- Truyện
- Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Thằng B, tạm gọi là B vì đây là chữ cái đầu trong tên của nó. B với tôi là bạn học cấp 3, chúng tôi chơi khá thân với nhau, nhưng sau khi vào đại học, cũng là khoảng thời gian giãn cách xã hội dài đằng đẵng, hai đứa chúng tôi hầu như không liên lạc với nhau mấy nữa.
Ảnh Internet
Trong khoảng thời gian đó, cuộc sống của B quay cuồng thế nào, tôi không rõ, có khi, tôi cũng quên mất nó. Cho đến khi, một khoảng thời gian khá lâu sau khi tái hòa nhập xã hội, một sự kiện diễn ra, mà thằng B là trung tâm của sự kiện này, đã khiến tôi và các bạn học cũ phải chú ý đến. Thằng B này tỏ tình với một đứa con gái học cùng lớp cũ, tức là cả ba chúng tôi học cùng một lớp. Với giọng điệu điên cuồng, cầu khẩn một thứ tình yêu mà tôi cho rằng là rẻ rách, việc nó bị block là một lẽ hiển nhiên. Nào là “bắt đầu đỏ mặt, kết thúc đỏ mắt” rồi nào là “hãy quay lại với anh, anh xin em, anh giờ không thể làm gì cả, hãy quay lại và dẫn lối cho anh”, tôi nhại lại từng câu chữ của nó với giọng điệu coi thường và chế giễu, không hơn không kém. Nó lấy ảnh con bé này dán đầy trên trang tường của nó với thái độ của một tên nô lệ hèn kém hay như của một con chó khát tình bị đồng loại xa lánh. Và cũng từ ấy, không một chút thành ý nào, tôi đã chủ động liên lạc lại với B.
Vào một buổi tối mùa hè năm ngoái, sau khi tắm xong, tôi đội khăn tắm trên đầu, lấy tay lau lấy lau để, rồi ngồi trước cánh quạt xoay vù vù để hong khô. Tiếng ve kêu rền rả, chút lại réo lên như sợ bọn sinh viên chúng tôi quên mất rằng mùa hè đã đến. Có thể lắm chứ, từ lúc lên chốn đô thị xô bồ này, cộng với thời tiết tệ hại quanh năm ở Sài Gòn, tôi còn chẳng quan tâm giờ đang là mùa nào trong năm. Với tôi thì khái niệm thời gian được quy về đầu hoặc cuối tháng, khi mà tôi nhận được trợ cấp từ gia đình. Tóc tôi dài, rủ xuống che khuất cả hai con mắt, chạm tới bờ môi, và có gió thì nó lại bồng bềnh, mùi dầu gội phảng phất. Với cơ thể thơm tho và tâm trạng thoải mái thế này, tôi tìm tới thằng B như một chỗ để mua vui. Thật ra chẳng cần phải nói chuyện và nghe những luận điểm ngu si gì từ B. Đọc mấy dòng trạng thái nó chia sẻ trên tường nhà cũng đủ giải trí rồi. Tôi mặc áo, nằm xuống, đắp chăn. Và rồi, để xem nào, tôi đang mong đợi điều gì đây, “đệ tử của Carl Jung” hay “Nhật ký người điên” của một Gogol thế kỉ 21 được viết theo kiểu nửa tây nửa ta, xuống dòng vô tội vạ. Tôi mạn phép được chỉnh sửa và viết lại như sau.
“Nam giới thủ dâm tầm nửa tiếng mới ra được chút dopamine, thế mà ngậm mồm không nói một câu, toàn bị xâu xé bởi mấy con điếm lắm mồm.”
“Chả hiểu bọn nữ quyền kêu ca cái gì, trong khi cơ thể chúng nó sản xuất ra niềm vui một cách đều đặn và hàng ngày, thậm chí là ngay bây giờ.”
“Sau một hồi dạo chơi, tình yêu cũng trở nên chán ngấy, suy cho cùng thứ cảm xúc ấy, chỉ là xúc tác cho quá trình giao hợp, sinh sản. Thật nực cười và đúng sự thật.”
“Em xinh đến nỗi tôi muốn lấy em cho bằng được.”
“Thật sự nói ra cái gì đó từ chính cái mồm của mình…Tôi thấy nó kinh tởm thế nào ấy”
“Mấy nhân vật đang đánh nhau trong người tôi, là hậu quả của việc tôi tiếp thu người khác một cách không có giới hạn, và một trong những bản thể luôn nghĩ đúng, một bản thể khác là egoist nên nó lúc nào cũng không tiết lộ cho tôi câu trả đúng, một bản thể thì quá coi trọng lời người khác nói, một bản thể thì bị hùa theo bởi người khác, và một bản thể là tôi, không thể kiểm soát tất cả bọn chúng…”
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
“Chừng nào họ còn hình dung ra bản ngã của chính mình, thì còn có khả năng quay về thế giới thật.”
“Trên mạng tôi nói siêu nhiều. Chả biết tại sao nữa, vì là ra ngoài tôi không nói được như vậy, cũng không biết cách biểu đạt sao cho phải nhưng tôi sẽ cố thành thạo nó, để… để vui vẻ hơn.”
“Nếu thuyết tái tạo vũ trụ là đúng…lại một tác hại nữa của văn hóa phẩm đồi trụy, hướng về một phẩm chất nào đó tốt, dừng lại việc hành hạ mặt tốt của bản thân, không diễn hề và làm người bình thường, quan tâm đến mọi người xung quanh một cách tự nhiên.”
Đến đoạn này, tôi không lướt qua mau, cứ nhìn chằm chằm vào màn hình, có lẽ là tôi đang buồn ngủ.
Đây không phải thứ tôi đang mong chờ, này B, mày nên về với bản chất phế nhân của mình, thứ hạ đẳng. Tôi kéo chăn lên đến miệng, có hơi hụt hẫng, vì không muốn thay đổi cảm xúc đột ngột nên tôi gượng cười.
“Tôi rõ ràng là yêu T mà, đã nói rõ ràng là không thay đổi rồi, các người vui tính lên không được à.”
“Không thể tin là em vẫn thích tôi sau chừng ấy năm. Ván cược này, tôi đã thắng.”
“May cho cái tôi của…” của tôi á? Tôi thấy nó nhắc đến tên tôi, lướt xuống một chút nữa tôi lại thấy tên mình trên bảng tin của nó. Tôi ngưng lại, không xem nữa. Sự khó chịu bắt đầu nhen nhóm trong lòng. Khỉ thật, nó nhắc đến tên tôi 2-3 lần gì đấy, gì mà cái tôi của tôi là kẻ quyết định cơ chứ. Tôi không hề muốn tên mình xuất hiện trên những bài viết nhảm nhí của nó.
Giữa không gian tĩnh lặng, tôi mới để ý tiếng quạt quay. Tiếng động cơ âm thầm đến rợn người, có khác chi âm thanh nền cho một bộ phim sát nhân kinh dị nào đó, tôi không biết liệu mình có cần thứ phông nền này cho cái trạng thái hiện tại hay không. Tiếng ve đâu mất rồi? Chết thật, nhịp độ cứ đều đều thế này làm cho tôi phát điên, thực sự đấy, phải chăng do việc đột ngột hướng sự tập trung đến thứ gì khác, giống như việc hít thở là tất yếu, nhưng khi ai đó nhận ra mình đang thực hiện việc hít thở thì nó lại là gánh nặng.
Không thể chịu nổi việc đó, tôi đưa chân xuống, nhấn nút tắt quạt.
Đây là việc ngu xuẩn nhất mà tôi làm trong ngày, và giờ tôi nghĩ cách trút giận lên thằng B, kẻ kém cỏi và hèn mọn nhất tôi từng gặp trong đời. Tôi sẽ đánh đổ niềm tin của nó, không vì một lí do nào cả. Nếu muốn trách thì hãy trách sao nó đần độn đến thế. Bỏ qua những lời bắt chuyện, chào hỏi thừa thãi, không cần thiết. Tôi nhắn tin cho B. Chuyện là sau khi bị block, nó không hề biết rằng con bé kia đã kinh tởm và phỉ báng nó như nào. Thế mà nó vẫn một mực tin rằng người ta đang chờ cho nó tốt lên, là động lực để nó cố gắng. Sự ngu muội của nó giờ đây sẽ được tôi khai sáng, tôi gửi hàng loạt bức ảnh chụp màn hình làm bằng chứng gửi qua cho nó, nội dung kiểu thế này.
“Một thằng phê đá quấy rối tôi một cách đáng sợ và kinh tởm, đã thế này từng là bạn cùng lớp cấp ba nữa, thấy tôi im nên nó vẫn lấn tới, lần này nó tự lấy ảnh tôi mà tự thẩm. Thế là quá đủ rồi.”
“Tao định là đối với thằng khùng như mày không đáng để tao quan tâm, nhưng tao thấy quá tởm với khó chịu rồi, mai tao đăng hết tin nhắn mày gửi tao lên. Chưa bao giờ thấy tao chửi nên thích lấn đúng không. Tao hiền thì hiền nhưng đối với loại điên khùng như mày…”
“Bị quấy rối biến thái nhây như này thật sự ám ảnh ấy, thằng này thèm gái, thèm tui đến độ điên luôn ấy.”
Giờ thì sao nào, tôi đắc chí. Tất nhiên rồi, tôi luôn là người bạn thân thiết với nó hơn bất cứ ai. Cảm giác gì thế này? Tôi tưởng tượng cảnh nó suy tôn tôi như một Đấng toàn năng, kẻ đã giải thoát cho mọi sự khổ đau, chịu đựng mà nó đã lảm nhảm suốt thời gian qua.
Nó nhắn lại tôi.
“Tao đi chết đây.”
Tôi nghe lại được tiếng ve. Nó như xé rách màng nhĩ của tôi, tôi như bị điếc tạm thời. Tôi đọc tin nhắn của nó, chớp mắt hai lần.
“Này mày ơi, mày thấy nó có đáng không?”
Thằng B này thật sự không xứng đáng với cái chết một chút nào, nếu như có bất kì cột khói nào bốc lên từ lửa chốn A Tỳ thì chắc chắn phải thối rùm lên vì chính sự tồn tại của nó ở đó. Tôi phải làm sao bây giờ, có sự bất an không hề nhẹ, tôi ghen tị với cái chết một phần, thì sợ cái trách nhiệm tới chín phần. Sợ rằng ngày mai công an sẽ tới gõ cửa phòng tôi để lấy lời khai vì những dòng tin nhắn cuối cùng của tôi với nó. Rồi việc này sẽ được nhiều người biết. Phiền thật. Khi nãy tự xưng là Đấng toàn năng, Đấng cứu thế thế mà lại bị gông cổ đi thì nghe buồn cười nhỉ.
Tôi gọi cho nó cả chục cuộc nhưng nó không bắt máy.
Một lúc sau, tôi thấy nó xả hàng loạt trạng thái chửi đàn bà rồi chửi đời nên thấy an tâm hẳn.
Đêm đó, tôi ngủ vẫn ngon. Sáng hôm sau, chẳng có ai chết cả.
Mùa hè là những tiếng ve ủ dột.
**
Có một sự bất an luôn đeo bám tôi. Tôi sợ bị nhà trường đuổi vì quá hạn tốt nghiệp. Tôi sợ không có việc làm và trở thành kẻ vô lại đúng nghĩa. Tôi biết có cái gì đó còn tệ hơn thế nữa, nhưng rồi chẳng để làm gì, tôi cứ để mặc nó. Nỗi sợ hãi dai dẳng ấy khiến tôi phải luôn tính toán cẩn thận, chi li mọi việc, mặt khác, tôi lại thấy mình đang dần ngu đi.
Chừng một đến hai tiếng nữa là đến giữa trưa. Tôi vác cái thân xác ủ rũ vì thiếu ngủ từ kí túc xá ra bến xe bus, chuẩn bị lên đường về quê. Giữa tiết trời oi bức, hầm hập tới cực độ thế này, tôi có cảm tưởng như mình đang đi vòng quanh cái nồi nước sôi để nguội, không hề dễ chịu một chút nào. Ánh mặt trời chưa tới đỉnh đầu, chiếu xuống một góc ngang trán đổ thành chiếc bóng trải dài trên nền bê tông sần sùi, đầy gió bụi vút qua. Nhìn ở một phía đối diện nào đó, với cơ thể không mấy cân đối của mình, cùng với cái áo khoác đen bạc màu nhô ra ở phần bụng và cái giỏ xách lỉnh kỉnh trên tay, người ta sẽ thấy tôi như một tên mọt sách khù khờ. Tôi lê những bước chân nặng nề, lê luôn cái bóng vô hồn tựa như thứ nhựa đường đặc quánh, một loại keo nhớt vĩnh cửu nào đó theo sau. Tôi không nghĩ mình đang kéo lê chỉ một cái bóng, chưa biết chừng còn có hai, ba cái chụm lại nối tiếp nhau. Tôi gọi đó là nghiệp chướng.
Từ chuyện thằng B, tôi phần nào cảm nhận rõ được thứ nghiệp chướng ấy đã đến sớm hơn dự tính, dù nó chưa gây ra bất cứ hậu quả cụ thể nào.
Tối đó, tôi về tới nhà sau ba tiếng vật vã trên xe khách, tắm rửa, ăn uống rồi nghỉ ngơi. Đến tối ngày hôm sau, mẹ đã sai tôi qua nhà thằng B lấy chả cuốn và nước mắm.
“10 hộp chả, 5 chai nước mắm, 400 ngàn.” Mẹ cố tình nhắc đi nhắc lại.
“10 hộp chả, 5 chai nước mắm, 400 ngàn.” Tôi xác nhận lại cho mẹ.
“Con cứ đưa tờ 500 ngàn, khỏi phải hỏi bao nhiêu, để xem bả thối thế nào.”
Thế là tôi lên đường.
Tôi lái chiếc Lead quá khổ của mẹ băng băng qua những con đường đông đúc tối 25 Tết. Rẽ vào một con hẻm hẹp tới mức chỉ vừa đủ cho một xe đi vào hoặc đi ra, xe hơi hay các loại xe phân phối lớn khác thì buộc phải đậu ở đầu hẻm, sát bên cạnh đường lớn. Ở đó, tôi thấy có khá nhiều bịch nilong rác chất đống ở hai bên, hai ba cái thùng phuy nhựa màu xanh xếp ở một góc, bốc mùi, người ta dùng chúng để ủ mắm hay gì đó thì tôi không rõ. Và rồi, tôi dừng trước cổng nhà thằng B. Gọi là cổng, nhưng chính xác nó là cái hàng rào sắt được tận dụng lại để làm cổng, bên dưới được gắn mấy bánh xe để kéo cố định trên một miếng sắt khối tam giác. Nhìn qua cái chông sắt ngoài cùng, tôi thấy biển số nhà được viết bằng bút lông trên một miếng bìa cacton cũ nát, treo lủng lẳng.
Tôi ngồi trên xe, vươn người lên cái khe hở, nơi duy nhất tiếp giáp giữa căn nhà với thế giới bên ngoài, cất giọng gọi to.
“Cô N, cô N ơi.”
Tôi nhìn vô giữa hiên trước nhà có một chậu mai, bên trong sáng đèn và có tiếng nước chảy. Không ai đáp lại nên tôi gọi to một hai lần nữa.
Sống trong sự ngột ngạt thế này, không sớm thì muộn sẽ có ai đó phát điên mất. Tôi nghĩ vu vơ.
Chờ khoảng 15-20 phút, ngay sau lưng tôi, tiếng xe tay ga mỗi lúc càng rõ, có ánh đèn xe từ phía sau dội vào mắt.
“Chờ có lâu không con, cô bận chút công chuyện.” Người đàn bà tầm 40-45 tuổi đó nói bằng giọng Bắc đặc trưng.
“Dạ không cô, con chỉ mới đến.”
“Vào nhà chơi với bạn nha con, nó không bao giờ chịu ra khỏi nhà, cô nói suốt mà nó cứ đeo tai nghe. Cô cũng thua, có gì con nói nó giúp cô.”
Bà N xuống xe mở khóa cửa.
Tôi đồng ý phụ mẹ đi lấy hàng vì muốn xem thằng B hiện đang tệ hại đến mức nào. Không ngoài dự đoán của tôi, bà N sẽ đề cập đến thằng con bả trước tiên.
“Để có gì con nói nó, tầm 10-15 phút thôi nha cô, lát con về còn chở em đi học.”
Tôi muốn xong công chuyện cho mau nên nói cho có chứ cũng không muốn dính dáng gì nhiều với thằng B nữa.
“Con vào nhà chơi.”
Căn nhà khá là chật. Lối vào căn bếp thì chỉ vừa cho một người đi. Đồ đạc không ngăn nắp cộng với mùi ẩm mốc tạp lẫn với mùi đồ ăn làm tôi không muốn ở lại lâu.
Tôi chờ bà N lấy mấy hộp chả cuốn với nước mắm từ tủ lạnh ra bỏ vào bịch đựng. Bả vừa lấy vừa nói.
“Nó bỏ học, giờ thành ra như này, có lần cô giấu máy tính của nó đi, nó đánh cô. Cô khóc nhiều lắm, ba nó cũng nói hết nổi, giờ chú đang đi làm, cô không biết phải làm sao hết con ạ. Con là người bạn duy nhất của nó, có gì con bảo bạn, rủ bạn đi chơi, giúp cô nha con.” Bà N nói với giọng ấm ức, tôi sợ chỉ một phản ứng nhỏ thôi cũng đủ khiến bả khóc.
“Dạ, có gì để con nói bạn.”
Bà N để túi đồ của tôi lên bàn rồi qua mở cửa căn phòng sát bên. Như cái cách mà gia chủ khoe khoang bất cứ thứ gì quý giá trong nhà họ. Bà N bảo tôi lại.
“Này con xem.”
Tôi ló ngay cái đầu vô, chầm chậm bước vào, đứng ngay cửa, lựa chỗ nào sạch nhất để đặt mũ bảo hiểm.
Thằng B nằm đó, mụn đầy mặt, tóc tai bù xù. Quê mùa hơn bao giờ hết, nó mặc cái quần tây trung học màu xanh, áo thể dục cấp 2. Nó đeo tai nghe, nằm bấm điện thoại, cố ý phớt lờ đi sự tồn tại của mẹ nó ở đó. Phòng nó bừa không kém gì mớ đồ đạc bên ngoài. Toàn rác. Vỏ bánh, vỏ trái cây vứt lung tung, nhưng nhìn trông có vẻ là chưa dọn hôm qua hôm kia thôi. Tôi để ý đến mấy tấm poster Attack on Titans nó dán đầy trên tường, trên tủ quần áo. Thằng B đã thấy tôi, nó nhướn người dậy với vẻ mặt bất ngờ lắm.
“Hai năm rồi nhỉ.” Tôi nói.
“Bạn tới chơi này.”
Nó ngồi dậy, không nói lời nào.
Tôi vờ rủ nó đi cà phê vì tôi biết chắc chắn nó sẽ không đi.
“Mai mốt gì… Đi cà phê không?”
Nó đeo tai nghe nên không nghe thấy lời tôi nói. Tôi nói như hét to một hai lần nữa.
“Mai mốt gì… Đi cà phê không!”
Má nó hét theo.
“Mày bỏ cái tai nghe ra mà nói chuyện với bạn, sao bất lịch sự thế!”
Nó vẫn ngồi đó bấm điện thoại.
“Dạ bạn nhắn cho con rồi, giờ con về chở em, hôm nào rảnh con lại ghé.” Tôi cố tránh né.
Bà N đang nhìn chằm chằm thằng con bả trong sự tuyệt vọng của một người mẹ điên sợ ai đó cướp mất đứa con trai đầu lòng của mình, bả quay sang nhìn tôi, đột ngột thay đổi thái độ.
“À vậy hả, ừ con đi đi.” Bà N đứng dậy tiễn tôi ra cửa.
Tôi vừa không thể chịu được mùi hôi từ căn phòng tù túng, vừa không thể chịu được mùi cơ thể bốc ra từ người thằng B. Tôi đi thật chậm để không lộ ra cái cảm xúc đó cho người ta thấy. Dù với cách cư xử dửng dưng như thế, tôi cảm thấy phần nào đó, một sự bất an, đập thình thịch như một khối u nhọt nhỏ trong não. Giống với sự bất an của một bác sĩ tâm thần đang trong kì thực tập, tinh thần có thép gấp mấy, số ít cũng phải lay chuyển với sự cuồng loạn trong nhà thương điên.
Tôi cầm giỏ đồ đi phía sau bà N thì quên mất cái nón bảo hiểm còn để trong phòng nên quay lại lấy. Thằng B vẫn nằm đó, cắm tai nghe, khi thấy tôi vào nó nhấc đầu dậy một chút nhưng chẳng nói câu nào.
“Tao quên mất cái nón, chào nhé.”
Thằng B chắc chắn sẽ nhìn ra tôi là một thằng đạo đức giả. Bà N thì có vẻ đang ghen tị với tôi. Tôi nghĩ thế.
Bà N đợi sẵn ở cửa, tôi đi ra cũng không nói câu nào, ngồi lên xe, treo giỏ đồ phía trước.
“Con thấy chưa.”
“Nó là con một, cô chỉ có nó. Cô tính là sau Tết, cô gửi nó đi trại cai nghiện game ở Thủ Đức… Tết này con tranh thủ qua rủ bạn đi chơi giúp cô nhé.”
“Dạ vâng.” Tôi gật đầu. “Thế cũng tốt cho nó.” Tôi trả lời qua loa. “Hiếm khi có dịp về, nào con rảnh, con qua rủ nó.”
Tôi khẳng định một điều rằng phán đoán của bà N sai bét.
Và như một kẻ dối trá, nguyên kì nghỉ đó, tôi cũng không rủ nó đi chơi, vì đằng nào nó cũng có đi đâu, hơn nữa tôi sợ nó làm mình mất mặt.
Lúc về nhà tôi mới sực nhớ là mình chưa lấy tiền thối. Tôi nói mẹ nhắc bà N chuyển khoản lại được không. Mẹ bảo tôi chiều mai qua lấy thêm hai ba hộp gì đấy. Vậy là tôi phải qua nhà nó một lần nữa.
Dù không muốn, cũng chẳng liên quan, tôi phải nhắc đến con T như một sự thiếu sót trong câu chuyện thằng B. Những gì ấn tượng còn sót lại của tôi về nó là vòng một quá cỡ so với đa số bọn con gái trong lớp, thân hình đầy đặn, không thon thả kiểu đại trà nhưng luôn toát ra mùi thu hút bọn con trai trung học đến tuổi dậy thì. Tôi thường tia cặp ngực nó qua lớp áo dài trắng mỏng manh, soi những hoa văn đồ lót lấp ló của nó, nhờ việc săm soi đó mà để ý đến từng nhịp nó thở, chỉ cần sự lắc lư nhẹ thôi cũng khiến tôi thấy có chút hưng phấn trong những giờ học nóng nực và chán ngắt. Con bé này là một sự tồn tại dâm đãng, hoặc sự dâm đãng đang được nó khéo léo che giấu dưới lớp vỏ bọc quần áo kia, lúc đấy tôi đã nghĩ như thế.
Con T từng chia sẻ rằng nó tự ti, nó không yêu cơ thể của mình. Nó đứng trên một ngọn tháp mục nát đến tận gốc rễ, sau lưng là hàng trăm ngọn thương đang chực chờ đâm nó thành miếng da rách, nhìn xuống thế giới với cái nhìn giản đơn chỉ thấy trong phim ảnh mà phát ngôn như thế. Nó lừa dối hết thảy mọi người, lừa chính bản thân nó cho nên bây giờ nó có chụp hình hở ngực tôi cũng không lấy gì làm lạ. Thằng B vốn đã ngu độn hết thuốc chữa, con T này cũng chẳng khá hơn những lời nó phỉ báng người ta. Tôi nhớ có lần, trong giờ Vật Lý, con T này điểm thấp nhất lớp, nó lên khóc lóc xin thầy nâng điểm, thế mà bị thầy chọc cười, ngoài mặt tôi giả vờ tỏ vẻ tiếc nuối, bên trong thấy thật hả dạ làm sao.
Chiều hôm đó, tôi không phải đợi lâu như hôm qua, vừa gọi 1-2 tiếng, thằng B như đợi sẵn ở cửa, nó đưa tôi hai hộp chả với chai nước mắm rồi bỏ vào nhà. Nó khờ tới độ còn chẳng có cái bịch bọc lại cho người ta.
“Này cho tao xin cái bịch.”
Có vẻ nó nhìn khẩu hình miệng của tôi mà đoán được điều gì nên khoan đóng cửa, mặt nó ló ra, há mồm tỏ vẻ khó hiểu.
Vì là ban ngày nên tôi mới trông thấy được bộ dạng khó coi của nó. Nước da trắng, xanh xao. Khuôn mặt rổ nát, lở loét, đầy những vết bầm đỏ do nó tự nặn mụn. Răng thì ố vàng, trên răng cửa còn xuất hiện một vết đen đen kinh tởm, không biết có phải mảng bám thức ăn không, nhưng tôi thấy nó giống như bị sâu hơn. Sự hiện diện của nó đi kèm với sự bốc mùi khó tả, cái lúc nó mở miệng ra thì thật sự thối tới mức chỉ đáng vứt ở nơi ruồi bu kiến đậu. Nếu như có bất cứ ai thấy được cái giao diện này, một là họ sẽ phì cười ra trò, hai là khó chịu tới mức tức điên lên.
Tôi chợt nghĩ đến việc đẩy con T vào không một chút do dự.
Thằng B sẽ làm gì? Nhảy vào xâu xé con bé hay đập đầu vào tường chết tức tưởi?
Tôi chỉ vào tai ra hiệu nó bỏ tai nghe ra rồi nhăn mặt hét to.
“Cho tao xin cái bịch!”
Nó đem một cái bịch rách ra đưa rồi đứng đó nhìn tôi loay hoay sắp xếp từng món. Đúng là không thể kì vọng gì nhiều, may mắn là cái bịch này vẫn xài tạm được. Tôi móc túi đồ vào cốp trước rồi quay sang hỏi nó.
“Đi net không tao chở?”
Nó bỏ một bên tai nghe ra, nhe răng cười, lắc đầu từ chối. Tôi như đã hoàn thành trách nhiệm của mình với nó, chẳng còn gì để nói nữa cả, tôi rồ ga, quay đầu xe. Thằng B vội đóng cửa, lủi thủi chui vô nhà.
Tiếng chó sủa từ mấy nhà hàng xóm sát bên tiễn tôi ra khỏi hẻm.
Tôi về đưa đồ cho mẹ rồi lại chạy đi chơi đến tối.
Tôi phóng qua màn đêm, len lỏi vào trong những con phố lấp lánh ánh đèn với nỗi sợ bị bóng đêm nuốt chửng. Sự áy náy ấy nảy sinh khi tôi sắp sửa về tới nhà, tôi phải đối diện với niềm tin rằng mình đã khước từ một đứa trẻ tật nguyền đang dang tay nhờ sự giúp đỡ.
Theo một cách ngu ngốc nào đó, tôi gọi đứa trẻ ấy là nghiệp chướng.
Dĩ An, ngày 25 tháng 2 năm 2024.
N.V.P