ không một giọt sữa. Giặc xô lại gần, người mẹ đè con xuống để cứu mười tám đồng đội. Giặc lùi ra, vợ của nhà thơ Giang Nam chứng kiến người mẹ đành để xác con trên bờ mương rồi chạy giặc. Ba người phụ nữ trong đoàn vừa đi vừa khóc cháu. Sau khi thoát hiểm lần đầu, chúng lại vòng quay lại. Mười lăm thanh niên chạy thoát, còn vợ Giang Nam, vợ Phạm Minh Tuấn và một phát thanh viên đài bị bắt. Chúng giam ba phụ nữ trong nhà tù, không khai thác gì ở họ, nên chúng phải thả cả ba phụ nữ ra tù. Nhắc lại mẩu chuyện này để thấy gia đình nhà thơ Giang Nam một lòng hoạt động cho cách mạng

Trên đường về Củ Chi chưa thông suốt được, chúng tôi táp vào đoàn 307 (đặc công Miền do anh Mười Tịch làm trưởng đoàn) trong cánh rừng cao su bạt ngàn trên đất bạn thì có tin đang đánh nốt cứ điểm Xa Mát, chúng tôi phải dừng chân ăn Tết tại đoàn đặc công tinh nhuệ đặc biệt 367 (B49) Cửu Long, chờ đánh tan cứ điểm Xa Mát mới có đường về quê mẹ. Từ tháng 9-1970 đến tháng 12-1972, đoàn 367 đã đánh chín đợt với 186 trận vào sân bay Pochentong, cầu Voa-chang-vang, thị trấn Stungteng ở Cam-pu-chia). Anh Mười Tịnh gặp tôi nói rất lịch sự:

- Tôi cảm ơn chị ăn Tết cùng chúng tôi, quân sĩ ở đây 95% là người miền Bắc. Có chị ở đây là động viên anh em bộ đội đặc công miền Bắc lắm. Tịnh tôi một lần nữa cảm ơn chị…

Đêm ba mươi Tết, Mười Tịnh mang ra quyển thơ Quê hương của Giang Nam, trân trọng đọc thuộc bài thơ nổi tiếng của nhà thơ, sau đó anh giải thích: Tôi được nhạc sĩ Hồ Bông cho tập thơ này của nhà thơ Giang Nam, tôi đọc thuộc từng bài trong đó, phải cảm ơn nhà thơ đã viết thay tâm hồn người lính chúng tôi!

Đêm ba mươi Tết, chúng tôi có bánh chưng, chè Hồng Đào, thuốc lá Tam Đảo, tập thơ Quê hương, và trước mắt chúng tôi là con đường trở về “đất mẹ”. Những câu vọng cổ, làn điệu chèo của anh em bộ đội làm chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi ai cũng muốn nhìn lên trời tìm về những ngôi sao xa xăm. Những ai còn sống thì hãy nhớ đêm ba mươi tết năm 1972 đó, trên cánh rừng cao su nước bạn trời đầy sao, báo hiệu mùa chiến dịch sắp đến và báo trước mùa chiến thắng sắp tới. Sáng mùng một Tết, anh Mười Tịch cho chúng tôi xem kho riêng của anh, là những chiếc bòng, những tấm hình người mẹ đồng bằng Bắc bộ mà các chiến sĩ đã mang bên mình để đi đánh giặc. Ngày chúng tôi lên đường về quê mẹ từ 1 giờ sáng, người lái xe là anh Hà, đã từng đưa chúng tôi qua đường rừng luồn lách để về đến đại bản doanh đại đoàn 367 (B49) Cửu Long. Hôm nay lên xe, anh Hà ăn nói rất mực thước:

- Thưa anh em, tôi nhận nhiệm vụ đưa đoàn về “đất mẹ”, nhưng chúng ta phải thật nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật khi đi đường. Đường hiện nay chưa ở dưới chân ta, ta vừa đi vừa tìm. Giặc còn lẩn khuất ven rừng, nếu đoàn chúng ta có làm sao, ngày mai báo chí Sài Gòn sẽ chạy những hàng tít lớn. Vậy anh em phải chấp hành kỷ luật, tôi đưa đi, tôi là chỉ huy chung, anh Long (bảo vệ) chỉ huy phó, anh Lợi (trưởng đoàn văn công) chỉ huy phó lo cho đoàn, ta sẵn sàng lên đường!

Anh Hà vừa nói xong, anh Mười Tịnh ôm hôn các diễn viên để tạm biệt, mọi người sắp sửa đi về quê hương Củ Chi của minh nên anh bùi ngùi xúc động. Anh vẫn nhắc hai câu cuối bài thơ Giang Nam:

Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

Có một phần xương thịt của em tôi.

Tôi cảm nhận được vị trí quan trọng của bài thơ Quê hương trong từng con người Củ Chi chân chất mà dũng cảm. Khi đi đến 5 giờ sáng, mọi người còn đang gà gật trên xe, tiếng anh Hà vang lên:

- Dậy! Dậy mau! Đất mẹ dưới chân các bạn!

Tất cả chúng tôi như vừa tỉnh, vừa mơ vội vùng dậy, nhẩy xuống đất, nhiều ca sĩ nằm xoài ra, ôm lấy đất. Tôi cũng ngả lưng trên vạt cỏ đất mẹ. Vào đây đã hơn hai năm, tôi chưa lần nào về đất nước của mình, mọi hòm thư gửi về miền Bắc đều là hòm thư trên đất bạn, còn hôm nay tôi đang nằm trên vạt cỏ của nước Nam ai chẳng sung sướng. Bỗng vang lên bài thơ Quê hương ngâm bằng giọng miền Nam ấm áp, tôi đi cùng đoàn văn công mấy ngày, tôi thấy họ rất thuộc thơ của ba nhà thơ: Giang Nam, Viễn Phương, Hoài Vũ, lúc vui, lúc buồn họ cũng mang thơ của các anh ra ngâm.

Giá tác giả ở đây nghe bài thơ anh làm từ khi các diễn viên này còn nhỏ xíu, bây giờ họ đã và đang trưởng thành, vậy mà vẫn cùng một nhịp đập trái tim, một sự đồng cảm đôi lúc còn được nhân lên gấp bội. Tôi lại bị đau tím tái người do lá lách bị thòng độ 4, anh Hà lái xe an ủi:

- Tuổi trẻ nó lại trả em về tuổi trẻ, ăn ráng lên, không sốt rét, em sẽ khoẻ, nhưng về Củ Chi phải ráng giữ “cái gáo”. Còn gáo là còn tất cả: sự nghiệp, tiền tài, gia đình, con cái, bố mẹ, em hãy nhớ mười chữ ấy nằm trên gáo của em!

Tôi nhớ và buồn cười mãi cách dặn dò của một lái xe, sau đó biết anh đang học đại học Bách khoa rồi đi bộ đội, đánh nhiều trận bị thương, được rút về lái xe, nên luôn có tư duy toán học. Anh tâm sự: “Chúng tôi thích thơ Giang Nam vì có lẽ nó dung dị và cụ thể như hằng ngày lính đang sống và chiến đấu”.

Đây là lời giải mới cho thơ của Giang Nam chăng?

Ta về ta nhớ về Hàm Luông

Hầm chông An Thạch mái trường Mỹ Nhơn.

Hai câu này như thơ mà lại không phải là thơ nhưng nhiều người vẫn nhớ, vẫn thuộc. Thơ anh là sự chưng cất sự thật. Có những bài anh đưa nguyên hiện thực xù xì vào thơ, nhưng như người lính tên Hà đã nói với tôi: họ cần cái thực tế thô ráp ấy bên chiến hào. Tôi viết vậy để cắt giải thơ Giang Nam đã sống như vậy trong lòng nhân dân miền Nam, trong lòng những người lính. Trong sổ tay của một chiến sĩ đã hy sinh ở Z35 đoàn Cửu Long có tên Thắm, quê Thái Bình, trang cuối anh ghi không hết bài thơ Quê hương vì hết giấy, nhưng tôi biết anh đã mang sang thế giới bên kia cả bài thơ của Giang Nam hoàn chỉnh. Anh hy sinh dũng cảm bên bài thơ “đẹp” của nhà thơ.

Tôi về trước các anh được hai tháng ở Củ Chi. Sau đó, các anh Giang Nam, Hoài Vũ, Thạch Cương cùng đoàn bảo vệ, anh nuôi, tài vụ xuống đóng ở xóm Thuốc Củ Chi. Giang Nam, Hoài Vũ, Thạch Cương và tôi đi dự hội nghị chiến sĩ thi đua của huyện Củ Chi diễn ra ngày 15-2-1973 ở Hố Bò. Sau hai ngày học tập, chúng tôi ra về thì khu đó bị pháo kích tan tành, và một chiến trận mới mở ra cho dân quân Củ Chi trong đó có chúng tôi. Một buổi trưa, tôi được các anh mời cùng tiếp hai nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà tại cứ. Chúng tôi thực lòng mời hai anh cùng ở lại ăn cơm trong phòng khách, là căn phòng nửa trên mặt đất, nửa ngầm dưới đất. Hai anh từ chối ra về, 15 phút sau, chiếc OV10 lên trinh sát, bắn quả “xin thùng” vào  phòng khách chính nơi chúng tôi ngồi, nhìn mà hú vía. Chiều 27-4-1973, chị Nguyễn Thị Xuân kế toán đi lĩnh tiền ở ngân hàng về thì gặp giặc càn. Đá đá lăn theo một lối, chị bỏ chạy về cứ một lối, giặc bắn theo vào cứ. Tất cả chúng tôi phải vào hầm bí mật, tôi biết hầm của mình đi xuống có Hoài Vũ, Thạch Cương, Giang Nam do mỗi người chỉ được biết một hầm của mình. Nhìn ra mới biết đây là hầm của thủ trưởng, hai thủ phó và một bí thư chi đoàn là tôi. Với lượng người trong hầm, âm dương không cân bằng, người mệt sẽ là tôi. Tôi lập tức khó thở, người vã mồ hôi như dội nước. Tôi xin anh Thạch Cương chống mũi hầm lên để đuợc thở. Hơn một giờ dưới hầm, giặc vẫn lùng sục ở trên, tôi thì cứ đòi đội hầm để lên, Giang Nam an ủi:

- Giặc sắp rút rồi! Chúng không dám ở muộn trên đất của ta, bây giờ là 4.30 phút, Thắng yên trí chỉ ba mươi phút nữa là chúng rút.

Quả thật ba mươi phút sau giặc rút quân, vừa nghe tiếng kẻng báo yên của toàn khu, tôi vội xô lên mặt đất để được thở cho chính mình. Trận càn dữ dội nhất ngày 15-5-1973, địch mang cả mấy tiểu đoàn nhẩy dù xuống Củ Chi hòng “hốt gọn” tất cả thành uỷ Sài Gòn - Gia Định. Từ sáng sớm, hàng trăm trực thăng bay trên trời để thả lính. Chúng tôi xuống địa đạo chuẩn bị chống càn. Những du kích Củ Chi cùng tiểu đoàn Sài Gòn đã đánh chúng bật ra khỏi trảng cỏ, 4 giờ chiều phải rút quân. Những tháng ngày đóng ở Củ Chi, đêm đêm chúng câu pháo vào khu căn cứ, chúng tôi thường đùa: “Sáng dậy thấy sống là ngày hôm đó sống”. Ác liệt là vậy, nhưng cứ văn nghệ của chúng tôi vẫn bảo toàn được lực lượng. Sau đấy là những ngày đói dài, ăn độn với củ nừng (củ nâu). Lúc ấy cả cơ quan đều đói, nhưng Giang Nam, Hoài Vũ vẫn sáng tác. Tôi nghe Giang Nam đọc bài thơ “Những hố bom trên đất Củ Chi” ông làm sau trận ném bom vừa qua. Tôi dẫn đoàn văn công đi diễn ở xã vùng ven Nhuận Đức, bài thơ đã được đọc cho bà con vùng chiến lược trở ra vùng giải phóng để cùng nghe. Vừa đọc xong bài thơ, pháo Đồng Dù bắn lên gần sàn diễn, tất cả diễn viên, người xem xuống hầm. Hết đợt pháo lại lên ca cải lương, hát, ngâm thơ cho đến 10 giờ đêm. Bốn giờ sáng, chúng căng lại toạ độ bắn ba bốn quả pháo vào đúng sàn diễn. Diễn viên và khán giả thời đó cũng gần với sự sống chết là vậy. Nhưng bà con trong ấp chiến lược nghe có văn công của quân giải phóng là rần rần kéo nhau ra xem. Thơ ở Củ Chi những năm tháng đó gắn liền với cuộc chiến đấu là như vậy. Sau đấy, chúng tôi mở Đại hội Văn nghệ khu Sài Gòn-Gia Định vào tháng 9-1973. Đại hội thành công với những ý kiến nhất trí cao. Chúng tôi in những tập sách như Cơn lốc - thơ, Mầm xanh - văn xuôi gửi vào nội đô cho đồng bào Sài Gòn đọc. Rồi mở lớp sáng tác 30 ngày, mời được các văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Lê Duy Hạnh (Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh), Đồng Tháp (người viết bài thơ “Ta đứng bên này Châu Á”), Đỗ Thị Mỹ (Tổng biên tập báo Khăn quàng đỏ), Hải Nam (phóng viên thời sự báo Sài Gòn Giải phóng), Đặng Văn Tâm (Phó tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn), Nguyễn Thị Nghĩa (Giám đốc siêu thị).

Sau ngày 30-4-1975, chúng tôi về làm báo ở toà soạn 190 Công Lý. Giang Nam là Tổng biên tập báo Văn nghệ giải phóng thuở ở R, anh Hoài Vũ thường trực, Trần Bạch Đằng là người chỉ đạo chung. Số đầu tiên in ở Sài Gòn là số 49 ra ngày 28-5-1975, chúng tôi in báo offset 4 vạn, những số sau in 5 vạn tờ rồi 10 vạn tờ. Các nhà văn gửi các tác phẩm cho báo một cách trang trọng chẳng khác gì tờ Văn nghệ lúc đó, nhưng lại mang màu sắc Văn nghệ Sài Gòn. Số báo cuối cùng của Văn nghệ Giải phóng là số 135 ra ngày 20-1-1977, kết thúc 17 năm làm báo Văn nghệ giải phóng (1960-1977), trong thời gian 14 năm (1960-1974) in được 42 số. Có những số vừa in xong, giặc càn xuống hốt hết cả báo, nhà in vào Sài Gòn. Cuối năm 1976, hội nghị hợp nhất hai tờ báo diễn ra: một bên báo Văn nghệ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam các anh Bảo Định Giang, Kim Lân, Đào Vũ, Phạm Hổ. Một bên là bác Trần Bạch Đằng, Giang Nam, Hoài Vũ đại diện cho báo Văn nghệ giải phóng của Hội văn nghệ giải phóng miền Nam. Tờ báo sáp nhập lấy tên chung là Văn nghệ chính là tờ Văn nghệ hiện nay trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1978, anh Giang Nam về làm Tổng biên tập báo Văn nghệ thì lúc đó tôi đã về làm được một năm, nên chúng tôi lại được làm báo cùng nhau. Nhưng lúc này, tờ Văn nghệ khác xa với tờ Văn nghệ giải phóng, nhiệm vụ nặng nề hơn. Lắng nghe ý kiến của tòa soạn, anh cố gắng tập hợp lực lượng anh em biên tập quanh mình để làm tờ báo khởi sắc hơn. Nhưng thời kỳ anh làm việc tại báo Văn nghệ từ 1978-1980 là thời kỳ kinh tế khó khăn. Hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam đang diễn ra, làm kinh tế sa sút, tôi cho rằng thời kỳ này có bung ra cũng chỉ là “múa tay trong bị”. Đã từng hoạt động trong thành, sau năm 1945, anh từng làm Phó Ty thông tin Khánh Hoà, ở lại hoạt động vùng nội đô Nam Trung Bộ, 1959 ra vùng chiến khu làm Phó ban Tuyên huấn tỉnh Khánh Hoà và khu 6. Năm 1963, Trung ương cục điều anh về làm Phó tổng thư ký Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ Giải phóng. Đất nước thống nhất, anh là đại biểu Quốc hội khoá 6. Chừng ấy công việc, chừng ấy thời gian công tác, nhưng khi về làm Tổng biên tập báo Văn nghệ, anh luôn tự học thêm cách làm một tờ báo văn chương của cả nước. Điều này, chúng tôi những người lính văn nghệ cũ biết anh trăn trở rất nhiều qua từng trang báo, từng truyện ngắn. Như nhà văn Nguyễn Văn Bổng sắp rút ra khỏi tờ báo đã tâm sự với chúng tôi: Em và Lê Quang Trang ở lại giúp đỡ Giang Nam. Anh ấy sẽ là Tổng biên tập thật thà, lưng vốn của anh ấy có gì thì ai cũng biết, nên cần mọi người giúp anh ấy. Làm tổng biên tập thật thà trung thực chưa đủ, còn nhiều yếu tố khác mà Giang Nam cần để đưa tờ báo đi lên.

Hai năm làm Tổng biên tập ở tờ báo văn chương sang trọng nhất nước, anh ngủ trưa tại bàn làm việc, vẫn cơm cặp lồng, thức ăn lúc nào cũng lắm ớt, nhiều tiêu như thời ở rừng. Đây cũng là một chân dung của một Tổng biên tập làm việc thì tận tuỵ, anh học từ các hoạ sĩ để mi báo đẹp, biết biên tập viên nào giỏi để gửi gắm những bài đinh cho số báo sắp ra đời.     

Báo Văn nghệ bước đầu đi vào đổi mới khá hấp dẫn, bài vở phong phú nhất là thơ và truyện ngắn, nhiều chuyên mục mới ra đời, trình bày minh hoạ đẹp, nhiều tác giả trẻ xuất hiện. Cuối năm 1979, báo Văn nghệ đăng bài “Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật” của HNH, đây là bài báo ra đời khi đất nước đang trong tình hình cực kỳ khó khăn không chỉ về kinh tế mà cả về an ninh quốc phòng. Quan điểm của bài báo cho rằng sống không thật là đặc điểm của xã hội ta hiện nay, dẫn đến viết không thật. Trong khi nước nhà đang phải đối phó với bao tình hình bên ngoài (biên giới tây Nam, phía Bắc), bên trong thì kinh tế cần lương thực, thực phẩm cần cho biên giới, bài báo đã gây phản ứng bất lợi cho đất nước. Trong tình hình đó, ngày 23-11-1979, Hội nghị Đảng đoàn họp và ra Nghị quyết phê bình, bản Đề dẫn của Đảng đoàn đọc trong hội nghị đảng viên, phê bình báo Văn nghệ đăng bài báo Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật trên. Bài báo ra được là có sự chỉ đạo cho in của Ban chấp hành Hội Nhà văn, còn ba Phó tổng biên tập như Đào Vũ, Phạm Hổ, Từ Sơn không đồng ý đăng bài trên. Có lẽ đó là bài học đắt giá cho Ban Chấp hành Hội Nhà văn và Tổng biên tập báo. Năm đó, với sự việc của báo Văn nghệ và Hội Nhà văn, Tố Hữu đã phải nhận khuyết điểm thay cho Hội Nhà văn, báo Văn nghệ ở cấp lãnh đạo cao. Giang Nam một mình nhận trách nhiệm khi để in ra bài báo trên. Sau đó anh rời báo Văn nghệ về làm Trưởng Ban đối ngoại Hội Nhà văn. Thời gian sau, anh từ giã Hà Nội về làm Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà, Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Khánh. Trong thời gian này anh đã viết trường ca “Ánh chớp đêm giao thừa” viết về cuộc nổi dậy năm Mậu Thân 1968 của đồng bào miền Nam. Ngoài ra còn có một quyển hồi ký văn học “Sống và viết ở chiến trường”, anh từng cộng tác và làm việc với Huỳnh Minh Siêng, Sáu Lăng, Anh Đức, Bảo Định Giang, các nhà lãnh đạo như Nguyễn Văn Linh, Trần Bạch Đằng, Võ Văn Kiệt. Anh trao đổi thư từ cùng với đồng chí Tố Hữu, Bảo Định Giang về tình hình văn học miền Nam. Một người đã dành cả đời hoạt động văn học nghệ thuật cho cách mạng. Anh xứng đáng, là nhà thơ của nhân dân, của cách mạng.

---------

Giang Nam sinh ngày 2-2-1929

Quê: xã Ninh Bình, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà

Tên thật: Nguyễn Sung, bút danh: Hà Trung, Lê Minh

Những tác phẩm đã in:

Thơ:

- Tháng tám ngày mai (NXB Văn học, 1962)

- Quê hương (NXBVăn học, 1965)

- Người anh hùng Đồng Tháp (trường ca, NXB Giải phóng, 1969)

- Vầng sáng phía chân trời (NXB Giải phóng 1969, 1975)

- Hạnh phúc từ nay (NXB Tác phẩm mới, 1978)

- Thành phố dừng chân (NXB Tác phẩm mới,1985)

- Ánh chớp đêm giao thừa (trường ca, NXB QĐND,1998)

- Sông Dinh mùa trăng khuyết (trường ca, NXB QĐND, 1998)

- Lắng nghe thời gian (NXB Hội Nhà văn,2008)

Văn xuôi:

- Vở kịch cô giáo (truyện ký, NXB Văn học 1962)

- Người giồng tre (truyện ký, Giải phóng 1969)

- Tuyến lửa (truyện ký, sở văn hoá thông tin Long An 1984)

- Rút từ sổ tay chiến tranh (Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh,1989)

- Sống và viết ở chiến trường (hồi ký NXB Hội Nhà văn, 2004)

Giải thưởng:

Những người thợ đá (truyện ngắn) giải Ba của báo Thống mhất 1960

Quê hương (bài thơ) được giải nhì tạp chí Văn nghệ 1961

Tập thơ Quê hương được giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965) của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm
Nợ sách đèn
Ngày ấy, chúng tôi từ khi đầu tiên mới tập tễnh cặp sách vào lớp 1 bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, thế hệ học trò chúng tôi trải qua khá nhiều kỳ thi qui định. Học trò có thi đỗ mới được lên lớp.
Xem thêm