TIN TỨC
  • Truyện
  • “Bách niên thịnh thế” | Truyện ngắn cự thi của Lý Chiêu Văn

“Bách niên thịnh thế” | Truyện ngắn cự thi của Lý Chiêu Văn

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1560 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

1

Lý Nhân Tông là vị vua thứ tư của triều Lý, ngài là con trai đầu lòng của vua Lý Thánh Tông và Nguyên phi Ỷ Lan, sách sử kể rằng ngài là một người văn võ song toàn, một anh hùng dân tộc có nhiều công lao lớn với đất nước.

Khi ghi chép về ngài, các sử gia thường nhấn mạnh vào những thành tựu lớn: về quân sự là chiến công phá Tống bình Chiêm; về giáo dục, ngài là người mở đầu cho nền giáo dục đại học nước nhà qua kỳ thi Minh Kinh Bác Học; về nông nghiệp, ngài rất chú trọng khuyến nông và xây dựng đê điều.

Nhưng có một khía cạnh quan trọng về ngài chưa được tìm hiểu sâu, đó là việc ngài là người có nhiều công lớn với nền văn hóa dân tộc. Một phần có lẽ vì văn hóa là chuyện diễn ra hàng ngày, thân thuộc quá nên ít được để ý, giống như việc lâu ngày thưởng thức một đồ ăn đặc biệt thì người ta dễ ấn tượng, trong khi cơm ăn hàng ngày không ai để ý.

Chính trong thời kỳ trị vì của ngài, Đại Việt đã xuất hiện những người làm văn hóa rất giỏi, góp phần đặt nền móng cho nền văn hóa nước nhà ngay từ buổi bình minh của nền độc lập, như các thiền sư Giác Hải, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không...

Những bộ môn nghệ thuật tinh hoa nước ta như chèo và múa rối nước cũng được hoàn thiện và phát triển mạnh từ giai đoạn này.

Sau đây là câu chuyện kể về một chuyến vi hành đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của nhà vua về văn hóa, chuyện xảy ra vào mùa xuân năm 1083…

Hôm ấy nhà vua cùng các cận thần đi xem xét tình hình đắp đê ở sông Như Nguyệt, nhà vua rất hài lòng khi thấy con đê lớn đầu tiên của Đại Việt đã chính thức hoàn thiện, vừa rồi trong nước lại trúng mùa lớn nữa, những tin vui đến dồn dập khiến nhà vua thấy rất hạnh phúc trong lòng.

Trên đường hồi cung, mọi người cùng đi vào rừng Cảnh Lâm săn thú, nhân tiện nhà vua cũng muốn xem khu vực này có phù hợp để xây dựng một hành cung không?

Vào rừng không bao lâu thì đoàn người bắt gặp một con nai lớn đang ăn cỏ, vừa nghe tiếng người lao xao, nó sợ hãi vội vàng quay đầu phi qua những lùm cây chạy trốn.

“Bệ hạ, để chúng thần…”. Đám cận thần xung quanh nhà vua nhốn nháo.

“Các ngươi đứng yên!”. Ngài cắt lời họ. “Trẫm đang vui! Trẫm sẽ tự tay săn con nai này!”.

Chẳng là lần đi săn trước nhà vua đã bắn hụt một con chim, nhưng tên thái giám lại chuẩn bị trước một con chim khác để nịnh nhà vua, gần đây biết chuyện ngài rất tức giận, lại thêm chút tự ái tuổi trẻ, nên lần này ngài muốn chứng tỏ mình có thể săn thú như một phường săn thực thụ.

Nhà vua thúc ngựa đuổi theo con thú trong ánh mắt lúng túng của đám hầu cận. Ngài chưa bao giờ thấy con nai nào chạy nhanh như vậy, nó cứ lao vun vút qua những bụi cây, khiến nhà vua và con ngựa tốt nhất của ngài suýt mất dấu mấy lần. Cuối cùng, khi con nai chạy đến khu vực đất trống ít bụi rậm thì nhà vua dễ dàng bắt kịp nó. Ngài nhìn nó từ xa và rút cung tên ra, lần này không thể nào hụt được rồi.

Đúng lúc ấy, từ sau cây lộc vừng cổ thụ, có hai con nai con chừng 5 tháng tuổi chạy ra, rồi chúng quấn quít quanh nai mẹ, nhà vua chợt hiểu ra vì sao nai mẹ có thể chạy như bay trên mặt đất như vậy. Là tình mẫu tử đã tiếp sức cho nó, ngài thầm nghĩ và buông cây cung xuống, chuyến đi săn hôm nay kết thúc ở đây được rồi, ngài rất hài lòng với kết quả này.

Nhà vua quay ngựa tìm đường trở về chỗ cũ, nhưng lúc này ngài mới phát hiện ra mình đã bị lạc trong rừng. Ngài vội hô to tìm mọi người nhưng tiếng gọi ấy nhanh chóng tan vào không gian bát ngát xung quanh.

2

Nhà vua nổi tiếng là một người thông minh uyên bác, sau khi lấy lại bình tĩnh, ngài bắt đầu dò tìm đường đi, sau một hồi ngài tìm được một rẻo đất cao để quan sát, từ trên đó ngài nhìn thấy một khoảnh rừng chạy dọc màu xanh tươi hơn hẳn những khoảnh rừng xung quanh. Ngài chạy ngựa theo hướng đó và tìm ra được một con suối, vì cây quanh nguồn nước bao giờ cũng có màu lá tươi hơn những chỗ khác.

Sau khi cho ngựa uống nước, ngài tiếp tục đi xuôi theo con suối hi vọng tìm được người, đi mãi thì ngài ra đến bìa rừng, và cuối cùng ra đến đường lộ.

Nhà vua vào một làng gần đó để tìm người giúp đỡ, khu vực này dân cư thưa thớt, xa xa mới thấy một nóc nhà. Những ngôi nhà đầu làng đều đóng cửa, tìm đến ngôi nhà thứ ba thì ngài thấy một cảnh tượng rất lạ, trước lối ra căn nhà ấy có một vị hòa thượng đang tọa thiền.

Sau khi buộc ngựa vào cây, nhà vua bước lại gần hòa thượng hỏi chuyện. “Sư thầy!”. Ngài nói. “Sao thầy lại tọa thiền trước cửa nhà người ta thế này?”.

Vị hòa thượng trẻ tuổi với khuôn mặt thông minh, hiền lành chậm rãi mở mắt ra nhìn nhà vua, rồi sư nói: “Thưa thí chủ! Bần tăng ngồi đây để ngăn cản một ác niệm!”.

“Ý sư là gì?”. Nhà vua nói.

Nhà sư bèn kể qua chuyện trong căn nhà trước mặt cho nhà vua nghe, gia đình này có hai anh em trai, mẹ già của họ gần đây mất trí, chăm sóc rất mệt mỏi, lại thêm con dâu xúi bậy, nên họ định làm tục ngõa quán táng cho mẹ - đó là một tục lệ mà người anh trước đây theo đoàn buôn ra nước ngoài từng được chứng kiến.

“Tục ấy thế nào?”. Nhà vua ngạc nhiên.

“Ở đó, khi bố mẹ trở nên già nua, họ được con cháu tiễn lên núi rồi đưa vào ngôi mộ đào sẵn. Mộ xây bằng đá, chừa một cửa để con giao đồ ăn. Mỗi lần đến đưa cơm họ sẽ lấy một viên gạch bít cửa lại. Sau chừng một năm mộ sẽ hoàn toàn bít kín, và người trong mộ sẽ bị bỏ đói đến chết...”.

“Thế khác nào chôn sống cha mẹ mình?”. Nhà vua sửng sốt. Đúng là phải sống, phải đi thì mới biết trên đời này không chuyện gì là không thể xảy ra.

“Bần tăng đang trên đường thuyết pháp qua đây...” - Sư kể tiếp. “Nghe người trong làng kể chuyện, bần tăng thử khuyên họ nhưng không thành, vậy nên bần tăng tọa thiền ở đây mấy ngày nay, mong họ nghĩ lại ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ mà từ bỏ ý định ấy”.

“Ta hiểu rồi”. Nhà vua trầm ngâm. “Năm xưa, vì ân oán cá nhân, vua Lưu Ly đem quân đến tấn công quê nhà của Phật Thích Ca, vì thương xót chúng sinh mà Đức Thế Tôn đã ngồi tọa thiền trên đường hành quân của vua Lưu Ly, vua vì nể trọng ngài mà phải rút quân hai lần. Nay sư thầy cũng muốn học theo Đức Thế Tôn đúng không?”.

“Quả đúng vậy!”. Sư nhẹ nhàng gật đầu.

Đúng lúc ấy thì cửa ngôi nhà mở ra, rồi anh em chủ nhà bước từ trong ra, tên nào cũng to béo và mặt mũi đỏ gay vì say rượu.

“Hòa thượng thối!”. Tên anh quát. “Ngươi ngồi một mình buồn quá hay sao mà còn gọi thêm tên công tử nào kia?”.

“Hai tên con trời đánh kia!”. Nhà vua nghiến răng giận dữ. “Cổ nhân dạy: Trăm điều thiện chữ hiếu đứng đầu. Sao các ngươi nỡ đối xử với mẹ già như vậy?”.

Tên em uể oải đáp: “Mẹ bọn ta hiện giờ thần trí rối loạn, ỉa đái tùy tiện như con nít… Ngươi ở ngoài thì nói rất dễ, làm sao hiểu được nỗi khổ của bọn ta”.

“Vậy khi các ngươi bé dại, ai chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ cho các ngươi? Ai chăm lo cho các ngươi lúc đái ỉa tùy tiện, có nhớ không?”. Nhà vua nói. “Nếu mẹ ngươi cũng vì nghèo khổ mà bỏ rơi con thì hai tên ngươi có thành người như hôm nay được không?”.

“Các ngươi đừng ở đó mà lắm chuyện nữa!”. Tên anh lại gần hất hàm với ngài. “Hôm nay mộ xây xong rồi, các ngươi mau cút đi, đừng có cản đường bọn ta vào rừng!”.

“Súc sinh!”. Nhà vua hét lên và đá thẳng vào ngực tên anh làm hắn ngã ngửa ra sân.

Thấy thân thủ nhanh nhẹn của nhà vua, tên em nhặt vội cây rìu gần đấy lên đặt vào cổ nhà sư. “Tên công tử kia! Đứng yên! Không ta chém chết hòa thượng này!”.

Thấy bọn họ đang say rượu nên nhà vua không dám làm gì nữa, ngài sợ họ làm liều mà hại đến nhà sư. Tên anh lúc này cũng lồm cồm bò dậy, hắn tức tối đứng lên lấy cây rìu khác vung vẩy trước mặt nhà vua.

“Hỗn láo!”. Nhà vua quắc mắt nhìn hắn. “Ta chính là hoàng thượng đây! Ngươi dám mạo phạm sao?”.

Tên này sửng sốt nhìn ngài, rồi bỗng nhiên hắn bật cười khanh khách: “Nhà ngươi sợ quá hóa điên rồi à?! Hoàng thượng?! Xin hỏi hoàng thượng không ở kinh thành mà đến chỗ hẻo lánh này làm gì vậy ạ?...”.

3

Sau đó hai người bị nhốt vào trong một nhà kho để củi phía trái căn nhà, trước khi chặn cửa bỏ đi tên em nói: “Xong việc ta sẽ thả các ngươi ra. Có trách thì phải tự trách hai ngươi nhiều chuyện thôi!”.

Nhà kho khá tối, hai người phải đứng một lúc mới bắt đầu quen với bóng tối, sau đó họ mò mẫm tìm chỗ ngồi trên những đống củi.

“Sư thầy đừng lo! Cận vệ của trẫm chắc đang tìm kiếm quanh đây thôi!”. Nhà vua trấn an sư, rồi ngài tức giận nói tiếp. “Nhưng cái đám này... cái đám này thật đáng chém đầu!”.

“Xin bệ hạ bớt giận...”. Sư nói nhỏ nhẹ.

Nhà vua quay sang nhìn sư, vừa nhíu mày ngài vừa hỏi: “Đám người kia không tin... mà thầy lại tin ta là hoàng thượng à?”.

“Bần tăng thấy cách đi lại nói năng của bệ hạ toát lên khí chất vương giả, mà tướng mặt bệ hạ lại có xương trán nổi lên như mắt trời, đích thị là dáng mặt của bậc thiên tử ạ!”.

“Sư thầy thật tinh đời!” Nhà vua tấm tắc khen. “Ở Thăng Long ta cũng thường cải trang ra ngoài vi hành để hiểu hơn cuộc sống của bá tánh, nhưng chưa lần nào ta thấy kinh sợ như lần này. Ngõa quán táng!? Thật khủng khiếp!”.

“Lỗi cũng vì bần tăng sở học nông cạn, chưa biết cách khuyên bảo anh em họ”.

“Đừng tự trách mình như vậy! Thầy còn trẻ mà!”. Nhà vua nói. “Chuyện anh em họ không khó giải quyết đâu, nhưng điều ta lo lắng...”.

Nhà vua còn đang phân vân câu từ thì sư đã nhanh chóng tiếp lời: “Bệ hạ đang lo sợ sau này những chuyện tương tự có thể xảy ra đúng không ạ, và xảy ra ở những nơi nào không ai biết trước được...”.

Nhà vua nhìn sư thầy như nhìn một người bạn tâm giao từ rất lâu rồi.

“Thầy hiểu được lòng ta sao?”. Ngài nói. “Đúng như vậy, trải qua một nghìn năm Bắc thuộc, nền văn hóa của dân tộc ta bị tàn phá hủy hoại rất nhiều, chẳng khác nào một người vừa trải qua trận ốm thập tử nhất sinh, nguyên khí bị tổn hại nặng nề, cần phải dùng liều thuốc văn hóa để nhanh chóng phục hồi nguyên khí cho cơ thể. Khi cơ thể tráng kiện thì có thể chống lại mọi bệnh tật, dù là ngõa quán táng hay tục lệ có hại gì khác sau này”.

“Đúng vậy, thưa bệ hạ”. Sư vui vẻ tiếp lời. “Một thân thể yếu ớt hay ủ nhiều bệnh thì dù có thức ăn ngon, quần áo đẹp cũng không có nghĩa lý gì”.

“Phải lắm!”. Nhà vua cười sảng khoái, ở Thăng Long ngài đã gặp nhiều thiền sư, nhưng chưa có ai vừa nói chuyện mà ngài đã thấy tâm đầu ý hợp thế này. “Sự việc này đã cho ta một bài học rất quý giá, ta cũng nhìn ra những việc mình phải làm sau khi hồi cung rồi. Chà, văn hóa, văn hóa...”.

“Trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tự lực tự cường của Đại Việt”. Nhà vua hào hứng nói tiếp. “Ta trông chờ rất lớn ở những người làm văn hóa như các thầy, chúng ta không thể nhờ người Trung Hoa, Chiêm Thành hay Chân Lập đến xây dựng văn hóa cho mình, phải tự mình làm nên nền văn hóa mang bản sắc riêng của mình!”.

“Bệ hạ quả có tầm nhìn xa trông rộng!”. Sư vui vẻ đáp. “Đại Việt cần khẳng định sự tồn tại của mình bằng văn hóa!”.

Dường như lúc này có một thứ ánh sáng dịu nhẹ nào đó từ hai người họ đang lan tỏa trong không gian nhà kho, ánh sáng ấy phát ra từ vẻ uy nghi đĩnh đạc của bậc quân vương và phong thái điềm đạm thoát tục của vị thiền sư.

“Lời nói của bệ hạ khiến bần tăng rất cảm động...”. Nhà sư nói, đôi mắt ánh lên rạng rỡ. “Không giấu gì bệ hạ, bần tăng biết mình sở học nông cạn nên luôn suy nghĩ đến việc sang Tây Trúc học đạo, nhưng trong lòng vẫn chưa dám dứt khoát, nay nghe được lời động viên của bệ hạ, bần tăng đã có đầy đủ quyết tâm, sớm ngày sẽ lên đường sang Tây Trúc...”.

“Tốt lắm!”. Nhà vua nói. “Ta sẽ hết lòng ủng hộ sư thầy trên con đường học đạo của mình!”.

Hai người càng nói chuyện càng hăng say, nhà vua cảm thấy không phải mình đang bị nhốt trong nhà kho tồi tàn nữa, mà ngài như đang được ngồi ở trà đình trong cung điện của mình ở Thăng Long, vừa thưởng trà vừa đàm đạo với một người tri kỷ hiếm gặp trong đời.

4

Đúng như nhà vua dự liệu, ngay khi mất dấu ngài, quan quân đã được huy động từ khắp nơi để bao vây khu rừng, huyện lệnh cũng cho người tỏa đi khắp nơi tìm kiếm, hai người nhanh chóng được giải cứu sau khi một người dân phát hiện ra chú bạch mã của nhà vua.

Hai đứa con bất hiếu cũng lập tức bị giải về từ trong rừng, vừa thấy nhà vua bọn chúng vội quỳ sụp xuống lạy lục xin tha chết.

“Trẫm vi hành nên không trách việc các ngươi không nhận ra trẫm”. Nhà vua quát. “Nhưng cái ý định giết mẹ của các ngươi làm cho trẫm vô cùng tức giận, có chém đầu các ngươi một trăm lần cũng chưa đủ. Nhưng trẫm lại nghĩ các ngươi chết rồi sẽ không còn ai phụng dưỡng mẹ già, nên trẫm cho các ngươi một đường sống để chăm sóc mẹ”.

“Đội ơn… Đội ơn bệ hạ tha chết!”. Hai tên ấy luống cuống nói.

“Trẫm giao cho huyện lệnh và bà con trong làng phải xem họ chăm sóc mẹ già thế nào...”. Nhà vua quay sang nhìn mọi người trong làng và nói tiếp. “Sau này, nếu ai còn định đem tục ngõa quán táng ấy về nước Việt thì trẫm nhất định sẽ xử tội chết không tha!”.

Nghe xong tất cả mọi người có mặt đều đồng thanh hô to: “Hoàng thượng anh minh!”.

Nhà vua muốn ở lại tiếp tục hàn huyên chuyện đạo chuyện đời với sư thầy, nhưng lúc ấy có một thái giám lại gần bẩm báo với ngài về một chuyện hệ trọng vừa xảy ra trong hoàng cung.

Nghe xong nhà vua rất trầm ngâm, sau một hồi suy nghĩ, ngài quay lại mỉm cười với sư thầy: “Tiếc quá! Ta phải về cung ngay, không thể đàm đạo tiếp với sư thầy”.

“Bần tăng hiểu, thưa bệ hạ!”.

Nhà vua nhìn hai anh em nhà kia, rồi ngài quay lại nói tiếp: “Mệnh lệnh của ta có thể bắt họ làm việc, nhưng việc làm của họ chưa chắc đã thật bụng. Giống như trong nhà có đứa con mắc bệnh chán ăn, cha mẹ dùng quyền uy ép  ăn cũng chỉ tác dụng một phần, quan trọng hơn là phải trị bệnh dứt điểm cho nó. Phải dùng liều thuốc văn hóa mà thay đổi tận gốc rễ căn bệnh, phải bắt đầu thay đổi từ lòng người!”.

“Trước khi gặp bệ hạ, trong lòng bần tăng còn nhiều do dự”. Nhà sư nói. “Nhưng bây giờ bần tăng đã quyết tâm đi học đạo, mong sau này giúp ích nhiều hơn cho văn hóa nước nhà”.

“Đường sang Tây Trúc muôn vàn gian khó! Trẫm sẽ lệnh cho các huyện lộ tận tình giúp đỡ sư thầy trên con đường của mình”.

“Đội ơn bệ hạ!”.

“Mà ta mải nghĩ về chuyện ngõa quán táng nên quên hỏi, sư thầy là người ở đâu? Pháp danh là gì?”.

“Quê hương bần tăng ở làng Điềm Xá, lộ Tràng An”. Nhà sư kính cẩn đáp. “Tên cha mẹ đặt cho bần tăng là Nguyễn Chí Thành, sau khi xuất gia, bần tăng lấy pháp danh là Nguyễn Minh Không…”.

“Nguyễn Minh Không”. Nhà vua gật đầu và nói. “Trẫm sẽ không bao giờ quên cái tên này!”.

Cuộc gặp gỡ kỳ lạ ngày hôm ấy đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của cả hai người họ.

Vị quân vương mang nhiều trăn trở về văn hóa dân tộc ngày ấy sau này đã đưa Đại Việt lên đến giai đoạn đỉnh cao về mọi mặt, cả kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa, khiến cho nước lớn sợ uy, nước nhỏ mến đức. Thời đại của ngài, cùng với thời của cha ngài là Lý Thánh Tông và ông nội là Lý Thái Tông, được sử sách gọi là thời kỳ “Bách niên thịnh thế”.

Về phần thiền sư Minh Không, được tiếp thêm nghị lực từ cuộc gặp gỡ nhà vua, ngài đã quyết tâm sang Tây Trúc học đạo, sau khi đắc đạo, ngài về nước và sáng lập rất nhiều ngôi chùa dọc theo vùng châu thổ sông Hồng, những đạo tràng do ngài mở ra đã giúp cho biết bao người bước theo con đường của từ bi và trí tuệ.

Sau này nhà vua đã nhiều lần vời ngài về kinh thành, nhưng thiền sư chọn con đường vân du muôn nơi, với ngài chỉ cần ở đâu có nhân dân thì nơi ấy là nhà. Cũng chính trong hành trình hoằng dương Phật pháp ấy, ngài đã có dịp tìm hiểu, trăn trở, rồi cùng với các trí thức, nghệ nhân sưu tầm và phục hưng lại nghề đúc đồng - một tinh hoa của người Việt cổ.

Sau khi vua Nhân Tông mất, một trong những việc đầu tiên triều đình làm là tìm đến thiền sư, như Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm 1131, triều đình nhà Lý dựng nhà cho Đại sư Minh Không... Năm 1136, sư chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông, được triều đình phong làm Quốc sư”.

Đến năm 1141, thiền sư tịch, mặc dù qua đời nhưng ảnh hưởng của ngài vẫn tồn tại rất mạnh mẽ và lâu dài trong dân gian, như Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Quốc sư Minh Không rất linh ứng... Phàm khi trong nước có tai ương hạn lụt, làm lễ cầu đảo đều nghiệm cả...”.

L.C.V

Bài viết liên quan

Xem thêm
Về quê - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Ông Ban trằn trọc. Không thể nằm mãi, ông bật dậy, sờ soạng bấm công tắc.
Xem thêm
Khúc biệt ly màu tím - Truyện ngắn của Trầm Hương
Có một cái gì đó không giải thích được cho một chuyến đi. Vì công việc, vì được mời mọc, ham vui, vì một sức mạnh vô hình vẫy gọi…
Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm